Thể chế hóa nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ cấp chiến lược ở nước ta thời gian qua
Cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược là cán bộ thuộc diện quản lý của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, là lãnh đạo các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương. Đây là những người nắm trọng trách lớn với các vấn đề của đất nước.
Thể chế hóa nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là ban hành các quy định cụ thể hướng dẫn việc thực hiện, ban hành các chế tài xử lý để kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa những biểu hiện xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ, phòng và tránh tình trạng lợi dụng, lạm dụng nguyên tắc tập trung dân chủ, đồng thời, định hướng suy nghĩ, điều chỉnh hành vi, khắc phục hiện tượng tiêu cực khi họ nắm quyền lực lớn trong tay.
Những kết quả đạt được
Hiện, cán bộ cấp chiến lược ở nước ta có 610 người. Về độ tuổi đa số trên 55 tuổi, chiếm 43,4%; 51-55 tuổi chiếm 39,8%; 46- 50 tuổi chiếm 12,3%. Về cơ cấu, cán bộ nữ chiếm 10,5%; cán bộ người dân tộc thiểu số chiếm 8,3%; cán bộ trẻ dưới 45 tuổi chiếm 5,9%. Những năm qua, Đảng ta đã từng bước xây dựng được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có số lượng và cơ cấu hợp lý, chất lượng ngày càng cao, có phẩm chất, thích ứng nhanh với yêu cầu nhiệm vụ. Có được kết quả này là do các khâu trong công tác cán bộ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ; nhiều chủ trương, quan điểm, giải pháp lớn về công tác cán bộ đã được thể chế hóa, cụ thể hóa bằng các quy chế, quy định, quy trình, bảo đảm công bằng, công khai, dân chủ, chặt chẽ.
Trong nhiều nhiệm kỳ, đặc biệt những nhiệm kỳ gần đây, Ban Tổ chức Trung ương đã tích cực nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng và ban hành nhiều quy chế, quy định, hướng dẫn cụ thể về công tác cán bộ, đặc biệt về quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ cấp chiến lược, tạo cơ sở pháp lý cho những người có trách nhiệm làm công tác cán bộ quán triệt, thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tạo ra những bước chuyển biến mới tích cực.
Những hạn chế
Trước tác động của kinh tế thị trường, bản chất tốt đẹp, đúng đắn của nguyên tắc tập trung dân chủ có nhiều biểu hiện bị biến dạng. Quyền lực Nhà nước vốn thuộc về Nhân dân trong nhiều trường hợp lại trở thành công cụ để phục vụ một bộ phận cán bộ có chức, quyền. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, đã đánh giá: Nguyên tắc tập trung dân chủ ở nhiều nơi bị buông lỏng. Tình trạng dân chủ quá trớn, “dân chủ hình thức” khá phổ biến, nguyên tắc tập trung dân chủ bị vi phạm nghiêm trọng, việc “đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ. Một số cơ chế, chính sách trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chưa công bằng, tính công khai, minh bạch còn nhiều hạn chế, v.v… Nhìn chung, quá trình thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược thường xảy ra hai trường hợp, đó là tập trung không trên cơ sở dân chủ và dân chủ không trong khuôn khổ tập trung.
Tập trung không trên cơ sở dân chủ. Đó là tình trạng cấp trên - chủ yếu là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị lạm quyền, lợi dụng quyền lực, độc đoán, chuyên quyền để lại hậu quả rất nghiêm trọng bởi khi đó dân chủ trở thành hình thức, việc lựa chọn cán bộ của tập thể cấp ủy trở thành sự lựa chọn của riêng cá nhân người đứng đầu, nguyên tắc dân chủ bị vi phạm nghiêm trọng.
Dân chủ không trong khuôn khổ tập trung biểu hiện ở việc dân chủ được thực hiện nhưng không đồng thời với việc đề cao nguyên tắc Đảng lãnh đạo công tác cán bộ, buông lỏng tập trung, dẫn đến tình trạng dân chủ quá trớn, cán bộ không nghiêm chỉnh chấp hành đầy đủ và nghiêm túc quy định về nguyên tắc tập trung dân chủ.
Những biểu hiện trên đây gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, đặt ra nhiều vấn đề về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ cấp chiến lược cần tập trung giải quyết.
Một số yêu cầu đặt ra
Qua thực tiễn, đặc biệt từ những hạn chế có thể thấy việc thể chế hóa nguyên tắc tập trung dân chủ là yêu cầu tất yếu trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền. Bên cạnh các yêu cầu cơ bản về tính pháp lý, tính khoa học, tính toàn diện, tổng thể... việc thể chế hóa phải luôn đề cao và thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng lãnh đạo công tác cán bộ, đặc biệt là đối với cán bộ cấp chiến lược; luôn tiến hành đồng thời với việc đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng. Bảo đảm các yêu cầu cơ bản sau:
Thứ nhất, thể chế hóa phải thống nhất từ trên xuống, Đảng ta đã có cương lĩnh, đường lối, mục tiêu rõ ràng, Điều lệ Đảng là văn bản pháp lý cơ bản của Đảng mà mọi tổ chức đảng và đảng viên đều phải tuyệt đối thi hành.
Thứ hai, thể chế hóa, cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ phải bảo đảm thực hiện chặt chẽ, dân chủ, công khai các khâu, các bước trong quy trình của công tác cán bộ.
Thứ ba, việc thể chế hóa trước hết phải bảo đảm chuyển tải chính xác, bảo đảm tính trung thực, khách quan, tính khả thi, dễ triển khai trong thực tế các nội dung cơ bản, không được để người thực thi có thể vận dụng làm sai lệch theo chủ quan cá nhân.
Thứ tư, thể chế hóa nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa cấp ủy với chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Các quy định, chế tài, quy chế hoạt động, phối hợp hoạt động phải xây dựng theo hướng vừa tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, vừa thực sự bảo đảm quyền lực chính trị thuộc về nhân dân; ngăn ngừa hiện tượng phủ nhận hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, hiện tượng Đảng áp đặt hoặc làm thay chính quyền…
Thứ năm, thể chế hóa phải gắn với từng cấp, từng nội dung cụ thể, phải có quy định bảo đảm cho đảng viên được thực hiện và được bảo vệ khi thực hiện quyền được thông tin, thảo luận, biểu quyết các vấn đề, công việc của Đảng về công tác cán bộ theo quy định; được phê bình, chất vấn; báo cáo, kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm và yêu cầu được trả lời, được trình bày, bảo lưu ý kiến...
Thứ sáu, phân cấp, xác định rõ phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan đến từng khâu trong cả quá trình, đặc biệt là trách nhiệm của tập thể cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, người chịu trách nhiệm từng khâu trong công tác cán bộ.
TS. Nguyễn Thị Mai Anh,
Nguyễn Thị Nhàn Thư