Cái gì cũng xin ý kiến Thủ tướng, từ việc bị "cát tặc" đe dọa, đến việc điều chỉnh giá xăng dầu, việc xây dựng bệnh viện… Cái gì cũng chờ ý kiến thường vụ, từ việc thanh tra quy trình bổ nhiệm, đến việc xử lý lấn chiếm đất công, việc bảo đảm trật tự vỉa hè… Xin ý kiến những việc không đáng xin, chờ ý kiến những việc không đáng chờ là những biểu hiện rất dễ nhận biết của hội chứng né tránh trách nhiệm. Né tránh trách nhiệm không chỉ xảy ra ở những người có chức, có quyền, mà cả nhiều cán bộ, công chức bình thường khác. Cái gì họ cũng xin ý kiến, cái gì họ cũng chờ chỉ đạo. Có vẻ như rất nhiều người chỉ làm mỗi việc là: “tham mưu cho cấp ủy và chính quyền”. Ai cũng chỉ là tham mưu, chẳng ai đủ quyết đáp để xử lý bất cứ một vấn đề gì.
Hội chứng né tránh trách nhiệm dường như đang làm cho nền quản trị quốc gia của chúng ta ngày càng tỏ ra kém hiệu năng, chi phí cơ hội cho công ăn, việc làm, cho kinh doanh và sáng tạo ngày càng tăng cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng việc gì người dân và doanh nghiệp cũng phải chờ đợi.
Hiện tượng né tránh trách nhiệm có vẻ còn nghiêm trọng hơn, khi sai phạm đã xảy ra và để lại những hậu quả hết sức nặng nề cho dân, cho nước. Ở nhiều nước trên thế giới, khi cầu sập, phà chìm, máy bay rơi…, bộ trưởng giao thông sẽ đứng ra nhận trách nhiệm. Kể cả khi họ chẳng hề có lỗi gì trực tiếp trong những sự cố như vậy. Ở ta, biển bị ô nhiễm, đập bị vỡ, bùn bị tràn… chẳng thấy một ai chịu đứng ra nhận trách nhiệm. Kể không hết những việc “ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu”. Việc nâng đỡ, đề bạt một “hot girl” bất chấp mọi chuẩn mực pháp lý và đạo lý, việc cựu lái xe cho thủ trưởng “có” nhiều nhà đất hơn cả thủ trưởng, việc cả họ làm quan ở một địa phương… là những việc mà toàn dân, toàn Đảng ai cũng hiểu, nhưng những người phải chịu trách nhiệm chính thì lại không hiểu. Quả bóng trách nhiệm vì vậy bị đá câu giờ vòng vo. Điều này không chỉ gây mất lòng tin, mà còn cả sự coi khinh của công chúng.
Thông thường, ngoài cách “đá bóng” lên cho cấp trên, trong thực tế vẫn còn có mấy cách khác nữa để né tránh trách nhiệm.
Cách thứ nhất là che chắn bằng quy trình. Đề bạt người nhà, người thân cùng làm lãnh đạo trong khi đức, tài chưa đủ là sai. Việc này từ cả 500 năm trước cha ông chúng ta đã cho là sai. Luật hồi tỵ thời vua Lê Thánh Tông đã cấm cha con, anh em, bạn học… không được làm quan một nơi (Luật này thậm chí còn cấm các quan chức không được lấy vợ, tậu ruộng vườn, nhà cửa ở nơi mình chấp pháp). Đáng buồn là một cái sai rõ ràng như vậy nhưng lại đúng quy trình. Thực ra, khi một người đã làm lãnh đạo cao nhất cơ quan hoặc địa phương, việc thao túng quy trình là khá dễ dàng. Nếu không có liêm chính, họ chỉ cần nói xa nói gần với cán bộ tổ chức là quy trình sẽ được khởi động đúng hướng ngay. Đó là chưa kể khả năng của một lãnh đạo gửi gắm “các anh, các chú” là gần như vô cùng, vô tận. Mà thật ra, nhiều khi cũng chẳng cần gửi gắm. Không nói ra thì ai cũng hiểu “nếu anh ấy hay chị ấy không đồng ý, thì tổ chức đâu dám làm như vậy”. Chính vì vậy, khi để xảy ra việc đề bạt người thân, người nhà, quy trình thường ít có ý nghĩa.
Cách thứ hai là đổ lỗi cho tập thể. Việc chuyển đất rừng để nuôi bò lấy thịt, việc tuyển dụng, đề bạt thần tốc một doanh nhân, việc quy hoạch treo hàng trăm, hàng nghìn héc-ta đất… tất cả đều do thường vụ quyết. Thường vụ quyết thì cá nhân không phải chịu trách nhiệm và không thể chịu trách nhiệm. Có lẽ, đây cũng là lý do giải thích tại sao ở không ít địa phương mọi việc từ to đến nhỏ đều được trình cho thường vụ. Thường vụ đã quyết là em tuyệt đối yên tâm. Vấn đề chưa hẳn là vì thường vụ đã quyết thì không sai, mà chủ yếu là vì thường vụ đã quyết thì em sẽ không phải chịu trách nhiệm.
Đâu là nguyên nhân của tình trạng né tránh trách nhiệm xảy ra khá phổ biến hiện nay?
Nguyên nhân đầu tiên đã được Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) chỉ ra là suy thoái đạo đức. Không dám chịu trách nhiệm về công việc của mình; không quyết đáp vì làm thì vất vả, mà lợi ích thì chưa thấy đâu; chỉ nói chứ không làm vì ngại đụng chạm… là những biểu hiện dễ nhận biết của suy thoái đạo đức. Khi một người cán bộ không dám nhận trách nhiệm, thì người đó chỉ sống vì mình và cho mình là chính.
Ngoài ra, việc phân công, phân nhiệm trong hệ thống của chúng ta cũng chưa đủ rõ ràng, mạch lạc. Chúng ta vẫn chưa có được sự phân định rạch ròi về chế độ trách nhiệm giữa những người làm chính khách với những người làm công chức; giữa tập thể với cá nhân; giữa những người làm trong bộ máy cơ quan đảng, đoàn thể với những người làm trong bộ máy nhà nước. Quy trình áp đặt chế độ trách nhiệm theo cách kỷ luật đảng phải được xử lý trước, rồi mới xử lý kỷ luật về phía chính quyền cũng làm cho mọi việc có thể trở nên chậm trễ, khó khăn. Đó là chưa nói tới rủi ro của việc công đoạn trước hoàn toàn có thể vô hiệu hóa công đoạn sau của quy trình áp đặt chế độ trách nhiệm.
Cuối cùng, hội chứng né tránh trách nhiệm là một vấn đề rất lớn. Để xử lý vấn đề này, bên cạnh việc nâng cao đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, tiến hành cải cách thể chế sâu rộng để xây dựng một hệ thống chế độ trách nhiệm rõ ràng, mạch lạc cùng các công cụ áp đặt chế độ trách nhiệm hiệu quả là nhiệm vụ rất cấp bách hiện nay.
Cải cách đầu tiên cần tiến hành là xây dựng và ban hành bản mô tả vị trí công việc của tất cả các cán bộ, công chức. Không thể có chuyện tuyển dụng vào mà không biết sẽ làm gì cụ thể, cũng không thể có chuyện tuyển dụng vào rồi làm việc gì cũng được. Với bản mô tả công việc rõ ràng cho mỗi chức danh, mỗi vị trí công việc, thì người nào đảm nhận chức danh, công việc nào sẽ phải làm hết tất cả các chức trách được giao.
Cải cách thứ hai là giảm bớt cấp phó. Nhiều nơi cấp phó còn đông hơn cả nhân viên thì sự chỉ đạo chồng chéo không chỉ gây khó cho cấp dưới mà còn vô hiệu hóa chế độ trách nhiệm.
Cải cách thứ ba là tăng cường chế độ thanh tra, kiểm tra công vụ. Đặc biệt, bổ sung chế định thanh tra công vụ là rất quan trọng.
Đối với chế độ trách nhiệm ở tầm chính trị, điều quan trọng là phải vận hành quyền bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội và hội đồng nhân dân hiệu quả hơn nữa. Trước hết, để làm được điều này, chỉ nên bỏ phiếu tín nhiệm theo hai mức là tín nhiệm và không tín nhiệm, mà không phải theo ba mức tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp như hiện nay. Đồng thời, việc bỏ phiếu tín nhiệm cũng cần được triển khai khi có sự việc gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra...
TS. NGUYỄN SĨ DŨNG
Nguồn: Báo Nhân Dân