Cuộc cách mạng công nghiệp cuối thế kỷ VIII đầu thế kỷ XIX đã làm đảo lộn một phần xã hội Tây Âu, đưa xã hội ấy từ “đêm trường trung cổ” ra ánh sáng của nền sản xuất đại công nghiệp cơ khí, máy móc kỹ thuật hiện đại ngày càng giữ vai trò quan trọng trong sản xuất và cùng với nó là sự xuất hiện của giai cấp vô sản - giai cấp đại biểu cho phương thức sản xuất tiên tiến nhất trong lịch sử. Song máy móc càng tiên tiến thì mức lương của giai cấp công nhân càng giảm và “bất cứ lúc nào công nhân cũng thấy giai cấp tư sản coi họ là đồ vật, là tài sản của chúng, chỉ một điểm này cũng đủ làm cho công nhân trở thành kẻ thù của giai cấp tư sản”[1]. Mâu thuẫn trên lĩnh vực kinh tế dẫn đến mâu thuẫn trên lĩnh vự xã hội, cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản và vô sản là điều tất yếu. Vì vậy, ngay từ khi mới ra đời giai cấp công nhân đã tiến hành những cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản. Những cuộc đấu tranh ban đầu diễn ra lẻ tẻ và mang tính tự phát vì mục đích kinh tế, do thiếu một lý luận cách mạng và một tổ chức tiên phong lãnh đạo nên đều thất bại. Chính sự phát triển của phong trào công nhân đặt ra đòi hỏi phải có lý luận tiên tiến dẫn đường để tổ chức, giáo dục, giác ngộ giai cấp công nhân về sứ mệnh lịch sử của mình, để vạch cho giai cấp công nhân đường lối và phương pháp cách mạng khoa học. Chủ nghĩa Mác ra đời đã đáp ứng được đòi hỏi của phong trào công nhân lời kêu gọi “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại” làm phương châm đấu tranh cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân bất đầu từ nước Mỹ - quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới. Mỹ đã lao vào cuộc chạy đua cạnh tranh tư bản với điển hình là thành phố Chi-ca-gô - trung tâm thương nghiệp của Mỹ. Nhà tư bản đã cho các guồng máy ở đây chạy hết công suất suốt ngày đêm, hàng vạn công nhân bị bắt buộc làm việc mỗi ngày từ 14 đến 18 giờ, phụ nữ quần quật lao động không kém gì nam giới, nhưng đồng lương chỉ bằng ½ nam giới và suốt suốt tuần không có ngày nghỉ; trẻ em phải làm việc 12 giờ/ngày. Đây chính là nguyên nhân diễn ra phong trào bãi công của công nhân Bắc Mỹ, châu Âu bùng lên, đòi nhà tư bản phải tăng lương, giảm giờ làm với khẩu hiệu chung là “8 giờ làm việc, 9 giờ học tập, 8 giờ nghỉ ngơi trong một ngày”.
Tại thành phố Chi-ca-gô, ngày 1-5-1886, hưởng ứng lời kêu gọi của “Liên đoàn lao động Mỹ”, công nhân toàn thành phố tiến hành bãi công, tổ chức mít tinh và biểu tình trên đường phố (40 ngày không đến nhà máy làm việc). Khẩu hiệu “ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của giai cấp công nhân, chính quyền tư sản rơi vào thế bị động. Ngày 3-5, hơn 6 ngàn công nhân tổ chức mít tinh, tên chủ tư bản ngoan cố không trả lời yêu sách của công nhân, cho đóng cửa nhà máy và những người bãi công phản đối, bị cảnh sát đàn áp, 9 công nhân bị giết, 50 bị thương nặng, gây chấn động thành phố. Ngày 4-5, một cuộc mít tinh khổng lồ diễn ra ở quãng trường Hay-mác-két để phản kháng hành động của cảnh sát. Bọn chủ dùng thủ đoạn xảo trá cho tay chân ném một quả bom làm chết 7 cảnh sát, 4 công nhân và nhiều người bị thương. Lấy cớ đó chính quyền mở cuộc khủng bố lớn, hơn 200 người chết và bị thương, nhà tù chật ních những người tham gia đấu tranh.
Vụ tàn sát đẫm máu trên gây nên chấn động lớn trong giai cấp công nhân thế giới. Ở Mỹ nhiều cuộc biểu tình lớn nổ ra tại các thành phố, lên tiếng ủng hộ yêu sách của công nhân Chi-ca-gô. Công nhân Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan… tổ chức nhiều cuộc mít tinh bày tỏ sự đồng tình với công nhân Mỹ. Ngày 1-5-1886 đã ghi một bước thắng lợi, có ý nghĩa rất to lớn đối với giai cấp công nhân trong quá trình thống nhất đấu tranh giành quyền lợi của mình. Ngày 11-11-1887, các thủ lĩnh của cuộc đấu tranh ngày 1-5-1886 đều bị chính quyền treo cổ. Tuy vậy, chính phủ buộc phải ban hành đạo luật ngày làm 8 giờ.
Để biểu dương tinh thần đoàn kết của giai cấp vô sản và nhân dân lao động trên toàn thế giới, ngày 14-5-1889, tại Paris nước Pháp, Đại hội quốc tế thứ II được tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Ph.Ăngghen đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1-5 - ngày đấu tranh thắng lợi của công nhân Chi-ca-gô năm 1886 làm ngày Quốc tế Lao động.
Thực hiện nghị quyết của Quốc tế thứ II, vào ngày 1-5-1890 lần đầu tiên ngày Quốc tế lao động được kỷ niệm trên quy mô thế giới. Giai cấp công nhân ở các nước Mỹ, Ca-na-đa, Pháp, Đức, Áo, Đan Mạch, Bỉ, Thụy Điển, Hà Lan, Ý và nhiều nước khác tiến hành bãi công, mít tinh, biểu tình. Hàng ngàn công nhân Pra-ha xuống đường biểu tình mang theo biểu ngữ “ngày làm 8 giờ”, thể hiện tinh thần “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại”.
Trước yêu cầu lịch sử đặt ra, Mác-Ăngghen không chỉ trang bị lý luận cách mạng cho giai cấp công nhân còn chỉ ra con đường thực hiện sứ mệnh lịch sử của họ là phải có đảng tiên tiến lãnh đạo. Vì vậy, khi chủ nghĩa Mác ra đời đã được một bộ phận ưu tú nhất của giai cấp công nhân tiếp thu, tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác vào phong trào công nhân, giáo dục, giác ngộ và tổ chức công nhân đấu tranh và trong các cuộc đấu tranh ấy, các Đảng Cộng sản đã lần lượt ra đời. Điều đó chứng tỏ, chủ nghĩa Mác ra đời đã nhanh chóng thâm nhập vào phong trào công nhân, trở thành hệ tư tưởng, vũ khí lý luận của giai cấp công nhân. Mặt khác, thông qua phong trào công nhân chủ nghĩa Mác được kiểm nghiệm, bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện.
Tiếp thu, kế tục sự nghiệp cách mạng của C.Mác và Ph.Ăngghen, người học trò xuất sắc V.I. Lênin đã vận dụng sáng tạo, phát triển học thuyết Mác-Ănghen vào điều kiện lịch sử mới ở nước Nga. Lênin cho rằng “giai cấp công nhân Nga phải nắm lấy ngọn cờ cách mạng dân chủ tư sản làm “cuộc cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới” và thắng lợi hoàn toàn của cách mạng hiện đại sẽ đánh dấu bước kết thúc của cách mạng dân chủ và mở đầu một cuộc đấu tranh kiên quyết cho chủ nghĩa xã hội”[2]. Cuộc cách mạng Tháng Mười vĩ đại năm 1917, không chỉ đưa “bóng ma chủ nghĩa công sản đang ám ảnh Châu âu” trở thành hiện thực đầu tiên trên đất nước Nga - Xô viết mà còn khẳng định vị trí vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản, đưa lịch sử nhân loại bước sang trang mới - thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Cuộc cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi cũng chính là mảnh đất “màu mỡ” diễn ra cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Nguyễn Ái Quốc và chủ nghĩa Mác - Lênin. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc tìm ra chân lý cách mạng - con đường giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội: “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc thì không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản” và “đây là con đường cứu chúng ta, giải phóng chúng ta”. Vì vậy, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào trong các phong trào công nhân và nhân dân lao động đang phát triển mạnh mẽ ở trong nước, chuẩn bị chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cùng với phong trào đấu tranh của công nhân thế giới, ngày 1-5-1925, ở Việt Nam, công nhân Chợ Lớn, công nhân đường sắt Dĩ An và công nhân Đà Nẵng biểu tình bày tỏ ý chí bảo vệ Liên bang Xô viết. Trong cuộc biểu tình đó, nhiều công nhân đã bị bắt và tù đày. Đây cũng chính là sự kiện đầu tiên đánh dấu sự giao tiếp trong chừng mực giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, một điểm nút chuyển phòng trào công nhân Việt Nam từng bước tự phát đến tự giác.
Đầu những năm 30 của thế kỷ XX, chủ nghĩa Mác-Lênin đã được những người cộng sản ở Việt Nam nghiên cứu, truyền bá vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước qua sách, báo, đặc biệt là qua trong trào vô sản hoá “cùng ăn, cùng ở, cùng lao động” với công nhân. Từ đó, chủ nghĩa Mác-Lênin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể ở một nước thuộc địa. Sự ra đời của chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam là sản phẩm tất yếu của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Những văn kiện đầu tiên của Đảng (chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt,..) xác định: Công nông là lực lượng chính của cách mạng, do giai cấp công nhân lãnh đạo, mở rộng đoàn kết với các giai cấp, các tầng lớp và toàn thể dân tộc. Luận cương Chính trị tháng 10-1930 của Đảng tiếp tục cụ thể hoá và nhấn mạnh thêm: “Trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền, vô sản giai cấp và nông dân là hai động lực chính, nhưng vô sản có cầm quyền lãnh đạo thì cách mạng mới thắng lợi được”. Điều này khẳng định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam, là giai cấp lãnh đạo cách mạng, đóng vai trò nòng cốt trong khối liên minh công - nông.
Có lý luận cách mạng soi đường, giai cấp công nhân Việt Nam đã nhanh chóng giành quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam về tay mình, không chia sẻ quyền lãnh đạo cách mạng cho bất kỳ giai cấp nào, đảng phái nào. Giai cấp công nhân Việt Nam đã đoàn kết, tổ chức quần chúng yêu nước thành mặt trận dân tộc thống nhất, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lơi này đến thắng lợi khác.
Tiêu biểu là ngày 1-5-1930, ở các thành phố lớn cũng như các vùng nông thôn rộng lớn của cả nước đã diễn ra các cuộc mít tinh, tuần hành của tầng lớp nhân dân lao động chào mừng ngày Quốc tế Lao động 1-5. Đây là lần đầu tiên, giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên phạm vi toàn quốc chứng minh được sứ mệnh trước lịch sử, sức mạnh vô địch, nghị lực phi thường của mình. Là sự khởi đầu để dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác: Cao trào cách mạng (1930-1931), cuộc vận động dân chủ (1936-1939) và cách mạng tháng Tám năm 1945 với sự ra đời của Nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông nam Á - thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác-Lênin được Nguyễn Ái Quốc vận dụng sáng tạo vào cách mạng Việt Nam.
Ngày 1-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh công bố ngày 1-5 là một trong những ngày Quốc tế lớn. Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày Quốc tế Lao động 1-5 được tổ chức kỷ niệm trọng thể tại Hà Nội, với 20 vạn nhân dân lao động dự buổi mít tinh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi: “Cùng đồng bào toàn quốc! Cùng anh chị em lao động! Ngày 1 tháng 5 là một ngày Tết chung cho cả các nước trên thế giới. Đó là một ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa. Ở nước ta, lần này là lần đầu tiên đồng bào ta, anh chị em lao động ta được tự do đón tiếp ngày 1 tháng 5. Vậy nên nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa. Đối với chúng ta nó là một ngày để cho thế giới biết rằng: ngày này chẳng những là ngày Tết lao động, mà còn là ngày nhân dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”[3].
Khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam đoàn kết, chung sức đồng lòng đưa hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, chống thực Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đi đến thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên xây dựng CNXH.
Thấy rõ vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) của Đảng xác định: Giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn: là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời đề ra mục tiêu xây dựng giai cấp công nhân trong thời gian tới là: Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, có giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị vững vàng; có ý thức công dân, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tiêu biểu cho tinh hoa văn hóa của dân tộc; nhạy bén và vững vàng trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và những biến đổi của tình hình trong nước; có tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết hợp tác quốc tế; thực hiện sứ mệnh lịch sử của gia cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng học tập nâng cao trình độ chính trị, trí tuệ, phát triển ngày càng mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tác phong công nghiệp và kỷ luật cao, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, đảm bảo cho sự toàn thắng của sự nghiệp xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Phát huy truyền thống tốt đẹp của giai cấp công nhân đã được tôi luyện trong chặng đường lịch sử, trong tư thế người làm chủ đất nước độc lập, tự do và dân chủ hôm nay, giai cấp công nhân Việt Nam sát cánh với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng ra sức phấn đấu, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không ngừng vươn lên làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình, góp phần vào thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Phạm Thị Nhung
Trường sĩ quan Lục quân 2
[1] C.Mác và Ăngghen toàn tập, t.2, Nxb CTQG, H.1995, tr.592.
[2] V.I Lênin toàn tập, t.11, Nxb Tiến bộ, M. 1979, tr.154.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, t.4, Nxb CTQG, H.2002, tr.219.