Tâm huyết với nghề

Kỹ sư Nguyễn Kim Đĩnh (nguyên chuyên viên cao cấp Ban Tổ chức Trung ương): 

TỔ CHỨC LÀ MỘT NGÀNH NGHỀ ĐẶC THÙ

Là người con Nam bộ, thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 tôi được tập kết ra Bắc, được đào tạo thành kỹ sư và hoạt động trong ngành Công nghiệp đến năm 1975. Sau ngày giải phóng miền Nam, tôi được Bộ Công nghiệp điều động về Nam tiếp quản các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Đã chuẩn bị sẵn sàng chờ ngày lên đường thì bất ngờ nhận được quyết định về công tác ở Ban Tổ chức Trung ương. Đây thực sự là một ngã rẽ cuộc đời  tôi. Từ môi trường công tác trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nay chuyển sang làm nghiên cứu về công tác tổ chức cán bộ và công tác xây dựng đảng là một lĩnh vực mới, hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Quá lo sợ không trụ vững nghề tổ chức, tôi đã nảy sinh tư tưởng muốn trở về ngành công nghiệp cơ khí. Qua những năm tháng công tác ở Ban Tổ chức Trung ương, tôi được luân chuyển qua nhiều bộ phận: Vụ Xí nghiệp – Cơ sở - Đảng viên, Vụ Tổ chức – Điều lệ và Vụ Địa phương III ở phía Nam; được đi đào tạo, bồi dưỡng cao cấp lý luận chính trị và nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ,  lớp kinh tế do chuyên gia Liên Xô giảng dạy, lớp quản lý hành chính cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia; tu nghiệp tại trường Đại học Kinh tế - Tài chính Lê-nin-grát (Liên Xô) chương trình trên đại học... Sau này lại được đi tham quan nghiên cứu một số nước và vùng lãnh thổ: Mỹ, Đức, Đài Loan tôi đã có cơ hội để mở rộng tầm nhìn và nâng cao khả năng nghiên cứu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Quá trình làm nghề tổ chức, tôi được tham gia nghiên cứu các chuyên đề theo sự phân công của Lãnh đạo Ban như: Đổi mới hệ thống tổ chức đảng; đổi mới cơ cấu và nâng cao chất lượng hoạt động cấp ủy các cấp; chức năng kiểm tra của cấp ủy trong việc thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng và nghị quyết của đảng bộ, chi bộ các cấp; nâng cao chất lượng đảng viên; đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng doanh nghiệp nhà nước; đề xuất với Ban Tổ chức Trung ương để tham mưu cho Trung ương về nhân sự các nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các địa phương mà tôi được phân công phụ trách. Đồng thời, hướng dẫn một số ban tổ chức tỉnh, thành ủy lượng hóa tiêu chuẩn và quy định bằng điểm chuẩn làm căn cứ đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên sát thực hơn.

Quá trình công tác hơn hai thập kỷ (1975-1998) ở Ban Tổ chức Trung ương, tôi có một số suy tư, trăn trở ở một số lĩnh vực, xin nêu lên để cùng suy ngẫm với mục đích tiếp tục đổi mới công tác tổ chức đáp ứng yêu cầu thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

1. Cần có căn cứ pháp lý xác định tổ chức là một ngành, một nghề và là một ngành nghề đặc thù. Sản phẩm của nó là “nhân lực, tổ chức và cán bộ” hiện diện ở khắp các lĩnh vực hoạt động trong đời sống xã hội, quyết định sự phát triển hay suy thoái của mỗi tổ chức, quốc gia. Là ngành, nghề đặc thù, người làm tổ chức phải có kiến thức, tầm nhìn, bản lĩnh và phẩm chất đạo đức riêng; phải được đào tạo nghề một cách chuyên sâu cùng những kiến thức bổ trợ và thường xuyên tiếp cận thực tiễn, cập nhật những vấn đề mới về lý luận và khoa học tổ chức. Từ đó có điều kiện đề xuất những ý tưởng mới, những phương án, đề án hay mô hình tổ chức cụ thể phù hợp với thực tiễn đặt ra. Là ngành, nghề phải quản lý dọc gắn với nhiệm vụ của ngành và kết hợp quản lý ngang của cấp ủy để thực hiện quy hoạch, đào tạo kiến thức chuyên ngành.

2. Mỗi ngành, nghề đều có khoa học chuyên ngành định hướng. Ngành, nghề tổ chức ở Việt Nam chưa hình thành khoa học chuyên ngành nên còn có những nguyên lý khoa học tổ chức chưa được sử dụng hợp lý. Từ tầm quan trọng của khoa học tổ chức, sau Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, Lê-nin đã quyết định mở cuộc thi soạn thảo hai cuốn sách giáo khoa về tổ chức và quản lý để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ tổ chức. Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IV), ngày 20-11-1980 đã quy định việc thành lập một tổ chức nghiên cứu khoa học về tổ chức để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý và đặc biệt là cán bộ tổ chức. Đến năm 2000 (sau 20 năm) mới thành lập Viện Khoa học tổ chức trực thuộc Ban Tổ chức Trung ương, sau lại hợp nhất với Học viện Xây dựng Đảng (trực thuộc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh). Có thể thấy, thời gian vừa qua, Ngành Tổ chức xây dựng Đảng hoạt động chủ yếu theo kinh nghiệm, ít có cơ sở khoa học định hướng. Vì thế, tình trạng các tổ chức tách ra rồi lại nhập vào, giải thể rồi tái lập mà không có gì mới so với trước đã trở thành căn bệnh kéo dài nhiều năm, đến nay vẫn chưa được khắc phục. Theo tôi, đã đến lúc cần phải đẩy nhanh việc hình thành hệ thống khoa học chuyên ngành tổ chức bằng nhiều cách: Tự nghiên cứu và tiếp nhận thành quả của các nước tiên tiến trên thế giới về khoa học tổ chức. Thành lập hệ thống trường chuyên ngành đa cấp: sơ cấp, trung cấp, đại học và trên đại học để đào tạo cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý và cán bộ tổ chức các cấp.

3. Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) khẳng định “Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh là vấn đề sống còn của Đảng và chế độ”. Để thực hiện định hướng nêu trên cần có chiến lược đào tạo cán bộ xuất thân từ công nhân và phải lập quy hoạch cơ cấu vào cấp ủy các cấp từ cơ sở đến các ban, ngành trung ương. Sau 1975, Ban Tổ chức Trung ương tuyển sinh công nhân bậc ba trở lên ở các tỉnh phía Nam cử vào học ở Trường bổ túc Văn hóa Công Nông, sau khi tốt nghiệp thi vào các trường đại học để tạo nguồn. Sau khi tốt nghiệp được phân công về các ban, ngành, địa phương đều phát huy rất tốt. Theo tôi, nên nhân rộng mô hình này. Vừa qua, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cũng đã tuyển hơn 100 công nhân để đào tạo cán bộ lãnh đạo và quản lý dự nguồn cho các ngành các cấp thành phố.

4. Cán bộ tham mưu các cơ quan đảng cần tham gia hoạt động báo chí, là lĩnh vực nhận và phát thông tin, là cầu nối giữa thực tiễn với các cơ quan cấp vĩ mô, làm giảm thiểu bệnh quan liêu. Bác Hồ là vị lãnh tụ rất quan tâm đến báo chí, qua báo chí đã chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề mà người dân bức xúc. Đây cũng là lĩnh vực rèn luyện tư duy để bổ trợ và nâng cao kỹ năng nghiên cứu và khả năng tham mưu.    

Đồng chí Võ Văn Cương (nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh):

THỰC TIỄN LÀ TRƯỜNG HỌC QUAN TRỌNG NHẤT

Tôi sinh ra trong vùng căn cứ kháng chiến của huyện Trảng Bàng, Tây Ninh. Những ngày còn nhỏ đã được các chú, các bác cho tham gia làm liên lạc. Năm 1960, khi địch càn quét, khủng bố gắt gao khắp quê hương càng thôi thúc lớp thanh niên chúng tôi thuở ấy quyết tâm theo cách mạng. Tôi theo Đảng từ năm 19 tuổi. Sau giải phóng 1975, tôi từ Bí thư Huyện đoàn Trảng Bàng, Bí thư Khu đoàn Khu 1, rồi đến làm bí thư huyện ủy 3-4 huyện ngoại thành TP. Hồ Chí Minh. Sau đó làm Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, rồi Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đến ngày nghỉ hưu.

Còn nhớ, năm 1978 tôi nhận nhiệm vụ là Bí thư Huyện ủy Cần Giờ, một huyện vùng sâu, vùng xa, khó khăn nhất của Thành phố. Thời đó, phương tiện đi lại rất khó khăn, cách biển, ngăn sông. Thời đó, Thành phố có chủ trương đưa cán bộ về cơ sở của huyện. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, một số lớn tuổi nghỉ hưu, một số thì đau bệnh nên lại xin trở lại công tác ở các quận trung tâm. Điều này gây thiếu hụt rất lớn về cán bộ của huyện. Không thể để tình hình này kéo dài mãi và càng không thể lúc nào cũng “xin” cán bộ từ Thành phố chuyển xuống. Việc đầu tiên tôi nghĩ đến là phải “tự thân vận động”, chính huyện phải tìm được người làm cán bộ cho huyện, có như vậy mới bền. Tôi đề xuất với Ban Thường vụ Huyện ủy Cần Giờ tìm nguồn tại chính huyện mình để đào tạo cán bộ kế cận, thay thế dần lớp cán bộ đi trước. Tôi chủ động gặp những cán bộ trẻ, một số là người của địa phương, một số là cán bộ nơi khác nhưng có nguyện vọng gắn bó với Cần Giờ. Điểm dễ nhận ra là đa số cán bộ trẻ đó hăng hái, làm việc quyết liệt. Nhưng vướng mắc lại chính là rào cản tâm lý do những cán bộ lớn tuổi ở huyện chưa tin tưởng. Huyện ủy một mặt xác định rõ hướng phát triển, giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh trong tư tưởng, mặt khác mạnh dạn giao thêm việc để thử thách. Dần dần, anh em trẻ tuổi tiến bộ rõ rệt trong công tác - đây là những kết quả thực tế rõ rệt, thuyết phục được tâm lý e ngại, không tin tưởng cán bộ trẻ của lớp cán bộ đi trước. Bây giờ, khi nói câu chuyện tạo nguồn cán bộ trẻ, mạnh dạn giao việc thử thách cán bộ trẻ... đã là rất phổ biến, vì đã thành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Nhưng tại thời điểm đó, giữa những khó khăn của đời sống xã hội, giữa tâm lý còn nhiều rụt rè sau giải phóng... không dễ gì những đề xuất như thế được chấp nhận. 10 năm sau nhìn lại, thấy sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ trẻ đó, đa số những vị trí chủ chốt của các ban, ngành ở huyện đều do họ đảm nhận, tôi thật sự vui mừng. Những kinh nghiệm trong đào tạo cán bộ trẻ ở Cần Giờ, dù còn sơ khai lại vô cùng quý báu cho tôi khi nhận nhiệm vụ ở Thành phố sau này.

Sau khi về công tác ở Thành phố, được phân công làm Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, tôi lại có cơ hội trải nghiệm nhiều thực tiễn trong công tác cán bộ. Có một kỷ niệm, cũng là niềm vui của tôi là được tham gia vào Đề án tạo nguồn cán bộ dài hạn của Thành phố. Ngày ấy, cứ đến gần đại hội đảng bộ các cấp là rất nhiều nơi gặp khó khăn trong việc chuẩn bị nhân sự. Tôi và anh em trong Ban Tổ chức Thành ủy đều nhận thấy không thể để tình trạng bị động này kéo dài. Do vậy, một phương án đào tạo cán bộ dài hạn có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ chuẩn bị cán bộ lâu dài cho Thành phố đã được manh nha từ đó. Quá trình xây dựng chương trình đó, cán bộ, chuyên viên Ban Tổ chức Thành ủy cùng tìm tòi, rồi tự đề xuất, vì tại thời điểm đó, ngoài TP. Hồ Chí Minh, chưa nơi nào chủ động về việc này. Rất may, khi tôi trình dự án này đã được Ban Thường vụ Thành ủy nhất trí cao. Từ đó, những nội dung về tiêu chuẩn, chức danh, cách thức đào tạo... dần được xây dựng và áp dụng ngay vào thực tiễn. Lúc đầu xây dựng Đề án 300, rồi 500 cán bộ. Đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã có tới 4.000 cán bộ thuộc diện được đào tạo nguồn theo kế hoạch này.

Trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, có thể nói tôi rất gắn bó với công tác tổ chức cán bộ. Một số trải nghiệm xin được trải lòng với Tạp chí:

1. Những ngày tháng gắn bó với cơ sở, nhất là thời gian công tác ở các huyện ngoại thành giai đoạn đầu sau giải phóng đầy khó khăn gian khổ, tôi đã nhận thức sâu sắc rằng chính thực tiễn là trường học quan trọng nhất đối với mỗi người cán bộ. Đặc biệt là người cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng đảng. Chỉ có gắn bó máu thịt với cơ sở, lăn lộn trải nghiệm mọi vấn đề của thực tiễn thì khi đưa ra những quyết sách trong công tác tổ chức, cán bộ mới thực sự đi vào thực tiễn.

2. Phải có niềm tin vào đội ngũ cán bộ trẻ, không được định kiến. Tin không chỉ nói ở cửa miệng. Tin là giao việc cụ thể. Tin phải thường xuyên kiểm tra, giúp đỡ, điều chỉnh và động viên. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, các bạn trẻ học 1 ngày có khi thu lượm được lượng kiến thức bằng cả năm học của ngày trước. Hồi trước, 34-35 tuổi tôi làm được bí thư huyện ủy, nhận nhiệm vụ và hoàn thành được nhiệm vụ. Vậy hà cớ gì hiện nay, còn có quá nhiều người vẫn giữ tư tưởng sống lâu mới lên được lão làng?

3. Cơ sở thực tiễn là quan trọng, là căn cứ. Nhưng khi đưa cán bộ đi cơ sở để học, để rèn luyện trong thực tiễn không nhất thiết phải trải đủ một nhiệm kỳ. Bởi sau 1 nhiệm kỳ như vậy, cán bộ trẻ có khi thành cán bộ... trung niên, còn cán bộ trung niên đã già mất rồi. Vậy, theo tôi cần lấy sự trưởng thành của cán bộ, hiệu quả của công việc làm căn cứ đánh giá, không cần phải đợi đủ nhiệm kỳ mới đưa họ lên những vị trí cao hơn. Bởi cái chính là đặt được cán bộ vào những chỗ phù hợp, cần thiết, quan trọng ở đúng độ thăng hoa nhất, chứ không phải khi đã... xế .

Phản hồi (1)

Cao Đình Nhân 19/02/2013

Đọc 2 ý kiến sẻ chia của cán bộ lâu năm ngành tổ chức, tôi thấy rất đúng. Tuy nhiên, những trăn trở nhằm tháo gỡ những điều trói trong công tác tổ chức cán bộ của Đảng như đã nêu thì chưa có gì mới mẻ, đã được nhiều người đề cập. Qua bài này, tôi hy vọng sẽ được quan tâm nhiều hơn, nhất là của nhà khoa học, người hoạt động thực tế, trong đó, việc tìm ra (đổi mới) cơ chế lập qui hoạch, kế hoạch gắn với phát hiện, thực hiện đào tạo, bố trí, sử dụng, luân chuyển, đề bạt,... khoa học, khách quan, vô tư, trong sáng, vì lợi ích của Đảng, của dân, của nước. Không thể duy trì kiểu làm manh mún, cục bộ (một cơ quan, một cấp, một ngành, một địa bàn, địa phương); phải thống nhất cả nước, phải lấy quản lý dọc là chính, kết hợp với quản lý ngang để bổ sung, phát hiện (quan điểm biện chứng duy vật, lịch sử, toàn diện, cụ thể) nhằm chặn đứng tình trạng bè cánh, nguyên nhân của nhiều tiêu cực. Hy vọng những trăn trở của các tác giả trên mới được tháo gỡ.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất