Huyện Mù Cang Chải có 13 xã và 1 thị trấn, trong đó người Mông chiếm khoảng 91%, còn lại là các dân tộc Thái, Kinh, Tày, Mường... Những năm chín mươi của thế kỷ trước, cuộc sống ở nơi đây vẫn còn mang nặng những phong tục, tập quán lạc hậu và cổ hủ như: đẻ dày, đẻ nhiều, ma chay, cưới xin thường để dài ngày, mổ nhiều trâu, bò gây tốn kém tiền bạc, của cải, mất vệ sinh. Ngoài ra, bà con còn chặt phá rừng để lấy đất trồng lúa nương, tam giác mạch, kê tím, ngô, khoai… Mỗi năm, bà con chỉ gieo cấy một vụ, việc chăm bón chưa được quan tâm nên năng suất cây trồng thường đạt rất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Vụ đông, bà con gieo trồng cây thuốc phiện để chích quả lấy nhựa dùng trao đổi tiền bạc, hàng hóa, lương thực, mắm muối và dùng làm thuốc chữa bệnh thông thường như nhức đầu, sổ mũi, giảm nhức mỏi. Vì thế nên cây thuốc phiện đã nở hoa khắp các bản người Mông. Những xã gieo trồng ít thì từ 30 đến 40 ha, còn những địa phương có đất thổ nhưỡng tốt thì gieo trồng tới 70 - 80 ha, thâm chí còn có những địa phương còn trồng lên đến gần 100 ha như các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Nậm Có... Hậu quả là nhiều gia đình có từ 1 đến 2 người nghiện, thậm chí có những gia đình có tới 3 - 4 người nghiện. Người nghiện thường làm việc kém hiệu quả, năng suất lao động thấp, thời gian chơi thì nhiều, làm việc thì ít, đói nghèo xảy ra triền miên, thiếu gạo ăn từ 3 đến 5 tháng/năm.
Trước thực trạng đó, cấp uỷ, chính quyền huyện Mù Cang Chải đã đưa ra nhiều giải pháp về xóa đói, giảm nghèo, đẩy lùi tệ nạn ma túy trên địa bàn như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh, tăng vụ, tuyên truyền, vận động toàn dân thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc xóa bỏ hoàn toàn cây thuốc phiện trên địa bàn... Nhiều người dân đã phản đối vì rét ở đây thường kéo dài, bà con sợ cây lúa không lên nổi, uổng công làm. Nhưng với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, lãnh đạo huyện, lãnh đạo các xã đã đến tận thôn, bản họp dân, kiên trì tuyên truyền, vận động và phân tích cho dân hiểu về lợi ích lâu dài của việc thực hiện các giải pháp này.
Đồng chí Sùng A Sa, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nậm Có nhớ lại: “Ban đầu, xã mới triển khai thực hiện việc bỏ trồng, bỏ hút thuốc phiện và đưa cây lúa nước vào trồng trong vụ đông, nhiều người dân không ủng hộ nhưng lãnh đạo xã cho đó là chủ trương đúng đắn nên quyết tâm thực hiện. Năm 1993, khoảng gần 100ha cây thuốc phiện trên địa bàn xã được xóa bỏ và đến năm 1994, xã đã đưa cây lúa nước vào gieo trồng thí điểm trên diện tích 6 ha. Vụ ban đầu thành công, người dân đã tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng bộ, chính quyền xã”.
Sau thí điểm đầu tiên được thực hiện thành công ở các xã Nậm Có, Cao Phạ, Mồ Dề và thị trận Mù Cang Chải, cấp uỷ, chính quyền huyện Mù Cang Chải đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông huyện chủ động giống, phân bón, vật tư cho các vụ tiếp theo; phân công mỗi ban, ngành, đoàn thể phụ trách mỗi xã, các xã cũng phân công cán bộ phụ trách các thôn, bản để phối hợp, đôn đốc nhân dân thực hiện kịp thời việc gieo cấy vụ đông xuân. Là huyện có khí hậu khắc nghiệt, mùa rét thường kéo dài nên các ban, ngành, đoàn thể được phân công phụ trách địa bàn còn phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, để nghiên cứu, xem xét, lựa chọn thời điểm gieo mạ, làm đất, đảm bảo gieo trồng đạt hiệu quả. Từ đó, việc gieo trồng lúa nước vụ đông xuân được triển khai thực hiện sâu rộng đến tất cả các xã, thị trấn trong toàn huyện và việc gieo trồng cây thuốc phiện đã được xóa bỏ hoàn toàn.
Từ khi sản xuất hai vụ, đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện đã từng bước được nâng lên. Dần dần, người dân đã có ý thức tự giác gieo trồng và chăm sóc, bảo vệ tốt cây lúa đông xuân. Những năm gần đây, diện tích lúa vụ đông xuân và vụ mùa trên địa bàn huyện Mù Cang Chải không ngừng tăng lên. Năm 2011, diện tích lúa vụ đông xuân của toàn huyện là 860 ha, vụ mùa là 2.578 ha; năm 2012, vụ đông xuân tăng lên 1.050 ha, vụ mùa 2.639 ha và đến năm 2013, diện tích cây lúa nước của toàn huyện đã tăng lên đến 3.710 ha, trong đó có 1.205 ha lúa vụ đông xuân. Đi đôi với tăng vụ, người dân cũng thâm canh, chăm sóc, đảm bảo có đủ nước tưới. Nhờ đó, năng suất lúa cũng không ngừng nâng lên, nếu như năm 2011, đạt 42,5 tạ/ha thì đến năm 2013, tăng lên 46,4 tạ/ha. Tổng sản lượng lương thực năm 2013, đạt 25.532 tấn, đã vượt 0,5% kế hoạch và tăng 11.023 tấn so với năm trước. Vụ đông xuân năm 2014, hầu hết các xã đều đăng ký và thực hiện đạt cao hơn kế hoạch đề ra của huyện. Ví dụ như Nậm Có, kế hoạch huyện giao là 235ha thì người dân đã đăng ký thực hiện đạt 250 ha; xã Cao Phạ 195 ha thì đã thực hiện được 210 ha; Mồ Dề kế hoạch giao là 45 ha nhưng người dân đăng ký và thực hiện đạt gần 60 ha.
Đồng chí Giàng A Vàng, Bí thư Đảng ủy xã Khao Mang cho biết: “Năm 1997, xã đã thực hiện gieo cấy 15 ha lúa vụ đông xuân, diện tích này đã được nâng lên 30 ha năm 1998, 70 ha năm 1999 và cho đến vụ năm 2013 - 2014 xã đã thực hiện đạt 165 ha, vượt 25 ha so với kế hoạch huyện giao. Sản xuất được vụ đông xuân, nhân dân có đủ cơm ăn nên nay khi đến thời vụ, người dân nơi đây đã biết tự giác làm không cần nhắc nhở”.
Đến các bản làng vùng cao ở Mù Cang Chải, chúng ta không còn chứng kiến cảnh người dân ăn củ mài, củ nâu như trước nữa. Ông Chang A Dờ ở bản Phình Ngài, xã Nậm Có, cách trung tâm xã nửa ngày đường đi bộ cho biết: “Bà con chúng tôi làm thêm vụ đông xuân cho nên khoảng 5 năm trở lại đây, người dân ở bản tôi và gia đình tôi không còn ăn cơm ngô, không còn ăn bánh tam giác mạch nữa. Khi có gạo ăn tôi thấy sức khỏe đảm bảo hơn”.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Trọng Khang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải khẳng định: “Sau khi thực hiện sản xuất vụ đông xuân thắng lợi, bình quân lương thực đầu người của huyện đã đạt 500kg/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo từng bước giảm, năm 2012 là 75%, năm 2013 là 66% và hết năm 2014 này, huyện sẽ cố gắng giảm xuống 60%. Năm nay, số hộ mà Đảng, Nhà nước phải cứu trợ chỉ còn rất ít với số gạo cứu trợ mới chỉ 30 tấn”.
Kể từ khi huyện Mù Cang Chải thực hiện việc thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cuộc sống của hàng nghìn hộ dân nơi đây không những thoát khỏi đói giáp hạt mà còn có của ăn, của để, mua sắm được đầy đủ các dụng cụ sản xuất, tiện nghi sinh hoạt trong gia đình, nhiều hộ trở nên khá giả. Bà con đã nâng cao nhận thức, xóa bỏ những tập quán, hủ tục lạc hậu. Vùng đất khô cằn bao đời nay đã hồi sinh, kinh tế - xã hội từng bước tăng trưởng đi lên.
Bài, ảnh: Sùng A Hồng
Báo Yên Bái