Làm gì để nâng cao năng lực hoạt động của văn phòng cấp ủy ở cơ sở?
Công tác văn phòng cấp ủy luôn được các cấp ủy đảng quan tâm, trong thời kỳ Đảng hoạt động bí mật, văn phòng là bộ phận chuyên lo giấy tờ, văn bản và các điều kiện làm việc. Khi Đảng hoạt động công khai, văn phòng được coi là một cơ quan chức năng của cấp ủy, giúp cấp ủy điều hành công việc hằng ngày của Đảng. Đối với cấp ủy cơ sở, văn phòng là bộ phận trong tổ chức bộ máy các cơ quan tham mưu, giúp việc được tổ chức để giúp cấp ủy thực hiện nhiệm vụ công tác văn phòng cấp ủy, trực tiếp giúp cấp ủy cơ sở tổ chức, điều hành công việc lãnh đạo hằng ngày[1].

Theo quy định của Đảng, văn phòng đảng ủy là một trong 5 cơ quan chuyên môn giúp việc cho cấp ủy cơ sở gồm: Tổ chức, Tuyên giáo, Dân vận, Kiểm tra và Văn phòng. Trong thực tế văn phòng đảng ủy cấp xã thực hiện rất nhiều công việc để giúp cấp ủy thực hiện công tác lãnh đạo hằng ngày như: phối hợp với các cơ quan, bộ phận xây dựng và tham mưu, phục vụ tổ chức thực hiện chương trình của cấp ủy, đồng thời chủ động nắm bắt tình hình và chuẩn bị các báo cáo theo quy định, giúp cấp ủy tổ chức hội nghị hoặc các cuộc làm việc của cấp ủy; giúp cấp ủy tiếp đón khách, nhân dân đến liên hệ công tác có liên quan đến cấp ủy; thực hiện nhiệm vụ công tác văn thư, lưu trữ, quản lý con dấu, thu, nộp đảng phí và quản lý tài sản trong trụ sở cấp ủy. Ngoài ra văn phòng cấp ủy cơ sở còn có nhiệm vụ giúp cấp ủy giải quyết các yêu cầu đột xuất: kết nạp đảng viên, kỷ luật đảng viên; tiếp nhận và xử lý đơn, thư gửi cấp ủy, kiến nghị với cấp ủy xử lý những đơn, thư có nội dung quan trọng; phối hợp với các bộ phận khác tổ chức tiếp công dân...

Tuy nhiên, khó khăn đối với cấp ủy cơ sở xã hiện nay chức danh “văn phòng đảng ủy” là cán bộ không chuyên trách, nên không có định biên theo Nghị định 92 của Chính phủ. Bên cạnh đó, nhiều cấp ủy chưa đánh giá đúng về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của văn phòng cấp ủy, nên bố trí cán bộ làm công tác văn phòng cấp ủy chưa phù hợp, chưa đáp ứng được nhiệm vụ tham mưu và giúp việc cho cấp ủy trong công tác lãnh đạo điều hành hằng ngày ở cơ sở.  Đối với cấp ủy cơ sở cấp xã hiện nay “văn phòng đảng ủy” không có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, mà được tổ chức một cách linh hoạt và chỉ được giao công việc hành chính đơn thuần... Hiện tại chức danh văn phòng đảng ủy là chức danh không chuyên trách, làm việc dưới hình thức hợp đồng, thu nhập phụ thuộc vào thỏa thuận giữa hai bên khi tuyển dụng và thường không đảm bảo cuộc sống nên khi có cơ hội việc làm mới người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng. Còn trong Nghị định 92/CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ[2], không quy định văn phòng đảng ủy có định biên, đây cũng là một khó khăn lớn đối với sự hoạt động của cấp ủy cấp xã… Tuy nhiên, qua thực tiễn thêm khẳng định văn phòng cấp ủy là một bộ phận không thể thiếu và luôn gắn liền với quá trình hoạt động của cấp ủy cơ sở, nếu như thiếu văn phòng nghĩa là thiếu đi một bộ phận với vai trò là cơ quan “chuyên trách” của cấp ủy cơ sở[3].

Hiện nay đội ngũ cán bộ văn phòng đảng ủy cơ sở cấp xã ở Lào Cai còn nhiều bất cập như: cán bộ chưa được đào tạo chuyên môn, cán bộ hợp đồng có người chưa phải là đảng viên đây. Ví dụ một số cuộc họp của cấp ủy không được dự họp, không được ghi biên bản cuộc họp... và nhiều nhiệm vụ liên quan đến công tác đảng không có thẩm quyền, chức trách để được giao việc dẫn đến tiếp cận công việc và khả năng tham mưu yếu không đáp ứng được nhiệm vụ. Cán bộ kiêm nhiệm dành ít thời gian cho việc tìm hiểu chuyên môn công tác văn phòng của đảng ủy, đặc biệt là đối với đồng chí phó bí thư thường trực phải thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo công tác của cấp ủy hằng ngày không bao quát hết được công việc và đôi khi vừa xây dựng vừa chỉ đạo thực hiện kế hoạch của cấp ủy… Nhiều đồng chí thiếu kỹ năng tin học văn phòng dẫn đến tình trạng giải quyết công việc còn chậm, sai sót, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, gửi và nhận qua điện tử, công tác văn thư, lưu trữ, quản lý con dấu, quản lí sổ sách, hồ sơ đảng viên còn chưa khoa học, chưa có nền nếp… Ở Lào Cai cán bộ văn phòng đảng ủy luôn biến động nên thiếu người có năng lực chuyên môn.

Lào Cai hiện nay đội ngũ cán bộ làm công tác văn phòng đảng ủy cơ sở cấp xã, rất thiếu, 164/164 xã, phường, thị trấn chưa có định biên “văn phòng đảng ủy” do đó không có cán bộ chuyên trách làm công tác văn phòng đảng ủy. Để bảo đảm cho công tác lãnh đạo hằng ngày, một số cơ sở đã linh hoạt bằng cách vận dụng một định biên văn phòng thống kê sang làm việc của chức danh văn phòng đảng ủy nhưng vẫn hưởng lương định biên của văn phòng văn phòng thống kê; có cơ sở cử đồng chí phó bí thường trực đảng ủy hoặc cấp ủy viên kiêm nhiệm để làm những công việc sự vụ của văn phòng; có cơ sở hợp đồng chức danh văn phòng đảng ủy, v.v...

Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, giúp cấp ủy cơ sở triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cấp ủy cấp ủy trên giao cho và thực hiện thắng lợi các chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ của đại hội đảng bộ cơ sở đề ra, việc cấp thiết nhất hiện nay đối với cơ sở đó là sự tạo điều kiện cho các cơ quan tham mưu, giúp việc cho cấp ủy cơ sở đặc biệt là bộ phận “văn phòng” trong công tác tham mưu, giúp việc phục vụ cấp uỷ. Để thực hiện được nhiệm vụ tham mưu, giúp việc với khối lượng công việc như vậy đòi hỏi rất cao ở cán bộ làm công tác văn phòng đảng ủy, đó là có phẩm chất đạo đức, trình độ tiếp thu lý luận chính trị, trình độ năng lực chuyên môn, nhanh nhạy sáng tạo trong công việc, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác đảng. Vì vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, thì cấp ủy cơ sở không thể thiếu được các cơ quan tham mưu giúp việc, thiết nghĩ các cấp có thẩm quyền cần quan tâm chức danh “văn phòng đảng ủy” cấp xã là một định biên “chuyên trách”.

ThS. Bùi Thị Ánh Hồng
Khoa xây dựng Đảng,
Trường Chính trị tỉnh Lào Cai

---------
[1] Giáo trình Trung cấp LLCT-HC Nxb LLCT, H. 2014, tr 199 [2]  Chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã. [3] Giáo trình Trung cấp LLCT-HC Nxb LLCT, H. 2014, tr 199.

Phản hồi (1)

Phạm Hồng Ảnh 04/07/2017

Tôi thấy bài viết này rất đúng tình hình thực tế tại cơ sở. Văn phòng Đảng ủy làm việc gồm tiếp nhận, xử lý văn bản, soạn thảo văn bản, văn thư lưu trữ, làm việc nguyên ngày mà hưởng phụ cấp không chuyên trách thì rất thiệt thòi. Đề nghị Trung ương Đảng, Chính phủ sớm quan tâm. Ở xã người làm công tác văn phòng đảng ủy hiện nay thay đổi liên tục do phụ cấp quá thấp.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất