Đại hội XII của Đảng xác định cần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Xây dựng Đảng về đạo đức là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng đảng trong giai đoạn hiện nay.
Kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập Đảng, Bác Hồ khẳng định: Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Lời khẳng định đó của Bác nhằm giáo dục, khích lệ tinh thần phấn đấu cao của mọi đảng viên. Cả cuộc đời của Bác thực sự là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, loài người. “Đường kách mệnh” là cuốn sách bồi dưỡng lớp cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam, cuốn sách đầu tiên tuyên truyền trực tiếp về chủ nghĩa Mác-Lênin cho lớp thanh niên ưu tú thời đó. Nhưng mở đầu cuốn sách Bác lại nói về tư cách một người cách mệnh. Đây là một cách làm độc đáo của Bác, bởi Bác đã nêu một quan điểm: Phải có đức để đi đến trí. Đức bảo đảm cho con người cách mệnh giữ vững được trí, giữ vững được chủ nghĩa bản thân giác ngộ, chấp nhận và đi theo. Bác coi đạo đức là nền tảng của người cách mạng, như gốc của cây, ngọn nguồn của sông của suối. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng.
Đạo đức cách mạng do Bác đề xướng và cùng với Đảng ta dày công xây dựng trở thành một bộ phận hết sức quan trọng trong nền văn hóa Việt Nam. Nó đã trở thành sức mạnh của Đảng và của dân tộc ta trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hòa bình, hợp tác và hữu nghị với tất cả các dân tộc khác trên thế giới.
Đại hội lần thứ IV của Đảng chỉ rõ: Phải xây dựng Đảng vững mạnh về cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Ba mặt ấy gắn liền với nhau, quyết định lẫn nhau. Từ Đại hội VI của Đảng đến nay, mỗi nhiệm kỳ Trung ương Đảng đều có nghị quyết về xây dựng, đổi mới, chỉnh đốn Đảng nhưng mục tiêu cơ bản đều chưa đạt được yêu cầu. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Vì vậy, Đại hội XII của Đảng đã bổ sung nội dung xây dựng Đảng về đạo đức trong công tác xây dựng đảng thành một chỉnh thể: Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đây là lần đầu tiên, vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức được đặt ngang hàng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) yêu cầu phải xây dựng và thực hiện có hiệu quả nội dung xây dựng Đảng về đạo đức.
Xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng và thực hiện những chuẩn mực giá trị đạo đức cách mạng của đội ngũ đảng viên, của tổ chức đảng. Chủ thể và đối tượng của xây dựng Đảng về đạo đức là toàn Đảng từ Trung ương đến cơ sở và từng đảng viên. Các tổ chức đảng từ chi bộ đến các cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng đều phải hiểu đúng và làm đúng các chuẩn mực đạo đức, các nguyên tắc, quy định của Đảng, nhằm đạt mục tiêu xây dựng Đảng là đạo đức, là văn minh. Đội ngũ đảng viên trung thành với mục tiêu lý tưởng của Đảng, tận trung với nước, tận hiếu với dân, thực hiện đầy đủ, đúng những quy định về tư cách của người đảng viên trong Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng, bảo đảm Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Mặt khác, xây dựng Đảng về đạo đức sẽ thúc đẩy xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, tạo cơ sở đạo đức cho xây dựng Đảng; nếu coi nhẹ đạo đức – thành tố quan trọng của văn hóa thì không tránh khỏi dẫn tới tình trạng suy thoái trong Đảng nói chung.
Điểm nhấn về đạo đức trong Đảng là đạo đức cách mạng xoay quanh những chuẩn mực giá trị cần - kiệm - liêm - chính và nguyên tắc sống: chí công, vô tư. Đạo đức đó đối lập với chủ nghĩa cá nhân. Do đó, muốn xây dựng đạo đức cách mạng thì đồng thời và kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân.
Chuẩn mực đạo đức của người đảng viên thống nhất với lý tưởng của Đảng, có tinh thần yêu nước, lòng trung thành, làm gương, nêu gương, danh dự, tinh thần bảo vệ lẽ phải, phê phán, đấu tranh với sai trái. Kế thừa và tiếp thu những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp của dân tộc, của nhân loại nói chung, mỗi tổ chức đảng cần căn cứ vào các quy định về tư cách của người đảng viên trong Điều lệ Đảng, Quy định những điều đảng viên không được làm, không mắc những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống được chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) để chuẩn hóa hành vi đạo đức của cán bộ, đảng viên sát với yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Xây dựng Đảng về đạo đức được tiến hành thông qua giáo dục, tuyên truyền vai trò, nội dung đạo đức để nâng cao nhận thức, để mỗi đảng viên tự giác rèn luyện, tu dưỡng, gương mẫu, nêu gương về đạo đức. Nêu gương là cách giáo dục đạo đức tốt nhất đối với cán bộ, đảng viên, nhất là việc làm gương của người lãnh đạo, quản lý. Phương châm giáo dục đạo đức là làm gương, nêu gương: Một tấm gương sáng bằng hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền.
Phương châm hành động, thực hành lối sống và thái độ ứng xử, yêu cầu về đạo đức là phải trung thực, khiêm tốn, giản dị, trách nhiệm, có lòng chân thành, đức bao dung, tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Phải nói ít làm nhiều, lời nói đi đôi với việc làm, đã nói thì phải làm, không được làm gì tổn hại tới uy tín, thanh danh của Đảng, tới lợi ích và quyền làm chủ của nhân dân. Phải biết trọng liêm sỉ, danh dự, khí tiết, trong sáng, chính trực, không có gì mờ ám, khuất tất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao sự gương mẫu, tính tiên phong “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Người có đạo đức gương mẫu là người có đức hy sinh, có lòng vị tha, nhân ái, không vị kỷ, vụ lợi, vượt qua những cám dỗ tầm thường cá nhân chủ nghĩa, tuyệt đối không tham vọng quyền lực. Theo Bác, khó khăn của cuộc chiến đấu mới không phải chỉ ở tầm vóc và quy mô của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà còn ở chỗ mỗi người phải khắc phục những yếu kém của chính mình, chiến thắng “giặc ở trong lòng” mình, “giặc nội xâm” ở ngay trong tổ chức của mình. Đó là loại giặc “vô hình, vô ảnh” nhưng rất mạnh. Nó “luôn luôn lẩn lút trong ta”, “khó thấy, khó biết”, “…việc đấu tranh với kẻ địch trong người, trong nội bộ, trong tinh thần là một khó khăn, đau xót”. Vì vậy các cấp ủy, chính quyền phải xây dựng các cơ chế bảo đảm và phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng đảng, nhất là xây dựng đội ngũ đảng viên về phẩm chất đạo đức, lối sống, tinh thần nêu gương và giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân.
Trần Công Huyền