Cơ chế nào bảo vệ cán bộ dám "xé rào" vì dân, vì nước?

Trong Nghị quyết Đại hội XIII có nhấn mạnh nội dung Đảng khuyến khích và bảo vệ cán bộ thực hiện "6 dám", đó là dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách, dám đột phá - sáng tạo và dám đương đầu. Mới đây, Bộ Chính trị cũng đã có kết luận về vấn đề này, trong đó nhấn mạnh: Phải nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng và đồng thuận trong xã hội về chủ trương trên, để từ đó có nhìn nhận thấu đáo nhằm bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ… Đây được xem là điểm nhấn quan trọng, tạo điều kiện cho cán bộ có những đổi mới, sáng tạo, đột phá quyết liệt hành động vì lợi ích chung, mà trước nay nhân dân vẫn gọi một cách nôm na là cán bộ dám "xé rào" vì dân, vì nước.

Báo Dân Việt thực hiện loạt bài "Cơ chế nào bảo vệ cán bộ dám "xé rào" vì dân, vì nước?" với cái nhìn từ câu chuyện thực tế của những tập thể, những cán bộ dám nghĩ, dám làm, tạo ra những cú "xé rào" đem lại lợi ích cho nhân dân mà đôi khi không ngại phải đánh đổi cả sự nghiệp chính trị của bản thân, nhận diện những rào cản của đột phá, sáng tạo để từ đó có những chính sách phù hợp, có cơ chế để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm...

Bài 1: Lãnh đạo “xé rào” Hờ Rin: “Nhìn ra cách cứu dân, không thể không làm”

Trong bức tranh chống dịch Covid-19 tại TP.HCM, nổi lên hai điểm sáng: Bí thư quận ủy quận 6 Lê Thị Hờ Rin và Chủ tịch huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền - những lãnh đạo "xé rào" để cứu dân, hạn chế tối đa ca tử vong trên địa bàn. Cả hai "nữ tướng" này đã được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và đề nghị UBND TP.HCM khen thưởng sau một thời gian cùng cả Sài Gòn căng mình chống dịch. Nếu như "nữ tướng" Thanh Hiền nổi tiếng vì dùng các phương thuốc y học dân tộc kết hợp y học hiện đại để chữa trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, hạn chế ca tử vong, thì Bí thư quận ủy quận 6 Lê Thị Hờ Rin được nhắc đến như một lãnh đạo dũng cảm và quyết đoán, dám làm điều mình nghĩ là đúng và dám chịu trách nhiệm, miễn làm sao cứu được dân. Bởi theo chị nói, "tôi không thể nhìn ra cách cứu dân mà không làm".

Nhận định tình hình chống dịch quá khó khăn và địa bàn quận 6 toàn nhà cửa chật hẹp, dân số đông đúc, khả năng lây nhiễm rất nhanh, ngay từ đầu mùa dịch, bí thư quận 6 Hờ Rin đã nghiên cứu rất kỹ tình hình để mạnh dạn đề nghị mua bình oxy, mua thuốc điều trị cho bệnh nhân tại nhà, bao gồm thuốc chống đông, kháng viêm và kháng sinh mà không chờ hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế. Quan điểm của chị là dùng liều mạnh dập bệnh ngay từ đầu, để những bệnh nhân không có bác sĩ bên cạnh lúc đêm hôm vẫn yên tâm không bị trở nặng. Nhưng để làm được điều này, chị lắng nghe các bác sĩ, nhà chuyên môn, tìm hiểu gợi ý của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên để đưa ra gói thuốc chữa trị cho F0 ngay từ đầu. Chính nhờ đó mà mặc dù các quận trong TP đều có ca tử vong cao, ở quận 6, rất nhiều F0 được cứu. Hờ Rin tổ chức việc phát thuốc cho dân ngay từ cuối tháng 7, trong khi phải mãi đến giữa tháng 8, hai loại thuốc trên mới được Sở Y tế TP.HCM chính thức hướng dẫn và cấp phát các túi thuốc cho các F0 sử dụng để điều trị tại nhà.

Dập bệnh ngay từ đầu, cứu người như cứu hỏa

Khi đưa ra túi thuốc cho F0, nhiều bác sĩ còn tranh cãi chưa xong, đơn thuốc mà Bộ Y tế đưa ra cũng có khi phải rút lại, vì sao chị có quyết tâm 'xé rào' mặc ai tranh cãi?

- Tôi nghĩ bình thường lắm. Thông thường, người đi khám bệnh sẽ được cho thuốc trị từ từ, ai nặng thì liều cao hơn. Cũng có người đưa quan điểm, nếu mới chớm bệnh mà cho liều cao ngay thì sẽ lờn thuốc. Tôi không phải là bác sĩ nhưng cũng hiểu họ nói vậy là đúng chứ không sai. Song tôi thấy với tình hình quận 6 thì cách đó không phù hợp, vậy thôi.

Tôi nghĩ, mình phải dập bệnh ngay từ đầu. Lỡ bệnh nhân chuyển nặng thì sao? Vì chúng tôi không có nhiều bác sĩ, bệnh viện quy mô nhỏ, lại quá tải. Thì thôi, đâu có chết chóc gì đâu. Mình cho uống để phòng bệnh không trở nặng. Về túi thuốc, tôi cập nhật tin tức từ Thành ủy liên tục. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên có nói về hai loại thuốc điều trị được cho F0. Ba tôi là bác sĩ nên trong nhà tôi cũng từng biết những thứ thuốc đó. Cách điều trị của ba tôi ngày trước cũng vậy, cho luôn liều mạnh ngay từ đầu. Vậy là tôi áp dụng điều trị hai loại thuốc kháng viêm và chống đông trong cộng đồng (kể cả kháng sinh).

Theo chị, vì sao quận 6 hạn chế được các ca tử vong?

- Điều gì cũng có lý do. Tháng 7, dịch diễn biến khá nhanh, nhiều bệnh nhân bị nặng. Cho uống thuốc thì phải tính đến hiệu quả 5-7 ngày sau. Những ai báo lên phường đều được y tế phường lập danh sách phát thuốc (hoặc vận động tài trợ thuốc) để uống vào thì không trở nặng. Còn có những người tự đi khám, có thể do chần chừ không dùng liều mạnh ngay mà không may qua đời. Không chỉ chăm sóc bệnh nhân, chúng tôi cũng đi rà rất kỹ các F0, nhưng cũng có người không báo với phường thì mình đành chịu.

Đã làm là phải tự chịu trách nhiệm

Tất cả là nhờ tinh thần trách nhiệm, dám quyết định của một lãnh đạo "xé rào" như chị?

- Tôi nhận thấy địa hình quận 6 không được rộng rãi như các nơi khác như TP.Thủ Đức hay quận 7. Nhà quá hẹp, bệnh viện nhỏ không đảm đương nổi, trường học cũng nhỏ để biến thành bệnh viện dã chiến. Lúc đó, chuyển viện rất khó khăn, để chậm thì người ta chết. Trước khi phát thuốc, tôi đã tuyên truyền cho F0 không triệu chứng điều trị tại nhà khi bệnh viện quá tải. Họ đã nghe lời mình ở nhà rồi mà để người ta chết thì đâu có được, phải tìm cách cứu họ! Địa bàn hẹp, bóc tách F0 cũng không nổi vì tốc độ lây lan nhanh của chủng Delta này quá nhanh. Mà đưa vào khu cách ly làm sao chăm sóc chu đáo bằng ở nhà người ta? Tâm lý người ta bệnh muốn uống thuốc, có người chăm sóc. Còn cần thở thì trợ bình oxy. 

Chúng tôi chuẩn bị sẵn bình oxy. Đầu tháng 7, tôi cho mua 50-60 bình oxy, ai nặng thì đi bệnh viện, bệnh viện quá tải thì cho vô thở oxy trước. Nếu có cơ sở lớn, chúng tôi sẽ mua các bồn oxy lỏng vào để bơm bình. Khi thấy tình hình dịch lây lan nhanh, chúng tôi đổi phương pháp. TP cũng xoay chuyển. Đi bóc tách F0 không hiệu quả thì chuyển sang cho F0 không triệu chứng, không bệnh nền điều trị tại nhà, ngoại trừ phụ nữ mang thai, người già…

Chị kết hợp khá ăn ý với nữ Chủ tịch UBND quận 6. Vì đâu các "nữ tướng" lại nghĩ ra những biện pháp hiệu quả như thế, theo chị?

- Cũng giống như Chủ tịch huyện Củ Chi thôi, bên đó họ nghĩ ra cách kết hợp liều thuốc Đông y và Tây y. Chúng tôi cũng vận động mọi người sử dụng chanh, sả, gừng, lá tía tô, xông các loại thảo dược có tinh dầu theo y học cổ truyền… Tôi cũng yêu cầu các trạm y tế phường phải hướng kỹ cho người dân trước khi sử dụng, ví dụ như phải ăn no trước khi uống thuốc, sử dụng thêm thuốc hỗ trợ đối với bệnh nhân có bệnh về dạ dày. Mình chần chừ đâu kịp. Mỗi giờ trôi qua mà không có thuốc là bao nhiêu bệnh nhân sẽ chuyển nặng, tử vong. May mà từ lúc dùng thuốc, các phường báo về số ca tử vong giảm hẳn. Là phụ nữ mà đi suốt ngày, đi sớm về khuya, dành đa số thời gian cho công việc thì việc nhà không chu toàn. Nên tôi vẫn tự nghĩ, mình có là "Hai giỏi" đâu.

Khi được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm và khen ngợi mô hình chữa bệnh của quận, chị có cảm thấy yên lòng vì những nỗ lực "xé rào" của mình đã được ghi nhận?

- Tôi không thấy lo chuyện vượt rào. Tôi quyết định mua bồn oxy là mua, F0 nhẹ điều trị ở nhà cũng hợp lý. Tôi đề nghị các bí thư phường chịu trách nhiệm, mỗi người phụ trách ít nhất 5 số điện thoại để tư vấn, hỏi thăm từng F0 từ tháng 6. Tôi thấy mình nói đúng, làm đúng thì yên tâm chỉ đạo thực hiện. Có những cái mình quyết định mà xung quanh chần chờ không muốn làm thì mình phải đứng ra tự chịu trách nhiệm. Ba má tôi khi tham gia kháng chiến, xác định có thể hy sinh, và sống là cho đi, đâu nghĩ nhận lại. Có lẽ tôi hưởng gen của ba má khi luôn nghĩ, cái gì làm tốt giúp cho dân thì mình nên làm.

Không chỉ "vượt rào" cấp thuốc, chị còn quyết cả việc tiêm vaccine trong khu phong tỏa là việc chưa ai làm?

- Vùng nguy cơ cao thì càng phải tiêm. Vừa tiêm, vừa xét nghiệm ra F0. Đó là do tâm lý dân không ổn, người ta bảo "chắc gì tôi bị nhiễm". Không nên để dân bất an. Và quan trọng nhất là phải công bằng. Ông bà nói không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Phải kịp thời tiêm cho người trong vùng phong tỏa để hạn chế nguy cơ lây nhiễm, phát hiện kịp thời ca nhiễm khi xét nghiệm. Thời điểm đó tôi chưa tiêm mũi nào, cuối tháng 7 tôi mới được tiêm vaccine. Cấp dưới thấy tôi chưa tiêm mà vẫn xông pha thì họ nghĩ mình tiêm rồi, lẽ nào không dám vô? Lúc đầu họ cũng sợ và ngại nhưng khi thấy tôi xông xáo thì cũng ráng theo. Quân ở phường bị nhiễm cũng nhiều nhưng đã tiêm vaccine nên nhẹ, nhiễm xong lại đi làm trở lại.

Vì sao chị nghĩ ra hướng điều trị F0 không triệu chứng tại nhà, khi mà cả Bộ và Sở còn chưa đưa ra hướng dẫn?

- Tâm lý người Việt là vậy. F0 vô bệnh viện lạc lõng, cô đơn không ai chăm sóc thì rất lo lắng. Sau này, ngay cả khi các cụ có tuổi không muốn đi, tôi cũng không ép họ, chúng tôi chăm sóc và phát thuốc tận nhà. Cũng không bắt con nít đi cách ly. Con nít bị nhẹ hơn nhiều. Chúng tôi cung cấp test nhanh cho người ta tự test. Phải sống với Covid thôi.

Về hỗ trợ an sinh thì sao?

- Quận 6 hỗ trợ thất nghiệp nhanh. Ở đâu cũng vậy, quan trọng là mình rà soát kỹ không để sót ai, để không có cảm giác có lỗi. Nếu có nhiều thì cho nhiều càng tốt. Còn về lộ trình mở cửa, theo tôi, đây là lộ trình cần thiết, hợp lý, làm sao đóng hoài được? Khi lòng dân không an sẽ phát sinh nhiều vấn đề.

Chị từng làm luận án tiến sĩ về dân nhập cư ở TP.HCM. Đến nay, đề tài này lại trở nên nóng khi từng đoàn người muốn rời khỏi thành phố về quê tránh dịch…

- Nếu nói về người nhập cư, thì Sài Gòn 300 năm toàn người nhập cư từ thuở chúa Nguyễn khai phá Đàng trong. Sài Gòn được như hôm nay nhờ công của rất nhiều người tứ xứ đến lập nghiệp. Tại sao lúc Sài Gòn còn khỏe mạnh, ngon lành nhờ công đóng góp của họ, giờ đang bệnh lại để người ta đi? Quan điểm của tôi là nên giữ họ ở lại, TP san sẻ, chăm lo cho họ, dĩ nhiên không bằng trước khi có dịch. Nếu để họ về quê, lỡ lại mang mầm bệnh cho các tỉnh thì sao? Ở đâu có dịch, cần khoanh lại 1 chỗ. Vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ lương thực, nhà trọ (cho khất tiền trọ). Để khi mở cửa, có ngay lực lượng tại chỗ.

Chúng tôi hỏi thăm công nhân, ai khó khăn thì hỗ trợ luôn. Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ lẻ trên địa bàn, lên kế hoạch phục hồi kinh tế từ cuối tháng 8. Thống kê trên từng phường hộ nào có thể mở theo tiêu chuẩn của TP, nhất là ở lĩnh vực ăn uống, tìm nguồn cung nếu họ thiếu. Và khi tìm đầu ra cũng là người quận 6. Lấy người thất nghiệp trong quận làm shipper… DN hiện như chết lâm sàng, phải hà hơi tiếp sức bằng nhiều cách.

- Xin cảm ơn chị. Nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, xin gửi tới chị Hờ Rin những lời chúc tốt đẹp nhất. Chúc chị luôn hạnh phúc và thành công!

Bài 2: Vì chất lượng giáo dục: Cà Mau “xé rào” dừng dạy online cấp tiểu học

Tiếp theo loạt bài, Dân Việt xin mời bạn đọc theo dõi câu chuyện của Cà Mau, tỉnh đầu tiên trong cả nước đã dám "xé rào" khi quyết định dừng dạy học online cho học sinh cấp tiểu học vào đầu năm học 2021 - 2022 sau khi nhận thấy việc học online không đem lại hiệu quả và chất lượng.

Động thái đi đầu và gây chú ý này được Cà Mau thực hiện đối với cấp tiểu học từ tuần thứ ba của năm học 2021 - 2022 khi thông qua khảo sát, Sở GDĐT tỉnh Cà Mau nhận thấy ở cấp tiểu học, học sinh còn gặp khó khăn trong việc vào lớp học trực tuyến, thao tác và sử dụng thiết bị còn chậm, và việc tương tác giữa giáo viên và học sinh bị hạn chế. Quyết định này đã nhận được sự đồng thuận rất cao từ giáo viên và phụ huynh học sinh

Vì chất lượng giáo dục

Ở thời điểm cả nước khai giảng năm học mới 2021 - 2022, trong khi hầu hết các địa phương đều yêu cầu học trực tuyến đối với tất cả các cấp học, riêng Cà Mau đã dũng cảm đi ngược lại số đông. Dựa trên số liệu thu thập được sau hai tuần học trực tuyến theo khuôn khổ chung mà Bộ GDĐT đưa ra, Sở GDĐT tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo "hỏa tốc" dừng tổ chức các lớp học trực tuyến đối với cấp tiểu học.

Nhiều phụ huynh có con học cấp tiểu học cho biết, các cháu không tiếp thu được kiến thức qua hình thức học online. Ảnh: Hòa An.


Trao đổi với Dân Việt, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân cho biết, trước khi đưa ra quyết định cho học sinh tiểu học dừng học trực tuyến, ngành giáo dục đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát, đánh giá thật kỹ thuận lợi, khó khăn của công tác dạy học trực tuyến; việc học sinh tham gia học trực tuyến, chất lượng dạy và học trực tuyến…  Kết quả đánh giá cho thấy, tỷ lệ học sinh học trực tuyến tuần thứ hai đạt 88,21% (trong đó, cấp tiểu học đạt 84,75%, cấp THCS đạt 90,03%, cấp THPT đạt 95,90%). Trong số học sinh học trực tuyến có khoảng 60% học có chất lượng, số còn lại có tham gia học nhưng hiệu quả không cao, cấp học càng thấp thì hiệu quả càng thấp.

Theo ngành giáo dục tỉnh Cà Mau, nguyên nhân chính dẫn đến việc học trực tuyến chưa đạt hiệu quả cao là do học sinh đầu cấp mới tuyển chưa được hướng dẫn trực tiếp nên còn khó khăn trong việc đăng nhập vào lớp học trực tuyến. Một số giáo viên chủ nhiệm không liên lạc được với học sinh và gia đình các em. Bên cạnh đó, việc thao tác và sử dụng máy tính, điện thoại thông minh của học sinh còn chậm. Phần lớn các trường không đủ máy tính để giáo viên dạy trực tuyến mà phải huy động máy tính của cá nhân giáo viên. Trình độ công nghệ thông tin của một số ít giáo viên còn yếu, chưa đủ năng lực để sử dụng các phần mềm hỗ trợ dạy học trực tuyến; chưa quen, chưa thành thạo trong việc dạy trực tuyến, nhất là giáo viên dạy cấp tiểu học. Hơn nữa, việc soạn bài giảng trực tuyến mất nhiều thời gian và công sức của giáo viên. Điều đáng nói là một số phụ huynh, học sinh chưa quan tâm đúng mức đến việc học trực tuyến của con em, một phần vì không hiểu, một phần vì không có thời gian, khả năng theo dõi, quản lý con em học tập. Một số ít phụ huynh chưa hợp tác, phó thác trách nhiệm cho nhà trường. Cá biệt, có những phụ huynh không muốn cho con học trực tuyến vì cho rằng không chất lượng.

Ngoài ra, ở một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em cùng sử dụng một thiết bị cho việc học trực tuyến nên khó khăn trong việc học. Bên cạnh đó, tâm lý phụ huynh lo sợ giao máy tính, điện thoại các em chỉ tập trung chơi game, hay các cháu tự tham gia vào các mạng xã hội, không lo học. Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, về những khó khăn và động lực để Sở GDĐT tỉnh Cà Mau đưa ra quyết định này, ông Luân tâm sự: Năm học 2021 - 2022 bắt đầu trong bối cảnh đại dịch Covid -19 diễn biến biến hết sức phức tạp, khó lường; ngành giáo dục tỉnh Cà Mau rất chủ động xây các phương án tổ chức dạy học. Nhưng khi triển khai thực hiện, ngành giáo dục phải thừa nhận dù đã chủ động xây dựng phương án cho năm học mới và huy động nhiều nhân lực, nguồn hỗ trợ cho việc dạy học trực tuyến nhưng đây là năm đầu tiên ngành giáo dục Cà Mau bắt đầu năm học bằng hình thức online nên nhiều việc Sở chỉ đạo còn chậm, lúng túng trong triển khai.

Sau hai tuần triển khai việc học online, hiệu quả dạy học ở bậc tiểu học thấp nhất trong các bậc học. Ngành nhận thấy việc dạy học trực tuyến không phù hợp với giáo viên, học sinh tiểu học nên lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo quyết định dừng học. "Điều duy nhất mà ngành giáo dục tỉnh Cà Mau đi đến quyết định tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh dừng dạy học trực tuyến đối với cấp tiểu học là 'vì chất lượng giáo dục'" - ông Luân nói. Theo người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh Cà Mau, học mà thấy hiệu quả chưa cao, trở thành áp lực cho học trò, nỗi lo của phụ huynh, sự trăn trở và lúng túng của giáo viên thì nên dừng, nếu cứ tiếp tục duy trì khiến học sinh có tâm lý sợ học online sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các cháu sau này.

Giáo viên và phụ huynh đồng thuận

Là một gia đình sinh sống ở vùng nông thôn huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, chị Nguyễn Kiều Tiên (ở ấp Ông Khâm, xã Tân Hưng Đông) cho biết: Con gái chị tuy đã vào lớp 4 nhưng vẫn gặp khó khi tiếp nhận chương trình học trực tuyến trong năm học này. Nguyên nhân là do ở vùng nông thôn, mạng lưới internet không phổ biến, các cháu từ nhỏ đến lớn không tiếp cận nhiều với điện thoại thông minh nên không biết sử dụng các thao tác theo chương trình học…

"Vợ chồng tôi cũng bỏ ra hơn 5 triệu đồng mua điện thoại thông minh, rồi đăng ký 3G cho con học tập, nhưng thú thật là suốt cả tuần lễ đầu năm học này, gia đình mới biết hết các thao tác vào lớp học online để chỉ dạy cho con học"- chị Tiên chia sẻ. Trong khi đó, nhiều phụ huynh có con em mới vào lớp 1 đều "than trời" với hình thức học online. Anh Nguyễn Văn Sin ở xã Hòa Thành, TP.Cà Mau cho biết, con trai mới đăng ký học lớp 1 vào đầu năm học này, nhưng chỉ mới mấy ngày nhập học, gia đình anh đã đau đầu, không biết làm sao để truyền đạt kiến thức cho con như thầy cô giáo. "Mở điện thoại lên thì cháu cũng ngồi xem được vài phút rồi thôi, cháu cứ khóc suốt khi ba mẹ bắt ngồi học nghiêm túc" - anh Sin cho biết.

Theo phụ huynh, họ rất vui mừng và đồng thuận với quyết định của ngành giáo dục Cà Mau về việc cho học sinh cấp tiểu học được nghỉ học online. Bởi việc học như thế này không phù hợp với hoàn cảnh thực tế, nó vừa mất thời gian và công sức của thầy cô giáo và của phụ huynh, nhưng hiệu quả học tập mang lại thì không như mong muốn. Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề giáo, thầy Nguyễn Trung Hậu, giáo viên khối tiểu học Trường Tiểu học – THCS Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau cho biết, với hình thức học trực tuyến gây nhiều khó khăn cho giáo viên, học sinh và cả phụ huynh.

Đối với phụ huynh ở vùng nông thôn, họ gặp nhiều khó khăn về trang thiết bị học tập cho con; nhiều gia đình có hai, ba cháu học nhưng chỉ có một điện thoại thông minh, thậm chí là có gia đình còn không đủ điều kiện mua điện thoại thông minh cho con học. Do đó khi giáo viên kết nối vào chương trình dạy học thì học sinh chỉ học được khoảng 50% sĩ số lớp học. Ngoài ra, cái khó tiếp theo là giáo viên không thể tiếp cận được đối với từng học sinh của mình để truyền đạt kiến thức… "Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện tại, việc áp dụng hình thức học trực tuyến là phù hợp, nhưng hiệu quả thì không cao, còn gây thêm khó khăn nhiều thứ" -thầy Hậu nói và cho biết, bản thân ông rất tán thành với quyết định cho học sinh tiểu học dừng học trực tuyến của ngành giáo dục tỉnh. Nhìn nhận về quyết định này, ông Nguyễn Minh Phụng – Trưởng phòng GDĐT huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau cho biết, Cái Nước có 46 trường (Tiểu học 22 và THCS 13 trường), học sinh tiểu học trên dưới 12.000 em; THCS chiếm khoảng 7.400 em; cấp mầm non khoảng 3.200 cháu.

Phòng cho rằng, chương trình học trực tuyến thì chất lượng học tập đối với học sinh các lớp 1, 2, 3 là rất hạn chế. "Mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 điện thoại thông minh, nên khi đi làm, phụ huynh đều mang theo, và giờ trống của phụ huynh thường chỉ sau 19h tối, trong khi vào giờ này thì lại gây khó cho việc dạy học của giáo viên"- ông Phụng phân tích. Theo ông Phụng, việc Sở GDĐT quyết định dừng học trực tuyến đối với cấp tiểu học trong điều kiện hiện nay là rất phù hợp, là một chủ trương đúng, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Trần Hồng Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiêm Bí thư Thành ủy TP.Cà Mau cho biết trước đó, UBND tỉnh cũng đã có sự tính toán: Ở thời điểm khai giảng năm học mới, Cà Mau vẫn cho học sinh khối tiểu học học online. Tuy nhiên, sau một tuần triển khai học bằng hình thức học trực tuyến, ngành chức năng tỉnh nhận thấy có nhiều vấn đề khó khăn nhất định nên quyết định cho học sinh khối tiểu học dừng học trực tuyến. Khó khăn thứ nhất là về trang thiết bị học tập, mà cụ thể là máy tính thông minh dành cho học sinh trên địa bàn tỉnh học tập còn thiếu khá nhiều. Thứ hai là ảnh hưởng bởi đường truyền kém chất lượng, do cùng lúc có quá nhiều học sinh vào cùng một đường truyền mạng, sóng mạng bị chập chờn…, làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các học sinh ở các cấp học khác. Thứ ba là do học sinh khối tiểu học chưa chủ động được với hình thức học online, trong khi phần lớn gia đình các cháu ở vùng nông thôn, phụ huynh không đủ điều kiện để hỗ trợ cho con em mình học tập bằng hình thức học trực tuyến này…

Theo ông Quân trong khi quỹ thời gian dành cho học sinh khối này vẫn còn nên tỉnh quyết định lùi thời gian học lại. Bởi việc này được Bộ GDĐT cho phép, giao cho các địa phương chủ động quỹ thời gian, tùy theo tình hình dịch bệnh ở các địa phương mà thực hiện. "Quyết định này nhận được sự đồng thuận rất cao của các cấp, các ngành, và cũng được sự cho phép của Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau", ông Quân nói và khẳng định việc này xuất phát từ chất lượng giáo dục, vì nếu "cố làm mà không gặt hái được gì" thì nên dừng.

Bài 3: Nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải: “Đường dây 500kV đã làm phải thật tốt, còn nếu bị xử lý tôi sẽ chịu trách nhiệm”

Ở tuổi 90, ông Vũ Ngọc Hải - nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng vẫn nhớ được khoảnh khắc  lưu lại ở từng bức ảnh trong cuốn album cũ. Sức khỏe ông Hải không còn được như trước, người kỹ sư năm nào còn lăn lộn trên công trường giờ một tuần phải 3 lần vào bệnh viện để lọc thận. Hai đầu gối cũng không còn chịu nghe lời ông. Nhưng trí nhớ của vị nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng vẫn vẹn nguyên, đặc biệt là khi nói về đường dây 500kV Bắc Nam.


Nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải trao đổi với phóng viên Báo Dân Việt.
Ảnh: Phạm Hưng.

"Cột điện này ở khu vực Tây Nguyên, còn đây là khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt chúc mừng sau khi tôi ra tù. Lúc này đường dây 500kV đã hoàn thành, đi vào vận hành ổn định" – ông Hải kể khi chậm rãi chỉ vào từng bức ảnh trong cuốn album. Cứ thế, từng ký ức về việc "khai sinh" ra công trình đường dây 500kV Bắc – Nam ùa về với ông. Từ buổi họp được Thủ tướng Võ Văn Kiệt đồng ý chủ trương, cho đến những lần trình bày việc thực hiện công trình trước Bộ Chính trị, Quốc hội, các chuyên gia hay hình ảnh công nhân vận chuyển thiết bị trên đèo Lò Xo, vẫn hằn sâu đậm nét trong trí nhớ của ông Vũ Ngọc Hải. Trên công trường, các kỹ sư, công nhân vất vả, cực khổ, thậm chí đổi cả máu và nước mắt để dựng từng cột điện, nối từng đường dây. Ở hậu trường, những người thực hiện dự án phải gỡ dần những trở lực của cơ chế, của nhận thức để thực hiện công việc "chưa từng có".
Tổng Công trình sư đường dây 500kV cũng dành nhiều thời gian nhắc đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người bảo vệ chủ trương thực hiện dự án ngay từ đầu cho đến ngày đóng điện đường dây. "Đó là may mắn đối với công trình đường dây 500kV, với ngành điện và với sự phát triển đất nước" – ông Hải hồi tưởng. Phần còn lại là lịch sử. Công trình đường dây 500kV Bắc Nam đã được ghi nhận là "kỳ tích của thế kỷ XX của người Việt Nam" mở ra "kỷ nguyên mới cho ngành điện" nước nhà. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Hải nhiều lần dùng các từ "táo bạo", "chưa từng có", "tháo gỡ cơ chế" để kể về quá trình hình thành đường dây 500kV. Gần hai giờ đồng hồ, chúng tôi ngồi nghe ông kể, phân tích những bài học kinh nghiệm về việc dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của đất nước qua việc xây dựng công trình đường dây 500kV. Có cả những câu chuyện lần đầu ông mới kể với báo chí...

Chủ trương táo bạo, công trình chưa từng có

Ông Vũ Ngọc Hải bắt đầu câu chuyện với chúng tôi sau một lúc bồi hồi cảm xúc:

- Thời kỳ đó, ở ba miền có ba lưới điện, có nơi thừa điện, nơi thiếu điện. Miền Trung có một số điểm phát điện bằng diesel. Đến năm 1990, miền Trung nhận được điện từ miền Bắc chuyển vào qua đường dây Đồng Hới - Huế - Đà Nẵng. Còn miền Nam, chỉ có Nhà máy Thủy điện Trị An công suất 440MW, thủy điện Đa Nhim 100MW và một số cơ sở phát điện bằng diesel như Trà Nóc, Thủ Đức… Tổng công suất điện cả miền Trung và miền Nam hồi đó chỉ khoảng trên 1.000MW. Miền Nam khi đó vẫn phải cắt điện luân phiên. Trong khi đó, từ khi Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hoạt động tổ máy số 4, miền Bắc thừa điện. Sản lượng 8 tỷ kWh/năm, miền Bắc chỉ dùng hết 5 tỷ kWh. Trong quy hoạch của chúng tôi, đến năm 1995 – 1996 mới bắt đầu xây dựng lưới điện nối miền Nam miền Bắc. Lúc đó, có phương án được đưa ra là: Miền Bắc thừa điện có thể bán sang Trung Quốc, miền Nam đang thiếu điện có thể nhập cấp tốc diesel để sản xuất điện. Nhưng phương án này bị bác bỏ ngay.

Vì sao, thưa ông?

- Nếu bán điện sang Trung Quốc, không được lợi về mặt giá điện và đến lúc ta cần cung ứng trong nước, chả lẽ lại cắt của họ? Thứ hai, giá diesel lúc đó rất đắt, để xây dựng thêm nhà máy cũng tốn kém. Thực ra, thời điểm đó chúng tôi đã đề xuất xây dựng thêm một nhà máy nhiệt điện trong miền Nam nhưng chưa được chấp thuận.

Vậy ai đã đưa ra đề xuất xây dựng đường dây 500kV Bắc – Nam, thưa ông?

- Quý IV năm 1991, tôi thay mặt Bộ Năng lượng trình lên Thường trực Chính phủ, có cả ông Võ Văn Kiệt và ông Trần Đức Lương nhiều vấn đề, trong đó có việc đề xuất xây dựng đường dây cao áp đi miền Nam.

Anh Sáu (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt – PV) hỏi: Thế à, làm mạnh thế à?

Tôi đáp: Không có cách nào tốt hơn. Bây giờ chúng ta bán điện sang Trung Quốc, rồi lại nhập diesel giá cao bán điện cho người dân miền Nam. Thế là chúng ta có tội. Tôi đề nghị với anh phải quyết thôi.

Anh Sáu cười bảo: Được, đồng ý!

Đây là một chủ trương táo bạo, vì chưa làm bao giờ, đòi hỏi kỹ thuật cao. Thủ tướng nhất trí với đề xuất và bảo tôi đợi lấy ý kiến tập thể. Đến Tết nguyên đán, đầu năm 1992, Thủ tướng Võ Văn Kiệt tuyên bố cho làm đường dây nhưng chỉ cho làm trong 2 năm. Bởi thật ra, theo dự đoán lúc đó, chỉ trong 2 năm nữa miền Nam sẽ thiếu điện nghiêm trọng. Nếu không làm trong 2 năm sẽ không giải quyết được điện cho miền Nam. Nhưng với một công trình mới, chủ trương táo bạo chưa làm bao giờ, thật là một vấn đề khó! Mục tiêu lúc đó là làm trong 2 năm, không làm được là thất bại. 

Không thành công, Thủ tướng cũng sẽ từ chức

Chủ trương táo bạo này có làm ông thấy áp lực?

- Lo chứ, sao không lo được. Nói thật, anh em trong ngành sợ lắm, 2 năm sợ không kịp. Chính phủ duyệt rồi, chúng tôi phải quyết tâm. Tôi nói với anh em, không có cách gì khác hơn, mục tiêu là đưa điện vào miền Nam, không đạt được mục tiêu thì không có nghĩa lý gì cả. Nói thế rồi, chúng tôi quyết tâm. Không chỉ chúng tôi quyết tâm, các bộ ngành khác cũng đồng tình, tham gia hỗ trợ.

Lúc đó, công trình còn chưa có luận chứng kinh tế kỹ thuật, nghĩa là cũng chưa có thiết kế, vậy mà phải làm trong 2 năm. Công trình được Bộ Chính trị thông qua vào tháng 1/1992. Đến ngày 25/2/1992, Chính phủ phê duyệt Luận chứng kinh tế- kỹ thuật. Tôi huy động tất cả các chuyên gia trong ngành để làm công trình này và cho phép thực hiện theo phương thức khảo sát, thiết kế, nhập vật tư thiết bị và thi công thực hiện song song.

Nhưng chủ trương này cũng bị nhiều ý kiến phản đối dữ dội thời điểm đó, thưa ông?

- Tất nhiên, trong quá trình xây dựng đường dây 500kV cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Đặc biệt là có một vị Giáo sư từ nước ngoài viết thư gửi cho Bộ Chính trị phản đối đề xuất xây dựng đường dây 500kV. Vị Giáo sư này cho biết việc xây dựng đường dây 500kV dài hơn 1.500km sẽ gặp vấn đề 1/4 bước sóng.  Nếu điện từ ở Hà Nội đang ở mức cực tiểu, khi vào đến miền Nam sẽ vọt lên cực đại và ngược lại, nếu ở Hà Nội cực đại thì vào trong đó có thể bằng không. Nghĩa là không thể nào được điện vào đến miền Nam được. Ngoài ra, trên thế giới không có nước nào làm được dây dài như thế trong 2 năm, hiệu quả kinh tế cũng không cao. Thư của vị Giáo sư cũng khiến nhiều thành viên Bộ Chính trị cũng băn khoăn. Rồi vấn đề tài chính cũng là một việc rất táo bạo, thời điểm đó giao thời từ bao cấp với kinh tế mở. Tiền ở đâu để làm trong khi dự án còn chưa có kế hoạch về tài chính?

Những người thực hiện công trình đã làm thế nào để vượt qua những nghi ngại, phản đối đó?

- Ông Kiệt có hỏi tôi, tôi trả lời ngay: Việc thực hiện trong 2 năm là làm được, còn 1/4 bước sóng thì chúng tôi đặt trạm bù (bù dọc, bù ngang). Đó là phương án tốt nhất.

Vấn đề 1/4 bước sóng đã được Công ty tư vấn thiết kế đường dây cao áp (Pacific Power International - PPI) của Úc và các chuyên gia của Bộ Năng lượng giải quyết. Các chuyên gia này đã thiết kế thêm các trạm bù đặt dọc đường dây. Mục đích của trạm bù là nơi nào dòng điện lên cao sẽ kéo xuống. Ngược lại, nơi nào điện yếu trạm bù này sẽ bổ sung để điện áp của dòng điện luôn ổn định. Có lần Thủ tướng hỏi là kinh phí thế nào, tôi nói là không có dự án nào tiền được cấp tốt như thế. Sau đó, tôi quay ra bảo với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Tế là anh còn nợ tôi 50 tỷ đồng đấy nhé. Ngay hôm sau ông Hồ Tế đã chuyển đủ cho tôi 50 tỷ đồng.

Có nhà khoa học còn nói với tôi rằng anh phát điện không ổn định, khi tổ máy của Hoà Bình sập thì mạng lưới điện của anh cũng sập. Tôi có nói với nhà khoa học này là tất cả đã được tính toán kỹ rồi, không thể sập được. Chúng tôi quyết tâm làm nhưng không phải chỉ dựa vào ý chí, tất cả đều được tính toán và có đưa ra giải pháp thực hiện. Mục tiêu hoàn thành trong 2 năm là rất khó, nhưng không phải không thể làm được. Bên cạnh việc Bộ Năng lượng huy động toàn bộ lực lượng, các bộ ngành khác và địa phương cũng chung tay quyết tâm thực hiện công trình. Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính… đều sẵn sàng tham gia.

Tôi nói với anh em, việc rất khó nhưng không phải không có giải pháp. Chúng ta phải tìm được giải pháp làm trong 2 năm. Nhưng làm công trình này phải chất lượng. Để đảm bảo mục tiêu chất lượng, chúng tôi mời chuyên gia nước ngoài để có thêm kinh nghiệm của các nước phát triển. Ngoài ra, chúng tôi bố trí cứ 10km có một kỹ sư giám sát. Chúng tôi chỉ nhập thiết bị tốt từ Châu Âu, Nhật Bản, Pháp, Mỹ...

Sau khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tin tưởng, bảo vệ chủ trương thực hiện dự án, ông có phải giải thích nhiều lần trước các cơ quan chức năng nữa không?

- Phải nói rằng, không có Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì chúng tôi không làm được đường dây 500kV. Chỉ có sự quyết liệt của ông Kiệt mới có thể có đủ các điều kiện, kinh phí để làm tốt. Được Thủ tướng tin tưởng rồi, chúng tôi cứ thế bắt tay vào làm.

Qua lời kể của ông, có thể thấy rằng, ở thời điểm đó chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng phải vượt qua những trở lực về cơ chế, về nhận thức xung quanh để thực hiện công trình này?

- Thủ tướng có nói với tôi nếu đường dây 500kV không thành công thì tôi sẽ từ chức. Tôi có nói với anh em ngành điện là ông Kiệt phát biểu như thế đấy. Chúng tôi càng quyết tâm hơn. Ngoài ra, trong quá trình làm, có nhiều người ở miền Nam gọi điện ra nói là trong đó đang rất thiếu điện, càng giúp chúng tôi có thêm động lực để quyết tâm hơn. Thực ra, Thủ tướng Võ Văn Kiệt không phải chuyên gia ngành điện. Nhưng Thủ tướng hiểu rằng không có năng lượng, không có điện thì không thể phát triển kinh tế được. Do đó, Thủ tướng rất ủng hộ và được Thủ tướng hỗ trợ nên công trình gặp nhiều may mắn.

Vậy thưa ông, phải chăng cơ chế thực hiện công trình phải có những đột phá nhất định?

- Nói thẳng ra, có những việc khi đó còn chưa có cơ chế gì cả. Thủ tướng giao việc, Chúng tôi – gồm các Bộ, ngành tự thống nhất với nhau. Tất cả chạy đua với thời gian, đảm bảo về chất lượng. Các kỹ sư luôn bám sát để giám sát công trình. Từ khi đóng điện đến nay, chưa có cơn bão nào đánh đổ được cột điện cả. Hay như lần đi thăm công trường trên đèo Lò Xo, Thủ tướng thấy công nhân có nhiều khó khăn. Tôi xin anh cơ chế. Ông Kiệt nói ngắn gọn Bộ Năng lượng và Bộ Y tế tính cơ chế để tôi giải quyết. Sau đó, anh em làm việc trên rừng được bổ sung thêm thực phẩm, dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe làm việc.

Làm vì đất nước

Để thực hiện công trình này, chúng tôi biết rằng ông và các đồng nghiệp đã gặp phải rất nhiều trắc trở. Những việc lần đầu tiên là chưa từng được kiểm chứng trong lịch sử khiến nhiều người nghi ngờ về tính khả thi. Những quyết định ở thời điểm đó, như ông nói còn chưa có cơ chế, chắc hẳn sẽ gây ra nhiều tranh cãi?

- Lúc đó, chúng tôi chọn toàn thiết bị của các nước Châu Âu, các nước tiên tiến phát triển, không chọn thiết bị của Trung Quốc... Việc lựa chọn thiết bị này không phải ai cũng đồng tình. Có người bảo nếu làm như tôi, nhiều người sẽ phản đối. Tôi xác định nếu bị xử lý tôi chịu trách nhiệm, nhưng đã làm thì phải làm cho thật tốt. Khi ấy, tôi nhìn thấy nhiều công trình dùng thiết bị của Trung Quốc có chất lượng không cao. Khi đấu thầu, Chính phủ giao cho Bộ Năng lượng và Bộ Kinh tế. Thiết kế đến đâu, đấu thầu và thi công triển khai đến đấy, vì chỉ làm trong 2 năm. Hai Bộ thống nhất chất lượng, nên chọn các nước có truyền thống về thiết bị. Ví dụ, Pháp có truyền thống về sứ thuỷ tinh; Nhật có truyền thống về dây cáp điện, có những loại máy cắt phải chọn Thụy Điển…

Liên quan đến việc cung cấp thiết bị, cuối cùng cũng khiến ông rơi vào vòng lao lý như ông đã "lường trước" với anh em?

- Việc cũng đã qua rồi, tôi cũng không muốn nhắc lại nhiều. Nhưng cái chuyện đi tù của tôi vô lý, chưa bao giờ tôi nhận là có tội, chỉ nhận là chấp hành nghiêm túc quy định của Trại. Việc tôi đi tù ai cũng biết và Thủ tướng, Phó Thủ tướng cũng vào thăm tôi trong tù, không có Bộ trưởng nào không đi thăm. Thậm chí cả mấy ông ở Viện Kiểm sát buộc tội tôi cũng vào thăm và động viên, chia sẻ với tôi.

Nếu quay ngược thời gian, được lựa chọn lại, ông có chọn công việc khó khăn này không?

 Khi đó, tôi phải thức cả đêm, vợ tôi không hài lòng đâu, còn hỏi làm gì mà nhiều thế, đi ngủ đi. Tôi nghĩ, mình bỏ công sức, vất vả, quyết tâm làm công trình chưa có bao giờ. Công trình này vì đất nước thì mình phải quyết tâm thôi. Tôi vẫn sẽ làm.

Đến nay, công trình đường dây 500kV đã được ghi nhận thành công, ông thấy điều gì ấn tượng nhất?

- Tôi đã nói, công trình này may mắn có ông Võ Văn Kiệt. Khi bắt tay thực hiện, vướng ở đâu đều được các Bộ, ngành, địa phương chung tay giúp đỡ. Nếu không có lực luợng của Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông, Bộ Tài chính, … rồi các địa phương cử người lao động đến công trường, làm sao làm được trong 2 năm. Tôi nhớ ở Quảng Bình, bà con công giáo ghép hàng trăm chiếc thuyền để kéo đường dây qua sông Gianh. Họ rất nhiệt tình, thấy được việc đó có ích cho đất nước nên hăng hái tham gia. Hay như ở TPHCM, tôi gặp đồng chí Bí thư Thành ủy Trương Tấn Sang đề nghị về tiến độ giải phóng mặt bằng. Ông cho biết ngay ngày hôm sau sẽ cho giải quyết. Có thể nói, trên công trường, chúng tôi yêu cầu làm nhanh, làm chất lượng nên anh em thiết kế, giám sát, công  nhân thi công vất vả lắm. Có thể nói, đây là công trình có cả trí tuệ, có cả kỹ thuật và ý chí đoàn kết. Khi chúng ta làm được trong 2 năm, các chuyên gia thế giới cũng phải ngạc nhiên. Nếu khi đó không quyết tâm làm thì không có những đường dây tiếp theo thứ 2, thứ 3, thành mạng lưới rất lớn như hiện nay. 

- Xin trân trọng cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện này và chúc ông luôn thật nhiều sức khỏe và hạnh phúc.

Bài 4: Thể chế hóa thành quy định để bảo vệ cán bộ dám “xé rào” vì lợi ích chung

Tiếp theo loạt bài "Cơ chế nào bảo vệ các cán bộ dám "xé rào" vì dân, vì nước", Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Vai trò của người đứng đầu trong bảo vệ cán bộ dám “xé rào”

Thưa ông, mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, ông thấy kết luận này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay?

- Đây là chủ trương rất đúng đắn, tuy nhiên cũng phải thấy rằng trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn khuyến khích, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Và việc này cũng đã được thực hiện một cách nề nếp, ví dụ phong trào thi đua yêu nước (Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua yêu nước từ năm 1948) chính là để khuyến khích, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của mọi người vào sự nghiệp của đất nước. Thi đua là gì, là mọi người cùng nhau tích cực làm, ai làm được tốt hơn thì được biểu dương, khen thưởng tùy theo mức độ. Bác Hồ đã nói "thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải phải thi đua". Phong trào thi đua đã khích lệ sự hăng hái, tinh thần trách nhiệm của mọi người trong chiến đấu, trong lao động sản xuất, trong học tập… Việc thi đua không những đạt được thành quả trên các lĩnh vực mà điều quan trọng là làm cho con người phát huy được khả năng sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong thực hiện nhiệm vụ của mình.

Đại hội XIII của Đảng có hai điểm nhấn về sức mạnh nội sinh và phương thức phát triển đất nước trong bối cảnh mới, đó là khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và đổi mới sáng tạo. Các nhóm giải pháp về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN được nêu trong Văn kiện và Nghị quyết Đại hội XIII đã nhấn mạnh về giải pháp Đảng khuyến khích và bảo vệ cán bộ thực hiện "6 dám". Đó là dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách, dám đột phá, sáng tạo và dám đương đầu. Khi có chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ như vậy, chúng ta cần phải sớm thể chế hóa bằng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để giúp nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, khách quan, trung thực và dễ dàng hơn. Từ đó sẽ huy động được sức mạnh, trí tuệ của xã hội và trong bộ máy công quyền sẽ có nhiều cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo khi thực hiện nhiệm vụ để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân hiệu quả hơn.

Quy định 22 năm 2021 của Ban Chấp hành Trung ương về kiểm tra giám sát và kỷ luật của Đảng có điểm mới rất đáng chú ý "bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung". Ông có suy nghĩ gì về sự bổ sung này?

- Nội dung trên được bổ sung trong Quy định 22 là rất cần thiết, bởi đất nước đang phát triển, các lĩnh vực hoạt động ngày phong phú, đa dạng; để thúc đẩy sự phát triển thì phải có sự khuyến khích phát huy sáng kiến, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, giúp họ vượt lên được trở ngại, nhất là trong các vấn đề mới. Sáng kiến, sáng tạo, chính là dám nghĩ, dám làm, khi Đảng có quy định khuyến khuyến, bảo vệ người dám đột phá vì lợi ích chung sẽ giúp cho những người dám "xé rào", những người lãnh đạo quản lý có sự yên tâm hơn. Sự bổ sung cho Quy định 22 thể hiện sự đồng bộ trong chủ trương của Đảng, để các cơ quan kiểm tra xem xét thực hiện theo đúng tinh thần ấy.

Như đã nói ở trên, vấn đề này tới đây cần có những quy định của pháp luật nữa, để có cơ sở vận dụng khi xử lý những tình huống nhằm bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung, nhất là với những tình huống cán bộ có sáng kiến, dám "xé rào" vì cái chung nhưng thành quả chưa đạt như mong muốn, thậm chí có tổn thất nhất định.

Khi đánh giá những kết quả đạt được hoặc chưa đạt được trong sáng tạo của một người hay nhóm người hoặc của tổ chức thì phải hết sức khách quan, trung thực, toàn diện, không nể nang, né tránh, không bị mua chuộc, không bị tình cảm cá nhân hoặc vấn đề khác chi phối… Đó là nói ở khía cạnh đạo đức, mặt khác người nhận xét, đánh giá về sự sáng tạo, đổi mới còn phải đủ trình độ để nhìn nhận vấn đề một cách khoa học. Ví dụ, khi đánh giá sự thay đổi trong quản lý kinh tế ở một đơn vị hay đánh giá một công trình khoa học thì cũng phải có những biện pháp để nhìn nhận một cách khoa học. Mọi công trình đều có tốn kém về vật chất, về thời gian, đánh giá công trình ấy như thế nào cho đúng thì cần các cơ quan chức năng với nhau một cách khách quan, trung thực và phải có trình độ chuyên môn.

Để việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám "xé rào" vì lợi ích chung, vai trò của người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu cơ quan, tổ chức rất quan trọng, thưa ông?

- Đúng như vậy. Đây là chủ trương của Đảng nên trách nhiệm trước tiên là ở các cấp uỷ và người đứng đầu cấp uỷ. Trước tiên, cấp uỷ phải thực hiện khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, đồng thời có sự giám sát. Khi có sự cố xảy ra cũng phải tổ chức kiểm tra, điều tra thật khách quan, trung thực, thấu tình đạt lý. Các cơ quan chức năng giúp việc cho cấp uỷ, cho chính quyền cũng phải vào cuộc với tinh thần như thế.

Để bảo vệ cho những cán bộ dám "xé rào" thì những người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải là những người nâng đỡ cho sự đổi mới, sáng tạo, còn người đứng đầu chỉ lo giữ mình cho an toàn thì đổi mới, sáng tạo của cán bộ cấp dưới sẽ không được phát huy. Đặc biệt, tránh kiểu "trâu buộc ghét trâu ăn", tình trạng này xảy ra không chỉ gây mất đoàn kết trong cơ quan, đơn vị mà khiến cho sáng kiến, sáng tạo của cán bộ bị vùi dập. Để nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung khi xây dựng quy định cũng phải có sự ràng buộc. Ví dụ, khi xem xét đánh giá thi đua hằng năm thì phải xem cấp ủy tại cơ quan đó, người đứng đầu tại cơ quan đó xem người đứng đầu đã chắp cánh cho bao nhiêu trường hợp đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Dựa vào dân để biết cán bộ nào dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung

Ở mỗi thời kỳ đều có cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, song cũng có giai đoạn khi cơ chế chưa tháo gỡ họ phải chịu nhiều hệ lụy tiêu cực, thậm chí bị kiểm tra và kỷ luật. Trước đây khi còn công tác, ông và các cán bộ kiểm tra cùng thời làm thế nào phát hiện người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung?

- Khi kiểm tra cán bộ, đảng viên chúng tôi xem xét một cách tổng thể để thấy việc làm của người đó có vụ lợi không, có động cơ cá nhân không. Như với cán bộ đang thực hiện một công trình nào đó, chúng tôi xem họ lo cho bản thân thế nào, dùng những phương tiện gì để đi lại, nhà cửa, gia đình, vợ con của họ như thế nào… từ đó sẽ nhìn ra động cơ đằng của việc họ đang thực hiện. Cách làm này chúng tôi cũng thực hiện đối với những cán bộ có dư luận cho là thế này, thế kia.

Đối với những trường hợp chưa phải có những sáng kiến, công trình gì ghê gớm nhưng họ làm việc cặm cụi, có những cải tiến trong công tác lãnh đạo, quản lý cho đơn vị, tuy nhiên cải tiến đó chưa được suôn sẻ dẫn tới hệ lụy thì khi vào cuộc kiểm tra cũng phải xem xét tổng thể, khách quan. Công tác kiểm tra khó nhất vẫn là giải quyết mất đoàn kết nội bộ, làm sao để luôn khách quan, trung thực chứ không phải khi cơ quan kiểm tra vào thì nghiêng về phía này hay phía khác. Khi kết luận phải làm sao để tổ chức đảng và bản thân những người bị xem xét xử lý đều thừa nhận.

Để đảm bảo thu thập thông tin khách quan, đa chiều, chúng tôi đặc biệt coi trọng việc hỏi dân. Dân là ai, đó là những người sinh sống bên cạnh cán bộ đang bị kiểm tra, thậm chí là cán bộ cấp dưới của người bị kiểm tra. Ngoài cách hỏi thì bản thân mình phải tạo được niềm tin để người dân cung cấp những thông tin bổ ích. Khi còn công tác, mỗi khi đi kiểm tra, tôi rất lắng nghe các anh em lái xe của cơ quan. Họ cũng là những người đóng góp rất nhiều thông tin để kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực. Tuy nhiên cần phải có cơ chế bảo vệ những người cung cấp thông tin theo cách này hay cách khác, bởi họ sợ liên lụy.

Qua công tác kiểm tra như vậy, ông và các cán bộ kiểm tra cùng thời có "cứu" được nhiều trường hợp cán bộ đã dám "xé rào" vì mục đích chung nhưng vì các lý do khác nhau nên họ gặp thất bại và trở thành đối tượng có dấu hiệu vi phạm, bị kiểm tra?

- Chúng tôi không gọi là "cứu" mà quan điểm của cơ quan kiểm tra khi vào cuộc xử lý dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên không để oan sai. Chúng tôi còn xử lý những vụ cấp dưới làm chưa đúng có thể dẫn tới oan sai hoặc xử lý chưa phù hợp với mức độ vi phạm. Khi Ủy ban Kiểm tra cấp trên kiểm tra kết quả xử lý của cấp dưới, có mấy tình huống, thứ nhất là công nhận kết quả xử lý đó, nghĩa là việc xử lý đã được thực hiện đúng;

Thứ hai là thay đổi hình thức kỷ luật, ví dụ đảng viên A bị kỷ luật cảnh cáo nhưng cấp trên thấy mức độ vi phạm chỉ đáng mức khiển trách thì sửa kỷ luật thành mức khiển trách hoặc thấy vi phạm của đảng viên A phải bị kỷ luật ở mức cách chức thì sửa hình thức kỷ luật bằng cách chức; thứ ba, là xóa bỏ, nghĩa là không còn kỷ luật đảng viên đó nữa vì hành vi không phải là vi phạm, khuyết điểm hoặc khuyết điểm chưa tới mức phải thi hành kỷ luật. Trước đây, khi chúng tôi tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức và đảng viên, có không ít trường hợp đã được minh oan.

Từ thực tiễn công tác đã qua, theo ông làm sao nhận diện giữa cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung với một cán bộ bề ngoài cũng thể hiện như vậy nhưng vì động cơ cá nhân hoặc lợi ích nhóm?

- Theo tôi việc nhận diện không khó, nếu xem xét quá trình sẽ thấy được bản chất của một cán bộ, tất nhiên cũng phải rất thận trọng và xem xét một cách khách quan, trung thực. Xem xét người cán bộ đó là ai, quá trình công tác, phấn đấu như thế nào, cần tìm hiểu qua nhiều kênh, trong đó những người xung quanh…

Xem xét, nhìn nhận về việc làm của ai đó cần tìm hiểu rõ được động cơ là gì. Tôi ví dụ một cán bộ là Chủ tịch UBND quận, muốn thay đổi một việc gì đó, người Chủ tịch này trao đổi với Bí thư Quận ủy nhưng Bí thư bảo vấn đề này cần phải chờ họp xin ý kiến tập thể. Vị Chủ tịch thấy như vậy sẽ mất thời gian trong khi vấn đề cấp bách nên cứ làm. Vậy khi xem xét phải tìm hiểu rõ vị Chủ tịch làm như vậy có phải vì động cơ cá nhân không hay vì lợi ích chung, muốn thực hiện nhanh để chớp cơ hội. Nếu chỉ xem xét một cách hời hợt thì sẽ không đánh giá đúng bản chất con người, đừng vì người đó chức này, hàm kia, đừng vì người đó là "con ông cháu cha" mà phải xem cái khách quan thì sẽ biết được người muốn đổi mới, muốn sáng tạo họ là người như thế nào.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bài cuối: Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt: “Không cần đợi có người bảo vệ mới dám làm”

Nói về việc Bộ Chính trị vừa có kết luận khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi chung, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt nói: “Có kết luận thì cũng rất quý. Nhưng người cán bộ vì dân thì cứ thấy đúng là làm, đâu cần phải chờ có người bảo vệ mới dám làm”.

Có vườn cam chín, chưa có rào thay thì đừng “xé” vội

Thưa ông, bây giờ mà nghe nói về việc cán bộ "xé rào" vì lợi ích chung, vì quyền lợi của nhân dân thì một người từng kinh qua thực tiễn cơ sở rồi nhiều năm đảm nhận trọng trách cao trong Đảng như ông cảm thấy thế nào? Giới hạn như thế nào thì được coi là "xé rào"?

- Bộ Chính trị vừa có kết luận về việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm mà mình cứ gọi nôm na là "xé rào" thì tôi cũng thấy tốt, thấy quý đấy. Nhưng tôi không muốn gọi là "xé rào". Vì thực tế là việc đáng làm mà đã có nhận thức không đúng, chậm trễ, bảo thủ, kinh nghiệm chủ nghĩa, rập khuôn nước ngoài, cho nên bây giờ phải làm khác đi, làm như nó đáng phải làm, mạnh dạn làm cho đúng thì bị gọi là "xé rào". Chắc có hàm ý là quy định thế này, cứ phải làm thế, làm khác tức là "xé rào" phải không.

Nhưng mà nói "xé" là làm hỏng đấy. Tôi ví dụ một cái vườn cam đã chín, chưa có rào thay thế, thì cũng đừng xé vội đi, dù cái rào đấy mục. Vì phá đi thì hỏng hết cả, rào mới chưa kịp thay mà kẻ trộm còn vào lấy cam trước cả mình. Có các thứ để rào lại rồi thì phải thay cái hàng rào mới ngay. Nên mình cứ dùng chữ "xé rào" cho mạnh dạn thế thôi, nhưng phải hiểu theo nghĩa đúng, hiểu sai là hỏng hơn.

Thưa ông, là một người nhiều kinh nghiệm trong công tác đánh giá cán bộ, ông suy nghĩ thế nào về việc đánh giá, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, dù làm có thể không đúng quy định hoặc không đúng ý kiến chỉ đạo của cấp trên?

- Tôi quan niệm phải luôn đổi mới, phải mạnh dạn. Nhưng đổi mới không phải vô điều kiện hoặc bừa bãi, đổi mới phải trên quan điểm có tính biện chứng, có tính tư tưởng, có tính quy luật, có logic chứ không phải đổi mới, mạnh dạn theo kiểu tự đánh bóng mình, cho rằng mình khác hẳn người khác. Thì cái đổi mới ấy cũng nguy hiểm.

Tôi nói lại chuyện ông Kim Ngọc - Bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phúc.Không đúng với quy định, với chủ trương lúc bấy giờ, chứ ông ấy làm đúng, thì bảo ông ấy "xé rào". Cũng không phải tự ông ấy nghĩ ra ngay khoán hộ mà ông ấy là con người của thực tiễn, đã đúc kết được kinh nghiệm của bà con nông dân, nên ông ấy dám chịu trách nhiệm để từ làm thí điểm đến mở rộng. Sau này truy tặng nhiều danh hiệu, quí thì cũng quí thật nhưng tặng thật lúc còn sống mới quí chứ người ta chết rồi mới truy tặng thì cũng chỉ là động viên con cháu thôi. Cái chính là lúc còn sống phải được đánh giá đúng, tặng thưởng đúng, cái đấy mới ý nghĩa. Đánh giá về ông A ông B là phải đánh giá thật, chứ ông ấy chết rồi mới ca ngợi toàn cái tốt, cái nhược điểm thì không nói, thì cái đó chưa hẳn đã tốt. 

Nói thì sợ anh em hiểu lầm chứ trong tư tưởng tôi từ lúc làm, trưởng thành từ cơ sở, khi vào bất cứ việc gì luôn luôn nghĩ làm thế nào để tốt hơn, chứ không phải để đổi mới hơn theo nghĩa hình thức hoặc theo đánh bóng mình, mà theo nghĩa thực. Không có cái gì lúc nào cũng giống nhau, hôm qua thế thì hôm nay thế. Cho nên làm cán bộ thì bao giờ cũng tìm cách để có năng suất, có chất lượng, có hiệu quả, cái đó mới là cái đáng quan tâm.

Thưa ông, hiện nay có tình trạng một số cán bộ không dám chịu trách nhiệm cá nhân, thấy việc đúng nhưng không theo quy định thì không làm và họ có khi lại "vững ghế". Vậy thì có thiệt thòi cho những cán bộ dám nghĩ dám làm không, nếu việc "xé rào" của họ chưa có cơ chế để bảo vệ?

- Đổi mới việc làm cũ, không nhất thiết phải theo khuôn sách, thì không bao giờ sợ ai hiểu lầm, nếu như việc đó của mình có ý thức đúng đắn vì lợi ích chung. Nói phải củ cải cũng nghe. Lúc tôi còn ở mỏ Mạo Khê, một số thợ lò ăn cắp vật liệu trong mỏ. Hội đồng kỷ luật họp quyết định đuổi việc. Tôi hội ý với Đảng uỷ và công đoàn, bảo cho họ được nhận "kỷ luật treo", là đáng lẽ đuổi nhưng tôi cho các anh nợ đấy, rồi giữ lại làm việc. Đào tạo người thợ lò đâu có dễ, đào tạo mấy ông cơ khí vài tháng thì được, chứ đào tạo thợ lò mất nhiều thời gian. Họ đang làm giỏi, trót lấy vài cái củi, cái gỗ, đuổi thì dễ quá, nhưng nếu để người ta lại, người ta không lặp lại lỗi nữa thì đỡ bao nhiêu công đào tạo. Mà thực tế đúng là sau đó những anh giữ lại chả thấy anh nào hỏng cả.

Đấy có phải mạnh dạn không. Nhưng đó là mạnh dạn có ý thức chứ không phải tỏ ra là ông Duyệt giỏi. Đời làm cán bộ của tôi nếu gọi là "xé rào" thì nhiều, thấy việc đúng thì phải làm, làm có ý thức tổ chức thì không bao giờ sợ gì sai, mà mình đã đúng thì tập thể có hiểu sai cũng phải làm để tập thể hiểu đúng. Có lần khi còn là giám đốc mỏ tôi đề đạt ý kiến lên giám đốc công ty, lên bộ trưởng không giải quyết, tôi lên báo cáo trực tiếp với ông Phạm Văn Đồng. Thủ tướng cho người về thẩm tra xem ông Duyệt báo cáo có đúng không. Tôi nghĩ mình làm đúng thì chả sợ gì cả. Đừng lúc nào cũng chỉ lo mình làm không có ai bảo vệ rồi không dám làm.

Không tin quần chúng thì không “xé rào” nổi

Sau này về Hà Nội, ông có thể kể một vài việc mà "ông Duyệt" thấy đúng thì dám làm, dám chịu trách nhiệm?

- Vụ Z30 lớp các cô cậu bây giờ có khi không biết. Đó là vào khoảng những năm 1983-1984, thành phố tịch thu hơn 100 ngôi nhà của các gia đình được coi là tư sản, trong đó có gia đình ông "Vua lốp" Đoàn Văn Chẩn. Đến lúc tôi về làm Bí thư Thành uỷ, dân kéo đến chất vấn và khiếu kiện rất đông. Giải quyết vụ này rất khó, liên quan và đụng chạm nhiều người. Nhưng mình thấy việc tịch thu nhà cửa của người ta là không dựa trên cơ sở nào, thì phải giải quyết. Nếu không nghĩ đến ổn định, đến việc làm cho dân yên thì làm sao dám đứng ra giải quyết. Mình có cách làm thì không sợ gì hết. Tôi nhận với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là để tôi giải quyết. Mình đứng ra chủ trì cuộc họp, mời tất cả các bên liên quan đến. Họp xong, viết biên bản, chả ông nào dám ký. Tôi bảo mấy ông cấp dưới viết một bài báo đăng công khai, nói rõ vấn đề này. Chả ông nào nhận.

Tối ấy về, tôi ngồi từ 8h tối đến 4h sáng, viết xong một bài báo, nói rõ đúng sai, hôm sau đăng ở báo Hà Nội Mới. Thế là êm, giải quyết dứt điểm được vụ này. Tôi vẫn còn giữ một lá thư của anh Xuân Cang – lúc ấy là Tổng biên tập báo Lao Động, viết gửi cho tôi: "Rất cảm phục anh".

Thưa ông, kinh nghiệm để "xé rào" thành công là gì?

- Không tin quần chúng thì không "xé rào" nổi. Dám suy nghĩ vận dụng đường lối đổi mới cho đúng, nhưng đừng có ai ngộ nhận về vai trò cá nhân là mình đưa ra quyết định như này là chính xác. Chỉ có tổng kết thực tiễn mới giúp cho quyết định cá nhân phù hợp với đời sống nhân dân. Chỉ có bài học của quần chúng thì mới giúp cá nhân có quyết định chính xác được.

Thứ 2 là trước mỗi khó khăn không thể ai làm nổi nếu quần chúng không tự nguyện tham gia vào giải quyết khó khăn. Luôn luôn nghĩ phải có thực tiễn cơ sở, thoát cái đó là nguy hiểm, thoát thực tiễn, thoát cơ sở, thoát quần chúng là nguy hiểm. Sinh ra cơ sở thì phải dựa vào đó, không có trung ương nào chỉ đạo tới từng xã được và cũng đừng nghĩ làm thế là sâu sát đâu.

Ở trên ông có nói việc dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm không đồng nghĩa với đánh bóng tên tuổi?

- Chỉ có nhận thức đúng mới tránh được bảo thủ, tự cao tự đại, đánh bóng… những cái này là phải hết sức tránh. Đừng có tưởng việc gì cá nhân cũng quyết được, cũng đừng nghĩ mình quyết cái gì cũng đúng. "Xé rào" gì đi nữa đều phải vì lợi ích người dân, lợi ích chung và phải có ý thức tổ chức.

Thưa ông, ông có nghĩ rằng có cơ chế để bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm có thể khuyến khích được nhiều cán bộ dám "xé rào" vì lợi ích chung hay không?

- Thì tất nhiên, người đứng đầu các cấp phải thấy trách nhiệm của mình. Lúc định ra quy định, định ra chính sách có thể chưa bao hàm hết được những tình huống mới xuất hiện trong cuộc sống nên khi thấy cán bộ dám làm việc đáng phải làm thì đừng nên đưa quy định ra bảo anh em phải thế này thế khác. Nhưng cá nhân tôi vẫn giữ quan điểm không cần phải trông chờ có văn bản khuyến khích cán bộ làm đúng, mà thấy cán bộ làm đúng thì tự nhiên mà bảo vệ. Những người có ý thức có tinh thần làm đúng thì có cần gì phải đợi có ai bảo vệ mình mới làm đâu.

Đã thấy đúng là dám làm, nếu có ý thức thì việc "xé rào" sẽ nhiều người biết, nhiều người ủng hộ, nói phải cái gì người ta chả nghe. Ra văn bản thì cũng tốt, cũng quý nhưng tôi cho là cán bộ đã làm đúng thì sợ gì sai, đâu cần phải trông chờ vào nghị quyết bảo vệ mới dám làm. Tôi bàn với ông Đỗ Mười định đưa bác sĩ Tôn Thất Bách là người ngoài Đảng làm Thứ trưởng Bộ Y tế, nhưng anh ấy không nhận, sau anh Bách đồng ý nhận làm Hiệu trưởng trường Đại học Y, mà làm 2 nhiệm kỳ đâu ra đấy. Cái gì đúng thì chả sợ gì.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất