Những năm qua được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thông qua các chương trình, chính sách đầu tư, cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, kinh tế của tỉnh đã có bước phát triển rõ rệt, đời sống đồng bào các dân tộc được nâng lên, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững... Những kết quả này có sự góp công của người có uy tín, việc phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Hà Giang luôn được Trung ương đánh giá cao và có nhiều tỉnh bạn đến trao đổi kinh nghiệm.
Ghi nhận ở thôn Tân Tiến
Vai trò của người có uy tín quan trọng đối với chính quyền cơ sở, nhất là các thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Người có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia giải quyết những công việc như người dân thường gọi việc làng, việc xã. Thôn Tân Tiến (xã Phương Độ, TP. Hà Giang) đã hoàn thành làm đường giao thông nông thôn theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Con đường rộng 3,5 m chạy dọc khu dân cư làm đẹp thêm miền sơn cước, hai đên đường là những ruộng lúa bậc thang, cuộc sống thanh bình làng trên xóm dưới của Tân Tiến đang hiện diện của sự đổi thay no ấm. Cả thôn Tân Tiến có 77 hộ gia đình dân tộc Tày, nhưng có 43 hộ khá còn lại là trung bình, không có hộ nghèo. Đồng chí Bí thư chi bộ thôn Tân Tiến chia sẻ với chúng tôi về phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống tại thôn rất mạnh, trong đợt phát động hiến đất làm đường giao thông nông thôn đã có 22 hộ tham gia, nhiều gia đình tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Văn Dầu hiến 115m đất thổ cư cho thôn làm đường. 100% số hộ trong thôn đã huy động hàng trăm ngày công để làm đường. Có được sự đồng thuận đó là do sự sát sao của ban chi ủy, chi bộ thôn mà vai trò tiên phong chính là Bí thư chi bộ và Trưởng thôn. Đồng chí Nguyễn Truyền Thái, Bí thư chi bộ thôn Tân Tiến cho biết: Để làm tốt vai trò của mình, phải luôn đi sâu, đi sát đời sống của người dân, luôn lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người dân trong các công việc của thôn xóm. Biết được nguyện vọng chính đáng của người dân, chính là cách vận động người dân làm theo chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước hiệu quả nhất. Trước mỗi công việc như: chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình xây dựng đời sống ở văn hóa ở khu dân cư, ngoài việc vận động những người có uy tín, thì việc bàn bạc công khai, dân chủ, minh bạch các khoản thu chi đóng góp của người dân thông qua các buổi họp từ đó tạo sự đoàn kết và dân chủ để cộng đồng cùng tham gia. Nhiều hộ gia đình ở Tân Tiến vì thế luôn tin tưởng vào vai trò lãnh chỉ đạo của cán bộ thôn.
Ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng thôn Tân Tiến cho biết: Gần dân, hiểu dân và biết được nhu cầu thực sự của người dân đó chính là thành công của đội ngũ cán bộ, thôn Tân Tiến, nhất là việc phát huy vai trò nòng cốt của người có uy tín để xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh.
Phát huy vai trò của người có uy tín
Với tinh thần cần cù, sáng tạo và giàu kinh nghiệm trong cuộc sống, mong muốn được cống hiến nhiều cho gia đình và xã hội, người có uy tín là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế xoá đói giảm nghèo, đồng thời còn làm tốt vai trò động viên con cháu, vận động bản làng tích cực phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến độ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả cao... Đặc biệt trong phong trào xây dựng nông thôn mới được người có uy tín nhiệt tình ủng hộ, tham gia hiến đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi... Kết quả, nhiều người đã trở thành gương sáng về phát triển kinh tế ở cơ sở, trở thành điển hình cho cộng học tập.
Cùng với các hoạt động trên, nhiều người có uy tín còn tham gia hội viên “Hội nghệ nhân dân gian”, thông qua hoạt động của hội, người có uy tín phát huy vai trò của mình trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, các phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghề truyền thống..., như: Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông; Lễ hội Chợ tình Khâu Vai của dân tộc Nùng, Lễ hội Cầu Mưa của dân tộc Lô Lô; Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày; Lễ hội Múa trống của dân tộc Giấy, Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn... Có hàng chục nghề truyền thống được nghệ nhân truyền dạy cho cộng đồng như: Dệt lanh Thổ Cẩm, nghề may, nghề sản xuất giấy, nghề rèn đúc dụng cụ sản xuất nông nghiệp... Các hoạt động tín ngưỡng dân gian như: Lễ cấp sắc của dân tộc Dao, cúng cơm mới, cúng xuống đồng, cúng thần rừng... đều do các nghệ nhân chủ trì tập hợp cộng đồng tổ chức. Bên cạnh đó, các nghệ nhân còn sưu tầm, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, các áng mo, bài cúng hay các trò chơi dân gian như đánh yến, ném còn, đẩy gậy.
Đồng chí Phạm Hải Khơi, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang cho biết: Từ năm 2010 đến nay, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và các bộ ngành Trung ương, hàng năm tỉnh giao cho Ban Dân tộc và các ngành chức năng phối hợp với UBND cấp huyện lập danh sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả bình xét, công nhận người có uy tín: Năm 2010 có: 1.267 người; năm 2011 có: 1.987 người; năm 2012 có: 1.897 người và năm 2013 là 2.115 người.
Thực hiện sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, người có uy tín nhiệt tình tham gia, phối hợp với các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, mạn đàm, hướng dẫn, tổ chức vận động con cháu trong gia đình và cộng đồng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cụ thể hoá nội dung tuyên truyền bằng những việc làm cụ thể như: thành lập tổ đổi công, ký kết giao ước thi đua phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, tham gia các hoạt động từ thiện, không để con cháu mắc các tai tệ nạn xã hội,... Vì thế, trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đội ngũ người có uy tín vừa là tuyên truyền viên đắc lực, vừa là những cá nhân gương mẫu để con cháu, cộng đồng noi theo.
Nguyễn Trường Giang
Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Giang