Chăm lo giáo dục toàn diện cho thanh niên là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: “Khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm những phương thức thể hiện và phong cách nghệ thuật mới, đáp ứng nhu cầu tinh thần lành mạnh, đa dạng và bồi dưỡng lý tưởng, thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ”[1]. Đất nước ta đang trong thời kỳ mở cửa, hội nhập thế giới, có sự thay đổi nhận thức về hệ thống giá trị trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội ở nhiều lứa tuổi khác nhau, nhất là trong là thanh niên. Vấn đề quan niệm thẩm mỹ (cái đẹp) và sự lựa chọn giá trị thẩm mỹ ở một bộ phận thanh niên trở thành vấn đề quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Hiện tượng thanh niên sống thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, vướng vào những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội không hiếm, nguy hiểm hơn là sự lệch lạc trong nhận thức về giá trị. Việc giáo dục lý tưởng, giá trị thẩm mỹ cho thanh niên chưa thường xuyên, hiệu quả còn hạn chế. Đảng ta chỉ rõ: “Môi trường văn hóa bị xâm hại, lai căng, thiếu lành mạnh, trái thuần phong mỹ tục, các tệ nạn xã hội, tội phạm và sự xâm nhập của các ấn phẩm và dịch vụ độc hại làm suy đồi đạo đức, nhất là trong thanh, thiếu niên, rất đáng lo ngại”[2].
Do vậy, vấn đề khẳng định giá trị thẩm mỹ và định hướng giá trị thẩm mỹ cho thanh niên là vấn đề hết sức quan trọng của mọi cấp, mọi ngành, trước hết của cấp uỷ và đoàn thanh niên, trong đó cần tập trung một số biện pháp chủ yếu sau đây:
Một là, giáo dục cho thanh niên hiểu biết và quý trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhất là trong lĩnh vực đời sống văn hoá tinh thần. Thanh niên luôn là bộ phận quan trọng của xã hội, thể hiện sức mạnh của dân tộc, thanh niên có mạnh thì dân tộc mới mạnh, trong sức mạnh của dân tộc có sức mạnh của thanh niên. Công tác giáo dục truyền thống cho thanh niên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Muốn thực hiện tốt công tác này, hàng năm phải được triển khai bằng nhiều hoạt động cụ thể, dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng: viết bài tìm hiểu, triển khai các cuộc vận động, trao đổi, tọa đàm, kể chuyện chiến đấu, mít tinh kỷ niệm... giúp thanh niên hiểu về ý nghĩa của những sự kiện lịch sử, ngày lễ của đất nước, của dân tộc. Giúp thanh niên có thái độ đúng đắn trong việc đánh giá, nhận thức những giá trị truyền thống của dân tộc. Đồng thời đấu tranh loại bỏ những tiêu cực không phù hợp, cản trở phát triển của đất nước, tác động xấu đến đạo đức, lối sống truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Hai là, trang bị cho thanh niên tri thức, chủ động trong việc lựa chọn, tiếp thu hoặc phê phán những giá trị thẩm mỹ được du nhập trong tình hình hội nhập, giao lưu văn hoá. Khi đất nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, có những biến đổi, gia tăng tính phức tạp của các mối quan hệ, giao lưu văn hoá. Những biến đổi về kinh tế - xã hội đang diễn ra nhanh chóng ở Việt Nam, nhiều giá trị xã hội đang bị tác động ảnh hưởng mạnh bởi xu thế toàn cầu hóa, trong đó có sự đan xen giữa những giá trị truyền thống và các giá trị hiện đại du nhập từ bên ngoài tạo nên cuộc đấu tranh trong quá trình tiếp nhận và hình thành giá trị của mỗi cá nhân cũng như trong cộng đồng. Đồng thời, cùng với những thành tựu của sự nghiệp đổi mới, những tiến bộ của xã hội đã làm mở rộng đáng kể các nhu cầu của xã hội và của mỗi cá nhân. Tất cả đã làm cho thế giới nội tâm của con người phong phú nhưng cũng phức tạp hơn, vừa có nhiều thuận lợi đồng thời cũng không ít khó khăn trong đời sống tinh thần của thế hệ trẻ. Do đó, thanh niên cần có thái độ chủ động trong việc cân nhắc, lựa chọn các giá trị thẩm mỹ một cách đúng đắn nhất, phù hợp nhất làm cơ sở để hoàn thiện bản thân và phát triển cộng đồng. Bên cạnh đó, cần phải phê phán, bài trừ những tiêu cực ảnh hưởng đến đời sống của thanh niên, như lối sống thực dụng, ích kỷ, cá nhân…
Ba là, ở nhà trường, giáo viên cùng tham gia những sinh hoạt của tuổi trẻ, thấu hiểu nhu cầu thanh niên. Các tổ chức xã hội, tổ chức đoàn ở địa phương cần thường xuyên tổ chức các hoạt động tọa đàm, trao đổi về lối sống đẹp cho thanh niên, giúp thanh niên biết cách lựa chọn giá trị thẩm mỹ… Hơn bất cứ lứa tuổi nào, đối với thanh niên tuyệt đối không nên giáo dục theo cách áp đặt. Càng áp đặt càng không hiệu quả. Giáo dục cái đẹp cần đặc biệt tỉ mỉ và tế nhị, vừa tôn trọng tính độc lập của thanh niên vừa hướng dẫn giúp đỡ, uốn nắn những lệch lạc, thiếu sót theo phát triển tâm lý ở các độ tuổi khác nhau. Đặc biệt, cần giáo dục để thanh niên phân biệt rõ được đúng sai, hiểu đúng giá trị thẩm mỹ, cần giúp thanh niên biết yêu thương, quan tâm chia sẻ giúp đỡ những người xung quanh, người lớn, nhất là đảng viên làm gương từ lời nói đến hành động theo các chuẩn mực của xã hội, với truyền thống của dân tộc.
Bốn là, phát huy tính tự giác, tự rèn luyện, tạo sự đề kháng của thanh niên. Những giá trị thẩm mỹ nói chung rất khó có thể định lượng, do đó mỗi thanh niên cần phải thường xuyên tự rèn luyện để chuyển hóa thành thói quen và hành vi đẹp, làm cơ sở bền vững của mọi hoạt động.
Ths. Nguyễn Đức Vinh – Bùi Văn Hải
Đại học Nguyễn Huệ
[1]. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, tr.224. [2]. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, tr 169.