Kỳ 3: Giữ trọn lời thề


Nhìn lại nhiệm kỳ 2015-2020, từ năm 2016 đến 2019, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 1.111 tổ chức đảng, 18.265 cấp ủy viên các cấp và 54.573 đảng viên. Trong đó, BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 8 tổ chức đảng, 45 đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật 111 đảng viên, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (2 Ủy viên Bộ Chính trị, 21 Ủy viên Trung ương Đảng và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 38 sĩ quan trong lực lượng Công an, Quân đội, 23 đồng chí cấp tướng). Những cán bộ này đều từng kinh qua khói lửa chiến tranh, được rèn luyện, trưởng thành từ thực tiễn, có người còn là “hạt giống đỏ để mùa sau”... Đó là những bài học đau xót trong công tác cán bộ. 

Cán bộ cố ý mắc sai phạm đều là đảng viên, là những người có chức vụ, quyền lực, chỉ họ mới có thể lợi dụng chức, quyền để mưu lợi, trục lợi cá nhân. Đây là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống làm giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, là thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) điều tra theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Xây dựng Đề án trình Hội nghị Trung ương 4 (khoá XII) tháng 7-2016 cho thấy: Có 27% số người được hỏi cho rằng biểu hiện “vì chức, quyền, tiền bạc, bất chấp thủ đoạn; chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, chạy dự án, chạy bằng cấp, chạy danh hiệu thi đua, chạy tội…” đứng thứ 2 trong số 16 loại biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Điều này chứng tỏ dấu hiệu, biểu hiện, hành vi “chạy” trong các khâu của công tác cán bộ đã gây dư luận, tâm lý bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. “Chạy” giờ đã là một từ nhạy cảm, xuất hiện khá thường xuyên trong các vấn đề thời cuộc hôm nay. Câu chuyện "chạy" bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có tư duy “biên chế suốt đời”, tồn tại nhiều năm trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Được vào biên chế là yên tâm, dù sáng cắp ô đi, tối cắp ô về vẫn “đến hẹn lại lên”, khó bị buộc thôi việc. 

Ngày 25-11-2019, Quốc hội với 88,2% đại biểu nhất trí đã biểu quyết thông qua Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) cũng như Luật Viên chức (sửa đổi), sau đó Chính phủ có Nghị định hướng dẫn thực hiện các Luật này, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020. Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã chính thức mở đầu giai đoạn “bỏ biên chế suốt đời”, trước hết là đối với viên chức. Bỏ, nhưng cái “mác” cán bộ, công chức, viên chức vẫn có sức hút khá lớn nên tình trạng chạy tuyển dụng vẫn tồn tại nhức nhối. Do đó, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, trong đó có tuyển dụng cán bộ không chỉ giúp phòng ngừa tiêu cực, lộng quyền, lạm quyền của cán bộ mà còn góp phần bảo đảm quản lý nhà nước vận hành có hiệu lực. Vấn đề là kiểm soát bằng cách nào? 

“Chiếc vòng kim cô” pháp lý đã được thiết lập và bắt đầu siết chặt nhưng sai phạm vẫn tăng. Điều này chứng tỏ việc thực hiện chưa nghiêm, các cơ quan thừa hành xử lý chưa quyết liệt, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, các giải pháp chưa đồng bộ. Cán bộ vẫn cố tình tạo nhiều “vỏ bọc” khác nhau, tìm mọi cách lợi dụng vị trí công tác trục lợi, cố tình sai phạm. Nhìn lại lịch sử và trong mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị hôm nay, khi con người đóng vai trò trung tâm thì cán bộ phải thực hiện được 4 tự (tự giác ngộ, tự tu dưỡng, tự rèn đức, tự luyện tài) biết kiềm chế, kiểm soát “con người bản năng”, để có thể hạn chế đến mức thấp nhất sai phạm. Đồng thời, phải tạo cơ chế để cán bộ 4 không (không dám, không thể, không cần, không muốn vi phạm), không “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Bởi một khi con người đã cố tình thì sẽ tìm mọi cách để “lách”, để vi phạm mà không bị phát hiện, nếu bị phát hiện lại “chạy”, tìm mọi cách để thoát tội, giảm tội! 

Trong Hội nghị cán bộ toàn quốc ngày 23-4-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dẫn câu thơ nổi tiếng của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” khi nói về công tác cán bộ. Tại sao phải đặt chữ “tâm” lên trên hết? Chữ “tâm” chính là đạo đức, là phẩm chất, là văn hóa, là những giá trị tốt đẹp cần có ở người cán bộ, đảng viên. Đề cao những giá trị đạo đức, phẩm giá của con người để chúng ta xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp của con người viết hoa. CON NGƯỜI ấy luôn lấy đức làm đầu trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù là giải quyết công việc hay xử lý những mối quan hệ đời thường. Con người có “tâm” không bị cám dỗ bởi những ham muốn đời thường, bị phân tâm, chi phối bởi những mối quan hệ gia đình, xã hội, cố tình mắc sai phạm trong xử lý việc công. Con người có “tâm” phải biết hy sinh lợi ích cá nhân, gia đình vì dân tộc, vì đất nước. Để làm được như vậy, một trong những giải pháp trọng tâm là cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu ở từng cơ quan, đơn vị, từng tổ chức đảng phải nêu gương, thành tâm lắng nghe dân, thật lòng tiếp thu khi được dân góp ý. Lời nói đi đôi với việc làm lòng dân mới yên, tin tưởng vào cán bộ. Nói một cách đơn giản thì cán bộ phải “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.


Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khi đề cập đến công tác cán bộ và những phẩm chất cần có của người cán bộ, đảng viên đã khẳng định: Kiên quyết thu hồi, hủy bỏ các quyết định không đúng về công tác cán bộ. Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và danh dự của cán bộ để hình thành văn hóa không chạy chức, chạy quyền”. Như thế, làm một người cán bộ tốt phải là một người có văn hóa, văn hóa không chạy chức, chạy quyền, văn hóa “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”!

Lịch sử dân tộc còn ghi chuyện thời Trần Dụ Tông, triều chính, đất nước rối ren. Vua ham mê tửu sắc, trong triều gian thần liên kết hoành hành, bên ngoài giặc giã dấy lên cướp bóc, người dân đói khổ. Thầy giáo Chu Văn An đã viết “Thất trảm sớ” dâng vua đề xuất chém đầu 7 tên gian thần. Tuy vua phớt lờ, không trả lời nhưng như nhà sử học Lê Tung ở thế kỷ XV nhận xét: "Thất trảm chi sớ, nghĩa động càn không" (Tờ sớ thất trảm, nghĩa khí động trời đất). Nhà Trần suy tàn, sụp đổ, nguyên nhân chính là do không biết lắng nghe những lời nói phải. Nguyễn Trãi – Danh nhân văn hóa thế giới, một trong 14 anh hùng tiêu biểu của dân tộc ta đã phân tích nguyên nhân khiến triều Hậu Trần suy vong là do các vua quan không thực hiện đúng chính sách “thân dân” “làm kế sâu rễ bền gốc”; chỉ lo cuộc sống xa hoa, quyền lợi ích kỷ của mình, mặc dân khốn khổ, muôn dân oán hận mà không biết, lòng người oán trách mà chẳng kinh sợ. Phải thành tâm lắng nghe dân, thật lòng tiếp thu ý kiến của dân, thực hiện công việc vì dân, làm được như thế lòng dân sẽ yên. Bài học trong lịch sử của ông cha vẫn còn nguyên giá trị đối với chúng ta hôm nay!

Xuất phát từ phương châm nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) đã đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ban Tổ chức Trung ương đã đề xuất triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 gắn liền với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên, góp phần chỉnh đốn, giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Là cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý càng phải nghiêm khắc giữ mình, tự tu dưỡng, luyện rèn, học tập, trau dồi, làm gương cho đồng chí, đồng nghiệp, Nhân dân học và làm theo. 


Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”. Vì sao phải củng cố niềm tin của dân và làm thế nào để có thể thực hiện được mục tiêu đó trong điều kiện mới của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước? Bởi “Ý dân là ý trời”. Đó là đầu đề một bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên Báo Nhân Dân số ra ngày 31-7-1955. Ngay trong mở đầu của bài báo, Bác viết: “Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại. Đó là lời nói chí lý của thánh hiền đời xưa”.

Chưa có nhiệm kỳ nào BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều nghị quyết, quy định… về công tác cán bộ như trong 2 nhiệm kỳ gần đây. Chưa lúc nào xây dựng Đảng về đạo đức lại được nhắc nhiều đến như vậy. Lần đầu tiên, trong 6 năm, Trung ương Đảng ban hành 2 Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Hai nhiệm kỳ liên tục ban hành 2 nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng cho thấy Trung ương và các cấp ủy đảng tập trung cao độ cho công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó quyết liệt hoàn thiện cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực, tăng cường quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên. Đây là một nội dung quan trọng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát hiện, xử lý vi phạm của cán bộ, đảng viên chính là củng cố niềm tin của dân với Đảng. Niềm tin của dân chính là sức mạnh của Đảng, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất