Một đảng, tại sao không?



Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả  đoạt giải B.

Thăng trầm của một kiếp người có thể chỉ vẻn vẹn trong một quốc gia, một làng quê nào đó trên dải đất hình chữ S, cũng có thể người đó bươn trải qua khắp vùng miền, xuôi ngược Bắc - Trung - Nam để mưu sinh. Và cũng có người vượt ra khỏi một quốc gia hay một vùng lãnh thổ mà họ đã trải nghiệm cuộc sống của mình qua rất nhiều quốc gia khác nhau, họ được chứng kiến nhiều thể chế chính trị khác nhau. Họ nhận biết mỗi đất nước, mỗi dân tộc, mỗi thể chế đều có cái chung và cái riêng.

Qua 2/3 cuộc đời sương gió, nếm trải đủ điều mặn đắng cuộc đời và lao mình vào thương trường để mưu sinh ở nhiều quốc gia khác nhau, thể chế chính trị khác nhau nên bản thân tôi đã nhìn thấy, tìm hiểu và thấu hiểu một phần của luật pháp đất nước đó, một phần của thể chế chính trị mà các nhà lãnh đạo quốc gia ấy đang điều hành đất nước.

Bản thân tôi không tham gia vào các đảng phái chính trị, các hội đoàn có liên quan tới chính trị. Nhưng vì làm ăn, vì đầu tư buôn bán nên muốn để sinh tồn và phát triển buộc tôi phải tìm hiểu về thể chế chính trị của nước sở tại, để nhận diện và hội nhập vào dòng chảy của đất nước ấy, làm theo luật pháp của quốc gia đó.

Một góc nhìn của nhà kinh doanh, của người đã và đang đầu tư vào Việt Nam hơn 20 năm qua. Đặc biệt, quan trọng hơn là tôi đã sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này, đất nước Việt Nam mà trong tim tôi gọi là cố hương bởi tôi là người Việt Nam mang quốc tịch Ca-na-đa. Tôi đã đầu tư tại Ca-na-đa, Hoa Kỳ, Xin-ga-po và Hàn Quốc nên dù ít hay nhiều tôi cũng đã nhận diện được một phần không nhỏ của thể chế chính trị mà các quốc gia tôi đã đầu tư.

Nói về Việt Nam, đất nước đã gắn bó với tôi từ thủa còn thiếu thời, thủa hàn vi, cũng là nơi tôi lớn lên, ăn học đến tuổi trưởng thành. Cũng là một đất nước duy nhất chỉ có một đảng cầm quyền đó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam đã tồn tại và phát triển cho đến nay gần một thế kỷ (1930-2021). Công bằng mà nói trên thế giới không nhiều quốc gia có đảng cộng sản, nhưng có giai đoạn lịch sử đảng cộng sản lãnh đạo đường lối theo định hướng XHCN lớn mạnh đã trở thành đối trọng của TBCN. Nhưng cuối cùng đường lối XHCN bị mai một, số quốc gia có đảng cộng sản cầm quyền đến bây giờ chỉ còn lại con số khiêm tốn không quá 5 nước, trong đó có Việt Nam. Nhưng đâu đó vẫn còn rất nhiều quốc gia tồn tại đảng cộng sản và đảng này cũng như hàng chục đảng khác có mặt trong quốc gia đó.

Nói về Đảng Cộng sản Việt Nam đi theo đường lối của Chủ nghĩa Mác - Lênin, định hướng XHCN, cái được và cái chưa được thì nhiều vô kể, bởi rất nhiều mâu thuẫn chủ quan và khách quan dẫn đến CNXH ở Đông Âu, Liên Xô sụp đổ. Tôi không bàn đến bởi tôi hiểu không sâu về lĩnh vực này. Điều tôi muốn nói tới là Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang tồn tại với thời gian không ngắn, có thể coi là rất dài.

Không ai dám phủ nhận công sức và đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam tạm tính từ năm 1945 trở lại đây. Với những thành tích nổi trội và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc qua các thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi sơ khai đến khi làm chủ vận mệnh của đất nước trở thành quốc gia độc lập, tự do, hạnh phúc, họ đã lấy được niềm tin yêu của đa phần người dân trong cả nước, họ đã làm được những điều kỳ diệu mà không nhiều quốc gia trên thế giới làm được.

Không ai dám phủ nhận các cương lĩnh, văn kiện, các nghị quyết, đường lối của Đảng Cộng sản vạch ra là không trúng và không chuẩn. Có thể nói là rất hay, rất tốt, hợp lòng dân. Nhưng tại sao khi triển khai thực hiện ngày càng mất niềm tin của người dân. Mặc nhiên là người thực hiện, triển khai đã từng bước làm sai lệch các nội dung đã được ban hành, vô hiệu hoá nhiều điều quan trọng trong nghị quyết đã nêu.

Khi xây dựng chính sách, pháp luật, những người ngồi trong phòng họp tham gia và những người có quyền quyết định ký, ban hành. Trong lúc đó họ làm việc, suy nghĩ với tinh thần quân pháp bất vị thân, với tinh thần lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân là trên hết cho nên chính sách luôn đúng và chuẩn, hợp lòng dân.

Khi triển khai thực hiện thì các cấp từ cơ sở làng, xã, huyện, tỉnh tới Trung ương là do con người ở từng nơi, từng địa phương thực hiện. Trình độ hiểu biết, trình độ tương tác và tấm lòng son vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia sẽ được định hình theo mức độ của người thực thi. Khi nội tâm của những người đảng viên bị chi phối bởi hoàn cảnh xung quanh, bị chi phối bởi dục vọng bất chính dẫn đến chính sách bị méo mó, luật pháp bị coi thường và bệnh tự kiêu, tự mãn luôn nẩy sinh, luôn cho mình là nhất. Đơn cử, khi cấp cơ sở càng nhiều cá nhân, tổ chức ăn lương Nhà nước, có thể đồng lương rất ít, không đủ sống nhưng tiêu cực sẽ đến bởi họ được mặc định, mặc danh là người đại diện công quyền, cái quyền lợi khác sẽ đến cho dù là bất chính.

Khi các bộ, ban, ngành và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, là những cơ quan đầu não giúp việc cho Đảng, cho Chính phủ và Quốc hội trở thành phân chia quyền lực, trở thành tư duy" quyền anh, quyền tôi". Họ sẽ xây dựng chính sách, thông tư hướng dẫn có lợi cho đơn vị mình quản lý, đẩy cái khó cho dân, cho doanh nghiệp và cho Chính phủ. Họ sẵn sàng cài cắm câu từ trong các văn bản pháp quy để có lợi cho những đối tượng mà mình có quan hệ thân thiết. Lâu nay mọi người vẫn thường nói tham nhũng chính sách cũng chỉ là câu nói rút gọn bởi chính sách không thể tham nhũng mà tham nhũng phát sinh từ các văn bản hướng dẫn, từ các thông tư khi chính sách bị vô hiệu hoá bằng những cụm từ “đặc thù”, “xin cho” và “sân sau”.

Đảng chậm thay đổi, chậm cải cách theo sự phát triển của dân trí, của doanh nghiệp và xu thế tất yếu của thế giới bởi bộ máy công quyền, công chức cồng kềnh, bởi một việc cỏn con nhưng dính dáng tới không dưới 4-5 bộ có quyền cho ý kiến, có quyền cản trở các quyết sách cần phải xử lý ngay lập tức. Khi cơ hội qua đi, thất bại xảy ra thì không cá nhân nào, tổ chức nào nhận trách nhiệm. Hậu quả là người dân, doanh nghiệp và rộng hơn là quyền lợi của quốc gia, dân tộc bị xâm hại.

Giải pháp cho sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Tôi không có quan điểm đa đảng tốt hơn hay một đảng tốt hơn, quan điểm của tôi là nếu một đảng mà thực hiện tốt vai trò lãnh đạo đất nước như Đảng Cộng sản Việt Nam thì tốt chứ sao? Tuy nhiên, mặc dù đã đạt nhiều thành tựu nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn rất cần thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn để hoàn thiện mình. Đảng Cộng sản Việt Nam muốn làm tốt vai trò lãnh đạo toàn diện của mình thì không còn con đường nào khác là tự thân phải làm trong sạch đội ngũ của mình bằng cách:

Giảm tối đa cán bộ, đảng viên từ cấp cơ sở đến Trung ương làm việc và hưởng lương từ ngân sách nhà nước, dù đồng lương không đủ sống nhưng chạy quanh đồng lương đó là tiêu cực, là vi phạm pháp luật của những công chức nửa mùa.

Tăng lương cơ bản và mức lương ấy đủ bảo đảm cuộc sống của bản thân và gia đình họ trong mức độ tương đối với mặt bằng của xã hội. Ví dụ hiện nay ngân sách nhà nước phải trả lương cho hơn 11 triệu người trong khi dân số Việt Nam khoảng 97 triệu dân, không kể cán bộ nghỉ hưu, một con số rất lớn trong khi nền kinh tế vào thứ hạng trung bình thấp của thế giới. Nếu chúng ta giảm được 1/2 số người hưởng tiền ngân sách thì chí ít những người còn lại được tăng lương gấp đôi mà chưa chắc đã phải làm việc gấp đôi. Chúng ta nhìn vào Hoa Kỳ họ chỉ có 2,5 triệu người ăn lương từ ngân sách trên tổng số dân 332 triệu người dân (dĩ nhiên chỉ là để tham khảo vì mỗi quốc gia có điều kiện và cách thức vận hành khác nhau).

Xoá bỏ cơ chế đặc thù, xin cho để luật pháp được tôn trọng, để hạn chế tối đa "sân sau, sân trước". Khi ban hành luật pháp thì luật phải có hiệu lực ngay bởi luật khi được xây dựng đã lấy ý kiến của các thành phần trong xã hội và được Quốc hội thông qua thì tại sao phải chờ bộ chủ quản ra thông tư hướng dẫn, thời gian kéo dài ít thì 6 tháng, nhiều thì 3 năm. Thời gian chờ đợi để thi hành luật và luật được thi hành đã không còn giá trị, chỉ để kho lưu trữ, tốn tiền dân, mất thời gian và luôn chạy theo cuộc sống mà không phục vụ cho kinh tế phát triển, thậm chí đôi lúc nó trở thành rào cản cho đất nước và người dân.

Cải cách tư pháp là điều vô cùng cần thiết của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Luật pháp, công lý phải được tôn trọng triệt để. Toà án là nơi xét xử vụ án công khai, minh bạch, theo pháp luật, có quyền phán quyết độc lập theo quy định của hiến pháp và pháp luật.

Điều cuối cùng mà tôi chiêm nghiệm được rằng một đảng nếu như làm tốt, lắng nghe ý kiến phản biện tích cực của người dân, của doanh nhân, của các nhà khoa học, chuyên gia để lấy quyền lợi, lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân là tối thượng thì tại sao không?!

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất