Là một tỉnh thuộc vùng Tây Bắc có 27 dân tộc anh em sinh sống, Lào Cai được thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, theo Quyết định 1592/QĐ-TTg ngày 12-10-2009 của Thủ tướng Chính phủ. Sau 2 năm triển khai thực hiện, Lào Cai đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng .
Công tác hướng dẫn, vận động tuyên truyền, tổ chức chỉ đạo thực hiện của cấp uỷ, chính quyền các cấp sát thực, kịp thời, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tự nguyện và tích cực tham gia. Việc hướng dẫn, tổng hợp, xây dựng kế hoạch, xét duyệt danh sách các hộ nghèo được thụ hưởng đảm bảo đúng chế độ chính sách quy định. Tiến độ thực hiện đảm bảo yêu cầu cả về thời gian và quy mô chất lượng, tác động tích cực tới sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Trình độ quản lý và năng lực điều hành của UBND cấp xã được nâng lên, chính sách đã góp phần tạo điều kiện cho các hộ dân từng bước giảm bớt khó khăn, nâng dần mức sống và vươn lên xoá đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai, trong quá trình tổ chức thực hiện còn gặp những khó khăn sau:
1- Kinh phí Trung ương cấp còn hạn chế, thông báo vốn chậm, trong khi Lào Cai là một tỉnh nghèo phải trợ cấp từ ngân sách của Trung ương trên 70%, không có vốn đối ứng 20% theo quy định, việc triển khai thực hiện một số chính sách còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2010, theo kế hoạch Trung ương thông báo hỗ trợ vốn cho Lào Cai là trên 160 tỷ đồng với 4 nội dung: hỗ trợ đất sản xuất (hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất, giao khoán, bảo vệ rừng và trồng rừng, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề); hỗ trợ nước sinh hoạt (hỗ trợ nước sinh hoạt trực tiếp cho hộ gia đình, nước sinh hoạt tập trung); hỗ trợ nhà ở, đất ở; cho vay vốn để hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, đến hết năm 2011, Trung ương mới giao 23 tỷ đồng, từ nguồn vốn này cộng với 268 triệu đồng từ vốn dư năm 2010 chuyển sang, tỉnh đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp và khởi công mới 43/223 công trình cấp nước tự chảy, đạt 19,3% mục tiêu của Đề án, trong đó có 22 công trình đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng. Số hộ được hưởng lợi từ các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung là 2.953 hộ/9.101 hộ đạt 32,44% so với đề án.
2- UBND tỉnh đã triển khai xây dựng Đề án hỗ trợ với mục tiêu: Hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho hơn 1.860 hộ/37.260 triệu đồng; giao khoán bảo vệ và trồng rừng 12.730 triệu đồng; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề 9.920 triệu đồng; hỗ trợ đi xuất khẩu lao động 3.135 triệu đồng; hỗ trợ đất ở, nhà ở cho 2.170 hộ, kinh phí là 42.390 triệu đồng (theo Quyết định 167). Qua hai năm vẫn chưa triển khai thực hiện được, bởi đất sản xuất nông lâm nghiệp đã được giao lâu dài cho các hộ sử dụng; quỹ đất của các địa phương để thực hiện nội dung hỗ trợ đất sản xuất, đất ở không còn, chủ yếu là vận động nhân dân tự nguyện nhượng lại cho nhau. Nguồn vốn Trung ương phân bổ có hạn nên UBND tỉnh dành nguồn vốn chủ yếu ưu tiên cho việc xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.
3- Đối tượng hưởng lợi theo Quyết định 1592 đều là hộ dân tộc thiểu số nghèo (theo tiêu chí cũ), rất khó khăn về tài chính, khả năng tự vận động thấp, đều dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước và sự giúp đỡ của cộng đồng. Trình độ dân trí còn hạn chế, tư tưởng trông chờ đầu tư của Nhà nước là chủ yếu, ý thức tham gia đóng góp xây dựng công trình chưa được người dân thực sự quan tâm. Các công trình nước sinh hoạt tập trung chủ yếu được xây dựng đầu tư tại các thôn bản có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đường đi lại khó khăn, nguồn cung cấp nước ở xa, nhiều công trình phải tận dụng 2 đến 3 nguồn nước mới đảm bảo cung cấp, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư xây dựng, vận chuyển vật liệu, thời gian thi công bị kéo dài; một số tuyến ống nước do thi công trên các địa hình, địa chất phức tạp nên một số đoạn đường ống, độ sâu chôn ống không đạt so với thiết kế do đó phát sinh thêm khối lượng và kinh phí.
4- Nhiều chủ đầu tư chưa phối hợp chặt chẽ với cơ quan thường trực cấp huyện, cấp xã để trao đổi thông tin và giải quyết những vấn đề vướng mắc. Một số công trình giao kế hoạch vốn lớn hơn dự toán được duyệt phải điều chỉnh nhiều nên làm chậm tiến độ. Nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung chưa thực hiện tốt khâu khảo sát thiết kế và thi công công trình, chất lượng, hiệu quả công trình còn thấp như ở các xã: Tả Ngài Chồ (huyện Mường Khương); Lao Chải (huyện Sa Pa). Bên cạnh đó, công tác quản lý, khai thác sử dụng, duy tu bảo dưỡng công trình chưa được các địa phương quan tâm đúng mức, ít kiểm tra đôn đốc nên ảnh hưởng đến tuổi thọ và hiệu quả của công trình. Một số xã được giao làm chủ đầu tư chưa thực hiện đúng nhiệm vụ, không nắm chắc về công tác quản lý thi công công trình, quản lý hồ sơ, tiến độ, chất lượng công trình, không triển khai giám sát, phó thác cho đơn vị thi công, như công trình nước tại các thôn Bản Phung và Nậm Cọ, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn...
5- Năng lực tư vấn, thi công của một số doanh nghiệp còn yếu, hạn chế, làm chậm tiến độ (như Công ty TNHH 1 thành viên tư vấn xây dựng Nam Sơn thực hiện ở xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương)... Cấp ủy, chính quyền một số xã chưa thực sự quan tâm, sâu sát trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách, chưa nghiên cứu kỹ nội dung các văn bản, dẫn đến việc hỗ trợ cho hộ nghèo sai hình thức, chồng chéo như hộ không nằm trong diện nghèo vẫn được hỗ trợ, hộ đã có hệ thống nước theo chương trình 134 lại được cấp đường nước theo chương trình 1592 như ở xã Thanh Phú, huyện Sa Pa...
Để thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt theo Quyết định 1592 của Thủ tướng Chính phủ được hiệu quả, các cấp, ngành ở Lào Cai xác định tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, các cấp ủy coi trọng lãnh đạo các các cơ quan, địa phương, đơn vị được giao nhiệm vụ rà soát và có những giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo kế hoạch đề ra. Đề xuất Trung uơng sớm bổ sung nguồn vốn theo kế hoạch, nhất là nguồn vốn đã được phê duyệt năm 2012.
Thứ hai, tiếp tục công tác tuyên truyền, thông tin, phổ biến chính sách đối với nhân dân các dân tộc để họ hiểu rõ nội dung, quyền lợi và trách nhiệm trong thực hiện chính sách hỗ trợ. Đặc biệt quan tâm quán triệt và hướng dẫn đội ngũ cán bộ cấp xã trong tổ chức thực hiện các nội dung của chương trình trên địa bàn.
Thứ ba, tăng cường chỉ đạo, nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, thi công các công trình xây dựng cơ bản, đảm bảo sự đồng bộ, phù hợp với quy hoạch và tình hình thực tế của địa phương, phát huy được hiệu quả đầu tư. Các địa phương cần thường xuyên đôn đốc và giám sát các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, hoàn thiện hồ sơ bàn giao, hoàn chỉnh hồ sơ phê duyệt quyết toán; tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa các công trình sau đầu tư.
Ngô Hữu Tường
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Lào Cai