Học tập và thực hành theo “Sửa đổi lối làm việc”, phương cách hữu hiệu xây dựng đoàn kết, chống chủ nghĩa cá nhân

Thực tế cho thấy, 72 năm qua từ khi ra đời đến nay, ý nghĩa lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi toàn Đảng đang tích cực thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Người đọc đều cho rằng, tác phẩm này tuy rất ngắn, quá ngắn so với những cuốn kinh điển mà nhiều người đã được đọc nhưng lại có giá trị rất cao cả về lý luận và thực tiễn. Tác phẩm chỉ gồm 6 chương: 1- Phê bình và sửa chữa. 2- Mấy điều kinh nghiệm. 3- Tư cách và đạo đức cách mạng. 4- Vấn đề cán bộ. 5- Cách lãnh đạo. 6- Chống thói ba hoa. 

Dù ngắn nhưng ý nghĩa của “Sửa đổi lối làm việc” vẫn còn mãi bởi những câu chữ của tác phẩm hết sức dung dị, gần gũi với nhận thức của nhiều người Việt Nam, đặc biệt là ý nghĩa chính trị tư tưởng rất thời sự đã khiến tác phẩm của Bác có sức sống vượt thời gian, tác động mạnh đến tâm tư, tình cảm, được nhiều thế hệ đảng viên ở nước ta lấy làm phương châm để rèn luyện, học tập và công tác.

Còn nhớ cách đây hai năm, dịp kỷ niệm 70 năm tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", Báo Nhân Dân đã đăng bài “Sửa đổi lối làm việc - ánh mặt trời chiếu sáng” của tác giả Hà Đăng. Ngay trong đoạn mở đầu, tác giả đã khẳng định: “Một tác phẩm mẫu mực, một vầng dương chiếu sáng công việc xây dựng, chỉnh đốn Ðảng của Ðảng ta từ bấy đến nay”... “Thời gian trôi nhanh. Nhiệm vụ cách mạng đề ra cho mỗi giai đoạn lịch sử luôn có sự thay đổi. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng cũng không dừng tại chỗ. Những điều có thể khẳng định chắc chắn là những gì Bác Hồ nêu lên trong “Sửa đổi lối làm việc”, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Vẫn còn có tính thời sự nóng hổi”.

Tác giả Hà Đăng vốn không xa lạ. Ông nguyên là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Trợ lý Tổng Bí thư. Nhiều người biết đến ông qua những bài viết và các tác phẩm báo chí có tính lý luận cao, đầy sức sống và mang đậm hơi thở thực tiễn. Và dĩ nhiên, những gì ông viết, nhận định về tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” là có cơ sở, cũng là ý chung của nhiều cán bộ lão thành, của các đảng viên và nhân dân.

Như đã biết, “Sửa đổi lối làm việc” được xuất bản tháng 10-1947, sau ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) gần một năm. Lúc này Chính phủ và các cơ quan Trung ương đều chuyển lên Chiến khu Việt Bắc để thực hiện chủ trương trường kỳ kháng chiến. Thêm nữa, giữa lúc Bác Hồ đang hoàn chỉnh tác phẩm này thì ngày 7-10-1947, giặc Pháp mở Chiến dịch Thu đông, đánh thẳng lên Việt Bắc, nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não và bộ đội chủ lực của ta, tiến tới kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược. Trong bộn bề công việc kháng chiến, kiến quốc, Bác đã cho ra đời tác phẩm.

Điều tôi tâm đắc về tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” là nội dung Bác Hồ viết về tư cách của Ðảng và tư cách đảng viên. Về Đảng, Bác viết: “Ðảng không phải là một tổ chức để làm quan, phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Ðảng không có lợi ích gì khác”.

Bác căn dặn: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Ðiều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Ðảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít mà những tính tốt sẽ ngày càng thêm”. Những tính tốt ấy, theo Bác, có năm điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm.

Bác phê bình cái tư tưởng giấu giếm, không dám công khai tự phê bình: “Một Ðảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Ðảng hỏng. Một Ðảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Ðảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Hiện nay, trong thời kỳ phát triển đất nước, do nhiều nguyên nhân khác nhau, do hệ thống pháp luật, do kiểm soát quyền lực chưa chặt chẽ, trong Đảng xuất hiện những cán bộ thoái hóa biến chất, ham quyền lực, chạy theo lợi ích vật chất, chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích cá nhân, của một nhóm người lên trên lợi ích nhân dân, quốc gia, dân tộc. Nhiều cán bộ, đảng viên đã câu kết, thông đồng với các đối tượng bên ngoài, thực hiện những việc làm trái pháp luật, vi phạm đạo đức, tư cách đảng viên, gây mất niềm tin với nhân dân. Nguyên nhân chính là họ không thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, học tập để trở thành người cán bộ, đảng viên cách mạng chân chính như Bác Hồ đã dạy.

Để khắc phục những yếu kém này, với phương châm coi xây dựng, chỉnh đốn Ðảng là nhiệm vụ then chốt, công tác cán bộ là khâu then chốt của nhiệm vụ then chốt; thời gian qua Ðảng ta đã đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, kiểm soát quyền lực... Đây chính là việc thực hành những điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” cách đây 72 năm.

Xin nhấn mạnh là, trong “Sửa đổi lối làm việc”, về công tác kiểm soát trong Đảng, Bác dạy: “Lãnh đạo phải gắn liền với kiểm soát (hay kiểm tra)… Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa, kiểm soát khéo, về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”.

Thấm nhuần quan điểm này, trong nhiệm kỳ XI và XII, Đảng ta đều ban hành Nghị quyết Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực hiện nghị quyết này, đến nay công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng đã được quyết liệt thực hiện rộng khắp.

Có thể nói, trong suốt chiều dài lịch sử của Đảng gần 90 năm qua, chưa khi nào hoạt động kiểm soát quyền lực được tiến hành quyết liệt, có chuyển biến tích cực, kịp thời ngăn chặn những “thương vụ bẩn” trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp. Xin dẫn ra số liệu mới nhất về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 mà đồng chí Lê Minh Khái, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ trình bày trong Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12-9 để chứng minh rằng, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đang rất quyết liệt, hướng tới làm trong sạch Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa hồng, vừa chuyên.

Theo đó, từ đầu năm 2019 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện 134 vụ việc và 118 người có vi phạm, kiến nghị kỷ luật 26 người; thu hồi, yêu cầu bồi thường 267,86 tỷ đồng. Số người đã kê khai tài sản, thu nhập trong năm đạt tỷ lệ 99,9%; số bản kê khai đã công khai đạt 99,4%; có 46 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện 10 trường hợp vi phạm, đã xử lý kỷ luật 8 trường hợp, đang xem xét xử lý 2 trường hợp. Qua kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp tại 1.650 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm, xử lý 57 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm. Đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 9.106 cán bộ, công chức, viên chức. Có 21 người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng và 2 người đang được xem xét, xử lý. Qua việc tự kiểm tra nội bộ phát hiện 19 vụ, 22 đối tượng; qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 48 vụ, 37 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng; qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phát hiện 13 vụ, 30 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng.

Những số liệu trên cho thấy, việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng thời gian gần đây được Đảng ta hết sức chú trọng và được các cơ quan chức năng tiến hành quyết liệt, triệt để. Đó là cơ sở khẳng định, chủ trương đấu tranh phòng, chống tham nhũng “không có vùng cấm” mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố trước công luận là rất đúng đắn và thuyết phục. Và đây cũng chắc chắn là phương cách tiêu diệt, tẩy trừ chủ nghĩa cá nhân và lợi ích nhóm hữu hiệu.

Hiện nay, khi mà dân chủ được mở rộng, khi mà phương tiện truyền tải thông tin đã nhanh hơn, nhạy hơn và nhiều hơn nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nhiều đối tượng thoái hóa về tư tưởng, theo đuổi chủ nghĩa xét lại đã có những hành vi phê phán, nói xấu, đặt điều, vu khống, nhằm hạ thấp vai trò, uy tín của Đảng. Nhiều đối tượng đã chủ động tấn công vào lĩnh vực tư tưởng, gây nhiễu loạn thông tin, gây hoài nghi và làm mất niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Một số đối tượng xấu đã công kích làm cho người khác hiểu sai về tính đúng đắn của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Thế nên, để có sự cảnh giác, để không bị kẻ xấu lung lạc niềm tin, để sống, làm nhiều việc có ích và cống hiến cho xã hội chính là cách tốt nhất phản bác lại những chiêu trò phản động ấy.

Những lời dạy Bác Hồ nêu lên trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” là tài sản vô giá, là ánh dương soi đường, chỉ dẫn cán bộ, đảng viên hướng tới hành động cách mạng trong sáng, thiết thực phục vụ nhân dân, đất nước, dân tộc. Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” ví như một tượng đài vĩnh cửu, mãi mãi in đậm trong trái tim, khối óc dân tộc Việt Nam nói chung và mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng.



Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất