Củng cố niềm tin trong nhân dân


Đ/c Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương và đ/c Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trao Giải B cho các tác giả, nhóm tác giả


Củng cố niềm tin trong nhân dân

Chính quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” luôn được những lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước thúc đẩy, duy trì... đã củng cố niềm tin trong nhân dân.


10 đại án tham nhũng Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu đưa ra xét xử năm 2020

ĐỒ HỌA: ĐÔNG XUÂN

Trong hơn 4 năm qua, quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” luôn được những lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước duy trì, thúc đẩy với sự kiên quyết: Ai bàn lùi thì đứng sang một bên cho người khác làm!

“Phát súng đầu tiên”

Ngày 9.6.2016, chưa đầy 5 tháng sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ Tổng bí thư, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thông báo yêu cầu Ủy ban Kiểm tra T.Ư kiểm tra, làm rõ vụ việc Trịnh Xuân Thanh, khi đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, sử dụng xe tư nhân gắn biển số xanh mà báo chí phản ánh. Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng - người giữ cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư khi đó - đánh giá, vụ việc Trịnh Xuân Thanh có ý nghĩa “mở đầu” cho sự đổi mới công tác kiểm tra Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII. Đây cũng được coi là “phát súng đầu tiên” cho cuộc chiến chống tham nhũng nhiệm kỳ Đại hội XII.

“Tôi đã nhiều lần nói rồi, nay xin nhắc lại: những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm!”

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong đó nhấn mạnh việc chấn chỉnh, loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Những sai phạm của Trịnh Xuân Thanh tại Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) cũng là một trong những “manh mối” dẫn tới sự kiện đặc biệt trong công tác phòng, chống tham nhũng 4 năm qua. Đó là việc xử lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, người từng là Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN). Trong 2 vụ án được đưa ra xét xử vào đầu năm 2018, ông Đinh La Thăng bị tòa án tuyên tổng cộng 30 năm tù, yêu cầu bồi thường 630 tỉ đồng. Tại hội nghị T.Ư 7 (tháng 5.2018), ông Thăng cũng bị T.Ư Đảng khai trừ ra khỏi Đảng.

Với bản án dành cho Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, người dân bắt đầu tin rằng chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” không chỉ là khẩu hiệu suông.

“Uống thuốc đủ liều”

Không phải tới nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng mới bắt đầu chỉnh đốn về xây dựng Đảng; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Những cán bộ lão thành chia sẻ rằng đây là việc luôn được Đảng quan tâm, chú trọng. Ông Phạm Thế Duyệt, người có 3 khóa là Ủy viên T.Ư, 2 khóa là Ủy viên Bộ Chính trị, từng giữ chức Thường trực Bộ Chính trị, cho hay vào năm 1999, tại Hội nghị T.Ư 6 lần thứ 2 khóa VIII, Ban Chấp hành T.Ư đã ban hành nghị quyết nhằm tiến hành một cuộc vận động chỉnh đốn Đảng và chống tham nhũng. “Lúc đó tôi làm thường trực Bộ Chính trị, trong triển khai nghị quyết của T.Ư chúng tôi đã thấy tình hình rất nguy hiểm vì có nhiều biểu hiện suy thoái, nhất là về đạo đức, lối sống”, ông Duyệt nói và cho biết ông vẫn nhớ cảm giác “hừng hực trong người” với những ước mong, quyết tâm tại hội nghị triển khai nghị quyết với cán bộ chủ chốt toàn quốc. Tuy nhiên, nguyên Thường trực Bộ Chính trị cũng thừa nhận “khi thực hiện nghị quyết lại bị rơi vào trầm lắng, đến 2 - 3 khóa sau vẫn không thể hiện được tinh thần nghị quyết”.

Tổng thư ký Hội đồng Lý luận T.Ư Nguyễn Viết Thông kể khi ông hỏi nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu - người đã ký nghị quyết này, ông Phiêu trả lời rằng: “Nghị quyết đã khám đúng bệnh, đã bốc đúng thuốc nhưng uống không đủ liều nên bệnh tình của con bệnh gia tăng”.

Cả ông Duyệt, ông Thông cũng như nhiều cán bộ lão thành khác đều có chung nhận định: Đại hội XII, xây dựng, chỉnh đốn Đảng mới trở thành một “khúc nhấn mạnh”, mới được coi trọng, đúng tầm, đúng mức dù không phải lần đầu tiên. Theo tổng kết, trong nhiệm kỳ này, T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành tới 124 loại văn bản liên quan trực tiếp tới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó 80 văn bản liên quan tới phòng, chống tham nhũng. “Chưa có nhiệm kỳ nào như nhiệm kỳ này Đảng ta tập trung vào công tác xây dựng Đảng kể cả về chính trị, tư tưởng, về tổ chức bộ máy, về cán bộ. Có thể nói là toàn diện trên tất cả các mặt”, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận T.Ư nói.

Song kết quả của 4 năm qua không chỉ ở việc ban hành văn bản. Kết quả chính nằm ở sự quyết tâm, quyết liệt trong thực tiễn chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là chống tham nhũng với tinh thần “không có vùng cấm”, “không khoan nhượng”. Cuối năm 2016, sau khi Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc đi nhắc lại yêu cầu: “Bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh”. Khi Thanh đầu thú, Tổng bí thư đã yêu cầu các cơ quan chức năng “tập trung làm cho bằng được”, xét xử công minh sai phạm tại PVC và PVN. Chỉ 5 tháng sau đó, tối 8.12.2017, ông Đinh La Thăng bị bắt. Một tháng sau, tháng 1.2018, Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và 20 bị cáo khác hầu tòa.

Ông Đinh La Thăng là một trong 2 ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII, song là ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên trong nhiều chục năm qua bị đưa ra tòa trong một vụ án tham nhũng và bị khai trừ ra khỏi Đảng. Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư, người làm công tác kiểm tra từ năm 1987 - 2006, trực tiếp tham gia chỉ đạo xử lý các vụ án lớn liên quan tới nhiều cán bộ đảng viên cấp cao giai đoạn trước cho biết: Trước đây, như vụ án Năm Cam (Trương Văn Cam) và đồng phạm vào đầu thập niên 2000, được coi là “bước đột phá đầu tiên” trong cuộc chiến chống tham nhũng, chúng ta chỉ xử lý được 2 ủy viên T.Ư, 3 thứ trưởng. Tuy nhiên, chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII tới nay, Đảng đã kỷ luật tới hơn 90 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý, trong đó 21 ủy viên T.Ư Đảng, nguyên ủy viên T.Ư Đảng với 2 ủy viên Bộ Chính trị đương chức, 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. “Điều đó thể hiện Đảng ta kiên quyết loại bỏ những sai phạm trong Đảng, của tổ chức Đảng và cá nhân đảng viên”, ông Hùng nhận định.

Ông Nguyễn Văn Yên, Vụ trưởng Vụ Theo dõi các vụ án thuộc Ban Nội chính T.Ư - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo), cho hay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII tới nay, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo xử lý gần 200 vụ án, vụ việc; xét xử sơ thẩm 53 vụ với 550 bị cáo; xét xử phúc thẩm 43 vụ với 412 bị cáo, với các mức án nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn.

Theo ông Yên, trước đây, chống tham nhũng nặng về xử lý các đối tượng “loẹt quẹt” ở cấp phường, xã thì bây giờ đối tượng chính nằm ở các cơ quan T.Ư, khối quyền lực đứng đầu các tỉnh, TP và tập đoàn nhà nước. “Điều đáng nói nhất là nếu trước đây ta chỉ chứng minh được lỗi trách nhiệm như thiếu trách nhiệm hay cố ý làm trái thì bây giờ là tội tham ô, hối lộ, lạm quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Như ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, cũng 30 năm tù. Rồi Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên T.Ư, nguyên bộ trưởng cũng bị đề nghị mức cao nhất khung là tử hình”, ông Yên nói và khẳng định, tinh thần của Ban Chỉ đạo là đối tượng dù ở chức vụ nào của Đảng, Nhà nước khi phạm tội đều phải xử và xử đúng khung, đúng khoản của luật chứ “không kiêng”.

Không có vùng cấm, không có ngoại lệ

Cho rằng chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng trong các giai đoạn trước chưa được như mong muốn là do khâu tổ chức và thực hiện nghị quyết vốn là “khâu yếu lâu nay”, ông Nguyễn Viết Thông nhận định nhiệm kỳ Đại hội XII đã “rút kinh nghiệm” và T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm chính trị cao hơn, thể hiện rõ bất cứ ai vi phạm pháp luật của nhà nước đều bị xử lý nghiêm minh trước kỷ luật Đảng, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. “Đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí là dấu ấn của nhiệm kỳ này”, ông Thông đánh giá. PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), cũng khẳng định nếu không có quyết tâm chính trị rất cao từ T.Ư, Bộ Chính trị, nhất là người đứng đầu là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, chắc chắn không có kết quả như vừa qua. “Người ta đều phải nhìn vào cấp vĩ mô chỉ đạo thì mới chuyển động được”, ông Phúc nói.

Ông Nguyễn Văn Yên cho rằng “quyết tâm chính trị rất lớn là đương nhiên”, song điều quan trọng hơn là quyết tâm này được cụ thể hóa vào hoạt động của các cơ quan phòng, chống tham nhũng, trong đó có hoạt động của Ban Chỉ đạo. Theo ông Yên, trong 4 năm qua, Ban Chỉ đạo thực sự đã chỉ đạo rất sát sao, rất cụ thể; không đi vào tản mạn, chi tiết, lặt vặt song rất sát thực cho từng lĩnh vực, từng vụ án, thậm chí từng diện đối tượng một.

Một ví dụ rất điển hình là vụ MobiFone mua 95% cổ phần Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG). Tháng 7.2017, tại phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng sai về trách nhiệm trong vụ việc khi sau hơn 1 năm (từ tháng 8.2016) Chính phủ ban hành quyết định thanh tra mà vẫn không ra được kết luận. Tới tháng 4.2018, sau khi có kết luận thanh tra, Thường trực Ban Chỉ đạo đã thống nhất đưa vụ việc này vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, xử lý. Đây là điểm mấu chốt cho việc giải quyết vụ án được coi là giữ nhiều “kỷ lục” trong lịch sử tư pháp Việt Nam khi cùng lúc có tới 2 bộ trưởng hầu tòa với số tiền nhận hối lộ lên tới hàng triệu USD.

Nói về vụ việc này, phát biểu tại hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Vụ AVG là vụ án điển hình khi nhiều bị cáo từng giữ vị trí cấp cao, trong đó có hai cựu bộ trưởng. “Đây là vụ có tác dụng giáo dục răn đe, cảnh tỉnh”, ông nói. Cũng tại hội nghị này, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã nhắc lại thông điệp từng được ông nhấn mạnh nhiều lần, đó là cần chấn chỉnh, loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn” trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. “Tôi đã nhiều lần nói rồi, nay xin nhắc lại: những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm!”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.

Chính quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” luôn được những lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước thúc đẩy, duy trì với sự kiên quyết như Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã nói, được hầu hết các cán bộ lão thành và nhân dân cho là “động lực chính” tạo nên những kết quả trong 4 năm qua. “Đó là cái rất đáng mừng. Nó mang lại, khôi phục niềm tin trong dân”, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch MTTQ Việt Nam, khẳng định đồng thời nhận định, với đà này, nếu cương quyết thì chúng ta sẽ có hy vọng ngăn chặn được tệ tham nhũng, thoái hóa, biến chất trong đảng viên, cán bộ.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII tới nay, Đảng đã kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý, trong đó 21 ủy viên T.Ư Đảng, nguyên ủy viên T.Ư Đảng với 2 ủy viên Bộ Chính trị đương chức, 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Cũng trong thời gian này, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo xử lý gần 200 vụ án, vụ việc; xét xử sơ thẩm 53 vụ với 550 bị cáo; xét xử phúc thẩm 43 vụ với 412 bị cáo.

Ý kiến





Ảnh: Lê Hiêp

Công cuộc chống tham nhũng những năm vừa qua của Đảng, Nhà nước đã đạt kết quả nổi bật và phải nói là ấn tượng. Rõ ràng Đảng, Nhà nước đã có tuyên bố không khoan nhượng với hành vi tham nhũng, không có vùng cấm và có thể nói là trừng trị kể cả những cán bộ cao cấp đương nhiệm lẫn nghỉ hưu. Điều này làm cho người dân Việt Nam rất tin tưởng vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước. Bởi nếu không cương quyết như vậy thì người dân sẽ nghĩ rằng vẫn có những người đứng trên pháp luật hay đứng ngoài pháp luật. Vì chống tham nhũng là chống tất cả những ai có hành vi phạm pháp cho dù người đó giữ chức vụ gì và có quyền lực lớn như thế nào.
GS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia Hà Nội)

Phải coi xử lý cán bộ là kết quả, không vì thế mà hoang mang




Ảnh: V.H
Xử mấy ông kia rất xót xa, không được vui nhưng phải thấy đấy là một thắng lợi, là kết quả chứ không phải vì thế mà hoang mang. Hoang mang thì Đảng này còn đâu nữa nhưng có điều là không vui. Đảng này vẫn là Đảng chân chính của Bác Hồ, mà Bác Hồ là tiêu biểu cho đất nước, tiêu biểu cho dân tộc. Chúng ta không được chủ quan, nhưng không được chủ quan khác hoang mang, hoang mang thì vứt đi rồi. Hoang mang là dao động, là mất lòng tin. Vì thế, xử lý cán bộ nhiều thế cũng không nên hoang mang. Cần phải đánh giá như thế là tốt, là vững vàng. Đảng có vững mới làm được thế. Xử là đúng. Nếu có sâu có bệnh mà không lôi ra hoặc lôi ra rồi lại hoang mang thì hỏng bét.

Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Thường trực Bộ Chính trị

Không chỉ vì sự sống còn của chế độ mà là tương lai của Việt Nam



Ảnh: T.N

Cuộc chiến chống tham nhũng là hết sức đúng đắn và cần thiết. Những vụ án đã và đang được phanh phui cho thấy tình hình tham nhũng là hết sức nghiêm trọng. Nếu không ngăn chặn thì cả hệ thống sẽ mục ruỗng và khó tránh khỏi sụp đổ. Khi đó hậu họa cho cả nền kinh tế sẽ rất lớn mà bài học của Indonesia dưới thời Suharto hay Philippines dưới thời Marcos (hai người được xem là kẻ đánh cắp của công số 1 và số 2 thế giới) cho thấy điều này. Cuộc chiến chống tham nhũng là một bước đi chiến lược rất đúng không chỉ vì sự sống còn của chế độ mà là tương lai của Việt Nam.

TS Huỳnh Thế Du, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright

Thu hồi tài sản tham nhũng đã hiệu quả hơn trước



Ảnh: Ngọc Thắng

Một những kết quả quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng vừa rồi là thu hồi tài sản, có thể nói là hiệu quả hơn so với trước đây. Qua đây chúng ta mới thấy sự ghê gớm của tham nhũng vì số tiền tham nhũng thu được qua các vụ án, vụ việc lên tới hàng chục ngàn tỉ. Như vụ MobiFone mua 95% cổ phần Công ty AVG thì rất rõ.

Tôi cho rằng đây là điểm rất đáng ghi nhận vì trước nay nói tham nhũng thì chỉ thành án rồi đưa vào tù; còn tiền, tài sản của nhà nước thì vẫn mất. Chúng ta vừa mất cán bộ lại vừa mất tiền. Tôi nghĩ mất cái nào cũng nghiêm trọng. Mất người cũng đau. Những cán bộ cống hiến như thế mà mấy nghìn cán bộ bị xử lý, hơn 90 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý. Nhưng mất tài sản nhà nước cũng rất nghiêm trọng. Vừa rồi chúng ta xử lý cán bộ sai phạm nhưng đồng thời thu hồi được tài sản thất thoát. Việc đó rất tốt.

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

Củng cố niềm tin trong nhân dân: Lò nóng lên rồi, củi tươi vào cũng phải cháy

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư, về phòng chống tham nhũng tại phiên họp thứ 12 ngày 31.7.2017 nói: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”.

Nguyễn Xuân Sơn tại phiên tòa ngày 8.1.2018

ẢNH: TTXVN

Nhìn vào bình diện cuộc chống tham nhũng trong thời gian gần đây cho thấy cuộc đấu tranh với tội phạm tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của xã hội, đáp ứng nhận định và cũng là hiệu triệu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư, về phòng chống tham nhũng tại phiên họp thứ 12 ngày 31.7.2017: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”.

“Không còn ai đứng ngoài cuộc”

Khơi dậy tinh thần trách nhiệm

Thực tiễn đã cho thấy mỗi vụ việc được đưa ra xét xử công khai, minh bạch đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp nhân dân. Hiệu ứng đó đã khơi dậy tinh thần trách nhiệm mỗi cơ quan, tổ chức, nhất là người đứng đầu. Đã xuất hiện những lá đơn tố cáo các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực của cán bộ có chức, quyền, công khai rõ tên tuổi, tổ chức. Đó là những nhân tố báo hiệu cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đang trở thành phong trào và xu thế của xã hội.

Đại diện C03

Trong giai đoạn 2017 - 2019, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (BCĐ), các cơ quan tố tụng T.Ư phát hiện, điều tra, đưa ra truy tố, xét xử hàng loạt đại án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp xảy ra ở nhiều ngành, lĩnh vực được dư luận xã hội đồng tình, củng cố niềm tin của nhân dân.

Tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đã phát hiện ra những hành vi nhận hối lộ “cả va li tiền mặt” của Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), hay cả những “thùng hoa quả” chứa cả triệu USD trong vụ án MobiFone mua AVG. Có những vụ án, đối tượng tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài nhiều năm, thay đổi thân phận nhưng vẫn bị các cơ quan tố tụng lần ra như vụ án tại PVC hay vụ Giang Kim Đạt tham ô gây thất thoát 16 triệu USD tại Vinashinlines thuộc Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam.

Trong lĩnh vực ngân hàng, các cơ quan tố tụng tiếp tục làm rõ, đưa ra xét xử vụ Phạm Công Danh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng, và đồng phạm phạm tội cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay gây thiệt hại và thất thoát 18.000 tỉ đồng; Vụ Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng OceanBank, và đồng phạm gây thiệt hại 27.000 tỉ đồng. Từ 2 vụ án này đã kéo theo hàng chục vụ án “con” liên quan đến nhiều tổ chức, DNNN khác trên phạm vi cả nước với hàng trăm bị can, bị cáo, có người đã phải nhận những mức án cao nhất như Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khí Việt Nam.

Càng về cuối nhiệm kỳ, quyết tâm chính trị về phòng chống tham nhũng của Đảng được đẩy lên cao trào khi liên tiếp 2 năm gần đây, nhiều vụ án được khởi tố mới, mở rộng điều tra với hàng trăm bị can, trong đó có không ít trường hợp là cán bộ cấp cao thuộc diện T.Ư quản lý, thông qua các vụ án liên quan đến Vũ “nhôm”, Út trọc, MobiFone...

Theo ông Nguyễn Văn Yên (Vụ trưởng Vụ Theo dõi các vụ án thuộc Ban Nội chính T.Ư - Cơ quan thường trực BCĐ), kết quả các đại án tham nhũng từ các cơ quan tố tụng T.Ư đã tạo ra nhiều hiệu ứng khiến cho tất cả các ngành, các cơ quan và địa phương “không còn ai đứng ngoài cuộc” như nhận định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp thứ 12.

Thống kê của Ban Nội chính T.Ư, từ đầu nhiệm kỳ đến nay các cơ quan tố tụng T.Ư và địa phương, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã phát hiện 1.250 vụ án, vụ việc liên quan đến tội phạm tham nhũng. Kết quả này cũng định hình bức tranh toàn cảnh về tội phạm tham nhũng, đồng thời cũng đã chứng minh lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đề cập đến việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên trước đây nhưng chưa chỉ rõ là ai.

“Bây giờ thì quá rõ, trong bộ phận này có ủy viên Bộ Chính trị, có nhiều ủy viên T.Ư, đặc biệt có nhiều bộ trưởng, thứ trưởng. Rồi phó chủ tịch TP.HCM, rồi chủ tịch, phó chủ tịch Đà Nẵng, đặc biệt là thứ trưởng của các cơ quan quan trọng như công an, quân đội”, ông Yên nói đồng thời cho rằng, đã có sự thay đổi rõ rệt so với trước khi làm rõ được các đối tượng tham nhũng ở nhiều tầng, nấc, liên quan đến nhiều lĩnh vực...

Bên cạnh đó, theo ông Yên, trong nhiệm kỳ này, lần đầu tiên, phá vỡ những nhóm lợi ích mà từ trước đến nay “không có ai đụng vào được như Vũ “nhôm”, Út trọc. “Những người như Út trọc, Vũ “nhôm” vốn không có chức sắc quyền hành gì nhưng đã thông qua các mối quan hệ của người có quyền lực tạo ra thanh thế rồi từ đó ngoi lên trong tổ chức nhà nước và lợi dụng vào đó để trục lợi, gây thất thoát cho nhà nước hàng chục ngàn tỉ. Đến nay, cơ quan chức năng đã khởi tố điều tra hơn 10 vụ án liên quan đến 2 đối tượng này”, ông Yên nói.

Không còn “trên nóng dưới lạnh”

Theo Bộ Công an, năm 2019, các cơ quan điều tra trong lực lượng đã khởi tố mới 304 vụ án/724 bị can phạm tội về tham nhũng (tăng 6 vụ án, tăng 177 bị can so với 2018); kê biên, phong tỏa, thu hồi 10.300 tỉ đồng; hơn 7.000 m2 đất; 50.000 cổ phiếu (so với năm 2018 tăng 7.950 tỉ đồng). Bộ này cũng đưa ra nhận định ở các địa phương đã từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Nếu như năm 2017 có 8 địa phương không có án tham nhũng khởi tố mới thì năm 2018 đã giảm xuống 6 và năm 2019 chỉ còn 3. Một số địa phương như Hải Dương, Ninh Thuận, Tuyên Quang trong nhiều năm liền không phát hiện được tham nhũng thì nay đều đã có.

Cùng với số lượng vụ việc, cơ quan tố tụng các địa phương đã điều tra, phát hiện những vụ án tham nhũng có quy mô, tính chất nghiêm trọng không thua kém các đại án ở T.Ư. Trong đó, Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố vụ án tham ô tài sản xảy ra tại chi nhánh Agribank H.Krông Bông, khởi tố bị can Chu Ngọc Hải về hành vi lập khống 557 bộ hồ sơ khách hàng vay vốn, ký giả chữ ký của giám đốc và trưởng phòng tín dụng ngân hàng để tham ô số tiền khoảng 80 tỉ đồng; Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Quỹ tín dụng nhân dân xã Quang Tiến và Quỹ tín dụng nhân dân xã Tân Tiến, H.Trảng Bom với số tiền chiếm đoạt 1.128 tỉ đồng...

Trong vụ gian lận thi cử điểm thi tại kỳ thi THPT năm 2018 xảy ra tại các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, ban đầu cơ quan tố tụng chỉ khởi tố các bị can liên quan với tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm... nhưng đến nay cơ quan tố tụng từ T.Ư và địa phương đều đã chỉ ra đích danh những người đưa và nhận hối lộ và tiến hành các biện pháp tố tụng.

Theo đại diện Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an, trong hoạt động phòng ngừa, đấu tranh tội phạm tham nhũng, ngoài những “môi trường truyền thống” như ngân hàng, đất đai thì những năm gần đây lực lượng đã tập trung giải quyết tình trạng “tham nhũng vặt” với các hành vi sách nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn nhằm mục đích đòi hối lộ, ăn chia, gây bức xúc người dân. Trong đó, C03 đã khởi tố bị can là công chức ngành tài nguyên môi trường tỉnh Bến Tre lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty TNHH sản xuất, kinh doanh dịch vụ xây dựng Hồng Việt; Công an tỉnh Vĩnh Phúc khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can thuộc đoàn thanh tra Bộ Xây dựng về tội nhận hối lộ khi tiến hành thanh tra tại H.Vĩnh Tường số tiền hàng trăm triệu đồng; Công an TP.HCM khởi tố 6 cán bộ công chức thuế tại Đội thuế liên phường, Chi cục Thuế Q.5 về tội nhận hối lộ (lợi dụng nhiệm vụ quản lý, nhũng nhiễu buộc các hộ kinh doanh phải nộp từ 5 - 10 triệu đồng/tháng để không tăng mức thuế khoán); khởi tố bị can Phan Hồ Hưng Đoàn, cán bộ phụ trách kinh tế, UBND P.Bến Thành, Q.1 về tội nhận hối lộ (nhũng nhiễu khi thực hiện quyết định kiểm tra các hộ kinh doanh)... 

Củng cố niềm tin trong nhân dân: Chống tham nhũng không phải để bắt bỏ tù

Thừa nhận những thành tựu của công cuộc chống tham nhũng này, nhưng nhiều chuyên gia, học giả cho rằng vấn đề cốt tử cho thời gian tới là hoàn thiện được một thể chế mà tự thân nó có thể chống chọi với tham nhũng.

Đổi mới thể chế là một trong những trọng tâm của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

ẢNH MINH HỌA: NHẬT BẮC


Cán bộ lạm dụng thể chế và cũng là nạn nhân của thể chế

Trong mọi báo cáo tổng kết về công tác chống tham nhũng, phần “tồn tại, hạn chế” không bao giờ thiếu nội dung “thể chế còn chưa hoàn thiện”. Quy định vừa sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng; có nhiều điểm quá lạc hậu, chưa sát với thực tế. Cán bộ vừa có thể lạm dụng thể chế để trục lợi, vừa là nạn nhân của thể chế.

Một cán bộ tham mưu của cơ quan thường trực phòng chống tham nhũng chia sẻ: “Cũng có những cái oan cho người ta chứ không phải không oan đâu. Các tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật 20 năm nay chưa sửa đổi. Các cơ quan tiếp một ông cán bộ T.Ư về, định mức chỉ mấy trăm ngàn. Nhưng có ông cán bộ T.Ư nào về ăn bữa cơm với địa phương mà mấy trăm ngàn được đâu. Anh em không còn cách nào khác, phải gian dối chứ”.


Xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng là rất tốt, nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng ta có những biện pháp phòng ngừa từ xa, từ gốc rễ vấn đề có thể nảy sinh tham nhũng. Đó mới là giải pháp căn cơ

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa

Chưa kể đến việc, dù hàng trăm văn bản, quy định đã được sửa đổi, ban hành (theo Tổng thư ký Hội đồng Lý luận T.Ư Nguyễn Viết Thông, trong nhiệm kỳ này, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành tổng cộng 124 chỉ thị, nghị quyết, kết luận, thông tư hướng dẫn… liên quan trực tiếp công tác xây dựng Đảng, kéo theo đó là hàng trăm văn bản luật được chỉnh sửa), nhưng “công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế; rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra trong nội bộ”, “số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng”, theo nhận định của Thanh tra Chính phủ.

Cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm phòng chống tham nhũng còn chậm hoàn thiện; công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn hiệu quả chưa cao. Bản thân sự vận hành của hệ thống chưa giúp phòng ngừa được tham nhũng, mà vẫn còn phải dựa vào ý chí chính trị của người đứng đầu. “Đánh rắn không đánh dập đầu”, tham nhũng lúc nào cũng rập rình nguy cơ quay trở lại.

Do đó, ông Nguyễn Viết Thông cho rằng tới đây, một trong những trọng tâm Đại hội XIII phải giải quyết là đổi mới thể chế. Đảng cũng đã nhìn rõ vấn đề này, khi trong dự thảo văn kiện, một trong những từ được lặp lại nhiều lần nhất chính là “đổi mới thể chế”.

Đừng để người ngay không dám làm, còn kẻ gian mạnh dạn vi phạm

Chia sẻ với Thanh Niên, GS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng: Tham nhũng có thể nằm ở bất cứ quốc gia và thể chế chính trị nào, nhưng rõ ràng ở những thể chế chính trị mà quyền lực không được kiểm soát hoặc không có cơ chế kiểm soát quyền lực thì mức độ tham nhũng nhiều hơn, phổ biến hơn. Ở đây, đối với chúng ta, thì hệ thống bầu cử hay cơ chế bầu cử để lựa chọn bổ nhiệm những người có năng lực vào vị trí công quyền là có vấn đề. Nhiều trường hợp, chúng ta chưa lựa chọn được người thực sự có tài, có đức vào các vị trí đó. Thứ hai, cũng quan trọng không kém, là cơ chế của ta chưa có giám sát, kiểm tra được việc sử dụng quyền lực. Đặc biệt là những người giữ vị trí cao nhất. Cái yếu nhất của VN là việc kiểm soát quyền lực rất lỏng lẻo, dẫn đến quyền lực bị lạm dụng.

Đây cũng là lo lắng của đại biểu (ĐB) Quốc hội Ngô Thị Minh (Quảng Ninh). Bà Minh rất băn khoăn về việc những cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực đã được chỉ rõ là còn thiếu chặt chẽ, sơ hở và dễ bị lợi dụng, nhưng lại chậm được sửa đổi, mặc dù đã nhiều năm đề xuất.

“Chính sách sơ hở và việc để xảy ra tham nhũng ngay tại các cơ quan có chức năng chống tham nhũng và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong thời gian vừa qua cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng và làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Các vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử cũng chưa phản ánh đúng thực trạng về tình hình tham nhũng. Các trường hợp phát hiện yếu tố tham nhũng, lợi dụng trong các vụ án kinh tế còn ít và chưa phản ánh đúng bản chất, động cơ, mục đích của người phạm tội”, ĐB Minh nói.

ĐB Mai Thị Phương Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng đã đến lúc cần phải rút ra bài học về quản lý kinh tế, phải rà soát lại xem cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật cho những lĩnh vực có liên quan, việc gì là đúng và phù hợp, vấn đề gì bị sơ hở và dễ bị lợi dụng. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra phải tiến hành thường xuyên và chấn chỉnh ngay những sai phạm ở giai đoạn nguy cơ, không để đến khi sự việc xảy ra nghiêm trọng mới phát hiện và xử lý.

ĐB Hoa cho rằng nếu không làm được những điều này sẽ nảy sinh rất nhiều hệ lụy. Đó có thể là một số cá nhân lợi dụng những khe hở của pháp luật để trục lợi cho bản thân. Nhưng đó cũng lại có thể là tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định đẩy những người thực hiện vào tình trạng “kiểu gì cũng sai”, “sờ vào là chết”, đẩy cả những người trung thực, ngay thẳng vào tình trạng vi phạm pháp luật. Hậu quả của việc “trừng phạt sai”, “khuyến khích nhầm” sẽ là người ngay thì không dám làm, kẻ gian thì mạnh dạn vi phạm.

“Sẽ tốt hơn nếu chúng ta có biện pháp phòng ngừa từ xa”

“Đổi mới của chúng ta là việc không có tiền lệ. Vừa đi vừa mò mẫm, thành ra phải tính toán rất thận trọng. Có những cái hôm nay mình cho là không đúng, nhưng về sau nó lại phù hợp. Và thực tế là như thế. Thành ra cuộc đời có những anh đi trước chết vì thế”, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Túc chiêm nghiệm.

Ông nhớ lại trường hợp Tăng Minh Phụng, người tổ chức đổi đất lấy công trình đầu tiên là ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Tăng Minh Phụng lĩnh án tử hình, nhưng về sau nhà nước mới thừa nhận, đó là một phương pháp tốt và thậm chí bây giờ còn xây dựng luật.

“Thời trước thì có Kim Ngọc, sau đó thì Tăng Minh Phụng, rồi sân golf của Lê Văn Kiểm. Vụ sân golf của ông Kiểm mà không có Bộ Chính trị duyệt, lúc đó anh Phạm Thế Duyệt là Thường trực Bộ Chính trị, ông Phan Văn Khải là Thủ tướng mà không đề xuất chuyện cho khoanh nợ lại, thì ông Kiểm “toi” rồi. Nhưng cho nợ 4 năm, 4.000 tỉ cả gốc lẫn lãi ông ấy đều trả hết và còn được phong Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Tôi có suy nghĩ chỗ này nhiều. Trong bộ phận tham mưu, giúp việc cho T.Ư, Chính phủ cần phải thận trọng trong vấn đề đánh giá đổi mới hoạt động của từng địa phương. Tôi thấy hiện tượng như ở Đà Nẵng là án binh bất động, chẳng ai dại gì làm. Hay TP.HCM bây giờ cũng đang có hiện tượng. Có tình trạng đá bóng cho nhau. Dưới đá lên trên, trên đá cho nhau, Quốc hội đá cho Chính phủ, Chính phủ đá về Quốc hội. Ai cũng sợ trách nhiệm. Cái này, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư phải bàn, giải quyết”, ông Túc trăn trở.

“Xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng là rất tốt, nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng ta có những biện pháp phòng ngừa từ xa, từ gốc rễ vấn đề có thể nảy sinh tham nhũng. Đó mới là giải pháp căn cơ”, theo ĐB Hoa.

Cũng lo lắng về dấu hiệu đình trệ rất rõ trong khu vực công, TS Huỳnh Thế Du, Trường Chính sách công Fulbright, cho rằng khi tâm lý không làm gì cả nổi trội lên, cả nền kinh tế và xã hội sẽ bị ảnh hưởng. “Những khó khăn hay vướng mắc trong xã hội cần có sự tháo vát và năng động của cán bộ công chức thì không ai muốn làm. Nếu tình hình này cứ kéo dài thì sẽ tác động rất không tốt về lâu dài với Việt Nam”, TS Du nói.

Củng cố niềm tin trong nhân dân: Để tập hợp trí tuệ thì phải dân chủ

Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Thường trực Bộ Chính trị, trả lời phỏng vấn Thanh Niên xung quanh công cuộc xây dựng Đảng với trọng tâm là cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay.


Công tác xây dựng Đảng là cực kỳ quan trọng để chống tham nhũng

ẢNH: NHẬT BẮC

* Thưa ông, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng với trọng tâm là cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay đang được dư luận hết sức chú ý. Theo quan sát của ông, đây có phải giai đoạn Đảng quyết tâm chỉnh đốn và chống tham nhũng nhất trong lịch sử?



Ông Phạm Thế Duyệt

ẢNH: V.H

- Trong 90 năm qua, dù đạt những thắng lợi, kết quả lớn, nhưng Đảng bao giờ cũng quan tâm đến việc xây dựng Đảng, coi xây dựng Đảng là cốt yếu để giữ được vai trò lãnh đạo, giữ uy tín với dân, tập hợp được toàn dân tộc. Đây là tư tưởng của Bác Hồ. Bác từng nói đừng tưởng hôm nay Đảng ta vĩ đại mà ngày mai vẫn tiếp tục vĩ đại.

Càng được dân tin bao nhiêu, càng làm được các chiến công lớn bao nhiêu thì công tác xây dựng Đảng là càng quan trọng bấy nhiêu. Bởi vì quy luật phát triển, chúng ta chỉ có một Đảng lãnh đạo, một Đảng duy nhất cầm quyền, nếu cứ dựa vào địa vị của Đảng mà không chỉnh đốn thì sẽ rơi vào quan liêu; rơi vào con đường địa vị, danh vọng; rơi vào chủ nghĩa cá nhân.

Tôi nhớ, tại cuộc triển khai hội nghị T.Ư 6 lần 2 khóa VIII với cán bộ toàn quốc (tức là Bí thư, Chủ tịch, các đồng chí ủy viên T.Ư để quán triệt nghị quyết), nói với hội nghị mà nói như một lời thề rằng Đảng này nhất định phải làm cho được việc giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh. Nhưng khi thực hiện lại rơi vào trầm lắng. Rồi những đại hội sau đó, từ “một bộ phận” cán bộ suy thoái, thành “một bộ phận không nhỏ”. Nếu bộ phận “không nhỏ” đó mà lại rơi vào cái bộ phận nhỏ, ở trên cùng ấy, thì nguy quá. Phải thấy cái nguy ở chỗ đó. Phải có một Bộ Chính trị mạnh, chứ không thì Ban Chấp hành T.Ư tê liệt. Và T.Ư thế nào thì phía dưới cũng như vậy hết. Đến giờ, 2 - 3 đồng chí trong Bộ Chính trị phải đặt dấu hỏi rồi. Trong T.Ư thì lãnh đạo các TP lớn như Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội... đều bị điểm danh. Nghĩa là vấn đề không đơn giản chút nào.

Đừng nghĩ rằng chúng ta đã có quyết tâm, đã xử lý một loạt cán bộ, đảng viên; gần hai chục đồng chí ở T.Ư cả khóa cũ, khóa mới, rồi 70 - 80 người thuộc diện T.Ư quản lý mà đã cho thấy đã thành công, đã yên tâm. Xử nhiều vụ án chưa đồng nghĩa với quan tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà quan tâm phải là chỗ rèn giũa, giáo dục, xây dựng đội ngũ.

Trong 90 năm qua, dù đạt những thắng lợi, kết quả lớn, nhưng Đảng bao giờ cũng quan tâm đến việc xây dựng Đảng, coi xây dựng Đảng là cốt yếu để giữ được vai trò lãnh đạo, giữ uy tín với dân, tập hợp được toàn dân tộc. Đây là tư tưởng của Bác Hồ

 * Việc Đảng tuyên chiến với chính những đảng viên thoái hóa, biến chất khiến dư luận rất kỳ vọng. Nhưng bên cạnh đó, cũng như ông nói, chưa hẳn đã hết những nỗi lo. Phải làm sao để chống tham nhũng là một sự nghiệp được kế tục, chứ không phải chỉ dựa vào quyết tâm chính trị của lãnh đạo trong một nhiệm kỳ?

- Tôi cũng đặt câu hỏi, đã trong kỳ cuộc nào mà đã phát hiện được và đưa những người không đủ tiêu chuẩn ra ánh sáng, nhận lỗi trước nhân dân, chứ không phải chờ đến đơn thư tố cáo, rồi mới thẩm tra, thẩm định, về mới xử lý ông nọ ông kia như chúng ta đã làm? Phải thấy rằng đó là còn hạn chế, chứ đừng nghĩ xây dựng chỉnh đốn Đảng như thế đã là yên tâm. Đừng nghĩ người dân không biết gì. Đừng để mất lực lượng thẳng thắn, trung kiên, dám nói.

Giữa tập trung và dân chủ thì tôi quan tâm nhiều đến dân chủ. Đó là cốt lõi mà tôi suy nghĩ. Tập trung dân chủ - hãy cứ giữ nguyên tắc ấy, nhưng dân chủ phải được hết sức coi trọng để tập trung được trí tuệ, rồi Đảng quyết. Đảng có quyền chứ không ai thay thế được. Tôi nhấn mạnh, tập trung là vế để tập hợp trí tuệ, mà muốn thế thì phải dân chủ. Ý thức của tôi trong quá trình làm việc cũng như chiêm nghiệm là bao giờ cũng hết sức chân thành, dân chủ, thì thế nào cũng có được nhiều tiếng nói góp sức với mình. Tôi khẳng định, biết lắng nghe người ta, tập hợp ý kiến đúng đắn của người ta, thì sẽ có hiệu quả.

Điều mà tôi quan tâm nữa là đừng nghe báo cáo và đánh giá một chiều, một cái đã tốt thì cái gì cũng tốt, chưa làm đã coi đó là bài học, làm chưa được bao nhiêu đã coi là cái cần phải phát huy cách làm tốt. Thành tựu tôi không phủ nhận, nhưng không cẩn thận sẽ chạy theo thành tích, đánh bóng, phô trương. Cái đó không phải là ít. Cái xấu thì không ai dám nói ra, cái lãng phí, cái sai sót thì không bao giờ nói, chỉ nói cái tốt, cái được, chạy theo sự đánh bóng.

* Trước đây, Đảng cũng đã xử lý nhiều cán bộ nhưng đều bí mật; đến nay thì Đảng coi đây là việc của đất nước, nên đã công khai việc xử lý cán bộ thoái hóa. Quan điểm của ông về việc Đảng đã tăng cường công khai, minh bạch mà không sợ “vạch áo cho người xem lưng”?

- Đảng không thể hiện tính gương mẫu, tính tiền phong; đảng viên không thể hiện được cái tâm, cái tầm, dân sẽ mất lòng tin. Mà mất lòng tin thì sợ là mất tất. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói đây là sự thử thách của Đảng, của cả chế độ. Tôi hoan nghênh việc công khai. Giờ cần nói ra, không thì người ta nói Đảng bảo vệ, bao che cán bộ.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu những vấn đề mà tôi rất tâm đắc. Hiện Đảng đang chuẩn bị cho Đại hội XIII, ta đang đi tiếp bước nữa là đề ra những biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi, không để người có mưu lợi cá nhân lọt vào Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII. Những người không vì lợi ích của Đảng thì đứng dẹp qua một bên. Tôi cho là thời kỳ vừa rồi, Đảng đã làm rất quyết liệt. Bởi vì trong Đảng, một bộ phận không nhỏ đã suy thoái.

Đừng nên suy diễn một chiều, nhưng phải xem xét, ai là người lợi dụng chức quyền, ai là người suy thoái? Phải chăng những cán bộ, đảng viên có trách nhiệm, giữ những vị trí quan trọng từ T.Ư xuống đến cơ sở? Nếu cán bộ phía trên đi vào con đường tham nhũng, đi vào con đường kiếm chác, đi vào con đường lợi lộc như các vụ án đã xử lý, thì ở dưới tiêu cực, tham nhũng sẽ có điều kiện ghê gớm để phát triển. Thượng bất chính thì hạ tắc loạn. Mà tiêu cực ở dưới thì tác động trực tiếp với dân.

Ta phải nhìn vào sự thật. Bây giờ thì T.Ư đã có những nghị quyết, quyết sách rất quyết liệt, ráo riết, nhưng thực sự nghị quyết đã vào cuộc sống chưa? Trả lời câu hỏi đó, hãy nhìn thẳng vào từng cơ quan, từng giao tiếp của cán bộ với nhân dân, từng quan hệ của cấp trên - cấp dưới. Cán bộ đã giữ được bản chất trong sạch chưa, mỗi người sẽ có câu trả lời của mình. Đừng chủ quan - đó là điều tôi suy nghĩ hiện nay.

Cán bộ gương mẫu, trong sạch, có lòng tin thì tự nó sẽ tốt lên thôi. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh trước đã nói, tắm thì phải tắm từ đầu xuống trước. Chân lý đơn giản vậy thôi.

* Xin cảm ơn ông!

Những nhân tố dám làm, dám hành động phải được bảo vệ



Ảnh: Gia Hân

Đúng là trong thực tế có những việc làm không đúng theo quy định nào đó, nhưng xem xét vấn đề một cách khoa học hơn, thực tế hơn thì việc ấy không đồng nghĩa với làm sai. Hay nói cách khác là sai so với quy định đã cũ nhưng lại đúng với thực tế và đem lại hiệu quả hơn. Việc phân biệt đúng sai này không phải là quá khó, không làm được. Tôi nghĩ là hoàn toàn có thể phân biệt, nếu như lãnh đạo định hướng rõ ràng về yêu cầu cần đạt được. Những người đi thanh tra, kiểm tra cũng phải quán triệt tốt tinh thần đó. Báo chí cũng vậy - phải bảo vệ những nhân tố dám làm, dám hành động, dám đổi mới. Vì đó chính là lối ra. Và mặt khác, nếu chỉ có một đội ngũ cán bộ ngoan hiền, không dám hành động, làm gì cũng sợ sai thì cũng vô ích và sự nghiệp cách mạng không thể tiến lên.

Ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư

Quyết tâm phải được thể chế hóa bằng pháp luật




Ảnh: Gia Hân

Thời gian vừa qua, chúng ta chống được tham nhũng là nhờ khơi dậy được quần chúng nhân dân đứng lên và trong nội bộ Đảng thì có chỗ dựa vững chắc là các đồng chí lão thành. Muốn tập hợp được sức mạnh đó, thì phải xem người đứng đầu thế nào. Cái dân chủ vừa rồi được phát huy chỗ ấy. Nhưng để sức mạnh đó trường tồn, thì quyết tâm phải được thể chế hóa bằng pháp luật. Quyết tâm của người đứng đầu phải trở thành quyết tâm của toàn Đảng, và quyết tâm đó phải được pháp luật hóa thì mới được. Quyền lực được kiểm soát bằng pháp luật mà không chỉ bằng nghị quyết của Đảng thì dân chủ hơn nhiều.

Chống tham nhũng, thoái hóa, bản thân là câu chuyện nội bộ của Đảng, nhưng cần công khai minh bạch để ngăn ngừa, khuyến khích người dân phát hiện. Đảng muốn mình xứng đáng là lãnh đạo xã hội thì việc làm trong sạch nội bộ, tăng cường sức chiến đấu là tất yếu và điều đó cần được làm một cách minh bạch, công khai.  

 Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất