Nêu gương để dân tin, dân theo

Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nêu gương có một vai trò to lớn và là một giá trị trong chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Bác Hồ khẳng định: Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Do đó, Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên không những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt, mà còn phải nêu gương trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, nói đi đôi với làm. Theo Người, cán bộ, đảng viên phải nêu gương nói và làm, để dân tin, dân phục, dân yêu…

Cuộc đời giản dị, trong sáng của Người luôn là tấm gương đạo đức mẫu mực, tự giác nêu gương, nói đi đôi với làm để các thế hệ người Việt Nam chúng ta noi theo.

Trong bài “Sức khỏe và thể dục” đăng trên báo Cứu quốc, số 119 ra ngày 27-3-1946, Hồ Chí Minh viết: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần, mỗi một người dân mạnh khỏe là góp phần cho cả nước mạnh khỏe. Vậy luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước... Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ta, ai cũng cố gắng tập thể dục. Tự tôi, ngày nào cũng tập”.

Trước đó, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra 6 vấn đề cấp bách, trong đó theo Người coi trọng nhất là: “Phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống nạn đói, mở ngay một cuộc lạc quyên gạo để giúp đỡ người nghèo”. Người nói: “Nhân dân đang đói… Tôi đề nghị với Chính phủ là phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất… Tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo”. Tiếp đó, để người dân hiểu, người dân tin và làm theo lời kêu gọi, Người đã viết bài “Sẻ cơm nhường áo” đăng trên báo Cứu Quốc số 53 (ngày 28-9-1945) với tình cảm thương người như thể thương thân: “Lúc chúng ta bưng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước. Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo…”

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu đói đã vận động tổ chức lạc quyên, tổ chức ngày đồng tâm nhịn ăn lập hũ gạo cứu đói… trở thành một phong trào quần chúng rộng lớn. Với tình thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách cộng với những biện pháp tích cực khác của Chính phủ, nạn đói năm 1945 được đẩy lùi.

Kể sao hết những việc làm, hành động nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ hy sinh của Người là sự thống nhất trọn vẹn giữa nhận thức và hành động, giữa nói và làm. Điều đó cắt nghĩa vì sao Hồ Chí Minh có sức hút lớn, quy tụ được mọi người trở thành một khối đại đoàn kết và bạn bè tiến bộ khắp năm châu dành cho Người sự kính trọng, niềm tin yêu sâu sắc.

Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên ngày nay

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII), đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Trong những năm qua, nhờ có những chủ trương, quy định đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương cho nên ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên... Việc thực hiện các chủ trương, quy định về nêu gương của Đảng đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Nhiều đồng chí đã có ý thức rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, hết lòng, hết sức tận tuỵ với công việc, được quần chúng yêu mến, tín nhiệm.

Tuy nhiên, những kết quả thu được còn hạn chế, chưa đạt được yêu cầu đề ra... Một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống..., gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.
Vì vậy, vấn đề đặt ra lúc này là cần có cuộc phát động cán bộ, đảng viên thực hành nêu gương, nói đi đôi với làm theo phương châm cán bộ cấp càng cao càng phải gương mẫu làm trước, bằng hành động và có kết quả để làm mực thước cho mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân làm theo trở thành phong trào rộng khắp, việc làm nền nếp, thường xuyên.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất