Phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát kê khai tài sản của cán bộ

Bộ Chính trị vừa ban hành quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý. Thông tin quan trọng này được một Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết sáng 27-5-2017.

Chủ thể kiểm tra, giám sát là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban kiểm tra Trung ương với số lượng cán bộ chịu tác động của quy định khoảng 1.000 người. Trong đợt kiểm tra, giám sát này, chi bộ là chủ thể giám sát không phải chủ thể kiểm tra. Sẽ không có “vùng cấm” trong quá trình kiểm tra, giám sát và sẽ xem xét tài sản của cán bộ, vợ hoặc chồng, con, kể cả những người con chưa thành niên... Nếu cơ quan chức năng phát hiện cán bộ nào kê khai tài sản không trung thực thì sẽ xử lý theo quy định của Đảng và Nhà nước. Để Quy định của Bộ Chính trị có thể đi vào cuộc sống, các cơ quan của Đảng đang sửa đổi quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, trong đó có hình thức xử lý kỷ luật nếu kê khai tài sản không trung thực, không đầy đủ. Sau khi kiểm tra, giám sát có kết quả, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ thông báo công khai đầy đủ. Đồng thời, các quy định, luật, nghị định liên quan đến Quy định của Bộ Chính trị sẽ được Quốc hội, Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

Dư luận cán bộ, đảng viên, nhân dân rất hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ việc Bộ Chính trị ban hành quy định nói trên và kỳ vọng việc triển khai thực hiện quy lần này sẽ khắc phục được bệnh hình thức, tình trạng “đánh trống bỏ dùi” trong việc kê khai thu nhập, tài sản của cán bộ trong những năm qua và trả lời được câu hỏi cán bộ thuộc diện kiểm tra, giám sát có những tài sản gì, do đâu mà có, mức chênh lệch so với các bản kê khai cũ như thế nào. Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát tài sản của những cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải được cụ thể hóa trong các văn bản của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội. Do đó, để việc kiểm tra, giám sát thời gian tới được tiến hành triệt để, nghiêm túc, hiệu quả thì các văn bản quy định của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội phải thống nhất, đồng bộ, bịt kín được các “lỗ hổng” ngăn chặn được tình trạng đã xảy ra thời gian qua là tẩu tán, bán, sang tên, đổi chủ tài sản cán bộ đã có nhưng chưa kê khai.

Chúng ta đã có đầy đủ cơ sở lý luận, thực tiễn cũng như những minh chứng trong lịch sử cách mạng để phát huy vai trò của quần chúng, người dân để kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Lý luận, thực tiễn cũng như nguyên tắc, nguyên lý mà Đảng ta đề ra đều khẳng định, chỉ có tổ chức và dựa vào sức mạnh của nhân dân thì Đảng mới có thể thực hiện thắng lợi, nghị quyết của mình, mới xây dựng được đội ngũ cán bộ trong sạch, đủ uy tín để lãnh đạo nhân dân. Hơn nữa, tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phạn cán bộ, đảng viên đã và đang là một trong những nguy cơ đe dọa vai trò lãnh đạo của Đảng, sự tồn vong của chế độ. Nhưng tại sao, trong những năm qua, chúng ta chưa phát huy, tăng cường vai trò của quần chúng, người dân trong công tác phòng, chống tham nhũng cũng như giám sát việc kê khai thu nhập, tài sản của cán bộ? Do vậy, lần này, thực hiện quy định của Bộ Chính trị rất cần có quy định phát huy vai trò của quần chúng, người dân trong việc giám sát tài sản của cán bộ. Điều này chỉ có thể thực hiện được bằng việc xây dựng những quy định về sự giám sát, gỡ bỏ rào cản cũng như bảo vệ người dân phát hiện, tố cáo, giám sát kê khai tài sản của cán bộ. Quy định cần:

Khoanh vùng những lĩnh vực, địa bàn, địa phương và những đối tượng cán bộ, kể cả những cán bộ trong diện đã nghỉ hưu có dấu hiệu vi phạm (“sân sau”,“bảo kê”,“thân hữu”“lợi ích nhóm”), để tập trung kiểm tra, giám sát. coi trọng chất lượng hơn số lượng làm điểm, làm “điểm” xong có sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm cẩn thận mới nhân ra diện rộng.

Bản kê khai đầy đủ tài sản của bản thân, kể cả tiền, ngoại tệ, cổ phiếu, của bản thân, vợ, chồng, con, gia đình, người thân...được công khai trong chi bộ đảng nơi cán bộ đó công tác chi bộ nơi cán bộ cư trú.

Có quy định chi tiết, cụ thể để người dân, báo chí có quyền “được biết” những thông tin trong bản kê khai của cán bộ. Nếu cán bộ trong diện kê khai đồng ý thì bản kê khai đó có thể được công khai trên các trang mạng nội bộ của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể nơi công tác, đảng ủy cơ sở nơi cư trú.

Ban hành quy định để quần chúng, người dân, thông qua chi ủy, đảng ủy bộ, mặt trận Tổ quốc, các các đoàn thể nhân dân, các cơ quan báo chí phát giám sát, phát hiện, tố giác những biểu hiện thiếu trung thực, những dấu hiệu vi phạm trong kê khai của cán bộ bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua thư, tín nhắn. Người phát hiện, tố cáo phải cung cấp căn cứ và chịu trách nhiệm về phát hiện của mình.

Các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, xác minh phải là những tập thể, cá nhân có đạo đức trong sáng và và bàn tay “sạch” để “vào cuộc” kiểm tra, thanh tra, xác minh, giám sát, truy đến cùng nguồn gốc tài sản, thu nhập đã kê khai và phát hiện thêm; bảo đảm thật sự “không có vùng “cấm”, không có sự can thiệp của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào trong quá trình này.

Xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định, thậm chí tịch thu tài sản, thu nhập không chứng minh được nguồn gốc chính đáng. Thông báo công khai đến chi bộ đảng nơi cán bộ công tác và cư trú, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời khen thưởng xứng đáng, bảo vệ những tổ chức, cơ quan báo chí và quần chúng, người dân đã có công trong việc phát hiện dấu hiệu vi phạm, không trung thực trong kê khai tài sản.

Cách đây 65 năm, vào năm 1952, trong bài nói chuyện tại hội nghị “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu” Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Cũng như mọi việc khác, việc “chống” này phải động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia thì mới chắc chắn thành công. Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng. Như vậy, phát huy vai trò của quần chúng, người dân trong việc giám sát kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, chắc chắn sẽ là khâu đột phá, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa, loại trừ những biểu hiện suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất