Đảng viên là người có đạo ở Hà Tĩnh - Khi “hạt giống đỏ” được ươm mầm

Trong ngôi nhà lọt giữa vườn cây xanh mướt ở thôn giáo toàn tòng Ngọc Lâm, xã Gia Hanh (Can Lộc, Hà Tĩnh), hai thế hệ đảng viên (cha và 2 người con) đang sôi nổi trong “cuộc họp” bàn về chuyện làng, chuyện xã, chuyện xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển kinh tế trên vùng quê đang khởi sắc từng ngày.


NGƯỜI ĐẢNG VIÊN KIÊN TRUNG

Phải đến lần hẹn thứ tư, chúng tôi mới gặp được đầy đủ 3 đảng viên trong gia đình ông Trần Văn Loan. Ông Loan bận rộn với việc thu hoạch lúa hè thu, còn 2 đảng viên trẻ - con của ông đang tham gia cùng bà con phòng, chống dịch COVID-19.

Ông Trần Văn Loan (SN 1960), từng là chiến sỹ thuộc Cục Hậu cần (Quân khu IV) từ năm 1979-1983. 5 năm phục vụ trong quân ngũ, với tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình trong công việc, sớm thể hiện lập trường tư tưởng, ông được kết nạp vào Đảng năm 1982. Ông Loan chia sẻ: “Lúc đó, tôi mới 22 tuổi, được tham gia trong môi trường quân đội là một bước ngoặt lớn giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Tôi nghĩ rằng, người giáo dân tốt phải là người công dân tốt; công dân tốt lại là đảng viên nên càng nhân lên nhiều cơ hội để bản thân được cống hiến nhiều hơn”.


Khung cảnh nông thôn mới xã Gia Hanh.

Năm 1984, xuất ngũ trở về quê, người đảng viên, cựu quân nhân trẻ tiếp tục phát huy phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, năng nổ, tích cực tham gia các nhiệm vụ phát triển KT-XH tại địa phương. Cũng trong quãng thời gian này, ông được bầu làm Bí thư Chi bộ liên chi Đại Thành, xã Gia Hanh. Trong 7 năm liên tục đảm nhận vai trò Bí thư Chi bộ (1984-1991), ông Loan được phân công kiêm nhiệm chức vụ Trưởng ban Kiểm soát hợp tác xã nông nghiệp. Năm 1992, ông được phân công giữ cương vị mới là công chức văn hóa xã, rồi được bầu làm Phó Chủ tịch HĐND xã (1995), Phó Chủ tịch UBND xã (2010) và Chủ tịch Hội Nông dân xã (2016) cho đến khi về hưu vào tháng 4-2020.


Đại diện Đảng ủy xã Gia Hanh tới thăm và trò chuyện với gia đình đảng viên Trần Văn Loan.

Trong suốt hơn 35 năm gắn bó với việc làng, việc xã, điều ông Loan nhớ nhất đó là quãng thời gian được bầu làm bí thư chi bộ ghép. Tuổi đời và kinh nghiệm chưa nhiều nhưng khi được tổ chức tin tưởng, phân công, ông sẵn sàng nhận và không ngừng nỗ lực phấn đấu, vừa làm, vừa học hỏi để hoàn thiện bản thân, từng bước trở thành người bí thư chi bộ có phẩm chất, năng lực, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm.

Một dấu mốc đáng nhớ khác trong cuộc đời ông là thời điểm xã Gia Hanh bắt đầu công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM). Lúc đó, với vai trò là Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông Loan là một trong 5 hộ đầu tiên của xã tiên phong đăng ký cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu. “Vai trò của người đảng viên là phải đi đầu bước trước, tôi đã quyết tâm cải tạo vườn, san đất, trồng cây ăn quả và mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi theo tiêu chí của mô hình vườn mẫu” - ông Loan phấn khởi bộc bạch.


Hiệu quả kinh tế từ vườn mẫu của ông Loan đã thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế vườn mẫu, vườn hộ trong toàn xã.

Sau những ngày “ăn ngủ” cùng mô hình mới, khu vườn có diện tích 3.500 m2 của gia đình đã được phủ xanh 300 gốc cam và bưởi, hơn 400 m2 rau sạch, 1 ao cá; thả nuôi 5 con bò và 100 con chim cút, doanh thu mỗi năm hơn 300 triệu đồng. Hiệu quả từ làm vườn mẫu của người đảng viên, cựu quân nhân đã sớm trở thành mô hình trực quan thuyết phục, lan tỏa trong Nhân dân. Bà con bắt đầu tin tưởng, tham quan và làm theo, tạo nên phong trào phát triển kinh tế vườn mẫu, vườn hộ sôi nổi trong toàn xã.

Trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế ở vùng thuần nông để bản thân và bà con cùng có thêm thu nhập, ông Loan đã mạnh dạn tìm hiểu, du nhập nghề nuôi ong lấy mật về thí điểm ở địa phương và tiếp tục thu được kết quả khả quan. Chị Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Từ sự mở đường của người tiền nhiệm là bác Loan, hiện nay, mô hình nuôi ong đã được nhân rộng lên 57 hộ nuôi với 210 tổ ong. Năm 2018, HTX Nuôi ong lấy mật xã Gia Hanh đã được thành lập với sự tham gia của 29 hộ. Chỉ với 10 tổ ong, mỗi tháng, một hộ xã viên có thu nhập từ 4-5 triệu đồng”.

Không ngừng cống hiến sức lực và trí tuệ, đến tuổi nghỉ hưu, người đảng viên mẫu mực không nghỉ ngơi mà tiếp tục đóng góp cho phong trào thôn xóm. Tại đây, ông lại có điều kiện hơn về thời gian và sự gần gũi để động viên gia đình, xóm làng tham gia tích cực các phong trào của thôn, xã. Với uy tín của mình, ông kêu gọi tổ liên gia tự nguyện hiến ngày công, vật liệu xây dựng các công trình khu dân cư NTM kiểu mẫu, góp phần quan trọng xây dựng thôn Ngọc Lâm đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2021.

Với gần 40 năm tuổi Đảng, ông Trần Văn Loan đã dành thời gian, tâm huyết của mình góp phần xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh và truyền lửa nhiệt huyết cho thế hệ trẻ. Không phụ lòng của cha, các con ông là những người có lý tưởng, luôn xác định được trách nhiệm của tuổi trẻ trong xây dựng và phát triển quê hương. Với việc tham gia tích cực vào các hoạt động phong trào của địa phương, các anh chị đã sớm được tổ chức giới thiệu kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. “Tôi giáo dục các con bằng chính thực tiễn cống hiến của mình và tạo điều kiện để các con phát triển bản thân. Tôi tâm niệm hãy luôn sống với nụ cười rộng mở, chân thành, tâm đức thì tự khắc cuộc đời cũng sẽ nở nụ cười với mình” - ông Loan trải lòng.

GIA ĐÌNH ĐẢNG VIÊN, HẠT NHÂN CỦA CÁC PHONG TRÀO

Được "tiếp lửa” từ người cha là đảng viên - cựu quân nhân gương mẫu, con gái út của ông Trần Văn Loan là Trần Thị Nhẫn (SN 1991) đã sớm có lập trường chính trị vững vàng, luôn nỗ lực, phấn đấu và sớm được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Trong thời gian là sinh viên Trường Đại học Tây Bắc (tỉnh Sơn La), với thành tích học tập tốt và năng nổ trong hoạt động Đoàn, năm 2012, Nhẫn được tham gia lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng. Năm 2013, tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi, Nhẫn quyết tâm trở về quê cống hiến sức trẻ của mình bằng niềm đam mê hoạt động phong trào.

Là cán bộ hợp đồng tại Văn phòng UBND xã, được rèn luyện, trưởng thành, năm 2014, quần chúng ưu tú Trần Thị Nhẫn được kết nạp vào Đảng. Nhẫn tâm sự: “Tham gia phong trào, hoạt động xã hội, mới thấy mình được sống đúng với tuổi trẻ và hoài bão của mình. Hơn nữa, trong mọi việc tôi làm luôn được bố - người đảng viên, người bạn lớn dìu dắt, vì vậy, tôi luôn vững tin để cống hiến sức trẻ. Được đứng vào hàng ngũ của Đảng là niềm vinh dự, tự hào, tôi càng thấy trách nhiệm của mình lớn hơn”.

Tháng 6-2020, đảng viên trẻ Trần Thị Nhẫn được bầu làm Bí thư Đoàn xã Gia Hanh. Trên hành trình mới, nữ thủ lĩnh Đoàn đã phát huy vai trò, trách nhiệm của người đảng viên trong tập hợp, lãnh đạo đoàn viên, thanh niên triển khai nhiều phong trào, hoạt động có hiệu quả như: thanh niên lập thân lập nghiệp, thanh niên tình nguyện vì cộng đồng; vận động nguồn lực từ đồng bào xa quê qua mạng xã hội để giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách vượt qua khó khăn…

Người đảng viên thứ 3 trong gia đình ông Loan là con rể thứ 2 - anh Nguyễn Văn Chiển (SN 1989). Tham gia công tác Đoàn địa phương từ năm 2007, là Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn xã - Bí thư Chi đoàn thôn Ngọc Lâm, từ tấm gương của ông Loan, anh Chiển giác ngộ lý tưởng cách mạng và phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng khi mới 23 tuổi. Với vai trò của một đảng viên, người đứng đầu tổ chức Đoàn cơ sở, anh Chiển đã phát huy vai trò là hạt nhân trong các phong trào địa phương. Anh đã phối hợp tổ chức nhiều chương trình dạy nghề, hướng nghiệp cho học sinh; mở khóa đào tạo nghề ngắn hạn cho bà con địa phương…

“Tham gia vào tổ chức Đảng, tôi cảm thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều, lập trường vững vàng, kiên định hơn và trách nhiệm với các phong trào cũng phải đặt cao hơn. Tôi cảm ơn bố vợ nhiều, vì những lúc tôi khó khăn thì ông chính là điểm tựa, là người truyền cho tôi nguồn năng lượng tích cực nhất” - anh Chiển chia sẻ. Từ tháng 9/2020, anh Chiển được giao giữ chức vụ Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã kiêm Phó Bí thư Đoàn xã.


Anh Nguyễn Văn Chiển đã phối hợp tổ chức nhiều chương trình dạy nghề, hướng nghiệp cho thanh niên, học sinh… để cùng nhau phát triển kinh tế.

Ở Chi bộ Đại Thành, 3 cha con ông Loan luôn là những đảng viên tiêu biểu. Đối với việc đạo, họ cũng là những giáo dân tích cực, gương mẫu trong các hoạt động giáo họ, giáo xứ, được bà con quý mến, tin tưởng.

Ông Phan Văn Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Gia Hanh tự hào chia sẻ: “Xã có hơn 8.000 nhân khẩu, với 50% là người có đạo. Những năm qua, bà con lương giáo luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương, trong đó có vai trò “đi đầu bước trước” của các đảng viên trên tất cả các phong trào, các cuộc vận động, nổi bật là gia đình đảng viên Trần Văn Loan ở thôn Ngọc Lâm. Không chỉ là những đảng viên có đạo mẫu mực, hạt nhân tiêu biểu trong các phong trào, họ còn là những nhân tố tích cực, gương mẫu trong phong trào đoàn kết lương giáo, sống tốt đời đẹp đạo, góp phần củng cố khối đại đoàn kết vững chắc để xây dựng cuộc sống mới”.

BÀI, ẢNH: NHÓM PV CTXH

THIẾT KẾ: HUY TÙNG

Con đường bê tông rộng rãi uốn mình bên sông dẫn chúng tôi về xứ đạo Quèn Đông, thuộc xã Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên) - nơi có người đảng viên được Đảng tin, dân mến. Ông Trương Văn Phú - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã - một cựu chiến binh, giáo dân “sống tốt đời, đẹp đạo”, đã có nhiều năm tháng lao động, cống hiến, góp phần xây dựng xứ đạo giàu đẹp, bình yên.


NIỀM VUI LÀM "CÔNG BỘC" CỦA DÂN

Sinh ra trong một gia đình giáo dân ở làng biển nghèo Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên), đến tuổi trưởng thành, ông Trương Văn Phú (SN 1967) chọn môi trường quân ngũ để tôi luyện. Với sự tháo vát, cẩn thận, ông được giao làm thủ kho quân khí Trung đoàn 455 và được tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức Đảng vào năm cuối cùng trong quân đội (1988). Năm 1989, ông trở về địa phương, lập gia đình và bắt tay phát triển kinh tế. Năm 1994, ông Phú bắt đầu tham gia công việc của thôn với vị trí thôn phó, rồi được bầu làm Trưởng thôn 5.

Có năng lực lãnh đạo và phẩm chất chính trị, cùng với sự nhiệt tình, năng động, quyết đoán trong công việc, ông Phú dần trưởng thành và được điều động làm Phó ban Văn hóa kiêm thủ quỹ UBND xã vào năm 2000. Cũng từ đây, ông có điều kiện thuận lợi hơn để bước tiếp trên con đường thực hiện lý tưởng, khát vọng mà mình ấp ủ. Tháng 4/2001, quần chúng ưu tú Trương Văn Phú chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng, vững tin với sứ mệnh một “công bộc” của Nhân dân.

Ông Phú kể, năm 2004, ông được giao làm công tác văn phòng - thống kê của UBND xã, trực tiếp phụ trách giao dịch một cửa, tiếp công dân và có 12 năm phục vụ Nhân dân về thủ tục hành chính. “Là xã đông dân (5.200 nhân khẩu) nên các hồ sơ, thủ tục cần giải quyết rất nhiều. Công việc bận rộn như con mọn, đi sớm, về muộn nhiều năm trời, nhưng tôi luôn tự nhủ mình phải cố gắng. Tôi cũng thường nói với anh em rằng: Người dân họ giỏi đánh cá, nuôi tôm, cấy lúa chứ làm sao rành các thủ tục hành chính, viết lách. Phải thực sự đặt mình vào vai “công bộc” của Nhân dân như lời Bác dạy thì mới thông suốt công việc, mà quan trọng nhất là phục vụ Nhân dân tốt nhất” - ông Phú chia sẻ.

Tháng 7-2015, ông Trương Văn Phú được bầu làm Phó Chủ tịch HĐND xã. Đây cũng là chặng đường cống hiến nhiều dấu ấn của ông, nhất là thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển vào năm 2016. Hơn 50% số dân Cẩm Lộc làm nghề đánh bắt hải sản nên chịu ảnh hưởng rất lớn, theo đó cũng dễ phát sinh phức tạp, bất ổn. Nhạy cảm nhận định tình hình, ông Phú đã có nhiều đóng góp cùng cả hệ thống chính trị xã Cẩm Lộc tuyên truyền, vận động Nhân dân ổn định tư tưởng, tin tưởng, hợp tác để cùng địa phương thực hiện tốt các chính sách đền bù, hỗ trợ của Nhà nước.

“Chúng tôi bám sát thực tế từng hộ, đánh giá kỹ, tìm hiểu thông tin nhiều chiều để đảm bảo việc kê khai thực sự chính xác, công bằng, khách quan. Chính sự minh bạch, khoa học trong thực hiện đã ngăn chặn được những kẽ hở, không để các phần tử xấu lợi dụng, xuyên tạc, đồng thời tạo nên sự đồng thuận, đoàn kết của bà con Nhân dân”, ông Phú chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Tuân - Phó Chủ tịch UBND xã, cũng là một đảng viên có đạo ở xã Cẩm Lộc cho biết, sau sự cố môi trường biển, xã thực hiện đền bù 3,7 tỷ đồng cho 1.200 lao động mà không hề xảy ra khiếu kiện, phức tạp. Cẩm Lộc đã triển khai khá tốt các chính sách hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất với hàng tỷ đồng để đóng mới 3 tàu lớn có công suất 450 CV, sửa chữa, nâng công suất nhiều tàu cá cho ngư dân... Đến nay, toàn xã có 34 tàu thuyền có công suất từ 90 - 450 CV hoạt động hiệu quả; 48 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản nhanh chóng phục hồi và được người dân chuyển hướng mạnh sang đầu tư thâm canh.

LAN TOẢ TINH THẦN ĐOÀN KẾT, ĐƯA XÃ VÙNG GIÁO ĐI LÊN

Từ năm 2017, xã Cẩm Lộc bước vào giai đoạn tăng tốc, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), các đoàn công tác của xã được phân công về phụ trách địa bàn từng thôn. Những ngày bám trụ tại thôn Đông Phong - địa bàn có điểm xuất phát rất thấp để xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu là thời gian khó quên của ông Phú.

Nhớ ngày đầu thôn tổ chức họp dân bàn xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, mời đoàn công tác của xã xuống dự, người dân có đến họp nhưng bỏ về gần hết. Khó khăn là thế, nhưng nhờ kiên trì, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động, xắn tay áo làm cùng dân, cuối cùng sức dân cũng được khơi dậy mạnh mẽ. Từ đơn vị có điều kiện hạ tầng cơ sở hết sức thấp kém, năm 2019, Đông Phong trở thành thôn đầu tiên của xã Cẩm Lộc đạt khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Năm 2018, ông Phú được bầu làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã. Với kinh nghiệm dày dặn, đảng viên Trương Văn Phú đã tích cực tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân. Ông cũng phát huy vai trò là cầu nối giữa chính quyền địa phương với linh mục quản xứ, hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ về công tác tuyên truyền, vận động bà con giáo dân chung tay xây dựng NTM.

Năm 2019, Cẩm Lộc thực hiện thành công nhiệm vụ sáp nhập thôn, giảm từ 9 xuống còn 5 thôn. Các thôn mới ra đời đã sớm được kiện toàn, ổn định tổ chức và tiếp tục đoàn kết, thống nhất cùng hướng về mục tiêu xây dựng NTM. Trong năm 2019, thôn Minh Lộc đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu; Vinh Lộc và Tân Trung Thủy - 2 thôn có tỷ lệ giáo dân trên 90% cũng đang phấn đấu đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu vào năm 2022. Năm 2019, xã Cẩm Lộc đạt chuẩn NTM, trước 1 năm so với kế hoạch đề ra và đang khởi động lộ trình xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2023. Đến nay, xã Cẩm Lộc nói chung và các thôn vùng giáo nói riêng đã thực sự thay đổi diện mạo, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 37 triệu đồng.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Trương Văn Phú tặng quà cho gia đình bà Trần Thị Nhân, có chồng bệnh nặng, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (ảnh 1). Câu lạc bộ “Sống tốt đời đẹp đạo - xây dựng gia đình hạnh phúc” lao động chỉnh trang thôn xóm (ảnh 2). Chủ tịch MTTQ xã đồng hành, sát cánh cùng người dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới (ảnh 3). Cùng các tổ liên gia nấu cơm phục vụ công dân cách ly tập trung trên địa bàn (tháng 8-2021). (ảnh 4).

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Trương Văn Phú cũng đã phát huy vai trò trong việc huy động sức dân để thực hiện tốt phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. 5 năm qua, Ủy ban MTTQ xã Cẩm Lộc đã khâu nối các nhà tài trợ và sự đóng góp của người dân để làm mới 34 nhà ở cho hộ nghèo; nhiều chương trình hỗ trợ, tặng quà được triển khai hiệu quả, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo bình quân của xã xuống còn 3,4%.

Là một đảng viên có đạo, ông Phú luôn quan tâm, trăn trở với việc phát hiện, bồi dưỡng, phát triển những nhân tố trẻ, xây dựng đội ngũ cốt cán vùng giáo. Chị Lê Thị Thiên, một giáo dân - Bí thư Chi đoàn, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Tân Trung Thủy cho biết: “Với sự hỗ trợ, động viên của những cán bộ đi trước như bác Phú, tôi đã nêu cao trách nhiệm gánh vác công việc của các đoàn thể, tập hợp, phát huy sức trẻ trong phong trào xây dựng NTM. Tôi cũng đã mạnh dạn ứng cử và được bầu làm đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2021 - 2026”.

Không nề hà khó khăn, vất vả, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được giao, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Cẩm Lộc còn đảm nhiệm thêm các vai trò như: Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Chủ tịch Hội Khuyến học xã.

Theo lời nhận xét của ông Võ Nam - Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Lộc: “Là đảng viên có đạo tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, đồng chí Trương Văn Phú có những thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Điều quan trọng là đồng chí luôn giữ vững lập trường tư tưởng, kiên định với lý tưởng của Đảng, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, mọi phong trào. Tấm gương sáng của một đảng viên “sống tốt đời, đẹp đạo, kính chúa, yêu nước” đã có sức lan tỏa sâu rộng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần xây dựng cuộc sống ấm no, an lành ở địa phương vùng biển”.

BÀI, ẢNH: NHÓM P.V CT-XH

THIẾT KẾ: HUY TÙNG




Từ một thôn nghèo vùng sâu với 109 hộ dân, 345 nhân khẩu, thôn Phú Hưng hôm nay đã trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở xã Phú Gia, Hương Khê. Trong thành quả chung đó, nữ Bí thư Chi bộ là người có đạo - Nguyễn Thị Hợi (SN 1983) được cán bộ, đảng viên và Nhân dân ghi nhận là người khởi xướng và dẫn dắt phong trào.


"MẦM XANH" BÉN RỄ TRÊN VÙNG ĐỒI NÚI PHÚ HƯNG

Thôn Phú Hưng, xã Phú Gia - vùng quê vốn heo hút nằm dưới dãy núi Giăng Màn đang khoác lên mình “chiếc áo mới”. 6 năm qua, nhờ sự đồng lòng và quyết tâm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, từ con số không về các tiêu chí, Phú Hưng trở thành một trong hai thôn đầu tiên của xã đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Ông Phan Đình Trọng - Phó Bí thư Đảng ủy xã Phú Gia cho biết: “Đây là kết quả từ sự hòa quyện giữa ý Đảng với lòng dân. Trong đó phải kể đến dấu ấn trong lãnh đạo phong trào của đồng chí Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Nguyễn Thị Hợi. Bản lĩnh chính trị vững vàng, có sức trẻ, trí tuệ, nhiệt tình, xông xáo trên mọi lĩnh vực, đồng chí đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, sáng tạo và huy động được sức mạnh tổng hợp của Nhân dân để vượt qua khó khăn, đưa phong trào phát triển vững mạnh”.

Chúng tôi đến nhà văn hóa thôn Phú Hưng để gặp nữ bí thư vừa lúc chị trở về từ “công trường” làm đường giao thông nông thôn. Người phụ nữ khá trẻ, dong dỏng cao, mồ hôi còn chưa ráo trên khuôn mặt nở nụ cười chào khách. Trò chuyện cùng chị Hợi, chúng tôi cảm nhận rõ sự chín chắn, dày dặn trong cách nói, cách nghĩ của một đảng viên đã gắn bó và cống hiến hết mình cho sự phát triển của thôn Phú Hưng suốt 12 năm nay.


Sự khởi sắc của làng quê Phú Hưng ngày nay có công lớn của nữ Bí thư Chi bộ Nguyễn Thị Hợi - một đảng viên có đạo.

Chị Hợi sinh ra trong gia đình công giáo ở xã Hương Giang (Hương Khê). Năm 2001, sau khi tốt nghiệp THPT, chị Hợi tham gia phong trào Đoàn và một số nhiệm vụ khác của địa phương. Cuối năm 2009, chị kết hôn và về nhà chồng ở thôn Phú Hưng, bắt đầu tham gia sinh hoạt trong Chi hội Phụ nữ thôn.

Năng nổ, nhiệt tình trong công tác hội, cuối năm 2012, chị Hợi được chị em tín nhiệm bầu giữ chức Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Phú Hưng. Cũng trong năm này, chị được giới thiệu đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Sau một năm thử thách, tháng 12/2013, chị Hợi vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Chị Hợi tâm sự: “Được đoàn thể ghi nhận những nỗ lực của mình và giới thiệu kết nạp vào Đảng, bản thân hết sức vinh dự và tự hào. Bên cạnh đó, trong mỗi nhiệm vụ được giao, tôi cũng luôn đặt ra cho mình những yêu cầu và trách nhiệm cao hơn để xứng đáng là một đảng viên, xứng đáng với sự tin tưởng của tổ chức”.

7 năm liền gắn bó với công tác hội và phong trào phụ nữ của thôn, đảng viên trẻ Nguyễn Thị Hợi đã để lại dấu ấn rõ nét trong phát động và thực hiện phong trào phụ nữ đoàn kết giúp nhau cùng tiến bộ, phát triển kinh tế… Tiêu biểu như: vận động chị em phát triển 30 mô hình chăn nuôi, hàng chục mô hình làm vườn cho thu nhập khá; đề xuất ý tưởng thành lập tổ hợp tác (THT) sản xuất tinh bột nghệ, bột sắn với hội cấp xã và cấp huyện. Đầu năm 2019, THT Sản xuất tinh bột nghệ, bột sắn ở Phú Hưng ra đời, với sự tham gia của 10 gia đình. THT đã giải quyết việc làm cho 60 lao động nữ trong thôn với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.

Những thành tích trong công tác của chị được cấp ủy, ban cán sự thôn và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Tháng 3/2019, chị Nguyễn Thị Hợi được Chi bộ thôn Phú Hưng bầu làm Bí thư Chi bộ nhiệm kỳ 2019-2021 kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận thôn. 2 năm qua, trên cương vị mới, chị Hợi tiếp tục lãnh đạo thôn Phú Hưng giữ vững danh hiệu chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu, lãnh đạo thôn củng cố, nâng cao các tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu…

VỮNG VÀNG NHỜ "PHÙ SA" CÁCH MẠNG

Thành công mà nữ Bí thư Chi bộ Nguyễn Thị Hợi đạt được, ngoài sự nỗ lực của bản thân còn nhờ sự ủng hộ tích cực từ gia đình, các đảng viên lão thành trong chi bộ, các cấp chính quyền và Nhân dân thôn Phú Hưng.

Chị vẫn thường nói, Phú Hưng là vùng quê giàu “phù sa” cách mạng nuôi dưỡng chị trưởng thành. “Điều may mắn của tôi là được chồng và bố mẹ chồng luôn động viên, ủng hộ trong tham gia công tác xã hội; người dân trong thôn, nhất là chị em phụ nữ luôn đồng thuận, chia sẻ và các đảng viên đi trước luôn quan tâm dìu dắt, chỉ bảo để tôi phấn đấu trưởng thành” - chị Hợi chia sẻ.

Chồng chị Hợi là anh Phan Đình Hùng, hiện công tác ở Chi nhánh Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh - Cấp nước Hương Khê. Gia đình anh chị có 2 con nhỏ. Để vừa tham gia việc xã hội, vừa có thể chăm sóc gia đình trọn vẹn, chị Hợi phải nỗ lực rất lớn. Nhưng điều may mắn là chị luôn được chồng chia sẻ, động viên. “Tôi rất vui khi vợ là người năng nổ, nhiệt tình trong tham gia công tác xã hội, được tổ chức ghi nhận và bà con tin yêu” - anh Hùng chia sẻ.


7 năm làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn, gần 3 năm làm Bí thư Chi bộ, chị Nguyễn Thị Hợi luôn đồng hành với người dân trong phát triển các mô hình kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Chị Lê Thị Sỹ - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Phú Hưng nhớ lại: “Lúc mới về làm dâu, chị Hợi còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng chúng tôi đã nhận thấy năng lực của chị nên động viên tham gia phong trào hội và được bầu làm Chi hội trưởng. Không phụ lòng chúng tôi, bây giờ chị đã được bầu làm Bí thư Chi bộ. Chị em phụ nữ chúng tôi rất tự hào về chị”.

Là một nữ Bí thư Chi bộ tuổi đời và tuổi Đảng còn trẻ, để lãnh đạo một chi bộ có 18 đảng viên, chị Hợi phải cố gắng vươn lên rất nhiều. Ông Phan Hồng Nhâm - Phó Bí thư Chi bộ thôn Phú Hưng nói: “Là người đứng đầu chi bộ nhưng đồng chí Nguyễn Thị Hợi luôn học hỏi, cầu tiến, biết lắng nghe và tranh thủ ý kiến của cán bộ, đảng viên, của Nhân dân để tích lũy kiến thức lãnh đạo, chỉ đạo. Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn yên tâm, ủng hộ và tích cực hỗ trợ để đồng chí hoàn thành nhiệm vụ, xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh, đưa phong trào của thôn đi lên”.

Bắt tay xây dựng NTM từ năm 2015, đến năm 2019, thôn Phú Hưng đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu. Toàn thôn đã làm được 1,3 km đường giao thông nông thôn, xây dựng được 8 vườn mẫu cho thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm, hàng chục mô hình chăn nuôi gia súc; 10/10 tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu tiếp tục được nâng cao; vận động 20 hộ dân hiến 1.300 m2 đất, riêng gia đình chị Hợi hiến gần 300 m2… Từ thu nhập bình quân của người dân trong thôn 20 triệu đồng vào năm 2015, đến năm 2020 đạt 32 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,75%.

Chia sẻ về quá trình nỗ lực của mình, Bí thư Chi bộ Nguyễn Thị Hợi bày tỏ: “Có được thành công nhất định trong công tác xã hội, tôi mong muốn các bạn trẻ, nhất là đồng bào có đạo thấu hiểu hơn về vai trò của người đảng viên. Vào Đảng là để cống hiến, góp phần xây dựng quê hương, đất nước, để có cuộc sống tốt hơn và thực sự có điều kiện tốt hơn để làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của một người công giáo - “sống tốt đời đẹp đạo”, “sống phúc âm trong lòng dân tộc”.

Được biết, hiện ở thôn Phú Hưng có 5 chị em là người có đạo lấy chồng về đây và đều được chị Hợi, các tổ chức vận động tham gia các hoạt động của thôn. Trong đó, chị Nguyễn Thị Trang, hiện là Bí thư Chi đoàn đang chuẩn bị tham gia học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng.

Chia tay Bí thư Chi bộ Nguyễn Thị Hợi và các đồng chí cấp ủy thôn Phú Hưng giữa trời thu vàng nắng; làng quê miền sơn cước như khang trang, bình yên hơn bên những con đường bê tông tít tắp, hòa trong sắc xanh của núi, của vườn, chúng tôi càng thêm yêu một vùng quê đang hừng hực khí thế xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu. Nơi đó có nữ Bí thư Chi bộ là người theo đạo đang ngày ngày vững vàng với vai trò chèo lái phong trào.

BÀI, ẢNH: NHÓM P.V CT-XH




Phát triển đảng viên, trong đó có đảng viên có đạo là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của các cấp ủy đảng ở Hà Tĩnh nhằm góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.


LỰC LƯỢNG NÒNG CỐT TẠO SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Ở VÙNG GIÁO

Theo đánh giá chung, đảng viên, cốt cán là người có đạo ở Hà Tĩnh đều gương mẫu, nhiệt tình, tận tụy với công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. Nhiều đồng chí được Đảng bộ, Nhân dân tín nhiệm bầu giữ các chức vụ chủ chốt trong hệ thống chính trị cơ sở, góp phần quan trọng tạo sự ổn định, phát triển của 131 xã vùng giáo nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

Tại xã Gia Hanh (Can Lộc), cùng với gia đình 3 đảng viên có đạo mà chúng tôi đã đề cập ở bài viết trước, xã còn có 6 đảng viên có đạo. Đội ngũ cán bộ có đạo (gồm 23 người) đã và đang góp sức xây dựng địa phương vùng trà sơn này phát triển từng ngày.

Ông Phan Văn Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Gia Hanh khẳng định: “Thời gian qua, đội ngũ đảng viên, cốt cán vùng giáo đã đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của xã. Họ là những người đi đầu, gương mẫu trong phát triển kinh tế, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và cũng là những người có uy tín trong đồng bào lương, giáo; tạo mối đoàn kết, một lòng vì mục tiêu chung xây dựng xã nhà phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”.

Xã Thạch Trung (TP. Hà Tĩnh) - địa bàn có hơn 73% giáo dân, nhiều năm qua đã bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng được đội ngũ cán bộ cốt cán với 55 đồng chí là cán bộ, công chức cấp xã, bí thư, thôn trưởng, trưởng các đoàn thể, thôn đội trưởng, công an viên; toàn xã có 50 đảng viên là người có đạo. Lực lượng này đã trực tiếp góp sức cùng địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới (NTM) nâng cao vào cuối năm 2020 và đang phấn đấu xây dựng đạt NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2023.

Sự nỗ lực cống hiến của đảng viên, cốt cán vùng giáo cũng đã góp phần quan trọng cho phong trào phát triển KT-XH ở các địa phương như: thị trấn Tiên Điền (Nghi Xuân); Thạch Hạ, Thạch Trung (TP Hà Tĩnh); Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh); Nam Điền, Thạch Long (Thạch Hà); Gia Hanh, Vượng Lộc, Xuân Lộc (Can Lộc); Hương Trạch, Gia Phố, Hòa Hải (Hương Khê); Cẩm Lộc, Cẩm Nhượng, Cẩm Quang, Cẩm Thạch, Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên); thị trấn Đức Thọ, Liên Minh (Đức Thọ); Sơn Tiến (Hương Sơn)…

Bà Hà Thị Việt Ánh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cẩm Xuyên chia sẻ: “Cẩm Xuyên có gần 11% đồng bào công giáo, trong đó có hơn 300 người là đảng viên, cốt cán vùng giáo. Thời gian qua, đồng bào công giáo nói chung, đảng viên và cán bộ cốt cán vùng giáo nói riêng đã phát huy vai trò tích cực, động viên bà con nhân dân thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Tinh thần đoàn kết lương giáo, khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn luôn được giữ vững”.

Toàn tỉnh hiện có trên 1.000 cán bộ, đảng viên có đạo đang tham gia công tác, sinh hoạt trong các cơ quan, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó, hơn 600 đảng viên sinh hoạt ở các chi bộ trong toàn tỉnh. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua, toàn tỉnh có 235 người có đạo trúng cử vào HĐND các cấp.

Đến nay, Hà Tĩnh có 82/131 xã có đồng bào công giáo đã đạt chuẩn NTM; 97 thôn vùng giáo đạt khu dân cư NTM; toàn tỉnh có trên 421/575 thôn, tổ dân phố có đông đồng bào công giáo đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”... Cốt cán, đảng viên có đạo đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác vận động quần chúng nhân dân, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, làm nền tảng giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

"KHU VƯỜN RỘNG" CHO "HẠT GIỐNG ĐỎ" NẢY MẦM

Để phát huy hơn nữa vai trò của đảng viên, cốt cán có đạo, những năm qua, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách về tôn giáo, trong đó đã chỉ đạo, củng cố, xây dựng hệ thống chính trị, chi bộ vùng giáo, phát triển đảng viên là người có đạo. Nhiều địa phương đã tập trung chỉ đạo và có cách làm hiệu quả để kết nạp quần chúng ưu tú là người có đạo vào Đảng, góp phần tạo nguồn cán bộ, đảng viên bổ sung cho địa phương.


Thôn trưởng thôn 7, xã Hòa Hải (Hương Khê) Phan Xuân Thạch (bên phải) chọn con đường phấn đấu vào Đảng để tiếp tục được cống hiến và phát triển bản thân.

Anh Phan Xuân Thạch - Trưởng thôn 7, xã Hòa Hải (Hương Khê) là một trong hai đảng viên có đạo vừa được kết nạp Đảng trong tháng 5/2021. Anh Thạch (SN 1981) đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh nhưng gia đình neo người nên quyết định ở nhà làm kinh tế. Là một công dân gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào, thường đề xuất nhiều sáng kiến trong xây dựng NTM, anh được các đồng chí trong Chi ủy và Đảng ủy xã quan tâm, động viên, định hướng phấn đấu trở thành đảng viên. Sau một thời gian suy nghĩ, anh quyết định chọn con đường phấn đấu vào Đảng để tiếp tục nỗ lực cống hiến và phát triển bản thân.

Trong bối cảnh thôn đang dồn sức xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, cần đội ngũ cán bộ trẻ để thay thế những người lớn tuổi gánh vác nhiệm vụ, ngay sau khi kết nạp Đảng, tháng 6/2021, anh Thạch được giới thiệu và được người dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn. “Điều thuận lợi là Chi bộ 7 của chúng tôi có 3/15 đảng viên là người có đạo, trong đó có 2 đồng chí là Bí thư và Phó Bí thư với tuổi đời còn khá trẻ. Nhờ đó, để lãnh đạo thực hiện xây dựng khu dân cư kiểu mẫu ở địa bàn rốn lũ, nơi có gần 50% dân số là bà con có đạo, dù khó khăn nhưng tôi tin có quyết tâm thì sẽ thành công”, anh Thạch chia sẻ.

Theo bà Từ Thị Hòa - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hương Khê, để có được con số kết nạp mới 120 đảng viên, trong đó có 5 đảng viên có đạo, 8 tháng đầu năm, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành kế hoạch phát triển đảng viên; tập trung cao cho phát triển đảng viên vùng khó khăn, vùng giáo. Các đảng bộ cơ sở sau khi được giao nhiệm vụ đã có sự quan tâm trong phát hiện nguồn kết nạp Đảng từ các tổ chức, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, từ đó bồi dưỡng nhận thức về Đảng, cách mạng, về truyền thống của quê hương, đất nước”.

Cũng với cách làm khá sâu sát, cụ thể, Đảng bộ TP Hà Tĩnh kết nạp mới được 2 đảng viên vùng giáo trong 8 tháng đầu năm nay. Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Tống Thị Quỳnh Hoa, muốn tìm được “hạt giống đỏ”, cấp ủy các cấp phải thực sự dành thời gian sâu sát cơ sở để tìm kiếm, bồi dưỡng. Khi đã tìm được nhân tố thì phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và thực sự đặt mình trong hoàn cảnh của những quần chúng ưu tú là đồng bào có đạo để gần gũi, định hướng, hỗ trợ họ vượt qua những khó khăn nhằm thực hiện lý tưởng, con đường phát triển của mình.

CẦN SỰ TÂM HUYẾT, LINH HOẠT 

TRONG PHÁT TRIỂN ĐẢNG VIÊN LÀ NGƯỜI CÓ ĐẠO

Mặc dù đã đạt được một số kết quả, nhưng xét về tổng thể, thời gian qua, công tác phát triển đảng viên là người có đạo vẫn còn những khó khăn. Theo thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, từ năm 2011-2020, các cấp ủy Đảng đã bồi dưỡng, kết nạp được 133 quần chúng ưu tú là đồng bào có đạo vào Đảng, trong đó, từ 2016-2020 kết nạp được 46 đồng chí. 8 tháng năm 2021, sau khi tập trung cao các giải pháp phát triển Đảng theo nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, toàn tỉnh kết nạp được 7 đảng viên là người có đạo, trong đó 5 đảng viên ở Hương Khê và 2 đảng viên ở TP. Hà Tĩnh.

Thực tế cho thấy, công tác phát triển Đảng, trong đó có đảng viên là người có đạo và xây dựng cốt cán vùng giáo vẫn còn nhiều khó khăn. Bên cạnh những khó khăn chung về phát triển đảng viên, đối với các vùng giáo, nhiều quần chúng chưa tích cực tham gia các hoạt động xã hội; ở một số vùng có tỷ lệ người dân theo đạo cao, nhiều chức sắc, chức việc chưa tạo điều kiện cho giáo dân tham gia các hoạt động xã hội, phấn đấu vào Đảng.

Chia sẻ cách làm trong kết nạp đảng viên có đạo ở địa phương (xã vừa phát triển được 2 đảng viên là người có đạo trong năm nay), bà Hồ Thị Huyền - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hòa Hải cho biết: “Bài học được rút ra là, trước hết cấp ủy Đảng các cấp phải nắm vững chính sách đại đoàn kết dân tộc và chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng; nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị tại các địa bàn vùng giáo để tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phát hiện, bồi dưỡng tạo nguồn để phát triển đảng viên là người có đạo. Đặc biệt, thường xuyên giao nhiệm vụ cho đảng viên sau khi kết nạp, đồng thời theo dõi, thử thách để phát triển nguồn cán bộ kế cận cho Đảng”.


Xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) ngày càng khởi sắc.

Còn đối với mong muốn của các đảng viên có đạo, ông Trần Văn Loan ở xã Gia Hanh (Can Lộc) và ông Nguyễn Văn Anh - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Cẩm Xuyên cùng chung ý kiến: Mặc dù tỉnh đã ban hành chính sách đặc thù về xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán vùng giáo, nhưng các cấp ủy Đảng cần có sự quan tâm hơn nữa đối với đảng viên, cốt cán là người có đạo, nhất là các đảng viên tham gia hệ thống chính trị cấp cơ sở nhưng khi nghỉ hưu không thuộc diện được hưởng các chế độ hưu trí, như vậy mới động viên được họ phát huy tính gương mẫu, cống hiến hết mình cho phong trào, đồng thời tạo động lực phấn đấu vào Đảng cho các quần chúng là người có đạo.

Gợi mở một số giải pháp trong phát triển đảng viên là người có đạo thời gian tới, đồng chí Võ Hồng Hải - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng, các cấp ủy Đảng cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong tạo nguồn và cả trong giữ nguồn đảng viên. Tiếp tục có sự quan tâm một cách cụ thể để quần chúng ưu tú là người có đạo sớm được kết nạp vào Đảng, vừa thực hiện lý tưởng, mục tiêu phấn đấu, vừa phát huy tốt vai trò cá nhân là cầu nối tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, đồng bào tôn giáo thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Bên cạnh đó, cần xây dựng mối quan hệ linh hoạt, hài hòa, bền chặt, tin cậy giữa cấp ủy, chính quyền với các chức sắc, chức việc trên địa bàn, tạo sự đoàn kết, đồng thuận để phát triển KT-XH ở địa phương và giúp đảng viên, cốt cán vùng giáo có điều kiện thuận lợi để cống hiến, phát triển.

Thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo tiếp tục khảo sát, đánh giá lại thực trạng về hoạt động của hệ thống chính trị các cấp, các tổ chức đoàn thể và việc phát triển đảng viên ở vùng có đồng bào tôn giáo, từ đó tập trung phát huy các ưu điểm đã đạt được, khắc phục những hạn chế để có các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả hơn.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu: “Phát triển đảng viên mới, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào theo đạo và trong khu vực kinh tế tư nhân, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài” nhằm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Trong năm đầu thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, ở nhiều địa phương, các cấp ủy Đảng đang tập trung chỉ đạo phát triển đảng viên mới với những giải pháp, chỉ tiêu cụ thể. Nhiều ý kiến cho rằng, trên lộ trình đó, cấp ủy các cấp cần thực sự quan tâm, trăn trở đề ra chỉ tiêu cụ thể hằng năm và có phương pháp, cách làm mới, có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn để phát triển đảng viên là người có đạo. Sự vào cuộc tâm huyết, trách nhiệm và chủ động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong công tác phát triển đảng viên là người có đạo chính là “phù sa cách mạng” để có thêm nhiều “hạt giống đỏ” nảy mầm.

BÀI, ẢNH: NHÓM P.V CT-XH

THIẾT KẾ: HUY TÙNG

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất