Chủ động tiến công, chặt đứt gốc rễ tham nhũng

Tại Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XIII) diễn ra đầu tháng 10/2021, Trung ương Đảng xác định phải chủ động tiến công, quyết liệt hơn, nghiêm minh hơn đối với các hành vi tham nhũng, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Một bước chuyển quan trọng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng được Trung ương nhìn nhận: tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống là cái gốc của tham nhũng; là “mảnh đất” màu mỡ dung dưỡng tham nhũng. Vì thế, nhận diện rõ các biểu hiện tiêu cực là điều kiện tiên quyết để chặt đứt gốc rễ tham nhũng.

Khu đất 43 ha khiến nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và nhiều lãnh đạo tỉnh này vướng vòng lao lý.

Bài 1: Trăm tỷ, ngàn tỷ tuồn về “sân sau”, “sân nhà”

Nhiều cán bộ lãnh đạo biến chất giương ô quyền lực, giúp người nhà, người thân, “người tình” và doanh nghiệp “sân sau”, “sân nhà” hưởng lợi hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng từ của công.

“Bóng hồng” dựa bóng quyền lực

Cuối tháng 10 này, Tòa án Nhân dân TP.HCM mở lại phiên xét xử sơ thẩm lần 2 đối với nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài cùng 8 thuộc cấp và bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trước đó, ông Tài đã bị xét xử trong vụ án gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, liên quan khu đất hơn 4.800 m2 tại số 8 - 12 Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM) - tài sản thuộc sở hữu nhà nước được giao Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM quản lý và cho thuê.

Trong cú “ngã ngựa” này của ông Tài, người ta nói nhiều đến mối quan hệ thân quen với một “bóng hồng”. Tài liệu của cơ quan điều tra thể hiện, bà Lê Thị Thanh Thúy, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm làm tờ trình xin tham gia Dự án (tại số 8 - 12 Lê Duẩn, quận 1), nhận khống về năng lực tài chính, kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn. Với mối quan hệ “quen biết” bà Thúy như thừa nhận trước cơ quan điều tra, ông Tài đã ký nhanh, ký nhiều văn bản chỉ đạo cấp dưới cùng thực hiện các hành vi chấp thuận cho Công ty Hoa Tháng Năm được tham gia góp 30% vốn tại Dự án. Sau các cuộc mua bán, phần vốn nhà nước trong Dự án chỉ còn 20%; 80% rơi vào tay tư nhân.

Ông Tài cũng được xác định cho Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue của bà Thúy thanh lý nhà số 8 - 12 Lê Duẩn, mà không giao cơ quan chức năng thẩm định giá trị còn lại.

Theo xác định ban đầu của cơ quan điều tra, hành vi của ông Tài cùng các bị can gây hậu quả, thiệt hại và thất thoát, lãng phí hơn 2.000 tỷ đồng.

Dư luận đặt câu hỏi, nếu chỉ là quan hệ công việc thông thường, vị lãnh đạo này có “phóng tay” ký các văn bản giúp tiền Nhà nước chảy vào túi cá nhân như vậy hay không?

Trong khi đó, tại Hà Nội, tháng 8/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Võ Tiến Hùng (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) và Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic) cùng về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, liên quan vụ việc mua các chế phẩm xử lý nước hồ ô nhiễm tại Hà Nội.

Đáng chú ý, trong vụ việc này, với cái “bóng” quyền lực của ông Chung, “bóng hồng” Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa - vợ ông, đã tự tung, tự tác, làm những điều mà bình thường, người ta khó có thể hình dung.

Cụ thể, cuối năm 2015, bà Hoa thành lập Công ty Arktic, nhưng đứng tên Đào Xuân Tấn và con trai mình là Nguyễn Đức Hạnh, sau đó, một tay bà “đạo diễn” mọi hoạt động của công ty này, bất chấp pháp luật.

Cơ quan điều tra xác định, quá trình hoạt động của Công ty Arktic, “toàn bộ hồ sơ đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty Arktic đều do bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa thực hiện và tự ký giả chữ ký của Nguyễn Đức Hạnh”.

Tháng 6/2016, bà Hoa làm giả hồ sơ chuyển nhượng cổ phần để thay đổi thành viên góp vốn từ Đào Xuân Tấn sang Nguyễn Trường Giang.

Đến tháng 7/2016, bà Hoa tiếp tục làm giả hồ sơ chuyển nhượng cổ phần để thay đổi thành viên góp vốn từ Nguyễn Đức Hạnh sang Nguyễn Trường Giang (tổng cộng, Giang đứng tên sở hữu 60%).

Ngay sau khi Công ty Arktic thực hiện thủ tục nhập khẩu chế phẩm Redoxy-3C mẫu (ngày 19/7/2016), ông Chung đề nghị lấy tên vợ một người bạn mình, là bà Nguyễn Thị Bích Hằng, để làm thủ tục chuyển nhượng 40% vốn điều lệ Công ty từ Nguyễn Đức Hạnh. Đáng nói là, chữ ký của bà Hằng cũng được… làm giả! Tài liệu điều tra xác định, không có việc mua, bán, không có việc thanh toán tiền giữa các bên chuyển nhượng phần vốn góp.

Theo kết luận của cơ quan điều tra, từ năm 2016 - 2019, trên cơ sở các chỉ đạo, điều hành, tạo điều kiện của ông Nguyễn Đức Chung, Công ty Arktic của vợ ông đã kinh doanh nhiều sản phẩm, hàng hóa cho các đơn vị liên quan, trực thuộc UBND TP. Hà Nội, hưởng lợi nhuận gộp không chính đáng hơn 36 tỷ đồng. 

Những chữ ký “ám mùi tiền”

Tháng 6/2021, khi Nghị quyết của Hội đồng Bầu cử Quốc gia về kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV được công bố, dư luận bất ngờ, vì trong 500 đại biểu vừa được bầu, chỉ có 499 vị được xác nhận đủ tư cách đại biểu.

Đại biểu “rớt đài” vào “phút cuối” là ông Trần Văn Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương.

Ngày 27/7/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với ông Trần Văn Nam cùng hàng loạt quan chức khác là Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Chánh thanh tra tỉnh, nguyên Phó bí thư, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh này.

>2.000 tỷ đồng là số tiền thiệt hại, thất thoát, lãng phí từ hành vi của ông Nguyễn Thành Tài cùng các bị can trong vụ án liên quan khu đất số 8 - 12 Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM), theo xác định ban đầu của cơ quan điều tra.

>1.000 tỷ đồng của Nhà nước đã bị “thổi bay” bởi sai phạm của ông Trần Văn Nam và các tập thể, cá nhân liên quan trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty 3/2, theo kết luận của cơ quan điều tra.

1.103 tỷ đồng thất thoát tại SADECO từ “bút phê” của ông Tất Thành Cang để SADECO bán 9 triệu cổ phần giá rẻ và không qua đấu giá cho Công ty Nguyễn Kim, theo kết luận của cơ quan điều tra. 

Các bị can bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra mở rộng vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty 3/2). Đây là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 4 (từ ngày 14 - 16/6/2021), Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII kết luận, ông Trần Văn Nam chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015 - 2020; chịu trách nhiệm trực tiếp khi giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh, đã ký văn bản áp dụng giá đất tính thu tiền sử dụng đất, vi phạm quy định pháp luật về đất đai, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước; thực hiện trái chủ trương về phương án sử dụng 43 ha đất tại Tổng công ty 3/2; hợp thức việc chuyển nhượng trái phép Dự án Tân Phú cho tư nhân; để Tổng công ty 3/2 đưa 145 ha đất góp vốn vào Công ty Tân Thành trái pháp luật.

Theo cơ quan điều tra, việc ký những văn bản trên cùng một số bút phê, cố ý hợp thức hóa sai phạm… của ông Trần Văn Nam và các tập thể, cá nhân liên quan đã “thổi bay” hơn 1.000 tỷ đồng của Nhà nước.

Một vụ việc “nóng” nữa liên quan đến những chữ ký “ám mùi tiền”, phê duyệt vô trách nhiệm của lãnh đạo cấp cao và “bóng dáng” doanh nghiệp hưởng lợi là vụ việc Công ty Tân Thuận (thuộc Thành ủy TP.HCM) chuyển nhượng 32 ha đất Dự án Khu dân cư Phước Kiển (Nhà Bè) cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.

Theo Quy chế Quản lý, sử dụng tài sản tại các công ty thuộc sở hữu của Đảng bộ TP.HCM và Quy chế Làm việc của Thành ủy TP.HCM, việc chuyển nhượng phải được Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM quyết định.

Tuy nhiên, ông Tất Thành Cang, khi đó với cương vị Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, đã không báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, mà tự bút phê 2 chữ “đồng ý” vào Tờ trình của cấp dưới, chấp thuận chủ trương cho Công ty Tân Thuận chuyển nhượng phần diện tích hơn 324.000 m2 đất và chấp thuận phương án giá chuyển nhượng theo đề xuất của công ty này.

Theo cơ quan công an, việc bán đất không đảm bảo ngang giá thị trường này gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng nguồn vốn nhà nước tại Công ty.

Đây không phải vụ việc duy nhất chữ ký “ám mùi tiền” của ông Tất Thành Cang bị phanh phui, lôi ra ánh sáng. Trong vụ việc Công ty cổ phần Nam Sài Gòn (SADECO) bán 9 triệu cổ phần cho Công ty cổ phần Nguyễn Kim, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM đã truy tố ông Tất Thành Cang về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Ông Tất Thành Cang bị cáo buộc đã bút phê “đồng ý” vào tờ trình để SADECO bán 9 triệu cổ phần giá rẻ và không qua đấu giá cho Công ty Nguyễn Kim, dẫn đến thất thoát 1.103 tỷ đồng của SADECO. Trong đó, UBND TP.HCM thiệt hại 485 tỷ đồng, vốn của Thành ủy TP.HCM là 184 tỷ đồng, phần còn lại là thiệt hại của các cổ đông.

Trong những vụ án này, các ông Tất Thành Cang, Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Đức Chung, Trần Văn Nam… không chỉ giúp “sân nhà”, “sân sau” hưởng lợi bất chính hàng ngàn tỷ đồng, mà khi bị phát hiện, họ còn “quyết đấu” đến cùng, dùng mọi thủ đoạn từ tinh vi nhất đến trắng trợn nhất hòng qua mắt cơ quan chức năng.

Mới đây, hai cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa là ông Lê Đức Vinh (nhiệm kỳ 2016 - 2021) và ông Nguyễn Chiến Thắng (nhiệm kỳ 2011 - 2016), cùng ông Đào Công Thiên, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa bị khởi tố, bắt giam về tội “vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Cơ quan điều tra xác định, ông Lê Đức Vinh và ông Nguyễn Chiến Thắng đã trực tiếp ký các văn bản của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa, của UBND tỉnh Khánh Hòa về đất đai, về đầu tư xây dựng các dự án, vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó có nội dung cố ý vi phạm.

Trong những ngày TP.HCM gian nan chống dịch Covid-19, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng 29 cán bộ, đảng viên thuộc các tổ chức, doanh nghiệp liên quan như Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), SADECO, Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM, do có liên quan đến sai phạm ở 4 vụ án lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo năm 2021.

***

Bài 2: Mánh lới tinh vi, bất chấp luật pháp, đạo lý

Chỉ đạo miệng trái với văn bản; “mượn” công cụ pháp luật làm vỏ bọc rồi “đổi trắng thay đen”, vừa vơ vét của công, vừa rao giảng liêm chính…, các quan tham đã không từ mánh lới nào để trục lợi; bất chấp luật pháp, đạo lý hòng qua mặt cơ quan chức năng.

Vừa chỉ đạo miệng trái với văn bản giúp công ty của vợ hưởng lợi hàng chục tỷ đồng trong vụ mua chế phẩm Redoxy 3C, ông Chung vừa chủ động yêu cầu thanh tra, rồi ép buộc Thanh tra TP. Hà Nội thay đổi kết luận theo hướng không có sai phạm. Trong ảnh: Nhân viên Công ty Thoát nước Hà Nội dùng chế phẩm Redoxy 3C xử lý ô nhiễm nước hồ tại Hà Nội.  Ảnh: H.N

Mờ mắt triệu đô, bán rẻ pháp luật

Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội vừa ấn định ngày 5/11 tới sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Phan Văn Anh Vũ đưa hối lộ 5 tỷ đồng cho cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Bộ Công an) Nguyễn Duy Linh.

Trước đó, tháng 8/2021, tại phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu cầu sớm đưa ra xét xử vụ án “đưa hối lộ”; “môi giới hối lộ”; “nhận hối lộ” liên quan đến Phan Văn Anh Vũ và Nguyễn Duy Linh.

Đáng chú ý, “con sâu to” là vị lãnh đạo cấp Tổng cục này mãi tới giữa năm 2021 mới được lôi ra ánh sáng, dù vụ việc của Phan Văn Anh Vũ đã được tiến hành điều tra, xét xử từ năm 2018, cho thấy sự khó khăn, gian nan của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực này, khi các đối tượng phạm tội vừa có trình độ, vừa nắm giữ những cương vị rất quan trọng trong bộ máy quản lý, thêm nữa lại là một lĩnh vực trọng yếu, liên quan đến an ninh quốc gia.

Theo cáo trạng, do lo sợ bị xử lý hành vi làm lộ lọt tài liệu bí mật nhà nước, năm 2017, Phan Văn Anh Vũ thông qua Hồ Hữu Hòa, làm quen và chuyển tiền cho Nguyễn Duy Linh, để nhờ Linh thông tin về việc Tổng cục Tình báo xem xét xử lý Vũ, cũng như “giúp” Vũ trong quá trình xử lý.

Cáo trạng nêu, Nguyễn Duy Linh đã nhiều lần điện thoại nói chuyện với Phan Văn Anh Vũ. Ngày 17/12/2017, Nguyễn Duy Linh trực tiếp gọi điện thoại bằng ứng dụng Viber vào số điện thoại của Phan Văn Anh Vũ, thông tin “việc rất căng... có thể khả năng xấu nhất xảy ra, có thể khởi tố, bắt giam” và khuyên Vũ “nên đi du lịch qua màn ảnh nhỏ một thời gian ngắn..., cố gắng qua nước châu Âu”. Nhờ được Nguyễn Duy Linh mớm tin, Vũ bỏ trốn sang Singapore, gây rất nhiều khó khăn cho công tác truy bắt, điều tra, xét xử.

Vì sao một lãnh đạo cấp cao, nắm giữ công cụ pháp luật trong tay như Nguyễn Duy Linh, thay vì phải nhân danh pháp luật xử lý nghiêm tội phạm, lại trở thành kẻ tiếp tay cho tội phạm bỏ trốn như vậy? Câu trả lời phải chăng là “tiền”, và “rất nhiều tiền” đã làm mờ mắt, đánh gục vị cán bộ này?

Cơ quan điều tra xác định, ngoài 5 tỷ đồng được gói bằng túi nylon (Nguyễn Duy Linh đã nhận túi tiền này), Vũ khai đã 3 lần đóng tiền vào thùng xốp, với tổng số 4 triệu USD, nhờ người chuyển cho Linh!

Cáo trạng cho biết, bị can Nguyễn Duy Linh ngoan cố không khai nhận tội, phủ nhận toàn bộ sự việc. Khi cơ quan điều tra có đủ căn cứ chứng minh, ông Linh mới thừa nhận có quan hệ quen biết với Phan Văn Anh Vũ, có nhận quà nhiều lần, nhưng không thừa nhận là tiền. Tuy nhiên, kết quả điều tra của cơ quan điều tra đủ cơ sở khẳng định hành vi phạm tội của các bị can như đã nêu. Viện Kiểm sát cho rằng, hành vi của các bị cáo thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, gây dư luận bất bình, làm suy giảm niềm tin vào cơ quan nhà nước.

Thao túng trắng trợn, che giấu tinh vi

Cũng là một “quan to” xuất phát từ ngành công an, cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung còn thao túng quyền lực trắng trợn và tinh vi hơn, hòng che mắt pháp luật.

Chưa ở đâu, vụ việc nào, khái niệm “sân sau”, “sân nhà” lại đúng cả nghĩa bóng, nghĩa đen và ngang nhiên như với trường hợp Công ty Arktic do vợ ông Chung lập ra, điều hành. Không những chỉ đạo, gây sức ép và tạo điều kiện để công ty này được hưởng lợi hàng chục tỷ đồng từ việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy 3C, ông Chung còn để Công ty Arktic đặt trụ sở chính ngay tại siêu thị Minh Hoa của gia đình mình (trên phố Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa, Hà Nội). Phải đến khi Thanh tra TP. Hà Nội hoàn thành việc thanh tra toàn diện vụ việc, Công ty Arktic mới chuyển trụ sở đến phường Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng).

Nếu cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung không bị phanh phui thủ đoạn vơ vét của công, dùng quyền lực gây sức ép với cấp dưới để “đổi trắng thay đen”, thì phải chăng, ông ta vẫn tiếp tục ngồi trên đỉnh cao quyền lực, vẫn tiếp tục “một tay che cả bầu trời” để trục lợi?

Người ta đặt câu hỏi, vì sao cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội lại ngang nhiên để công ty “sân sau” ngay trong “sân nhà” của mình, không mảy may quan tâm, đếm xỉa gì đến dư luận như vậy? Phải chăng, ông ta tin tưởng quyền lực của mình có thể “một tay che cả bầu trời”?

Nhưng, đó mới chỉ là bước đầu. Cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội còn ngang nhiên “ngồi trên” pháp luật và có thủ đoạn hết sức tinh vi để “mở két của công”, lấp đầy túi tham của gia đình.

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an), trong vụ việc mua chế phẩm Redoxy 3C, một mặt, ông Chung ra văn bản chỉ đạo mua Redoxy 3C trực tiếp từ Hãng Watch Water, mặt khác, ông ta lại chỉ đạo miệng, yêu cầu ông Võ Tiến Hùng (Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) mua chế phẩm này qua Công ty Arktic do vợ ông nắm 100% vốn, giúp công ty này dễ dàng bỏ túi hơn 36,1 tỷ đồng. Thậm chí, khi Công ty Thoát nước Hà Nội chưa ký hợp đồng với Công ty Arktic, ông Chung đã chỉ đạo ông Hùng ứng tiền mua Redoxy 3C. Ông Hùng sau đó phải lấy 4,6 tỷ đồng của gia đình chuyển cho Nguyễn Trường Giang (Công ty Arktic).

Theo cơ quan điều tra, động cơ phạm tội của ông Nguyễn Đức Chung là để giúp doanh nghiệp của vợ hưởng lợi bất chính và cựu Chủ tịch Hà Nội đã “dùng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt khi chỉ đạo miệng trái với chỉ đạo văn bản”.

Trắng trợn thao túng quyền lực hơn, khi báo chí, dư luận phản ánh có khuất tất trong việc mua, bán chế phẩm Redoxy 3C liên quan đến công ty của vợ, ông Chung đã chỉ đạo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội thành lập đoàn thanh tra, tiến hành thanh tra toàn diện vụ việc.

Động thái này khiến dư luận có thể nhìn nhận ông Chung như một lãnh đạo công tâm, khách quan, “quân pháp bất vị thân”, quyết liệt chống tiêu cực.

Nhưng, sự thực, đó chỉ là “chiêu trò” để cựu Chủ tịch Hà Nội che giấu động cơ, hành vi phạm tội của mình. Bởi, theo cơ quan điều tra, khi Thanh tra TP. Hà Nội xác định có một số sai phạm, thì ông Chung, với cương vị Chủ tịch UBND Thành phố, đã nhiều lần tổ chức họp, chỉ đạo, định hướng, ép buộc Thanh tra TP. Hà Nội thay đổi kết luận thanh tra theo hướng không có sai phạm gì, không đúng bản chất vụ việc.

Đây không phải là lần đầu tiên, ông Chung sử dụng công quyền được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó để phục vụ lợi ích cá nhân, hoặc giúp người thân trục lợi.

Trong vụ án làm trái quy định Luật Đấu thầu liên quan gói thầu “số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội” của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, chỉ với một cú điện thoại ngay trước hạn mở thầu 1 ngày, ông Chung đã khiến các doanh nghiệp khác phải “ngậm đắng” rời “sàn đấu” mà không có lý do.

Cơ quan điều tra xác định, ông Chung đã gọi điện cho ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, yêu cầu dừng đấu thầu. Lý do là, Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường gửi email cho ông Nguyễn Đức Chung, đề xuất ông Chung chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội lùi ngày đóng thầu thêm 2 tuần để Huy giới thiệu một công ty tham gia!

Khi gói thầu này được mở lại, Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software) và liên danh đã trúng thầu, với những điều chỉnh về hồ sơ mời thầu được ví như “đề bài dọn đường”, dành riêng cho Nhật Cường Software.

Trước đó, năm 2019, khi Bộ Công an điều tra vụ án hình sự buôn lậu xảy ra tại Công ty Nhật Cường (ông Chung và vợ là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan), ông Chung đã chỉ đạo cấp dưới và sử dụng các mối quan hệ của mình, tìm cách chiếm đoạt các tài liệu điều tra nhằm che giấu hành vi phạm tội. Với hành vi bất chấp pháp luật đó, ông Chung đã bị Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội xử phạt 5 năm tù về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước vào tháng 12/2020.

Có thể nói, những thủ đoạn vừa tinh vi, xảo trá, vừa ngang nhiên, trắng trợn để trục lợi và che đậy hành vi phạm tội của các quan chức này đã ở mức không còn một chút liêm sỉ.

Nếu ông Chung không bị phanh phui chuyện dùng quyền lực gây sức ép với cấp dưới để “đổi trắng thay đen”, nếu ông Linh không bị đưa ra ánh sáng hành vi nhận hối lộ, giúp tội phạm bỏ trốn, thì phải chăng, họ vẫn tiếp tục ngồi trên đỉnh cao quyền lực, tiếp tục thao túng, trục lợi, vét đầy túi tham?

Phải chăng, có tình trạng các quan chức, lãnh đạo các cấp coi “của công là của ông”, cứ ngồi vào “ghế” là vun vén, vơ vét, tự cho mình quyền cao vời vợi, bất chấp pháp luật, chà đạp đạo đức công vụ như vậy?

Phải chăng, chính nhận thức đó, sự suy thoái, biến chất đó là nguồn cơn, gốc rễ của những đại án tham nhũng gây bức xúc dư luận lâu nay?

Ngay trước Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XIII), Ban Bí thư Trung ương Đảng đã họp, xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020 và một số cá nhân, do “vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, quy chế làm việc, quy định của Quân ủy Trung ương”; “vi phạm trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu trên biển, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm; có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm”.
Ban Bí thư kết luận, nhiều cán bộ tướng lĩnh “bản thân suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống”, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Trước đó, vào năm 2018, 2019, 2020, hàng loạt tướng lĩnh ngành công an, quân đội như cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến; nhiều tướng lĩnh các quân khu, quân đoàn; cựu Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành, Trần Việt Tân… cũng đã phải nhận những hình thức kỷ luật nghiêm khắc của Đảng, hình phạt thích đáng của pháp luật.

***

Bài 3: Nhận diện “bóng ma” tiêu cực, suy thoái

Muốn chủ động tiến công, chặn đứng gốc rễ tham nhũng, phải nhận diện được “bóng ma” tiêu cực, suy thoái. “Bóng ma” này luôn thường trực, như viên đạn bọc đường sẵn sàng xuyên thủng lý trí, đạo đức, phẩm giá, đánh gục cán bộ, đảng viên bất cứ lúc nào.

Trong cuộc chiến với Covid-19, những cán bộ suy thoái, dính vào tiêu cực không chỉ đánh mất mình, mà còn đánh mất niềm tin của Đảng, của Nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín của các lực lượng tuyến đầu, gồm hàng chục ngàn y bác sĩ đã vất vả ngày đêm, chịu đựng vô vàn gian khổ, hy sinh... Trong ảnh: Cán bộ CDC Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh: Đức Thanh

“Kẻ thù giấu mặt” nguy hiểm, tàn phá chế độ

Chiều 21/10/2021, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Ông Tuấn bị khởi tố để điều tra về những sai phạm liên quan đến việc nâng giá thiết bị y tế, “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra khi ông giữ cương vị Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.

Trước đó, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Nguyễn Quốc Anh cũng bị khởi tố, tạm giam để điều tra về hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, liên quan đến vụ việc Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS liên doanh liên kết, đưa nhiều thiết bị, máy móc vào sử dụng điều trị cho bệnh nhân theo chủ trương xã hội hóa, nhưng đã nâng khống giá trị robot từ 7,4 tỷ đồng lên 39 tỷ đồng. Số tiền chênh hàng chục tỷ đồng này được… chia đều lên các hóa đơn của bệnh nhân sử dụng thiết bị, trong đó, nhiều người đã kiệt quệ, khốn cùng vì bệnh tật. Hay bị cáo Nguyễn Nhật Cảm, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), cùng 9 đồng phạm bị cáo buộc có hành vi mua bán lòng vòng để nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19, nhẫn tâm trục lợi trên nỗi lo dịch bệnh và an toàn tính mạng của người dân.

Đây đều là những vụ việc gây bức xúc dư luận, khi mà các cán bộ, lãnh đạo này vốn là những người có chuyên môn, từng giành được sự cảm mến của nhiều bệnh nhân và người dân. Thậm chí, xót xa hơn khi ông Tuấn còn là đại biểu Quốc hội khóa XIV, từng đại diện cho tiếng nói của Nhân dân.

Các vụ việc trên cho thấy, tiêu cực, suy thoái vô cùng nguy hiểm, như kẻ thù giấu mặt, trực chờ bên cạnh mỗi con người, chỉ chờ lúc chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy là đục khoét, tàn phá. Từ sự yếu lòng trước cám dỗ vật chất, sự suy thoái về phẩm chất, lối sống đó, tiến đến tham nhũng là một bước vô cùng ngắn.

Thực tế, các vụ án tham nhũng đã xét xử thời gian qua đều liên quan đến sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là sự tha hóa đạo đức dẫn tới tha hóa quyền lực. Nói cách khác, “bóng dáng” tiêu cực luôn kề cận hành vi tham nhũng, dung dưỡng cho tham nhũng.

Việc ông Nguyễn Đức Chung giương bóng quyền lực để vợ và người thân tự tung, tự tác kiếm chác tiền tỷ trong vụ án mua chế phẩm Redoxy 3C, hay ông Nguyễn Thành Tài bút phê giúp “người quen” Lê Thị Thanh Thúy thâu tóm hàng chục héc-ta đất công… phải chăng là biểu hiện “sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi” như Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII đã nêu?

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm, cựu Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang… với những chữ ký, bút phê giúp doanh nghiệp sân sau hưởng lợi hàng ngàn tỷ đồng, phải chăng là biểu hiện “quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên…”; và hành vi nâng khống giá thiết bị y tế của các ông Nguyễn Nhật Cảm, Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Quang Tuấn… có phải là hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi” như Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII đã nêu?

Chỉ điểm qua vài biểu hiện trong số 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống mà Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII đã nêu, soi vào các đại án, vụ việc đã và đang xét xử, có thể thấy, dù “tiêu cực”, “suy thoái” là kẻ thù vô hình, nguy hiểm, nhưng không phải không thể nhận ra, vạch mặt, chỉ tên.

Mục đích cuối cùng của tiêu cực là vụ lợi

Từ thực tiễn xét xử các vụ án hình sự, ông Lê Hữu Thể, nguyên Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao nhận định, trước đây, tham nhũng chỉ liên quan đến kinh tế, nay có thêm tham nhũng về chính trị, chính sách. Đó là những cá nhân giữ cương vị lãnh đạo cấp cao, “có thể sử dụng quyền lực ủng hộ doanh nghiệp này, ủng hộ doanh nghiệp kia, tiêu diệt doanh nghiệp này, hạn chế doanh nghiệp kia”.

“Họ làm thế là phải đạt được cái gì đấy, mà ở đây là tài sản của Nhà nước đã được “biến hóa” thành của họ. Phải chăng, đó chính là tiêu cực, bởi mục đích cuối cùng của tiêu cực là vụ lợi”, ông Thể nêu vấn đề.

Nhắc lại con số hơn 87.000 đảng viên bị xử lý kỷ luật trong 5 năm qua, trong đó, hơn 46.000 đảng viên (chiếm 52%) bị kỷ luật liên quan tới suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” dẫn tới tham nhũng, lãng phí, TS. Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, điểm tương đồng là, cán bộ, đảng viên phạm tội đều có nhiều thủ đoạn tinh vi, lợi dụng khe hở của pháp luật để đục khoét ngân khố quốc gia, lấy của công làm tài sản riêng.

“Đây là sự băng hoại về tư tưởng chính trị, về đạo đức. Từ sự tiêu cực, núp vào lá bài lãng phí đến mưu mô, chủ động gây lãng phí và rồi đi tới tham nhũng chỉ là một bước chuyển rất ngắn và gây hậu quả khôn lường”, TS. Nhị Lê nhận định.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) cho rằng, những biểu hiện suy thoái mà Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII chỉ ra thực chất là những biểu hiện tiêu cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Nếu không được đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, thì những biểu hiện đó sẽ dẫn đến những biểu hiện tiêu cực ở mức cao hơn, nguy hiểm hơn, là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói.

Theo ông Hà, việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng lâu nay thực chất cũng là đấu tranh phòng, chống tiêu cực; và đấu tranh phòng, chống tiêu cực chính là chủ động ngăn ngừa, đấu tranh phòng, chống tham nhũng từ sớm, từ xa, từ khi tiêu cực còn “vô hình”, mới manh nha, chưa phát tác thành tham nhũng hoặc chưa thành tham nhũng nghiêm trọng.

Nói như ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, là cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm thấu đáo trước phản ánh, kiến nghị của dân.

Vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa một vụ việc như vậy vào diện theo dõi,  chỉ đạo, đó là vụ việc “hô biến” Dự án Sân golf Phan Thiết thành Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Ông Đinh Trung (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, người đứng đơn tố cáo) đặt vấn đề, có mối quan hệ “không bình thường” giữa lãnh đạo tỉnh Bình Thuận với Công ty cổ phần Rạng Đông.

Theo hồ sơ của ông Trung, từ năm 2001 đến thời điểm tố cáo (tháng 1/2019), lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã đồng ý để công ty này mời gần 300 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, thành phố, xã, phường đi du lịch, tham quan nước ngoài, có người một năm đi 2 - 3 lần, mỗi lần đến 2 - 3 nước.

Ngay cả khi có Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 21/7/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài, UBND tỉnh Bình Thuận vẫn cho doanh nghiệp này mời lãnh đạo tỉnh đi nước ngoài, với lý do “nghiên cứu công nghệ 4.0”!

Ông Trung còn tố cáo, hầu hết cựu lãnh đạo và đương chức của tỉnh Bình Thuận tuy có nhà ở được Nhà nước hóa giá, nhưng vẫn được chủ đầu tư bán đất ở tại khu dân cư mới, khu đô thị biển để xây nhà; có người mua đi bán lại kiếm lời.

Vì sao doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền cho hàng trăm lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cấp tại địa phương này đi du lịch, tham quan nước ngoài miễn phí như vậy? Ở đây có sự đánh đổi, có động cơ nào trong mối quan hệ “không bình thường” nêu trong đơn tố cáo? Phải chăng đó là tiêu cực, là suy thoái? Và nó sẽ dẫn đến hệ quả nào nữa, là tham nhũng, lãng phí, là bòn rút của công? Câu trả lời chắc chắn sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ, với sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nhưng, những cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất đó; những hành vi tiêu cực, tham nhũng, bất chấp pháp luật, bất chấp đạo đức, đạo lý đó đã và sẽ không thể nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, bởi trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, Đảng đã xác định, bên cạnh phòng, chống tham nhũng, thì còn phải chủ động tiến công, đấu tranh, phòng ngừa tiêu cực, suy thoái, với “lưới trời” là kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tai mắt của Nhân dân.

***

Bài 4: Yêu cầu khách quan, đòi hỏi cấp thiết

Trung ương Đảng đánh giá, thời gian tới, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải đặc biệt coi trọng, đẩy mạnh toàn diện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; phải gắn liền phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực.

Bên cạnh các lĩnh vực đất đai, đầu tư công, các lĩnh vực như y tế, giáo dục, phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang nổi cộm, phát sinh tham nhũng, tiêu cực, gây bức xúc dư luận. Trong ảnh:  Phiên xét xử cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trong vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, với hành vi nâng khống giá thiết bị y tế.

Yêu cầu sống còn của Đảng, chế độ

Báo cáo tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XV đang diễn ra, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, từ ngày 1/10/2020 đến ngày 30/9/2021, các tòa án đã thụ lý gần 537.600 vụ việc, giải quyết 436.660 vụ việc, trong đó có các vụ án tham nhũng gây thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm, như vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại Dự án Ethanol Phú Thọ, vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường, vụ án xảy ra tại Công ty Gang thép Thái Nguyên…

Đáng chú ý, các tòa án đã đưa ra xét xử 136 vụ với 177 bị cáo liên quan đến phòng, chống Covid-19. Điều đó cho thấy, ngay trong những thời khắc khó khăn nhất, đe dọa sinh mạng con người, cần đến sự đồng lòng, sẻ chia nhất như đại dịch Covid-19, thì tham nhũng, tiêu cực vẫn hiển hiện, gây bức xúc dư luận.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, đây là vấn đề rất thời sự của kỳ họp Quốc hội này.

“Bên cạnh những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng đã diễn ra nhiều năm qua như quản lý, sử dụng tài chính công, đất đai, đấu thầu, thì đang nổi lên những lĩnh vực khác, như y tế, giáo dục, việc triển khai chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ và phòng, chống dịch bệnh Covid-19, việc huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện... Cử tri, nhân dân rất quan tâm việc xử lý những hành vi này”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu.

Đây cũng là minh chứng cho đánh giá, nhận định của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XIII) rằng, thời gian tới, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải đặc biệt coi trọng, đẩy mạnh toàn diện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; phải gắn liền phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XIII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến yêu cầu, phải bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “tiêu cực” sát hợp tình hình mới.

Trước đó, ngày 16/9/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 32-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chính thức bổ sung, cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn “phòng, chống tiêu cực” cho Ban Chỉ đạo.

“Điều này cho thấy sự cấp thiết của việc đấu tranh phòng, chống tiêu cực trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách quyết liệt, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, để người dân có niềm tin vào Đảng, vào bộ máy nhà nước cũng như đội ngũ cán bộ, công chức”, TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) nhận định.

Đồng quan điểm, theo ông Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó trưởng ban Nội chính Trung ương, qua thực tiễn công tác xây dựng Đảng, có thể khẳng định rằng, nguy cơ lớn nhất đối với Đảng là tham nhũng, quan liêu, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng và cả hệ thống chính trị. Đây chính là biểu hiện tập trung của phạm trù “tiêu cực” trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Nếu không chống được các nguy cơ trên sẽ đánh mất tính chính danh của Đảng cầm quyền, những hậu quả khủng khiếp nhất có thể xảy ra. Vì vậy, phòng, chống tham nhũng gắn liền với phòng, chống tiêu cực trong Đảng và toàn hệ thống chính trị là yêu cầu khách quan và đòi hỏi cấp thiết trong tình hình hiện nay.

Đấu tranh từ “điểm” đến “diện”

Xác định phòng, chống tham nhũng gắn liền với phòng, chống tiêu cực trong Đảng và toàn hệ thống chính trị là yêu cầu khách quan, đòi hỏi cấp thiết, song có ý kiến còn băn khoăn, tiêu cực có nội hàm rộng, biểu hiện đa dạng, khó “chỉ mặt, gọi tên”, có thể phòng, chống được không?

Theo GS. Phùng Hữu Phú, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, về lý luận, tiêu cực và tham nhũng gắn với nhau, có sự tác động, chuyển hóa lẫn nhau. Theo nghĩa rộng, trong tiêu cực có tham nhũng và tham nhũng là một hành vi đặc biệt của tiêu cực.

Về thực tiễn, các vụ việc tham nhũng đều có hạt nhân tiêu cực, xuất phát từ tiêu cực. Có thể nói, tiêu cực là môi trường dung dưỡng cho tham nhũng nảy nở, sinh sôi và ngược lại, tham nhũng làm trầm trọng hơn những vấn đề tiêu cực.

Về phương pháp đấu tranh, lâu nay, chúng ta nhấn mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, bởi tham nhũng là hành vi tiêu cực đặc biệt, nên có thể tách ra thành hành vi riêng để tập trung phòng, chống cho hiệu quả. Đó là từ một “điểm”.

Bây giờ, Đảng ta mở rộng, gắn đấu tranh phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, là cách làm từ “điểm” đến “diện”. Điều này phù hợp với thực tế rằng, trọng điểm tham nhũng là vấn đề bức xúc, cấp thiết, thì tập trung đấu tranh, ngăn chặn trước, nay đã đạt được kết quả bước đầu tích cực, thì mở rộng hơn, toàn diện hơn, bao gồm đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tạo nên cuộc đấu tranh tổng thể hơn, toàn diện hơn, đồng bộ hơn.

Cách làm từ tập trung cho nhiệm vụ cấp thiết, tiến tới gắn với nhiệm vụ cơ bản, lâu dài này cũng chính là gắn “chống với xây”, vì phòng, chống tiêu cực chính là phòng ngừa tham nhũng từ xa. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, không phải cứ bắt thật nhiều, xử lý thật nhiều mới là tốt. Làm sao để không phải xử lý, để tự cán bộ, đảng viên biết sai mà sửa, mà dừng lại, từ chớm tiêu cực mà chuyển biến thành tích cực, đó mới là bền vững.

GS. Phùng Hữu Phú cho rằng, đó là sự phát triển biện chứng của cuộc đấu tranh xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.

Đó là sự phát triển biện chứng còn bởi, không phải đến bây giờ, Đảng ta mới nêu vấn đề tiêu cực trong Đảng, hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên.

Ngay khi Đảng Cộng sản trở thành đảng cầm quyền, Lê-nin đã chỉ ra rằng, 3 kẻ thù chính mà một đảng cầm quyền phải kiên quyết đấu tranh là tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa; nạn mù chữ, sự ngu dốt, cản trở sự giáo dục chính trị và nạn hối lộ, tham nhũng.

Còn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cầm quyền, vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn giữ vị trí đặc biệt.

Từ rất sớm, khi mở những lớp huấn luyện cán bộ cốt cán đầu tiên cho Đảng khi Đảng còn hoạt động bí mật, cho tới khi Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh,  Đảng phải “nâng cao đạo đức cách mạng”, “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, bài trừ những biểu hiện tha hóa, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên.

Bác từng nói: “Tôi không sợ bọn đế quốc, bọn phản động. Đồng bào sẽ đánh thắng chúng. Tôi chỉ sợ những hành vi xấu xa của cán bộ, làm cho đồng bào mất lòng tin với chế độ, Nhà nước và Đảng. Đồng bào sẽ xa lánh, không tin chúng ta. Đưa những người yếu kém về năng lực, nhất là kém cỏi về phẩm chất, nhân cách vào bất kỳ nhiệm vụ nào cũng nguy hại” (tháng 8/1967).

Kế thừa điều đó, Đảng ta, từ khi ra đời đến nay, nhất là bước vào thời kỳ Đổi mới, hội nhập  đều chú tâm đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và khoanh vùng, định hình, làm rõ qua từng kỳ Đại hội, các chỉ thị, nghị quyết.

Gần đây nhất, Văn kiện Đại hội XIII xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ XIII là “tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ”.

Với những bước đi chặt chẽ, khoa học đó, cùng quyết tâm của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, và đặc biệt, với yêu cầu “nhận thức của chúng ta phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn và phương pháp phải đúng” - như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XIII) vừa qua, có thể kỳ vọng công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong tình hình mới.

Đánh giá của Trung ương Đảng về đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái:

+ Đại hội VI (tháng 12/1986): “Vấn đề đạo đức đang được đặt ra một cách cấp bách”; “ban hành những quy định ngăn ngừa thói khoa trương, thổi phồng thành tích, thi hành kỷ luật những cán bộ, tổ chức “làm láo, báo cáo hay”.

+ Hội nghị Trung ương 3 (Khóa VII): “Tệ tham nhũng, hối lộ, ăn chơi, phung phí tài sản của nhân dân rất nghiêm trọng và kéo dài”, “gây tác hại rất lớn, làm tổn hại thanh danh của Đảng”.

+ Đại hội IX (tháng 4/2001): Những vấn đề tiêu cực như nạn tham nhũng là “một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ”.

+ Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI): Tham nhũng, tiêu cực gây nên tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cán bộ, đảng viên.

+ Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII): Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

+ Đại hội XIII: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”; “tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ”.

 ***

Bài 5: Vượt thách thức sinh tử

Tham nhũng, tiêu cực, suy thoái trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực sự là nguy cơ sống còn, là thách thức sinh tử với Đảng, với chế độ. Vượt qua thử thách khốc liệt, cam go này, Đảng ngày càng trưởng thành, mạnh mẽ và xứng đáng với niềm tin trọn vẹn, vững bền của Nhân dân.

Đất nước đang đứng trước những khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ. Đại dịch Covid-19 như cơn cuồng phong ảnh hưởng tới tính mạng, sinh kế của người dân, đến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, lâu dài.

Trong bối cảnh đặc biệt đó, yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị vẫn được Đảng đặc biệt coi trọng, tiến hành không ngừng nghỉ, quyết liệt hơn, nghiêm minh hơn, bởi chỉ có ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, mới tạo nền tảng vững chắc, môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo tốt nhất đời sống nhân dân.

Đó là yêu cầu khách quan, bức thiết của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là đòi hỏi chính đáng từ thực tiễn cuộc sống; là kỳ vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân.

Kỳ vọng đó vừa được tiếp thêm sức mạnh, khi Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XIII) cũng đã bổ sung hai nhóm nhiệm vụ, giải pháp mạnh, đó là “xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” và “kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm”.

Hai mũi tiến công này sẽ hợp cùng 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII), được Trung ương thống nhất cao là phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa, tạo thành sức mạnh tổng thể, toàn diện, vượt qua thách thức, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ; xây dựng được một đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự trong sạch, có đủ năng lực và giàu bản lĩnh, hiện thực hóa những mục tiêu, khát vọng lớn lao phát triển đất nước trong thời gian tới như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chống tiêu cực là cái gốc, cái cơ bản, lâu dài

“Không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng phải chống tiêu cực cả trong lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hai cái này có liên quan đến nhau; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mới dẫn đến tham nhũng; đấy mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Lợi ích kinh tế thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống.

Đây là vấn đề khó, vì liên quan đến con người, đến tư tưởng, nên phải chỉ rõ, làm rõ những biểu hiện tiêu cực, suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa và phải có các giải pháp đồng bộ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa.

Để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương lần này, thì nhận thức của chúng ta phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn và phương pháp phải đúng, góp phần làm chuyển biến tình hình thật sự, có kết quả rõ ràng, cụ thể.”

(Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bế mạc Hội nghị Trung ương 4, Khóa XIII, tháng 10/2021)


Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Coi trọng phòng, chống tham nhũng chính sách         

- Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là trách nhiệm của mỗi công dân. Với đại biểu dân cử, đặc biệt là đại biểu Quốc hội, theo tôi, chống tham nhũng chính sách là quan trọng nhất để ngăn ngừa cán bộ, công chức tham nhũng, tiêu cực.

Trong chương trình hành động khi ứng cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ này, rất nhiều vị đã cam kết sẽ tích cực chống tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng.

Tôi mong rằng, cần có cơ chế để cử tri giám sát chính kiến của các đại biểu với những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau tại các dự án luật. Khi minh bạch được toàn bộ quá trình làm luật, thì những ý tưởng “cài cắm” lợi ích đến từ đâu sẽ được làm rõ và cơ hội để “cài cắm”, tham nhũng, tiêu cực sẽ càng ít đi.

PGS-TS. Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an)

Không để tiêu cực đục khoét lòng tin của Nhân dân  

- PGS-TS. Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an)

Tiêu cực có nội hàm rất rộng. Hành động dù chưa thu vén tiền bạc, chưa trục lợi; thấy sai không phê phán, đấu tranh; thấy tốt, thấy đúng không ủng hộ, bảo vệ… cũng đã là tiêu cực, đi ngược lại hoặc vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội, gây tác hại rất xấu, mất niềm tin của Nhân dân. Mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh, lòng tin của Nhân dân là cội nguồn sức mạnh của Đảng. Do đó, phải chủ động tiến công, ngăn chặn kịp thời, không để những hậu quả vô cùng nghiêm trọng của tham nhũng, tiêu cực, tha hóa về tư tưởng chính trị, suy thoái về đạo đức, lối sống của đảng viên, lãnh đạo tiếp tục đục khoét lòng tin của Nhân dân.

Với việc Đảng ta nêu cao quyết tâm làm triệt để, đến gốc rễ, cả chống tham nhũng, cả chống tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, ngay cả trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19 này, Nhân dân sẽ càng thêm tin tưởng, nhất định công cuộc này sẽ thành công.

TS. Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.

Chọn khâu đột phá, bổ sung các quy định rõ ràng, mạnh mẽ hơn   

- TS. Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

Thực tế cho thấy, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là những chiếc bình thông nhau, nên chúng ta phải gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí với phòng, chống tiêu cực. Với nội hàm mới đó, không thể không bổ sung các quy định rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn và phải có kế sách ngăn chặn, khắc chế, đẩy lùi lãng phí, tiêu cực, hợp thành chỉnh thể cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Không nhận thức rõ ràng, dứt khoát và kiên quyết công phá vào chỗ hiểm yếu này, thì rất khó phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực một cách chủ động, toàn diện, hiệu quả.

Theo tôi, phải chọn khâu đột phá và hành động quyết liệt, xử lý nguyên nhân gốc “đẻ” ra tham nhũng, tổng rà soát đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là những người giữ chức vụ trong toàn bộ hệ thống chính trị. Đồng thời, phải đổi mới cơ chế kiểm soát quyền lực toàn diện, thống nhất, đồng bộ và minh bạch.

GS-TSKH. Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Đấu tranh, làm rõ tiêu cực có tác động răn đe rất lớn          

- GS-TSKH. Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

Trước kia, nói chung chung thì ai cũng nghĩ tiêu cực là cái gì đó xa xôi, mông lung. Nay, Trung ương Đảng đã chỉ cụ thể tiêu cực là những hành vi gì, biểu hiện gì, thì những người đã vi phạm, chưa vi phạm, có nguy cơ vi phạm đều có thể nhìn thấy để sửa mình. Nó có tác dụng răn đe rất lớn. Tôi tin là, khi chúng ta triển khai các giải pháp này, thì sẽ tạo nên chuyển biến mới, tích cực hơn trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tăng thêm niềm tin của toàn Đảng, toàn dân.

TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ).

Kỳ vọng bước chuyển mới về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực  

- TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ)

Lần đầu tiên, một nghị quyết của Đảng (Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII) đã chỉ ra những biểu hiện cụ thể của tiêu cực, gồm 27 biểu hiện, thuộc 3 nhóm là tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đấu tranh chống tiêu cực chính là đấu tranh với những biểu hiện này. Hội nghị Trung ương 4, Khóa XIII tiếp tục yêu cầu bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “tiêu cực” sát hợp tình hình mới. Đây có thể coi là bước phát triển mới về luận điểm chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta.

Từ bước phát triển này, cán bộ, đảng viên soi vào những nội dung cụ thể đó để phòng tránh và rèn luyện. Đồng thời, đó cũng là các tiêu chí để Đảng giám sát, đánh giá phẩm chất đạo đức, chính trị; phát hiện, xử lý sai phạm để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo bước chuyển mới về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất