Quốc nạn tham nhũng với những giải pháp trong chỉnh đốn Đảng

Nhiều công trình nghiên cứu nhận định: tham nhũng thuộc người có chức, có quyền. Chức càng lớn, quyền càng cao, nếu không giữ mình thì tham nhũng càng lớn.

Thực trạng tham nhũng ở nước ta hiện nay lan rộng, diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi, tác hại nghiêm trọng. Đã và đang hình thành các nhóm lợi ích liên kết, ràng buộc với nhau để bảo vệ lợi ích riêng. Tham nhũng là một trong những nguy cơ nghiêm trọng nhất đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Tôi là một thành viên trong Bộ phận Thường trực của Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 6(2). Trong suốt 8 năm (1999-2006) thực hiện Nghị quyết, tôi rút ra cái lõi phải làm trong chỉnh đốn Đảng thời đó là chống tham nhũng. Nhưng chống tham nhũng kém hiệu quả, suy thoái trong Đảng, trong bộ máy công quyền ngày càng phát triển. Trung ương ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) với những nhiệm vụ cấp bách và với quyết tâm quyết liệt hơn.

Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), qua đợt tự phê bình và phê bình từ Bộ Chính trị đến cơ sở, đã tái lập Ban Nội chính Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương nhưng tình hình tham nhũng vẫn nghiêm trọng, tiếp tục làm giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng và Nhà nước... Trên các phương tiện thông tin đại chúng đã phanh phui ra nhiều vụ thất thoát lớn. Tình hình kinh tế có nhiều khó khăn, nợ xấu lên tới hơn 200.000 tỷ đồng, bất động sản với nhiều dãy nhà siêu cao, biệt thự để cỏ mọc, không bán được, nhiều doanh nghiệp phá sản, nợ của các doanh nghiệp nhà nước lên đến 1.334.903 tỷ đồng…

Trong khi đó, vũ khí tự phê bình và phê bình vừa qua chưa đủ sắc, mạnh, lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý nhà nước chưa tạo được niềm tin của cán bộ, đảng viên. Làm sao để chỉnh đốn Đảng có hiệu quả?

Người đảng viên, từ Tổng Bí thư,Thủ tướng Chính phủ đến các đảng viên không có chức vụ, khi vào Đảng đều hứa dưới Đảng kỳ và với Bác: Suốt đời cống hiến vì sự nghiệp của Đảng, vì cơm no, áo ấm và hạnh phúc của nhân dân. Và tất cả chúng ta còn nhớ Bác dặn: Là đảng viên, phải khổ trước nhân dân, sướng sau nhân dân. Di chúc Bác dặn: “Xây dựng đất nước sau chiến tranh, đó là công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm... Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn Đảng... và đầu tiên là công việc đối với con người...” Thực hiện Di chúc của Bác, để chỉnh đốn Đảng có hiệu quả, tôi xin nêu mấy ý kiến sau:

1. Phải tiếp tục kiên trì cuộc chỉnh đốn Đảng thật sự, lấy vũ khí tự phê bình và phê bình với tính chiến đấu cao, đấu tranh kiên quyết cắt các ung nhọt trong Đảng, đặc biệt ở cấp cao.

2. Đấu tranh chống tham nhũng là cuộc đấu tranh lâu dài, kiên trì, song phải chọn ra những khâu dễ xảy ra tham nhũng nhất, có địa chỉ cụ thể (nhất là ở cấp cao) để xử lý nghiêm minh tạo được niềm tin của nhân

3. Đồng thời với biện pháp tự phê bình và phê bình, giáo dục của Đảng, Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cần nắm thật chắc các vụ tham nhũng lớn để tham mưu lộ trình giải quyết bài bản, vững chắc nhằm xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, dần dần lấy lại lòng tin của nhân dân.

4. Xóa bỏ các chính sách mang tính đặc quyền, đặc lợi v nhà, đất, các chính sách ưu đãi không phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.

5. Đồng thời xây dựng chính sách chăm lo người có công, chính sách cán bộ phù hợp với thực tế kinh tế - xã hội hiện tại và quá trình phát triển của đất nước, luôn bổ sung sát thực tế để chăm lo, nâng cao mức sống cho nhân dân,cán bộ, đảng viên.

6. Kiên quyết xóa bỏ nạn mua quan, bán chức.

7. Đảng lãnh đạo, giám sát, kiểm tra chặt chẽ công tác quản lý nhà nước.

8. Thực hiện quy hoạch cán bộ cao cấp. Trước hết quy hoạch Tổng Bí thư chuẩn bị cho Đại hội XII. Có thể chọn 3-5 người đưa vào để rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng để sau đó có được Tống Bí thư đủ tiêu chuẩn và công khai trong Đảng, trong xã hội. Bảo đảm đầy đủ tiêu chí làm Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước... Tiếp đến là các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội...

9. Có chiến lược xây dựng và lộ trình kiện toàn các cơ quan tham mưu của Đảng theo tiêu chí: Tinh nhuệ, gọn nhẹ, bản lĩnh, trong sạch.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất