Bài 1: Những câu chuyện "nóng"
Ngày càng có nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại giữa người đứng đầu các cơ quan, đơn vị với người dân, doanh nghiệp được tổ chức nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và cả những vấn đề bức xúc để kịp thời có biện pháp tháo gỡ trong quá trình quản lý, điều hành. Thực tế cho thấy, ở nơi nào cấp ủy, chính quyền tăng cường đối thoại với dân, nơi ấy những vấn đề bức xúc sẽ giảm...
Thực hiện Chỉ thị 03 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Quyết định số 218 của Bộ Chính trị về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Quyết định 217 của Ban Chấp hành Trung ương về quy chế giám sát và phản biện xã hội..., Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu các cấp ủy Đảng, người đứng đầu chính quyền ở địa phương các cấp trong tỉnh với nhân dân.
Thực hiện chỉ thị, quy chế này, tại Đồng Nai, nhiều vấn đề nóng của người dân đã được lắng nghe và giải quyết có hiệu quả.
* Từ chợ Tân Hiệp
Từ cuối năm 2015, chợ Tân Hiệp mới đã chính thức đi vào hoạt động, chấm dứt hành trình khiếu kiện kéo dài nhiều năm của tiểu thương nơi đây.
Trở lại vụ việc, cách đây 8 năm, UBND tỉnh và TP.Biên Hòa thực hiện di dời tiểu thương ra khỏi chợ truyền thống Tân Hiệp cũ (tại ngã tư Tân Phong, phường Tân Hiệp) để xây dựng chợ mới theo hướng hiện đại, văn minh. Tuy nhiên, quá trình xây dựng đã nảy sinh một số vấn đề bất cập nên chủ đầu tư có văn bản xin thay đổi thiết kế. Vấn đề ở chỗ, thành phố và chủ đầu tư đã không kịp thông báo và lấy ý kiến bà con tiểu thương về việc thay đổi thiết kế, dẫn đến năm 2011 tiểu thương chợ Tân Hiệp bắt đầu khiếu kiện vì việc thay đổi thiết kế chợ gây ảnh hưởng đến quyền lợi bà con.
Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Thị Cát Hoa cho biết đối thoại với dân là kênh tốt nhất để cán bộ gần dân, hiểu dân và từ đó làm cho dân tin ở cán bộ, đồng thời tin ở Đảng, tin ở chính quyền. Việc thực hiện đối thoại với dân không chỉ nên hiểu là tổ chức cuộc gặp gỡ cho có hình thức mà phải là việc làm thường xuyên liên tục, bằng nhiều hình thức để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của dân, từ đó người đứng đầu cấp ủy, chính quyền có giải pháp giải quyết triệt để để người dân cảm thấy hài lòng. |
Để giải quyết thiếu sót trên, tỉnh và thành phố đã công khai xin lỗi bà con tiểu thương, đồng thời thực hiện nhiều giải pháp cũng như tổ chức các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo UBND TP.Biên Hòa và tiểu thương chợ Tân Hiệp.
Trong các cuộc đối thoại với tiểu thương, lãnh đạo tỉnh và thành phố luôn cầu thị, lắng nghe ý kiến bà con để đi đến phương án giải quyết tối ưu nhất nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho tiểu thương. Sau khi xem xét các yếu tố và tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng sao cho có lợi nhất cho tiểu thương, tỉnh đã có văn bản thu hồi đất thuộc 2 đơn vị là Công ty Sông Đà và Tổng công ty Tín Nghĩa để xây dựng chợ mới Tân Hiệp tại vị trí đắc địa với diện tích rộng trên 16 ngàn m2, đối diện Cục Thống kê Đồng Nai, ngã ba giao nhau giữa đường Phạm Văn Khoai và đường Đồng Khởi. Tiểu thương Nguyễn Thị Mai bày tỏ: “Hiện chợ mới Tân Hiệp đã hoạt động khá ổn định, tiểu thương chúng tôi rất yên tâm. Sau vụ việc xảy ra ở chợ Tân Hiệp cũ, tôi cho rằng bất kỳ khó khăn nào cũng có thể giải quyết nếu có sự vào cuộc tích cực, thiện chí của các bên. Khi người đứng đầu, lãnh đạo cao nhất của tỉnh, thành phố trực tiếp đối thoại với dân, các vấn đề sẽ được hai bên trao đổi ngay, nắm bắt rõ ràng tình hình, mức độ sự việc mà không phải qua khâu trung gian, phản ánh từ người nọ tới người kia, làm sự việc bị “tam sao thất bản”.
* Thấu tình, đạt lý
Ông Trần Văn Hiển (ngụ ấp 3, xã La Ngà, huyện Định Quán) cho hay năm 2009 phần đất có diện tích 19.063m2 của gia đình ông bị thu hồi để thực hiện dự án khu tái định cư đô thị La Ngà. Ban đầu trường hợp của ông cùng các hộ dân khác được bố trí tái định cư nhưng sau đó ông được Trung tâm phát triển quỹ đất của huyện ra thông báo không đủ điều kiện bố trí tái định cư.
Không bằng lòng với kết luận này, từ năm 2009 đến nay ông Hiển liên tục có đơn thư gửi đến các cơ quan chức năng của xã, huyện để được xem xét giải quyết nhưng không được đáp lại.
Đến ngày 30-3-2016, trong buổi đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện Định Quán Nguyễn Thị Thanh Yên với người dân xã La Ngà, vấn đề của ông được đưa bàn thảo giữa lãnh đạo huyện, xã cùng các cơ quan liên quan. Theo ông Hiển, tại buổi đối thoại này, những vấn đề khúc mắc nhiều năm qua của ông đã được lãnh đạo huyện phân tích cặn kẽ, thấu tình đạt lý. Kết thúc buổi làm việc Chủ tịch UBND huyện Định Quán Nguyễn Thị Thanh Yên đã yêu cầu các cơ quan liên quan bố trí một lô đất tái định cư tại khu tái định cư đô thị La Ngà, thu tiền sử dụng đất, miễn phí sử dụng hạ tầng khiến ông vui mừng vô cùng.
Sau buổi tiếp xúc với lãnh đạo huyện, mặc dù phần diện tích gần 2 sào đất (trong tổng số diện tích đất bị thu hồi) trồng xoài đang trong thời điểm cho thu hoạch trái nhưng ông Hiển vẫn mạnh dạn cưa bỏ để trao mặt bằng sạch cho các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện dự án. “Tuy chưa biết khi nào được nhận đất tái định cư nhưng khi khúc mắc của tôi được giải tỏa bằng việc làm thấu tình, đạt lý của lãnh đạo huyện trong buổi tiếp xúc cách đây hơn 1 tháng thì tôi không còn điều gì nghĩ ngợi nữa. Điều này làm cho tôi có động lực chấp hành tốt quy định của Nhà nước về việc giao mặt bằng đúng thời hạn cho đơn vị thi công” - ông Hiển nói.
Tính đến tháng 4-2016, 10/11 huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức đối thoại giữa bí thư và chủ tịch UBND cấp huyện với nhân dân theo Quyết định 728-QĐ/TU, ngày 12-9-2014 của Ban TVTU về “Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu các cấp ủy Đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp trong tỉnh với nhân dân”. Đồng thời, gần 100 xã, phường, thị trấn cũng tổ chức đối thoại với nhân dân. |
Tương tự, bà Nguyễn Thị Liên (ngụ ấp 6, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) cho hay năm 2011 phần đất và nhà ở của gia đình bà với tổng diện tích 175m2 nằm trong phần đất bị ảnh hưởng của dự án lưới diện 500kV Vĩnh Tân - Sông Mây, huyện Trảng Bom. Sau khi cơ quan chức năng tiến hành đo đạc, phần đất bị ảnh hưởng và được tiến hành bồi thường là 50m2. Số tiền gia đình được nhận là 75 triệu đồng và không được bố trí tái định cư.
Không chấp nhận với số tiền bồi thường này, bà Liên đã làm đơn kiến nghị được cấp đất nền tái định cư vì gia đình bà có đến 9 nhân khẩu, đồng thời điều chỉnh lại giá bồi thường đất. Ở 2 lần khiếu nại trước, số tiền bồi thường bà được nhận tăng từ 75 triệu đồng lên 147 triệu đồng và không được cấp đất nền tái định cư.
Bà Liên tiếp tục khiếu nại lần 3, lần này được trực tiếp Chủ tịch UBND huyện tiếp xúc gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, được đại diện Ủy ban MTTQ huyện đại diện bảo vệ quyền lợi, giám sát thực hiện luật của đơn vị liên quan nên kết thúc buổi làm việc bà Liên được nhận một lô đất tái định cư tại thị trấn Trảng Bom cùng tổng số tiền bồi thường là 307 triệu đồng.
Bà Liên cho hay: “Tại buổi tiếp xúc với lãnh đạo huyện cùng đơn vị liên quan, tôi được phân tích về chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước chăm lo cho đối tượng thuộc diện nằm trong dự án phát triển đất nước như tôi. Đơn vị làm sai cũng đã nhận lỗi và công khai xin lỗi gia đình tôi vì những sai sót không đáng có. Tôi thấy cách giải quyết của huyện rất tốt, lắng nghe, tôn trọng và giải quyết thấu tình đạt lý, bảo vệ quyền lợi của người dân”.
Nhóm P.V VH-XH
Bài 2: Hiệu quả từ đối thoại
Bà Phạm Thị Kim Chung, Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy, cho biết qua đối thoại, lãnh đạo các cấp được nghe trực tiếp và nắm bắt đầy đủ tâm tư, nguyện vọng, những bức xúc của nhân dân. Trên cơ sở đó, người lãnh đạo có cái nhìn đầy đủ hơn về cơ chế chính sách, việc thực thi công vụ, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của các cơ quan chức năng, từ đó có định hướng lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các vấn đề phù hợp hơn.
Qua đối thoại, từng người dân được phản ánh trực tiếp ý kiến của mình với người có thẩm quyền cao nhất ở địa phương mà không phải phản ánh qua một cấp trung gian nào như trước; đồng thời được nghe lãnh đạo trả lời, giải thích ngay một số vấn đề.
* Lắng nghe dân nói
Tại buổi đối thoại diễn ra vào ngày 30-3-2016 giữa Chủ tịch UBND huyện Định Quán Nguyễn Thị Thanh Yên với người dân xã La Ngà, đã có 27 ý kiến phản ánh của người dân được chuyển đến lãnh đạo huyện. Trong đó, có ý kiến đề nghị xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sống tại khu tái định cư làng bè...
Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ phía người dân, Chủ tịch UBND huyện Định Quán đã chỉ đạo các cơ quan liên quan của huyện thực hiện trách nhiệm đối với người dân. Cụ thể, thống nhất thời điểm làm cơ sở xác định nghĩa vụ tài chính là thời điểm người dân hoàn tất việc nộp hồ sơ. Với những trường hợp sai sót trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giao UBND xã rà soát để huyện điều chỉnh. Giao Phòng Tài nguyên - môi trường tổ chức thông báo cho người dân kê khai, xét duyệt hồ sơ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong quý II-2016 diện tích đất của các hộ dân nằm trong khu tái định cư làng bè…
Huyện Nhơn Trạch là một trong những huyện tiên phong tổ chức hội nghị đối thoại với người dân ở 12/12 xã trong huyện với lãnh đạo các xã từ năm 2012. Trong đó, Ban Dân vận Huyện ủy đã chọn 4 xã làm điểm tại hội trường UBND xã là: Phú Hội, Vĩnh Thanh, Phú Thạnh, Phước Thiền; các xã còn lại tổ chức đối thoại tận địa bàn các ấp. Chỉ trong năm 2015, các xã trong huyện đã tổ chức được 56 buổi đối thoại, với gần 5 ngàn người dân tham dự.
Ông Võ Văn Sơn, ở ấp Đất Mới, xã Phú Hội nhớ lại, vào cuối năm 2015, ông có ra UBND xã Phú Hội làm giấy khai sinh, hộ khẩu cho cháu nội của ông. Sau khi phải đi lại nhiều lần bổ sung giấy tờ, ông mới nộp xong hồ sơ, nhưng chờ đến ngày hẹn lấy hồ sơ vẫn chưa có, lại được trả lời hồ sơ đã mất. Nhờ cuộc đối thoại với lãnh đạo xã, hồ sơ của ông đã được giải quyết 2 ngày sau đó, kèm theo lời xin lỗi, nhận trách nhiệm của lãnh đạo xã cũng khiến ông nguôi ngoai phần nào bức xúc. Ông Sơn chia sẻ: “Tổ chức được các buổi đối thoại với dân là hay lắm. Có một số chuyện người dân bức xúc nhưng không biết nói ai, đây là cơ hội để người dân nêu lên những phản ánh, kiến nghị để chính quyền địa phương quan tâm khắc phục, tạo được niềm tin trong nhân dân”.
Phó trưởng ban Dân vận Huyện ủy Nhơn Trạch Bùi Văn Tuội cho biết thời gian đầu triển khai đối thoại về các xã, người dân tỏ ra không tin tưởng nhiều vì lo ngại tình trạng “hứa nhiều mà giải quyết chẳng bao nhiêu” nên bà con còn phát biểu chung chung. Thế nhưng do các ý kiến phản ánh, kiến nghị của bà con đều được xem xét giải quyết ngay theo thẩm quyền của xã; vấn đề nào thuộc huyện thì kiến nghị huyện giải quyết, Ban Dân vận Huyện ủy cũng tham mưu cho lãnh đạo huyện chỉ đạo các phòng, ban chức năng của huyện giải quyết nên càng về sau, người dân cũng đã thẳng thắn góp ý nhiều vấn đề còn tồn tại, hạn chế của địa phương, ngoài các vấn đề, như: xây dựng trái phép, ô nhiễm môi trường, tình hình quản lý đất công, an ninh trật tự... Người dân còn góp ý cho đội ngũ cán bộ, công chức, từng cá nhân cụ thể để chính quyền địa phương có chấn chỉnh kịp thời.
* Bớt e ngại
Trưởng ban Dân vận Thành ủy Biên Hòa Nguyễn Văn Khang cho hay, khi có chủ trương lãnh đạo cấp ủy và chính quyền đối thoại trực tiếp với nhân dân, nhiều đồng chí e ngại, băn khoăn không biết diễn biến của các buổi đối thoại sẽ ra sao. Nhưng khi tổ chức đối thoại, kết quả đem lại rất tốt. Các ý kiến, kiến nghị của nhân dân đều trên tinh thần xây dựng, mong muốn các cấp, ngành, cơ quan chức năng thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ, trách nhiệm của mình trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố.
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Trảng Bom Lưu Thị Thúy Hằng cho biết việc đối thoại với nhân dân được lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện thực hiện kịp thời đã giúp cho những trường hợp còn có điểm khác về cách nghĩ, việc làm giữa nhân dân với chính quyền địa phương được tháo gỡ để tìm đến tiếng nói chung, trong số này có thể kể đến những vụ việc liên quan đến giải quyết đền bù, tái định cư tại xã Giang Điền, Sông mây trong thời gian vừa qua. |
Sau buổi đối thoại, đồng chí Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan liên quan của thành phố, khắc phục ngay một số nội dung mà doanh nghiệp và nhân dân đã kiến nghị nhiều tại các buổi đối thoại. Theo đó đến nay, Chi cục Thuế Biên Hòa đã phối hợp Phòng Tài nguyên - môi trường, Phòng Tài chính - kế hoạch thành phố rà soát lại các chính sách liên quan đến thuế, đất đai, thủ tục hành chính... để hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất - kinh doanh. Thành phố cũng đã trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh sớm triển khai dự án giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông đoạn ngã tư vòng xoay Tân Hiệp và mở tuyến đường từ trung tâm phường Trảng Dài qua đường Nguyễn Ái Quốc, nối với đường Đồng Khởi; dự án đường ven sông Cái, đường trục trung tâm TP.Biên Hòa...
Trong tháng 4-2016, huyện Nhơn Trạch cũng đã tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Nhơn Trạch với nhân dân 6 xã: Vĩnh Thanh, Phước Khánh, Phú Đông, Phú Thạnh, Đại Phước và Phú Hội với chuyên đề về giải quyết các chế độ, chính sách cho hộ nghèo, người có công với cách mạng. Qua đối thoại, người dân đã phản ánh một số vấn đề, như: giải quyết chế độ còn chưa công bằng, thủ tục chuyển tuyến khám bảo hiểm y tế còn rườm rà... Thậm chí có vụ việc đã được quan tâm giải quyết ngay, như trường hợp ông Trần Văn Ơn ở xã Phú Thạnh kiến nghị huyện hỗ trợ sửa lại nhà tình nghĩa đã xuống cấp, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bí thư Huyện ủy Quách Hữu Đức và Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Mạnh Dũng, chính quyền xã Phú Thạnh đã nhanh chóng sửa chữa lại căn nhà tình nghĩa cho ông Ơn.
Tại Đồng Nai, việc đối thoại với dân đã trở thành việc làm thường xuyên, nhất là những sự việc phức tạp kéo dài. Bên cạnh đó, việc đối thoại với dân còn được lồng ghép vào việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Chỉ thị 04 của Bộ Chính trị về những vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Qua đó đã giúp cán bộ gần dân hơn, từ đó giảm bớt những bức xúc trong nhân dân. |
Bà Phạm Thị Kiều Thu, Chánh văn phòng Huyện ủy Nhơn Trạch, cho rằng qua buổi tiếp xúc cử tri giúp lãnh đạo huyện nắm được thực tế hơn, biết dân cần cái gì, cái gì cần khắc phục để có phương pháp chỉ đạo, điều hành cho sát thực tiễn. Qua đó mới thấy nhu cầu người dân mong huyện thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại rất lớn. Sắp tới, huyện Nhơn Trạch sẽ tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo huyện với người dân mỗi quý/lần, hướng tới 1 tháng/lần, tổ chức đối thoại theo từng xã; theo chuyên đề gồm những vấn đề nổi cộm ở từng địa phương.
Nhóm P.V VH-XH
Bài cuối: Đối thoại cần nhân rộng
Hiệu quả từ các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo các cơ quan, đơn vị với nhân dân đã thấy rõ. Thế nhưng làm sao để phát huy được hiệu quả từ các cuộc đối thoại này, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lợi dụng đối thoại để xuyên tạc, vu khống đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước lại là vấn đề rất cần quan tâm.
Theo lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, hầu hết các ý kiến mà người dân phản ánh tại các buổi đối thoại liên quan chủ yếu đến đời sống nhân dân, như: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; rác thải, vệ sinh môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội; công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường...
* Tìm tiếng nói chung
Ông Ngô Xuân Đằng, Giám đốc Hợp tác xã thương mại dịch vụ Lam Sơn (TP.Biên Hòa), kể trước đây doanh nghiệp có ý kiến, thắc mắc gì chỉ phản ánh được tới tổ, đội, phòng ban của thành phố nên nhiều việc của doanh nghiệp vẫn không được các cơ quan chức năng giải quyết hiệu quả, trì trệ. Khi doanh nghiệp cần làm thủ tục nào đó, đơn vị nghiệp vụ không hướng dẫn cặn kẽ một lần cho xong, lúc thì nói thiếu cái này, lúc nói thiếu cái kia làm doanh nghiệp phải chạy đi, chạy lại vất vả. Đến khi doanh nghiệp quá mệt mỏi vì các kiểu “hành” của đơn vị chức năng, đành chấp nhận “lách rào”, mà muốn “lách rào” phải có “bao thư”. Doanh nghiệp không thích làm chuyện này, nhưng vì công việc đành chấp nhận.
Tất cả những nỗi niềm trên của doanh nghiệp đã được nói ra trong buổi đối thoại giữa Bí thư Thành ủy Biên Hòa Lê Văn Dành và Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng với 150 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong tháng 1-2016, tại hội trường Chi cục Thuế TP.Biên Hòa. Sau khi nghe phản ánh của các doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy đã hướng dẫn doanh nghiệp giải quyết từng việc. Đồng thời, Bí thư Thành ủy giao các cơ quan chức năng rà soát, chấn chỉnh ngay thái độ, tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức.
Ông Ngô Xuân Đằng nhận xét: “Từ sau buổi tiếp xúc đến nay, các cơ quan, ban, ngành thành phố đã có sự đổi mới trong thực thi công vụ. Việc cấp đăng ký giấy phép kinh doanh đã nhanh hơn trước, từ 1 tuần trở lên còn 4 ngày. Thái độ tiếp dân của cán bộ, công chức đã lịch sự, niềm nở hơn, tạo động lực để doanh nghiệp đứng vững hơn trên thương trường”. Ông Ngô Xuân Đằng mong muốn những buổi đối thoại trực tiếp giữa Bí thư, Chủ tịch UBND thành phố với doanh nghiệp và nhân dân như trên là rất quý, cần tiến hành thường xuyên. Đây thực sự là sự đổi mới của Đảng và Nhà nước ta trong điều hành, lãnh đạo, quản lý đất nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng nhân dân và vì nhân dân.
Đại diện chính quyền huyện Tân Phú đến thăm và lắng nghe người dân trao đổi về cuộc sống tại nơi ở mới tại nhà ông Nguyễn Văn Sáu (bên trái, KP.10, thị trấn Tân Phú, một hộ nằm trong diện phải di dời tái định cư để lấy mặt bằng cho huyện triển khai dự án. |
Phó bí thư Huyện ủy Trảng Bom Nguyễn Tấn Phát thì cho hay trong năm 2015 có 11/17 xã, thị trấn của huyện và đồng chí Bí thư Huyện ủy cùng Chủ tịch UBND huyện đã tổ chức đối thoại với nhân dân. Riêng buổi đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện được tiến hành vào ngày 8-12-2015 với nhân dân các xã: Quảng Tiến, Bình Minh và Giang Điền. Qua đối thoại, các ý kiến nhân dân tập trung vào việc đền bù, giải phóng mặt bằng cần đảm bảo công bằng, đúng quy định. Cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường liên xã Bình Minh, Giang Điền; có biện pháp xử lý tình trạng xe quá tải gây hư hỏng đường ở xã Quảng Tiến. Xem lại tiêu chí xây dựng ấp, khu phố văn hóa, chế độ chính sách cho bí thư chi bộ ấp... Những vấn đề giải quyết được ngay, Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện trực tiếp trả lời cho nhân dân ngay tại buổi đối thoại. Những việc cần thời gian xác minh làm rõ, lãnh đạo huyện giao cơ quan chức năng nghiên cứu, sớm trả lời cho nhân dân biết.
* Nhân rộng đối thoại
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tân Phú Đinh Văn Án cho hay việc đối thoại với người dân luôn được lãnh đạo huyện thực hiện với nhiều cách làm linh động nhằm tìm kiếm tiếng nói chung giữa người dân với chính quyền địa phương. Cụ thể, như việc giải quyết di dời 19 hộ dân nằm tại KP.3, thị trấn Tân Phú về KP.10 để lấy đất làm dự án.
Bí thư Tỉnh ủy sẽ đối thoại với nhân dân Tại cuộc họp giao ban các ban Đảng mới đây, lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết dự kiến trong tháng 6-2016, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đối thoại với nhân dân. Để chuẩn bị cho buổi đối thoại, ngay từ cuối năm 2015, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh nắm tình hình, tâm trạng, dư luận xã hội, rà soát, thống kê những vấn đề bức xúc, nổi cộm của đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân, nhất là những vấn đề chính đáng đã được kiến nghị nhiều lần (thuộc thẩm quyền của tỉnh) nhưng chưa được các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm. Đồng thời, lựa chọn các nội dung đề xuất Bí thư Tỉnh ủy đối thoại. Đến nay, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã nhận được 33 nội dung từ các đơn vị đề xuất đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy. Trên cơ sở đề xuất các đơn vị, Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy tổng hợp, tham mưu 5 nội dung để Bí thư Tỉnh ủy đối thoại trực tiếp với nhân dân. |
Để kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, các phó chủ tịch UBND huyện, cơ quan liên quan đã tiến hành tổ chức đối thoại với bà con nơi đây. Những câu hỏi, thắc mắc của bà con về áp giá bồi thường, bố trí tái định cư cũng như thủ tục nhận tiền, đất khi di dời ra sao đều được các đồng chí lãnh đạo huyện trả lời rõ cho bà con. Riêng với trường hợp nào còn có điều thắc mắc cũng được lãnh đạo huyện tìm đến để giải thích, vận động mọi người chấp hành di dời vì mục đích chung.
Đến năm 2015 các hộ dân này đều đã nhận tiền bồi thường, đất nền để xây dựng nhà cửa bắt đầu cuộc sống ở nơi ở mới. Đây là một trong những trường hợp nhận được sự đồng thuận cao từ phía nhân dân thông qua đối thoại giữa lãnh đạo huyện với người dân để kịp thời giải quyết những khúc mắc, bất đồng còn tồn tại, góp phần không để xảy ra điểm nóng.
Bà Phạm Thị Kim Chung, Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy, cho biết phát huy hiệu quả của đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với nhân dân, mỗi địa phương nên tổ chức ít nhất 1 lần/năm. Qua đó các kiến nghị, bức xúc của nhân dân luôn được giải quyết kịp thời, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ông Bùi Văn Tuội, Phó trưởng ban Dân vận Huyện ủy Nhơn Trạch, cho biết để buổi đối thoại thành công, người chủ trì phải nói ngắn, dễ hiểu, gợi hướng cho người dân phát biểu, vì nếu không khéo buổi đối thoại sẽ trở thành nơi khiếu nại, tố cáo. Vì mục đích của đối thoại là ngồi nghe dân nói, nói lại cho dân hiểu và làm cho dân tin. Điều quan trọng, Ban Dân vận Huyện ủy cũng như khối vận ở các xã phải có giám sát chặt chẽ lời hứa cũng như hướng giải quyết những bức xúc, kiến nghị của người dân. Những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của huyện, xã thì phải hẹn thời gian giải quyết, nếu không giải quyết thì cấp ủy, người đứng đầu cơ quan đó phải chịu trách nhiệm.
Đồng chí Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, cho biết việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân đã được thực hiện nhưng chưa đủ. Lãnh đạo đã thực hiện lịch tiếp dân nhưng chưa thường xuyên, chưa nhiều, chưa hết những vấn đề nhân dân quan tâm. Đồng Nai là tỉnh trọng điểm về kinh tế, hàng ngày diễn ra bao vấn đề. Vấn đề đặt ra, khi đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải có sự chuẩn bị chu đáo, lựa chọn vấn đề để tập trung đối thoại và chọn hình thức đối thoại sao cho có chiều rộng. Phải đối thoại thường xuyên, phân rõ trách nhiệm khi đối thoại: cấp tỉnh thì đối thoại nội dung gì; lãnh đạo sở, ngành đối thoại gì; cấp huyện, xã đối thoại gì. Trong đối thoại phải có sự giám sát của tổ chức nhân dân. Sau đối thoại, phải tìm giải pháp giải quyết những vấn đề đặt ra trong đối thoại. Khi đối thoại, không đá “quả bóng” trách nhiệm. Để các cuộc đối thoại đạt yêu cầu cũng cần tuyên truyền trước cho dân biết nội dung đối thoại, đối thoại với ai, cấp nào, ngành nào để các ý kiến của nhân dân trúng với yêu cầu buổi đối thoại. Ở các buổi đối thoại, nhân dân cũng nên hiến kế xây dựng Đảng, đất nước, chính quyền, tư vấn, giám sát, phản biện các vấn đề chứ không chỉ là dịp giải quyết quyền lợi cho dân. |
Nhóm P.V VH-XH