Qua rà soát cho thấy, còn nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị để xảy ra sai sót, nhiều trường hợp không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định trong công tác cán bộ. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị bổ nhiệm cấp phó vượt số lượng so với quy định; thiếu hồ sơ bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm cán bộ không có trong quy hoạch. Công tác bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử có trường hợp chưa đúng quy trình hoặc đúng quy trình nhưng liên quan đến người nhà, người thân của các đồng chí lãnh đạo, tạo dư luận không tốt, cá biệt có nơi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, thu hồi quyết định bổ nhiệm, khai trừ Đảng. Tình trạng thiếu tiêu chuẩn, điều kiện hoặc có sai sót trong bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử ở cấp càng thấp có tỷ lệ càng cao.
Qua tự kiểm tra, rà soát, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của những sai sót, trong đó đáng chú ý là: Một số nội dung công tác cán bộ còn thiếu đồng bộ, thống nhất giữa văn bản của Đảng và văn bản của Nhà nước. Những sai sót trong tuyển dụng, luân chuyển, bổ nhiệm của các giai đoạn trước không được kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời, gây khó khăn trong việc xem xét, xử lý tập thể, cá nhân vi phạm. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thể chế hóa, cụ thể hóa cũng như tổ chức thực hiện các nghị quyết, quy định về công tác cán bộ ở nhiều tổ chức đảng và người đứng đầu các cấp, cơ quan, đơn vị chưa nghiêm túc, khoa học, hiệu quả, còn chậm và mang tính hình thức. Chưa có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác cán bộ của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thường xuyên, chưa kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm. Việc phối hợp của các cơ quan chức năng trong kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm về công tác cán bộ thiếu chặt chẽ, hiệu quả. Năng lực, trình độ, trách nhiệm của một số bộ phận cán bộ, công chức làm công tác tổ chức, cán bộ ở các cấp, các ngành còn bất cập so với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm nêu trên, thiết nghĩ cần chú trọng một số giải pháp cơ bản sau:
Trước hết là phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan tham mưu của Đảng trong việc tự kiểm tra, rà soát công tác cán bộ. Trong đó chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu và cấp ủy, tổ chức đảng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và trong thực hiện các quy định, quy chế về công tác cán bộ; xây dựng chế độ kiểm tra cán bộ và công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm rõ ràng, thống nhất, chặt chẽ, liên thông trong công tác cán bộ. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trong công tác cán bộ. Đổi mới công tác cán bộ, đẩy mạnh phân công, phân cấp, giao quyền đi đôi với xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện và tăng cường kiểm tra, giám sát để xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân được phân cấp; tăng thẩm quyền, đồng thời đề cao trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, của người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan tham mưu, cán bộ tham mưu và tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra sai sót trong công tác cán bộ trong thời gian vừa qua. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền cần tiến hành việc hậu kiểm để giám sát quá trình khắc phục, xử lý theo quy định.
Có thể thấy, việc tự kiểm tra, rà soát, khắc phục những sai sót, hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị là cần thiết, cấp bách, nhất là trong bối cảnh chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Lê Tâm