Công tác phát triển đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân nói chung, kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng nói riêng là một chủ trương lớn của Đảng. Chủ trương này ra đời đã giúp các đơn vị kinh tế tư nhân nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; đảng viên phấn khởi, yên tâm, tiếp tục phát huy mọi nguồn lực để góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Đỗ Minh Gắng (đứng, bên trái), Giám đốc Công ty TNHH Thép Đông Hưng
được Ban Thường vụ Quận ủy Long Biên kết nạp vào Đảng.
Bước chuyển trong nhận thức của Đảng Qua 35 năm đổi mới, Đảng ta luôn coi trọng và quan tâm phát triển các thành phần kinh tế, trong đó kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Đại hội VI của Đảng (năm 1986) đã mở đầu cho công cuộc đổi mới đất nước, chỉ rõ 6 thành phần kinh tế và xác định “nền kinh tế có nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ”. Đến Đại hội XII, Đảng xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước, phải quan tâm, ưu tiên phát triển lực lượng kinh tế này, xây dựng thành động lực chính cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Đây cũng là lần đầu tiên Đảng ta khẳng định chủ trương: “Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”.
Cụ thể hóa tinh thần Đại hội XII, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) đã thông qua Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN khẳng định: “Kinh tế tư nhân ở nước ta đã không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng, ngày càng tích cực hơn”. Đồng thời xác định: “Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ”. Đây có thể coi là bước hoàn chỉnh về nhận thức của Đảng đối với việc phát triển kinh tế tư nhân trong không gian kinh tế của đất nước.
Để tăng cường hiệu quả của kinh tế tư nhân, gắn kinh tế tư nhân với môi trường chính trị, kinh tế của đất nước, đưa nền kinh tế - xã hội phát triển đúng định hướng XHCN, Đảng ta đã quan tâm xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên, phát triển các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp tư nhân.
Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1-1994), Đảng chủ trương“Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”. Theo đó, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 23-11-1996 về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là dấu mốc quan trọng cho quá trình mở đầu công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp tư nhân.
Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 2-2-2008 của BCH Trung ương (khóa X) “Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên” đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng không gian chính trị trong hệ thống kinh tế đang chuyển đổi mạnh mẽ của đất nước. Năm 2010, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 80-KL/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới. Theo tinh thần Kết luận số 80-KL/TW, Ban Bí thư giao Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho chủ trương tổng kết, đánh giá kết quả để tiếp tục thực hiện Quy định số 15-QĐ/TW về đảng viên làm kinh tế tư nhân và thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại thời điểm này đã cân nhắc rất kỹ lưỡng, giao Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn trong phạm vi, đối tượng phù hợp, vừa làm, vừa tổng kết rút kinh nghiệm. Điều đó thể hiện tư duy, nhận thức, tầm nhìn, bước đi, cách làm thận trọng của Đảng ta về một chủ trương mới. Đây chính là cơ sở quan trọng cho việc ban hành Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW (sau đây gọi tắt là Hướng dẫn 17) ngày 30-01-2013 về thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng.
Có thể khẳng định, từ chủ trương của Đảng cho đảng viên làm kinh tế tư nhân ở Đại hội X, đến Đại hội XI, Đảng cho phép “thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng” là sự đổi mới trong tư duy lý luận quan trọng của Đảng, góp phần tăng cường trí tuệ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, cũng như tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thành phần kinh tế quan trọng này.
Những kết quả nổi bậtSau khi Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 17, các tỉnh ủy, thành ủy đã chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc rà soát, đánh giá thực trạng tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân và tình hình tổ chức, hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên trong khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn; kiện toàn hoặc thành lập ban chỉ đạo xây dựng tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.. Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng tình hình, một số tỉnh ủy, thành ủy đã ban hành nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn hoặc xây dựng đề án, kế hoạch; lựa chọn những chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn để thí điểm kết nạp vào Đảng; đồng thời chú trọng thành lập các đoàn thể quần chúng, nhất là tổ chức công đoàn và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để tạo nguồn kết nạp đảng viên.
Trong quá trình thực hiện Hướng dẫn số 17, Đảng và Nhà nước đã tiếp tục bổ sung, ban hành nhiều văn bản mang tính chiến lược, đồng bộ, xác định những quan điểm, chủ trương, đường lối quan trọng để tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHXN. Đây là cơ sở chính trị quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ doanh nghiệp tư nhân là đảng viên yên tâm sản xuất - kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, phát huy mọi nguồn lực, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong 7 năm (2013-2020), toàn Đảng đã kết nạp được 877 chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng, chiếm 34,07% tổng số đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân. Trong tổng số 877 chủ doanh nghiệp tư nhân được kết nạp vào Đảng, có 712 giám đốc, chiếm 81,2%; 127 chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần tư nhân, chiếm 14,5%; 18 chủ tịch hội đồng thành viên công ty cổ phần trách nhiệm hữu hạn tư nhân, chiếm 2,0% và 20 đồng chí là thành viên công ty hợp danh, chiếm 2,3%.
Trong tổng số 2.574 đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân (kết nạp cả trước và sau khi có Hướng dẫn 17) có 619 đồng chí giữ chức vụ bí thư cấp ủy, chiếm 24%; 116 đồng chí giữ chức vụ phó bí thư cấp ủy, chiếm 4,5%; 164 đồng chí là cấp ủy viên, chiếm 6,4%. Hầu hết các chủ doanh nghiệp tư nhân được kết nạp vào Đảng có trình độ đại học trở lên, trong đó nhiều đồng chí có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ, có tinh thần đổi mới sáng tạo, năng động, dám nghĩ, dám làm, có kinh nghiệm, trách nhiệm với người lao động, chấp hành đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đại đa số chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn được kết nạp vào Đảng là những người yêu nước, xuất thân trong gia đình cách mạng, có động cơ vào Đảng chính đáng, có quá trình phấn đấu, rèn luyện tốt, tiên phong, gương mẫu trong việc chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do vậy, công tác xây dựng tổ chức đảng, xây dựng tổ chức công đoàn, các tổ chức chính trị - xã hội, các hoạt động xã hội, công ích trong doanh nghiệp được quan tâm hơn. Nhiều nơi đã xây dựng được quy chế phối hợp giữa cấp ủy với ban lãnh đạo hoặc chủ doanh nghiệp nhằm xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của mỗi bên và nâng cao vai trò, vị trí, chất lượng hoạt động của tổ chức đảng. Từng bước phát huy được vai trò chính trị, lãnh đạo phát triển doanh nghiệp gắn với xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, ổn định; có các hình thức, biện pháp phù hợp để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đảng viên và người lao động; kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị, đề xuất của đảng viên, người lao động để xem xét, giải quyết tốt các chế độ chính sách cho họ nên không có tình trạng đình công trong doanh nghiệp.
Nhiều tổ chức đảng trong doanh nghiệp đã duy trì và từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ phù hợp với điều kiện sản xuất - kinh doanh. Việc đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng hằng năm dần đi vào nền nếp, có chất lượng hơn. Thực hiện chủ trương thí điểm đã tạo cơ hội, điều kiện cho một số chủ doanh nghiệp tư nhân được đồng hành cùng công cuộc đổi mới, phát triển đất nước của Đảng; ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về Đảng, tự nguyện gắn bó hơn với Đảng. Phần lớn chủ doanh nghiệp tư nhân là đảng viên đã có sự chuyển biến nhận thức chính trị, thay đổi về tư duy, có khát vọng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự phát triển của đất nước, góp phần tạo sự lan tỏa tích cực đối với các chủ doanh nghiệp tư nhân đang có nguyện vọng vào Đảng.
Hạn chế, khó khănChủ trương thí điểm kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng là chủ trương mới, chưa có tiền lệ nên vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Phạm vi, đối tượng mới chỉ dừng lại ở doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên chưa phát triển được đảng viên ở các doanh nghiệp có quy mô lớn, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa quan tâm đến công tác phát triển đảng viên đối với chủ doanh nghiệp tư nhân, nguồn kết nạp đảng còn khó khăn, hạn chế; một số địa phương chưa kết nạp được chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng theo Hướng dẫn số 17. Một bộ phận nhỏ chủ doanh nghiệp tư nhân sau khi được kết nạp vào Đảng chưa phát huy được vai trò tiền phong, gương mẫu của người đảng viên, thậm chí một số trường hợp còn vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bị xử lý kỷ luật...
Đồng bộ các giải pháp
Từ những năm đầu đổi mới đến nay, kinh tế tư nhân ngày càng phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, hoạt động có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Đội ngũ chủ doanh nghiệp tư nhân cơ bản là những người có kiến thức, có bản lĩnh trên thương trường; sự phát triển của các chủ doanh nghiệp tư nhân cũng chính là sự phát triển, sự phồn vinh của đất nước. Nhận thức của chủ doanh nghiệp tư nhân đối với chế độ, với Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng sâu sắc và đầy đủ hơn. Một bộ phận chủ doanh nghiệp tư nhân có nguyện vọng thiết tha vào Đảng, một số trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp... đã góp phần từng bước tháo gỡ những rào cản, sự mặc cảm, e dè trước đây của một bộ phận chủ doanh nghiệp tư nhân đối với Đảng, với chế độ XHCN. Do vậy, cần quan tâm, tạo điều kiện cho thành phần kinh tế này phát triển cũng như tạo điều kiện cho đội ngũ chủ doanh nghiệp tư nhân có đủ tiêu chuẩn, điều kiện được đứng vào hàng ngũ của Đảng để họ có cơ hội phát huy hết khả năng của mình, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Để đạt được mục tiêu nêu trên, thời gian tới cần có những giải pháp đồng bộ, cụ thể sau:
Một là, Trung ương cần tiếp tục rà soát, ban hành đồng bộ hệ thống văn bản chỉ đạo nhằm cụ thể hoá, thực hiện nhất quán theo quan điểm, tư duy lý luận đổi mới của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân và chủ trương kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng nhằm tạo sự thống nhất trong toàn Đảng. Từng bước nghiên cứu đổi mới hình thức, phương pháp sinh hoạt chi bộ phù hợp đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân.
Hai là, cấp ủy các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, nghị quyết của Đảng, nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp tư nhân về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp. Khắc phục tình trạng hành chính hóa trong việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng. Không phân biệt, đối xử giữa đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân với các đảng viên khác; quan tâm tạo nguồn cán bộ là chủ doanh nghiệp tư nhân có đầy đủ phẩm chất, năng lực, uy tín để có thể quy hoạch vào cấp ủy và đại biểu dân cử ở những nơi có điều kiện.
Ba là, trong quá trình tạo nguồn kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng, cần quan tâm những chủ doanh nghiệp xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng, có người thân là đảng viên, nhân thân tốt; là chủ doanh nghiệp thành đạt, có uy tín, có đức, có tài, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển của địa phương.
Bốn là, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với các đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân và tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân. Kiên quyết đưa ra khỏi Đảng đối với những phần tử cơ hội, lợi dụng vào Đảng để mưu lợi cá nhân, dùng lợi ích kinh tế để mua chuộc tổ chức, mang những tư tưởng, quan điểm trái với chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước vào trong Đảng, gây chia rẽ, mất đoàn kết, tự diễn biến trong Đảng, chống phá Đảng từ bên trong.
Trần Viết Cường
Phó Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, đảng viên, Ban Tổ chức Trung ương