Điều kiện gia nhập Quốc tế Cộng sản và ý nghĩa đối với công tác phát triển đảng viên ở Việt Nam hiện nay
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc với một số đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V- Ảnh: Tư liệu

Tháng 3-1919, tại Mát-xcơ-va, V.I.Lê-nin và các tổ chức cách mạng của giai cấp công nhân các nước trên thế giới đã thành lập Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III). Với gần một phần tư thế kỷ hoạt động (1919-1943), tồn tại 24 năm, 2 tháng, 11 ngày, trải qua 7 lần đại hội, Quốc tế Cộng sản đã không ngừng đấu tranh vì quyền lợi của giai cấp vô sản và nhân dân lao động tất cả các nước, vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và chủ nghĩa xã hội; thực sự là một Đảng Cộng sản thế giới, một tổ chức cách mạng rộng lớn nhất.

Từ ngày 19-7 đến ngày 7-8-1920 tại Pê-tơ-rô-grát và Mát-xcơ-va, Đại hội II Quốc tế Cộng sản diễn ra với 217 đại biểu của 67 tổ chức ở 37 nước tham dự. Đại hội đã thông qua các văn kiện quan trọng như Đề cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa; vấn đề thành lập và củng cố các Đảng Cộng sản kiểu mới; điều kiện gia nhập vào Quốc tế Cộng sản… Trong đó, điều kiện gia nhập vào Quốc tế Cộng sản là một nội dung rất quan trọng, có tác động to lớn tới chất lượng, hiệu quả cũng như sự tồn vong của tổ chức này. Điều kiện gia nhập Quốc tế Cộng sản gồm 21 điều do V.I.Lê-nin dự thảo, được Đại hội II thông qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến cách thức hoạt động của các đảng cộng sản; trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam và có ý nghĩa to lớn đối với công tác phát triển đảng viên hiện nay.

Cơ sở của những điều kiện này là học thuyết Mác-Lênin về đảng kiểu mới, những nguyên tắc, tổ chức cách mạng quốc tế của Quốc tế Cộng sản. Thực tiễn cho thấy, Đại hội II Quốc tế Cộng sản diễn ra dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga đã thúc đẩy cao trào cách mạng thế giới đạt tới đỉnh cao, với sự ra đời của nhiều đảng cộng sản; nhiều đảng và nhóm vừa mới thoát ly Quốc tế II, đã đưa đơn xin gia nhập Quốc tế Cộng sản, nhưng những đảng đó trên thực tế, chưa phải là những đảng cộng sản. Theo V.I.Lê-nin: “Trên một mức độ nào đó, Quốc tế Cộng sản đã trở thành một cái mốt. Hiện tượng một nhóm những người lãnh đạo nhóm “trung phái” hiện nay mong muốn gia nhập Quốc tế III, chứng tỏ một cách gián tiếp rằng Quốc tế Cộng sản đã chinh phục được cảm tình của tuyệt đại đa số công nhân giác ngộ trên thế giới và ngày càng trở nên mạnh mẽ”[1]. Hơn nữa, trong những điều kiện nhất định, Quốc tế Cộng sản có thể bị yếu đi vì những nhóm ngả nghiêng và không triệt để, chưa cắt đứt hẳn với hệ tư tưởng của Quốc tế II. Vì vậy, Đại hội II thấy cần thiết phải quy định cụ thể những điều kiện gia nhập Quốc tế Cộng sản. Đây là việc làm cần thiết, nhằm vạch ra những nguyên tắc chính trị và tổ chức, bảo đảm sự đoàn kết nhất trí; ngăn ngừa không để cho những phần tử cơ hội chủ nghĩa, cơ hội hữu khuynh, trước hết là những phần tử phái giữa, lén lút chui vào Quốc tế Cộng sản; đồng thời cũng là để nhắc lại nghĩa vụ của các đảng cộng sản.

Đại hội II Quốc tế Cộng sản quyết định 21 điều kiện gia nhập Quốc tế Cộng sản, tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:

Tất cả mọi tài liệu tuyên truyền và lôi kéo quần chúng phải mang tính chất cộng sản, phải phù hợp với phong trào và quyết định của Quốc tế Cộng sản. Việc tuyên truyền lôi kéo phải được làm một cách có hệ thống và có phương pháp ở nông thôn. Khi công tác lôi kéo trong quân đội bị cấm bởi luật khẩn cấp thì việc tuyên truyền vẫn phải tiếp tục được làm trong bí mật.

Tất cả mọi tổ chức muốn gia nhập Quốc tế Cộng sản đều phải thường xuyên loại trừ những kẻ cải cách, những kẻ đứng giữa một cách có hệ thống ra khỏi các chức vụ trong phong trào lao động và thay thế bằng các đảng viên cộng sản đã được thử thách và không lo ngại rằng các công nhân từ quần chúng sẽ thay thế những kẻ cơ hội có kinh nghiệm.

Tất cả các đảng cộng sản muốn gia nhập Quốc tế Cộng sản phải hoàn toàn cắt đứt với những chủ nghĩa cải cách và với đường lối đứng giữa; phải không ngừng phát triển các hoạt động cộng sản một cách có hệ thống trong các tổ chức công đoàn, các ủy ban lao động và các ủy ban của công nhân, các hợp tác xã tiêu thụ trong các tổ chức quần chúng lao động khác; phải phơi bày những sự dối trá của những kẻ có hành vi đế quốc tại thuộc địa của chúng, phải ủng hộ phong trào giải phóng tại các nước thuộc địa; phải không ngừng chống lại các công đoàn vàng thuộc về Quốc tế Am-xtéc-đam; phải rà xét lại nhóm người của mình trong quốc hội, loại trừ những phần tử không thể tin tưởng được và bắt tất cả các nhóm phải chịu sự lãnh đạo của đảng; phải được xây dựng theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Tất cả những người muốn đứng trong hàng ngũ Quốc tế Cộng sản chẳng những phải vạch mặt bọn xã hội theo chủ nghĩa ái quốc và còn vạch ra sự thiếu thành thật và đạo đức giả của bọn xã hội theo chủ nghĩa hòa bình để trình bày cho công nhân thấy được tầm quan trọng của cuộc cách mạng vô sản.

Các đảng cộng sản tại các nước cho phép người cộng sản được hoạt động hợp pháp phải thường xuyên trong sạch hóa hàng ngũ đảng bằng cách loại trừ các phần tử cơ hội và những phần tử tiểu tư sản. Các đảng còn theo đường lối dân chủ xã hội phải thay đổi đường lối, soạn thảo chương trình hoạt động phù hợp với tình hình mỗi nước. Các đảng muốn gia nhập Quốc tế Cộng sản phải đổi tên; phải đăng tất cả các văn kiện quan trọng của Quốc tế Cộng sản. Tất cả quyết định của Đại hội Quốc tế Cộng sản hay của Ban chấp hành đều có tính cách bắt buộc đối với các đảng cộng sản nằm trong Quốc tế Cộng sản.

Với tư cách là đảng viên Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc rất tâm đắc với 21 điều kiện gia nhập Quốc tế Cộng sản, Người luôn chiến đấu không biết mệt mỏi để thực hiện lý tưởng cao đẹp của V.I.Lê-nin, của Quốc tế Cộng sản; tích cực chủ động truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước; cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam quán triệt sâu sắc, vận dụng linh hoạt, sáng tạo những điều kiện gia nhập Quốc tế Cộng sản vào quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong công tác phát triển đảng viên.

Mặc dù ra đời cách đây 100 năm, nhưng những điều kiện gia nhập Quốc tế Cộng sản vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa to lớn đối với công tác phát triển đảng viên ở Việt Nam hiện nay:

Thứ nhất, là cơ sở quan trọng để Đảng ta xác định điều kiện, tiêu chuẩn, thủ tục kết nạp đảng viên.

Quán triệt, cụ thể hóa những điều kiện gia nhập Quốc tế Cộng sản, trong mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn xác định điều kiện, tiêu chuẩn kết nạp vào Đảng đúng đắn, phù hợp. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên; thừa nhận và tự nguyện: thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét để kết nạp vào Đảng”[2]. Đây là những yêu cầu mà người xin vào Đảng phải có; là cơ sở để tổ chức đảng xem xét, kết nạp người xin vào Đảng, đảm bảo giữ vững bản chất giai cấp công nhân, đồng thời ngăn ngừa những phần tử cơ hội chui vào Đảng. Cùng với đó, Đảng ta còn có những yêu cầu cụ thể đối với người vào Đảng, người giới thiệu và các thủ tục chặt chẽ trong quá trình xét, đề nghị, chuẩn y kết nạp đảng viên.

Thứ hai, là cơ sở quan trọng để Đảng ta xác định phương châm phát triển đảng viên.

Đảng ta là Đảng cầm quyền, có sức hấp dẫn lớn nên cần phải thực hiện tốt phương châm phát triển đảng viên, coi trọng cả số lượng và chất lượng đảng viên. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (1976) của Đảng tổng kết về công tác xây dựng đảng chỉ rõ: Công tác phát triển đảng viên phải coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng đơn thuần, phát triển Đảng đi đôi với củng cố Đảng. Một mặt kết nạp những người ưu tú đủ tiêu chuẩn vào Đảng; mặt khác, đưa ra khỏi Đảng những phần tử thoái hoá, biến chất và những người không đủ tư cách đảng viên; cảnh giác với những phần tử cơ hội và phản động chui vào Đảng. Theo đó, trong các kỳ đại hội, văn kiện của Đảng đều nhấn mạnh coi trọng chất lượng kết nạp đảng viên: “Việc kết nạp đảng viên phải coi trọng chất lượng, tiêu chuẩn, đặc biệt tiêu chuẩn giác ngộ lý tưởng của Đảng, đạo đức, lối sống, năng lực hoàn thành nhiệm vụ”[3], “Tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác quản lý, phát triển, sàng lọc đảng viên, bảo đảm chất lượng.[4]

Thứ ba, cần phải thực hiện đầy đủ, có chất lượng, hiệu quả các bước tiến hành phát triển đảng viên.

Quy trình, thủ tục phát triển đảng được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, ngăn chặn những phần tử cơ hội vào hàng ngũ của Đảng. Do vậy, cần thực hiện có chất lượng, hiệu quả các bước tiến hành phát triển đảng viên: thẩm tra, tuyên truyền, giáo dục, lựa chọn đối tượng kết nạp vào Đảng; bồi dưỡng, rèn luyện thử thách người kết nạp vào Đảng; tổ chức hội nghị xét đề nghị kết nạp và tổ chức lễ kết nạp đảng viên; tiếp tục bồi dưỡng đảng viên dự bị và tổ chức công nhận đảng viên chính thức.

Thứ tư, phải làm tốt công tác sàng lọc đảng viên.

Đi đôi với phát triển đảng viên, Đảng ta luôn coi trọng công tác sàng lọc đảng viên: “Kiên quyết đưa ra khỏi đảng nhng người vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước[5], “Thực hiện nghiêm túc công tác rà soát, sàng lọc đảng viên; kiên quyết, kịp thời đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”[6]. Các cấp ủy, tổ chức đảng cùng với kết nạp những quần chúng ưu tú vào Đảng, cần làm tốt việc sàng lọc, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những phần tử cơ hội, những đảng viên thiếu gương mẫu, thiếu bản lĩnh, bị cám dỗ bởi lợi ích cá nhân, suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng chiến đấu để giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, củng cố lòng tin, tăng cường uy tín, thanh danh của Đảng.

Tóm lại, những điều kiện gia nhập Quốc tế Cộng sản được thông qua tại Đại hội II đến nay vẫn còn nguyên giá trị; là cơ sở quan trọng để các đảng cộng sản nói chung, Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng quán triệt, vận dụng linh hoạt vào quá trình lãnh đạo cách mạng, xác định nguyên tắc tổ chức hoạt động, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất trong Đảng; ngăn ngừa những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị chui vào Đảng. Đặc biệt, nó có ý nghĩa to lớn đối với công tác phát triển đảng viên của Đảng ta hiện nay, góp phần xây dựng đội ngũ đảng viên vững mạnh, có số lượng đông, chất lượng cao, xây dựng tổ chức đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức./.



[1] V.I.Lê-nin, Những bài nói trước những Đại hội của Quốc tế Cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1962, tr.136.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Điều lệ Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.8.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.301.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.205.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.205.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Chỉ thị Số 28-CT/TW “về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”, Ban Bí thư, ngày 21 tháng 01 năm 2019.


Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất