Bảo đảm an ninh trên mạng xã hội – những vấn đề đặt ra đối với cán bộ, đảng viên
Quốc hội bỏ phiếu thông qua Luật An ninh mạng. Nguồn: TTXVN.

Bên cạnh những biện pháp, chế tài được xây dựng dưới góc độ khoa học pháp lý, góc độ hành chính, kinh tế được quy định tại Luật An ninh mạng, các Luật liên quan và các văn bản hướng dẫn; cần thiết tiếp cận, nhìn nhận những tác động của mạng xã hội qua nhiều chiều hướng khác nhau để tăng cường hiệu quả tích cực, hạn chế những điểm tồn tại; đồng thời, đưa ra những khuyến nghị có thể góp phần hoàn thiện, bổ sung thêm nội dung trong quy trình đánh giá cán bộ, đảng viên; nâng cao hiệu quả công tác xây dựng đảng trong thời kỳ mới.

 Để có thể nâng cao tính tích cực của mạng xã hội, đồng thời điều chỉnh, cải thiện những điểm tồn tại, hạn chế của phương thức truyền thông này, cần xây dựng những định hướng để có thể bảo đảm giữ được tính tích cực, hạn chế việc kiểm soát nội dung; giúp người sử dụng và người quản lý có thể cùng khai thác được tối đa lợi ích và tác dụng của mạng xã hội, xuất phát từ quan điểm áp dụng các biện pháp quản lý mạng xã hội, ứng dụng những kết quả để góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng đảng trong thời kỳ mới, xin được đề xuất một số khuyến nghị như sau: 

Thứ nhất, cần thiết phải đưa những nhận xét, đánh giá về hoạt động của các cá nhân, đặc biệt là đảng viên trên mạng xã hội thành một trong những tiêu chí đánh giá và sử dụng cán bộ ở cơ sở để bảo đảm tính khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển. Trên cơ sở đó, có thể chủ động, tích cực phát hiện, thu hút, trọng dụng người có đức, có tài, khát khao cống hiến; đồng thời, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, ngăn chặn các phần tử cơ hội, giữ gìn an ninh chính trị nội bộ. 

Thứ hai, có thể chỉ đạo nghiên cứu để sớm bổ sung nội dung giảng dạy về tương tác trên mạng xã hội như một nội dung mở rộng đối với chương trình và tài liệu trong hệ thống đào tạo, bồi dưỡng của Đảng như: Bồi dưỡng cán bộ nguồn quy hoạch, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý cán bộ, giảng dạy hệ trung cấp, cao cấp lý luận chính trị - hành chính… 

Thứ ba, cần gia tăng tỷ lệ kiềm chế những hành vi xấu, xây dựng các chế tài đủ mạnh để có thể hạn chế được những thái độ tiêu cực trên mạng xã hội. Về lâu dài, cần thiết phải có sự định hướng khôi phục những giá trị nền tảng của xã hội áp dụng cho cộng đồng mạng mà nòng cốt là các đảng viên, đặc biệt là các đảng viên trẻ, ví dụ như xây dựng một Bộ Quy ước ứng xử văn minh trên mạng xã hội. Đồng thời, cần được đầu tư nhiều hơn nữa đối với hoạt động của hệ thống các cơ quan của Đảng để có đủ nguồn lực mạnh nghiên cứu về công tác truyền thông trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0; trên cơ sở đó có thể cập nhật phương thức chỉ đạo tuyên truyền, vận động phù hợp trong thời đại mới. 

Thứ tư, tiếp tục hỗ trợ, đẩy mạnh công tác giáo dục và đào tạo, xây dựng mô hình gia đình văn hóa, cộng đồng lành mạnh, gắn kết, hợp tác và quan tâm lẫn nhau; không để cá nhân cô độc, tách biệt khỏi xã hội hiện thực; khuyến khích sự tôn trọng, bảo vệ và kết nối niềm vui, thành quả tạo ra ràng buộc xã hội; môi trường bạn bè, gia đình sẽ góp phần tạo dựng nền tảng niềm tin trong cộng đồng những người sử dụng mạng xã hội, từ đó lan tỏa hiệu ứng tích cực tới đời sống xã hội như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng khẳng định: “… phải đổi mới toàn diện, căn bản và mạnh mẽ giáo dục, chấn hưng giáo dục để chấn hưng kinh tế, có chiến lược xây dựng gia đình là những tế bào lành mạnh của xã hội để chấn hưng đạo đức xã hội, thúc đẩy phát triển và hiện đại hóa xã hội.” Bên cạnh các phong trào xã hội, cần thử nghiệm, xây dựng những phương thức liên kết, tăng cường tương tác giữa những thành phần quần chúng tích cực, đảng viên nhiệt tình để xây dựng những mô hình nhóm, hội hoạt động có hiệu quả trên mạng xã hội; góp phần chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch; đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động các thành viên mạng xã hội thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Có thể nhận thấy mạng xã hội nói riêng và in-tơ-nét nói chung là một bước tiến lớn trong công nghệ của loài người, giúp cải thiện mạnh mẽ về khả năng kết nối, trao đổi giữa các thành viên; đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cần giải quyết tốt, bảo đảm ổn định chính trị, an ninh trên cộng đồng mạng xã hội. Trên cơ sở quá trình tiếp cận, phân tích một cách khách quan, đa chiều về những vấn đề nội tại của mạng xã hội để đánh giá chính xác thực trạng, những tác động tới các mặt đời sống thực tế; các khuyến nghị trên có thể giúp gợi ý được một số giải pháp bảo đảm an ninh trên mạng xã hội; đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các thành viên, đặc biệt là đảng viên trên không gian mạng xã hội; góp phần loại trừ những ảnh hưởng tiêu cực, tăng cường tính khách quan trong quy trình đánh giá, đào tạo và sử dụng cán bộ, đảng viên, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng đảng trong thời kỳ mới.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất