Công tác xây dựng Đảng ở ngoài nước là một bộ phận hữu cơ của công tác xây dựng Đảng. Hệ thống tổ chức cơ sở đảng ngoài nước và đội ngũ cấp ủy đã được xây dựng, phát triển lớn mạnh, quy tụ đảng viên, phát huy vai trò hạt nhân chính trị trong việc lãnh đạo, vận động quần chúng ở mỗi địa bàn; góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng viên ở ngoài nước đã luôn phát huy vai trò tiền phong gương mẫu tại các cơ quan đại diện, đơn vị trường học, trung tâm thương mại của người Việt, khu vực cư trú và là đầu tàu gương mẫu trong xây dựng hình ảnh Việt Nam ở nước sở tại, các phong trào vận động, tập hợp quần chúng đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, hướng về quê hương đất nước.
Đặc thù của công tác đảng ở ngoài nước là: (1) Không có chính quyền cùng cấp; không thể tổ chức đại hội, cấp ủy do Đảng ủy Ngoài nước chỉ định và thường xuyên biến động, thay đổi. (2) Ở xa Tổ quốc, khó tiếp cận thông tin chỉ đạo của Trung ương, của cấp ủy cấp trên trực tiếp; công tác bảo đảm cho hoạt động của tổ chức đảng và các tổ chức quần chúng gặp nhiều khó khăn, hoạt động không công khai. (3) Đảng viên ở nước ngoài ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương khác nhau; trình độ văn hoá, chuyên môn và thực hiện nhiệm vụ chính trị khác nhau; làm việc, sinh hoạt trên địa bàn rộng, phân tán, xen lẫn người dân nước sở tại. (4) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên trực tiếp đối với các cấp ủy trực thuộc chủ yếu bằng điện mật.
Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Trung ương quyết định mô hình tổ chức đảng ngoài nước cho phù hợp với sự thay đổi của tình hình thế giới và nhiệm vụ trong nước. Các tổ chức cơ sở đảng ngoài nước đang được bố trí theo nước và vùng lãnh thổ; mỗi cơ quan đại diện của ta ở ngoài nước là một tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng ủy Ngoài nước (nay là Đảng ủy Bộ Ngoại giao), có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảng, công tác vận động quần chúng tại địa bàn. Các tổ chức đảng trực thuộc được sắp xếp bố trí các loại hình đa dạng theo nhiệm vụ chính trị, địa bàn công tác hoặc nơi cư trú. Hiện nay, có 30 đảng bộ và 39 chi bộ ở ngoài nước; có 12 đảng bộ bộ phận với tổng số 65 chi bộ trực thuộc (15 chi bộ cơ quan đại diện, 5 chi bộ phu nhân - phu quân; 45 chi bộ ghép); có 404 chi bộ trực thuộc đảng uỷ nước (86 chi bộ cơ quan đại diện; 232 chi bộ lưu học sinh; 16 chi bộ phu nhân - phu quân; 70 chi bộ lao động xuất khẩu, chuyên gia và tự lập nghiệp) và gần 11.000 đảng viên, trải rộng khắp các châu lục, nhiều nhất ở các nước Liên Xô cũ, Đông Âu và các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Anh, Trung Quốc. Đảng viên được bố trí sinh hoạt đảng trong các chi bộ, đảng bộ, số ít được bố trí sinh hoạt lẻ trực thuộc các đảng bộ nước theo quy định của Trung ương.
Qua thực tiễn thi hành Điều lệ Đảng và điều kiện đặc thù của công tác đảng ở ngoài nước thời gian qua đặt ra một số vấn đề cần được tập trung nghiên cứu kỹ để có cơ sở khi đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng cho phù hợp, cụ thể:
1. Nghiên cứu đề xuất bổ sung 1 điều hoặc 1 khoản quy định về công tác đảng ở ngoài nước trong Điều lệ Đảng.
2. Về thủ tục kết nạp đảng viên: Đảng viên ở nước làm việc, sinh hoạt trên địa bàn rộng, do đó cần nghiên cứu đề xuất bổ sung cụm từ “sinh hoạt, hoạt động” và viết thành: “Là đảng viên chính thức và cùng công tác, sinh hoạt, hoạt động với người vào Đảng ít nhất một năm” vào Khoản 2, Điều 4, Điều lệ Đảng - Người giới thiệu người vào Đảng.
3. Về vấn đề đảng viên có thêm quốc tịch nước ngoài: Cần được nhìn nhận, nghiên cứu thỏa đáng.
4. Về chế độ, nền nếp sinh hoạt: Khoản 2, Điều 24, Điều lệ Đảng quy định: “Chi bộ, chi ủy họp thường lệ mỗi tháng một lần”; đề nghị cho phép một số tổ chức đảng hoạt động đặc thù được tổ chức sinh hoạt trực tuyến.
5. Về công tác quản lý đảng viên, đề nghị quy định: Chỉ cần 1 bản tự kiểm điểm của đảng viên có xác nhận của cấp uỷ trong thời gian ở ngoài nước khi làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng về nước; về việc quản lý, theo dõi, đánh giá đảng viên sinh hoạt lẻ; về tổ chức đảng trong các doanh nghiệp hoạt động ở nước ngoài; đảng viên sinh hoạt tạm thời, nếu xin gia hạn thời gian sinh hoạt cần có quy định tối đa số lần gia hạn; đảng viên được cử đi học theo học bổng Nhà nước, nếu ở lại thì phải đền bù các khoản chi phí theo quy định của Nhà nước, nhưng về quy định của Đảng cũng cần nghiên cứu để có hình thức quản lý phù hợp và về lãnh đạo đảng viên ngoài cơ quan đại điện.
Nguyễn Văn Tùng
Ban Tổ chức Trung ương