Để Hiến pháp 1992 sau khi đã sửa đổi được cụ thể hóa bằng các luật, khi thực hiện không bị “vướng” thì việc các tầng lớp nhân dân phát huy dân chủ, thẳng thắn và xây dựng, đề cập cả những vấn đề “nhạy cảm” là vô cùng quan trọng và cần thiết. Dưới góc độ công tác xây dựng đảng và từ thực tiễn của cuộc sống, tôi xin góp ý sửa đổi một số điểm liên quan đến vấn đề xây dựng Đảng trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 như sau:
Trước hết, về tổng thể Hiến pháp, chúng ta nên bổ sung những gì Hiến pháp 1946 vẫn còn giá trị, phù hợp với tình hình cách mạng Việt Nam hiện nay. Đó là di sản quý báu Bác để lại đã được thực tế kiểm nghiệm là đúng đắn.
Thứ hai, cần có một chương riêng về Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó đề cập vị trí cầm quyền và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đất nước, xã hội. Chương này nên đặt sau chương Chế độ chính trị. Bởi trong thực tế, Đảng, Quốc hội, Chính phủ là 3 trụ cột lãnh đạo, điều hành, quản lý đất nước, trong đó, sự lãnh đạo của Đảng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng. Khi Hiến pháp được thông qua, sẽ có đầy đủ cơ sở pháp lý hơn cho sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của nhân dân. Hơn nữa, trong Dự thảo Hiến pháp, các chủ thể như Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ đều được dành hẳn một chương riêng, còn với chủ thể là Đảng cầm quyền lại chỉ để vẻn vẹn trong mấy điều của Hiến pháp là không tương xứng, không phù hợp.
Thứ ba, khi đã có một chương về Đảng Cộng sản Việt Nam và vị trí, vai trò lãnh của Đảng thì sẽ có dung lượng, không gian đề cập nhiều vấn đề quan trọng, cấp thiết, từ đó, từng tiết nhỏ trong Điều 4 của Dự thảo Hiến pháp hiện nay có thể được diễn đạt thành những điều Luật.
Trong Điều 4 của bản Dự thảo lần này (bổ sung, sửa đổi) có ghi “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Mác Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Nếu so sánh với Hiến pháp 1992 đã có điểm mới, nhưng nếu so sánh với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) và so với Điều lệ Đảng được thông qua tại Đại hội XI của Đảng thì có sự thiếu nhất quán. Cụ thể, trong Dự thảo Hiến pháp không có cụm từ “kim chỉ nam cho hành động” và không thấy khẳng định “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền”. Tôi không hiểu tại sao Ban soạn thảo lại bỏ qua hai nội dung rất quan trọng này? Nếu trong Điều 4 của bản Dự thảo Hiến pháp đã trích Cương lĩnh, Điều lệ Đảng thì nên trích toàn văn. Nếu viết tóm tắt lại thì phải đủ ý, không thêm bớt. Đồng thời, cần lấy thêm câu trong Cương lĩnh là “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền” vào Hiến pháp lần này.
Cần thiết có một điều về sự gắn bó mật thiết giữa các tổ chức đảng, đảng viên với nhân dân; chịu sự giám sát của nhân dân; chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình, nhất là những quyết định liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ và những quyết định lớn liên quan đến quốc kế, dân sinh.
Cần có một điều quy định về các tổ chức đảng, đảng viên hoạt động, thực hiện đạo đức, lối sống trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật. Điều này cần được cụ thể, rõ ràng hơn Luật về hoạt động của Đảng, bao gồm cả những quy định của Đảng hiện nay, trong đó có những điều đảng viên không được làm, đảng viên chịu sự giám sát của người dân nơi cư trú v.v. Có quy định này, chắc chắn sẽ góp phần chấm dứt hiện tượng một số quy định của tổ chức đảng vi phạm pháp luật, tạo ra đặc quyền đặc lợi và hiện tượng đảng viên đứng ngoài Hiến pháp, pháp luật, nhẽ ra họ phải gương mẫu trong việc sống và làm việc trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật.
Vì là Đảng cầm quyền, hơn nữa đến nay điều kiện đã chín muồi, liên quan trực tiếp đến việc sửa đổi Hiến pháp, cho nên tôi đề xuất có một quy định trong Hiến pháp lần này là: nhất thể hóa chức danh Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng với chức danh Chủ tịch nước ở Trung ương và các chức danh bí thư cấp ủy với chủ tịch UBND các cấp tỉnh, huyện, xã. Bởi vì hiện nay trên thế giới ít có nước nào có mô hình “song trùng” như nước ta hiện nay. Sự “song trùng” vừa gây trùng lặp, bộ máy cồng kềnh, đùn đầy trách nhiệm vừa dễ dẫn đến tình trạng mâu thuẫn nội bộ giữa bí thư cấp ủy với chủ tịch UBND thường xảy ra ở không ít nơi. Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng đồng thời là Chủ tịch nước, không chỉ thuận lợi cho lãnh đạo, điều hành trong nước mà rất thuận lợi cho công tác đối ngoại.
Vũ Lân