1 Đất nước ta đang trong những ngày xuân rực rỡ của thập niên mới. Ôn cố tri tân (ôn cũ biết mới), không khí mùa xuân gợi nhớ đến tinh thần đổi mới “nhật nhật tân, hựu nhật tân” (ngày một mới, lại ngày một mới) và khát vọng dân tộc vươn lên hùng cường của những nhà chí sĩ yêu nước đầu thế kỷ XX. Dù là dân của một nước nô lệ nhưng trong sâu thẳm những con người đáng kính trọng đó vẫn luôn tiềm ẩn sự trỗi dậy, tinh thần phản kháng quyết liệt, ý thức về đổi mới và chuẩn bị nền tảng, tiền đề cho bước chuyển mình vĩ đại của dân tộc. Những tư tưởng đó được thể hiện qua nhiều phong trào yêu nước mà tiêu biểu là phong trào Duy Tân với tư tưởng “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” do nhà cách mạng Phan Châu Trinh phát động.
Dân khí là “sức mạnh tinh thần của nhân dân thể hiện trong đấu tranh”(1). Vấn đề dân khí được Phan Châu Trinh đặt ra dựa trên cơ sở lấy dân làm gốc gắn với các vấn đề dân trí, dân sinh và dân quyền. Cụ thể là mở mang nhận thức, tri thức của dân; chấn hưng ý chí, khí phách của dân; làm cho đời sống của dân được đầy đủ, hùng hậu. Trong bối cảnh nước ta những năm đầu thế kỷ XX, dưới chế độ thực dân nửa phong kiến, với chính sách ngu dân của nhà cầm quyền Pháp, người dân phải sống kiếp nô lệ, lầm than, trình độ học vấn thấp kém, lạc hậu. Phan Châu Trinh và một số nhà Nho đã nhìn ra những nhược điểm của dân tộc và của chính tầng lớp mình lúc bấy giờ, đó là sự yếu hèn, bạc nhược, cam chịu. Do đó, theo Phan Châu Trinh, để cứu nước trong tình thế “lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều” thì phải nâng cao sức mạnh của Nhân dân mà trước hết là nâng cao nhận thức, mở mang tri thức về quyền và nghĩa vụ công dân, về khoa học - kỹ thuật; phải xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, tệ mê tín dị đoan... Đặc biệt phải khơi dậy “dân khí” - ý chí, khí phách, sức mạnh tinh thần của Nhân dân.
Công cuộc “khai dân trí, chấn dân khí” chỉ có kết quả vững chắc khi thực hiện được công cuộc “hậu dân sinh”, làm cho người dân có ăn, có mặc, có cuộc sống vật chất ngày càng đầy đủ hơn. Nếu dân trí còn thấp thì dân khí khó có thể cứng cỏi. Dân khí cũng khó có thể cứng cỏi nếu dân sinh còn nghèo khổ, nếu người dân cứ suốt đời cam chịu hèn yếu. Chính sự tỉnh ngộ của những sĩ phu tiến bộ như Phan Châu Trinh và các đồng chí của ông trong phong trào Duy Tân cùng sự lao tâm khổ tứ ngày đêm tìm mọi cách giúp đồng bào cả nước tỉnh ngộ đã góp phần thúc đẩy công cuộc chấn dân khí lúc bấy giờ, làm cho người dân thoát khỏi mặc cảm tự ti, cam chịu, trả lại cho người Việt Nam sự tự tin, lòng tự hào về truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc, từ đó dũng cảm đương đầu với mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Dù con đường cứu nước mà Phan Châu Trinh đã chọn (Pháp - Việt đề huề) là con đường cải lương, mơ hồ, ảo tưởng về thực dân Pháp đã thất bại nhưng tư tưởng về đổi mới, chấn hưng dân khí, khơi dậy ý chí, sức mạnh tinh thần của dân tộc vẫn luôn có tính thời sự.
2 Dân khí là biểu hiện tinh thần chung, cao đẹp, được bồi đắp bởi hệ giá trị văn hóa của mỗi cộng đồng, dân tộc, quốc gia. Dân khí biểu hiện sự gắn bó, đồng tâm, nhất trí của các cá nhân trong cộng đồng, đòi hỏi mỗi cá nhân đặt lợi ích chung của cộng đồng lên trên lợi ích riêng của bản thân. Chỉ khi các thành viên nhận thức được sự hòa hợp giữa mục tiêu, lý tưởng của cá nhân với mục tiêu, lý tưởng chung của cộng đồng, sự gắn kết chặt chẽ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của cộng đồng thì họ mới có được lòng tự hào, ý thức trách nhiệm, tự nguyện, sẵn sàng hy sinh cho cộng đồng. Do đó, cộng đồng nào, dân tộc nào bồi đắp được dân khí vững bền và có thể khơi dậy được dân khí, sức mạnh tinh thần thì dân tộc ấy sẽ đạt được những thành quả to lớn trong quá trình xây dựng và phát triển.
Lịch sử vẻ vang của dân tộc ta, gần nhất là hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và sự nghiệp đổi mới đất nước 35 năm qua đã chứng minh, chính hệ giá trị văn hóa Việt Nam đã giúp khơi dậy dân khí, sức mạnh tinh thần lớn lao của dân tộc, để rồi chuyển hóa thành sức mạnh vật chất giúp Nhân dân ta vượt qua vô vàn khó khăn, gian khổ và giành được những thắng lợi vĩ đại. Truyền thống văn hóa, bản lĩnh, tâm hồn, khí phách đó đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần vô địch và tiếp tục được kế thừa, phát huy trong thời đại Hồ Chí Minh. Khi có chiến tranh, dân khí biểu hiện ở sức mạnh của lòng yêu nước, sự căm thù giặc, tinh thần đoàn kết, chung lưng đấu cật, ý chí quyết tâm đánh giặc, sẵn sàng xả thân, hy sinh để bảo vệ độc lập, tự do của đất nước. Khi đất nước hòa bình, dân khí biểu hiện ở lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí tự lực tự cường, ý thức bảo vệ, giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc cũng như ý thức bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc, tinh thần say mê học tập, lao động và sáng tạo, lý tưởng, trách nhiệm, quyết tâm và khát vọng xây dựng đất nước phát triển ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn và nâng tầm vị thế trên trường quốc tế.
Hiện nay, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đòi hỏi cần xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia và quốc tế, cá nhân và cộng đồng nhằm thúc đẩy, phát huy dân khí, sức mạnh tinh thần của Nhân dân, quy tụ nhân tâm trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu đạt được những thành tựu trong quá trình phát triển. Bất cứ quốc gia - dân tộc nào muốn trở nên thịnh vượng đều phải huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực văn hóa, con người, tạo được sức mạnh tổng hợp của toàn dân, cả sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần - dân khí. Đó luôn là yêu cầu cấp bách trong mọi thời đại.
3 Năm 2021, toàn dân chào đón Đại hội XIII của Đảng với điểm nhấn là khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Năm 2021 cũng là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội, trong đó có Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; năm tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đảng ta xác định tư tưởng chiến lược phát triển tổng thể của đất nước trong giai đoạn tới là đẩy mạnh đổi mới, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam; thu hút, trọng dụng nhân tài; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển đất nước; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy cao độ nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là quan trọng nhất.
Để hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển nhanh, bền vững, thời gian tới chúng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là phát huy và lan tỏa dân khí, sức mạnh tinh thần của toàn dân, từ đó chuyển hóa thành sức mạnh vật chất tổng hợp để đạt được thành tựu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trước tiên, cần đẩy mạnh việc xây dựng ý thức bảo tồn và phát huy hệ giá trị văn hóa, sức mạnh tinh thần của con người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chính trị, tư tưởng, truyền thống, hệ giá trị văn hóa dân tộc, đạo đức, bản lĩnh, trách nhiệm, lối sống lành mạnh, lý tưởng sống, khát vọng phát triển, ý thức tự học, thực học, học tập suốt đời và tinh thần thượng tôn pháp luật trong toàn dân, nhất là thế hệ trẻ.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện hiệu quả các hoạt động tôn vinh, khen thưởng kịp thời gương “người tốt, việc tốt”, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hiệu quả trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; có cơ chế xây dựng những mô hình có giá trị như những biểu tượng văn hóa trong xã hội (cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, đặc biệt là thế hệ trẻ...) với những phẩm chất tiêu biểu, đáng trân trọng, có sức lan tỏa và truyền cảm hứng mạnh mẽ, khơi dậy sức mạnh tinh thần của Nhân dân. Thực tiễn cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, các hoạt động ứng phó, cứu trợ đồng bào miền Trung vừa qua đã xuất hiện rất nhiều mô hình, biểu tượng vô cùng đẹp đẽ, giàu giá trị nhân văn, khẳng định vững chắc hơn giá trị văn hóa Việt Nam khi khơi dậy được dân khí và chuyển hóa sức mạnh tinh thần thành sức mạnh vật chất của toàn dân tộc (mô hình “ATM gạo”, “ATM khẩu trang”, “siêu thị 0 đồng”, những chuyến xe cứu trợ, những việc tử tế của biết bao người Việt Nam trong nước và ở nước ngoài…).
Thứ ba, có chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt, trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục - đào tạo, gắn với cơ chế phát hiện, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhân tài; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người Việt Nam, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Thứ tư, đấu tranh, ngăn ngừa kịp thời các hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch; phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ để củng cố lòng tin và sự gắn bó của Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Có như thế mới góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
-----
(1) Viện Ngôn ngữ (Hoàng Phê chủ biên): Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, 2003, tr.246.
Phạm Hằng
Học viện Báo chí và Tuyên truyền