Xin đừng viện dẫn nhiều lý do để làm chậm nhiều dự án tầm quốc gia, trong đó có những quy hoạch cực kỳ quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an ninh quốc phòng.
Tôi chỉ muốn nói đến một vấn đề trong những vấn đề cực kỳ quan trọng là an ninh năng lượng gây bức xúc cho xã hội và cộng đồng doanh nghiệp đã và đang đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo thời gian dài vừa qua.
Khi quy hoạch Điện VII hết hiệu lực và các cơ quan chủ quản xây dựng quy hoạch Điện VIII với tầm nhìn chiến lược quốc gia và đồng thuận với thế giới nhưng nhiều năm qua đi và nhất là 5 năm trở lại đây Điện VIII luôn bị trễ hẹn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cực kỳ quan trọng để định hướng cho phát triển năng lượng của Việt Nam trong tình hình mới, kêu gọi đầu tư phát triển, đẩy mạnh nguồn năng lượng xanh, sạch là năng lượng tái tạo.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Hiệp ước COP26 cam kết với thế giới về chống biến đổi khí hậu và đưa năng lượng hoá thạch đến năm 2050 về Net Zero (0).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu Việt Nam là “mỏ vàng” được ông trời ban tặng là năng lượng gió và năng lượng mặt trời để phát triển năng lượng tái tạo nhưng chưa khai thác.
Từ cơ quan đầu não của quốc gia, người đứng đầu Đảng, Chính phủ, Quốc hội với quyết tâm cao độ, rõ ràng, rành mạch nhưng cơ quan chủ quan triển khai thì chậm chạp, luôn trì hoãn và muốn tiếp tục phát triển năng lượng “bẩn”, kìm hãm phát triển năng lượng tái tạo vì nhiều lý do mà họ đưa ra theo góc nhìn cục bộ và duy ý chí.
Các chuyên gia trong nước và nước ngoài, các nhà đầu tư năng lượng tái tạo thấy làm ngạc nhiên, bức xúc bởi “Trên thì thông - Dưới không thông” dẫn đến hao tổn nguồn lực đã và đang đầu tư cực lớn. Doanh nghiệp có điện không bán được, ngân hàng không thu được vốn cho vay và lãi theo thoả thuận… tất cả đều chờ phá sản và phá sản chỉ vì không có giá điện, chỉ vì chờ chính sách mới.
Họ đã chờ gần 3 năm để được sống, để được thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của mình nhưng chờ đến khi nào? Chỉ có trời biết.
Tôi và rất nhiều người có đôi chút am hiểu về lĩnh vực này đã trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống, nêu lên những khó khăn, bất cập mà doanh nghiệp đang vướng phải chỉ vì chính sách đang đi ngược với chỉ đạo của Đảng và Chính phủ.
Hôm nay (4-8-2022), phát biểu tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 5, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã nói: “Phiên họp thường trực Chính phủ tuần tới dự kiến sẽ bàn về quy hoạch Điện VIII”.
Hy vọng tuần tới quyết sách cực kỳ quan trọng về an ninh năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo sẽ được Chính phủ thông qua trên tinh thần điện hoá thạch, điện than giảm xuống 20.000MW dần về 0. Tăng tỷ lệ điện gió, điện mặt trời đúng mục tiêu trong quy hoạch Điện VIII, quy hoạch phải dài hơi, phải phù hợp với thế giới để giảm khí thải carbon đến năm 2050 bằng Net Zero (0).
Hãy nói không với năng lượng “bẩn” bởi các nhà đầu tưu FDI không muốn sử dụng năng lượng “bẩn” và các tổ chức tín dụng, ngân hàng thế giới không tài trợ và cho vay. Thế giới bắt trả phí cực cao cho bất cứ quốc gia nào tiếp tục đầu tư phát triển năng lượng hoá thạch.
Liệu quyết tâm của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ có thành hiện thực hay cộng đồng xã hội và các doanh nghiệp tiếp tục hy vọng vào quyết sách đúng!
Hoài Bắc
Việt kiều Ca-na-đa