Hướng tới Đại hội XIII của Đảng: Cách mạng muốn tiến lên cần một triết lý hành động, một lý luận chân chính chỉ đường


Đ/c Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương và đ/c Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trao Giải B cho các tác giả, nhóm tác giả.


KỲ 1: Để giữ vững niềm tin 

Lời Tòa soạn

Cách mạng nước ta đang đứng trước những vận hội, thời cơ, thuận lợi cùng những trở lực, khó khăn, thách thức ngặt nghèo. Cách mạng muốn tiến lên bao giờ cũng cần một triết lý hành động, một lý luận chân chính chỉ đường. Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, trước hết phải có lý luận tiền phong chỉ dẫn, soi sáng. Hồ Chí Minh là người sáng lập một thời đại mới, một kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam. V.I.Lê-nin là người khai sáng đầu tiên về lý luận tiên phong cho Nguyễn Ái Quốc để Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong dẫn dắt dân tộc trên con đường giành độc lập, tự do. V.I.Lê-nin khẳng định phải vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác. Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải trung thành và giữ Chủ nghĩa cho vững nhưng đồng thời Người là mẫu mực về vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh thực tiễn nước ta. Đảng ta trong quá trình thực hiện đổi mới, hội nhập luôn khẳng định phải kiên trì Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời phải biết phát triển lý luận trong tình hình mới. Vấn đề trung thành và vận dụng sáng tạo, phát triển lý luận đang đòi hỏi chúng ta phải hợp sức nghiên cứu.

Tạp chí Xây dựng Đảng xin giới thiệu bài viết dài 5 kỳ “Hướng tới Đại hội XIII của Đảng: Cách mạng muốn tiến lên cần một triết lý hành động, một lý luận chân chính chỉ đường” bàn về vấn đề trên của tác giả Trần Đình Huỳnh, PGS, Nghiên cứu viên cấp cao, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng.

Để giữ vững niềm tin vào nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, trước tiên cần phải giải đáp hai vấn đề mà không ít người còn băn khoăn:

   1-  Sau khi CNXH hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu tan rã, không ít người trong số các chính khách phương Tây tuyên bố: Thất bại của chủ nghĩa cộng sản, thắng lợi của nền “dân chủ tự do” và sự chấm dứt của chiến tranh lạnh đã chôn vùi tư tưởng cho rằng lịch sử là sự đối đầu bằng các hệ tư tưởng đối lập. Câu hỏi cần sự giải đáp trước tiên sẽ là: Chủ nghĩa Mác-Lênin có còn ảnh hưởng tích cực đến tiến trình phát triển của xã hội loài người khi mà “thành trì đã sụp đổ” và thế giới đang trong quá trình toàn cầu hóa, cuối cùng nó chỉ còn là “một ngôi nhà chung xuyên đại dương”?

Chưa cần dẫn ra sự phản biện rất nhiều của giới khoa học Mác-xít, chỉ cần dẫn ra số ít trong rất nhiều tiếng nói của báo chí, chính khách và nhà nghiên cứu phương Tây cũng đủ làm sáng tỏ vấn đề. Chẳng hạn: H.Ph Mây-ơ-xơ (Ban Biên tập của tờ The Asian Wall Street journal) viết: “Tại một số nước chính quyền cộng sản đổ vỡ, các nhà chính trị theo chủ nghĩa xã hội chọn kinh tế thị trường. Tuy nhiên, C.Mác vẫn ảnh hưởng đến những quan điểm lịch sử hiện đại và kinh tế học. Trong số những nhà tư tưởng vĩ đại, Mác, Phờ-rớt, Anh-xtanh là những người định hướng hiện nay cho thế kỷ chúng ta vào thập kỷ cuối cùng. Tất cả ba người đều sinh vào những năm 1800, tư tưởng của họ đã thức tỉnh và đi sâu vào ý thức của nhân dân các nước. Thực sự đó là những tư tưởng mới phá ngầm nền tảng của những giáo lý đương thời và tạo lập cho chúng ta những ý nghĩ mới…”. Nhà triết học hiện sinh nổi tiếng Giăng Pôn Sác coi Chủ nghĩa Mác “vẫn là triết học của thời đại chúng ta. Nó không thể bị vượt qua bởi vì những hoàn cảnh sinh ra triết học ấy còn chưa bị vượt qua”(1).

Năm 1992, GS, TS. triết học Mi-sen Ve-điu, nhà nghiên cứu, thành viên của Trung tâm nghiên cứu và tư liệu về Hê-ghen và Mác thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp đã viết trong lời nói đầu cuốn sách “Mác - nhà tư tưởng của cái có thể” của ông: “Sức sống của một tư tưởng được tính bằng con số những cuộc tranh luận mà nó gây ra. Về mặt này, Chủ nghĩa Mác thật đáng ao ước”. Trong phần “Dẫn luận”, Mi-sen Ve-điu viết: “Tác phẩm của Mác phải được nhận thức đúng đắn hơn... Hơn thế, Chủ nghĩa Mác thuộc vào nền văn hoá đương đại... Tư tưởng của Mác đã được biết đến nhiều, nó đã cắm sâu vào thế giới”(2). Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế - tài chính những năm 2008-2009 ở các nước tư bản phát triển, bộ “Tư bản” của C.Mác đã được in và tái bản với số lượng tăng vọt, trở thành sách bán chạy ở các nước tư bản như Anh, Đức, Pháp, I-ta-li-a, Nhật Bản... Sở dĩ có hiện tượng đó vì người ta muốn tìm câu trả lời trong tác phẩm vĩ đại của C.Mác về những vấn đề của xã hội tư bản hiện đại...

2. Câu hỏi thứ hai mà chúng ta cần làm sáng tỏ là: Nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam hiện nay vẫn là học thuyết của Mác và tư tưởng của hai người học trò xuất sắc của ông là V.I.Lê-nin và Hồ Chí Minh, như thế có phải là giáo điều, bảo thủ, xơ cứng không?

Câu trả lời đã có từ những dẫn chứng nói trên và thực tiễn cách mạng Việt Nam. Thực tiễn đã minh chứng: Dân tộc Việt Nam có một Đảng cách mạng do Hồ Chí Minh dẫn dắt nên con thuyền cách mạng đã vượt qua bao sóng gió, thác ghềnh, luôn đi đúng giữa dòng thời đại, chiến đấu và chiến thắng vẻ vang. Chúng ta biết ơn C.Mác bởi ông đã trao cho lãnh tụ vĩ đại của Đảng ta “cẩm nang thần kỳ” là lý luận cách mạng tiên tiến, bởi vì C.Mác là một nhà khoa học của cách mạng, ông đạt tới những đỉnh cao của khoa học tư duy và phép biện chứng duy vật và làm cho khoa học trở thành tài sản chung của nhân dân. Có thể mượn lời của Ph.Ăng-ghen đọc trước linh cữu của C.Mác để nói lên tấm lòng của người Việt Nam đối với Mác rằng: Chúng ta được như ngày nay chính là nhờ có Mác. Không có Mác chúng ta hẳn còn đang mò mẫm trong bóng tối.

 Nếu tư tưởng của Mác về vấn đề dân tộc và mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp thể hiện trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (1848) rằng: “Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản... lúc đầu lại mang hình thức đấu tranh dân tộc... giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, tự vươn lên thành giai cấp dân tộc,  phải tự mình trở thành dân tộc” thì 93 năm sau, Hội nghị Trung ương lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Đông Dương, dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh (tháng 5-1941), đã khẳng định: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể quốc gia dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”(3).Từ buổi đầu dựng nền cộng hoà dân chủ cho đến ngày nay, tùy từng giai đoạn cách mạng, Đảng ta đều xác định mối quan hệ biện chứng giữa giai cấp và dân tộc, giữa kinh tế và chính trị.

 Chủ nghĩa Mác-Lênin không đưa ra lời giải sẵn cho mọi vấn đề hôm nay nhưng để lại cho chúng ta phương pháp biện chứng duy vật, đặc biệt là quan điểm thực tiễn. Đảng Cộng sản Việt nam đã lấy thực tiễn làm cơ sở, làm tiêu chuẩn và thước đo để sửa chữa sai lầm, tiến hành đổi mới tư duy, hướng vào mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh bởi đó là những đòi hỏi thiết tha của toàn dân tộc. Hàng loạt vấn đề của đời sống thực tiễn đang đòi hỏi lý luận phải giải quyết. Chẳng hạn, những vấn đề cụ thể về thể chế của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước; tiêu chuẩn và chất lượng đảng viên trong điều kiện nền kinh tế thị trường; phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, nhất là với Nhà nước pháp quyền... Không thể giải quyết những vấn đề nóng hổi của đời sống thực tiễn hôm nay chỉ bằng những kinh nghiệm hôm qua.

Thực tiễn lịch sử phát triển của phong trào cộng sản thế giới đều chứng tỏ rằng C.Mác đã đặt nền móng vững chắc cho việc xây dựng một học thuyết về Đảng Cộng sản. Những tư tưởng triết học và chính trị của ông vẫn là ánh sáng soi rọi những sai lầm, khuyết điểm đã mắc phải. V.I.Lê-nin viết: “Về mặt lý luận: Trong thời kỳ cách mạng cũng như trong bất cứ lúc nào, người ta đều mắc những điều ngu xuẩn - Ăng-ghen đã nói như thế và đã nói đúng. Cần cố gắng làm sao để mắc thật ít những điều ngu xuẩn và sửa chữa hết sức nhanh chóng những điều ngu xuẩn đã mắc phải, bằng cách nhận định hết sức tỉnh táo xem những vấn đề nào và vào lúc nào thì có thể hay không có thể giải quyết bằng phương pháp cách mạng cả trong lý luận lẫn trong các cuộc đấu tranh cách mạng của tất cả những người cộng sản để họ mau chóng nhận ra và tích cực sửa chữa “những điều ngu xuẩn đó” mà tiếp tục tiến lên”(4).

Thời đại chúng ta có biết bao biến đổi lớn lao, trong đó những người cộng sản có vai trò và trách nhiệm to lớn trước lịch sử. Cần phê phán tất cả những lầm lạc đã mắc phải để tiến lên. Chính từ trong di sản tư tưởng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và qua kinh nghiệm thực tiễn, những người cộng sản nhận ra: Những tiền đề xuất phát của mình không phải là những tiền đề tùy tiện, giáo điều, đó là những tiền đề hiện thực. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã chứng minh một chân lý: Cần phản ánh cho được bản chất của các sự vật, hiện tượng trong quá trình sinh thành, vận động và phát triển của nó và đứng trên quan điểm duy vật biện chứng để xem hiện tại nó là gì, qua đó dự báo được khuynh hướng phát triển. Toàn bộ những kết luận rút ra đều phải được kiểm nghiệm bằng thực tiễn. Chỉ có thực tiễn mới có quyền cao nhất để thẩm định chân lý. C.Mác từng tuyên bố, không bao giờ ông sùng bái chủ nghĩa cộng sản như là những nguyên tắc, những “tư tưởng vĩ đại”, những học thuyết vĩnh viễn bắt hiện thực phải tuân theo. Ông tuyên bố: “Chủ nghĩa cộng sản không phải là một học thuyết mà là một phong trào. Nó xuất phát không phải từ những nguyên tắc mà từ những sự thực. Những người cộng sản không lấy thứ triết học này nọ, mà lấy toàn bộ quá trình lịch sử trước đây và đặc biệt là những kết quả thực tế của quá trình trước mắt tại các nước văn minh làm tiền đề của họ...

Chủ nghĩa cộng sản ở mức độ nó là lý luận, là sự biểu hiện lý luận của lập trường của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh đó và sự khái quát lý luận của những điều kiện giải phóng của giai cấp vô sản”(5). Để tiến lên, những người cộng sản không thể chỉ căn cứ vào lý luận đã có mà cần phải từ “sự thực” để phê phán phong trào cộng sản ở giai đoạn đã qua và hiện nay để tìm những bài học kinh nghiệm. Sự phê phán mà nó tiến hành luôn luôn xuất phát từ “miếng đất hiện thực của lịch sử”. Song chính Mác lại chỉ dẫn không phải sự phê phán, mà cách mạng mới là động lực của lịch sử. Mác luôn lưu ý rằng: “Để có ý thức chủ nghĩa cộng sản đó nảy sinh ra được trong đông đảo quần chúng, cũng như để đạt được chính ngay mục đích ấy thì cần phải có một sự biến đổi của đông đảo quần chúng, song sự biến đổi này chỉ có thể tiến hành được bằng một phong trào thực tiễn, bằng cách mạng”(6).

Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp giữa Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam. Từ tư tưởng “trước hết phải trở thành giai cấp dân tộc” trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” của C.Mác đến “Luận cương về vấn đề dân tộc” của V.I.Lê-nin, Hồ Chí Minh đã cùng nhân dân Việt Nam thề: Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập! Phải giành lấy chính quyền! Chính quyền đó phải trao cho số đông nhân dân! Với tinh thần cách mạng của C.Mác, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì tiến hành những cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ để giành chính quyền, đã thiết lập nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Việt Nam.

C.Mác dạy: Phong trào cộng sản đòi hỏi phải có một Đảng Cộng sản bao gồm những người tiên tiến, những chiến sĩ tiên phong làm nhiệm vụ dẫn dắt và thúc đẩy phong trào. Sự thành bại của cách mạng, trước hết phụ thuộc vào trình độ phát triển về lý luận, tư tưởng và tổ chức của Đảng. Học thuyết về đảng kiểu mới của V.I.Lê-nin đã chỉ rõ sự ra đời của một chính đảng vô sản là bởi có sự “kết hợp giữa chủ nghĩa Mác với phong trào công nhân”. Đảng phải có lý luận tiên phong mới làm tròn được nhiệm vụ của đảng tiên phong. Đảng đó phải có tổ chức chặt chẽ được xây dựng theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Đảng đó phải tự biết đấu tranh để chống 3 kẻ thù: sự dốt nát, tính kiêu ngạo cộng sản và bệnh quan liêu tham nhũng, ăn hối lộ. Đảng đó phải có dũng khí nhận ra những sai lầm của mình, nhất là sai lầm về đường lối, phải làm cho đảng trong sạch, vững mạnh. Chính sách kinh tế mới và các quyết định về thanh đảng được đề ra trong mấy năm cuối đời của V.I.Lê-nin là sự bổ sung hoàn chỉnh học thuyết về đảng kiểu mới của chính Người. Và đó cũng chính là một bước tiến trong sự phát triển học thuyết về Đảng Cộng sản của C.Mác. Một thời gian dài, khi nghiên cứu về học thuyết đảng kiểu mới của V.I.Lê-nin, chúng ta đã không đề cập một cách đầy đủ tới NEP - một quyết sách chiến lược trong việc xây dựng đảng về mặt chính trị trong tình hình mới, và THANH ĐẢNG - một quyết sách chiến lược trong xây dựng đảng về mặt tổ chức, khi cách mạng đã chuyển sang giai đoạn xây dựng đất nước, khi đảng đã trở thành đảng cầm quyền...

C.Mác đã từng nói, người ta bao giờ cũng phải trả giá cho sự dốt nát của mình. “Học phí” cho việc nhận ra sai lầm và khuyết điểm của đảng cầm quyền là quá lớn, có khi bằng chính sự nghiệp, cơ đồ của cả một chế độ xã hội do “núi xương, sông máu” của nhân dân xây đắp nên. Nhưng một đảng vĩ đại cũng chính là ở nơi nó biết nhận ra sai lầm và quyết tâm sửa chữa những sai lầm khuyết điểm đã mắc phải. Đất nước ta sau ngày thống nhất, do thực hiện cơ chế tập trung quan liêu bao cấp đã rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội. Đại hội VI của Đảng (năm 1986) đã nghiêm khắc chỉ rõ: Đó là những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện. Nguyên nhân là do trong lĩnh vực tư tưởng đã bộc lộ sự lạc hậu về nhận thức lý luận và vận dụng các quy luật đang hoạt động trong thời kỳ quá độ, đã mắc bệnh duy ý chí, chủ quan, nóng vội... Trong tổ chức, khuyết điểm lớn nhất là sự trì trệ, chậm đổi mới công tác cán bộ. Bệnh quan liêu, tham nhũng và ăn hối lộ hoành hành, lây lan làm suy yếu cơ thể Đảng và chế độ. Mặc dù đã có những chuyển biến đáng khích lệ qua mấy chục năm thực hiện đường lối đổi mới, nhưng tới nay Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn đang đứng trước những thử thách gay gắt. Nâng cao năng lực, trí tuệ và sức chiến đấu của Đảng, dân chủ, công minh và công tâm, trọng dụng nhân tài, chính sách giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và đãi ngộ thích đáng… sẽ tạo ra bước chuyển biến tích cực trong xây dựng Đảng.

C.Mác - Ph.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin, Hồ Chí Minh là những người lạc quan, tin tưởng vào tương lai tất thắng của chủ nghĩa cộng sản. Bởi các ông đều nhìn thấy xu thế tất yếu của lịch sử và khả năng, lực lượng để hoàn thành sứ mệnh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người thuộc về lực lượng trẻ, là ở những lớp người bảo vệ và phát triển sự nghiệp cách mạng của cha anh, biết kế tiếp và “đứng lên vai thế hệ trước mà tiến lên” thực hiện mục tiêu vì độc lập, tự do, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trách nhiệm của Đảng ta hiện nay, một mặt phải tự chỉ trích, tự đổi mới, đồng thời phải biết cách vun trồng, xây dựng thế hệ tiếp nối.

Như vậy, “trước hết phải chỉnh đốn lại Đảng”, đồng thời phải chăm lo “đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau” (Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh) là hai vấn đề liên quan đến sự tồn vong và phát triển của Đảng Cộng sản và của dân tộc Việt Nam ta. Đó chính là quyết sách chính trị sáng suốt và hành động dũng cảm của Đảng để  chúng ta vững tin vào bản chất cách mạng và khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

-----

(1) Phê phán lý luận biện chứng, Pa-ri; Gallimard, 1960, tr.29. (2) Mác - nhà tư tưởng của cái có thể. NXB Thông tin khoa học xã hội. H.1996. (3) Văn kiện Đảng toàn tập, NXB CTQG, H.2002, tập 7, tr.113. (4) V.I.Lê-nin toàn tập, NXB Tiến bộ, M.1978, tập 44, tr.277. (5), (6) C.Mác - Ph.Ăng-ghen tuyển tập, NXB Sự thật, H.1980, tập 1, tr.432-433, tr.304.

KỲ 2: Quan niệm về địa vị trí thức và sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản trong thời đại cách mạng 4.0                               

Theo quy luật chung, ý thức xã hội phản ánh trực tiếp tồn tại xã hội nhưng tư tưởng bao giờ cũng có sự kế thừa và phát triển. Có những giá trị cũ có thể bị lịch sử vượt qua nhưng có những giá trị theo quy luật giao thoa và tiếp biến văn hóa, qua đào thải và chọn lọc nó vẫn tồn tại và trở thành tài sản chung của nhân loại, có ý nghĩa soi sáng cho nhiều thế hệ tiếp nối. Những giá trị cốt lõi trong di sản của C.Mác, Ph.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin, Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng và Nhà nước vẫn có tính thời sự nóng hổi đối với chúng ta hôm nay, trong đó có quan niệm về địa vị trí thức và sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản.

Chúng ta đã quá quen thuộc với định nghĩa sau đây về giai cấp và đã áp dụng nó để phân định thành phần giai cấp ở nước ta: “Người ta gọi là giai cấp, những tập đoàn to lớn gồm những người khác nhau về địa vị của họ, trong một hệ thống sản xuất xã hội nhất định trong lịch sử, khác nhau về quan hệ của họ (thường thường thì những quan hệ này được pháp luật quy định và thừa nhận) đối với những tư liệu sản xuất, về vai trò của họ trong tổ chức lao động xã hội, và như vậy là khác nhau về cách thức hưởng thụ và về phần của cải xã hội ít hoặc nhiều mà họ được hưởng. Giai cấp là những tập đoàn người, mà tập đoàn này thì có thể chiếm đoạt lao động của tập đoàn khác, do chỗ các tập đoàn đó có địa vị khác nhau trong một chế độ kinh tế xã hội nhất định”(1). Căn cứ vào định nghĩa giai cấp này, từ trước đến nay Đảng ta đã xác định và hướng dẫn kê khai lý lịch trong Đảng và trong xã hội gồm: thành phần xuất thân và thành phần bản thân (công nhân, nông dân, tư sản, địa chủ, phú nông, bần nông, cố nông…). Khi sắp xếp lực lượng và vai trò của các giai cấp trong các cuộc cách mạng do đảng cộng sản - đảng của giai cấp công nhân - lãnh đạo, trong cách mạng dân tộc, dân chủ thực hiện chuyên chính công nông xác định công nông liên minh, nông dân là quân chủ lực, đoàn kết với tầng lớp trí thức; trong cách mạng XHCN thực hiện chuyên chính vô sản, xác định: giai cấp vô sản (công nhân) là giai cấp lãnh đạo liên minh với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức. Cả hai cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ và XHCN đều thấy cần thiết phải thu hút cho được những người trí thức tham gia, không thể thiếu họ trong lực lượng cách mạng. Trong cách mạng XHCN vai trò của trí thức ngày càng được đề cao, ghi nhận đậm nét trong các văn bản của Đảng. Nghị quyết của Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu sáng tạo. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đãi ngộ xứng đáng những cống hiến của trí thức. Có chính sách đặc biệt đối với nhân tài của đất nước. Coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Gắn bó mật thiết giữa Đảng và Nhà nước với trí thức, giữa trí thức với Đảng và Nhà nước”.

Dù đánh giá cao vai trò của trí thức nhưng theo quan niệm truyền thống ở các nước XHCN, trí thức chưa bao giờ được coi là một giai cấp. Theo nhận thức chung, phổ biến, trong các chế độ phong kiến địa chủ, tư sản, hầu hết trí thức xuất thân từ giai cấp bóc lột, tuyệt đại bộ phận trong số họ đều phục vụ cho chính quyền của giai cấp thống trị. Khi cách mạng do giai cấp vô sản phát động, trong số họ có một bộ phận đi theo cách mạng nhưng dễ hoang mang, dao động, ngả nghiêng. Vì vậy khi cách mạng thành công cần cải tạo họ để họ phục vụ cho giai cấp vô sản. Dưới chế độ XHCN, nhà nước chuyên chính vô sản cần phải đào tạo ra một lớp trí thức mới xuất thân từ công, nông, tuy họ xuất thân từ những thành phần “cốt cán” ấy nhưng khi đã là trí thức, họ không còn là công, nông, chỉ là một tầng lớp (hay đội ngũ) cần liên minh để xây dựng CNXH.

Ở Việt Nam thì khác, người trí thức cùng chung số phận với dân tộc mình, bị đế quốc thực dân và bọn phong kiến tay sai đàn áp; không chịu mãi kiếp đời nô lệ nên đã cùng nhân dân đứng lên, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong suốt mấy cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do. Có một đặc điểm quan trọng là trong số những người tham gia ngay từ buổi đầu thành lập Đảng, dựng nước thì đại bộ phận họ đều là trí thức, đều xuất thân từ những gia đình trí thức hoặc tầng lớp khá giả, nghĩa là không xuất thân từ công, nông. Một số người đã trở thành những lãnh tụ của phong trào cách mạng: Hồ Chí Minh, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… Trải qua gần một thế kỷ, biết bao trí thức nước ta đã tham gia phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo, họ đã trưởng thành từ những phong trào ấy, không ít người đã có những đóng góp to lớn làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Nhưng cho tới nay, theo tư duy truyền thống, lấy định nghĩa giai cấp đã nêu ở trên làm hệ quy chiếu thì dù có đánh giá trí thức quan trọng như thế nào thì vẫn không thể coi họ là một giai cấp.

Thời đại hậu công nghiệp đã đưa tới nền văn minh tin học, thế giới chuyển thành nền kinh tế tri thức, một bộ phận ngày càng nhiều những nhà bác học, nhà công nghệ, kỹ sư, công trình sư và nhân viên kỹ thuật đều là trí thức. Các nhà lý luận Mác-xít đều cho rằng không phải sự phát triển như vậy thì khái niệm giai cấp công nhân biến mất và vai trò sứ mệnh lịch sử  của nó đã rơi vào “giai cấp kỹ trị”. Theo C.Mác và Ph.Ăng-ghen thì “giai cấp vô sản là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp” hay nền “công nghiệp hiện đại”, “giai cấp vô sản được tuyển mộ trong tất cả các giai cấp của dân cư”(2). Ngày nay giai cấp công nhân (giai cấp vô sản) không như giai cấp vô sản ở thế kỷ XIX, nghĩa là họ không chỉ là giai cấp của những người “lao động chân tay”, “lao động cơ bắp”, “lao động giản đơn” và “không có tri thức”… Thực tế, số đông và ngày càng nhiều những người trí thức, như nói trên, đã trở thành công nhân, họ có quyền khai mình là giai cấp công nhân, tức là họ đã trở thành người công nhân hiện đại. Họ ngày càng thể hiện mình trong nền sản xuất ra của cải vật chất của xã hội, đứng ở trung tâm của nền sản xuất hiện đại và luôn đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến nhất của thời đại. Nội hàm khái niệm “giai cấp công nhân” mà các nhà kinh điển nêu ra ở thế kỷ XIX đã và đang mở rộng theo đúng khuynh hướng phát triển của nền sản xuất hiện đại. Nhưng dù thế, vẫn còn một số đông những nhà trí thức không nằm trong nền sản xuất ra của cải vật chất như bác sỹ, nhà giáo, nhà hoạt động văn hoá, nhà hoạt động chính trị - xã hội, công chức, viên chức… vẫn không được xếp vào bất cứ thành phần giai cấp nào. Họ vẫn là trí thức, được gọi là “bộ phận”, “tầng lớp” hay “đội ngũ”, không phải giai cấp trí thức, càng không thể là giai cấp công nhân.

Chúng ta kiên trì Chủ nghĩa Mác-Lênin, dù tình hình kinh tế - xã hội trong thời kỳ quá độ tiến lên CNXH đã phát triển như thế nào, cơ cấu xã hội - dân cư có thay đổi đến đâu thì giai cấp, Nhà nước và Đảng vẫn tồn tại. Sự vật cần có tên của nó. Vì thế trong sự phân định, quy định kê khai thành phần giai cấp cần phải có sự minh định rõ ràng. Quy định một bộ phận dân cư thuộc thành phần giai cấp nào không phải chỉ là hình thức, nó liên quan đến tư tưởng chiến lược, xác định bản chất của Đảng, sắp xếp lực lượng cách mạng và chính sách nhân sự trong hệ thống chính trị. Chúng ta chẳng đang vẫn chú ý đến tỷ lệ cơ cấu giai cấp trong kết cấu nhân sự của Đảng và Nhà nước ư?

Hồ Chí Minh khẳng định: Đảng phải là người tiêu biểu cho trí tuệ, tinh hoa, đạo đức, lương tâm và danh dự của dân tộc. Điều lệ Đảng đã và đang chỉ rõ Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân. Vậy một bộ phận quan trọng trong dân cư là những người trí thức cứ phải là một “bộ phận”, một “tầng lớp”, một “đội ngũ”, hoặc cứ  “lơ lửng” là cán bộ, công chức không thuộc giai cấp nào, trong khi một bộ phận không nhỏ, họ đang đứng trong hàng ngũ của Đảng, là những người tiêu biểu cho tinh hoa trí tuệ của dân tộc? Nhưng nếu gọi họ là giai cấp thì là giai cấp nào, có trái với Chủ nghĩa Mác-Lênin không?

Chúng ta cần theo phương pháp luận Mác-xít, căn cứ vào thực tiễn để nghiên cứu vận dụng tìm ra câu trả lời. Trong khi nghiên cứu tư tưởng của C.Mác và V.I.Lê-nin về giai cấp còn phải chú ý đến những luận điểm quan trọng của Ph.Ăng-ghen ở giai đoạn cuối đời. Nghĩa là ở thời điểm ông đưa ra những chỉ dẫn, những lời bổ sung hoặc đính chính làm rõ thêm những quan điểm của C.Mác và của ông trong các tác phẩm của hai ông đã xuất bản trước đó cùng những dự báo khoa học của riêng ông về sự phát triển tương lai của CNXH. Trong một bài viết ngắn, cô đọng, Ph.Ăng-ghen đã nói rõ giai cấp công nhân được hình thành cùng với quá trình phát triển của nền đại công nghiệp, trong đó hai nguồn nhân lực quan trọng và chủ yếu là công nhân thủ công nghiệp và các sinh viên. Ngày 19 tháng chạp năm 1893, trong  thư  “Gửi Đại hội Quốc tế các sinh viên XHCN”, lần đầu tiên Ph.Ăng-ghen đã khẳng định khái niệm “giai cấp vô sản trí thức” là bộ phận hợp thành của giai cấp công nhân hiện đại và chỉ rõ chính giai cấp công nhân ấy là lực lượng duy nhất hoàn thành sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân, xây dựng thành công CNXH trong tương lai. Trong bức thư này, Ph.Ăng-ghen đã chỉ ra mấy luận điểm quan trọng sau:

Thứ nhất, Hội sinh viên XHCN phải làm cho thanh niên ý thức được rằng giai cấp vô sản trí thức phải được hình thành từ hàng ngũ các sinh viên.

Thứ hai, sinh viên sẽ trở thành giai cấp vô sản trí thức, nó sẽ hình thành bên cạnh và trong hàng ngũ những người bạn của nó là các công nhân thủ công nghiệp (công nhân thủ công nghiệp cũng sẽ trở thành giai cấp công nhân hiện đại trong quá trình công nghiệp hoá).

Thứ ba, giai cấp vô sản giành quyền lãnh đạo không phải chỉ bộ máy chính trị mà phải cả toàn bộ nền sản xuất xã hội và những kiến thức vững chắc chứ không phải chỉ là những lời nói về vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân.

Ông viết: “Các bạn hãy cố gắng làm cho thanh niên ý thức được rằng giai cấp vô sản trí thức phải được hình thành từ hàng ngũ các sinh viên, bên cạnh và trong hàng ngũ những người bạn của nó – các công nhân thủ công nghiệp… sự nghiệp giải phóng công nhân đòi hỏi phải có những bác sĩ, kỹ sư, nhà hoá học, nông học và các chuyên gia khác; vấn đề là ở chỗ giành quyền lãnh đạo không phải chỉ có bộ máy chính trị, mà còn phải cả toàn bộ nền sản xuất xã hội nữa, và ở đây cần đến những kiến thức vững chắc chứ không phải là những luận điệu huênh hoang rỗng tuếch”(3).

Từ những chỉ dẫn quan trọng nói trên của Ph.Ăng-ghen và căn cứ vào tình hình thực tiễn hiện nay, xin nêu mấy điều sau đây góp vào nghiên cứu chung:

1. Trong các văn bản chính trị, pháp lý của Đảng và Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân, cần nhấn mạnh tới định hướng đào tạo sinh viên thành giai cấp vô sản trí thức. Đào tạo giai cấp vô sản trí thức phải là mục tiêu của nhà trường XHCN Việt Nam.

2. Giai cấp vô sản trí thức cần được đối xử và tôn vinh như những người bạn cùng giai cấp của nó là công nhân công nghiệp.

3. Không nên gọi họ là “tầng lớp” hay “đội ngũ trí thức” mà nên theo Ph.Ăng-ghen khẳng định họ là một bộ phận của giai cấp công nhân hiện đại bao gồm: công nhân công nghiệp, công nhân nông nghiệp, công nhân (vô sản) trí thức.

4. Khẳng định giai cấp vô sản trí thức cùng với những người bạn của nó là giai cấp công nhân các ngành khác, chính là người có sứ mệnh giành và giữ vững quyền lãnh đạo chính trị của Đảng Cộng sản bởi vì Đảng Cộng sản là đội tiên phong của chính họ. Nói Đảng Cộng sản Việt Nam mang trong mình bản chất cách mạng và khoa học, là người tiêu biểu cho trí tuệ, lương tâm, danh dự của dân tộc chính bởi vì Đảng là đội tiên phong của một giai cấp công nhân có kết cấu như trên - một giai cấp bao gồm những phần tử tinh hoa của thời đại và đại diện cho khuynh hướng phát triển hợp quy luật của lịch sử r

-----

(1) V.I.Lê-nin, toàn tập, NXB Tiến bộ, M.1978, tập 39, tr.17-18. (2) C.Mác và Ph.Ăng-ghen, tuyển tập, tập 1, NXB ST, H.1980, tr.5513. (3) C.Mác và Ph.Ăng-ghen, tuyển tập, tập 6, NXB ST, H.1984, tr.552-553.


KỲ 3: Văn hóa lãnh đạo, quản lý từ những lời dạy của V.I.Lê-nin

L
ãnh tụ V.I.Lê-nin là người đứng đầu Đảng Cộng sản Liên Xô, nhưng Người còn trực tiếp là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng dân ủy (đứng đầu cơ quan hành pháp của Nhà nước Xô-viết từ năm 1917 đến 1924). Bảy năm lãnh đạo, đồng thời điều hành đất nước trong hoàn cảnh thù trong, giặc ngoài, không phải lúc nào V.I.Lê-nin cũng thành công. Như đầu năm 1918 Người “…đã phạm một sai lầm là quyết định chuyển ngay sang việc sản xuất và phân phối cộng sản chủ nghĩa”(1). Thất bại đó đã dẫn tới cuộc “khủng hoảng kinh tế và chính trị sâu sắc mà chúng ta vấp phải mùa xuân 1921. Cho nên, đứng về mặt đường lối và chính sách của chúng ta mà xét, cần phải có cái mà người ta không thể gọi một cách nào khác hơn là một sự thất bại rất nặng nề…”(2). Thế nhưng dũng khí cách mạng của V.I.Lê-nin là nhận rõ sai lầm và tích cực đề ra những biện pháp khắc phục.

Với cương vị là người đứng đầu cơ quan lãnh đạo, quản lý cao nhất của Đảng và Nhà nước, qua những năm tháng khó khăn, V.I.Lê-nin đã tổng kết, tìm ra nguyên nhân và chỉ ra những bài học cơ bản về văn hoá lãnh đạo, quản lý. Những chỉ dẫn đó vẫn có tính thời sự cấp thiết cho chúng ta.

1. Sự tự ý thức của chủ thể

Giành được chủ quyền quốc gia đã khó, giữ vững chủ quyền và xây dựng, kiến thiết quốc gia lại càng khó hơn. Khó khăn lớn nhất chính là ở sự tự ý thức của chủ thể lãnh đạo, quản lý, trong nội bộ tổ chức bộ máy của Đảng và Nhà nước. Tự ý thức để dùng văn hóa soi đường cho lãnh đạo, quản lý, nhằm khắc phục những lạc hậu, tiêu cực, những cản trở, chiến thắng những “kẻ thù bên trong” như V.I.Lê-nin và Hồ Chí Minh đã chỉ ra:

Đó là tính “kiêu ngạo cộng sản” tồn tại bên trong không ít đảng viên của đảng cầm quyền. Họ “tưởng rằng chỉ bằng những pháp lệnh cộng sản là có thể giải quyết được tất cả mọi nhiệm vụ của mình. Khi họ là đảng viên của một đảng chấp chính và là nhân viên công tác ở một cơ quan nhà nước nào đó, thì trên cơ sở đó họ nghĩ rằng điều đó làm cho họ có thể nói đến những kết quả…”(3).

Đó là trình độ văn hoá thấp kém (văn hoá lãnh đạo, văn hoá quản lý, văn hoá thực hành dân chủ…). Sự thiếu hụt kiến thức đã làm giảm hiệu lực và hiệu quả của lãnh đạo và quản lý bởi nó không có triết lý, chính kiến nhất quán, mà chỉ là sự chắp vá, lặp lại những kinh nghiệm của ngày hôm qua hoặc là sự bắt chước lố bịch. Đối với một xã hội dân chủ, chúng ta muốn xây dựng nó cao hơn chế độ dân chủ tư sản, nhưng nó lại thấp kém về văn hoá thì nhà lãnh đạo và quản lý chỉ có thể nhận được “những tin đồn đại, những chuyện nhảm nhí, những chuyện hoang đường, những thiên kiến, chứ không phải chính trị”(4).

Đó là quan liêu rời xa thực tế, xa cấp dưới và xa dân, chỉ làm việc theo kiểu bàn giấy; là không biết “tính toán tiền nong cho cẩn thận và thành thực”; là không chịu “chi tiêu tiết kiệm”, là “lười biếng”, “tham ô” và không “làm theo kỷ luật”(5). Chính vì vậy mà tệ tham nhũng và nạn hối lộ khuynh đảo cả bộ máy chính quyền các cấp, và rằng: “Nếu còn có một hiện tượng như nạn hối lộ, nếu còn có thể hối lộ được…” thì “mọi biện pháp đều sẽ lơ lửng trên không trung, sẽ hoàn toàn không mang lại kết quả gì cả. Một đạo luật chỉ có thể đưa đến kết quả xấu hơn, nếu trên thực tiễn nó được đem áp dụng trong điều kiện nạn hối lộ còn được dung thứ và đang thịnh hành”(6).

2. Năng lực và bản lĩnh của người đứng đầu

Lãnh đạo, quản lý là một nghề, nghĩa là phải được đào tạo vừa theo chiều rộng (kiến thức chung về triết học, chính trị, kinh tế, lịch sử, tâm lý, xã hội học…), vừa theo chiều sâu (kiến thức chuyên ngành) để thực sự vững về chính trị, giỏi về chuyên môn. Nhà lãnh đạo, quản lý vừa phải biết rõ lĩnh vực mình phụ trách, vừa phải biết chỉ huy, điều hành, hướng dẫn và kiểm tra công việc của cấp dưới. Lãnh đạo là làm việc với con người, quản lý phải dựa vào tổ chức và bộ máy và sử dụng các loại hình vật chất, các phương tiện tài chính… Người thủ trưởng phải tự mình kiểm tra những khâu, những việc trọng yếu và có dũng khí để chấn chỉnh, khi cần thì thay ngay những người không đủ uy tín và khả năng làm việc, tuyệt đối không được lề mề, thiên vị, cá nhân, bất kể người đó là ai, đã có quá khứ “oanh liệt” thế nào. Khi làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng dân uỷ, kiểm tra thấy đồng chí Un-nich (đảng viên Đảng Cộng sản bôn-sê-vích Nga từ năm 1909, những năm 1914-1924 là chuyên viên Ban Thư ký của Hội đồng Bộ trưởng dân uỷ) đã không chấp hành đúng quy chế lại tuỳ tiện thay đổi hình thức và chế độ làm việc; còn đồng chí Xmô-lin Ni-cốp và Dăc-cơ, 2 cán bộ phụ trách đồng chí Un-nich thì làm việc tắc trách, thiếu kiểm tra, đôn đốc chu đáo lại tự ý ra các quy định không đúng thẩm quyền, V.I.Lê-nin đã thể hiện một thái độ kiên quyết: “Tôi tuyệt đối không cho phép làm như thế. Chỉ có các phó chủ tịch, cùng ký tên, mới có quyền ra lệnh và cho phép thay đổi… Nếu người nào có một sự thay đổi nào khác thì sẽ bị đuổi khỏi chức vụ”(7). Tiếp đó, Người ra lệnh cho các bộ trưởng phải chịu trách nhiệm kiểm tra cụ thể công việc và báo cáo công việc một cách chính xác. “Nếu không chấp hành đúng đắn, những người này sẽ bị trừng phạt thẳng tay, bị bắt giam hoặc cách chức theo lệnh của các phó chủ tịch. Còn nếu bộ trưởng dân uỷ không chấp hành nghiêm chỉnh thì sẽ bị cảnh cáo… Theo dõi công việc này - một cách thật nghiêm túc - là nhiệm vụ của Chánh Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng dân uỷ và thế nào tôi cũng cách chức nếu việc này không được chấp hành nghiêm chỉnh một trăm phần trăm”.

Nhiệm vụ là làm cho các bộ dân uỷ quen với tác phong đúng đắn, bằng cách tống vào nhà lao hoặc đuổi những người chấp hành không đúng đắn”(8). Người còn nói rõ đó là quy định chung cho tất cả các cơ quan nhà nước Trung ương và địa phương ở Liên Xô.

3. Biết nhận sai và sửa sai

Nhà lãnh đạo, quản lý thông minh không phải là người không bao giờ mắc sai lầm mà là người biết mau chóng nhận ra sai lầm đã phạm phải. Chính V.I.Lê-nin là người đã tự chỉ trích về những chủ trương thực hiện “chính sách cộng sản” thời chiến ngay sau Cách mạng Tháng Mười 1917 và cả những thiếu sót khi điều hành bộ máy nhà nước. Thực tiễn đã chứng tỏ rằng việc đề ra chính sách kinh tế mới (NEP) và chủ trương thanh đảng là một quyết định sửa chữa sai lầm mang dấu ấn của một nhà lý luận thiên tài và một nhà quản lý vĩ đại. Trong việc đề bạt, sử dụng, thay thế cán bộ, V.I.Lê-nin đã có nhiều lần tự nhận một cách công khai, minh bạch về những sai lầm của mình và sửa sai một cách khẩn trương để người tốt được minh oan, kẻ xấu bị thải hồi. Ví dụ: năm 1922, do đánh giá sai, Hội đồng Bộ trưởng dân uỷ đã loại bỏ Cra-xnô-sê-côp khỏi chức Thứ trưởng Bộ Tài chính vì đồng chí có ý kiến mới về xây dựng tổ chức bộ máy trái với cấp trên, đề bạt An-xki, một cán bộ kém khả năng và không vững vàng về chính trị thay thế. Sau một thời gian, V.I.Lê-nin đã thẳng thắn phát biểu: “Theo tôi, cần phải đuổi An-xki (không dùng vào việc gì được cả); đưa Cra-xnô-sê-côp trở về. Đồng chí đó đúng… Đồng chí đó sẽ xây dựng bộ máy…”(9).

4. Tập thể bàn thảo, cá nhân phụ trách

Nhiều lần, V.I.Lê-nin nhấn mạnh: “Thảo luận thì thảo luận chung, nhưng trách nhiệm là của từng người”(10). Người đặc biệt chú ý đến việc bàn thảo dân chủ, bởi vì “cách mạng sẽ không thể phát triển được nếu không trải qua một thời kỳ mà mọi người cùng nhau thảo luận rộng rãi về tất cả mọi vấn đề”(11).

Chủ trương lãnh đạo, quyết định quản lý phải chính xác, không được phép đa nghĩa để tránh tình trạng mỗi người hiểu một khác vì đó chính là kẽ hở để cấp dưới có thể vận dụng tùy tiện. Họp là thảo luận chung, làm rõ vấn đề để đưa ra quyết định chính xác. Quyết định đó là trí tuệ và ý chí của tập thể, nó sẽ trở thành nghị quyết để mọi người tự giác phục tùng. V.I.Lê-nin đã phê phán cách hội họp cho “phải phép”, rút cuộc ý định chủ quan của người đứng đầu (có thể sai) vẫn được “tập thể thông qua”. Do đó tình trạng mà sinh thời Hồ Chí Minh gọi là trong hội nghị thì im tiếng, ngoài hội nghị thì nhiều mồm, thầm thì bàn tán, lòng tin giảm, không tạo ra sự đồng thuận và phấn khởi khi thực thi quyết định. Nhà lãnh đạo, quản lý cũng phải biết “phân biệt được cái gì là cần thiết cho các cuộc hội họp thảo luận và cái gì là cần thiết cho việc quản lý… Đáng tiếc là… phần lớn các cuộc đại hội đều đã được tiến hành một cách không thực tế”(12).

Với cương vị là người giữ trọng trách lãnh đạo cao nhất của Đảng cầm quyền và Nhà nước Xô-viết, V.I.Lê-nin đã công khai thừa nhận: “So với tất cả các nước trên thế giới, thì chúng ta chiếm kỷ lục về số lượng đại hội. Không một nước cộng hòa dân chủ nào lại họp nhiều đại hội như nước ta, vả lại họ cũng không cho phép họp nhiều đại hội như thế”(13).

Khi đã có quyết định thì phải thực thi một cách quyết liệt, chặt chẽ, dũng cảm. “Ở đây, không thể có thứ tình cảm uỷ mị nào cả. Tình cảm uỷ mị cũng tội lỗi không kém gì sự hèn nhát trong chiến tranh”(14).

V.I.Lê-nin phê bình các bộ trưởng: “Đáng lẽ phải chịu trách nhiệm về công việc của mình, đáng lẽ phải đưa ra các quyết định lên Hội đồng Bộ trưởng dân uỷ, với ý thức rằng chính mình là người chịu trách nhiệm, thì người ta lại nấp sau các ban. Đến thánh cũng không biết đâu mà lần trong các ban đó, không làm thế nào mà tìm ra được người chịu trách nhiệm cả; mọi cái đều rối tung và cuối cùng, người ta đưa ra một nghị quyết trong đó tất cả mọi người đều chịu trách nhiệm”(15).

5. Đổi mới phương thức lãnh đạo và cải cách hành chính

Đổi mới phương thức lãnh đạo, cải cách thể chế và thủ tục hành chính là việc làm thường xuyên, phải chú ý từ những chi tiết tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng lại liên quan đến việc chấp hành các quyết sách chính trị và quyết định quản lý. V.I.Lê-nin nhấn mạnh: Cần khắc phục tính rụt rè, thủ cựu, bảo thủ nhưng lại hay nói to những vấn đề lý luận cách mạng chung chung cao siêu, xa rời thực tế. “Trong toàn bộ lĩnh vực những quan hệ xã hội, kinh tế và chính trị ta đều tỏ ra là cách mạng ghê gớm. Nhưng về mặt cấp bậc, về mặt tôn trọng những hình thức và những thể lệ về thủ tục hành chính thì “tính cách mạng” của chúng ta lại hay nhường chỗ cho tinh thần thủ cựu hủ bại nhất… Bởi vậy, cuộc sống hiện tại của chúng ta là một sự tập hợp hết sức rõ rệt những tính táo bạo phi thường với mọi tâm lý rụt rè trước những thay đổi nhỏ nhặt nhất”(16).

  6. Thượng tôn pháp luật

Công cụ của Nhà nước dùng để quản lý là pháp luật. Mọi người dù là chủ thể hay khách thể lãnh đạo, quản lý đều phải phục tùng pháp luật. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Chính nguyên tắc đó sẽ bảo đảm cho xã hội sự công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng và kỷ cương để phát triển bền vững. V.I.Lê-nin khẳng định: “Pháp luật Xô-viết rất tốt, vì pháp luật đã đem lại cho mọi người khả năng chống tệ quan liêu và bệnh lề mề…”(17). Nhưng Người chỉ ra rằng pháp luật Xô-viết vẫn chưa được thực hiện, ít người biết sử dụng khả năng đó, “không những nông dân mà  chính cả một số rất lớn đảng viên cộng sản cũng không biết dùng pháp luật Xô-viết để đấu tranh chống bệnh lề mề và quan liêu, hoặc ngay cả điển hình của Nhà nước Nga là nạn hối lộ”(18). Người chỉ ra căn nguyên không phải do nước Nga thiếu luật, hoặc thiếu phương tiện tuyên truyền pháp luật, ngược lại, người ta đã ban hành nhiều văn bản luật nhưng hô hào suông mà không nâng cao được trình độ văn hoá của quần chúng và dựa vào sự giúp đỡ của họ để thực thi pháp luật.

7. Đoạn tuyệt với chủ nghĩa cơ hội

V.I.Lê-nin đặc biệt quan tâm đến việc làm trong sạch tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức. Ngoài việc đòi hỏi phải thanh trừng khỏi tổ chức của Đảng, các cơ quan nhà nước những kẻ cơ hội, quan liêu và nhận hối lộ vì chính bọn này đã làm vẩn đục tình hình để “buông câu trong đám nước đục” và trên thực tế “họ đã câu được trong đám nước đục ấy đến mức chỉ có những người đui mù trong chúng ta mới không thấy được là họ đã câu như vậy trên một quy mô rộng lớn tới chừng nào”(19), Người đòi hỏi phải qua thực tiễn mà đánh giá đạo đức và năng lực thực tế của cán bộ, công chức, đem so sánh với cấp bậc và chức quyền họ đang giữ.

Mấu chốt của văn hoá lãnh đạo quản lý là vấn đề nhân sự và “điều kiện đầu tiên của người cộng sản chân chính là đoạn tuyệt với chủ nghĩa cơ hội”(20).

Và trong mỗi thời kỳ, việc dùng người luôn thể hiện tâm và tầm văn hoá của Đảng cầm quyền! 

-----

(1), (2), (3), (4), (6), (10), (11), (12), (13), (14), (20) V.I.Lê-nin, toàn tập, NXB Tiến bộ, M.1978, tập 44, tr.197, 199, 217, 218, 207, 208, 22. (5) Sđd, tập 36, tr.214. (7), (8), (9) Sđd, tập 54, tr.339, 340, 294. (15), (16), (17), (18), (19) Sđd, tập 45, tr.138, 453, 454, 112, 470.

KỲ 4: Chống chủ nghĩa cá nhân trong công tác nhân sự 

Trong lễ mít tinh kỷ niệm lần thứ 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2010) và 20 năm ngày UNESCO công nhận Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam” tại Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp tối 14-5-2010, Phó Tổng giám đốc UNESCO Hans D’Orville trong bài tham luận của mình, đã nói: “Người thầy thực sự phải là người giải phóng và nhà giải phóng thực thụ cũng chính là người thầy”. Hồ Chí Minh là một người THẦY như thế! Người là người thầy của hôm qua, hôm nay và mai sau.

Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người thầy về xây dựng một đảng cách mạng chân chính; người khai sinh ra nhà nước kiểu mới của Việt Nam và là kiến trúc sư lỗi lạc của nền hành chính nhà nước. Người từng nói: Đảng không phải là một tổ chức để thăng quan phát tài. Đảng phải vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Do vậy mỗi đảng viên, cán bộ phải thường xuyên rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân...

Chủ nghĩa cá nhân dẫn người ta đến một cuộc sống thấp hèn “không có dũng khí cách mạng, ít lo nghĩ về trách nhiệm của mình, không quyết tâm vươn lên phía trước. Họ hững hờ như người không có lý tưởng, đến đâu hay đến đó, qua tháng, qua ngày…”(1). “Do chủ nghĩa cá nhân mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh.

Cũng do chủ nghĩa cá nhân mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân.

Tóm lại, do chủ nghĩa cá nhân mà phạm nhiều sai lầm”(2).

Nhiều lần Hồ Chí Minh chỉ rõ: Chủ nghĩa cá nhân là “tư tưởng mẹ” đẻ ra nhiều tư tưởng xấu, trái với đạo đức cách mạng và đạo đức công dân. Người viết: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí… Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân. Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác… Người cách mạng phải tiêu diệt nó”(3).

 1. Quan liêu, con đẻ của chủ nghĩa cá nhân - nguồn gốc của mọi thói hư tật xấu trong bộ máy công quyền

 Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích đầy đủ về quan liêu, nội hàm của nó bao quát rộng. Người chỉ rõ: “Quan liêu là xa rời quần chúng, không đi sâu đi sát, không hiểu rõ lai lịch, tư tưởng và công tác của cán bộ mình. Không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Sợ phê bình và tự phê bình. Tác phong của những “ông quan liêu” là thiếu dân chủ, không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách”(4). Bệnh quan liêu đã làm tiêu vong sự nghiệp của nhiều chính khách và chế độ chính trị. Bệnh quan liêu làm tha hóa phẩm chất tốt đẹp của cán bộ và cơ quan nhà nước, làm cho dân sợ, oán ghét và khinh thường. Quan liêu thường đi đôi với mệnh lệnh, hống hách. Vì vậy, Hồ Chí Minh thường gọi chung là quan liêu mệnh lệnh. Người cho rằng cán bộ mắc bệnh quan liêu thực chất chỉ là những kẻ giả dối “làm láo, báo cáo hay”, những nhà dân chủ giả hiệu “miệng thì nói dân chủ nhưng làm việc thì theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng” nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm, chính sách của Đảng và Chính phủ”(5).

Một trong những nguyên nhân làm sụp đổ Liên bang Cộng hòa XHCN Xô-viết là bệnh quan liêu. Điều này đã được V.I.Lê-nin cảnh báo từ đầu thế kỷ XX: “Toàn bộ công việc của tất cả cơ quan kinh tế của chúng ta bị khốn khổ trước hết vì bệnh quan liêu. Nếu có cái gì làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó”(6).

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn cuối, miền Bắc cũng bước vào thời kỳ xây dựng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiêm khắc nhắc nhở: “… Vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí. Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Vì vậy muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí, thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu”(7).

2. Tính cấp bách của việc chống bệnh quan liêu

Chúng ta đều biết, sau khi giành được chính quyền, toàn bộ vấn đề lãnh đạo, quản lý xây dựng đất nước là để hiện thực hóa những mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của Đảng: xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, tự do, hạnh phúc…

Lãnh đạo và quản lý là khoa học và nghệ thuật tác động đến con người, nó thực thi quyền chỉ huy, điều hành đất nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Muốn lãnh đạo, quản lý có hiệu lực và hiệu quả thì chủ thể lãnh đạo, quản lý phải làm giàu trí tuệ của mình bằng hai nguồn tri thức: Tri thức khoa học tiên tiến và sự hiểu biết thấu đáo tình hình thực tiễn. Cả hai nguồn ấy đều là khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin để đưa ra quyết định đúng. Nhưng do quan liêu nên người (cá nhân, nhóm, tập thể) có quyền ra quyết định, hoặc do chủ quan tự mãn không chịu lắng nghe và học hỏi, hoặc do không sâu sát thực tế, lối làm việc bàn giấy nên “chủ quan, duy ý chí”, không nắm vững quy luật, đưa tới việc có những quyết định sai lầm.

Từ Đại hội VI tới nay, trong nhiều nghị quyết của Đảng đã chỉ ra những thiếu sót trong chủ trương, chính sách quản lý kinh tế - xã hội nhưng do bệnh quan liêu nên hầu như ở các cấp, các ngành, trên tất cả các lĩnh vực đều vẫn còn những sai lầm, khuyết điểm. Biết bao dự án treo, quy hoạch treo, dự án không có hiệu quả, đầu tư xây dựng nhà máy, công trình mang tính hình thức, chạy theo số lượng, phong trào. Cơ chế quản lý thiếu đồng bộ, không có sự phân công rành mạch và không có sự phối hợp nhịp nhàng nên đã tạo ra lỗ hổng để cho tệ lãng phí, tham nhũng có cơ hội phát sinh và lây lan. Số tiền lãng phí, thất thoát, tham nhũng lên tới hàng ngàn tỷ đồng, không những gây tổn hại cho công quỹ mà còn gây ra khốn khó cho một bộ phận dân cư (như việc quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển giao công nghệ cho nông dân, việc giải tỏa, đền bù, di dân, tái định cư… không đúng), hơn thế nó còn gây tác hại đến cả chủ quyền và an ninh quốc gia. Sâu xa hơn, tổn thất hơn là làm mất lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, nguy cơ đe dọa tới sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Lãnh đạo, quản lý đòi hỏi phải kiểm tra, phải nắm được thực chất tình hình, phải biết và xử lý các thông tin để kịp thời phản hồi, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi, bãi bỏ những quyết định, chủ trương, chính sách không đúng, không còn phù hợp với thực tiễn hoặc chấn chỉnh việc thi hành của cấp dưới. Nhưng chính bệnh quan liêu đã làm cho người lãnh đạo, quản lý chỉ có thể tiếp nhận được những thông tin sai lệch, những “thắng lợi ảo” và thường chỉ dừng lại ở những phúc đáp nhằm tránh né, đùn đẩy công việc cho các cơ quan khác, cho người khác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ rõ tình trạng bê trễ, làm sai, làm ẩu, làm hư hỏng, thất thoát tiền của và công sức của nhân dân trước hết là do quan liêu và thói vô trách nhiệm của người đứng đầu ngành, cấp, cơ quan ở từng lĩnh vực cụ thể. Cần thay thế những người do quan liêu, chủ quan không chịu học tập mà không biết làm việc, lại càng phải thay ngay những kẻ có trình độ nhưng đã thành “ông quan liêu” thiếu tinh thần phụ trách nên làm hỏng việc. Cần có người đứng đầu cơ quan lãnh đạo, quản lý có trách nhiệm, biết rõ công việc chứ không phải là một “ông quan liêu”, người đó sẽ nghiêm túc chịu trách nhiệm về mọi vấn đề ở cơ quan mình chứ không phải chỉ nhận thành tích, công trạng thuộc về mình, khuyết điểm cụ thể thì đổ thừa cho cấp phó và thủ trưởng cấp trực thuộc, hoặc nếu có thể thì “bắn” sang cho bộ, ngành khác.

Vấn đề đặc biệt quan trọng là công tác cán bộ, là dùng người. Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Tiếc rằng, chính tệ quan liêu trong những năm qua đã làm cho việc nhận xét, đánh giá, bố trí, sắp xếp, xử lý cán bộ còn một số khuyết điểm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, những ngành và cơ quan chịu trách nhiệm chính về công tác nhân sự, do bệnh quan liêu nên không hiểu rõ cán bộ rồi lại do thiếu đạo đức và kém tính đảng nên thường phạm những bệnh sau:

  “1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài.

  2. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực.

  3. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình. Vì những bệnh đó, kết quả những người kia đã làm bậy, mình cũng cứ bao dung, che chở, bảo hộ, khiến cho chúng càng ngày càng hư hỏng. Đối với những người chính trực thì bới lông tìm vết để trả thù. Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người lãnh đạo”(8).

Trên thực tế những hiện tượng trên vẫn còn nhiều. Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã từng có những văn bản nhắc nhở, uốn nắn, hơn thế đã có những trừng phạt nghiêm khắc. Nhưng sự chuyển biến của những hiện tượng trên mới đáp ứng được phần nào mong mỏi của nhân dân. Quần chúng vẫn đang chờ đợi sức mạnh của những tư tưởng chính nghĩa và uy lực của nhà nước pháp quyền bắt những “bóng ma” tham nhũng, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, hối lộ phải hiện nguyên hình để giáo dục, răn đe, trừng trị những kẻ có tội. Chính bệnh quan liêu đang là kẻ địch “nội xâm” chống lại uy quyền đó.

Muốn chống nó, như Hồ Chí Minh đã dạy, cần phải nghiêm từ trên xuống dưới, cấp trên phải “lo trước thiên hạ” và phải tổ chức việc kiểm tra, thanh tra cho tốt, bố trí cán bộ, lãnh đạo và chuyên viên làm công tác kiểm tra, thanh tra là những người có đạo đức và có uy tín về mặt chuyên môn, tức là những người “thật tốt”, tiền bạc không thể lung lay, vật chất không thể cám dỗ và phải có dũng khí dám đương đầu với những phản ứng từ nhiều phía, nhất là sự bao che, ô dù, phe cánh từ phía những người có quyền lực.

Cấp trên không sâu sát và không thường xuyên “kiểm tra những người đi kiểm tra” nên đã để “lọt lưới” nhiều vụ việc tiêu cực. Thiếu liêm chính từ người đứng đầu, từ chính các cơ quan tổ chức, kiểm tra, thanh tra của Đảng, Nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật (kiểm sát, công an, tòa án) là nguy cơ gây ra sự nghi ngờ, oán thán, thậm chí là sự đối lập giữa Nhân dân với Đảng và Chính phủ. Chống bệnh quan liêu phải quyết liệt. Phải làm cho lòng dân yên. Có như thế, lòng dân sẽ mãi là thành đồng lũy thép bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ lý tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ XHCN tốt đẹp của chúng ta.

3. Chống chủ nghĩa cá nhân trong công tác chuẩn bị nhân sự

Thế giới đã bước vào giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cuộc cách mạng ấy mang lại những thời cơ, thuận lợi lớn và cả những thách thức không nhỏ trên con đường phát triển của nước ta. Nhưng, đúng như C.Mác đã từng chỉ ra: trên con đường phát triển ấy đòi hỏi Đảng chính trị cầm quyền phải biết vượt qua những chướng ngại của bản thân, phải biết chiến thắng kẻ thù của chính mình. Kẻ thù của chính mình ấy được Hồ Chí Minh gọi là kẻ thù bên trong: chủ nghĩa cá nhân. Đảng chính trị - Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền đang giữ vai trò quyết định sự phát triển của đất nước phải thật vững mạnh. Nhưng muốn có một đảng chính trị mạnh thì phải có những con người chính trị đủ phẩm chất, lương tâm và khả năng để đảm đương tốt các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

 Trong công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp cần nhấn mạnh tới các phẩm chất mà người cán bộ, đảng viên cần có: Phải có tinh thần trách nhiệm cao, thật sự khách quan, công tâm, trong sáng, gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết! Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, chạy chức, chạy quyền. Chỉ có như vậy mới làm cho những người thực đức, thực tài được tiến cử; mới có những cán bộ xứng đáng đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo quốc gia trong tình hình mới.

  Vấn đề nhân sự Đại hội XIII của Đảng chỉ có thể giải quyết đúng đắn một khi toàn Đảng và cả hệ thống chính trị quyết tâm đoạn tuyệt với chủ nghĩa cá nhân.

-----

(1), (2), (3), (4) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, HN.1996, tập 11, tr.373; tập 12, tr.438-439; tập 9, tr.292; tập 10, tr.574. (5) Hồ Chí Minh toàn tập, HN.1995, tập 6, tr.292. (6), (7), (8) V.I.Lê-nin toàn tập, NXB Tiến bộ, M.1978, tập 54, tr.235; tập 6, tr.490; tập 5, tr.279.


KỲ 5: Để Đảng ta mãi mãi được tin yêu                            

1. Truyền thống vẻ vang

Năm 1960, trong Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại”. Đúng vậy! Những người cộng sản Việt Nam đã dũng cảm hy sinh, chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Họ đã hành động như những con người cao thượng, đạo đức trong sáng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tự nguyện, tự giác, dâng hiến sức lực, tài năng và xương máu cho Tổ quốc, Nhân dân. Chính vì vậy Nhân dân ta đã ngợi ca Đảng là ánh sáng và niềm tin, ở đâu có đảng viên là nơi ấy có tấm gương soi…

Năm tháng qua đi, lớp bụi thời gian không thể che khuất những tượng đài bất tử biểu tượng cho tinh thần dân tộc. Sự thực có sức thuyết phục hơn muôn vạn lần lời nói. Lịch sử dân tộc trên nửa thế kỷ qua cho phép mỗi người rút ra kết luận. Chính “cơn đau vĩ đại” của lịch sử dân tộc đã làm cho dân tộc Việt Nam, tiêu biểu là những người cộng sản, biết vượt qua, biết sinh thành và tái tạo để trở thành vĩ đại. Nỗi đau dân nước ngót một trăm năm lầm than, nô lệ. Tổ quốc bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác, tình hình đen tối như không có đường ra. Biết bao hy sinh, biết bao vật vã, cả dân tộc trăn trở, kiên trì, thử nghiệm; thất bại nối tiếp thất bại, đau thương kế tiếp đau thương, nhưng lòng dũng cảm được nhân lên và “trí khôn” của dân tộc đã lên tiếng trả lời. Đảng Cộng sản Việt Nam xuất hiện như một sự tất yếu, lẽ đương nhiên của cuộc sống, là kết quả của những nỗi đau đời triền miên nhiều năm tháng của bao kiếp người.

Ngọn cờ của Đảng tập hợp, vẫy gọi, một đường lối đúng chỉ đường, một đội ngũ tiên phong dẫn dắt nhân dân ta tiến bước, lấy một cái không thay đổi - độc lập, tự do, hạnh phúc cho toàn dân - để ứng với muôn triệu đổi thay nổi chìm, kế tiếp của cuộc đời dâu bể. Nhưng để có một đường lối đúng là cả một sự nỗ lực, tìm học và nghĩ suy, chọn lọc và quyết định. Làm giàu trí tuệ của mình bằng toàn bộ di sản văn hoá tinh thần của dân tộc; bằng sự hấp thụ tinh hoa văn hoá của loài người. Học, học tất cả mọi người nhưng chẳng bị nô dịch bởi riêng ai. Hấp thụ và tiêu hoá, tất cả như phương tiện, là điều kiện để ta đích thực là ta, ta vì ta, vì con người, vì mục đích độc lập - tự do - hạnh phúc của dân ta. Ở đâu đó cái gọi là CNXH hiện thực đã sụp đổ, đã suy vong, thì với chúng ta mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, tự do, hạnh phúc, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh vẫn chẳng đổi hướng, thay màu. Và chính nó là CNXH khoa học của Hồ Chí Minh, của Đảng ta và của dân tộc Việt Nam.“Nếu nước độc lập mà dân chưa được hưởng tự do và hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Vì vậy “chúng ta cần phải biết rằng những thắng lợi mà chúng ta đã đạt được mới chỉ là bước đầu trên đường đi muôn dặm”. Hồ Chí Minh, chính Người đã viết những dòng sáng ấy.

Đảng ta là một đảng cầm quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa dặn chúng ta điều cốt tử ấy. Từ 1945 tới nay trên một nửa thế kỷ cầm quyền, nhiều khi đúng, có lúc sai, nhưng xuyên suốt vẫn là một Đảng được Nhân dân tin cậy, giao phó trọng trách chèo lái con thuyền cách mạng tiếp tục tiến lên. Để có được sự tin cậy ấy, trước hết xác định đúng con đường cần đi và cách đi để không bao giờ lạc hướng, sai đường. Vạn sự đúng sai, trước hết bắt nguồn từ đó. May mắn thay, Hồ Chí Minh đã cho ta cái “cẩm nang” vừa thần kỳ, vừa dung dị, dân dã, đời thường để Đảng làm được cái việc “trước tiên”, quyết định ấy. Đó là :

1. Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh đồng bào sung sướng.

2. Cán bộ phải hiểu biết lý luận cách mạng, và lý luận cùng thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau.

3. Khi đặt ra khẩu hiệu và chỉ thị luôn luôn phải dựa vào điều kiện thiết thực và kinh nghiệm cách mạng ở các nước, ở trong nước và địa phương.

4. Phải luôn luôn do nơi quần chúng mà kiểm soát những khẩu hiệu và chỉ thị ấy có đúng hay không.

5. Phải luôn luôn xem xét lại tất cả công tác của Đảng. Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng. Phải đem tinh thần yêu nước và cần, kiệm, liêm, chính mà dạy bảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.

6. Mỗi công việc của Đảng phải giữ nguyên tắc và phải liên hợp chặt chẽ với dân chúng để “lãnh đạo được dân chúng”, “học được dân chúng” và “nâng cao được dân chúng. Nếu không vậy thì chẳng những không lãnh đạo được dân chúng mà cũng không học được dân chúng.

7. Mỗi công việc của Đảng phải giữ tính cách mạng của nó, lại phải “khéo dùng những cách thức thi hành cho hoạt bát”. Nếu không vậy thì không biết nắm vững cách thức tranh đấu, không biết liên hợp lợi ích ngày thường và lợi ích lâu dài của dân chúng.

8. Đảng không che giấu khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy bảo cán bộ và đảng viên.

9. Đảng phải chọn lựa những người rất trung thành và rất hăng hái, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo.

10. Đảng phải luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hóa ra ngoài.

11. Đảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới.

Kỷ luật này là tư tưởng phải nhất trí.

Kỷ luật này là do lòng tự giác của đảng viên về nhiệm vụ của họ đối với Đảng.

12. Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hoá ra là nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”(1).

Ngày nay, nhìn rộng ra thế giới, suy ngẫm kỹ về đất nước mình, Đảng và Nhân dân ta luôn tìm thấy trong “cẩm nang thần kỳ” của Hồ Chí Minh ánh sáng chỉ đường.

2. Lãnh đạo và nêu gương

Đảng giữ vai trò lãnh đạo toàn xã hội. Nhưng muốn lãnh đạo được người khác thì trước hết mình “phải làm mực thước cho người ta noi theo”. Hồ Chí Minh dặn chúng ta như thế! Mực thước tức là Đảng phải có uy tín chính trị và phải tiên phong, gương mẫu. Uy tín chính trị của Đảng do nhiều nhân tố cấu thành, chúng gắn bó hữu cơ tạo thành một hệ chuẩn mực thống nhất.

Trước hết, uy tín chính trị của một đảng tiên phong lãnh đạo cách mạng được quyết định bởi trình độ lý luận của Đảng đó. V.I.Lê-nin hoàn toàn có lý khi khẳng định rằng chỉ đảng nào có được lý luận tiên phong mới làm tròn được nhiệm vụ của đảng tiên phong. Hồ Chí Minh đã nói một cách dung dị, nhưng chính xác, bao quát được tính quyết định của lý luận tiên phong đối với toàn bộ hoạt động thực tiễn của Đảng. Người coi lý luận như là “trí khôn” của Đảng. Trí khôn ấy đạt tới đâu thì toàn bộ hành động của Đảng sẽ thành đạt tới đó, do vậy uy tín của Đảng được xác lập và được nhân dân thẩm định.“Trí khôn”- trình độ lý luận của Đảng – không thể có một cách dễ dàng, không tự nhiên mà có, cũng không chỉ giở sách ra để tìm lời giải. Hồ Chí Minh dạy: “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét cho rõ ràng làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính”(2). Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Hồ Chí Minh đã có một lý luận chân chính như thế giữ vai trò nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, làm cho Đảng trở thành người cầm lái, người chỉ đường, dẫn lối cho hành động của Nhân dân. Trong những bước ngoặt của lịch sử, trong những thời khắc dường như “bước chân của Nhân dân” đang ngập ngừng giữa ngã ba đường, đòi hỏi “trí khôn” phải lên tiếng trả lời, phải quyết định thì khi ấy vai trò của lý luận cách mạng, của tư tưởng tiên tiến của Đảng cách mạng đi tiên phong, giữ vai trò quyết định. Sự chính xác của những quyết định ấy do có lý luận soi sáng đã xác lập uy tín chính trị của Đảng.

Thứ hai, uy tín chính trị của Đảng được quyết định bởi những nhiệm vụ chính trị, mà Đảng thực hiện. Uy tín chính trị của Đảng ta là do khả năng vận dụng lý luận một cách thông minh vào hoàn cảnh thực tiễn để định ra Cương lĩnh, chủ trương, chính sách đúng. Lý luận tiên phong, thể hiện trước hết ở Cương lĩnh chính trị của Đảng. Thiếu nó Đảng sẽ mất phương hướng, nó là ngọn cờ vẫy gọi, là khẩu hiệu kêu gọi hành động. Chủ trương, chính sách lớn tác động trực tiếp đến toàn bộ đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín chính trị của Đảng. Quần chúng thường đánh giá sự lãnh đạo của Đảng thông qua những cảm nhận trực tiếp, những chính sách và thành tựu thực tế. Uy tín chính trị của Đảng sẽ tăng lên hay giảm đi cùng với thời gian mà những chủ trương, chính sách của Đảng thể hiện trong cuộc sống. Mỗi bước tiến về kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh - quốc phòng, về quan hệ quốc tế… đem lại lợi ích cho Tổ quốc, Nhân dân sẽ củng cố uy tín của Đảng. Nói cách khác, lợi ích chính đáng của Nhân dân do chính sách của Đảng đem lại sẽ tỷ lệ thuận với uy tín chính trị của Đảng.

Thứ ba, uy tín chính trị của Đảng được quyết định từ chính bản thân mỗi đảng viên và tổ chức của Đảng. Hữu xạ tự nhiên hương. Đó là chân lý tự nhiên của cuộc đời. “Trước mắt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “Cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(3).  Giữ gìn và nâng cao tư cách của một đảng chân chính cách mạng luôn luôn là vấn đề sống còn của Đảng. “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”. Cuộc đời này cần có Đảng là bởi qua kinh nghiệm bản thân, nhân dân thừa nhận chỉ có Đảng mới là người có thể đáp ứng được những yêu cầu cơ bản nhất của đất nước là: giải phóng dân tộc, Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào ấm no. Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là con đường đi tới mục tiêu đó. Đảng lãnh đạo xã hội phải đủ uy tín và năng lực thực hiện mục tiêu. Trong Đảng, do nhiều nguyên nhân khác nhau có không ít đảng viên không xứng đáng. Do vậy, Hồ Chí Minh đã dạy Đảng luôn luôn phải tự chỉnh đốn bản thân, tổ chức đảng “có trách nhiệm gột rửa cho các đồng chí đó”. Tổ chức đảng phải biết làm cho mình trong sạch, vững mạnh. Điều quan trọng nhất là danh hiệu người đảng viên, cán bộ phải được bảo vệ và chứng minh trên thực tế, không phải trên lời nói. Quần chúng quan niệm về Đảng thường là qua những đảng viên cụ thể ở nơi làm việc và khu dân cư. Do vậy, năng lực trí tuệ, khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có đạo đức, không tham ô, hủ hoá, sống trung thực với mình, với đồng chí, đồng bào, có tác phong sâu sát quần chúng, vì nhân dân phấn đấu, hy sinh, được quần chúng yêu mến, kính trọng của mỗi đảng viên là điều kiện cơ bản quyết định uy tín chính trị của Đảng.

Thứ tư, uy tín chính trị của Đảng được bảo đảm bởi Đảng biết sống trong lòng quần chúng, trước hết từ nguyên thủ quốc gia đến những cán bộ chủ chốt của Đảng biết sống giữa đời thường, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, nhọc nhằn và cả những oan trái, đau khổ của Nhân dân, có ý thức trách nhiệm, dũng cảm và kiên trì tìm cách giải quyết có hiệu quả tình trạng đó. Khi Đảng đã lãnh đạo Nhân dân giành được chính quyền thì “các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là đầy tớ của dân, nghĩa là gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ thống trị của Pháp, Nhật”(4). Dù cuộc sống còn thiếu thốn, khó khăn nhưng đa số nhân dân thấy rõ Đảng là trí tuệ, văn minh, là “quang minh chính đại”, người dân đến với Đảng là đến với chân lý và lòng nhân ái. Đó là uy tín chính trị đích thực của một đảng cách mạng chân chính, một đảng đủ khả năng đi tiên phong hướng dẫn Nhân dân trong công cuộc phấn đấu lao động, dựng xây cuộc sống mới.

3. Không ngừng phấn đấu làm cho cái thiện nở hoa, cái ác lụi tàn

Đảng không phải là một thực thể trừu tượng. Đảng cũng chẳng phải là một đấng siêu nhân, thần kỳ. Đảng ở giữa đời thường, giữa mọi người, cùng làm các chức phận con người, ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, anh, chị, em… Như tất cả mọi người, có biết bao mối quan hệ ràng buộc, chằng chịt đan xen trong cuộc đời trần thế. Chẳng có một ai - dù vĩ nhân lại hoàn toàn “thoát tục”, bởi dẫu là gì họ cũng vẫn là con người của một dân tộc, một Tổ quốc ở một thời đại nhất định. Do vậy, họ có quyền và có nghĩa vụ của một công dân. Trước khi là một đảng viên, và trong suốt cuộc đời mang danh hiệu ấy, bao giờ họ cũng vẫn phải là một con người, hơn thế nữa, họ phải luôn luôn xứng đáng với danh hiệu Con người. Vì lẽ đó, Hồ Chí Minh đã viết lên sổ vàng của Trường đào tạo cán bộ cấp cao của Đảng những dòng nói về việc học:“Học để làm việc, làm người…”. Hai điều quan trọng nhất: Con người sinh ra, lớn lên có thể tồn tại và phát triển được là phải biết làm việc. Có biết làm việc, làm việc có hiệu quả, có năng suất, chất lượng, làm việc có ích cho mình và cho xã hội mới đủ điều kiện để làm người. Nghĩ suy và làm việc. Lời nói đi liền với việc làm và làm có hiệu quả. Đó là tư cách của con người chân chính mà mỗi đảng viên cộng sản không thể quên, không thể thoái thác. Tư cách con người - đảng viên được Nhân dân thẩm định qua cuộc sống đời thường. Hồ Chí Minh không để lại cho Nhân dân ta, Tổ quốc ta và nhân loại tiến bộ nhiều tập sách đồ sộ, song toàn bộ cuộc đời vô cùng oanh liệt, đẹp đẽ và cao thượng của Người đã để lại cho chúng ta một tấm gương sáng: Phấn đấu để biết làm việc, biết làm việc để biết làm người. Và , khi trở thành người cộng sản rồi thì tư cách kép đảng viên - công dân cũng vẫn chỉ có một đòi hỏi nghiêm ngặt: dù ở đâu, giữ chức vụ gì, cũng đều phải biết làm việc - làm người. Đó chính là điều kiện để có thể làm đảng viên, cán bộ. Trải qua 90 năm cùng Nhân dân đấu tranh để giành độc lập, tự do, nhiều cán bộ - đảng viên thể hiện rõ nhân cách của mình, xứng đáng làm gương cho quần chúng noi theo. Thắng lợi vĩ đại của cách mạng, vinh quang của những chiến công đã đương nhiên định vị chức quyền cho những người cộng sản. Song cũng bắt đầu từ đó, trong hàng ngũ của Đảng “lẫn vào một số người thấp kém về tinh thần và đạo đức cách mạng. Số người đó coi Đảng như một cái cầu thang để thăng quan phát tài. Họ không quan tâm đến đời sống của Nhân dân mà chỉ lo nghĩ đến lợi ích của riêng mình. Họ quên rằng mỗi đồng tiền, hạt gạo đều là mồ hôi, nước mắt của Nhân dân, do đó mà sinh ra phô trương lãng phí. Họ tự cho mình có quyền sống xa hoa hưởng lạc, từ đó mà đi đến tham ô, trụy lạc, thậm chí sa vào tội lỗi”(5).

Đảng đã lãnh đạo Nhân dân đánh thắng ngoại xâm nhưng “kẻ thù bên trong”- chủ nghĩa cá nhân đang tiến công Đảng, làm tha hoá con người đảng viên, đục ruỗng cơ thể Đảng. Nó đẻ ra hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa… Những căn bệnh ấy đã làm cho biết bao sự nghiệp từng được coi là biểu tượng của những kỳ tích anh hùng tan thành tro bụi. Lời nhắc nhở của lãnh tụ Hồ Chí Minh vẫn mãi mãi vang lên vừa như một lời tiên tri, vừa như một hồi chuông cảnh tỉnh, nó chính là bức thông điệp gửi tới những người cộng sản ở khắp mọi miền của Tổ quốc ta:“Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân…”(6).

Người cộng sản khi nắm chính quyền cần phải giữ cho lòng mình trong sáng, phải hiểu rằng đó là quyền lực của Nhân dân mà mình được ủy thác. Lạm dụng chức quyền tức là “lạm dụng” và “tiêu xài quá cái vốn” mà Nhân dân ủy thác cho mình. Mức lạm phát càng cao thì uy tín cá nhân càng giảm. Tai hoạ bắt đầu từ đó! Số đảng viên ấy càng đông thì lòng tin của Nhân dân đối với Đảng càng giảm. Từ sự giảm sút ấy, nếu không được khắc phục thì Đảng sẽ đứng trước nguy cơ mất quần chúng, thậm chí thành thái cực đối lập với Nhân dân.

Trước khi qua đời 2 năm, Hồ Chí Minh đã về thăm và làm việc với một đảng bộ ở đồng bằng Bắc Bộ, Người đặc biệt lưu ý: Muốn làm cho phong trào của nhân dân tiến bộ thì cán bộ, đảng viên phải gương mẫu. “Muốn làm gương mẫu thì điều quan trọng nhất là các chú từ tỉnh đến huyện, đến xã phải đoàn kết, đoàn kết thật sự, làm sao tự mình nêu gương và giáo dục cho đảng viên, đoàn viên, cán bộ gìn giữ phẩm chất đạo đức cách mạng, làm sao cho dân biết hưởng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”(7).

Cuộc sống đời thường với bao bộn bề, gian khó và phức tạp. Cái xấu, cái ác cứ lẩn khuất quanh ta, níu kéo ta từng khắc, từng giờ. “Mỗi con người đều có cái thiện và cái ác ở trong lòng”. Với tư cách là đảng viên của một Đảng đã cùng Nhân dân làm nên lịch sử, đã từng là “đại diện cho trí tuệ, lương tâm và danh dự của dân tộc”, “ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”(8). Đó cũng chính là “cẩm nang thần kỳ” để Đảng ta mãi mãi được Nhân dân kính trọng, tin yêu.

-----

(1), (2), (3), (4) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.1995, tập 5, tr.249-250; tr.233; tr.552; tập 4, tr.56. (5), (6), (7), (8) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.1996, tập 11, tr.374; tập 12, tr.557; tr.221; tr.558.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất