“Nghề” bí thư chi bộ
Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tuyên dương các bí thư chi bộ có thành tích xuất sắc.

Bài 1: Người đứng đầu đặc biệt

Gọi là “nghề” để thấy rằng, làm bí thư chi bộ đòi hỏi trình độ, những kỹ năng nhất định và cần được đào tạo, bồi dưỡng bài bản như bao nghề nghiệp cần chuyên môn sâu khác. Tuy nhiên, “nghề” bí thư chi bộ có những đặc điểm không giống bất kỳ nghề nào mà có lẽ chỉ những người đã, đang đảm đương công việc mới thấu hiểu. Đảng bộ Hà Nội có hơn 17.000 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, tức là có hơn 17.000 bí thư chi bộ. Số người từng gắn bó với "nghề" này còn nhiều hơn thế. Họ đã tích cực góp phần không nhỏ vào kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội... của Thủ đô nói riêng, đất nước nói chung.

Bí thư cấp ủy nói chung, bí thư chi bộ cơ sở nói riêng là người đứng đầu cấp ủy, giữ vai trò chủ chốt, là "linh hồn" của mỗi chi bộ đảng. Vì thế, nếu không có tinh thần trách nhiệm, không đủ năng lực, nhiệt huyết thì người đảm nhận vai trò "đầu tàu" khó có thể hoàn thành trọng trách. Thực tế cho thấy, để tất cả các chi bộ thật sự là hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở, cần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy và bí thư chi bộ. Cũng chính vì lẽ đó, có thể gọi bí thư chi bộ là người đứng đầu đặc biệt.

21 năm làm bí thư chi bộ

Năm 1995, sau khi xuất ngũ, ông Nguyễn Văn Na (thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì) được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ thôn. Nhiệm vụ này gắn bó với ông suốt từ lúc ấy đến bây giờ. Năm nay, ở vào tuổi "cổ lai hy" (77 tuổi), ông đã có thâm niên 21 năm làm bí thư chi bộ. Ông Na đã cố gắng hết sức mình cùng tập thể cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo đảng viên và nhân dân trong thôn thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị. Những việc lớn trong thôn thời gian qua, nhất là xây dựng nông thôn mới, dồn điền đổi thửa, đều diễn ra suôn sẻ. Nhờ sự đóng góp của những cán bộ cần mẫn như ông Na, thôn Tranh Khúc ngày càng thay da đổi thịt.

Ở tuổi 72, ông Bùi Thanh Liêm, người từng có hơn 30 năm vào sinh ra tử trên khắp các chiến trường, vẫn gánh vác trọng trách bí thư chi bộ khi trở về đời thường. Với kỹ năng được rèn luyện trong quân đội, ông Liêm từng bước củng cố mối đoàn kết, xây dựng chương trình công tác, tổ chức sinh hoạt chi bộ nền nếp, quy củ. Chỉ một, hai năm sau khi giữ vị trí bí thư chi bộ, ông Bùi Thanh Liêm đã củng cố, nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng tại cơ sở. “Mỗi tháng sinh hoạt, chi bộ đều ra nghị quyết, với nội dung cụ thể, thiết thực, liên quan trực tiếp đến những vấn đề dân sinh của tổ dân phố. Vì thế, chi bộ đã huy động cả hệ thống chính trị và người dân cùng thực hiện” - ông Bùi Thanh Liêm chia sẻ.

Là người gắn bó với các bí thư chi bộ, Trưởng phòng Quận, huyện, thị (Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội) Nguyễn Văn Thân cho biết, trường hợp như các bí thư chi bộ Nguyễn Văn Na, Bùi Thanh Liêm không phải là hiếm. “Tôi từng gặp một bác khi mới về hưu được bầu làm bí thư chi bộ. 21 năm sau gặp lại, bác ấy vẫn làm bí thư chi bộ. Hiện nay, bí thư chi bộ ở địa bàn dân cư phần lớn từ 50 đến 60 tuổi trở lên” - Trưởng phòng Nguyễn Văn Thân nói, đồng thời cho rằng, ở độ tuổi này dù hạn chế về sức khỏe, nhưng các bí thư chi bộ lại giàu kinh nghiệm và uy tín mà không phải cán bộ trẻ nào cũng có được.

Vai trò không thể thiếu

Cũng làm “nghề” bí thư chi bộ, nhưng ở các loại hình khác, không phải địa bàn dân cư thì tuổi đời "người đứng đầu" trẻ hơn. Ở Công ty LS Vina (xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh) có chi bộ đảng hoạt động rất hiệu quả. Tất cả là nhờ ban chi ủy dưới sự chỉ đạo của Bí thư chi bộ Vũ Xuân Trường đã luôn biết phát huy thế mạnh của 15 đảng viên, qua đó đóng góp vào sự phát triển ổn định của doanh nghiệp.

Được “sinh ra” gắn với Nghị quyết 09-NQ/TU, ngày 27-2-2012, của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, hơn 700 bí thư chi bộ trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước cũng đang thầm lặng đóng góp cho một sứ mệnh đặc biệt là tạo mối dây liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với thành phần kinh tế ngoài khu vực nhà nước, khu vực không chỉ có lực lượng công nhân đông đảo mà còn đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế của đất nước. Thực tiễn cho thấy, chính sự ra đời của tổ chức Đảng đã giúp doanh nghiệp vững vàng hơn trước khó khăn, thách thức. Tất cả chỉ có thể được thể hiện bằng hai từ “trách nhiệm” của những đảng viên, nhất là bí thư chi bộ.

Theo Quyết định số 31/2013/ QĐ-UBND, ngày 6-8-2013, của UBND TP Hà Nội, bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố được hưởng phụ cấp 0,6-1,0 mức lương tối thiểu tùy phân loại thôn, tổ dân phố. Phụ cấp không cao, nhưng việc gì cũng đến tay người đứng đầu cấp ủy. Vất vả, trách nhiệm là thế, nhưng bao năm nay, những bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố như ông Nguyễn Văn Na, Bùi Thanh Liêm… vẫn luôn nỗ lực, làm tròn nhiệm vụ.

Đóng góp của đội ngũ bí thư chi bộ đối với việc triển khai các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội là rất đáng trân trọng. Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, khi đến kiểm tra công tác bầu cử tại quận Đống Đa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã gửi lời cảm ơn, đánh giá cao những đóng góp của cán bộ cơ sở, trong đó có những bí thư chi bộ. Từ một góc nhìn cụ thể hơn, Bí thư Đảng ủy xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) Nguyễn Đăng Hoan nhận định: “Chúng tôi có 15 bí thư chi bộ, trong đó có 9 bí thư chi bộ thôn. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các bí thư chi bộ thực sự là “trung tâm”, là “linh hồn” tập hợp được sức mạnh của đảng viên và nhân dân để xã chúng tôi về đích sớm”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt". Chi bộ là nền móng, tế bào, đơn vị chiến đấu cơ bản của Đảng, là hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở. Bí thư chi bộ là người đứng đầu của cấp ủy, cán bộ chủ chốt giữ vai trò hạt nhân đoàn kết của chi bộ. Cho nên, để phát huy vai trò của chi bộ, để tất cả các chi bộ thật sự là hạt nhân lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, cần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy và bí thư chi bộ. Bí thư chi bộ là người đứng đầu đặc biệt vì lẽ đó.

VÕ LÂM

Bài 2: Không chỉ khơi dậy lòng nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm

Có vai trò đặc biệt quan trọng với các cơ sở Đảng, nhưng thực trạng hoạt động của đội ngũ bí thư chi bộ đang đặt ra một số vấn đề, đòi hỏi các cấp ủy cấp trên cơ sở phải quan tâm với tư duy mới và những giải pháp cụ thể. Nhiều giải pháp đã và đang được triển khai, trong đó có việc đảng ủy cấp trên phải "cầm tay chỉ việc" với các bí thư chi bộ đặc thù; đồng thời cần trang bị thêm kiến thức, khơi dậy lòng nhiệt tình, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy cơ sở.

Phải đến tận nơi, hiểu thật rõ cơ sở

Hiện nay, Hà Nội có hơn 17.000 bí thư chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, và trong số đó, bí thư chi bộ trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là vất vả nhất, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang "va đập" với nhiều khó khăn thách thức của thời mở cửa và hội nhập. Thêm nữa, hầu hết họ làm công tác kiêm nhiệm, chưa thật vững về nghiệp vụ công tác đảng. Làm thế nào để đội ngũ bí thư chi bộ trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước hoàn thành nhiệm vụ là cả vấn đề. Thực tế, ở quận Hoàng Mai, có chi bộ trong doanh nghiệp đang hoạt động hết sức hiệu quả, nhưng chỉ sau thời gian ngắn thay đổi bí thư chi bộ đã “xuống dốc không phanh". Trước đây, bí thư chi bộ đơn vị này là giám đốc công ty, chi bộ có trên 30 đảng viên, sau khi vị giám đốc này về nghỉ hưu, nhiệm vụ bí thư chi bộ kiêm giám đốc công ty được giao cho người con trai không am tường về công tác đảng nên chi bộ chỉ còn 10 đảng viên, hoạt động cầm chừng… Trong nhiều nguyên nhân, có phần do người đứng đầu cấp ủy không nắm rõ nhiệm vụ của bí thư chi bộ và chưa thể hiện được vai trò của mình.

Bên cạnh những yếu tố khách quan, một thực tế rất đáng phải suy nghĩ là ở nhiều chi bộ đảng trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, bí thư chi bộ rất yếu về nghiệp vụ công tác đảng, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo. Để giúp cơ sở khắc phục, một số cấp ủy như Hà Đông, Thanh Trì, Đảng ủy Khối Du lịch Hà Nội đã cử cán bộ của mình trực tiếp xuống làm bí thư chi bộ, từng bước gây dựng nhân sự tại chỗ rồi "trao truyền" lại. Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 27-2-2012 của Ban Thường vụ Thành ủy không ít lần yêu cầu cấp ủy các địa phương, các đảng bộ khối phải chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ, phải đến tận nơi “cầm tay chỉ việc” cho các bí thư chi bộ các cơ sở Đảng có tính đặc thù.

Nhiều bí thư chi bộ địa bàn dân cư được đánh giá vững về “nghề”, nhưng trên thực tế cũng xảy ra không ít chuyện. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Trì Phạm Nguyên Nhung kể: Có trường hợp bí thư chi bộ đồng ý cho đảng viên chưa hết thời hạn chuyển đảng chính thức được miễn sinh hoạt chi bộ; có trường hợp khác, kết nạp đảng viên là sinh viên, nhưng trong hồ sơ lại không khai là sinh viên... Đáng nói hơn, có những bí thư chi bộ cơ sở không nắm rõ các quy định của pháp luật dẫn đến sai sót khi thực hiện công tác, thậm chí có bí thư chi bộ chỉ đạo ban hành nghị quyết trái Điều lệ Đảng, lạm dụng quyền lực thu vén lợi ích cá nhân dẫn đến sai phạm, phải kỷ luật…

Nâng cao khả năng lãnh đạo, tổ chức của bí thư chi bộ

Từng là bí thư chi bộ thôn khi mới 31 tuổi (năm 1991), Bí thư Đảng ủy xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) Nguyễn Đăng Hoan cho rằng, trước hết phải hiểu rõ nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, đặc biệt là những việc liên quan đến hoạt động của chi bộ. Đảng ủy xã Yên Sở thường xuyên cập nhật và cung cấp đầy đủ tài liệu hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng, đồng thời tập huấn cho các bí thư chi bộ cách thức tổ chức sinh hoạt chi bộ, ban hành nghị quyết... Bên cạnh đó, theo Bí thư Đảng ủy xã Yên Sở, bí thư chi bộ cần có “khẩu khí”, khả năng hùng biện để tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân. Với 21 năm kinh nghiệm, Bí thư Chi bộ thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì) Nguyễn Văn Na cho rằng: “Bí thư chi bộ phải luôn xác định, công to, việc nhỏ gì cũng đến tay mình. Muốn được Đảng tin, dân mến thì tuyệt đối không được tham ô; mọi việc phải công khai, minh bạch và dân chủ”.

Để nâng cao nghiệp vụ công tác đảng cho bí thư chi bộ, các cấp ủy cấp trên cơ sở đều tổ chức tập huấn nghiệp vụ, một số nơi còn tổ chức hội thi “Bí thư chi bộ giỏi” để khuyến khích tinh thần học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, thi đua nâng cao trình độ của các bí thư chi bộ. Năm 2014, Huyện ủy Phúc Thọ đã tổ chức hội thi khá thành công. Sắp tới, Huyện ủy Thanh Trì sẽ tổ chức hội thi này. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Trì Phạm Nguyên Nhung cho biết: “Qua cuộc thi, chúng tôi muốn đánh giá xem sau Đại hội Đảng bộ các cấp, các bí thư chi bộ nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là những vấn đề mới đến đâu”.

Hiện nay, lo lắng của hầu hết các cấp ủy trên cơ sở là việc thiếu nguồn bí thư chi bộ ở địa bàn dân cư. Khi chuẩn bị đại hội chi bộ, công tác nhân sự cấp ủy vẫn là bài toán khó. Thực tế ở nhiều nơi vì rất thiếu nguồn kế cận nên bí thư chi bộ khóa cũ vẫn phải tái cử, dù nhiều người đã bước vào tuổi “mắt già, chân chậm”. Giải quyết vấn đề này, Đảng ủy phường Kim Mã (quận Ba Đình) có sáng kiến xây dựng đề án quy hoạch nguồn cán bộ địa bàn dân cư, tổ dân phố, trong đó có bí thư chi bộ. Sau khi thực hiện đề án, phường đã phần nào chủ động được nguồn cán bộ của hệ thống chính trị cơ sở. Bắt đầu từ nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy phường đã tiến hành quy hoạch xây dựng cán bộ trong hệ thống chính trị phường, bao gồm cả bí thư chi bộ.

Hà Nội nắm rõ thực trạng, đã và đang tìm các giải pháp căn cơ để tạo nguồn và nâng cao chất lượng đội ngũ bí thư chi bộ. Trưởng phòng quận, huyện, thị (Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội) Nguyễn Văn Thân cho biết, Thành ủy chỉ đạo sát sao đối với việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ bí thư chi bộ. Đặc biệt, việc thực hiện Đề án 06-ĐA/TU ngày 24-9-2013 của Thành ủy về "Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội" đã giúp Hà Nội giải quyết được việc khó khăn tồn tại từ nhiều nhiệm kỳ, đó là sự thiếu đồng bộ về tổ chức hệ thống chính trị ở cơ sở. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ khu dân cư nói chung và bí thư chi bộ nói riêng. “Vấn đề hiện nay là làm sao để tiếp tục phát huy sức sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của các bí thư chi bộ, của cán bộ, đảng viên ở cơ sở; khơi dậy được sự nhiệt tình của họ đối với công việc chung. Đó được coi là giải pháp mấu chốt để giải quyết vấn đề thiếu nguồn bí thư chi bộ đang đặt ra” - đồng chí Nguyễn Văn Thân khẳng định.

VÕ LÂM

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất