Công tác cán bộ trong doanh nghiệp nhà nước

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành ba Nghị quyết quan trọng: 1) Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 2) Nghị quyết về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. 3) Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau Hội nghị Trung ương, ngày 17-5-2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc đối thoại với hơn 2.000 doanh nghiệp. Trong Hội nghị này, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã phản ánh những khó khăn, vướng mắc, rào cản, ảnh hướng xấu đến sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kiến nghị Thủ tướng có những giải pháp tháo gỡ. Điều đáng chú ý tại Hội nghị đối thoại này, phần lớn các ý kiến là của các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... mà ít những thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Phải chăng DNNN ít có khó khăn, cản trở hơn?  

Trong bài phát biểu Bế mạc Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Kiên quyết đấu tranh và có biện pháp phòng ngừa, khắc phục tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước móc ngoặc với cán bộ, công chức nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân để hình thành "nhóm lợi ích", "sân sau" thao túng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của tập thể và cá nhân chủ tịch, thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, người đại diện phần vốn của Nhà nước, ban điều hành trong hệ thống quản trị, điều hành doanh nghiệp”; “Người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật và Nhà nước về toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp”. Đây là những yếu kém rất cơ bản của nhiều DNNN trong những năm qua, nó liên quan đến “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống” và 27 biểu hiện suy thoái trong cán bộ, đảng viên thời gian qua mà Nghị quyêt Trung ương 4 khóa XI và khóa XII đã nêu.

Mặc dù còn nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục, nhưng nhìn tổng thể, cùng với cơ chế, chính sách của Nhà nước, DNNN là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường, kiềm chế lạm phát; đóng góp lớn trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; là nguồn thu lớn của ngân sách nhà nước; đóng góp quan trọng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội.  Tuy nhiên, DNNN hoạt động còn kém hiệu quả, chưa thể hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước. Nhiều DNNN được biết đến với những kết quả kinh doanh lỗ đến mức báo động. Với tư cách là doanh nghiệp giữ vai trò then chốt trong kinh tế nhà nước, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước chẳng những không xứng đáng là đầu tàu kéo đoàn tàu kinh tế nước ta tiến lên theo hướng XHCN mà còn là hình ảnh xấu về nhiều mặt, thể hiện ở các vụ án trọng điểm đã đem ra xét xử trong năm 2014, 2015, 2016 và đầu năm 2017 này. Trước đó, trong năm 2015, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2014 của 234 doanh nghiệp, thuộc 38 tập đoàn, tổng công ty nhà nước với con số thất thoát, lỗ vốn khổng lồ. Ngày 11-4-2017, vào dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, trong bài phát biểu của mình, Thủ thướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Bài học đầu tiên cần rút ra là công tác cán bộ. Công tác cán bộ quyết định tất cả. Công tác cán bộ đúng, chuẩn xác, cán bộ không hư hỏng thì doanh nghiệp thành công”; “Chúng tôi cũng mong muốn DNNN nói không với tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt chúng ta chống tình trạng sân trước, sân sau”.

Như vậy, trong cùng một thời gian, người đứng đầu Đảng, người đứng đầu Chính phủ đều đề cập đến vấn đề “sân trước, sân sau” hay nói một cách khác là sự tồn tại “nhóm lợi ích” trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. Điều này có thể là mới ở nước ta, nhưng lại không có gì mới đối với thế giới. Cách đây cả hàng chục năm, trong cuộc khủng hoảng kinh tế ở một số nước châu Á, người ta đã nhận ra một trong những nguyên nhân của nó là sự câu kết giữa các nhà lãnh đạo, quan chức nhà nước... với các doanh nghiệp và giới ngân hàng. Chính vì vậy, khi nói đến kinh tế định hướng XHCN thì phải được thể hiện trước hết ở DNNN. Vụ án Dương Chí Dũng và đồng bọn, vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng bọn; vụ việc bổ nhiệm, sắp xếp, bố trí cán bộ ở Bộ Công thương trong nhiệm kỳ trước và một loạt vụ án có liên quan đến sự thua lỗ, thất thoát hàng nghìn tỷ đồng đã và sẽ đưa ra xét xử thời gian tới cho thấy những lỗ hổng rất lớn trong công tác xây dựng đảng nói chung và công tác cán bộ nói riêng trong các DNNN thời gian qua. Điều đó đặt ra cho công tác xây dựng đảng nói chung và công tác cán bộ nói riêng phải có giải pháp đối phó, ngăn chặn, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong các DNNN. Ngoài những giải pháp đồng bộ trong công tác xây dựng đảng đã được đề ra, nhất là những giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã đề ra, cần tập trung công tác cán bộ tại các DNNN, trong đó đi sâu nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề sau:

Thứ nhất, các tổ chức, cơ quan chức năng cần đi đề ra một chuyên đề nghiên cứu sâu về công tác cán bộ trong DNNN trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, điều gì phù hợp với các nghị quyết về công tác cán bộ đã ban hành, điều gì chưa phù hợp cần bổ sung, hoàn chỉnh;

Thứ hai, từ những vụ án kinh tế có liên quan đến các DNNN, tìm ra nguyên nhân, những lỗ hổng, lỏng lẻo trong công tác cán bộ (quy hoạch, luân chuyền, bổ nhiệm, đề bạt, lên lương, khen thưởng...) nói chung và quản lý cán bộ tại DNNN nói riêng,

Thứ ba, điều tra, khảo sát, nghiên cứu về quá trình hình thành, phát triển các “sân sau”, lợi ích nhóm trong DNNN cũng sự sự liên hệ, cấu kết, chung chia giữa những cán bộ có chức, có quyền ở các ban, bộ, ngành trung ương, cán bộ lãnh đạo các địa phương; giữa những cán bộ bên trong DNNN với cán bộ bên ngoài DNNN.

Thứ tư, cần đặt những tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nơi nắm tiền, nắm chương trình, dự án kinh tế trọng điểm của nhà nước là địa chỉ nhạy cảm, nơi dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm để có giải pháp hữu hiệu để kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán;

Thứ năm, đối với những cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các DNNN cũng như những cán bộ lãnh đạo các ban, bộ, ngành cũng như người thân của họ phải là diện kê khai thu nhập, tài sản định kỳ cũng như khi thuyên chuyển, bổ nhiệm và có sự giám sát, kiểm tra cũng như công khai, minh bạch tài sản thu nhập đó.

Thứ sáu, phát huy vai trò của các tập thể, cá nhân đại diện cho quần chúng, nhân dân cũng như những doanh nghiệp làm ăn chân chính trong việc kiểm tra, giám sát, phát hiện, tố cáo những biểu hiện “chống lưng” cho doanh nghiệp, tham nhũng, giàu lên một cách bất chính của những cán bộ lãnh đạo DNNN cũng như những cán bộ lãnh đạo bên ngoài câu kết, móc ngoặc để mưu cầu lợi ích cá nhân.

Tóm lại, công tác cán bộ đúng, chuẩn xác, cán bộ không hư hỏng thì doanh nghiệp thành công.

Vũ Lân           

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất