"Vá" lỗ hổng về cơ chế lựa chọn cán bộ

Bài 1: "Nếu tâm đen tối, trí lu mờ thì vẫn đưa người không đủ tiêu chuẩn vào bộ máy"

"Nếu như tâm đen tối, trí lu mờ thì vẫn có thể bẻ cong quy định để đưa người không đủ tiêu chuẩn vào bộ máy” – ông Lê Thanh Vân nêu ý kiến.

Cuối tuần qua, Ban Bí thư đã có Kết luận chấn chỉnh công tác cán bộ nhằm chuẩn bị tốt nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng. Đây là bước đi thận trọng tiếp theo Chỉ thị 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị và chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về công tác nhân sự cho khóa mới.

Nắm vững nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch

Theo dõi những diễn biến gần đây với những biện pháp vừa dài hơi, vừa cấp bách, ông Lê Thanh Vân (Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) khẳng định, ở đâu cũng vậy, từ cấp xã đến Trung ương, vấn đề then chốt, quan trọng bậc nhất là chọn ra đội ngũ cán bộ xứng đáng.

Cuối tuần qua, Ban Bí thư đã có Kết luận chấn chỉnh công tác cán bộ nhằm chuẩn bị tốt nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng. Đây là bước đi thận trọng tiếp theo Chỉ thị 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị và chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về công tác nhân sự cho khóa mới.

Theo dõi những diễn biến gần đây với những biện pháp vừa dài hơi, vừa cấp bách, ông Lê Thanh Vân (Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) khẳng định, ở đâu cũng vậy, từ cấp xã đến Trung ương, vấn đề then chốt, quan trọng bậc nhất là chọn ra đội ngũ cán bộ xứng đáng.



Ông Lê Thanh Vân - Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau.

Thời gian qua, Ban chấp hành Trung ương đã có bước chuẩn bị, từng kỳ họp đều chuẩn bị, sửa lại các quy định lựa chọn cán bộ cho đúng quy trình, càng về sau tiêu chuẩn của từng lớp cán bộ lại càng rõ ràng hơn. Tuy nhiên, quy định tự thân nó không chọn được cán bộ mà đó là quy trình thủ tục hay là công cụ, quan trọng là người sử dụng nó như thế nào.

“Nếu như con người tâm sáng, trí minh thì mới chọn được người xứng đáng, nếu như tâm đen tối, trí lu mờ thì vẫn có thể bẻ cong quy định để đưa người không đủ tiêu chuẩn vào bộ máy” – ông Lê Thanh Vân nêu ý kiến.

Cùng chung ý kiến, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho răng, trong các khâu của công tác cán bộ, thì đánh giá cán bộ là khâu tiền đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi thực tế đã cho thấy, chỉ có đánh giá đúng phẩm chất, năng lực của cán bộ, mới làm cơ sở cho việc tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, khen thưởng, kỷ luật... cán bộ được khách quan, chính xác. Ngược lại, nếu đánh giá không đúng cán bộ sẽ dẫn đến bố trí, sử dụng không đúng và dẫn đến hậu quả khôn lường, nhất là bố trí sai đối với cán bộ chủ chốt, người đứng đầu.



Ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. (ảnh: KT)

“Phải nắm vững nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch trong việc thực hiện công tác cán bộ. Những nguyên tắc đó nếu được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, chúng ta sẽ lựa chọn được cán bộ phù hợp để giới thiệu vào cấp ủy. Dân chủ là khi giới thiệu cán bộ vào cấp ủy thì cần phải bàn bạc, sau đó đưa ra lấy ý kiến của nhân dân, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể để lựa chọn nhân sự. Sau bước giới thiệu nhân sự, những người làm tổ chức phải đi thẩm tra xác minh về người được giới thiệu. Cũng từ đây, yêu cầu những người được tuyển chọn phải khai báo đầy đủ, kê khai tài sản… để xem tính trung thực, phẩm chất, năng lực của người được giới thiệu” – ông Vũ Quốc Hùng nói và nhấn mạnh các ý kiến thẩm tra, lấy phiếu tín nhiệm để sàng lọc cán bộ phải được thực hiện minh bạch, rõ ràng.

Để lựa chọn đúng và trúng cán bộ, theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những người làm công tác nhân sự phải là những người có tâm, có tầm, trong sáng, vô tư, đặt lợi ích của Đảng, nhân dân lên trên hết. Đồng thời, những người này phải có năng lực trình độ để đánh giá con người, đánh giá cán bộ một cách đúng đắn, khách quan.

Để chấn chỉnh và xây dựng được đội ngũ cán bộ có đức, có tài thì những người làm công tác cán bộ phải thực sự chí công vô tư, làm mọi việc đều xuất phát từ mục tiêu vì nước, vì dân. Quy trình lựa chọn cán bộ cần phải làm cẩn thận, không hồ đồ, hấp tấp, không để tình trạng nể nang, lợi ích nhóm tồn tại.

“Đối với những cán bộ được lựa chọn, phải tuân thủ theo đúng quy trình, từ việc quy hoạch, quá trình thử thách rồi mới tiến tới đưa vào giới thiệu nhân sự cho đại hội. Quá trình rèn giũa, thử thách cùng sự giám sát của tổ chức, của quần chúng sẽ lựa chọn được những cán bộ thực sự tâm huyết, có tài, có đức phục vụ nhân dân” – ông Vũ Quốc Hùng nói.

Người tiến cử phải chịu trách nhiệm

Ngoài việc đánh giá cán bộ thì việc sàng lọc cán bộ cũng là việc làm không hề đơn giản. Ông Dương Quang Phái - nguyên Vụ trưởng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, người sàng lọc phải là người trong sạch, nhất là người đứng đầu cấp ủy. Người đứng đầu mà không trong sạch thì thành “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” khó lọc được, đặc biệt, là vấn đề công khai minh bạch trong công tác nhân sự.

“Cứ công khai cho dân lựa chọn. Bây giờ nếu nói anh nào “bôi nhọ” thì thẩm tra, xác minh, xem tin đó có đúng không, tố cáo đúng không? Chúng ta có bộ máy sàng lọc, đừng bí mật trong nội bộ của Đảng. Muốn sàng lọc được phải có các tổ chức chính trị xã hội tham gia và nhân dân tham gia sàng lọc thì mới hy vọng có bộ máy tốt” – ông Dương Quang Phái cho biết.

Trong công tác nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp, một trong những điều quan trọng là ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm cá nhân của người đề cử, tiến cử. Ai là người chịu trách nhiệm trong tiến cử? Một tập thể, không phải đồng loạt tất cả giơ tay giới thiệu một người mà phải có một người đề xuất, khởi xướng đầu tiên, thì người đó phải có trách nhiệm bảo đảm việc tiến cử của mình. Người tiến cử phải chịu trách nhiệm, phải biết rõ, không phải giới thiệu một cách vu vơ, thân hữu hoặc trực hệ, thậm chí mua bán chức vụ để đổ lỗi cho tập thể. Vấn đề là làm sao phải tách ra được trách nhiệm cá nhân trong trách nhiệm tập thể.

Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, những người làm tốt công tác cán bộ, giới thiệu đúng người thì phải được hoan nghênh, tôn trọng. Người nào giới thiệu không đúng, không trúng cán bộ thì phải nhắc nhở, thậm chí quy trách nhiệm, động cơ gì giới thiêu? Nhóm lợi ích gì?

“Việc chuẩn bị cho Đại hội của cấp cơ sở, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng là vấn đề cấp bách, cần làm ngay, nhưng nhìn lâu dài mà nói, những vấn đề đó trong công tác xây dựng Đảng phải được nghiên cứu, được tổng kết đầy đủ để làm bài học cho các lớp người mai sau. Theo tôi những điều đó cần quy định trong đảng, cao nhất trong Đảng là điều lệ Đảng”- ông Vũ Mão nhấn mạnh./.

Bài 2: Ai đã khiến những “hạt giống đỏ” sớm bị thui chột

Các cụ xưa đã nói, cái gì nhanh đến sẽ nhanh đi. Việc "thành đạt" sớm khi chưa đáp ứng điều kiện sẽ sớm bộc lộ những hạn chế, yếu kém.

Những cái tên như Vũ Minh Hoàng, Nguyễn Xuân Anh, Lê Phước Hoài Bảo và gần đây là Trần Văn Mẫn, Nguyễn Bá Cảnh… đều là những cán bộ trẻ, cùng có xuất phát điểm là “con ông cháu cha”, được kỳ vọng là những “hạt giống đỏ” của đất nước, tưởng rằng tương lai đang nằm trong tầm tay, nhưng người bị kỷ luật, người tuy không bị kỷ luật, nhưng với nhiều lý do, sự nghiệp chính trị của họ đều đã dừng lại.



Nhiều "hạt giống đỏ" của đất nước đã bị "chín lép"

Ông Lê Như Tiến, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, người từng cảnh báo về tình trạng con ông cháu cha kiểu “5c - con cháu các cụ cả”, thêm “6ệ - tiền tệ, hậu duệ, quan hệ, ngoại lệ, đồ đệ, trí tuệ” dẫn đến tình trạng “5đ - đố điều đi đâu được”, nói vui, té ra “ngựa hay phải chạy đường dài” nhưng mới chạy được một đoạn ngắn đã người thì đuối sức, người “sa xuống hố”.

Vị đại biểu Quốc hội các khóa XII, XIII cho rằng, qua những trường hợp trên có thể thấy rằng, con ông cháu cha nếu có phẩm chất, năng lực tốt không tội gì không bổ nhiệm. Nhưng ngược lại, nếu chưa đủ độ chín, chưa đủ thời gian thử thách để trưởng thành, mà bổ nhiệm cán bộ thần tốc như thế thì tình trạng “nửa đường đứt gánh” đã nhìn thấy trước, thậm chí có người còn chưa được nửa đường, mới được bổ nhiệm thì đã bị bãi miễn.

“Ví như trong quân đội, để lên được cấp tá, cấp tướng, bộ đội cũng phải qua chiến đấu, đi lên từ binh nhất, binh nhì, cấp úy, bao nhiêu năm mới lên được một cấp. Nghề nghiệp, lĩnh vực nào cũng vậy, đều phải đi từ thấp lên cao, phải mất hàng chục năm mới lên được”, ông Tiến liên hệ. 

Câu chuyện cán bộ trẻ “chín nhanh, chín ép” đã để lại bài học đau xót, nó cho thấy công tác cán bộ cần phải thật kỹ càng và thận trọng hơn nữa. Thậm chí phải để họ được tôi luyện ở những môi trường khắc nghiệt để xem có đủ phẩm chất và năng lực hay không, chứ không thể nâng đỡ kiểu “túm tóc kéo lên”, ông Lê Như Tiến bộc bạch.

“Con ông cháu cha” được xem như những “hạt giống đỏ” của đất nước, thừa hưởng nền tảng tri thức của gia đình, đều được đào tạo bài bản. Nên, nếu không tôi luyện để họ có bản lĩnh vững vàng trong thực tiễn công tác, đạt được độ “chín” cả về tâm lẫn tầm, mà “đốt cháy giai đoạn”, đặt họ vào chiếc ghế quá lớn, quá rộng, là làm hại họ, là góp phần cản trở, thậm chí rút ngắn con đường chính trị của họ.



Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến (Ảnh: Bình Minh)

Ngược lại, là “con ông cháu cha”, không thể ỷ thế “hạt giống đỏ”, tự cho mình nghiễm nhiên được hưởng “phép lợi thế” từ cha ông. Họ phải có lòng tự trọng để biết giữ mình, giữ gìn truyền thống gia đình, không để mang tiếng “chín ép”, ông Lê Như Tiến bình luận.

Chỉ ra một trong nhiều nguyên nhân khiến những “hạt giống đỏ” sớm bị thui chột do được đẩy lên quá nhanh, quá thần tốc, quá bất ngờ và quá bất thường, ông Lê Như Tiến cho rằng, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong việc bổ nhiệm. Đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan tổ chức cán bộ - những người gác gôn về công tác tổ chức cán bộ cho các cấp ủy và các cơ quan của Đảng và Nhà nước.

“Cần có một cơ quan thẩm tra, thẩm định khách quan để đánh giá việc bổ nhiệm. Không thể, cơ quan, tổ chức nào cũng có đầy đủ cấp ủy đảng, lãnh đạo chính quyền, công đoàn, thanh niên, phụ nữ, mặt trận nhưng khi xảy ra sai phạm ít thấy ai lên tiếng chịu trách nhiệm. Quy trình rất chặt chẽ, mà vẫn để “con voi lọt qua lỗ kim” thì phải quy trách nhiệm rõ ràng”, ông Tiến nêu quan điểm.



PGS-TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Ảnh: Hoàng Thái)

PGS-TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, không phủ nhận chủ trương của Đảng là khuyến khích người trẻ phát triển tốt, nếu xứng đáng, đủ tiêu chuẩn đưa họ lên chỉ có lợi cho đất nước. Chủ trương là vậy nhưng người trẻ ngồi vào những vị trí trọng trách đòi hỏi phải có đầy đủ tiêu chuẩn. Thậm chí phải để cho họ được tôi luyện trong thực tiễn, trong những môi trường khó khăn, phức tạp để người trẻ tích lũy cho mình đầy đủ bản lĩnh, kinh nghiệm mới hy vọng không sa vào những sai lầm.

Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phân tích, những trường hợp đặc biệt được nhắc ở trên rõ ràng chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn. Sở dĩ họ được đẩy lên là vì sự nể nang, lấy lòng cấp trên. Các cụ xưa đã nói, cái gì nhanh đến thì sẽ nhanh đi. Đẩy lên sớm khi chưa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện sẽ sớm bộc lộ những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm.

Ngược lại, những lãnh đạo có con em thuộc diện “hạt giống đỏ” trước khi chấp nhận ân huệ cho con mình, hãy nhớ tới quy định làm gương, trách nhiệm người đứng đầu để cân nhắc có nên lợi dụng sự nể nang, lấy lòng của cấp dưới mà đẩy con mình lên nhanh một cách bất thường hay không. Cùng với đó, nên nhìn nhận một cách nghiêm túc, sòng phẳng năng lực, phẩm chất của con em mình bởi không nhất thiết cứ phải trở thành ông nọ, bà kia mới là đóng góp xây dựng quê hương, đất nước. Quan trọng là họ làm được gì cho quê hương, đất nước./.

Bài 3: Nhà báo Nhị Lê: Những tiêu cực trong công tác cán bộ đã được tiên liệu


Sau Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và bài viết chỉ đạo mang tầm chiến lược của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt mới đây nhất là Kết luận của Ban Bí thư, nhằm chấn chỉnh công tác nhân sự trước thềm Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Nhà báo, TS. Nhị Lê – Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, quan sát mỗi nhiệm kỳ đại hội của Đảng kể từ Đại hội I đến nay, ông nhận thấy chưa có khóa nào như khóa này, trước ngày Đại hội Đảng bộ các cấp dự kiến diễn ra vào cuối quý I/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo toàn Đảng từ rất sớm, hết sức cụ thể, chặt chẽ, thể hiện tầm nhìn, sự quyết đoán và hết sức thận trọng, để chuẩn bị thật tốt về mặt nhân sự cho Đại hội XIII, trực tiếp là Đại hội Đảng bộ các cấp.


PV: Ông có thể phân tích sâu hơn về ý nghĩa những chỉ đạo của Đảng ta, của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về công tác cán bộ?

Nhà báo Nhị Lê: Để chuẩn bị cho Đại hội XIII, Đảng ta đã làm tất cả những việc cần phải làm về công tác cán bộ. Chưa một khóa nào như khóa này, những công việc của khóa XII để chuẩn bị cho nhiệm kỳ XIII đã được Đảng nhìn xa, chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản và được triển khai từ rất sớm.

Từ Hội nghị Trung ương 6, đặc biệt tại Hội nghị Trung ương 9, một danh sách quy hoạch cán bộ với tầm nhìn rất rộng, được cân nhắc kỹ lưỡng và kỳ vọng sẽ lựa chọn được những nhân tố mới ngang tầm dẫn dắt công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ. Trước hết từ Ban Chấp hành Trung ương với hơn 200 cán bộ được giới thiệu theo quy trình chặt chẽ và được sàng lọc liên tục với phương châm quy hoạch động và mở.

Kết luận của Ban Bí thư ban hành ngày 15/8/2019 vừa qua một lần nữa khắc sâu những công việc toàn Đảng đã, đang và tiếp tục làm và phải làm thật tốt. Đó là một trọng sự, việc lựa chọn các nhân tố để cơ cấu vào Ban Chấp hành Đảng bộ các cấp được Ban Bí thư chỉ đạo sát sao, cụ thể, chặt chẽ và đầy tinh thần dân chủ.

Có thể hy vọng, Đảng đã mở rộng các cánh cửa để đón các nhân tố mới trong Đảng một cách đa dạng và dân chủ, sẽ lựa chọn và cấu tạo nên một Ban Chấp hành Đảng bộ thực sự xứng đáng với trọng trách và sự tin cậy mà đại hội các cấp giao cho họ.

Bên cạnh đó, tính kế thừa được bảo đảm một cách chủ động và liên tục, thể hiện ở 3 độ tuổi, đặc biệt coi trọng những nhân tố mới ở những lĩnh vực then chốt trong nền kinh tế xã hội; đặc biệt coi trọng cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ khoa học kỹ thuật… để thực sự vừa bảo đảm tính cơ cấu, vừa bảo đảm tính toàn diện, đặc biệt đảm bảo chất lượng của các cấp ủy.

Chúng ta phải chuẩn bị cho công tác cán bộ trước một thời gian dài như thế nhằm khắc phục tình trạng ở nhiều nhiệm kỳ nay, đó là tình trạng trước thềm đại hội “đốt đuốc” đi tìm cán bộ; để khắc chế tất cả những biểu hiện trong công tác cán bộ mà nhiều nhiệm kỳ phải giải quyết, đó là tệ nạn chạy chức chạy quyền, dễ người dễ ta, thậm chí buông trôi, phó mặc ở một số người giữ trọng trách… Nhưng điều đáng lưu ý nhất ở việc chuẩn bị cho đại hội các cấp lần này là, tình trạng nín thở qua đại hội, nhiều người không dám làm gì để thủ thế giữ mình, nhưng thực chất là né tránh, không va chạm, thậm chí cả thói cơ hội… Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nhắc nhở về tình trạng này và cách đây gần một tháng, tiếp tục cảnh báo tại Kỳ họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Theo tôi hiểu, Ban Bí thư ra kết luận cũng là nhằm khắc chế, đẩy lùi tình trạng đó.

Đặc biệt, tình trạng kéo bè kéo cánh, những cuộc bổ nhiệm thần tốc, những cuộc hoàng hôn nhiệm kỳ… cũng đã được tiên liệu và có kế sách ngăn chặn cụ thể.


Kỳ vọng rằng, từ những quyết sách chính trị về mặt đường lối của Đảng sẽ lựa chọn được đội ngũ tương dung với việc tổ chức thực hiện đường lối chính trị một cách xứng đáng. Có như vậy, sức mạnh lãnh đạo, uy tín lãnh đạo, đặc biệt hiệu quả lãnh đạo của tất cả các đảng bộ trong toàn Đảng, trực tiếp đứng đầu là Ban Chấp hành Trung ương, sẽ hoàn thành trọng trách của mình, như mong muốn.

PV: Sau hàng loạt vụ việc cán bộ trẻ thuộc diện “con ông cháu cha”, được kỳ vọng là những “hạt giống đỏ” của đất nước, bị xử lý kỷ luật, sự nghiệp “giữa đường đứt gánh”, vậy có nên tiếp tục kỳ vọng vào những “hạt giống” đó?

Nhà báo Nhị Lê: Vấn đề này trong lịch sử nước nhà không hiếm, tam đại đồng triều: ông, cha và con cùng làm quan trong triều, điều đó tôi cho là bình thường. Nhìn ra các nước cũng như vậy, Bush cha, Bush con đều làm Tổng thống nước Mỹ. Hiện tại, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh là con trai của Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch...

Nhìn trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp của Đảng hiện nay không thiếu. Điều đó cho thấy, vấn đề là cơ chế tuyển chọn, tất cả các đảng viên trong Đảng, tất cả các công dân Việt Nam dù xuất thân như thế nào đều phải được lựa chọn một cách dân chủ và bình đẳng. Nhưng rất tiếc, thời gian vừa qua, chúng ta ở nhiều nơi không làm được việc đó, thậm chí có nơi bị phá vỡ thế chiến lược bố trí cán bộ, vì những lối đi khuất tất, vì con ông cháu cha, cả họ làm quan, đang râm ran khắp từ Nam chí Bắc, dường như nằm ngoài vòng kiểm soát. Một dòng tộc mà có đến 40 người được người cùng họ đang giữ trọng trách về công tác cán bộ chọn vào bộ máy lãnh đạo của một tỉnh thì còn gì để nói về cơ hội và chỗ đứng cho những người tài giỏi khác, cho dù người ta có bào chữa điều đó với đủ thứ quy trình phong phú, chặt chẽ tới mấy! Lỗ hổng về cơ chế lựa chọn đang bị “phơi nhiễm” ở chính chỗ này!


Bốn phẩm chất cần có của người cán bộ

PV: Vậy theo ông, để lựa chọn được những cán bộ đáp ứng yêu cầu của Đảng, của nhân dân, đâu là yếu tố quyết định?

Nhà báo Nhị Lê: Thứ nhất, vấn đề quy trình lựa chọn cán bộ gồm 5 bước phải được thực thi một cách nghiêm túc để cho tất cả mọi người đều bình đẳng trước cơ hội, đóng góp cho Đảng, cho quốc gia dân tộc.

Thứ hai, những người lựa chọn, tức là những người làm công tác cán bộ, người được quyền chọn người của bộ máy, trực tiếp là người chịu trách nhiệm chọn người vào cấp ủy phải được lựa chọn một cách xứng đáng. Tôi đã nhiều lần nói, chỉ mong ở họ có 8 chữ: Trung thực, dũng cảm, trách nhiệm và trong sạch.

Nếu không trung thực thì sẽ chỉ chọn được những con người giả dối. Nếu không dũng cảm thì nguy cơ bỏ sót nhân tài nhìn tiểu tiết không thấy đại cục, đặc biệt không dám can gián những lệch lạc, thậm chí không khắc chế những sai lầm trong công tác cán bộ thì không thể nói đến chuyện kiến tạo một bộ máy tốt, trực tiếp lựa chọn được những người tốt để đáp ứng nhiệm vụ.

Người có quyền lựa chọn phải có trách nhiệm, bởi khi không rõ trọng trách thì kiểm soát thế nào. Cuối cùng là phải trong sạch, nếu để sa vào vòng “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ” tăm tối, thì chỉ chọn được những con người nhơ nhuốc mà thôi.

Thứ ba, hãy hỏi ý kiến nhân dân. Đốt đuốc đi tìm cán bộ, một đôi mắt không thể bằng một nghìn đôi mắt của nhân dân. Cán bộ là để phụng sự nhân dân, cho nên các cấp có thẩm quyền hãy dành sự ưu ái đặc biệt cho nhân dân.

Quan sát ở nhiều nơi có thể thấy cơ quan không biết gì hoặc biết rất chiếu lệ, giấy tờ hình thức về cán bộ của mình ở cơ sở, nơi cư trú. Thế cho nên mới có hiện tượng nhiều cán bộ vi phạm pháp luật bị bắt tại khu dân cư, nhân dân còn biết trước cả cơ quan quản lý cán bộ.

Cuối cùng phải lấy công việc để thử, bản lĩnh, trí tuệ, tầm nhìn, đức độ đều ở đó cả. Người ta có thể giấu mình được một thời chứ không thể giấu được muôn thời; có thể giấu được một người chứ không thể giấu được nhiều người, muôn người.


Khuyến khích cơ chế tiến cử, ứng cử

PV: Ông đã từng nhiều lần đề cập đến vấn đề tiến cử người tài cho đất nước?

Nhà báo Nhị Lê: Đúng, tôi cho đó là con đường rất tốt, cơ hội cho tất cả mọi người đóng góp sức mình vào công việc của đất nước. Đó cũng là cơ hội bình đẳng cho mọi đảng viên của Đảng tự nguyện ra đảm trách công việc của Đảng, mọi công dân tự giác ra gánh vác công việc của quốc gia. Và, trách nhiệm và liêm sỉ là ở chỗ này!

Tuy nhiên, cần ràng buộc trách nhiệm của cả người được tiến cử, người tiến cử và cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tiến cử. Nếu người tiến cử sai thì chịu hình thức kỷ luật, thậm chí trước pháp luật, phải nặng hơn người được tiến cử. Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tiến cử mà tiếp nhận sai thì nặng gấp 3 lần người tiến cử. Đây chính là ý tưởng mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng muốn đề cập tới, đó là nhốt quyền lực vào lồng cơ chế.

Nhưng, theo tôi, đây vẫn đang là một “khoảng trống” hiện nay. Ngày xưa, người tiến cử mang toàn bộ tính mạng, tài sản, vợ con, quan lộc để “đặt cược” cho việc giới thiệu một con người. Chính vì chúng ta chưa rõ ràng về trách nhiệm, tức là có thể nói, quyền lực chưa được kiểm soát, nên khi công việc đổ bể, cán bộ thất bại và thất bại trong công tác cán bộ thì không có ai chịu trách nhiệm, chỉ có Đảng chịu hậu họa, nhân dân gánh chịu thuế nộp.

Tiến cử cán bộ được làm tốt sẽ là một kênh rộng mở để từ đó, nhân tài ra ứng cử, thậm chí tự tiến cử mình, chứ không cần đến người tiến cử. Ba chính phủ đầu tiên do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, từ Chính phủ cách mạng lâm thời khi chúng ta vừa giành chính quyền vào năm 1945 đến Chính phủ liên hiệp, và sau đó là Chính phủ kháng chiến, các thành viên đều do tiến cử, cử chọn, ứng cử cả.

Cho nên dù người được tiến cử hay người tiến cử, tất cả đặt sinh mệnh của quốc gia lên làm đầu, đặt uy tín của Đảng lên tối thượng, nhất là đặt trên nền móng của trách nhiệm và của liêm sỉ cá nhân, chắc chắn sẽ vượt qua được tất cả các rào cản.

PV: Xin cảm ơn ông./.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất