Loạt bài 3 kỳ Kiểm soát việc thực thi quyền lực để ngăn ngừa suy thoái của tác giả Hà Hồng Hà Báo Nhân Dân đoạt giải Khuyến khích - Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ IV - năm 2019.
Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Kiểm soát việc thực thi quyền lực để ngăn ngừa suy thoái
Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là vấn đề nhức nhối, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả điều hành của Nhà nước. Chính vì vậy, Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đặt ra nhiệm vụ rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền.
Bài 1: Những bài học đắt giá
Việc nhận diện đối tượng suy thoái cũng như xác định động cơ và nguyên nhân dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là hết sức cần thiết, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp nhằm kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực, ngăn chặn việc sử dụng quyền lực không đúng mục đích.
Nhận diện đối tượng suy thoái
Tình trạng suy thoái ở cán bộ, đảng viên chính là quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống theo chiều hướng mất dần đi cái tốt, tăng dần cái xấu, giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng cách mạng, xuống cấp về đạo đức, lối sống. Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII của Đảng nhận định: Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Một cán bộ tốt có thể trở thành một cán bộ hư hỏng, biến chất nếu không được quản lý, kiểm tra, phê bình, nhắc nhở, ngăn chặn kịp thời. Theo nhận định tại các kỳ đại hội Đảng gần đây, số đảng viên mất tư cách hoặc yếu kém về tư cách có xu hướng tăng, từ “một bộ phận” trở thành “một bộ phận không nhỏ”, diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo điều này: “Nhiều năm qua, những hiện tượng cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất, thoái hóa có chiều hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng... Đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng chân chính hết sức bất bình trước những hiện tượng đó và lo ngại về sự xói mòn bản chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp của Đảng”. Sự lo lắng của người lãnh đạo cao nhất của Đảng cũng là mối quan tâm chung của hàng triệu đảng viên, quần chúng nhân dân và những người quan tâm đến vận mệnh dân tộc.
Các biểu hiện suy thoái liên quan đến thực thi quyền lực nêu trong Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII rất đa dạng, như nói không đi đôi với làm; nói một đằng, làm một nẻo; tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi; lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực; thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy tội; sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi... Có những cán bộ lãnh đạo bị các doanh nghiệp, “đại gia”, “xã hội đen” thao túng, chi phối, khống chế làm méo mó việc thực thi quyền lực. Vụ án Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) cùng đồng phạm là minh chứng về việc cán bộ bị thao túng khi thực thi quyền lực xảy ra tại TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng. Tình trạng suy thoái lây lan từ công tác cán bộ, quản lý tài sản, tiền bạc, đất đai, quản lý dự án, hải quan, cảnh sát giao thông, thanh tra thuế cho đến các cơ quan bảo vệ pháp luật, thanh tra, kiểm tra, điều tra. Chức vụ càng cao, quyền lực càng lớn thì sự suy thoái gây ra hậu quả càng nặng nề, tạo cơ hội cho tham nhũng, hối lộ, lãng phí, tiêu cực phát triển.
Thực tế cho thấy, có những cán bộ giữ chức vụ cao, thường yêu cầu cấp dưới và quần chúng phải giữ gìn đạo đức, lối sống, nhưng bản thân và người nhà không chấp hành các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chỉ đến khi hành vi của những cán bộ này bị phơi bày, công chúng mới biết họ đã bị suy thoái, tha hóa, biến chất. Đó là những chính trị gia một thời được coi là năng nổ, nhiệt huyết như Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Tất Thành Cang... Đó là những doanh nhân điều hành những tập đoàn, tổng công ty nhà nước như Trịnh Xuân Thanh (PVC), Dương Chí Dũng, Mai Xuân Phúc (Vinalines), Nguyễn Ngọc Sự (Vinashin)... Nhiều tướng lĩnh cấp cao trong lực lượng vũ trang bị kỷ luật, như hai nguyên Thứ trưởng Bộ Công an là Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành; nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Phương Minh Hòa và nhiều tướng lĩnh khác. Nhiều lãnh đạo ngân hàng bị truy tố như Đỗ Tất Ngọc (Agribank), Trần Phương Bình (DAB), Trần Bắc Hà (BIDV).
Rất nhiều lãnh đạo địa phương vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí đã bị kỷ luật, truy tố như Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến (nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng), Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh) và nhiều cán bộ khác ở các cấp tỉnh, huyện, xã. Đó là những công chức địa chính, tài chính, cán bộ thanh tra, kiểm toán, thậm chí là những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, xóm. Bất cứ ở đâu, khi việc thực thi quyền lực không được kiểm soát đúng đắn, tất yếu dẫn tới sự tha hóa và lạm quyền.
Ông cha ta đã tổng kết “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Những cán bộ suy thoái, tha hóa tác động mạnh đến suy nghĩ, tư tưởng, tình cảm và hành động của quần chúng. Trải qua thời gian, sự suy thoái tạo thành những thói quen, nếp nghĩ, lối sống: “Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng nhiều tiền”, “có quyền là có tất cả”. Xã hội xuất hiện những cuộc đua “chạy điểm”, “chạy biên chế”, “chạy ghế”, những trào lưu sống vị kỷ, những con người sẵn sàng chà đạp lên cái thiện, cái đúng, cái cao thượng, cái thiêng liêng, lòng tự ái, tự tôn dân tộc. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức khi đã sa ngã, suy thoái thì khó có thể thực thi quyền lực một cách đúng đắn.
Những khoảng trống, kẽ hở
Trong quá trình vận hành của hệ thống chính trị, có những lúc cơ chế kiểm soát quyền lực không hoạt động tốt, để lộ nhiều kẽ hở, khoảng trống, tạo môi trường thuận lợi cho sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII chỉ rõ nguyên nhân: Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Cơ chế kiểm soát quyền lực chậm được hoàn thiện, còn nhiều sơ hở.
Trong Đảng, công tác lựa chọn, quản lý, đề bạt cán bộ chưa chặt chẽ. Mặc dù có hệ thống kiểm tra, giám sát từ ban chấp hành, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra nhiều cấp nhưng ở nhiều nơi không phát hiện, ngăn ngừa được vi phạm. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái. Công tác giám sát, phản biện của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên có hiệu quả thấp, thiếu cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ một cách đầy đủ. Việc thanh lọc đảng viên, thay thế cán bộ tha hóa, yếu kém, uy tín thấp, năng lực kém chưa được thực hiện quyết liệt.
Qua những vụ việc, vụ án được xử lý từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, có thể nhận thấy, hầu hết các sai phạm diễn ra từ nhiều năm trước, nhiệm kỳ trước do cấp ủy, tổ chức đảng chưa làm hết trách nhiệm, có nơi buông lỏng kiểm tra, giám sát; thiếu động cơ, mục đích trong sáng khi thực thi nhiệm vụ. Như tại tỉnh Đác Nông, một địa phương với hơn 630 nghìn dân, nhưng có hơn 200 cán bộ, đảng viên có chức vụ bị xử lý kỷ luật trong giai đoạn 2017 - 2019. Có những huyện, hầu hết cán bộ chủ chốt bị kỷ luật như Đác Glong, Tuy Đức. Ông Trần Đình Mạnh, nguyên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng ba nhiệm kỳ (2008 - 2013, 2013 - 2015, 2015 - 2020). Ông Nguyễn Hữu Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, cũng bị cách chức huyện ủy viên ba nhiệm kỳ nêu trên, đồng thời bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Suốt một thời gian dài, tư tưởng “sai phạm là chuyện thường” trở thành nếp nghĩ của một bộ phận cán bộ, công chức tỉnh Đác Nông. Cán bộ sai phạm thậm chí bất chấp dư luận, coi thường thông tin trên báo chí, ngang nhiên cấu kết làm sai.
Hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội chưa tương xứng với vị thế, vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Nhiều cuộc giám sát của Quốc hội, HĐND có hiệu quả không cao, chưa đáp ứng mong đợi của cử tri. Hiệu quả hoạt động của các cá nhân đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND chưa được kiểm chứng, đánh giá; cơ chế thay thế, miễn nhiệm đại biểu dân cử khó thực hiện. Cung cách giám sát “hỏi để biết”, “giám nhưng không sát” qua nhiều năm chưa có chuyển biến rõ. Công tác giám sát, phản biện của MTTQ và các đoàn thể nhân dân hạn chế cả về năng lực giám sát, cơ chế giám sát, thiếu thông tin để giám sát.
Hoạt động điều hành của Chính phủ còn tình trạng “trên bảo dưới không nghe”. Kỷ luật hành chính của các cấp chính quyền còn yếu, không đủ răn đe cấp dưới. Hoạt động thanh tra, kiểm tra của hệ thống hành pháp chưa được người dân tin tưởng. Việc ban hành kết quả thanh tra, xử lý sai phạm ở nhiều nơi còn mập mờ, kết luận thanh tra chậm được công bố. Đây là một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo lớn, khiếu kiện đông người tăng. Hoạt động kiểm toán hạn chế về năng lực chuyên môn. Một bộ phận cán bộ làm công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng chức vụ, quyền hạn thu lợi bất chính. Tháng 4-2019, năm cán bộ của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa bị bắt về tội nhận hối lộ. Năm bị can đều là những cán bộ, đảng viên có nhiều năm công tác, người ít tuổi nhất đã 43 tuổi, có người chuẩn bị về hưu, nhưng cũng không giữ được liêm chính.
Cơ chế kiểm soát quyền lực của hệ thống tư pháp còn yếu, dẫn đến nhiều sai phạm của cơ quan hành pháp không được xử lý đầy đủ, nghiêm minh. Việc “chạy án” còn xảy ra ở tất cả các khâu tố tụng. Dư luận đặt câu hỏi về những trường hợp xử lý không nghiêm, không tương xứng với tính chất và mức độ vi phạm. Trong vụ án đánh bạc trên mạng năm 2018, nhiều cán bộ giữ cương vị cao trong cơ quan bảo vệ pháp luật như hai tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa đã đồng lõa, tiếp tay cho tội phạm. Trong khi đó, nhiều giải pháp phòng, chống tham nhũng chưa đem lại hiệu quả cao, thiếu tính khả thi, như việc công khai, minh bạch thông tin; minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Phát hiện tham nhũng còn yếu, xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng gặp nhiều vướng mắc...
Nhận thức sâu sắc về động cơ, nguyên nhân, hậu quả của tình trạng suy thoái trong cán bộ, đảng viên, ba năm qua, Trung ương và các cấp ủy đảng tập trung cao độ cho công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực, tăng cường quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên.
Giai đoạn 2016 - 2018, các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 319 nghìn tỷ đồng và hơn 7.200 ha đất liên quan đến những cán bộ suy thoái, tham nhũng.
Bài 2: Đột phá trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ
Trong những năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, nhiều giải pháp đột phá được thực hiện nhằm ngăn chặn tình trạng suy thoái của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước được siết chặt, tạo chuyển biến thực chất trong hoạt động thực thi quyền lực.
Kiểm soát bằng cơ chế, luật pháp
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có lần nêu rõ, phải có cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, quyền lực trong Đảng, phải “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp”; thực hiện kiểm tra, kiểm tra ngang, kiểm tra dọc, kiểm tra trên xuống, kiểm tra dưới lên; nhân dân giám sát bằng nhiều kênh để chống lạm quyền. Những năm gần đây, nhận thức của Đảng về kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền ngày càng đầy đủ, sâu sắc, thể hiện trong các văn kiện của Đảng, Hiến pháp và các văn bản pháp luật.
Nhiệm kỳ này, Trung ương đã ban hành 15 quy định, bao trùm nhiều lĩnh vực như trách nhiệm nêu gương; trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; luân chuyển cán bộ; chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng...
Riêng về yêu cầu nêu gương, từ năm 2012 đến nay Trung ương ban hành ba quy định: Quy định 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư, Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị và gần đây là Quy định 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành T.Ư, điều đó cho thấy tầm quan trọng của phương pháp lãnh đạo bằng nêu gương. Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, củng cố hành lang pháp lý cho việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức, ngăn chặn tình trạng sử dụng quyền lực không đúng phạm vi, trách nhiệm.
Việc thành lập các ban chỉ đạo của T.Ư Đảng, cùng với việc tái lập Ban Nội chính T.Ư đã góp phần tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong hoạt động phối hợp, kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước. Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng với cơ cấu gồm các đồng chí lãnh đạo Đảng, lãnh đạo các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và MTTQ Việt Nam, tạo nên sự thống nhất cao trong lãnh đạo, điều hành. Thông qua hoạt động của Ban Chỉ đạo, tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng được đẩy nhanh, nhiều vụ án lớn được xét xử nghiêm minh. Trong nhiệm kỳ này, cơ cấu lãnh đạo của Quân ủy T.Ư, Đảng ủy Công an T.Ư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư và cơ cấu lãnh đạo của một số ban Đảng T.Ư được mở rộng, giúp Đảng kiểm soát tốt hơn cán bộ trong các cơ quan nhà nước.
Trung ương tổ chức nhiều đoàn kiểm tra chuyên đề, trong đó có những nội dung mới, khó như công tác tổ chức cán bộ, việc xét xử các vụ án, vụ việc, thu hồi tài sản do tham nhũng. Toàn quốc đang tích cực triển khai các nội dung của Nghị quyết T.Ư 6, khóa XII với cách làm đa dạng. Hệ thống chính trị được tinh gọn một bước, chú trọng hiệu lực, hiệu quả. Việc chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, thu gọn đầu mối được thực hiện kiên quyết, gắn với tinh giản biên chế và công tác tổ chức, sắp xếp lại cán bộ. Chính phủ thành lập Tổ công tác của Thủ tướng, tiến hành rà soát hơn 18.400 nhiệm vụ của các bộ, cơ quan, địa phương, đốc thúc cải cách hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Với phong cách làm việc quyết liệt, Tổ công tác tạo sức ép cần thiết lên các bộ, ngành, cơ quan. Các địa phương đã tăng cường thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước, qua đó chấn chỉnh lề lối, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, tạo ra chuyển động tích cực.
Việc bố trí người đứng đầu, cán bộ chủ chốt không là người địa phương trong những năm gần đây góp phần hạn chế tư tưởng cục bộ, bè phái, khép kín trong công tác cán bộ. Nhiều tỉnh như Thanh Hóa, Quảng Ninh, Bắc Cạn, Nghệ An, Phú Thọ đã thực hiện đến cấp huyện chủ trương này. Một số ngành chủ động bố trí người đứng đầu không là người địa phương, tạo nên sự khác biệt trong lãnh đạo, điều hành. Một số giám đốc công an tỉnh được luân chuyển sang địa phương khác đã quyết tâm chỉnh đốn lực lượng, chống tiêu cực và tội phạm. Ở các tỉnh Phú Thọ và Ninh Bình, nhiều cán bộ, chiến sĩ có ý thức tổ chức kỷ luật kém đã phải làm đơn xin ra khỏi ngành sau khi lãnh đạo đơn vị siết chặt kỷ luật, tăng cường giáo dục, kiểm tra, đôn đốc công việc…
Hoạt động của các cấp ủy đảng có nhiều thay đổi theo hướng phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của người đứng đầu với tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Công tác giáo dục cán bộ, đảng viên được coi trọng, nhất là thông qua tự phê bình và phê bình. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng. Một số địa phương mạnh dạn miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ kém phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Quy chế làm việc của các cấp ủy được rà soát, bổ sung thường xuyên. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh ủy, thành ủy xây dựng, rà soát các quy định về phân cấp quản lý cán bộ; về tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy. Công tác đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm gắn kết chặt chẽ với quy hoạch cán bộ. Một số địa phương tăng cường luân chuyển cán bộ; đổi mới cách đánh giá cán bộ, tổ chức đảng và đảng viên. Có nơi như tỉnh Hà Tĩnh đã lấy ý kiến đánh giá của nhân dân tại khu dân cư đối với những cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Việc lấy ý kiến đánh giá của nhân dân đối với công tác giải quyết thủ tục hành chính được nhiều địa phương triển khai. Hai năm qua, nhiều đơn vị và cán bộ chủ chốt của các địa phương: Hải Phòng, Hà Tĩnh, Bắc Cạn, Quảng Trị, Đồng Tháp được gợi ý kiểm điểm đối với những khuyết điểm, hạn chế. Nhiều cán bộ phải kiểm điểm lại, qua đó tăng mức độ trung thực trong tự phê bình và phê bình.
Đối thoại trực tiếp giữa bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND các cấp với nhân dân trở thành cách làm phổ biến, đem lại hiệu quả cao. Nhiều tỉnh ủy, thành ủy cụ thể hóa chủ trương này thành quy định bắt buộc đối với cấp ủy viên. Đồng chí Trần Nhật Tân, Bí thư Huyện ủy Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết, hơn hai năm qua, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện tham dự hơn 40 cuộc đối thoại với nhân dân ở tất cả các xã, thị trấn và đại diện các đoàn thể, hiệp hội. Tương tự, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở các xã, thị trấn đối thoại với nhân dân tại các thôn, tổ dân phố. Qua đối thoại, Ban Thường vụ Huyện ủy đã kiểm điểm, xử lý kỷ luật một số tập thể, cá nhân có biểu hiện sai trái về ý thức, thái độ, trách nhiệm thực thi công vụ.
Những biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát hoạt động của các tổ chức, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu đã đem lại kết quả tích cực. Thái độ, phong cách và trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thay đổi cả về mặt nhận thức cũng như hành động. Ý thức xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của cán bộ, đảng viên được nâng cao.
Siết chặt kỷ luật Đảng
Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ này là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Ủy ban Kiểm tra T.Ư ban hành 20 quy định, hướng dẫn, lựa chọn những vụ việc bức xúc, nổi cộm để kiểm tra, làm rõ, kết luận nhiều vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật nghiêm minh nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.
Ba năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 788 tổ chức đảng và 53.217 đảng viên vi phạm. Trong số đó có nhiều cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư, bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy, thành ủy, sĩ quan cấp tướng trong quân đội và công an, một số người bị truy tố. Hàng loạt đại án được đưa ra xét xử, như các vụ việc ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông… Việc thi hành kỷ luật Đảng bảo đảm nghiêm minh, công tâm, khách quan, chính xác và nhân văn, thật sự cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân, báo chí và công luận.
Trong nhiệm kỳ này, nhận thức của nhiều cấp ủy đảng về vai trò, vị trí của công tác kiểm tra được nâng lên. Có những đơn vị tự kiểm tra, phát hiện sai phạm và chủ động xử lý sai phạm, như Ban Thường vụ Huyện ủy An Lão (Hải Phòng) kiên trì đấu tranh làm rõ sai phạm của ông Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện trong lĩnh vực quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý tài nguyên và tổ chức thi tuyển viên chức. Có những trường hợp ủy ban kiểm tra chủ động đi trước, mở đường, như Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với bốn tổ chức đảng và tám đảng viên khi nắm bắt thông tin về việc khai thác trái phép gỗ pơ-mu tại khu vực cửa khẩu Nam Giang. Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, hơn 1.000 phách gỗ quý được thu hồi và một số cán bộ biên phòng, hải quan đồng lõa với tội phạm bị xử lý hình sự.
Các cơ quan tham mưu của cấp ủy đều tăng cường kiểm tra, giám sát lĩnh vực được phân công phụ trách, tạo sự đồng bộ, quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Ban Tuyên giáo các cấp kiểm tra việc học tập, tuyên truyền, thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ban Tổ chức các cấp kiểm tra, giám sát việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác cán bộ, nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng. Ban Nội chính các cấp tập trung kiểm tra lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ban Dân vận các cấp kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở…
Các cấp ủy, tổ chức đảng đã chỉ đạo rà soát, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng vấn đề, vụ việc. Sự kiên định, ý chí sắt đá của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sức nóng từ “lò đốt tham nhũng” ở Trung ương đã lan tỏa đến các địa phương, nâng cao tính chiến đấu trong Đảng. Tiếng nói ủng hộ Đảng, ủng hộ đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước của các tầng lớp nhân dân, của báo chí, truyền thông đối với công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng cao.
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng đã góp phần khắc phục kịp thời những hạn chế, yếu kém của nhiệm kỳ trước, từng bước kiềm chế, ngăn chặn tình trạng suy thoái trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nâng cao sức chiến đấu của Đảng. Trên cơ sở đó củng cố, duy trì sự ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trong ba năm (2016, 2017 và 2018), Bộ Chính trị, Ban Bí thư thành lập 26 đoàn kiểm tra 80 tổ chức đảng. Cấp ủy và các tổ chức đảng kiểm tra 167.792 tổ chức đảng, 777.078 đảng viên. Ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 10.255 tổ chức đảng và 30.709 đảng viên.
Bài 3: Tập trung kiểm tra, giám sát người có chức, có quyền
Để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, Nhà nước liêm chính, trong nhiệm kỳ này và nhiệm kỳ 2020-2025, cần có những giải pháp mạnh mẽ để tăng cường các định chế kiểm soát lẫn nhau giữa các bộ phận trong hệ thống chính trị; thực hiện tốt xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với phòng, chống tham nhũng, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Ở đâu có quyền lực, ở đó phải có sự giám sát
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, song sai phạm trong thực thi quyền lực vẫn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, tinh vi, phức tạp hơn. Còn nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức dường như không sợ pháp luật, không chấp hành các quy định của Đảng. Vụ sửa điểm thi tốt nghiệp THPT ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình năm 2018; vụ Đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng công khai vòi tiền “bôi trơn” tại huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) tháng 6-2019 là minh chứng về sự coi thường kỷ cương, phép nước. Tham nhũng, tiêu cực như những đốm lửa âm ỉ, chỉ chờ thời cơ sẽ bùng phát thành đám cháy lớn. Bên cạnh đó, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của nhiều tổ chức đảng còn thấp. Lòng dân chưa yên, đảng viên chưa phục khi còn nhiều lãnh đạo chưa tiêu biểu, gương mẫu trong công việc, đạo đức, lối sống. Những hạn chế, yếu kém đó đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các bộ phận của hệ thống chính trị và cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền.
Trước hết, đối với cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các bộ phận của hệ thống chính trị, cần được xây dựng với phương châm “ở đâu có quyền lực, ở đó phải có sự giám sát”. Để cán bộ, đảng viên giữ được liêm chính, nhất thiết phải có những khuôn khổ pháp luật bảo đảm kiểm soát lẫn nhau giữa các tổ chức, cơ quan, bộ, ngành, kiểm soát giữa trong và ngoài, giữa trên và dưới một cách chặt chẽ, hiệu quả. Trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền ở nước ta, việc kiểm soát quyền lực phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
Đã có không ít bài học xương máu do Đảng buông lỏng lãnh đạo đối với Nhà nước, hoặc do Đảng bao biện, làm thay Nhà nước ở những nhiệm kỳ trước. Nhiều “điểm nóng” xảy ra do cán bộ lãnh đạo không phát huy dân chủ, do thiếu sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Đảng và Nhà nước. Do đó, một mặt phải củng cố sự cân bằng quyền lực giữa các chủ thể: giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; giữa hành pháp, tư pháp với lập pháp; giữa các cơ quan trong hệ thống tư pháp với nhau; giữa các cơ quan trong hệ thống hành pháp với nhau, để không có bộ phận, cơ quan nào tự ý hành động mà không bị kiểm soát. Mặt khác, cần khắc phục những khâu yếu, khoảng trống trong cơ chế kiểm soát quyền lực.
Công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền muốn đạt kết quả tốt phải dựa trên tư tưởng chủ đạo “lấy dân làm gốc”, thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”. Để buộc cán bộ phải giữ liêm chính, cần ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý để nhân dân kiểm tra, giám sát cán bộ của Đảng và hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Đảng lãnh đạo toàn diện nhưng cần bảo đảm sự độc lập của tư pháp, nhất là độc lập của thẩm phán trong hoạt động xét xử, không để pháp luật bị bóp méo theo ý đồ của những người có chức, có quyền, có tiền. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để thể chế hóa sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp. Cần có sự lãnh đạo sâu sát của Đảng, sự giám sát của nhân dân đối với Nhà nước, ba nhánh quyền lực (lập pháp, hành pháp, tư pháp) phải giám sát lẫn nhau một cách chặt chẽ. Gần đây, hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đối với cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp có chuyển biến. Nhưng còn thiếu những định chế để cơ quan hành pháp và tư pháp giám sát cơ quan lập pháp; cơ quan hành pháp giám sát cơ quan tư pháp một cách hiệu quả.
Trong thực tế, Luật Tổ chức chính quyền địa phương còn nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Việc giám sát lẫn nhau giữa các tổ chức, cơ quan ở địa phương gặp không ít khó khăn do các mối quan hệ xã hội phức tạp. Xuất hiện tình trạng phổ biến là cán bộ cùng trong cấp ủy nể nang, xuê xoa cho nhau. Chưa tạo ra thế cân bằng giữa các nhánh quyền lực tại địa phương. Đã đến lúc cần cơ cấu lại các định chế kiểm soát quyền lực ở ba cấp tỉnh, huyện, xã, nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm soát lẫn nhau giữa các chủ thể.
Nhiều đại biểu dân cử và cử tri kiến nghị phải nâng cao hiệu lực giám sát của Quốc hội, HĐND. Theo Tiến sĩ Ðinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu lập pháp, nếu như Quốc hội và HĐND thực hiện đầy đủ bảy hình thức giám sát theo luật định, đồng thời có chế tài về trách nhiệm pháp lý, thực hiện kết luận giám sát của đối tượng được giám sát, thì chất lượng giám sát sẽ nâng lên. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các quy định về việc nhân dân tham gia vào quá trình quản lý xã hội ở các cấp độ khác nhau, bảo đảm điều kiện để hoạt động giám sát của MTTQ và các đoàn thể thực chất hơn và có hiệu lực cao hơn. Hoạt động lập pháp cần chú trọng xây dựng hành lang pháp lý để nhân dân, báo chí có thể theo dõi, giám sát, phản biện, đấu tranh với các hành vi sai trái.
Về mặt lý luận cũng như trong thực tiễn, cần làm rõ những vấn đề về kiểm tra, giám sát quyền lực để xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, tuân thủ pháp luật. Mục đích của kiểm soát việc thực thi quyền lực không gì khác là bảo đảm những người có chức, có quyền tuân thủ pháp luật, Cương lĩnh, Điều lệ Đảng. Cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo, quản lý phải được trao quyền một cách rõ ràng, đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người đứng đầu điều hành, quản lý. Công tác kiểm soát hay quản lý cán bộ đều phục vụ mục tiêu giải phóng sức sáng tạo, cổ vũ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng
Trong ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, nhiều tổ chức đảng và đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Một số cán bộ, công chức bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, còn nhiều lỗ hổng trong kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền. Một số vụ việc nghiêm trọng xảy ra chậm được phát hiện, xử lý, gây thiệt hại lớn. Do đó, vấn đề đặt ra trong thời gian tới là phải tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với hoạt động của cơ quan nhà nước. Các cấp ủy đảng cần thường xuyên rà soát, kiểm tra lại các quy trình quy hoạch, bầu cử, đề bạt cán bộ; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; xử lý nghiêm người đứng đầu thiếu bản lĩnh, dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh, thậm chí bao che cho cán bộ, đảng viên vi phạm. Cần hoàn thiện hệ thống các quy định về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, bảo đảm đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Trong giai đoạn hiện nay, việc hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực không thể tách rời công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng (PCTN) theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN tháng 1-2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, phấn đấu đến hết nhiệm kỳ cơ bản hoàn thành một bước về xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”.
Cần tuyên truyền, giáo dục để toàn Đảng, toàn dân thống nhất nhận thức về ý nghĩa của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay, coi công tác xây dựng Đảng là vấn đề cốt lõi, là nền tảng để đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, tạo môi trường chính trị ổn định cho phát triển nhanh và bền vững. Mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng cần thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hiểu và thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Công tác đấu tranh với tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cần quyết tâm chính trị cao, sự kiên quyết, kiên trì, bền bỉ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Trung ương đã ban hành 45 văn bản liên quan đến PCTN. Quốc hội đã thông qua 45 luật, pháp lệnh, 46 nghị quyết, Chính phủ ban hành 511 nghị định, 413 nghị quyết, 160 quyết định liên quan đến PCTN, lãng phí. Hệ thống quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước cơ bản đầy đủ, xác định rõ hơn chủ thể, đối tượng, nội dung, thẩm quyền của từng tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh việc tăng cường rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các cơ chế, chính sách về kinh tế - xã hội và PCTN, lãng phí, cần xây dựng mô hình tổ chức, cơ quan, đơn vị chuyên trách PCTN bảo đảm sự ổn định, có quyền hạn, trách nhiệm tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao. Bảo đảm tốt hơn phương tiện, điều kiện làm việc, chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức. Cần chú trọng PCTN trong các cơ quan chống tham nhũng. Vừa qua, Luật PCTN (năm 2018) bổ sung quy định về xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Điều 64 của Luật quy định, nếu một đoàn thanh tra, kiểm toán không phát hiện được vụ việc tham nhũng trong khi đoàn thanh tra, kiểm toán sau đó phát hiện ra tham nhũng thì cán bộ thanh tra, kiểm toán sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Để nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng, cần xây dựng Đảng trí tuệ, đạo đức, văn minh. Kết hợp chặt chẽ giữa kỷ luật với giáo dục cán bộ, đảng viên, thực hiện nghiêm quy chế nêu gương của người đứng đầu. Xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật; đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự, không để xử lý nội bộ. Đảng viên ở bất cứ cương vị công tác nào, nếu vi phạm đều phải xử lý nghiêm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Nơi nào tự kiểm tra không phát hiện, hoặc phát hiện nhưng xử lý vi phạm nương nhẹ thì cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý đúng mức, không “rút kinh nghiệm” chung chung. Việc áp dụng các hình thức kỷ luật, xóa tư cách đối với cán bộ đã nghỉ việc, nghỉ hưu chưa đủ tính răn đe. Do đó, cần nghiên cứu bổ sung những hình phạt khác như tước bỏ, thu hồi các quyền lợi về vật chất, chế độ hưu trí và các lợi ích khác tùy theo mức độ sai phạm. Thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý để cán bộ “không dám tham nhũng”.
Đấu tranh với tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là nhiệm vụ gian khổ, lâu dài, cần sự tham gia có trách nhiệm của mỗi đảng viên, tổ chức đảng và sự hưởng ứng của nhân dân. Trong thời gian chuẩn bị các điều kiện cho đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, vấn đề hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực cần được bàn thảo rộng rãi, dân chủ ở các cấp ủy, tổ chức đảng. Khi quyền lực được thực thi đúng đắn vì lợi ích của dân tộc, của đất nước, các nguy cơ suy thoái sẽ bị đẩy lùi, sức mạnh và uy tín của Đảng sẽ được củng cố vững chắc hơn.
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 23-7-2019.
Trong ba năm từ 2016 đến 2018, có 1.953 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Thanh tra, kiểm toán đã chuyển 311 vụ, 481 đối tượng sang cơ quan có thẩm quyền điều tra làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật. |
Hà Hồng Hà
Báo Nhân Dân