TP - Chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa là sẽ diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đai hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây cũng là thời điểm dễ xuất hiện những biểu hiện “tư duy nhiệm kỳ”,“hoàng hôn nhiệm kỳ” để rồi tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, thực hiện những “chuyến tàu vét” bằng cách“ký đại” dự án, bổ nhiệm ồ ạt, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng cũng như tài sản của Nhà nước.
Kỳ 1: Điểm danh những vụ ký bừa lúc “hoàng hôn nhiệm kỳ”
Trong một cuộc giao lưu trực tuyến “Giải pháp nào để Quy định trách nhiệm nêu gương đi vào cuộc sống” cách đây không lâu, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở, Ban Tổ chức Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra thực trạng tư duy nhiệm kỳ là khi chuẩn bị nghỉ hưu cứ “ký đại”, “đề bạt đại”, “bổ nhiệm đại”.
Ồ ạt bổ nhiệm trước ngày “hạ cánh”
Thực tế những gì mà ông Hà phản ánh cũng được Đảng nhận diện từ khá sớm. Tại Hội nghị phổ biến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa XI (ngày 10/10/2011) của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến “tư duy nhiệm kỳ” như lời cảnh báo, nhắc nhở cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng phải phòng, chống “tư duy nhiệm kỳ” như một căn bệnh, tệ nạn trong xã hội. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, ban hành năm 2016 cũng đã nêu rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”, tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - người đã từng nêu vấn đề “chuyến tàu vét” lúc “hoàng hôn nhiệm kỳ” ra nghị trường cho rằng, dù đã giảm, nhưng những biểu hiện về tham nhũng, tiêu cực vẫn cứ xảy ra vào thời điểm cuối nhiệm kỳ hoặc cán bộ chuẩn bị nghỉ hưu. Những “chuyến tàu” đó được thể hiện qua việc ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm, đề bạt cán bộ một cách vội vã, phê duyệt vội, bán vội những dự án lớn hay những chuyến tham quan, học tập ở nước ngoài bằng tiền ngân sách…
Thực tế cho thấy, ở không ít cơ quan, đơn vị, tranh thủ thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ”, lúc “gà lên chuồng” để ra các quyết định bổ nhiệm “cấp tốc”, bổ nhiệm “đại trà”, gây bức xúc trong dư luận.
Hiện chỉ cần gõ cụm từ “bổ nhiệm cán bộ trước khi nghỉ hưu” trên google, chưa đầy 40 giây đã cho ra 4,7 triệu kết quả, trong đó dẫn ra hàng loạt các vụ “bổ nhiệm” trước ngày “hạ cánh”, như việc Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Lê Mạnh Hùng ký quyết định bổ nhiệm hơn 70 cán bộ trước ngày nghỉ hưu vài tháng. Hay như việc Giám đốc Sở NN &PTNT tỉnh Thanh Hóa Lê Như Tuấn bổ nhiệm hàng loạt cán bộ sai quy định trước khi nghỉ hưu.
Để rồi sau đó, qua kiểm tra cho thấy, có 4 trường hợp bổ nhiệm sai, không đúng quy định; 19 trường hợp công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo phòng, ban, đơn vị thuộc và trực thuộc Sở được bổ nhiệm khi chưa có đủ các tiêu chuẩn…
Không những thế, ở nhiều cơ quan đơn vị, trong đó có Thanh tra Chính phủ việc bổ nhiệm ồ ạt trước ngày nghỉ hưu còn diễn ra liên tiếp trong 2 nhiệm kỳ. Cụ thể, trước vài tháng nghỉ hưu, ông Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra Chính phủ đã “kịp” ký quyết định bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ (và tương đương), trong số đó có không ít trường hợp chưa đảm bảo tiêu chuẩn về điều kiện.
Mặc dù bị dư luận phản ánh nhưng đến nhiệm kỳ sau, trước ngày rời nhiệm sở, người kế nhiệm ông Truyền là ông Huỳnh Phong Tranh cũng đã bổ nhiệm 15 trường hợp cấp Vụ và tương đương, 33 trường hợp cấp phòng. Sau đó, qua kiểm tra, Bộ Nội vụ kiến nghị Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện trình tự điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại để khắc phục, thực hiện đúng quy định trong thời gian tiếp theo.
Vun vén người nhà, người thân
Không chỉ ký bừa, bổ nhiệm đại, nhiều trường hợp lãnh đạo ở thời điểm “cuối nhiệm kỳ”, trước khi “hạ cánh” còn tìm cách “lót ổ”, “cài cắm” cho con cái vào những ví trí quan trọng trong bộ máy. Điển hình rõ nhất của tình trạng này là việc bổ nhiệm giám đốc tuổi 30 Lê Phước Hoài Bảo ở Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam.
Ông Bảo là con trai của ông Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Thời điểm ông Bảo được bổ nhiệm, ông Thanh không còn đủ tuổi để tái cử nhiệm kỳ sau. Tuy nhiên, khi dư luận ồn ào, đặt ra nhiều nghi vấn về việc bổ nhiệm người nhà, người thân thì tỉnh Quảng Nam cũng như Bộ Nội vụ đều khẳng định: “việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo là đúng quy trình”. Chỉ đến khi Ủy ban Kiểm tra (UBKT) T.Ư vào cuộc thì việc hợp thức hóa bổ nhiệm Lê Phước Hoài Bảo bằng cụm từ “đúng quy trình” mới bị vỡ lở.
Theo kết luận của cơ quan kiểm tra, ông Thanh không gương mẫu, có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm con trai không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục… Ông Thanh sau đó bị Ban Bí thư kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010- 2015.
Đối với ông Lê Phước Hoài Bảo, UBKT T.Ư kết luận không trung thực trong việc kê khai quá trình công tác của bản thân trong hồ sơ, lý lịch và hồ sơ nhân sự ứng cử Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015- 2020. Ý thức tổ chức kỷ luật kém; vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng, bỏ sinh hoạt đảng nhiều tháng, không chuyển sinh hoạt đảng theo quy định trong thời gian đi học Thạc sỹ tại nước ngoài. UBKT T.Ư yêu cầu chỉ đạo tổ chức đảng và cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên, hủy bỏ các quyết định về công tác cán bộ không đúng đối với ông Lê Phước Hoài Bảo.
Không chỉ trường hợp trên, cơ quan kiểm tra T.Ư còn kết luận ông Đinh Văn Thu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng chưa gương mẫu khi ký văn bản đề nghị bổ nhiệm con trai khi chưa được phê duyệt quy hoạch; để UBND tỉnh tuyển dụng công chức không qua thi tuyển, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo đối với con trai chưa đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn. UBKT T.Ư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Đinh Văn Thu…
Ðến “chuyến tàu vét” hàng nghìn tỷ
Tháng 1/2016, các cấp, ngành và cán bộ, đảng viên, nhân dân trong cả nước đều tập trung hướng đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Khi đó rất nhiều bộ trưởng, trưởng ngành, thành viên Chính phủ không còn đủ điều kiện tái cử nên sau Hội nghị T.Ư và sau kỳ họp Quốc hội họ sẽ rời nhiệm sở để nghỉ hưu. Trong thời điểm này, một thương vụ đình đám và “mật” đã được thực hiện là việc Mobifone mua 95% cổ phần của AVG.
Đến tháng 7/2016, trước sự băn khoăn của dư luận, Thường trực Ban Bí thư có chỉ đạo yêu cầu thanh tra toàn diện thương vụ này. Đầu năm 2018, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chính thức công khai kết luận thanh tra thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG. Theo kết luận TTCP, những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm của Mobifone đã dẫn tới nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG 1.134 tỷ đồng.
Từ những kết luận trên, UBKT T.Ư, Bộ Công an, Ban Chấp hành T.Ư đã ra quyết định xử lý, khởi tố đối với hàng loạt những cán bộ có liên quan trong đó có các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn - nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT. Ngoài ra, hàng loạt các cán bộ khác cũng bị kỷ luật vì có liên quan đến thương vụ này.
Khi nói đến tình trạng tư duy nhiệm kỳ, “hoàng hôn nhiệm kỳ” và những “chuyến tàu vét”, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở, Ban Tổ chức Trung ương đã dẫn vụ việc Mobifone mua AVG và nói: “Đây là “chuyến tàu vét” xảy ra trước khi khai mạc Đại hội XII của Đảng chỉ 5 ngày. Vì sau Đại hội XII sẽ là việc thay thế bộ trưởng, thay thế bộ máy Chính phủ”, ông Hà nói. Theo ông, đây chính là “chuyến tàu vét” nhưng may mắn là “chuyến tàu vét” này không qua được ga.
Kỳ 2: Siết quy trình, tăng kỷ luật Đảng
Cùng với việc sửa đổi các quy định, quy trình ngăn tư duy nhiệm kỳ, các cơ quan của Đảng, Nhà nước cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả đối với những cán bộ đã nghỉ hưu. Song thực tế, lãnh đạo ở một số nơi, một số chỗ vẫn không e ngại “lò nóng”, cố tình vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ cả nhiệm kỳ này và nhiệm kỳ sau.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp thứ 16 Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng - Ảnh: TTXVN
Hết thời “hạ cánh an toàn”
Để ngăn chặn tình trạng “hoàng hôn nhiệm kỳ”, năm 2016, Trung ương đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, trong đó nêu rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là: Vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”, chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích.
Thực hiện Nghị quyết trên, trong thời gian qua, các cơ quan của Đảng như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương vào cuộc quyết liệt theo đúng tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Nếu như trước đây thường có tình trạng cán bộ về hưu được coi là “hạ cánh an toàn” hoặc “hòa cả làng” thì nay điều đó đã không còn nữa. Hàng loạt các vi phạm trong thời điểm hoàng hôn nhiệm kỳ đã thanh, kiểm tra và xử lý.
Đặc biệt, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực được Đảng và Nhà nước đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp được xử lý rất kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, của Nhà nước; tướng lĩnh, sĩ quan trong công an, quân đội; cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu.
Chỉ tính từ sau Đại hội XII của Đảng (tháng 1/2016) đến nay, có khoảng 70 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật, trong đó có nhiều người là Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm. Một số người trong số đó bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương, thậm chí có ngay cả Ủy viên Bộ Chính trị cũng bị khai trừ ra khỏi Đảng và lĩnh án tù.
Đặc biệt nếu như trước đây thường có tình trạng “hạ cánh là an toàn” thì nay những người đã rời chức vụ, về nghỉ nếu có sai phạm đều có thể bị xem xét, xử lý. Trong vòng hơn 3 năm có hơn 10 cán bộ nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng nghỉ hưu bị xử lý kỷ luật, trong đó mới nhất là trường hợp của ông Vũ Văn Ninh, nguyên Phó Thủ tướng bị Bộ Chính trị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
Điều đáng nói là những vi phạm của ông Ninh bị phát hiện không chỉ trong nhiệm kỳ làm Phó Thủ tướng mà từ thời làm Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm Chủ tịch Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam (giai đoạn từ tháng 7/2006 đến năm 2011).
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. Ảnh: Hồng Vĩnh
Việc xử lý kỷ luật nghiêm với cả những người đã “hạ cánh” được đánh giá là bước đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy nhà nước và của toàn hệ thống chính trị, góp phần quan trọng củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. “Chính chỗ này khắc phục tư tưởng tư duy nhiệm kỳ, như 6 tháng nữa mình nghỉ hưu nên cứ "ký đại", "đề bạt đại", "bổ nhiệm đại”, ông Nguyễn Đức Hà phân tích.
“Lò nóng” song cán bộ vẫn ký bừa, ký ẩu
“Lò nóng” là vậy, song thực tế ở nhiều nơi, nhiều chỗ, vì lợi ích cá nhân, nhiều cán bộ lãnh đạo vẫn bất chấp các quy định của Đảng và Nhà nước, dẫn đến tiếp tục có nhiều sai phạm trong các quyết định bổ nhiệm, kể cả quy hoạch giới thiệu nhân sự ở nhiệm kỳ tới. Đơn cử như tại Vĩnh Phúc, mới đây, qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm ở Ban Thường vụ Huyện ủy Sông Lô (Ban Thường vụ) và các cá nhân có liên quan, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã phát hiện nhiều vi phạm trong công tác cán bộ.
Theo đó, Ban Thường vụ huyện vi phạm quy trình giới thiệu nhân sự Ủy viên BCH Đảng bộ huyện; không chấp hành nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của cấp trên về công tác cán bộ. Việc thực hiện quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các phòng, ban, đoàn thể của huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 và nhiệm kỳ 2020 - 2025 chưa được thảo luận, bàn bạc và thống nhất trong tập thể Ban Thường vụ, không thông báo công khai quy hoạch lãnh đạo chủ chốt của huyện đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Tổ chức Tỉnh ủy phê duyệt…
Về sai phạm của các cá nhân, cả Bí thư Huyện ủy là ông Lê Tiến Anh và Chủ tịch huyện Hà Vũ Tuyến đều vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Vi phạm quy trình giới thiệu và bổ nhiệm cán bộ; cho ý kiến bổ nhiệm một số cán bộ không đảm bảo tiêu chuẩn. Thực hiện quy trình, thủ tục bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và điều động cán bộ không đúng quy định; có cán bộ số phiếu tín nhiệm rất thấp, nhưng Ban Thường vụ Huyện ủy vẫn có nghị quyết giới thiệu bổ nhiệm.
Ngoài ra, cả bí thư và chủ tịch huyện này đều bị kết luận có vi phạm trong công tác bổ nhiệm, sử dụng cán bộ quản lý và giáo viên các trường học. Trong đó ông Lê Tiến Anh, khi còn là Chủ tịch huyện đã bổ nhiệm 10 phó hiệu trưởng vượt định mức, bổ nhiệm 26 phó hiệu trưởng còn thiếu chứng chỉ, thủ tục. Ông Hà Vũ Tuyến bổ nhiệm 8 hiệu trưởng không có trong quy hoạch; bổ nhiệm lại 70 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không đúng thời gian theo quy định...
Từ những kết luận trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Tiến Anh và ông Hà Vũ Tuyến bằng hình thức cảnh cáo. Sau đó, cả ông Lê Tiến Anh và ông Hà Vũ Tuyến đều được điều động sang vị trí khác.
Trong bài viết:“Chuẩn bị và tổ chức thật tốt Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý việc xây dựng báo cáo chính trị - văn kiện trung tâm của mỗi đại hội cần phân tích thấu đáo những vấn đề đang nổi lên như: Chưa bảo đảm hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xây dựng con người, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường; thực hiện các chính sách đất đai, bảo đảm an toàn giao thông, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tệ nạn xã hội; những biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, kèn cựa địa vị, tình trạng cục bộ, “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ”... Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khoá mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, quan liêu, tham nhũng; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính. Tại Hà Nội, mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định kỷ luật ông Hoàng Mạnh Phú – Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ bằng hình thức “cách tất cả các chức vụ trong Ðảng”. Ông Phú sau đó cũng đã bị HĐND thành phố Hà Nội bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội. Lý do khiến ông Phú bị cách chức vì chỉ trong vòng hơn 1 năm ở cương vị Chủ tịch UBND huyện (trước khi làm Bí thư huyện ủy vào tháng 8/2016), ông đã có nhiều biểu hiện nghi vấn về việc ưu ái cho doanh nghiệp “sân sau”. Cụ thể, ông Phú đã thiếu trách nhiệm để xảy ra vi phạm liên quan đến 74 gói thầu (41 gói thầu tư vấn khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật và 33 gói thầu tư vấn giám sát) thuộc 57 dự án đầu tư xây dựng do Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng và thương mại Xuân Phúc thực hiện. Ông Phú trực tiếp ký 33 quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình, trong khi hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật có nhiều sai phạm. Trước đó, cuối năm 2014, ông Phú còn ký 2 quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình, do Công ty Xuân Phúc lập hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật, trong khi Cty Xuân Phúc chưa được cấp “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”... |
Kỳ 3: Cảnh giác với những cuộc đổi chác
“Vào thời điểm cuối nhiệm kỳ, nhiều cá nhân co mình lại, không dám làm “thẳng” vì sợ ảnh hưởng đến thành tích của địa phương trước thềm đại hội. Chưa kể còn có tâm lý, “im lặng là vàng”, tôi không đụng đến anh thì chắc anh sẽ ưu ái, vun vén cho tôi. Vì lợi ích của chiếc ghế nên nhiều người bất chấp tất cả để hưởng lợi cùng nhau”, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói.
Người dân Thủ Thiêm kiến nghị, kêu cứu tới Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Huy Thịnh
Ðổi chác, đoạt ghế
Là người đầu tiên phản ánh tình trạng quan chức tăng tốc thực hiện những “chuyến tàu vét” vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ”, nay sau 4 năm nhìn lại, ông đánh giá thế nào về vấn đề trên?
Qua quan sát và tìm hiểu tôi thấy rằng chuyện “hoàng hôn nhiệm kỳ” dường như đã thành quy luật, cứ năm cuối nhiệm kỳ, trước khi kết thúc nhiệm kỳ là lại xuất hiện các biểu hiện tiêu cực. Năm 2015, tôi phản ánh điều này trên nghị trường không chỉ để cảnh báo mà còn mong muốn các cơ quan của Đảng và Nhà nước có giải pháp chấn chỉnh, ngăn chặn.
Thực tế cho thấy, sau Đại hội 12 của Đảng, qua kiểm tra, giám sát, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện ra nhiều vụ việc có dấu hiệu trong thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ”. Điều đó cho thấy, các “chuyến tàu vét” là có thật, nhiều quan chức, tranh thủ thời điểm “bận rộn” cuối nhiệm kỳ để làm bừa, làm ẩu nhằm mục đích vụ lợi. Biểu hiện qua các vụ việc như đề bạt, bổ nhiệm một cách vội vàng, thần tốc; ký những dự án mua sắm hàng trăm tỷ…
Quyết định tổ chức các chuyến đi nước ngoài ở thời điểm “hoàng hôn” nhưng dưới danh nghĩa “tham quan, học tập, nghiên cứu”. Tuy nhiên, cái tham quan, học tập chỉ là trá hình còn thực chất là dùng tiền nhà nước để đi chơi. Lẽ ra phải có quy định hết sức chặt chẽ như không bố trí những người chuẩn bị về hưu đi tham quan, học tập, nghiên cứu ở nước ngoài… Phải có những quy định cụ thể chứ không thì khó mà ngăn chặn được triệt để.
Nhiệm kỳ trước nữa, tôi cũng đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ và Thanh ra Chính phủ về hiện tượng bổ nhiệm ồ ạt trước khi về hưu. Từ cấp phòng, vụ, viện, giám đốc các trung tâm. Đây có phải là chạy chức, chạy quyền không?
Thế còn tình trạng “lót ổ” cho con cái trong thời điểm hoàng hôn nhiệm kỳ thì sao?
Đây cũng là vấn đề mà tôi đã từng nêu ra. Nhiều lãnh đạo, trong thời điểm lúc giao thời nhiệm kỳ, chuẩn bị về hưu là tìm cách lo lót cho người nhà, người thân vào những vị trí nhất định. Nếu cứ tiền tệ, hậu duệ, quan hệ, đồ đệ rồi mới đến trí tuệ thì nhất định sẽ dẫn đến hậu quả “đố điều đi đâu được”. Cài cắm con em là khá nhiều.
Liệu đó có phải là việc đánh đổi giữa người chuẩn bị “hạ cánh” với những người kế nhiệm không?
Đây hoàn toàn có thể là một sự trao đi, đổi lại giữa người về hưu và những người kế cận theo kiểu, tôi sẽ giới thiệu anh vào vị trí mới với điều kiện anh phải đồng ý “sắp ghế” cho con tôi. Đây là một sự đổi chác, thỏa thuận ngầm. Trong thời gian vừa qua, cứ vào thời điểm cuối nhiệm kỳ là dư luận lại xôn xao khi thấy trong bộ máy, trong phương án nhân sự xuất hiện nhiều con ông, cháu cha. Thậm chí tôi từng nghe phản ánh có trường hợp còn thỏa thuận, tôi đưa con anh vào thì anh cũng phải đưa cháu tôi vào... Điều này dẫn đến những hệ quả hết sức nguy hại.
Tuýt còi, ngăn “chuyến tàu vét” qua ga
Dẫn đến tình trạng trên, phải chăng trong thời điểm “hoàng hôn”, các cơ quan, đơn vị cứ mải mê lo nhân sự, lo vị trí nên buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát?
Đó cũng là một nguyên nhân. Bởi thời điểm hoàng hôn nhiệm kỳ, nhiều người chỉ mải mê lo việc giữ ghế, tiến thân nên lơ là công tác kiểm tra, giám sát. Thậm chí do là thời điểm “nhạy cảm” nên nhiều người cũng “ngại”, co mình lại, sợ làm “thẳng” thì gây ảnh hưởng đến thành tích của địa phương trước ngày vui đại hội. Chưa kể còn có tâm lý, tôi không đụng đến anh thì chắc anh sẽ ưu ái, vun vén cho tôi. Tôi không “đụng” đến người nhà, người thân của anh thì anh sẽ giới thiệu ủng hộ tôi. Lúc này im lặng là vàng, tất cả cùng có lợi. Vì lợi ích của chiếc ghế nên người ta bất chấp tất cả.
Để nhiệm kỳ sau không “đau đầu” trong việc giải quyết hậu quả do “hoàng hôn” nhiệm kỳ trước để lại, theo ông cần phải có những giải pháp gì?
Tôi đánh giá rất cao công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật của Đảng trong thời gian vừa qua. Việc xử lý không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không còn có chuyện hạ cánh là an toàn đã phanh phui ra nhiều vụ việc vi phạm, góp phần cảnh tỉnh, răn đe những người đang có tư tưởng hoàng hôn nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, việc xử lý đó dù gì cũng chỉ mới là phần ngọn, giải quyết hậu quả. Do đó, để nhiệm kỳ sau vững chắc thì ngay từ bây giờ các cơ quan của Đảng, Nhà nước phải tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các biểu hiện của “tư duy nhiệm kỳ, hoàng hôn nhiệm kỳ”. Nếu để những “chuyến tàu vét” trót lọt qua ga thì nhiệm kỳ sau việc xử lý sẽ rất khó khăn, vừa mất mát tài sản, lại mất mát cán bộ và gây mất niềm tin của nhân dân vào hệ thống. Như thế sẽ mất nhiều công sức, thời gian của bộ máy, ảnh hưởng đến việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong việc phát triển kinh tế, xã hội của mỗi địa phương…
Ví dụ năm 2015, tôi được biết, Thanh tra Chính phủ đã lập đoàn thanh tra vào Thủ Thiêm (thành phố Hồ Chí Minh) rồi, nhưng sau đó lại dừng lại. Mãi đến năm 2018- 2019 mới thanh tra trở lại và có kết luận chính thức, trong đó chỉ ra nhiều sai phạm của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, giá như từ năm 2015, Đoàn Thanh tra Chính phủ làm nghiêm minh, khách quan thì vấn đề Thủ Thiêm có khi đã được giải quyết từ lâu rồi. Tôi nhớ thời điểm đó cũng là lúc chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM, chuẩn bị chuyển giao nhiệm kỳ.
Do đó, Đảng và Nhà nước cần phải có quy định cụ thể và rõ ràng hơn. Ví dụ phải quy định, trong thời gian bao lâu trước khi nghỉ thì không được đề bạt, bổ nhiệm, hoặc ký các hợp đồng liên quan đến các dự án lớn; không bố trí cán bộ chuẩn bị nghỉ hưu đi tham quan học tập, kinh nghiệm ở nước ngoài… Bên cạnh đó, càng vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ” thì càng cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để tuýt còi ngăn ngừa vi phạm từ lúc manh nha, không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc như thời gian vừa qua.
Để nhiệm kỳ sau vững chắc thì ngay từ bây giờ các cơ quan của Đảng, Nhà nước phải tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các biểu hiện của “tư duy nhiệm kỳ, hoàng hôn nhiệm kỳ”. Nếu để những “chuyến tàu vét” trót lọt qua ga thì nhiệm kỳ sau việc xử lý sẽ rất khó khăn, vừa mất mát tài sản, lại mất mát cán bộ và gây mất niềm tin của nhân dân vào hệ thống - Ông Lê Như Tiến |
Kỳ 4: Không để lọt những cán bộ cơ hội
TP - Ðể ngăn chặn những hiện tượng không lành mạnh về công tác cán bộ trong nhiệm kỳ tới, mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 35 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng, trong đó yêu cầu dừng việc bổ sung cấp ủy viên và ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy nhiệm kỳ 2015- 2020 trước 6 tháng tính đến thời điểm đại hội ở mỗi cấp.
Chạy ghế lúc “hoàng hôn”, hệ lụy tai hại
Là những người có nhiều năm công tác trong ngành kiểm tra và tổ chức cán bộ, cả ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (T.Ư) và ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Ban Tổ chức T.Ư đều cho rằng, vấn nạn “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “tư duy nhiệm kỳ”, nhất là trong công tác bổ nhiệm cán bộ là rất nguy hại. Bởi những chiếc “ghế” được bổ nhiệm trong thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ” bằng “chạy chọt” không loại trừ sẽ lại tìm cách thu hồi vốn trong “hoàng hôn nhiệm kỳ” kế tiếp. Theo ông Hùng, “tư duy nhiệm kỳ” được biểu hiện qua các hình thức như giữ yên ổn cho bản thân trong suốt nhiệm kỳ, tức là không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, không xông xáo; còn dạng thứ hai là tìm cách “kiếm chác” trong nhiệm kỳ làm lãnh đạo.
Cũng vì tư tưởng “kiếm chác nhiệm kỳ” nên mới xảy ra các vụ việc như bổ nhiệm ồ ạt cán bộ không đúng tiêu chuẩn, điều kiện; bổ nhiệm cán bộ trước khi về hưu; hay quyết định các dự án vội vã, chưa được nghiên cứu thấu đáo. “Rất nhiều dự án thời gian qua được triển khai thực hiện nhưng không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí lớn. Cái đó ngoài những nguyên nhân như tư duy, tầm nhìn, cách làm thì cũng không loại trừ nguyên nhân “tư duy nhiệm kỳ”, tức là làm dự án để “đánh bóng” tên tuổi của bản thân mà không hề nghĩ đến tính hiệu quả”, ông Lê Quang Thưởng phân tích.
Phân tích mức độ nguy hại hai dạng của tư duy nhiệm kỳ, cả ông Hùng và ông Thưởng đều cho rằng, việc bổ nhiệm cán bộ sai là gây nguy hại xấu nhất. “Cán bộ là cái gốc, là then chốt của mọi then chốt. Vậy mà cái chốt đó lại hỏng, lại xấu, chỉ chăm vun vén lợi ích cá nhân, kiếm chác thì làm sao đất nước phát triển được”, ông Thưởng nói. Trong khi đó, ông Vũ Quốc Hùng nhấn mạnh, dù quy trình, quy định bổ nhiệm cán bộ tương đối đầy đủ, nhưng ở nhiều nơi, nhiều chỗ, người đứng đầu vì lợi ích cá nhân, thậm chí là tiêu cực nên quy trình chỉ là cái cớ để hợp pháp hóa, hợp thức hóa cho cái sai, cái thiếu. “Người quen, người thân, hoặc là đã có rỉ tai trước rồi, hoặc có ám chỉ trước rồi. Rồi người đứng đầu có trách nhiệm về công tác cán bộ lại đi “ướm hỏi”, dò hỏi, nói xa nói gần, vận động cho người được xem xét bổ nhiệm nên mấy ai còn dám ý kiến”, ông Hùng nói.
Từng có nhiều năm làm công tác kiểm tra, ông Hùng cho rằng, các tổ chức Đảng phải chịu trách nhiệm đảm bảo, từ quy trình đề xuất, giới thiệu, bầu cử và ra quyết định. “Ai giới thiệu ai, cá nhân và tổ chức thì đều phải ghi vào biên bản hết. Xác định hết trách nhiệm, khi những người kia thoái hóa, biến chất thì kiểm điểm, xem trách nhiệm những người giới thiệu ở mức độ nào. Nếu làm thực sự được điều đó thì những người làm công tác cán bộ phải là những người phải biết lo lắng, giữ gìn và làm hết trách nhiệm”, ông Vũ Quốc Hùng nói.
Dừng bổ sung cấp ủy trước 6 tháng đại hội
Theo ông Hùng, hiện nay T.Ư đang dự thảo một văn bản quy định về chống “chạy chức, chạy quyền”. Đây là điều hết sức quan trọng để chống “tư duy nhiệm kỳ”, chống ký bừa, bổ nhiệm ẩu lúc chuẩn bị về hưu. “Tôi nghe nhiều chuyện “chạy chức, chạy quyền”, chạy công việc; chạy ghế, chạy tuổi, chạy huân chương… Nghe kể thì rất khủng khiếp”, ông Hùng nói và cho rằng, nếu là người thiếu trung thực, giả dối thì không nên đưa vào vị trí lãnh đạo, quản lý.
Ông Vũ Quốc Hùng cũng cho biết đã được Ban Tổ chức T.Ư hỏi ý kiến tham gia dự thảo xây dựng quy định chống “chạy chức, chạy quyền”. Trong quy định này cũng nói rõ, trách nhiệm trong việc đề cử, tuyển chọn giới thiệu cán bộ mà hư hỏng thì phải chịu trách nhiệm. “Nếu làm nghiêm túc sẽ chọn được những cán bộ chủ chốt, trẻ, tức là những người có đủ quy định về tuổi tác và họ lại có những phẩm chất, kinh nghiệm tốt”, ông Hùng nói.
Trong khi đó, theo ông Lê Quang Thưởng, cần phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu, kiên quyết chống lãng phí, tiêu cực. Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử phải thực hiện đúng Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên quan, dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch; gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch cán bộ và sắp xếp, bố trí nhân sự lãnh đạo cơ quan nhà nước các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026. Chỉ thị cũng yêu cầu các cấp ủy kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người cục bộ, bè phái, cơ hội, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “chạy chức, chạy quyền”, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Đặc biệt để ngăn chặn những biểu hiện vi phạm trong công tác cán bộ, Bộ Chính trị yêu cầu dừng việc bổ sung cấp ủy viên và ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 trước 6 tháng tính đến thời điểm đại hội ở mỗi cấp.
Ngoài ra, ông Thưởng cũng lưu ý, trong năm cuối của nhiệm kỳ, các cơ quan của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Ban Tổ chức T.Ư và Ủy ban Kiểm tra T.Ư cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Tất cả những trường hợp có biểu hiện của “hoàng hôn nhiệm kỳ” cần phải được kiểm tra, kết luận ngay từ đầu, không đợi đến nhiệm kỳ sau. “Có làm nghiêm, xử nghiêm ngay từ đầu thì mới có tác dụng răn đe”, ông Thưởng nói.
Văn Kiên
Ðại hội là một dịp để sàng lọc cán bộ “Dứt khoát không để lọt người có biểu hiện tham ô, tham nhũng, suy thoái đạo đức, chính trị, lối sống vào Ðại hội sắp tới. Nơi nào để xảy ra cái này thì kỷ luật đi! Có dấu hiệu vi phạm là phải kiểm tra. Kiểm tra có vấn đề thì không đưa vào cấp ủy. Ðang có tâm lý chờ đợi xem sắp tới ông ấy có làm quyết liệt không, hay là tình hình sẽ thay đổi thế này thế khác? Không có đâu! Ai làm thì cũng phải thế thôi. Họp Trung ương tôi đã nói rồi, hôm nào họp tôi còn nói nữa. Ðại hội là một dịp để ta sàng lọc cán bộ. Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi, không sợ thiếu cán bộ”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị sơ kết Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, ngày 26/7/2019. |
“Ai giới thiệu ai, cá nhân và tổ chức thì đều phải ghi vào biên bản hết. Xác định hết trách nhiệm, khi những người kia thoái hóa, biến chất thì kiểm điểm, xem trách nhiệm những người giới thiệu ở mức độ nào. Nếu làm thực sự được điều đó thì những người làm công tác cán bộ phải là những người phải biết lo lắng, giữ gìn và làm hết trách nhiệm”. ông Vũ Quốc Hùng |
Kỳ 5: Đầu nhiệm kỳ nghe ngóng, giữa: Chạy vạy, cuối: bất chấp
Chưa bao giờ như hiện nay, tỉnh nào cũng đòi có sân bay, tỉnh nào cũng đòi có cầu cảng. Đó là “tư duy nhiệm kỳ”, lợi ích nhóm, chứ là gì nữa. Không ít bộ phận vì lợi ích tăm tối của phe nhóm mình, đã biến nơi mình phụ trách thành vùng đất riêng”, TS Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, trò chuyện với Tiền Phong.
Nhà báo Nhị Lê
Những ông “vua con”
Là người nhiều năm theo dõi và tìm hiểu về bộ máy, cán bộ, cá nhân ông nhìn nhận, đánh giá như thế nào về tình trạng “tư duy nhiệm kỳ” và “hoàng hôn nhiệm kỳ”?
Phải nói rằng nhiệm kỳ là cần thiết, không phải chỉ chúng ta mà tất cả các nước đều có tính toán đến nhiệm kỳ. Như nước Mỹ, nhiệm kỳ Tổng thống là 4 năm, hay Cộng hòa Liên bang Nga, nhiệm kỳ Tổng thống là 6 năm. Việc đưa ra nhiệm kỳ là để giới hạn phạm vi quyền lực và truy xuất trách nhiệm quyền lực. Việt Nam cũng như vậy, nhiệm kỳ của chúng ta là 5 năm, điều đó hết sức bình thường. Nhưng cái “tư duy nhiệm kỳ” lại tạo ra những điều bất thường.
Trước tiên là vấn đề tầm nhìn chiến lược. Trong cả một thời kỳ dài xây dựng quốc gia, với tầm nhìn chiến lược, thì tất cả những nhiệm kỳ nối tiếp nhau phải tuân thủ, và nó được bảo đảm bởi luật pháp. Anh không thể vì lợi ích của nhóm, cũng không thể vì sự giới hạn của nhiệm kỳ mà bất chấp tất cả, phá vỡ tầm nhìn chiến lược ấy, vì thứ trách nhiệm quyền lực vô hạn độ. Nếu làm vậy thì luật pháp sẽ ra tay.
Chúng ta đang nói nhiều đến kiến tạo Nhà nước pháp quyền, thế nhưng chỗ này vẫn đang là một khoảng trống, không ai giám định, không ai xử lý. Một quy hoạch tổng thể Thủ Thiêm như thế mà người ta lại dám ban hành quyết định để bác bỏ Quyết định của Thủ tướng, thì đó là một sự vô lối, vô pháp và vô nhân. Cũng may là người ta làm vài nhiệm kỳ, chứ nếu làm từng nhiệm kỳ, từng người một thì cách làm đó, có lẽ sẽ làm nát, thậm chí tiêu vong Thủ Thiêm rồi.
Thứ hai, là vấn đề chọn người. Điều này mang tính quyết định để thực thi quyết sách tầm chiến lược. Ở các quốc gia mà tôi được biết, cương lĩnh tranh cử của họ rất rõ ràng, rành mạch, qua nhiều vòng, nhiều mức. Chúng ta cũng làm như vậy, nhưng lại chưa chọn người đúng, cộng với chế tài không đủ mạnh thì sẽ “đẻ” ra tư duy nhiệm kỳ. Tức là biến cái dài hạn thành nhiều khúc ngắn hạn, và nhiều khúc ngắn hạn đó mâu thuẫn nhau, thậm chí phủ định nhau. Ai cũng vô can, vì núp bóng cái tập thể, cái quyết sách chung, chứ không thấy trách nhiệm quyền lực cá nhân đâu cả. Nói gì tới kiểm soát quyền lực nữa. Đây chính là “khoảng trống” quyền lực cần phải chỉnh đốn và lấp đầy!
Về tâm lý, “bệnh” sĩ diện vẫn còn nhiều quá, đạo làm quan vô pháp đang án ngữ và lộng hành kinh khủng quá, nên ông nào cũng thích oai cả.
Ông nào cũng muốn hoành tráng, còn hiệu quả không tính đến. Cho nên rất nhiều tỉnh xuất hiện những dự án hàng nghìn tỷ đắp chiếu. Bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu mồ hôi, thậm chí cả máu của nhân dân đổ xuống cũng chỉ vì cái sĩ diện hão được gọi là vị thế, công lao để che đậy thứ lợi ích cá nhân, phe nhóm của cán bộ, quan chức.
Lợi ích nhóm: mầm họa
Theo ông, “tư duy nhiệm kỳ” ở thời nào cũng có, hay chỉ mới xuất hiện gần đây?
“Tư duy nhiệm kỳ” thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều. Tôi nhớ mấy chục năm trước chúng ta không có tình trạng như vậy. Nhưng trong khoảng 4 nhiệm kỳ gần đây, “bệnh” “tư duy nhiệm kỳ” xuất hiện ngày càng nặng, biến đường lối chung thành những quyết sách riêng của từng địa phương, phá vỡ tính thống nhất của đường lối chính trị, phá vỡ tầm nhìn chiến lược của Đảng.
Chưa bao giờ lại như bây giờ, tỉnh nào cũng đòi có sân bay, tỉnh nào cũng đòi có cầu cảng... trong khi quy hoạch chiến lược phát triển quốc gia có rồi. Đó là “tư duy nhiệm kỳ” chứ là gì nữa. Không ít bộ phận vì lợi ích tăm tối của phe nhóm mình, đã biến nơi mình phụ trách thành vùng đất riêng và họ là những “ông vua con”, những ông tướng, bà tướng. Điều này Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến rất nhiều lần.
Trong thực thi chiến lược quốc gia thì trên có kế sách, dưới lại có đối sách. Còn trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược, thì trên bảo dưới không nghe, trên một đàng dưới một nẻo, thậm chí trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Điều này lại càng tạo điều kiện cho “tư duy nhiệm kỳ” nảy nòi, phát tác. Đã vậy, chúng ta lại không có bộ chế tài tương dung, cụ thể là kỷ luật trong Đảng không đủ mạnh. Quốc pháp, tức là pháp luật nhà nước, chấp pháp không đủ nghiêm.
Đức không đủ răn, thì pháp trị phải ra tay. Nhưng đáng tiếc, tầm rộng lại không ai làm việc đó, hoặc có thì cũng làm chưa tương xứng. Thế là kỷ luật của Đảng không đủ mạnh, pháp luật của Nhà nước không đủ nghiêm, đâm sinh ra nhờn, mà đã nhờn thì hòa cả làng. Cái nguy hiểm ở đây là Quốc pháp, Đảng cương bị xâm hại lại không bị xử lý thì rõ ràng là đại nguy cơ rồi! Đó là bối cảnh dung dưỡng, duy tồn, thậm chí ở chỗ này chỗ kia nó cũng cổ súy cho lợi ích nhóm. Xét cho cùng, thì tư “duy nhiệm kỳ” cũng chính là lợi ích nhóm, là mầm họa những “sứ quân” đấy.
Bổ nhiệm ký bừa, cấp phép dự án, điều chỉnh dự án vô tội vạ, nếu xuất hiện ở “hoàng hôn nhiệm kỳ” chắc cũng nhằm phục vụ lợi ích nhóm, “lót ổ”, và tranh thủ “chuyến tàu vét” cuối cùng?
Gần đây nhất, Hội nghị T.Ư 5 và Hội nghị T.Ư 6 khóa XII của Đảng đã bàn về bộ máy, trước hết là bộ máy chiến lược và chiến lược công tác cán bộ. Một tầm nhìn chiến lược phát triển quốc gia sẽ đổ bể, thậm chí sẽ thành ảo tưởng, nếu không có một chiến lược cán bộ tương xứng, đặc biệt là cán bộ chiến lược - rường cột của quốc gia, rường cột của các cấp tương dung. Từ đó mới nảy sinh ra tư duy nhiệm kỳ, tranh thủ bổ nhiệm, ký bừa dự án, cán bộ… trước khi rời nhiệm sở.
Cho nên đầu nhiệm kỳ thì nghe ngóng, giữa nhiệm kỳ thì chạy vạy, cuối nhiệm kỳ thì bất chấp thực thi. Điều này sẽ xảy ra hai thái cực: Một là, người ta làm tất cả những điều gì người ta muốn, bất chấp tất cả để vơ vét cho kỳ được cái người ta cần; hai là, người ta không làm gì cả, nín thở chờ đại hội, qua đại hội. Hai thái cực này rất rõ, hoặc án binh bất động, hoặc huyên náo tăm tối ngày đêm.
Đặc biệt, điều đáng sợ là bất chấp trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, bất chấp chiến lược cán bộ, người ta tốc hỉ thiết kế bộ máy, cán bộ cho nhiệm kỳ sau. Cho nên mới có chuyện ông bộ trưởng đổ lỗi cho người tiền nhiệm, mặc dù thời điểm đó ông ta đang làm thứ trưởng. Vì thế, trong công tác cán bộ, mới nảy sinh tình trạng “thứ nhất hậu duệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba quan hệ, thứ tư đồ đệ, rồi thứ năm (thứ bét) là trí tuệ”. Lợi ích nhóm “đẻ” ra nguy hiểm đến như thế, thậm chí “lót ổ” cha truyền con nối, anh truyền em nối, “cả họ làm quan” một cách tăm tối, thậm chí ô nhục.
Không được ký bổ nhiệm trước một năm kết thúc nhiệm kỳ
Vậy giải pháp để điều trị căn bệnh “tư duy nhiệm kỳ”, “hoàng hôn nhiệm kỳ” là gì, thưa ông?
Suy cho cùng, nếu khi tầm nhìn chiến lược bị xâm hại và chiến lược cán bộ mà hỏng thì chiến lược phát triển quốc gia đổ vỡ, thất bại không tránh khỏi, đó là điều không có gì lạ cả. Công tác cán bộ là then chốt của then chốt là vì vậy. Điều này Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nói rất nhiều lần. Vì công việc đẻ ra bộ máy chứ không phải vì con người đẻ ra bộ máy. Vì tầm nhìn để chọn bộ máy tương hợp với nó chứ không phải vì con người. Vì bộ máy mà tìm ra việc. Hai việc đó là đối nghịch nhau. Muốn đẩy lùi “tư duy nhiệm kỳ”, hay “hậu quả nhiệm kỳ”, phải bắt đầu từ đó.
“Quy hoạch tổng thể Thủ Thiêm như thế mà người ta lại dám ban hành quyết định để bác bỏ Quyết định của Thủ tướng” - Nhà báo, TS. Nhị Lê
Vụ việc của Tổng Thanh tra Chính phủ cách đây 2 nhiệm kỳ, trong 6 tháng cuối nhiệm kỳ mà ký bổ nhiệm tới 80 ông, bà cấp vụ phó trở lên, bất chấp tất cả. Điều đó cho thấy cơ chế của chúng ta còn lỏng lẻo, người ta lẻn vào chỗ này. Sự trừng phạt lại không thích đáng nữa, mối họa kiểu đó tới nay, vẫn khôn lường. Tôi kiến nghị, trước khi kết thúc nhiệm kỳ 1 năm, không được ký bổ nhiệm cán bộ, trừ cấp có thẩm quyền cho phép. Như vậy thì, không ai dám ký bừa cả.
Trong bổ nhiệm cán bộ, điều đáng lo ngại nhất là cái gì cũng vin vào, và khi sai thì đổ tất cho quy trình. Dù quy trình luôn đúng, nhưng vì sao lại cho ra sản phẩm sai? Do vậy, chọn người thực thi quy trình hết sức quan trọng. Từ đó đòi hỏi người cầm cân nảy mực, tức đội ngũ những người làm công tác cán bộ, tôi thấy phải thực thi tối thiểu 8 chữ: Trung thực, trách nhiệm, dũng cảm, trong sáng.
Bên cạnh đó, phải có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ cán bộ. Quốc pháp vô thân, tối thượng là pháp luật, tối cao là kỷ luật của Đảng. Không cần chờ đến “hoàng hôn nhiệm kỳ” hay khi “hạ cánh” đâu, mà ngay khi bước vào chính trường, anh phải chấp nhận luật của chính trường. Quan ra quan, vua ra vua, dân ra dân, kỷ cương phải thế. Nếu thực sự là Quốc pháp vô thân, sẽ không có thư tay, nhóm lợi ích, không có can dự tăm tối của cá nhân nào.
Theo tôi, giải pháp hiệu quả để kiểm soát cán bộ và bộ máy làm công tác này là truy xuất tài sản ở đầu nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ. Phải kiểm tra, buộc giải trình về nhân thân và thân nhân cán bộ, làm nghiêm được điều này thì không ai không sợ hết. “Hoàng hôn nhiệm kỳ” hay “chuyến tàu vét” cũng không thể thoát được.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ví von là phải “nhốt quyền lực vào trong cái lồng cơ chế”. Cái “lồng”, đó chính là kỷ luật của Đảng, toàn bộ hệ thống pháp luật nhà nước đó là Quốc pháp. Trong Đảng, thì Đảng cương và Quốc pháp thực thi, ngoài xã hội thì Quốc pháp toàn dụng và trung tâm là lòng dân và sự tín nhiệm của Nhân dân thẩm xét, giám sát. Như vậy thì không ai, không gì có thể lọt được cả. |
Nhóm PVTS báo Tiền phong