Sau những ngày nghỉ Tết Độc lập, đất nước ta đã bước sang tháng 9, tháng của những công việc vô cùng hệ trọng như ngày khai giảng năm học 2022-2023 trên toàn quốc, ngày triển khai các kế hoạch đã và đang thực thi bước sang quý IV - quý tài khoá cuối cùng trong năm 2022. Và còn nhiều những công việc bề bộn của những tháng đã qua và năm trước chưa hoàn thành.
Thế giới toàn cảnh hiện nay và tương lai có nhiều biến động chưa từng có, những bất ổn về các cuộc chiến tranh truyền thống và phi truyền thống đang xảy ra ở nhiều quốc gia và châu lục; khí hậu cực đoan bao phủ trên diện rộng cũng là điều đáng quan tâm hàng đầu hiện nay; sự bất ổn chính trị của nhiều quốc gia châu Âu, châu Mỹ và châu Á kể từ khi chiến sự giữa Nga và U-crai-na xảy ra (2-2022) dẫn đến hệ luỵ tiêu cực cho hàng tỷ người trên thế giới về an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh quốc phòng và an sinh toàn cầu đang là thách thức lớn.
Chính sách của Việt Nam trong mọi lĩnh vực có nhiều vấn đề cần bàn đến, cần có giải pháp quyết liệt để tháo gỡ. Bởi lẽ trên mọi lĩnh vực cho phát triển kinh tế tổng thể có liên quan mật thiết đến an sinh xã hội, khi ban hành luôn chậm trễ và không phù hợp với thực tế và yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan tham mưu đã và đang cố gắng thúc đẩy mọi chính sách thật nhanh chóng đến cộng đồng xã hội trong tình hình kinh tế vẫn chịu tác động của chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, các mặt hàng thiết yếu ngày càng tăng cao, tỷ giá giữa đồng tiền Việt Nam và đô-la Mỹ biên độ mỗi ngày một lớn nên xuất, nhập khẩu bị giảm lợi tức đáng kể. Hiện hữu đại dịch Sar-Covi-2 mỗi ngày một diễn biến khó lường; thế giới và Việt Nam vẫn chưa tìm được giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn; làn sóng đại dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Để kích cầu cho kinh tế phát triển, hỗ trợ người thu nhập thấp, mất việc từ đầu năm đến nay các bộ, ngành, cơ quan tham mưu cho Chính phủ đã trình nhiều giải pháp cấp thiết để tháo gỡ khó khăn nhưng hiệu quả lại không đạt như mong muốn, kỳ vọng. Các gói hỗ trợ nhiều ngàn tỷ đồng cho đến nay giải ngân không quá 50% theo báo cáo. Bởi số tiền đang được giải ngân và luân chuyển trong xã hội là quá nhỏ so với các con số đã được phê chuẩn. Hiện nay chúng ta có khoảng 35 triệu người lao động và 750 ngàn doanh nghiệp mang chia đều con số được thụ hưởng thật quá ít. Như vậy, chúng ta phải thừa nhận và khẳng định định rằng chính sách chưa đi vào cuộc sống.
Tiếp đến, Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20-5-2022 của Chính phủ ban hành gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% tạo đà cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đến nay hầu như "đắp chiếu" bởi các ngân hàng và khách hàng đều bó tay không thể ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân được. Câu từ trong chính sách có quá nhiều điều kiện gây “vướng”. Chính sách có nút thắt, có nhiều “hàng rào kỹ thuật” được thiết lập mà không ai có thể dám “xé rào” cho mượn tiền và dám mượn tiền. Câu hỏi đặt ra khi ban hành chính sách các nhà làm luật và các nhà nghiên cứu có nhìn ra những khó khăn, bất cập của chính sách không? Và, nếu như nhìn thấy sao vẫn trình Chính phủ ban hành.
Người dân, doanh nghiệp thoi thóp trông chờ tiền từ chính sách, nhưng tiền đến tay họ rất ít, cực kỳ khiêm tốn, chưa được 1/6 kế hoạch đặt ra.
Câu hỏi đặt ra là nguyên nhân tại sao? Phải chăng chính sách là chính sách, còn thực thi được hay không là chuyện khác và chuyện khác này bao trùm lên nhiều vấn đề của người thực thi chính sách.
Chúng ta thấy bộ máy phục vụ, nghiên cứu, soạn thảo trình cấp có thẩm quyền phê duyệt có rất nhiều chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách có bằng cấp nằm trong các bộ, ngành tư vấn cho Chính phủ mà chính sách không đi vào cuộc sống, không thực thi được thì họ có phải chịu trách nhiệm không? Họ đủ tầm hay không cũng là câu hỏi đặt ra cho các lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội.
Ngoài ra từ các luật đã và đang được thực thi, đơn cử như Luật Quy hoạch, Luật Đất đai... do chính các cơ quan chủ quản làm đề tài, khi lấy ý kiến thì gói gọn trong cách nghĩ chủ quan, cục bộ của đơn vị xây dựng chính sách. Dẫn đến thiếu phản biện khoa học của chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng xã hội. Và, họ sử dụng truyền thông để bảo vệ đề án của đơn vị chủ quản nhằm dễ được Chính phủ, Quốc hội thông qua. Mặc nhiên khi nghị định, nghị quyết, hay luật được ban hành sẽ chết yểu, chính nó tự cầm dây trói chân tay của người thực thi và người thụ hưởng. Từ chính sách không hiệu quả, nó làm chậm tiến độ, đôi khi bóp nát các dự án đang triển khai, phong toả toàn bộ nền kinh tế của đất nước.
Để hoàn thành kế hoạch và mục tiêu đã đề ra cho năm 2022 và đến hết nhiệm kỳ (2021-2026), chuẩn bị lại có thêm chính sách mới được ban hành, nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Nếu tư duy, cách làm và điều kiện vẫn như đã xảy ra thì sẽ không có hiệu quả. Niềm tin vào chính sách, tin vào các văn bản dưới luật liệu có còn hay không? Dám nhìn vào thực tế, hiện trạng của an sinh xã hội, của người dân và doanh nghiệp vừa và nhỏ để có giải pháp cần và đủ cho kinh tế phát triển mới là vấn đề quan trọng nhất của Chính phủ, Quốc hội trong giai đoạn khó khăn và nhạy cảm như hiện nay và tương lai.
Đứng trước tình hình thế giới diễn biến phức tạp, nhưng Việt Nam có nhiều lợi thế hơn các quốc gia khác. Thiết nghĩ muốn kinh tế phát triển, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, an ninh lương thực và an ninh năng lượng lên tầm cao mới như phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội mong muốn thì chúng ta cần có chính sách hiệu quả, đồng bộ, thông thoáng, dễ tiếp cận cho mọi thành phần trong xã hội là điều cần thiết phải làm ngay trong lúc này.