Phát triển đảng viên ở các trường THPT - Những vấn đề đặt ra (tiếp theo và hết)

Bài 3: Giải bài toán “khát” đảng viên ở cơ sở và “nhạt Đảng, khô Đoàn”


Đảng bộ Trường THPT chuyên Thái Nguyên trao quyết định kết nạp đảng viên cho quần chúng ưu tú là học sinh.

Những khó khăn hiện hữu

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) thẳng thắn phát biểu với chúng tôi về những vướng mắc trong phát triển đảng viên trong học sinh. Theo cô Nhiếp, từ nhiều năm nay việc xác định chỉ tiêu kết nạp đảng viên là học sinh THPT trong nghị quyết năm là có, nhưng chưa thực hiện được. Kết quả cao nhất chỉ có thể thực hiện được là cử các em có tố chất đi học cảm tình Đảng. Nguyên nhân của hiện tượng này là: Thứ nhất, do học sinh chưa đủ 18 tuổi chiếm số lượng lớn. Thứ hai, cha mẹ học sinh muốn con em mình tập trung vào học để thi tốt vì ở thời điểm cuối cấp nên không đồng ý. Thứ ba, tiêu chí kết nạp vào Đảng phải là học sinh tiêu biểu xuất sắc, đoạt giải thi học sinh giỏi của Thành phố thì mới bảo đảm tính thuyết phục cao. Thứ tư, hằng năm tổ chức đảng của nhà trường đều hoàn thành chỉ tiêu kết nạp đảng viên cấp uỷ cấp trên giao, nhưng đối tượng kết nạp không phải là học sinh THPT mà là giáo viên trẻ.

Trao đổi với nhiều thầy giáo, cô giáo dạy THPT đang làm việc ở nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là các đồng chí bí thư, cấp ủy các trường chưa từng có học sinh được kết nạp vào Đảng, chúng tôi đều nhận được những nguyên nhân khách quan, chủ quan tương đồng như đánh giá của cô Nguyễn Thị Nhiếp đã trình bày ở trên. Một số lãnh đạo các trường THPT cho rằng, hằng năm, các nhà trường đều có giáo viên trẻ được kết nạp vào Đảng nên đã hoàn thành chỉ tiêu phát triển đảng viên mà cấp ủy cấp trên giao. Thế nên, đánh giá hằng năm, tổ chức đảng nhà trường vẫn đạt trong sạch, vững mạnh.

Ở một khía cạnh khác, khi xâm nhập thực tế các trường ngoài công lập và giáo dục thường xuyên chúng tôi nhận thấy, việc kết nạp vào Đảng cho đối tượng học sinh THPT rất hãn hữu hoặc gần như không có nếu không muốn nói là bỏ ngỏ. Điều này đã cho thấy việc kết nạp vào Đảng đối với đối tượng là học sinh chưa rộng khắp.

Khi trao đổi vấn đề này với một số lãnh đạo sở giáo dục và đào tạo các địa phương, chúng tôi nhận thấy một lý do khác. Theo đó, sở chỉ quản lý các trường thông qua chất lượng chuyên môn ,nghiệp vụ còn các chỉ tiêu về xây dựng Đảng mà cụ thể là phát triển đảng viên ở đối tượng học sinh lại thuộc về tổ chức đảng cấp quận, huyện và thành phố trực thuộc tỉnh.

Từ những thông tin thu thập ở trên, chúng tôi tạm rút ra kết luận là, nếu nơi nào cấp ủy đảng, người đứng đầu quan tâm và quyết tâm thực hiện tiêu chí thì việc kết nạp đảng viên là học sinh THPT thì nơi đó sẽ được triển khai hiệu quả, mang lại động lực thực sự cả trong tổ chức dạy học và xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.

Khó khăn từ cơ chế

Gần đây, trong dịp về công tác tại tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang trong lúc dịch COVID-19 bùng phát mạnh chúng tôi gặp thực trạng hết sức đáng buồn là nhiều đảng viên đã nghỉ hưu làm bí thư chi bộ và phụ trách các tổ COVID cộng đồng. Họ ở trong vùng dịch, trực tiếp làm việc và tiếp xúc với các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, trong khi lại quên rằng chính họ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nếu nhiễm COVID-19. Nhiều bí thư chi bộ thừa nhận với chúng tôi, không có đảng viên trẻ, người trẻ nhất cũng hơn 30 tuổi. Điều đó cho thấy, hiện tượng thiếu đảng viên trẻ ở các địa phương rất trầm trọng, là đáng báo động.

Hiện nay, hằng năm cả nước có khoảng hơn 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT. Đây là nguồn rất lớn để bổ sung vào đội ngũ đảng viên. Hơn nữa, các nhà trường THPT là môi trường rất lý tưởng cho thực hiện việc bồi dưỡng học sinh kết nạp vào Đảng. Tuy nhiên, do những nguyên nhân như phân tích ở trên thì nên các trường THPT trong cả nước vẫn trong tình trạng “thích thì làm” và “không làm thì cũng không sao”.

Trao đổi với chúng tôi, GS, TS. Hoàng Chí Bảo, nguyên ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, việc kết nạp vào Đảng cho học sinh THPT đã có từ rất lâu. Ví dụ như vào năm 1965-1966 và 1966-1967, Trường cấp 3 Yên Thành 2 (nay là Trường THPT Yên Thành 2, Nghệ An) đã kết nạp được 18 đảng viên, trong đó có 17 là học sinh cuối cấp. Đến nay, 17 học sinh được kết nạp vào Đảng ngày ấy đã trưởng thành, cống hiến hết mình cho quê hương, đất nước. Điều đó chứng tỏ rằng chất lượng đảng viên mới được kết nạp vào Đảng từ học sinh là rất tốt. GS, TS. Hoàng Chí Bảo kể, cách làm thời đó rất quyết liệt và mỗi đoàn viên ưu tú phấn đấu rất cao, không chịu thua kém học sinh bất cứ trường cấp 3 nào trong tỉnh. GS, TS. Hoàng Chí Bảo khẳng định, việc kết nạp đảng viên từ khi còn học ở trường phổ thông sẽ mang lại hiệu quả tích cực là bởi: Giúp thúc đẩy phong trào thi đua dạy học thực chất, bổ sung nguồn phong phú, chất lượng cao cho các tổ chức cơ sở đảng, đặc biệt là ở địa phương.

Cùng quan điểm này, đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng (nay là Vụ Cơ sở đảng, đảng viên) Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, tiêu chí, quy trình kết nạp vào Đảng đã được Điều lệ Đảng Cộng sản, Quy định của BCH Trung ương và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương xác định rất rõ. Việc bồi dưỡng đối tượng kết nạp vào Đảng là rất công phu, lâu dài và liên tục, cần phải tập trung tổ chức các hoạt động để thanh niên trong trường bộc lộ tố chất, lý tưởng, niềm tin. Nếu điều kiện chín muồi thì nên tổ chức nghiên cứu, hướng dẫn việc kết nạp vào Đảng trong học sinh THPT để không mất thời cơ, mất nguồn. Bên cạch đó, cũng cần tính đến liên kết chặt chẽ dưới các tổ chức đảng nhà trường, địa phương, cơ quan, đơn vị để thừa nhận kết quả phấn đấu, kết nạp đảng viên là học sinh kịp thời. Tránh để đối tượng Đảng đến nơi mới công tác khác lại được theo dõi, thử thách từ đầu, dễ gây ra tâm lý chán nản, buông xuôi, phai nhạt ý chí phấn đấu.

Đồng chí Lê Quang Thụ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Sách (Hải Dương) chia sẻ, hiện nay, việc phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên ở khu vực nông thôn gặp khó khăn do thanh niên đều đi làm xa ở các nhà máy, doanh nghiệp, các khu công nghiệp. Mới đây, Tỉnh ủy Hải Dương đã ban hành chỉ thị đặt ra chỉ tiêu mỗi năm, các tổ chức cơ sở đảng trong mỗi huyện ủy kết nạp mới được 120 đảng viên. Từ thực tế công tác kết nạp đảng viên với học sinh ở Nam Sách, chúng tôi thấy rằng, nếu tỉnh ủy, huyện ủy quan tâm sâu sát, có hướng dẫn cụ thể về chỉ tiêu sẽ giúp tổ chức đảng các trường THPT có động lực, sẽ cho ra nhiều “hạt giống đỏ” mà không mất nguồn.

Giải pháp tăng kết nạp đảng viên học sinh THPT

Việc kết nạp đảng viên cho học sinh THPT chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả và tác dụng, bổ sung nguồn cán bộ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, giữ chân được “chất xám”, tăng cường lực lượng trẻ cho tổ chức đảng cơ sở. Tuy nhiên, việc này chưa được hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan chức năng.

Từ thực tế trên và qua các ý kiến chuyên gia, chúng tôi thấy rằng, trước hết, Trung ương nên có nghiên cứu, hướng dẫn tổng thể quá trình tìm nguồn, bồi dưỡng, phát triển đảng viên trong các trường THPT. Cụ thể là, cần phải hướng dẫn các trường thực hiện đúng tiêu chí quy định trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, không tăng thêm tiêu chí hoặc nếu có thì cũng không quá cao, quá nặng để không mất nguồn.

Thứ hai, việc tạo nguồn là rất khó khăn, để tránh mất nguồn thì Trung ương nên có hướng dẫn về việc liên kết đánh giá, theo dõi, bồi dưỡng chất lượng nguồn kết nạp vào Đảng cụ thể để các tổ chức cơ sở đảng có điều kiện triển khai, tránh lãng phí nguồn.

Thứ ba, các tổ chức đảng địa phương cần hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao kỹ năng hoạt động công tác đảng cho đội ngũ bí thư, cấp ủy ở các trường THPT; kịp thời giúp đỡ khi có vướng mắc xảy ra.

Thứ tư, các trường cần chủ động tìm nguồn và bồi dưỡng, coi đây là một nhiệm vụ cần lãnh đạo thay vì chung chung như hiện nay.

Thứ năm, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Đảng trong các trường phổ thông thông qua các hình thức khác nhau như tọa đàm, mạn đàn, mời chuyên gia kể chuyện... để xây dựng lý tưởng và động cơ phấn đấu vào Đảng cho học sinh.

Thứ sáu, cần đẩy mạnh hoạt động công tác đoàn trong các trường THPT theo hướng tăng hoạt động cống hiến, giúp ích cho xã hội, nhân dân trong vùng thay vì các hoạt động phong trào nhỏ lẻ, đơn điệu như hiện nay. Việc tổ chức các hoạt động đoàn sôi nổi, sinh động, hấp dẫn, giàu ý nghĩa và rộng khắp sẽ thu hút, tập hợp được thanh niên, qua đó để thanh niên trong các trường THPT thể hiện sức trẻ, tinh thần cống hiến và thêm yêu quê hương, đất nước.

Thứ bảy, cần bố trí lượng kinh phí công tác đảng đủ để các trường có điều kiện thuận lợi trong tiến hành các hoạt động công tác đảng và kết nạp đảng viên.

Thứ tám, tổ chức đảng các cấp cần có sự nghiên cứu, sơ kết, tổng kết và đánh giá chính xác nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để tiếp tục có chủ trương, biện pháp thực hiện nhiệm vụ tạo nguồn, bồi dưỡng và kết nạp đảng viên là học sinh THPT hiệu quả hơn.

Trong các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết số 25-NQ/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” xác định thanh niên là lực lượng hậu bị tin cậy của Đảng. Việc tổ chức kết nạp đảng viên là học sinh THPT sẽ góp phần quan trọng bổ sung lực lượng, nguồn lực, tránh được tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn” đang diễn ra, đồng thời qua đó giúp các bạn trẻ sống có niềm tin, lý tưởng, hạn chế tình trạng xuống cấp về đạo đức trong giới trẻ, giúp giới trẻ không sa ngã vào tệ nạn xã hội, vươn lên sống đẹp, sống có ích.

Lợi ích nhìn thấy là rất rõ ràng, do đó cần có sự vào cuộc và hành động quyết liệt của các cấp uỷ, tổ chức đảng từ Trung ương tới địa phương.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất