Kỳ 2: Thể chế hóa nguyên tắc tập trung dân chủ trong các khâu xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược
Các cán bộ cấp chiến lược phải không ngừng nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, trí tuệ, luôn tiên phong, gương mẫu (Trong ảnh: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình). Ảnh: TTXVN
Thể chế hóa nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng tiêu chuẩn cán bộ cấp chiến lược

Thời gian qua do bổ nhiệm cán bộ đề cao yếu tố bằng cấp dẫn đến tình trạng sính bằng cấp, bằng cấp nhiều, văn bằng trình độ cao nhưng chưa phản ánh năng lực, trình độ thực tế của cán bộ. Nạn bằng giả (không học mà có bằng, học không thực chất, học kém, học dốt cũng có bằng…) trở thành vấn nạn cần phải nghiêm túc chấn chỉnh. Cần phân định rõ việc đánh giá bằng cấp qua trình độ học vấn với năng lực thực tế, trình độ văn hóa, tư cách đạo đức… của người cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, đối với cán bộ cấp chiến lược, phải xây dựng quy định về tiêu chuẩn cán bộ cấp chiến lược.  

Cán bộ cấp chiến lược cần phải bảo đảm hội tụ được các điều kiện, yêu cầu chung: Có bản lĩnh chính trị vững vàng. Tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Nhà nước đã đề ra. Có tầm nhìn chiến lược, định hướng phát triển, có tư duy lý luận, tổng kết thực tiễn, có nhận thức đúng đắn, sáng tạo. Có tài năng, có kiến thức về khoa học lãnh đạo, khoa học quản lý, học tập có hệ thống và đã kinh qua hoạt động thực tiễn có hiệu quả tốt, có ý thức phục vụ nhân dân, phụng sự đất nước. Gương mẫu về đạo đức, lối sống, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thực, không cơ hội, không tham ô, kiên quyết chống tham nhũng. Hiểu biết về lý luận chính trị, về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có khả năng tập hợp quần chúng, tinh thần cảnh giác cao, năng lực đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Hoàn thành tốt nhiệm vụ, có ý thức chấp hành kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước. Ngoài các điều kiện, tiêu chuẩn chung, mỗi chức danh cụ thể cần quy định các điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể. Các điều kiện, tiêu chuẩn này cần phải được công khai. Khi đã có tiêu chuẩn, tiêu chí, phải ban hành kèm theo các chế tài cụ thể để làm căn cứ thực hiện, kiểm tra, giám sát. Nếu không thực hiện đúng, đủ, nghiêm sẽ có chế tài xử lý kịp thời, thích đáng.

Thể chế hóa nguyên tắc tập trung dân chủ trong đánh giá cán bộ cấp chiến lược

Đánh giá cán bộ là khâu quan trọng có ảnh hưởng đến tất cả các khâu trong công tác cán bộ. Việc đánh giá cán bộ cấp chiến lược phải được thực hiện trong suốt quá trình công tác, là cơ sở khoa học cho việc lựa chọn cán bộ, đặc biệt trước khi bổ nhiệm. Chính vì vậy, phải xây dựng một thang đánh giá chuẩn mực với các quy định cụ thể, cần thiết.

Ban hành quy định về nội dung đánh giá trên cơ sở các tiêu chí chức danh đã được quy định, dựa vào chất lượng, hiệu quả của công việc đã giao, có so sánh với các chức danh tương đương. Phải khảo sát ý kiến của quần chúng ở cả nơi công tác và nơi cư trú, nhất là khi thực hiện đánh giá về ý thức đạo đức, lối sống… Xây dựng chế độ báo cáo định kỳ về việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Đây vừa là cơ sở để bản thân cán bộ phải chủ động xây dựng kế hoạch, bám sát tiến độ thực hiện kế hoạch, vừa là căn cứ để đánh giá thường kỳ, thường xuyên, giúp cho việc đánh giá trước khi bổ nhiệm được chính xác, khách quan, có hệ thống. Xây dựng và ban hành quy định về cán bộ tự đánh giá về bản thân, đây chính là thực hiện tự phê bình và phê bình, là phần rất quan trọng cho thấy ý thức của cán bộ, sự trung thực, tính tự chịu trách nhiệm của cán bộ, đồng thời, có quy định rõ về xử lý khi cán bộ chưa trung thực. Ban hành quy định cấp có thẩm quyền thực hiện đánh giá nhưng phải dựa vào ý kiến đánh giá của tổ chức, của lãnh đạo nơi cán bộ sinh hoạt, của lãnh đạo trực tiếp của cán bộ. Quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm từng cá nhân từ quần chúng đến cấp ủy khi đưa ra nhận xét, đánh giá đối với cán bộ cấp chiến lược. Quy định quyền của đối tượng được biết các đánh giá về mình, được phản hồi, phản ánh ý kiến lên cấp có thẩm quyền khi chưa đồng ý với nội dung đánh giá.

Thể chế hóa nguyên tắc tập trung dân chủ trong quy hoạch cán bộ cấp chiến lược

Hội nghị lần thứ 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhấn mạnh: “Quy hoạch cán bộ là một nội dung trọng yếu của công tác cán bộ, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài”. Việc thể chế hóa nguyên tắc tập trung dân chủ trong quy hoạch được coi là nền tảng quan trọng của công tác cán bộ cấp chiến lược.

Lần đầu tiên Đảng thực hiện quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược sau đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020. Đã có 343 đồng chí được quy hoạch vào Ban Chấp hành Trung ương, 28 đồng chí được quy hoạch vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Để chuẩn bị nguồn nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, Bộ Chính trị đã phê duyệt nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII với tổng số 227 đồng chí. Ngay sau Hội nghị Trung ương 13, căn cứ vào kế hoạch xây dựng phương án nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư, giới thiệu của Ban Chấp hành Trung ương, kết quả thẩm định của các cơ quan chức năng, Bộ Chính trị cũng đã xem xét, thảo luận và bỏ phiếu quyết định phê duyệt quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Trong tình hình hiện nay, cần tiếp tục thể chế hóa nguyên tắc tập trung dân chủ bằng các quy định, quy chế cần thiết, phù hợp: Ban hành quy định về định kỳ đưa ra dự báo về số lượng cán bộ cấp chiến lược của mỗi ngành và tổng thể đất nước trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội làm căn cứ cho triển khai quy hoạch. Quy định quy hoạch phải bám sát các tiêu chí chức danh; quy hoạch phải đúng người, vào đúng việc. Các nội dung trong quy trình quy hoạch càng được cụ thể hóa thành các quy định càng tốt, như quy định cụ thể về số lần, khoảng cách giữa các lần rà soát, bổ sung quy hoạch hằng năm, đặc biệt cần có quy định cụ thể về quản lý hồ sơ nhân sự quy hoạch để khi cần, cơ quan thẩm quyền có cơ sở để đánh giá, thẩm định, không chỉ dựa vào đánh giá cuối cùng của cấp ủy, tổ chức đảng nơi cán bộ đó sinh hoạt, tránh tình trạng ý chí chủ quan của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng nhiều trường hợp trở thành yếu tố duy nhất quyết định vận mệnh chính trị của đảng viên.

Thể chế hóa nguyên tắc tập trung dân chủ trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp chiến lược

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là công việc gốc của Đảng. Đặc biệt, với cán bộ cấp chiến lược, cần được tiến hành một cách nghiêm túc thông qua các quy định cụ thể:

Nhất thiết cần quy định rõ đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh và phải tuân thủ, tôn trọng vị trí, chức danh đã được quy hoạch, từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Khắc phục tình trạng có chỗ, có nơi cán bộ được quy hoạch vị trí này nhưng lại được sử dụng, đề bạt bổ nhiệm vào vị trí khác. Hội nghị Trung ương 9 (khóa X) đã nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng cán bộ theo quy hoạch, theo tiêu chuẩn chức danh cán bộ, coi đây là giải pháp quan trọng hàng đầu trong thực hiện chiến lược cán bộ trong giai đoạn mới”(1).

Quy định chế độ đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng cho cán bộ cấp chiến lược, chú trọng năng lực giải quyết tình huống trong thực tiễn, rèn luyện bản lĩnh trước cám dỗ vật chất, quyền lực; nâng cao tầm bao quát, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, phát huy khả năng sáng tạo của học viên...; các nội dung này phải được xây dựng chặt chẽ, phù hợp với từng đối tượng. Ban hành quy định cụ thể về đánh giá hiệu quả đào tạo. Quy định rõ trách nhiệm cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng môi trường học tập nghiêm túc, hiệu quả, thực chất. Quy định cụ thể các đối tượng quy hoạch tham gia các khóa bồi dưỡng và coi đó là điều kiện bắt buộc.

Thể chế hóa nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác luân chuyển cán bộ cấp chiến lược

Trung ương ban hành nhiều văn bản về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Ban Tổ chức Trung ương ban hành các hướng dẫn cụ thể để thực hiện, mục tiêu là vừa rèn luyện, đưa cán bộ đi địa phương để nâng cao năng lực, khả năng giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, đồng thời bổ sung cán bộ cho các ngành, địa phuơng, đơn vị có khó khăn về nhân lực, có biểu hiện cục bộ địa phương, khép kín, thậm chí đang có mất đoàn kết nội bộ… Luân chuyển phải có kế hoạch, quy định cụ thể tỷ lệ cán bộ luân chuyển với phát triển cán bộ tại chỗ, thậm chí có thể cho phép biên chế dự phòng. Giải quyết hài hòa giữa luân chuyển dọc, luân chuyển ngang, luân chuyển giữa các đơn vị trong toàn hệ thống chính trị nhằm hạn chế tối đa tư tưởng cục bộ địa phương, khắc phục tình trạng nội bộ khép kín… Quy định, cán bộ thuộc diện luân chuyển phải chấp hành quyết định của cấp thẩm quyền, không được lựa chọn địa bàn, chức danh luân chuyển, tránh coi việc luân chuyển là điều kiện đủ để bổ nhiệm chức vụ cao hơn.

Luân chuyển cán bộ phải đặt dưới sự lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy, tổ chức đảng, tránh hiện tượng lợi dụng luân chuyển để điều động nhân sự theo ý chí chủ quan cá nhân người đứng đầu, thậm chí luân chuyển cả cán bộ không trong quy hoạch. Quy định cụ thể thời gian luân chuyển, trước đây do chưa quy định cụ thể nên có nhân sự chỉ vừa được quyết định luân chuyển đến cơ sở chưa đầy nửa năm đã được đưa về bổ nhiệm chức vụ cao hơn. Ngày 7-10-2017, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 98-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ, trong đó, quy định thời gian luân chuyển với cán bộ cấp chiến lược ít nhất phải đủ 3 năm (36 tháng). Cụ thể hóa các chế độ, chính sách cho cán bộ được luân chuyển, nhất là về cơ chế làm việc, chế độ nhà công vụ, chế độ đi lại thăm gia đình, chế độ lương để cán bộ thuận lợi trong công tác, dồn tâm sức cống hiến.

Thể chế hóa nguyên tắc tập trung dân chủ trong bổ nhiệm cán bộ cấp chiến lược

Việc bổ nhiệm cán bộ cấp chiến lược chủ yếu được thực hiện từ bầu cử tại đại hội đảng bộ các tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương và Đại hội đại biểu toàn quốc. Nhiệm kỳ khóa X, XI, và nửa đầu nhiệm kỳ khóa XII đã có 1.515 đồng chí được bầu cử, bổ nhiệm vào các chức danh thuộc diện Trung ương quản lý. Theo đánh giá sơ bộ, công tác này đã được thực hiện nghiêm túc, cơ bản đúng quy định, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc Đảng lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; đa số cán bộ đều bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian luân chuyển; công tác bầu, bổ nhiệm đội ngũ này cơ bản gắn với quy hoạch; hầu hết cán bộ đều tạo được uy tín trong quần chúng. Tuy nhiên, công tác này cũng còn những hạn chế, bất cập. Để việc bổ nhiệm được thực hiện nghiêm túc, bổ nhiệm đúng người, đúng việc cần có các quy định cụ thể: Ban hành quy định cụ thể về các bước trong quy trình bổ nhiệm đối với cán bộ cấp chiến lược. Trong đó, quy định cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm tập thể cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, các cá nhân có trách nhiệm trong quy trình, và đặc biệt là người ký quyết định bổ nhiệm cán bộ cấp chiến lược. Ban hành quy định cụ thể về biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể nghiêm túc thực hiện đúng, đủ quy trình, lựa chọn được cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian giữ trọng trách.
---------------------------
(1) Văn kiện Hội nghị lần thứ chín khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.249-250.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất