1. Tệ tham nhũng, hối lộ chốn quan trường
Làm quan là cả một niềm tự hào không chỉ bản thân mà còn của gia đình, dòng họ. Và cũng chính lúc ấy, người làm quan đứng trước một thử thách vô cùng to lớn – thử thách của lương tâm. Vinh và nhục, mất và còn chỉ là một lằn ranh mỏng manh. Thế nên, Đặng Huy Trứ đã tự dặn lòng và cũng là căn dặn những người làm quan rằng:
"Mình thiệt, lợi dân, dân gắn bó
Đẽo dân, mình béo, dân căm hờn
Hờn căm, gắn bó tùy ta cả
Duy chữ THANH, THANH đối thế nhân"[1]
Chữ THANH trong quan niệm của Đặng Huy Trứ chính là thanh liêm. Đó là lời hứa trọn một đời sống trong sạch, cống hiến cho dân, cho nước. Trong "Từ thụ yếu quy", với ông, chỉ có 5 trường hợp được phép "thụ" (nghĩa là nhận), còn lại 104 trường hợp thì phải "từ" (nghĩa là từ chối).
Năm trường hợp được phép nhận quà gồm:
Tặng quà nhân dịp lễ, tết hằng năm (trừ những người phạm vào tội tham nhũng và những thợ thuyền, người buôn bán).
Xong việc đến tạ ơn. Trong quá trình giải quyết công việc luôn tỏ rõ sự công tâm, chính xác nên được người ta chịu ơn, mang chút quà mọn đến để cảm kích tấm chân tình và lòng ngay thẳng.
Người được tiến cử tạ ơn. Người được tiến cử làm việc ngay thẳng, có nhiều công lao được thăng quan tiến chức, nhớ ơn xưa mang sản vật địa phương đến biếu thì có thể nhận.
Thuyền buôn Nam – Bắc mang quà đến biếu. Thương nhân trên đường đi buôn bán ghé đậu ghe thuyền được yên ổn, không xảy ra mất cắp… lấy làm mừng mà mang ít đồ đến biếu gọi là cảm tạ thì cũng có thể nhận.
Nhân việc vui buồn mà có đồ riêng như gia đình có đám, cúng giỗ lớn mà người ta mang đồ đến chung vui, chia buồn thì cũng có thể nhận.
Theo Đặng Huy Trứ, những trường hợp này hoặc do xuất phát từ yếu tố văn hóa truyền thống hoặc vì tình cảm yêu mến nhân cách và tài năng, người ta mới mang đến tặng, biếu. Vì vậy người nhận cũng xuất phát từ tấm lòng mà nhận, đó gọi là "người cho không xấu hổ, kẻ nhận không ngại ngùng" [2].
Ngoài năm trường hợp trên có thể nhận thì đại đa số là không thể nhận (104 trường hợp) bởi những trường hợp này được liệt vào dạng hối lộ mà người làm quan cứ mặc nhiên nhận thì chẳng khác nào "phường trộm cướp trong đám mũ cao áo dài".
Trong 104 trường hợp, theo Đặng Huy Trứ, người làm quan không được nhận (tiền, quà), có những trường hợp mà đến giờ vẫn là những lời nhắc rất hữu ích cho những người làm quan bởi nó gợi nhớ đến những căn bệnh “chạy" mà Đảng ta đã chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) như: "chạy chức", "chạy chỗ", "chạy thành tích"….
Đó là các dạng hối lộ: Sĩ tử đi thi hối lộ để cầu được đỗ/Quan lại xảo quyệt hối lộ cầu được tiến cử/Ngạch võ hối lộ để được bổ sang ngạch văn/Quan lại bị cách chức hối lộ để được phục chức/Quản cơ, suất đội hối lộ để được coi cửa quan, cửa biển (hối lộ để được bổ vào vị trí có nhiều lợi lộc)/Địa phương hối lộ các quan đến thanh tra/Thủ kho hối lộ các viên thanh tra/Hối lộ các quan đi tra xét kiện tụng/Hối lộ để chia nhau những thứ dôi ra trong kho… [3]
Vì hối lộ là hành vi xấu xa của những kẻ bất lương nên thủ đoạn của chúng rất tinh vi: "Lúc đầu thì biếu sơn hào hải vị, thứ đến trà ngon, the tốt, tiếp đến là tùy ta thích gì lớn nhỏ đều sẵn sàng dâng biện… tưởng như những cách chạy chọt, cầu cạnh ấy chẳng phải là điều không ngay thẳng gì, chẳng có ý gì là "thả con săn sắt, bắt con cá rô" nhưng thực ra là đã có ý đồ từ trước" [4]
Do vậy, thái độ của người làm quan trước những dạng hối lộ này là phải kiên quyết ngăn chặn, ví dụ như trường hợp "Sĩ tử đi thi hối lộ để cầu được đỗ": "… có những kẻ hèn kém, ngày thường chẳng chịu học hành, đến kỳ thi liền đem tiền bạc đến ngầm hối lộ quan chấm thi để cầu được đỗ. Những kẻ ấy, hạnh kiểm đã chẳng ngay thẳng, nhân phẩm không ra sao..., nếu được đỗ thì cả đời họ chỉ toàn tiến thân bằng con đường mờ ám, di hại cho dân chúng không nhỏ..., ta phải chặn đứt mầm tai họa ấy ngay từ đầu… , nhược bằng thấy lễ hậu mà cho đỗ bừa thì ta đúng là một tên đạo tặc trong đám mũ cao, áo dài" [5], bởi một điều hiển nhiên: "Một người gây thói xấu, mười người nhắm mắt làm theo". Nếu cứ đại khái, làm bừa: "Người cho thì nói rằng: không làm thế không tròn được cái đạo phụng sự người trên. Kẻ nhận thì nói rằng: khước từ, e không làm yên lòng người mang lễ đến. Cứ theo nhau như thế lâu dần thành nếp xấu" [6] sẽ rất có hại.
Suy cho cùng, đối với người làm quan, quan trọng nhất vẫn là lương tâm bởi sự hối lộ dù có tinh vi đến đâu cũng không thể xuyên phá được lương tâm trong sáng, vững như bàn thạch: "Điều quan trọng của việc làm quan không gì bằng giữ tâm được trong sạch". Ấy là điều vô cùng quan trọng, bởi chẳng thiếu những lời tỉ tê: Chỉ có anh biết, tôi biết, tôi không nói, anh không nói thì ai biết đâu mà sợ… dễ ru ngủ chúng ta, đưa đường, dẫn lối chúng ta vào sai trái. Do đó lương tâm trong sáng sẽ giúp chúng ta ngay cả khi bị đặt vào tình huống "anh biết, tôi biết" cũng vẫn khảng khái mà rằng: Có trời biết, đất biết, anh biết, tôi biết, sao lại bảo không ai biết?
Như thế mới xứng đáng "ngửa mặt không hổ với trời, cúi đầu không thẹn với đất". Do vậy, với người làm quan: "Nếu như có thể ngay từ đầu đã tự thề với lương tâm tuyệt đối giữ gìn, tốt nhất là không để thứ hối lộ đó lọt vào tai, thứ đến là không để qua mắt, thứ nữa là không để đến tay" [7]
Muốn được như thế, đối với bản thân mình, phải: "Luôn luôn tự mình xem xét, kiểm điểm, đặt ra các câu hỏi để tự vấn lương tâm: Có lúc nào không chăm chỉ ư? Có việc gì không thận trọng ư? Có điều gì không thành thực ư? Có điều gì không làm đến nơi đến chốn, chậm chạp, lề mề ư…?" [8] để tự răn, tự soi lại chính bản thân mà sửa đổi những cái xấu, chưa hoàn thiện. Xác định ăn bổng lộc của triều đình, gánh trên vai nhiệm vụ chăm sóc muôn dân như cha mẹ chăm sóc con cái thì: "Chớ đam mê rượu chè; chớ đắm say sắc dục; chớ đắm say đánh cờ, làm thơ. Việc gì phải quyết thì lập tức xem xét, gấp gáp thi hành, không nên để đến ngày mai" [9]
Ngoài ra, phải giúp những người khác cùng rèn chữ thanh liêm, phải đấu tranh với những hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ:"Một năm 12 tháng, hằng tháng phải tự xem xét. Một ngày 12 khắc, từng khắc phải xem xét. Điều gì cần hối cải, phải hối cải. Điều gì cần sửa đổi, phải sửa đổi. Điều gì cần khuyên giải, phải khuyên giải. Điều gì cần ngăn ngừa, phải ngăn ngừa. Điều gì cần tiếp thu, phải tiếp thu. Điều gì nên hạn chế, phải hạn chế… chỉ một mình ôm một chữ Liêm, khư khư tự giữ mình mà bốn bề, trên dưới vẫn đầy rẫy chỗ rò rỉ, hư hỏng thì phỏng có ích gì? (10)
Với Đặng Huy Trứ, "nhận hay không nhận, trong bụng đã có nguyên tắc định trước rồi… lấy điều tiết kiệm mà giữ mình [11]… Túi quan có quá lép thì cũng cố giữ lấy cái nghèo cho toàn danh tiết… cái lợi trước mắt không bù lại cái hại lớn về sau" bởi chẳng có ai làm quan được mãi, tiếng xấu sẽ lưu ngàn đời, liệu ta có thể làm ngơ mà mỉm cười nơi chín suối, con cháu ta có thể ngẩng cao đầu về sau? Vậy nên, phải giữ chữ thanh liêm cho thật chắc để: "Lúc làm quan thì làm gương cho cấp dưới, khi ở nhà thì làm gương cho con em" [12]
2. Những giá trị còn mãi với thời gian
Là một cuốn sách viết rất sâu sắc về tệ tham nhũng, hối lộ chốn quan trường, "Từ thụ yếu quy" cho thấy tính chất muôn màu, muôn vẻ của hành vi tham nhũng, hối lộ: từ những cái nhỏ nhặt như sản vật địa phương đến quà cáp đủ loại theo ý đồ cá nhân và ý muốn người nhận; từ những câu nói tưởng chừng không thể hợp lý hơn: "Chút ít tình cảm gọi là" đến những lời đề nghị về chức quyền… mà nếu không cẩn thận phân tích, không sáng suốt nhận ra, người làm quan có thể hủy hoại thanh danh của bản thân mình chỉ trong phút chốc. Đồng thời, "Từ thụ yếu quy" là một lời nhắc nghiêm khắc đối với những người làm quan về chữ liêm chính trong hoạt động công vụ cũng như trong cuộc sống của mình.
Những nội dung được đề cập trong "Từ thụ yếu quy" đã vượt ra khỏi giới hạn là tổng kết về cuộc đời làm quan của một vị quan thanh liêm có tiếng triều Nguyễn cuối thế kỷ XIX để trở thành một tác phẩm có ý nghĩa lớn hơn thế, không chỉ bởi những chỉ dẫn rất rõ ràng giúp người làm quan chân chính nhận ra những chiêu thức của kẻ hối lộ mà còn bởi những lời nhắc mang tính cảnh tỉnh đối với những người làm quan. Những người làm công tác cán bộ cũng có thể tìm thấy ở đây những kinh nghiệm quý báu cho công việc của mình về cần, kiệm, liêm chính, về cách nhìn người, từ đó có được sức đề kháng cần thiết trước những món lợi trước mắt, hậu họa về sau; có được sự dũng cảm cần thiết trong đấu tranh với những tệ nạn chốn công quyền và đặc biệt là có được sự nhạy cảm và tỉnh táo cần thiết trong đánh giá đội ngũ cán bộ với những diễn biến phức tạp trong suy nghĩ và hành động của họ.
Vượt ra ngoài phạm vi không gian và thời gian, hiện nay và sau này, những chỉ dẫn, nhắc nhở trong "Từ thụ yếu quy" vẫn là và sẽ còn là những vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng để Đảng ta xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính, cống hiến hết mình vì Đảng, vì Tổ quốc, vì nhân dân.
------------------------------
1, 2,3,4,5,6,7,8,9,10,11,12 Đặng Huy Trứ,
Từ thụ yếu quy, Nxb Pháp lý – Hội khoa học lịch sử Việt Nam, H.1992
Hà Sơn
Học viện Chính trị Khu vực IV