Những nhân tố thuận lợi
Thứ nhất, đất nước ta đã thoát khỏi tình trạng thu nhập thấp: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển; kinh tế vĩ mô ổn định, vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao; quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên, chất lượng tăng trưởng được cải thiện”[1], đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường, chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng và an ninh được giữ vững, vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được củng cố và nâng cao, sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục phát triển. Với tất cả những thành tựu to lớn trong 35 năm đổi mới, thế hệ trẻ trong đó có sinh viên các trường đại học, cao đẳng thể hiện sự tin tưởng to lớn vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân ta đã lựa chọn.
Thứ hai, “Chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được tích cực triển khai, bước đầu có hiệu quả. Mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo được tiếp tục mở rộng về quy mô”[2] sẽ trực tiếp tác động lớn đến tổ chức và hoạt động của các trường đại học, cao đẳng. “Quản lý, quản trị đại học có bước đổi mới, chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng lên. Giáo dục nghề nghiệp có nhiều chuyển biến. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chú trọng cả về số lượng và chất lượng. Chi đầu tư cho giáo dục và xã hội hóa giáo dục được tăng cường. Cơ chế, chính sách tài chính cho giáo dục và đào tạo từng bước được đổi mới…”[3]. Những nhân tố thuận lợi này sẽ tác động đến công tác phát triển đảng viên trong sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng trong thời gian tới.
Thứ ba, Đảng ta và các cấp ủy, tổ chức đảng các trường đại học, cao đẳng tiếp tục quan tâm phát triển đảng viên, ban hành kế hoạch và hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh phát triển đảng viên trong sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Những kết quả đạt được và những kinh nghiệm bước đầu cùng với những chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm phát triển đảng viên trong sinh viên sẽ là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh việc phát triển đảng viên trong sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong thời gian tới.
Thứ tư, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng đang được triển khai quyết liệt. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tiếp tục được triển khai sâu rộng, các phong trào hành động cách mạng đi vào nền nếp cùng với việc phát huy vai trò trách nhiệm của đội ngũ đảng viên ở các trường đại học, cao đẳng sẽ góp phần bồi dưỡng lý tưởng, niềm tin cách mạng, tạo ra môi trường thuận lợi để sinh viên tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu trở thành đảng viên của Đảng.
Thứ năm, nhiệm vụ nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của tổ chức đảng là một trong những yêu cầu hàng đầu đặt ra trong thời gian tới. Cùng với đó là “coi trọng việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội”[4]. Chủ trương này sẽ tác động đến hoạt động của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức đó ở các trường đại học, cao đẳng. Từ đó sẽ tác động đến công tác phát triển đảng viên trong sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong thời gian tới.
Những khó khăn, thách thức
12 quần chúng là đoàn viên, sinh viên ưu tú của Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải nhận Quyết định kết nạp Đảng tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội)
Thứ nhất, nhiều vấn đề của xã hội được Đại hội XIII của Đảng đề cập tác động đến nhu cầu đời sống của người dân (thu nhập, việc làm,…) như “Toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển, nhưng cũng đang bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại diễn ra gay gắt. Do tác động của đại dịch COVID-19, thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang đến cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia”[5]. “Công tác lãnh đạo, quản lý, bảo đảm an ninh con người, trật tự, an toàn xã hội; sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, gây bức xúc xã hội. Các thế lực thù địch chống phá ngày càng quyết liệt. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều thách thức. Giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc và con người Việt Nam chưa được phát huy đầy đủ”[6]; “Đổi mới tư duy, hoạt động giáo dục và đào tạo còn chậm, chưa quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; một số nhiệm vụ, giải pháp đổi mới còn thiếu hệ thống, chưa ổn định. Chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo chưa cao... Chưa chú trọng đúng mức đến phát triển phẩm chất và kỹ năng người học. Giáo dục “làm người”, đạo đức, lối sống còn bị xem nhẹ”[7],…Đây cũng sẽ là nhân tố tác động đến tâm tư, tình cảm và xác định động cơ phấn đấu vào Đảng của sinh viên.
Thứ hai, tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu có biểu hiện phổ biến ở nhiều nơi với mức độ ngày càng lớn, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch ra sức chống phá Đảng, Nhà nước ta,… đã tác động không nhỏ đến công tác phát triển đảng viên nói chung và phát triển đảng viên trong sinh viên nói riêng. Đồng thời, tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sinh viên, có sinh viên đề cao lợi ích vật chất, lợi ích cá nhân, lợi ích trước mắt mà quên đi lợi ích chính trị, lợi ích lâu dài của cả quốc gia, dân tộc. Do đó sẽ có những trường hợp sinh viên “không thích" vào Đảng vì động cơ cá nhân. Điều này gây nên những khó khăn nhất định đối với việc tạo nguồn phát triển đảng viên trong sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong thời gian tới.
Thứ ba, nền kinh tế tri thức sẽ được đẩy mạnh phát triển, nền giáo dục cả nước sẽ chuyển sang một giai đoạn mới “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo” với nhiều yêu cầu mới, trong đó giáo dục đại học, cao đẳng có sự chuyển đổi mạnh mẽ cơ chế đối với các trường đại học, cao đẳng: “Đẩy mạnh tự chủ đại học. Có chính sách đột phá phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Thúc đẩy phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao”8. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động lãnh đạo, nhất là đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng trong các trường đại học, cao đẳng. Hơn nữa, những yếu tố cạnh tranh gay gắt trong tuyển sinh vẫn sẽ tác động mạnh mẽ, quyết định trực tiếp đến chất lượng tuyển sinh đầu vào của các trường đại học, cao đẳng bởi xu hướng tâm lý người học, nhất là học sinh giỏi thường đặc biệt chú trọng quan tâm các trường lớn, các trường có thương hiệu tốp đầu.
Thứ tư, giáo dục đại học, cao đẳng tiếp tục đẩy mạnh chuyển từ đào tạo theo học niên chế sang tín chỉ, đào tạo trực tuyến, “đa dạng hóa các loại hình đào tạo” với yêu cầu tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025. Khi chuyển sang hình thức đào tạo đa dạng, có hàng loạt vấn đề nảy sinh, trong đó có công tác quản lý, tổ chức học tập, các hoạt động tập thể, phong trào cho sinh viên, đoàn viên trong nhà trường. Sẽ không còn tổ chức lớp theo năm học, khoá học mà chỉ có lớp học phần; không có thời khoá biểu cố định cho cả khoá học mà chỉ có lịch trình học tập cho các học phần, sinh viên phải chủ động cao trong việc lựa chọn học phần phù hợp và xây dựng cho mình kế hoạch và lịch trình học tập. Sự cá thể hoá cao độ quá trình học tập sẽ dẫn đến những khó khăn trong tổ chức các hoạt động tập thể và các phong trào chung, ý thức tập thể, ý thức cộng đồng sẽ bị tác động đáng kể.
Phương hướng sắp tới
Tính đến cuối năm 2020, số lượng đảng viên trong toàn Đảng là hơn 5,2 triệu đảng viên thì số lượng đảng viên là sinh viên chiếm 0,55% trong tổng số đảng viên (28.769 đảng viên) - đây là tỷ lệ không cao. Vì vậy, phương hướng phát triển đảng viên trong sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong thời gian tới là cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phát triển đảng viên mạnh cả về “chất lượng” và “số lượng”.
Theo đó, cần quán triệt và nắm vững các quan điểm về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ đảng viên của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) và Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các quy định, hướng dẫn của các tổ chức có liên quan về công tác phát triển đảng viên. Đồng thời, phải xuất phát từ thực trạng và có tính toán kỹ lưỡng những yếu tố tác động đến phát triển đảng viên trong sinh viên các trường đại học, cao đẳng nên phương hướng phát triển đảng viên trong sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong thời gian tới cần tập trung là:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ đảng viên và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm phát huy sức mạnh của mọi tổ chức, mọi lực lượng trong việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phát triển đảng viên trong sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong thời gian tới.
Hai là, quán triệt nắm vững những quan điểm, nguyên tắc xây dựng Đảng, bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị và đặc điểm của sinh viên để xác định chương trình, kế hoạch phát triển đảng viên trong sinh viên và triển khai thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc để bảo đảm được yêu cầu cả về chất lượng và số lượng, có cơ cấu phù hợp, bảo đảm tính kế thừa phát triển liên tục, góp phần nâng cao chất lượng đảng viên trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong phát triển đảng viên cần chú ý xác định đối tượng trước hết phải tập trung vào những sinh viên ưu tú là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn; sinh viên có nhiều cống hiến trong các phong trào của nhà trường, phong trào của Đoàn và các hoạt động của tập thể; sinh viên là con em cán bộ đảng viên, con em các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và những sinh viên ưu tú tâm huyết với Đảng.
Ba là, cấp ủy, tổ chức đảng trong các trường đại học, cao đẳng phải tích cực tạo nguồn, chủ động phát hiện, bồi dưỡng phát triển đảng viên. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát động các phong trào quần chúng, đặc biệt là hoạt động của đoàn thanh niên. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng và các phong trào hành động cách mạng cho đoàn viên, sinh viên, qua đó lựa chọn, bồi dưỡng những sinh viên ưu tú; giao việc và thử thách đủ mức, đồng thời xét duyệt đúng tiêu chuẩn, đúng nguyên tắc, đúng quy trình; tránh định kiến, hẹp hòi, máy móc hoặc xem nhẹ, hạ thấp tiêu chuẩn. Tiếp tục hoàn thiện mô hình các tổ chức cơ sở đảng trong các trường đại học, cao đẳng; gắn việc phát triển đảng viên trong sinh viên với việc xây dựng, củng cố, tổ chức đảng, tổ chức đoàn trong sạch, vững mạnh.
Bốn là, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng tham gia công tác phát triển đảng viên trong sinh viên. Trách nhiệm phát triển đảng viên trong sinh viên các trường đại học, cao đẳng trước hết thuộc tổ chức đảng trực tiếp là các cấp ủy đảng trong các trường đại học, cao đẳng. Do đó, các cấp ủy, tổ chức đảng trong các trường đại học, cao đẳng phải thấy rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình để có kế hoạch, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phát huy tiềm năng và sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng tham gia tích cực đối với công tác phát triển đảng viên trong sinh viên.
Năm là, phát triển đảng viên trong sinh viên các trường đại học, cao đẳng phải được tiến hành thường xuyên bằng nội dung, hình thức, biện pháp phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chú trọng việc bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho quần chúng ưu tú và đảng viên mới kết nạp với nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp, thiết thực và hiệu quả. Phát triển đảng viên trong sinh viên các trường đại học, cao đẳng phải gắn liền với nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng trong các trường đại học, cao đẳng.
------------------------------------------------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, trang 59; (2) Sách đã dẫn (Sđd), trang 62; (3) Sđd, trang 63; (4) Sđd, trang 77; (5) Sđd, trang 31; (6) Sđd, trang 31-32; (7) Sđd, trang 82; (8) Sđd, trang 137.
ThS. Nguyễn Văn Hùng - TS. Trần Văn Thư
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh