Căn bệnh “sợ trách nhiệm” là một trong những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, có nguồn gốc từ chính chủ nghĩa cá nhân. Bản chất của căn bệnh này là sợ bị quy trách nhiệm, sợ bị liên lụy ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân. Những người mắc căn bệnh này đã để chủ nghĩa cá nhân chi phối, họ muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng. Chính vì vậy, họ luôn toan tính, chỉ lo bảo vệ mình mà mất dũng khí chiến đấu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không dám đương đầu trước khó khăn, thử thách, không dám nghĩ, không dám làm, làm việc cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm; rụt rè, do dự khi giải quyết công việc, không quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình.
Chính vì sợ trách nhiệm, sợ bị liên lụy, sợ bị ảnh hưởng đến lợi ích bản thân nên những cán bộ mắc căn bệnh này sẽ tìm đủ mọi cách, viện đủ mọi lý do nhất để né tránh, đùn đẩy công việc, thoái thác trách nhiệm cho người khác. Thậm chí, cũng vì sợ trách nhiệm nên nhiều cán bộ có suy nghĩ làm ít sai ít, làm nhiều sai nhiều, không làm không sai; hoặc, thà không làm và bị phê bình do không nhiệt tình, không có trách nhiệm với công việc còn hơn làm rồi bị gánh trách nhiệm, bị kỷ luật, xét xử, mất cả địa vị và lợi ích. Cho nên, họ chọn giải pháp an toàn là không làm, không đề xuất, không quyết, hoặc “đá bóng”, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, bộ phận khác, cơ quan khác.
|
Lo ngại nhất là căn bệnh “sợ trách nhiệm” hiện nay như một loại vi-rút đang có chiều hướng gia tăng, lây lan rộng trong đội ngũ cán bộ ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trên phạm vi cả nước, khiến công việc bị trì trệ, ách tắc, người dân và doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Hàng loạt các dự án, công trình đầu tư bị kéo dài tiến độ hoặc bị ngưng trệ chỉ vì chậm được phê duyệt, cấp phép; nhiều công trình trọng điểm bị chậm tiến độ, tốc độ giải ngân tại một số địa phương, bộ, ngành rất thấp... Cũng do cán bộ sợ trách nhiệm, chần chừ, né tránh, không dám quyết, không dám làm dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương, ngành, lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực, những địa phương được đánh giá là có thế mạnh, mũi nhọn kinh tế gần như đứng im, thậm chí tăng trưởng âm trong những tháng đầu năm 2023; trong khi các nguồn lực, tiềm lực phát triển kinh tế đất nước còn rất lớn.
|
Tại Đà Nẵng, thực tiễn cho thấy kinh tế - xã hội của “Thành phố đáng sống” này như đã bị chững lại, thậm chí còn thụt lùi so với nhiều địa phương xung quanh. Nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý sợ sai của một bộ phận cán bộ lãnh đạo đã và đang là nỗi lo cho sự phát triển của thành phố động lực khu vực miền Trung này. Đây là những vấn đề lớn của Đà Nẵng trong việc giải quyết những việc cũ, tồn tại kéo dài cần tháo gỡ để khơi thông nguồn lực phát triển. Trong các diễn đàn của HĐND, UBND thành phố, lãnh đạo thành phố, sở, ngành đã nhiều lần nhìn nhận thực trạng tâm lý của cán bộ, công chức đã bị ảnh hưởng, chi phối đến hiệu quả công việc.
Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thẳng thắn nhìn nhận thực trạng: Thái độ, tinh thần làm việc của của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện thờ ơ, vô cảm, né tránh đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Tình trạng này gây giảm sút niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với chính quyền. Ngay sau đó, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chỉ thị mới thay thế Chỉ thị 29. Chỉ thị mới về “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay” nêu ra 8 giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức.
|
Ở Thanh Hóa đang xuất hiện một bộ phận cán bộ “3 không”: không nói; không tham mưu, đề xuất; không làm” hoặc có làm nhưng cầm chừng, vừa làm vừa nghe ngóng. Theo ý kiến của đại biểu Mai Xuân Bình - Trưởng Ban Dân tộc tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, làm việc chừng mực, né tránh của một số cán bộ, công chức tại một số địa phương ở Thanh Hóa đã làm chậm trễ và trì trệ hoạt động công vụ. Nhiều công trình, dự án bị kéo dài dẫn đến gây thất thoát, lãng phí, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, nhất là về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên, ngày 29-5-2023, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về việc “Tăng cường trách nhiệm trong công tác tham mưu, giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh”.
Tại TP. Hồ Chí Minh, do một số vướng mắc trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bởi các quy định pháp luật còn có cách hiểu khác nhau nên một bộ phận cán bộ e dè, né tránh. Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng với TP. Hồ Chí Minh ngày 16-4-2023, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2022, thành phố có 584 văn bản hỏi ý kiến và Bộ đã có 604 văn bản trả lời. Tuy nhiên, hầu hết các vấn đề được hỏi thuộc thẩm quyền của TP. Hồ Chí Minh. "Đây là điều rất vô lý, cho thấy chúng ta sợ hoặc đùn đẩy nhau. Trung bình mỗi ngày, Bộ phải trả lời cho thành phố hai văn bản, mà chúng tôi còn trăm nghìn việc khác, trong khi trách nhiệm đã được phân công, phân cấp" - đồng chí Nguyễn Chí Dũng nói. Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố đều thừa nhận đang rất lo ngại tình trạng thiếu trách nhiệm trong thực hiện công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.
|
Đặc biệt, Ngành Y tế thời gian vừa qua xảy ra tình trạng hàng loạt bệnh viện thiếu thuốc, thiếu các thiết bị, hóa chất, vật tư phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân trong khi thực tế vật tư, thiết bị y tế “đắp chiếu” trong kho; sinh phẩm y tế dồi dào trên thị trường trong và ngoài nước. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra. Do vậy, một số địa phương, đơn vị không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm. Mặc dù, Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị; một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước, nhưng các đơn vị vẫn lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị nhà nước do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, nhiêu khê.
|
Không ít cơ sở y tế bị thiếu vật tư y tế do tâm lý lo ngại, sợ sai không dám đấu thầu. Ảnh minh họa.
|
Có thể khẳng định, sợ sai, sợ trách nhiệm đang là một “căn bệnh cấp tính” diễn ra ở các cấp, ngành và địa phương, cơ quan, đơn vị. Căn bệnh này đã trói buộc tư duy đột phá, tầm nhìn đổi mới, sáng tạo, cống hiến vì địa phương, đơn vị, trở thành “vật cản” khiến nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có không ít cán bộ có tư duy đổi mới không dám đương đầu với khó khăn, thử thách, vượt qua hoàn cảnh, vượt lên chính mình để góp phần dựng xây, phát triển đất nước. Tâm lý đó còn lấn át cả sự tự tin, quyết đoán, muốn khám phá, thể hiện bản thân là những tố chất vốn có ở người cán bộ.
Không chỉ dừng lại ở đội ngũ cán bộ, công chức, căn bệnh sợ trách nhiệm có những ảnh hưởng nhất định tới các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước. Trong cuộc họp với Thường trực Chính phủ, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã thẳng thắn đề cập vấn đề này và cho rằng nếu các cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ chưa được cụ thể hóa, thì những lấn cấn trong thực thi sẽ là rất lớn, đặt trong bối cảnh các doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ những nguồn lực lớn về vốn, công nghệ, tài sản, nguồn lực con người, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, là công cụ hữu hiệu điều tiết vĩ mô nền kinh tế, tạo nên sức mạnh kinh tế quốc gia, thì sự chờ đợi lấn cấn của doanh nghiệp nhà nước sẽ kéo theo sự trì trệ của cả một nền kinh tế.
Trên cơ sở đó, trước bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cũng mong muốn được chịu trách nhiệm, được “6 dám” để thoát ra khỏi tình trạng trì trệ, để tạo bứt phá, vượt ra khỏi vòng an toàn, tạo nên giá trị mới đóng góp quan trọng vào tăng trưởng, phát triển kinh tế đất nước, góp phần đẩy nhanh tốc độ CNH, HĐH đất nước... là trụ cột kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao mức sống cho nhân dân, giải quyết vấn đề an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh...
|
Căn bệnh “Sợ trách nhiệm” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập trong bài viết “Bệnh sợ trách nhiệm” cách đây tròn 50 năm, đăng trên Tạp chí Cộng sản số tháng 11-1973 với bút danh Người xây dựng. Bài viết vạch ra những biểu hiện của căn bệnh nguy hiểm mà đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự: “Nhiệm vụ trước mắt đòi hỏi mọi người phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, nhưng hiện nay trong cán bộ, đảng viên còn có những đồng chí sợ trách nhiệm. Người sợ trách nhiệm thường làm việc một cách cầm chừng cho “đủ bổn phận”[1]. Bài viết chỉ rõ: “Sợ trách nhiệm là một khuyết điểm thuộc về ý thức tư tưởng, về phẩm chất cách mạng của người cán bộ, đảng viên, bởi vì sợ trách nhiệm tức là muốn yên thân, né tránh khó khăn, là thiếu tính chiến đấu, thiếu dũng khí cách mạng, là trái với tinh thần dám xả thân vì sự nghiệp cách mạng, quyết đấu tranh xóa bỏ áp bức bóc lột, xóa bỏ nghèo đói và dốt nát, đấu tranh kiên cường, không mệt mỏi cho nhiệm vụ thực hiện thắng lợi cương lĩnh chính trị của Đảng”[2].
|
Căn bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm đúng như Tổng Bí thư “chẩn bệnh” từ cách đây tròn 50 năm, là căn bệnh thuộc về ý thức tư tưởng. Vì thế, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên để khắc phục căn bệnh này là rất cần thiết, phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.
Tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, ngày 31-5-2023, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nêu vấn đề đáng quan tâm về một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước. Vấn đề đặt ra là, trước đây tình trạng này khá hiếm xuất hiện nhưng hiện nay lại trở nên phổ biến, lan rộng từ Trung ương đến địa phương, từ khu vực công đến khu vực tư.
Từ thực tiễn, chúng ta thấy một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm gồm 2 nhóm: Nhóm thứ nhất là, cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, không muốn làm vì không có lợi ích riêng; nhóm thứ hai là, cán bộ sợ vi phạm pháp luật, nên không dám làm do một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành còn thiếu tính thống nhất, chưa đồng bộ, khó thực hiện.
Nói về nguyên nhân của nhóm thứ hai, đại biểu Tuấn cho rằng, cán bộ lo sợ vi phạm pháp luật là do một số văn bản quy định pháp luật hiện hành, nhất là các văn bản dưới luật còn thiếu tính đồng nhất, khó thực hiện; công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng đi vào thực chất, cùng với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt, đồng bộ và ngày càng hiệu quả. Đặc biệt, có những vụ việc vi phạm pháp luật từ nhiều năm trước, đến nay được phát hiện và do mức độ vi phạm nghiêm trọng nên bị xử lý hình sự.
Đại biểu Vũ Trọng Kim (Nam Định) nêu rõ, tình trạng cán bộ sợ sai, không dám làm nên bỏ bê công việc là vấn đề có thật. Đại biểu tâm tư: “Bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu”. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, vấn đề sợ sai chưa đề cập tới mức, đã sợ sai còn né tránh, đùn đẩy, cái gì thuận lợi thì nhận vào bản thân, còn khó khăn thì đẩy cho tổ chức, người khác và bên ngoài... Đại biểu cho rằng, có nguyên nhân nhạy cảm nhất, đó là có một bộ phận cán bộ sợ rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng mạnh lên thì cán bộ nhụt chí, không dám làm!
Thực tế cho thấy, từ Đại hội XII của Đảng đến nay, với quan điểm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã được Đảng, Nhà nước ta tiến hành công khai, minh bạch, quyết liệt từ Trung ương đến cơ sở. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong 10 năm qua đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở nhiều cấp độ. Hàng loạt cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý; nhiều cán bộ lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã nghỉ hưu nhưng do mắc sai phạm trước đó vẫn bị xử lý kỷ luật, có người đã bị xử lý hình sự về chức vụ trong Đảng, chính quyền, gồm có 6 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng; 2 bí thư tỉnh ủy, thành ủy; 8 chủ tịch, nguyên chủ tịch tỉnh, thành phố; 11 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng; 2 phó bí thư, nguyên phó bí thư tỉnh ủy; 13 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang[3].
Từ khi Đảng ta tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng khoá XIII “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, một loạt các đại án bị phanh phui do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, hệ lụy phát sinh do dịch bệnh COVID-19, dẫn đến có nhiều cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã bị kỷ luật, xử lý nghiêm minh, được dư luận đồng tình, nhân dân ủng hộ, tin tưởng.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, trong 2,5 năm qua có gần 40.000 công chức, viên chức thôi việc ở khu vực công chuyển sang khu vực tư, chiếm gần 2% tổng biên chế. Vì sao lại xảy ra tình trạng bất thường nêu trên trong khi tâm lý mong muốn được làm việc trong khu vực công còn khá phổ biến ở nước ta? Liệu có phải vì thu nhập hay vì nhiều nguyên nhân khác, trong đó có nguyên nhân sợ sai, “sợ trách nhiệm” trong hoạt động công vụ. Kết quả đánh giá cán bộ năm 2021 của Bộ Nội vụ trước Quốc hội, có 1,72% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ (những năm trước tỷ lệ này chỉ khoảng 0,56 - 0,64%) cho thấy tình trạng này đang có dấu hiệu gia tăng, đáng báo động. Dư luận bức xúc, lo ngại về tình trạng có những cán bộ “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” ở các cơ quan hành chính sự nghiệp.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, một phần do hậu quả của việc tuyển dụng dựa vào “quan hệ” của bố mẹ, người thân. Trong số những người này, nhiều người hưởng lương nhưng không biết việc, không có trình độ chuyên môn phù hợp nên không dám làm, ngại quyết định công việc vì sợ sai, lâu dần thành thói quen và họ thản nhiên coi việc “thiếu trách nhiệm” là chuyện bình thường, không thấy xấu hổ, cũng chẳng cần sửa đổi hay phấn đấu học tập để cải thiện bản thân. Những thành phần này chẳng khác gì “cây tầm gửi” sống dựa vào người khác, bởi họ không hề có năng lực, trình độ, “thà ngồi im” còn hơn “phá hoại”. Nhưng cũng có những cán bộ, thậm chí là lãnh đạo có trình độ, năng lực nhưng lại bàng quan, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không muốn làm vì không có lợi ích riêng. Trong thực tế vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức đến cơ quan chỉ để điểm danh, làm việc “lớt phớt” cho hết ngày, cho xong việc.
|
Giải trình tại phiên thảo luận Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, ngày 31-5-2023, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết có 4 nguyên nhân cơ bản của căn bệnh “sợ trách nhiệm”, né tránh, đùn đẩy: Một là, nhận thức và ý thức trách nhiệm, cũng như năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ, công chức bị hạn chế. Hai là, việc nêu gương của một số cán bộ đứng đầu chưa được phát huy một cách nghiêm túc; thể chế, chính sách còn bất cập, chồng chéo, chậm sửa đổi một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Ba là, quy chế, phối hợp giữa các bộ, địa phương vẫn còn một số mặt chưa kịp thời, đồng bộ, thống nhất. Bốn là, kỷ cương, kỷ luật đang được siết chặt lại, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được đẩy mạnh và hàng loạt cán bộ, công chức bị kỷ luật, khởi tố, truy tố dẫn đến tâm lý một bộ phận cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng: “Dù bất kỳ nguyên nhân nào cũng cần phải thống nhất hiện trạng này là vi phạm, sai phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, là biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, cần nghiêm khắc phê phán, triệt tiêu”.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Chính trị, Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22-9-2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
2. Ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 10-5-2023.
3. Báo cáo tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 10-5-2023.
4. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, NXB CTQGST, H. 2023.
5. Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương.
6. Nghị định 73/2023/NĐ-CP ngày 29-9-2023 của Chính phủ về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
7. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H.2021.
8. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb CTQG-ST, H.2016.
9. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 11, Nxb CTQG, H.2011.
10. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021.
11. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2011.
ThS. Cao Thị Phương