Những yêu cầu về phẩm chất và năng lực đặc thù của giảng viên lý luận chính trị nước ta trong thời kỳ hội nhập ngày nay
Hội thi giảng viên lý luận giỏi toàn quốc năm 2018 nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị.

1. Dưới thời đại Hồ Chí Minh, những chủ trương, đường lối chính trị của Đảng được phổ biến, lan tỏa, thực hiện sâu rộng trong xã hội là minh chứng thiết thực cho sự nhân văn, tiến bộ của Đảng ta, cho tinh thần chung sức đồng lòng xây dựng, phát triển đất nước của nhân dân ta theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều này có được bởi nhiều lý do, trong đó có phần quan trọng là do Đảng ta đã đề ra, vận dụng các biện pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị một cách đa dạng, phong phú. Đặc biệt, là có sự phát huy hiệu quả vai trò của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị với tư cách là những người truyền giảng, định hướng các tư tưởng, đường lối lý luận chính trị đến các đối tượng người học, đến người dân.     

Nhìn tổng thể, giảng viên lý luận chính trị không chỉ là người thầy truyền dạy những tri thức lý luận chính trị cho người học, mà sâu xa hơn, còn là người hoạt động chính trị (nhà chính trị) một cách cả trực tiếp và gián tiếp thông qua việc cung cấp và phổ biến những quan điểm, đánh giá, nhận xét về các vấn đề lý luận chính trị và các hoạt động, lĩnh vực xã hội. Đồng thời, là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, người cung cấp thông tin và người phản hồi diễn biến tình hình tư tưởng – chính trị trong xã hội, trong Nhân dân đến Đảng và từ Đảng đến Nhân dân. Họ còn là người góp phần tham gia vào công tác tham mưu lý luận chính trị cho Đảng thông qua các bài viết, các công trình nghiên cứu khoa học, các ý kiến nhận xét, đánh giá… mang tính lý luận chính trị của mình. Do đó, bên cạnh các yêu cầu về tri thức chuyên môn và kỹ năng giảng dạy, giảng viên lý luận chính trị còn cần có những phẩm chất và năng lực đặc thù để đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe và đa dạng, phong phú của thực tiễn quá trình giảng dạy trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng.

Ở nước ta hiện có đội ngũ giảng viên lý luận chính trị ở khắp các cơ sở đào tạo, các trường đại học, các trung tâm giáo dục lý luận chính trị… Đội ngũ này đa phần đã được chuẩn hóa về bằng cấp, có năng lực và trình độ chuyên môn, nhiệt huyết với nghề, lập trường tư tưởng chính trị vững vàng. Không ít người đã khẳng định được vị trí, tên tuổi của mình trong nghề nghiệp và xã hội nhờ những bài giảng hấp dẫn, thuyết phục, các công trình nghiên cứu khoa học, bài viết được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hội thảo khoa học trong và ngoài nước có giá trị cao về lý luận và thực tiễn… Song, vẫn có một bộ phận giảng viên lý luận chính trị sa vào giảng dạy lý luận mà chưa có sự liên hệ, kết nối với thực tiễn, với yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của người học, khiến bài giảng khô khan, thiếu tính hấp dẫn và thuyết phục. Một bộ phận giảng viên chưa thực sự ý thức được hết tầm quan trọng của việc giảng dạy lý luận chính trị, nên “đánh đồng” với giảng dạy các môn học khác, chưa chủ động tìm tòi, nắm bắt bản chất, đặc trưng của việc giảng dạy lý luận chính trị để tìm phương pháp, hình thức tiếp cận, giảng dạy hiệu quả, phù hợp, khiến người học cảm thấy nhàm chán…

Xuất phát từ thực trạng trên, những yêu cầu về phẩm chất, năng lực đặc thù của giảng viên lý luận chính trị nước ta đang dần trở thành một trong những tiêu chí quan trọng trong đánh giá, nhận xét cán bộ giảng dạy lý luận chính trị. Đồng thời, là yêu cầu cấp bách đặt ra của thực tiễn hoạt động giảng dạy lý luận chính trị, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị, góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập với nhiều thời cơ và thách thức mới đan xen. 

2. Nhìn nhận, đánh giá, tìm hiểu những yêu cầu về phẩm chất và năng lực đặc thù của giảng viên lý luận chính trị nước ta trong thời kỳ hội nhập hiện nay cần chú ý bảo đảm những tiêu chí cơ bản: Không tách rời các yêu cầu về xây dựng và phát triển con người, đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời đại mới. Đồng thời, gắn liền với việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa chính trị Việt Nam, phục vụ sự phát triển bền vững nền lý luận chính trị nước ta.

Bên cạnh những yêu cầu về trình độ tri thức, trình độ chuyên môn và kỹ năng, kinh nghiệm giảng dạy nói chung vốn là những yếu tố tiên quyết cần có ở giảng viên lý luận chính trị, giảng viên lý luận chính trị cần bảo đảm những yêu cầu về phẩm chất đặc thù sau: Về tri thức: Có tri thức lý luận chính trị vững vàng trên cơ sở lập trường Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và lý luận về con đường và định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Về phẩm chất đạo đức, lối sống: Có đạo đức, lối sống trong sạch, cần, kiệm, liêm, chính, chủ động và gương mẫu học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Về phẩm chất chính trị: Luôn kiên định lập trường Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng; không bị dao động, lung lay trước cám dỗ vật chất, tinh thần hay chiêu bài “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, không lôi kéo người học vào ý thức tự do dân chủ quá trớn, hoặc đòi đa nguyên, đa đảng… Về phẩm chất kỷ luật: Nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật do nhà trường và đơn vị đề ra, nghiêm túc và gương mẫu, kỷ luật trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác.

Đồng thời, giảng viên lý luận chính trị cũng cần có những năng lực đặc thù, trước hết là năng lực truyền giảng lý luận chính trị một cách hấp dẫn, không khô khan, tránh sa vào hình thức, chủ quan, duy ý chí… trên cơ sở nền tảng tri thức lý luận chính trị vững vàng, có khả năng đánh giá, vận dụng hợp lý và thường xuyên cập nhật, bổ sung cái nhìn, cách tiếp cận mới với các vấn đề lịch sử, kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội…, các tình huống, quan điểm lý luận chính trị trong cả lý luận và thực tiễn. Năng lực sáng tạo và vận dụng sáng tạo trong quá trình tìm hiểu, tiếp thu kinh nghiệm giảng dạy, truyền đạt lý luận chính trị từ các nước bạn, từ trong lịch sử cũng là một yêu cầu quan trọng đặt ra đối với đội ngũ giảng viên lý luận chính trị hiện nay để truyền bá tri thức lý luận chính trị đến người học vừa bảo đảm yêu cầu về chính trị, vừa thu hút được sự quan tâm, chú ý, vận động và lôi kéo người học có nhận thức lý luận chính trị đúng đắn.

Giảng viên lý luận chính trị cũng rất cần có sự nhạy bén, tỉnh táo và chủ động trong tư tưởng, lập trường chính trị để trang bị kịp thời cho bản thân và cho người học các tri thức, kỹ năng đối phó, miễn nhiễm với các hoạt động, chiêu bài “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm vào đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, vào người học cũng như vào đời sống xã hội nước ta. Cũng cần khéo léo, tế nhị để tránh sa vào quan điểm chính trị cực đoan, hoặc gây ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ chính trị giữa nước ta với các nước khác, giữa mối quan hệ con người với con người… trong quá trình giảng dạy, truyền bá tri thức lý luận chính trị, để nhìn nhận, đánh giá, hóa giải và định hướng một cách nhẹ nhàng, thấu đáo các vấn đề, tình huống tư tưởng chưa đúng đắn (nếu có) ở người học. 

Năng lực hoạt động thực tiễn cũng là một yêu cầu không thể thiếu đối với giảng viên lý luận chính trị để có thể học hỏi, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn, làm cho bài giảng trở nên phong phú, sinh động và thực tế hơn. Gắn với đó là khả năng hòa nhập tốt với môi trường giảng dạy, nghiên cứu lý luận chính trị quốc tế nhằm tăng cường sự giao lưu, tương tác giữa các môi trường học thuật lý luận chính trị để làm giàu cho nhận thức lý luận chính trị của bản thân, tăng cơ hội giao lưu, học hỏi các vấn đề lý thuyết và thực tiễn giảng dạy, nghiên cứu lý luận chính trị với thế giới.

3. Để các phẩm chất và năng lực đặc thù của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị được tăng cường và phát huy, gắn với nâng cao chất lượng giảng viên lý luận chính trị, cũng là góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo lý luận chính trị, ở tầm vĩ mô, cần không ngừng củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị nhằm tạo sự nối tiếp giữa các thế hệ giảng viên lý luận chính trị ở các cấp, các địa bàn. Có cơ chế, chính sách tiền lương và tạo điều kiện làm việc thuận lợi hơn nữa cho đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, đặc biệt là những người công tác ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, nông thôn… Kịp thời khen thưởng, biểu dương các tấm gương giảng viên lý luận chính trị vừa có đức vừa có tài, có thành tích tiêu biểu trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu. Đồng thời, xử lý nghiêm minh một bộ phận giảng viên vi phạm kỷ luật nghề nghiệp, đạo đức lối sống, hoặc có biện pháp thuyên chuyển công tác đối với những trường hợp giảng dạy lý luận chính trị không đạt hiệu quả, yêu cầu chuyên môn đề ra.

Bản thân đội ngũ giảng viên lý luận chính trị cần không ngừng trau dồi, tu dưỡng đạo đức, lối sống, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách đức Hồ Chí Minh; thường xuyên có ý thức nâng cao tri thức lý luận chính trị trên cơ sở tìm hiểu, nghiên cứu, cập nhật các kiến thức lý luận chính trị, kiến thức văn hóa – xã hội… nhằm tạo nền tảng tri thức rộng, sâu. Tích cực học hỏi, rèn luyện, đổi mới các phương pháp, hình thức giảng dạy lý luận chính trị để nâng cao chất lượng giảng dạy. Cần biết thông thạo ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh) để có thể đọc, nghiên cứu được các tài liệu lý luận chính trị nước ngoài, trực tiếp tham gia trao đổi, bàn luận các vấn đề lý luận chính trị với các đồng nghiệp quốc tế giảng dạy trong lĩnh vực này. Đồng thời, nâng cao khả năng sử dụng thành thạo công nghệ thông tin hiện đại, đặc biệt là máy vi tính để tìm kiếm tài liệu trên mạng in-tơ-net, soạn bài giảng điện tử… nhằm đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy, góp phần nâng chất lượng giáo dục – đào tạo lý luận chính trị lên một tầm cao mới trong thời kỳ hội nhập ngày nay.   


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất