Bài 1: Những "cầu nối" tuyệt vời ở thôn, khu
Ngày 28-12-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về thống nhất nhiệm kỳ đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với bầu trưởng thôn, bản, khu phố nhiệm kỳ 2017-2020 và quyết tâm nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu tại 100% thôn, khu. Sau 3 năm nỗ lực thực hiện, từ chỗ gần 60% trưởng thôn, khu chưa phải là đảng viên nay tỉnh đã có 1.563/1.565 bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố, chiếm tỷ lệ 99,87%. Đội ngũ này đã phát huy vai trò của chi bộ cơ sở, là hạt nhân chính trị ở thôn, khu phố, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân.
Hết mình vì việc chung
Cuối năm 2018, thôn Phúc Thị (xã Việt Dân, Đông Triều) vinh dự là một trong 141 tập thể, cá nhân trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thành tích này có sự đóng góp không nhỏ của bà Nguyễn Thị Minh Tư, Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Phúc Thị - người được bà con trong thôn trìu mến đặt cho biệt danh "nữ tướng của thôn". Tính đến nay, bà Tư đã có 19 năm công tác ở cơ sở với các vị trí là Chi hội trưởng Nông dân, Chi hội trưởng Phụ nữ, Phó thôn, Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn, Trưởng thôn và Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Đầu năm 2017, thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về nhất thể hóa bí thư kiêm trưởng thôn, bản, khu phố, bà Tư được nhân dân bầu làm Trưởng thôn, sau đó được bầu làm Bí thư chi bộ và nhất thể hóa 2 chức danh này cho đến bây giờ.
Bà Nguyễn Thị Minh Tư (bên trái), Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Phúc Thị (xã Việt Dân, Đông Triều) trao đổi về mô hình trồng cây ăn quả với người dân trong thôn.
Ngay sau khi được nhân dân, chi bộ tin tưởng bầu làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn, bà Nguyễn Thị Minh Tư đã rà soát lại hoạt động của Chi bộ, xây dựng quy chế hoạt động sát với tình hình thực tiễn. Đồng thời, bà cùng đội ngũ cán bộ thôn, các đảng viên trong chi bộ nghiên cứu, xây dựng kế hoạch xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội của thôn Phúc Thị. Trong đó, thôn mạnh dạn nhận nhiệm vụ làm điểm triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn thị xã.
Bà Nguyễn Thị Minh Tư chia sẻ: "Các tiêu chí xây dựng nông thôn kiểu mẫu rất cao, trong khi đó thôn Phúc Thị có địa bàn rộng, dân số không tập trung, thu nhập của người dân chủ yếu là nông nghiệp. Mặt khác, khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, một số bà con có tâm lý bằng lòng với thành quả đó, ngại ngần việc nâng cao các tiêu chí. Chính vì thế, đội ngũ đảng viên, cán bộ thôn chúng tôi đã đến từng nhà tuyên truyền, vận động và gương mẫu đi đầu trong mọi công việc để thuyết phục bà con bằng thực tế, bằng kết quả cụ thể…".
Nhắc đến thời kỳ đầu Phúc Thị làm nông thôn mới kiểu mẫu, bà Nguyễn Thị Dương, một người dân trên địa bàn, cho biết: "Khi đó có rất nhiều khó khăn, trở ngại nhưng các đồng chí đảng viên, đội ngũ cán bộ thôn rất nhiệt huyết, trách nhiệm, tận tâm với công việc và thúc đẩy người dân tham gia. Bà Tư tuổi cũng không còn trẻ mà trực tiếp đến từng nhà vận động, tham gia làm đường, trồng cây tạo cảnh quan, dọn vệ sinh môi trường… Người dân cũng cuốn theo, nhiều nhà hiến đất mở đường, tham gia việc chung, triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế… Nhờ đó, chỉ sau một năm, Phúc Thị đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…".
Giống như bà Tư, anh Bùi Xuân Chiều, Bí thư kiêm Trưởng thôn Nà Sa, xã Hoành Mô, Bình Liêu, từ khi được Đảng và nhân dân giao phó những trọng trách quan trọng này đã có những cống hiến lớn cho cộng đồng. Vốn là một thôn vùng xa lại giáp biên, Nà Sa có đời sống kinh tế khó khăn, dân trí không cao, dân cư thưa thớt. Thế nhưng anh Bùi Xuân Chiều đã cùng chi bộ khắc phục những khó khăn, chủ động phối hợp với chính quyền giải quyết kịp thời những phát sinh trong nhân dân, những bức xúc từ cơ sở. Đồng thời, nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua; động viên các tầng lớp nhân dân xây dựng nếp sống văn minh, phát triển kinh tế, giảm nghèo.
Đặc biệt, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, anh đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình như chăn nuôi gia cầm, gia súc, nuôi cá nước ngọt và khai thác hiệu quả các loại cây có giá trị kinh tế cao như hồi, quế... Đồng thời, anh cùng chi bộ rà soát, đề xuất với xã, huyện đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, kênh mương thuỷ lợi. Nhờ vậy, Nà Sa ngày càng phát triển, bà con luôn nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biên giới.
Nòng cốt xây dựng chi bộ vững mạnh
Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về hoạt động của đội ngũ bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn trên địa bàn, đồng chí Mễ Quang Vinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hải Sơn, TP. Móng Cái, nói luôn: "Hôm nay đúng ngày sinh hoạt chi bộ tháng 10 nên mời các đồng chí trực tiếp đến dự ở các chi bộ để hiểu và có cái nhìn khách quan về đội ngũ này. Trước mắt, các đồng chí cứ đến thôn Pò Hèn, nếu có thời gian thì tiếp tục đi một số chi bộ thôn khác…".
Khi chúng tôi đến nhà văn hóa thôn Pò Hèn, cuộc họp của Chi bộ cũng vừa bắt đầu. Mặc dù có thêm mấy vị khách bất ngờ nhưng chị Nguyễn Thị Xuân, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Pò Hèn không hề ngại ngần hay lúng túng mà tiếp tục triển khai công việc một cách thuần thục, tự tin. Sau khi thông báo tình hình đảng viên và nội dung, chương trình sinh hoạt chi bộ, chị báo cáo chi tiết về những vấn đề mới, nảy sinh trong chi bộ và đời sống hàng ngày của bà con. Các nội dung liên quan đến xây dựng nông thôn mới và phát triển sản xuất của thôn, của xã được chị truyền đạt một cách dễ hiểu, dễ nhớ đến các đảng viên. Đặc biệt, khi các đảng viên có vẻ trầm, ngại đứng lên thảo luận, phát biểu ý kiến, chị đã khơi gợi, lựa chọn những vấn đề thiết thực, gần gũi để trao đổi. Nhờ đó, không khí dần sôi nổi, cởi mở và nhiệt tình hơn. Các đảng viên trong chi bộ cùng sôi nổi thảo luận, góp ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm phát triển các mô hình sản xuất, phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi...
Đồng chí Mễ Quang Vinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hải Sơn, cho biết: Hải Sơn là xã vùng cao biên giới, địa hình chủ yếu là đồi núi cao, cơ sở hạ tầng giao thông đi lại khó khăn, dân cư sinh sống thưa thớt, mặt bằng dân trí thấp, không đồng đều, tập quán sinh hoạt, sản xuất lạc hậu, số hộ nghèo và cận nghèo khá cao. Đội ngũ bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn trên địa bàn có vai trò rất quan trọng, là nòng cốt trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; huy động nhân dân tham gia tích cực các phong trào. Chính nhờ sự năng động, sâu sát với cơ sở của họ mà các nghị quyết được ban hành đều nhanh chóng đi vào cuộc sống, được nhân dân triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng tạo nên các chuyển biến trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh, quốc phòng ở địa phương.
Gặp gỡ, tìm hiểu hoạt động của đội ngũ bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố ở nhiều địa phương của Quảng Ninh sau 3 năm tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị 12-CT/TU, chúng tôi nhận thấy họ đã thể hiện rất rõ vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị, trung tâm đoàn kết của tổ chức đảng, của thôn. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Nhiều bí thư kiêm trưởng thôn, bản, khu phố đã tích cực đổi mới phương thức hoạt động của chi bộ, đẩy mạnh toàn diện các mặt công tác xây dựng Đảng và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các chi bộ đã chủ động xây dựng các kế hoạch cụ thể, triển khai các biện pháp phù hợp, tập trung đổi mới cách thức tổ chức sinh hoạt chi bộ, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên, đưa các mô hình kinh tế mới vào triển khai. Nhờ họ, Quảng Ninh đã xây dựng được những tổ chức đảng vững mạnh ngay từ cơ sở, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Bài 2: Động lực từ mục tiêu "Việc gì có lợi cho dân thì làm"
Năm 2016, khi Quảng Ninh quyết định thực hiện nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố (gọi chung là trưởng thôn), tỉnh cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, bởi đây là một mô hình mới, ảnh hưởng đến hàng nghìn bí thư chi bộ, trưởng thôn đương nhiệm. Nhưng với quyết tâm chính trị cao nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu "việc gì có lợi cho dân thì làm", Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, đưa ra các giải pháp cụ thể, phù hợp để gỡ từng "nút thắt", nhằm thực hiện thành công mô hình này.
Mệnh lệnh từ thực tiễn
Theo rà soát, đánh giá của tỉnh, ở thời điểm năm 2016 toàn tỉnh có tới 513/1.565 trưởng thôn chưa là đảng viên, 336 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn (21,5%). Vai trò của chi bộ khu dân cư chưa rõ nét, việc ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trật tự của chi bộ thiếu toàn diện, lúng túng trong cụ thể hóa nghị quyết của cấp ủy cấp trên vào điều kiện thực tế của địa phương. Trình độ, năng lực thực tiễn của một số bí thư chi bộ, chi ủy viên chưa đáp ứng yêu cầu. Thậm chí ở một số nơi, trưởng thôn, phó trưởng thôn chưa là đảng viên, thì việc tham gia học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là việc cụ thể hóa thành nội dung công tác ở chi bộ còn có những bất cập, việc nắm bắt tình hình còn nhiều hạn chế, từ đó định hướng về tư tưởng, nhiệm vụ ở thôn hiệu quả không cao… Thêm nữa, bí thư chi bộ và trưởng thôn, khu là 2 cá nhân khác nhau, có thể dẫn đến việc chi bộ ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chung không thống nhất được, nên quá trình thực hiện có việc chưa sát, thiếu hiệu quả, nhất là việc phát hiện, xử lý, giải quyết những vấn đề nảy sinh ở khu dân cư…
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Tiến, Bí thư chi bộ, Trưởng khu 9 (phường Quang Trung, TP. Uông Bí) cho biết: "Từ thực tiễn công tác của mình tôi thấy, nếu như không nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ và trưởng khu thì vai trò lãnh đạo của chi bộ đối với nhiệm vụ chính trị của khu có lúc, có việc bị mờ nhạt; không phát huy được vai trò của người đứng đầu. Thêm vào đó, chi bộ ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chung không thể thống nhất được nên quá trình thực hiện có việc chưa sát, thiếu hiệu quả, nhất là việc phát hiện, xử lý, giải quyết những vấn đề nảy sinh ở khu dân cư…".
Bên cạnh những bất cập trên, từ thực tiễn cũng cho thấy nếu như không nhất thể hóa các chức danh này, công tác phối hợp giữa một số chi ủy bí thư chi bộ với trưởng thôn có nơi, có thời điểm chưa thống nhất cao, nên kết quả thực hiện nhiệm vụ của thôn thấp; chưa duy trì thường xuyên nền nếp giao ban giữa bí thư chi bộ với trưởng thôn; chi bộ ban hành nghị quyết lãnh đạo chưa bao quát đầy đủ nhiệm vụ chính trị để trưởng thôn tổ chức thực hiện. Một số chi bộ lúng túng về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; một số chi bộ đùn đẩy trách nhiệm lên cấp uỷ, chính quyền cấp trên… Đối với những nơi trưởng thôn chưa là đảng viên, thì quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết của chi bộ còn gặp nhiều khó khăn, đôi khi vai trò lãnh đạo của chi bộ thiếu hiệu quả; sự thống nhất và chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ, bí thư chi bộ, của trưởng thôn chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nghị quyết của chi bộ, của cấp uỷ cấp trên và thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn có trở ngại…
Với quan điểm "nhìn thẳng vào sự thật", các cấp ủy đảng đã đánh giá đúng, khách quan về thực trạng hoạt động của các chi bộ, đặc biệt là những yếu kém, bất cập đã được đưa ra nhằm tìm giải pháp khắc phục. Ngày 28-12-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về "Thống nhất nhiệm kỳ đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với bầu trưởng thôn, bản, khu phố, nhiệm kỳ 2017-2020". Trong đó, đặt mục tiêu thực hiện 100% nhất thể hoá chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn.
"Dân tin - Đảng mới cử"
Để triển khai hiệu quả Chỉ thị, Quảng Ninh thực hiện quy trình Đảng giới thiệu nhân sự để nhân dân lựa chọn, bầu vào các chức danh trưởng thôn. Sau đó cấp ủy mới giới thiệu để bầu các chức danh trong chi bộ theo phương châm "Dân tin - Đảng mới cử". Các bước giới thiệu nhân sự đều được thông qua ban công tác mặt trận để đàm thoại, lấy ý kiến người dân, đảng viên. Bên cạnh cấp ủy lựa chọn, giới thiệu, thì nhân dân, đảng viên có quyền giới thiệu người mình tín nhiệm cho thôn, cho chi bộ.
Để đạt kết quả như mong đợi, các địa phương đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa của Chỉ thị số 12-CT/TU. Cấp uỷ các cấp đã linh hoạt, chủ động phương án kết nạp vào Đảng những quần chúng có năng lực, uy tín với dân và có khả năng làm trưởng thôn để thực hiện chủ trương nhất thể hoá chức danh này. Đồng thời, chủ động rà soát, đánh giá thực trạng trình độ, năng lực, uy tín của đội ngũ cán bộ đang đảm nhiệm các chức danh ở thôn và đội ngũ đảng viên trong chi bộ để lựa chọn nhân sự, trong đó có những tiêu chuẩn cụ thể là người đảm nhận vị trí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn phải có phẩm chất, năng lực toàn diện, vừa có khả năng lãnh đạo, tập hợp quần chúng, đồng thời phải là người có thể triển khai thực hiện đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống.
Tuy nhiên, từ chủ trương đến thực tiễn triển khai, Quảng Ninh cũng đã vấp phải không ít khó khăn, thách thức, đó là những ý kiến lo ngại về việc liệu một người làm 2 nhiệm vụ quan trọng đó ở cơ sở có được không? Nhất là trong bối cảnh tâm tư, tình cảm của một số bí thư chi bộ, trưởng thôn còn băn khoăn; ở một số nơi, tư duy dòng họ vẫn còn rất nặng nề... Nhưng với quyết tâm cải thiện, nâng cao năng lực hoạt động của các chi bộ, nhất là chi bộ ở khu dân cư và bắt đầu từ việc "sốc" lại đội ngũ bí thư chi bộ và trưởng thôn, các địa phương đã quyết tâm gỡ từng "nút thắt" để hiện thực hóa chủ trương.
Đơn cử như tại huyện Bình Liêu, là địa phương miền núi, trình độ dân trí không đồng đều, giao thông khó khăn, một số chi bộ ít đảng viên. Nhiều đồng chí tuổi cao, có uy tín, kinh nghiệm, được nhân dân tín nhiệm bầu trưởng thôn nhưng lại không phải là đảng viên; ngược lại, một số trưởng thôn là đảng viên, nhưng trẻ tuổi, chưa có kinh nghiệm, nên không thể đảm nhiệm được vai trò là bí thư chi bộ… Trước thực trạng đó, huyện đã rà soát, xem xét từng trường hợp cụ thể ở mỗi thôn để có phương án về nhân sự. Đối với những thôn chưa có đảng viên đủ điều kiện để giới thiệu bầu, Thường trực Huyện uỷ chỉ đạo giới thiệu những quần chúng ưu tú là nguồn phát triển đảng, có đủ năng lực, điều kiện để bầu trưởng thôn, tiến tới thực hiện chủ trương bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn khi đủ điều kiện hoặc tăng cường cán bộ, đảng viên về sinh hoạt tại thôn. Ở những nơi ít đảng viên, nhất là các thôn vùng cao dân tộc thiểu số, trước đó cấp ủy đã đào tạo, bồi dưỡng cho được đội ngũ đảng viên trẻ kế cận đủ khả năng đảm nhận chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn...
Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Phai Lầu (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) Chìu Văn Phúc chia sẻ: "Đảm nhiệm 2 chức danh, mặc dù ban đầu có chút lo lắng, nhưng tôi tâm niệm rằng được dân tin, Đảng cử thì dù khó mấy cũng phải làm cho tốt, nên đã tập trung học tập, tích lũy kiến thức để làm tốt vai trò của mình. Là bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn nên hoạt động của chúng tôi bắt buộc phải thường xuyên gần dân, sát dân, sát thực tế, nắm chắc tình hình chính trị, tư tưởng, việc chấp hành chính sách, pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đó, có những chỉ đạo, điều hành phù hợp, sát thực tiễn, bảo đảm tính khả thi cao. Do đó, người dân trong thôn rất ủng hộ".
Không chỉ các địa phương miền núi như Bình Liêu gặp khó khăn trong thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, mà ngay tại TP. Hạ Long, thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh, cũng phải đối mặt với trở ngại. Nhớ lại quá trình triển khai việc nhất thể hóa tại địa phương 3 năm trước, Bí thư Thành ủy Hạ Long Trần Đức Lâm chia sẻ: Khó khăn đối với Hạ Long khi đó là nhiều đảng viên đã nghỉ hưu, sức khoẻ yếu nên ngại tham gia công tác của khu phố; nhiều người lại chỉ muốn đảm nhiệm một chức danh vì lo ngại khó hoàn thành nhiệm vụ... Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Thành uỷ Hạ Long đã phân công các đồng chí uỷ viên Ban Thường vụ tập trung chỉ đạo và bám sát cơ sở cùng đảng uỷ các phường động viên cán bộ, đảng viên ở khu phố. Các cơ sở đảng đã hướng dẫn chi bộ tăng cường bồi dưỡng, giới thiệu quần chúng ưu tú, nhất là quần chúng trẻ, có năng lực, trình độ, đạo đức tốt, nhiệt huyết với công việc chung để kết nạp Đảng… Với quyết tâm "khó đến mấy cũng phải hoàn thành", các bước bầu cử trưởng khu và đại hội chi bộ trên địa bàn thành phố đã được triển khai chu đáo, bài bản. Nỗ lực ấy được khẳng định với kết quả hoàn thành công tác bầu trưởng khu và đại hội chi bộ trên địa bàn thành phố với 100% thực hiện nhất thể hoá chức danh theo đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Chia sẻ về việc thực hiện nội dung này tại Quảng Ninh, tại hội nghị đối thoại trực tiếp với các bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu phố của tỉnh (tháng 5-2018), đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, nhấn mạnh: Tất cả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội có thực hiện được hay không đều phụ thuộc lớn vào nhân dân, do đó vai trò của bí thư, trưởng thôn, khu rất quan trọng. Các đồng chí có hoàn thành tốt các nhiệm vụ thì cấp xã, phường, các huyện, thị xã, cấp tỉnh mới hoàn thành được nhiệm vụ đề ra. Cái gì mới bước đầu thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng với quan điểm "làm những việc có lợi cho dân thì không ngại khó, ngại khổ", nên cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn tỉnh đã quyết liệt vào cuộc để thực hiện với kỳ vọng góp phần đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, từ đó đưa Đảng đến gần với dân hơn. Và minh chứng cho quyết tâm ấy đến nay Quảng Ninh đã có 99,87% số thôn, bản, khu phố thực hiện nhất thể hóa bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, và thành công hơn cả là đội ngũ này đã thực sự trở thành hạt nhân lãnh đạo của chi bộ, luôn gần dân, sát dân, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của nhân dân và thực hiện trực tiếp các chính sách, quyết định của các cấp đến từng hộ dân, mang lại hiệu quả hơn.
Bài 3: Củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân
Những kinh nghiệm trong thực hiện mô hình bí thư kiêm trưởng thôn, bản, khu phố của Quảng Ninh vừa qua chính là bài học thực tiễn có giá trị để tỉnh tiếp tục làm tốt công tác nhân sự ở cơ sở như chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Khẳng định quyết tâm tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực trí tuệ, phẩm chất và đạo đức cách mạng, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Đồng hành cùng những bí thư kiêm trưởng thôn, khu, bản
Để có sự thành công của mô hình bí thư kiêm trưởng thôn, bản, khu phố như hiện nay, Quảng Ninh đã có thực tế kiểm nghiệm, có quan điểm chỉ đạo rõ ràng, dứt khoát. Quá trình triển khai, tỉnh đã nhanh chóng đưa ra những giải pháp khắc phục các vấn đề bất cập, tồn tại trên thực tế và tăng cường tuyên truyền, vận động, bồi dưỡng và có lộ trình thực hiện việc nhất thể hóa chứ không nóng vội.
Sau khi hoàn thành việc nhất thể hóa chức danh bí thư kiêm trưởng thôn, bản, khu phố, tỉnh rất quan tâm tới công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ này để bảo đảm hiệu quả công việc. Sau khi hoàn thành đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2017-2020, các địa phương trong tỉnh đều mở lớp tập huấn cho bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản khu phố. Qua đó, trang bị thêm cho đội ngũ này các kiến thức về tổ chức cơ sở đảng và nhiệm vụ của chi ủy, bí thư chi bộ; công tác tư tưởng và nghiệp vụ công tác tư tưởng; công tác tổ chức của chi bộ, đảng bộ, hướng dẫn nội dung sinh hoạt chi bộ, cách ghi sổ nghị quyết, sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề; công tác dân vận, vận động quần chúng; công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật ở chi bộ, đảng bộ cơ sở; công tác tổ chức, hoạt động ở thôn, khu, nhiệm vụ quyền hạn của trưởng thôn, khu phố. Các lớp tập huấn này cũng được tổ chức thường xuyên nhằm trang bị kỹ năng, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức cho các bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn.
Đặc biệt, các đảng ủy xã, phường, thị trấn cũng phân công ủy viên trực tiếp phụ trách các chi bộ, thường xuyên tổ chức giao ban với các bí thư kiêm trưởng thôn, bản, khu phố. Qua đó, các bí thư kiêm trưởng thôn, khu được cập nhật tình hình thời sự, các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó triển khai kịp thời, hiệu quả tới đảng viên trong chi bộ và nhân dân ở thôn, tổ dân phố.
Anh Tằng A Bảo, Bí thư kiêm Trưởng thôn Thán Phún Xã, xã Hải Sơn, TP. Móng Cái, cho biết: "Mới đầu nhận trách nhiệm tôi cũng run lắm. Cùng lúc phải triển khai 2 nhiệm vụ nên công việc cũng nhiều gấp đôi. Thán Phún Xã thì lại là một thôn miền núi, biên giới rất khó khăn. Mình làm không hiệu quả là ảnh hưởng đến chủ trương của tỉnh, đến uy tín của Đảng. May mà tôi cũng được tập huấn đầy đủ, được các đồng chí ở Đảng ủy xã thường xuyên động viên, hướng dẫn cặn kẽ nên công việc dần cũng trôi chảy, được bà con ghi nhận, ủng hộ...".
Không chỉ thế, năm 2019, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội thi kỹ năng, nghiệp vụ cho bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của chi bộ và sinh hoạt chi bộ; tuyên truyền, phổ biến đưa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào đời sống ở khu dân cư. Tham dự hội thi, các bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố đã được giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm về nghiệp vụ, lý luận, thực tiễn trong xây dựng chi bộ, quá trình điều hành nhiệm vụ, kỹ năng giải quyết các tình huống, các vấn đề phát sinh trong thực tiễn ở cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Từ đó, nâng cao tính chủ động trong nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, nhân dân để có chủ trương, giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.
Về chế độ chính sách, tỉnh vận dụng tối đa các quy định của Trung ương, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đội ngũ cán bộ cấp cơ sở yên tâm công tác, nâng cao hiệu quả công tác. Đặc biệt, phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách thôn, bản đã được HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua ở mức cao nhất trong quy định của Chính phủ. Đồng thời, HĐND tỉnh cũng đã xây dựng quỹ hoạt động, quỹ phụ cấp, cho nên khi cán bộ cơ sở thực hiện kiêm nhiệm, ngoài mức hệ số "cứng" thì các phần cộng lại sau kiêm nhiệm sẽ lấy từ nguồn bổ sung các thu nhập khác.
Cùng với đó, các cấp ủy cũng chỉ đạo sát sao, giám sát việc thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư kiêm trưởng thôn, bản, khu phố; yêu cầu các chi bộ xây dựng quy chế mới trong đó quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu. Các địa phương cũng tăng cường giám sát và phản biện xã hội của nhân dân và mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể nhằm tránh sự độc đoán, tránh tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi"...
Phát huy sức mạnh lãnh đạo của chi bộ và trách nhiệm của đảng viên
Thực tiễn ở Quảng Ninh cho thấy, mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn là một mô hình rất hiệu quả, đã góp phần quan trọng trong việc đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ đảng khu dân cư; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ngay từ cơ sở. Hiệu quả, vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo nhiệm vụ của chi bộ đối với toàn diện hoạt động ở thôn, khu phố được nâng lên rõ rệt, gắn kết nhiệm vụ của bí thư chi bộ và trưởng thôn; giảm các khâu trung gian, tránh sự trùng chéo, đùn đẩy, né tránh hoặc có khoảng trống trong sự lãnh đạo của chi bộ và điều hành của trưởng thôn.
Với mô hình này cơ cấu bộ máy ở các thôn, bản, khu phố gọn nhẹ, tạo sự thống nhất, đồng thuận ngay từ việc ban hành nghị quyết đến chỉ đạo thực hiện. Người đứng đầu chi ủy, chi bộ và ban lãnh đạo thôn, khu phố nắm toàn diện tình hình chung, tiếp thu kịp thời sự chỉ đạo của cấp trên, giải quyết nhanh những vấn đề phát sinh tại cơ sở, qua đó tiết kiệm thời gian hội họp, phát huy tối đa năng lực của người đứng đầu thôn, khu phố, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Nhìn chung hầu hết những thôn, khu phố áp dụng hình thức nhất thể hóa trước từ nhiều năm qua chi bộ đều giữ vững danh hiệu trong sạch, vững mạnh, thôn, khu đạt tiêu chuẩn văn hoá.
Đồng chí Trần Văn Lâm, Bí thư Thành ủy Uông Bí, nhận định: Từ thực tế, chúng tôi thấy rằng đội ngũ bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu đã phát huy được vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, quản lý điều hành của thôn, khu trên tất cả các lĩnh vực một cách đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời, phát huy được năng lực cá nhân, tính năng động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại, né tránh, nể nang trong công việc; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân...
Đặc biệt, nghị quyết của các chi bộ đã sát thực, hiệu quả và đi vào đời sống xã hội ở cộng đồng dân cư; phát huy được cao nhất sức mạnh lãnh đạo của chi bộ và trách nhiệm của đảng viên nhất là người đứng đầu đối với việc thực hiện nhiệm vụ ở khu dân cư. Chi ủy, chi bộ và nhất là bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu phố sâu sát thực tế, nắm chắc tình hình chính trị tư tưởng, việc chấp hành chính sách pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân hơn... Từ đó, có những chỉ đạo, điều hành phù hợp, sát thực tiễn, đảm bảo tính khả thi cao.
Bằng sự hoạt động, điều hành hiệu quả của mình, các bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố của Quảng Ninh đã nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng ở cơ sở. Công tác tư tưởng, dân vận, kiểm tra, giám sát và phát triển đảng viên ở các chi bộ thôn, bản, khu phố đều có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, các chi bộ đã làm tốt việc tạo nguồn phát triển đảng viên, nhất là ở thôn, bản có ít đảng viên. Chỉ trong 2 năm qua, đã có hơn 2.000 đảng viên được các chi bộ thôn, bản, khu phố kết nạp mới. Qua đó, góp phần tích cực xây dựng và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, tạo sự chuyển biến về "chất", bảo đảm tổ chức đảng ở cơ sở vững mạnh, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh ở cơ sở. Từ năm 2014 đến nay, số tổ chức đảng của Quảng Ninh đạt trong sạch, vững mạnh tăng trên 25% (năm 2018 tổ chức cơ sở đảng đạt trên 75%). Niềm tin của nhân dân với Đảng không ngừng được củng cố tăng cường (từ 52% năm 2012 lên 71,5% năm 2015 và 85,1% năm 2018).
Đồng chí Nguyễn Đức Thành, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho biết: Đảng mạnh phải bắt đầu từ chi bộ mạnh. Làm thật tốt từ chi bộ thì nhất định công tác xây dựng Đảng sẽ có chuyển biến. Chi bộ quản lý đảng viên đi đôi với đảng viên phải tự quản lý mình; muốn quản lý tốt đảng viên, muốn nâng cao sức chiến đấu của chi bộ còn có nhiều yếu tố khác, trong đó đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao, sự nêu gương tốt của cấp trên, nhất là người đứng đầu từ chi bộ... Hiệu quả hoạt động của đội ngũ bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố của Quảng Ninh trong thời gian qua khẳng định hướng đi đúng đắn của tỉnh trong việc mạnh dạn thực hiện thí điểm một số mô hình trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị, mà còn phù hợp với chủ trương chung của Trung ương và sát với thực tiễn khách quan, với mục tiêu đưa Đảng với dân gần nhau hơn; đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, đến được với dân; gắn bó máu thịt với dân; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Những hiệu quả từ mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố chính là lý do để Quảng Ninh quyết định tiếp tục thực hiện mô hình bí thư kiêm trưởng thôn, bản, khu phố và thống nhất nhiệm kỳ bầu trưởng thôn, bản, khu phố với nhiệm kỳ đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2020-2023. Tại Kế hoạch số 308-KH/TU ngày 4-7-2019 về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo tới các cấp ủy, yêu cầu toàn tỉnh thực hiện bầu trưởng thôn, bản, khu phố trong tháng 1-2020.
Theo đó, cấp ủy, chi bộ thực hiện quy trình để nhân dân giới thiệu đảng viên của chi bộ có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín đảm nhiệm vị trí trưởng thôn, bản, khu phố; lựa chọn thống nhất nhân sự giới thiệu để nhân dân bầu trưởng thôn, bản, khu phố trước, sau đó tiến hành đại hội chi bộ và giới thiệu đồng chí vừa trúng cử trưởng thôn, bản, khu phố để bầu bí thư chi bộ. Quá trình giới thiệu, lựa chọn và bầu các chức danh phải đúng quy trình, dân chủ, công khai, minh bạch. Các đảng bộ trực thuộc tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch và quán triệt chủ trương này tới tất cả các chi bộ.
Chủ trương này của Quảng Ninh đã đảm bảo phương châm kế thừa, ổn định, đổi mới, sáng tạo và phát triển; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, trọng chất lượng, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu như chỉ đạo của Đảng tại Chỉ thị số 35-CT/TW. Đồng thời, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; củng cố, tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc và niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Minh Thu - Thùy Linh - Thu Nguyên
Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh