Nhìn thẳng vào thực tế để đổi mới và tinh gọn

Các tác giả nhận Giải C - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ II - năm 2017.

Bài 1: Tổ chức hội, đoàn thể - Nhiều nhưng chưa mạnh

Ngày 28-11-2016, Ban Bí thưTrung ương Đảng (khóa XII) đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (gọi tắt là Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6). Đề án sẽ được trình tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) họp vào tháng 10-2017. Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Ban Chỉ đạo Đề án, tiến hành phân tích sâu sắc, đánh giá khách quan các nội dung nói trên với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện... Với góc nhìn của người làm báo, các phóng viên Báo Thái Nguyên xin góp thêm tiếng nói từ thực tiễn nhằm tăng cường hơn nữa sức mạnh của Đảng, làm cho bộ máy chính quyền của tỉnh không chỉ gọn mà còn mạnh hơn.

Những con số khổng lồ

Tính đến cuối năm 2016, số người hoạt động không chuyên trách hưởng hỗ trợ từ ngân sách địa phương ở cấp xã, xóm/tổ dân phố của tỉnh ta là 46.180 người. Trong đó, cấp xã có 28 chức danh (CD), với 3.926 người; các xóm/tổ dân phố có 18 CD, với 42.254 người.

Về tổ chức bộ máy, không nhất thiết ở Trung ương có tổ chức nào thì ở địa phương cũng có tổ chức đó. Về biên chế, cần tăng cường kiêm nhiệm một số chức danh trong các tổ chức của hệ thống chính trị (trích nội dung Kết luận số 64-KL/TW ngày 28-5-2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”) .

Chỉ nói riêng các CD ở xóm/tổ dân phố, năm 2013, nhằm đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Kết luận số 64-KL/TW, cho phép số người hoạt động không chuyên trách ở xóm không quá 3 CD. Nếu vậy, cả tỉnh chỉ có 9.096 người được hưởng hỗ trợ từ ngân sách. Việc tăng thêm 15 CD với 33.153 người được hưởng hỗ trợ đã thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với những CD tham gia công tác ở xóm/tổ dân phố, nhưng cũng thêm áp lực lớn đè lên ngân sách vốn đã khó khăn.

Chi tiết hơn, toàn tỉnh có 3.032 xóm/tổ dân phố thì 100% có ban công tác mặt trận và chi hội phụ nữ; 98% có chi đoàn... Đặc biệt, số chi hội nông dân ở phường (nơi còn rất ít đất nông nghiệp) lại tăng 89 chi hội so với năm 2011. Điển hình là T.X Phổ Yên, từ một huyện thuần nông nay đã trở thành thị xã công nghiệp (công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ chiếm gần 97%; sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm hơn 3%) nhưng 100% các xóm/tổ có chi hội nông dân. Ngoài các CD là chi hội trưởng nông dân, bí thư chi đoàn, trưởng ban công tác Mặt trận, ở các xóm/tổ còn nhiều CD khác hưởng phụ cấp từ ngân sách, gồm các chi hội trưởng: Phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, thôn đội trưởng, công an viên, bảo vệ dân phố, nhân viên y tế thôn, cộng tác viên dân số - gia đình - bảo vệ trẻ em, chữ thập đỏ… Nếu tính trung bình mỗi CD lĩnh 150.000 đồng/tháng (một số CD lĩnh cao hơn), ngân sách của tỉnh phải chi hơn 6,3 tỷ đồng/tháng. Trong khi đó, 180/180 xã, phường, thị trấn của tỉnh không cân đối được thu - chi ngân sách (tổng thu ngân sách cấp xã năm 2016 là 80,57 tỷ đồng nhưng tổng chi gần 982 tỷ đồng).

Tổ chức Đoàn Thanh niên hoạt động èo uột

Dù được Huyện đoàn Định Hóa đánh giá khá cao, nhưng khi trao đổi với chúng tôi, anh Lương Anh Nghiêm, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Phượng Tiến vẫn bày tỏ nhiều trăn trở. Khó khăn lớn nhất đối với Đoàn xã hiện nay là số lượng đoàn viên thanh niên sinh hoạt thường xuyên giảm mạnh (từ 300 đoàn viên năm 2011 nay chỉ còn 130 người). Nguyên nhân là thanh niên đi làm ăn xa nhà ngày càng nhiều nên không ít người dù vẫn có tên trong danh sách nhưng cả năm mới sinh hoạt 1-2 lần. Theo anh Nghiêm, nếu đúng Điều lệ Đoàn thì người 30 tuổi trở lên có thể trưởng thành Đoàn và những đoàn viên tự ý bỏ sinh hoạt từ 3 tháng trở lên sẽ bị xóa tên, thì số đoàn viên của xã sẽ ít hơn nhiều. Đoàn Thanh niên xã hiện có 19 chi đoàn, trong đó 15 chi đoàn nông thôn. Những chi đoàn này đều có rất ít đoàn viên, điển hình như các chi đoàn: Hợp Thành, Nạ Liền, Nạ Pọc... chỉ có vài ba đoàn viên và “bộ khung” ở địa phương.

Do thiếu vắng đoàn viên, đặc biệt là thiếu những nhân tố tích cực, nên một số chi đoàn rất khó khăn mới “kiếm” đủ ban chấp hành, nhất là chức danh bí thư. Cụ thể như Chi đoàn xóm Hợp Thành, Chi bộ phải ra sức động viên, thậm chí dùng nghị quyết để “ép” một Chi ủy viên đã 36 tuổi làm Bí thư Chi đoàn. Ở xóm Nạ Liền, Trưởng xóm kiêm Bí thư Chi đoàn; còn Bí thư Chi đoàn xóm Nạ Pọc là một giáo viên dạy học xa nhà.

Tương tự, hoạt động của tổ chức Đoàn trên địa bàn huyện Đồng Hỷ cũng đang gặp nhiều khó khăn, bất cập. Chị Bùi Bé Song, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hóa Trung thẳng thắn nhìn nhận: Địa phương hiện có 16 chi đoàn (trong đó có 13 chi đoàn nông thôn) với trên 120 đoàn viên, chia bình quân mỗi chi đoàn chỉ có hơn 7 đoàn viên. Nhiều người mải lo làm ăn, vun vén cho gia đình nên không mặn mà trong việc tham gia sinh hoạt Đoàn, dẫn đến tình trạng các chi đoàn phải thường xuyên kiện toàn lại và thay đổi bí thư liên tục. Như ở Chi đoàn xóm Hang Cô, trong 2 năm qua đã “đổi” bí thư đến 3 lần, trong khi đó muốn tạo được niềm tin, sự gắn kết giữa đoàn viên, thanh niên với “thủ lĩnh” thì cần có một thời gian tương đối dài. Thêm một nguyên nhân nữa khiến cho các chi đoàn cơ sở bị “chìm” là những phong trào thanh niên ở địa bàn dân cư ít được chú trọng, hình thức sinh hoạt không sinh động, sáng tạo. Dẫn chứng về điều này, một đoàn viên ở xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ (xin được giấu tên) chia sẻ: Các hoạt động Đoàn chủ yếu diễn ra vào những dịp lễ kỷ niệm hoặc Tháng Thanh niên, Mùa hè tình nguyện, chúng tôi cũng chỉ “quanh quẩn” phát quang bụi rậm, quét dọn vệ sinh, tham gia 1-2 ngày công lao động xây dựng các công trình ở địa phương. Do những hoạt động theo kiểu “lối mòn” cũ kỹ này khiến cho các đoàn viên cảm thấy nhàm chán, tổ chức Đoàn mất đi sự thu hút...

Mạnh dạn bỏ bớt để thu hẹp

Đồng chí Nguyễn Minh Nghĩa, Bí thư Đảng ủy xã Tiên Hội (Đại Từ): Ở cấp xã có thể ghép một số tổ chức như Hội Cựu chiến binh với Hội nạn nhân chất độc da cam và Hội Cựu thanh niên xung phong, Ủy ban MTTQ với Hội Chữ thập đỏ, Hội Liên hiệp Phụ nữ với Hội Khuyến học.

Đồng chí Nguyễn Thanh Toàn, Bí thư Chi bộ xóm Hợp Thành (Phượng Tiến, Định Hóa): Thời gian qua, chúng tôi vừa chỉ đạo, vừa động viên, vừa có lúc phải làm thay Chi đoàn Thanh niên một số việc.

Hoạt động thất thường, èo uột như vậy nhưng mô hình chi đoàn vẫn duy trì ở hầu hết các xóm/tổ dân phố trong toàn tỉnh với gần 3.000 bí thư chi đoàn hưởng phụ cấp từ ngân sách. Không chỉ tổ chức Đoàn, nhiều tổ chức khác như: chi hội nông dân, chữ thập đỏ, cựu chiến binh, khuyến học, người cao tuổi… ở nhiều nơi cũng chung tình trạng ít hội viên, hoạt động thưa thớt, hiệu quả hạn chế.

Là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác giảng dạy chính trị và hoạt động đoàn thể, ông Trần Danh Cự, ở tổ 14, thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ) thẳng thắn đề xuất: Theo tôi, các tổ chức như chi hội người cao tuổi, cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam nên do một người đảm nhiệm (vì cơ bản, các tổ chức này có số lượng hội viên ít, tôn chỉ, mục đích hoạt động tương đương nhau). Từ thực tế tôi nhận thấy, nhiều tổ chức mỗi năm chỉ sinh hoạt từ 1-2 lần, cá biệt có tổ chức cả năm không hoạt động lần nào.

Còn chị Nguyễn Thị Mẫn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Nhã Lộng (Phú Bình) tính toán cụ thể: Xã tôi có 14 xóm, tương đương có 14 chi hội trưởng chi hội chữ thập đỏ. Nếu để chi hội trưởng chữ thập đỏ kiêm các chức danh như: Y tế thôn bản, chi hội trưởng phụ nữ, nông dân... thì cũng hợp lý vì công việc ở xóm thường là chỉ theo dõi, cập nhật tình hình của các hội viên và tổng kết cuối năm. Như tại xã Nhã Lộng có bà Lê Thị Thư ở xóm Thanh Đàm và bà Dương Thị Sinh ở xóm Trại đều đang kiêm hai CD Chi hội trưởng Chữ thập đỏ và Nông dân nhưng vẫn lãnh đạo xây dựng Chi hội hoạt động mạnh, hiệu quả.

Ở cấp xã cũng nên nhóm gọn một số tổ chức hội, đoàn thể. Theo ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Cù Vân (Đại Từ): Trên địa bàn xã, một số tổ chức hội chưa phát huy được vai trò của mình trong việc tập hợp, đại diện cho lợi ích của các hội viên, chưa thể hiện được là tổ chức góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của địa phương, chẳng hạn như: Hội đông y, hội làm vườn, hội người cao tuổi... Vì vậy, nên xã hội hóa các tổ chức này và đưa về một mối là Ủy ban MTTQ quản lý.

Về vấn đề này, ông Đặng Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) có thêm ý kiến: Theo tôi nên nhập các tổ dân phố có từ trên 100 hộ dân đến dưới 200 hộ dân, mức tối thiểu là 250 hộ dân/tổ. Khi chọn lựa cán bộ cơ sở có năng lực, trách nhiệm thì quy mô này vẫn điều hành công việc hiệu quả và sẽ giảm được nhiều đầu mối với hàng nghìn CD phải chi trả hỗ trợ hàng tháng.

Từ những vấn đề chúng tôi đề cập đến trên đây, chứng tỏ một điều: Đã đến lúc tỉnh cần rà soát để “siết” lại các CD hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và xóm/tổ dân phố trên tinh thần gọn lại nhưng phải mạnh. Đồng thời, người kiêm nhiệm được hưởng mức hỗ trợ tương xứng với công việc họ được giao.

Nhóm PV Phòng Xây dựng Đảng - Nội chính

Bài 2: Phân biệt tiêu chuẩn công chức: "Ngáng" luân chuyển cán bộ

Luân chuyển (LC) cán bộ lãnh đạo, quản lý là một chủ trương rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng. Qua LC, cán bộ được rèn luyện, thử thách và bồi dưỡng, tích lũy kinh nghiệm, nhất là đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số trong diện quy hoạch. Thời gian qua, chủ trương này đã được tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và đạt kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc LC cán bộ từ cấp xã lên cấp huyện đang bị “ngáng” bởi quy định tiêu chí công chức, khiến các địa phương trầy trật, thậm chí “bó tay”.

Vướng LC từ cấp xã lên cấp huyện

Định Hóa là địa phương thực hiện công tác LC cán bộ khá tốt. Nhiệm kỳ 2010-2015 có 5 cán bộ huyện được LC về giữ các chức danh lãnh đạo xã; 1 lãnh đạo xã LC lên huyện; 15 người khác LC giữa các phòng, ban và khối đoàn thể. Theo đánh giá của Huyện uỷ Định Hoá thì những cán bộ này đều có bước trưởng thành, tiếp cận nhanh với điều kiện và vị trí công tác mới. Tuy vậy, việc thực hiện chủ trương LC cán bộ cấp xã lên huyện ở Định Hóa gặp không ít khó khăn. Đồng chí Đàm Tiến Niên, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Định Hóa phân tích: Khó nhất hiện nay là tiêu chí công chức cấp xã và cấp huyện khác nhau. Định Hóa là huyện miền núi nên nhiều người không được đào tạo cơ bản, nhất là những cán bộ đã lớn tuổi. Đội ngũ công chức xã mới tuyển có trình độ chuyên môn khá tốt nhưng lại chưa được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo. Do đó, việc tìm cán bộ là lãnh đạo, quản lý cấp xã đủ tiêu chuẩn LC lên huyện không hề dễ.

Người duy nhất ở xã được LC lên huyện ở Định Hóa nhiệm kỳ qua là đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Huyện ủy viên, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường chia sẻ: Tôi là cán bộ trưởng thành từ cơ sở (công tác tại thị trấn Chợ Chu), đã có bằng thạc sĩ, nhưng khi mới được LC (từ Chủ tịch UBND thị trấn) lên huyện, tôi cũng gặp không ít lúng túng và bỡ ngỡ trong công việc, vì yêu cầu về chuyên môn và tầm bao quát cao hơn nhiều. Tôi đã phải tranh thủ thời gian, kể cả ngày nghỉ để đọc rất nhiều tài liệu, nỗ lực trau dồi kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn.

Đồng chí Lê Kim Phúc, Bí thư Huyện ủy Đại Từ: LC cán bộ từ xã lên huyện rất “vướng” do phải điều động biên chế, chỉ thực hiện được khi huyện “rỗng” biên chế hoặc chuyển công chức cấp xã lên đơn vị sự nghiệp của huyện (làm viên chức). Có trường hợp là lãnh đạo chủ chốt ở xã, đáp ứng đầy đủ tiêu chí về chuyên môn, năng lực nhưng khi LC lên huyện phải quy hoạch lại từ đầu (giống như tuyển công chức mới).

Cán bộ cấp xã được xem xét chuyển thành công chức từ cấp huyện trở lên có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn sau: 1- Cơ quan sử dụng công chức có nhu cầu tuyển dụng theo cơ cấu ngạch công chức phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng. 2- Có đủ các tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm. 3- Có thời gian làm cán bộ, công chức cấp xã từ đủ 60 tháng trở lên. 4. Có phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. 5. Không trong thời gian xem xét kỷ luật bị truy cứu trách nhiệm hình sự… (trích Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15-3-2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức). 

Công tác LC cán bộ tại huyện Võ Nhai cũng gặp vướng mắc tương tự. Cả nhiệm kỳ qua, toàn huyện có 3 cán bộ được LC xuống các xã và 2 cán bộ LC từ xã lên huyện; LC giữa các phòng, ban, đoàn thể là 9 người, từ xã này sang xã kia là 2 người. Mới đây, Ban Thường vụ Huyện ủy đã quyết định LC 3 cán bộ huyện xuống giữ chức danh chủ chốt tại 3 xã, nhưng không đặt chỉ tiêu LC cán bộ từ xã lên huyện trong cả nhiệm kỳ. Đồng chí Vũ Thị Huệ, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Võ Nhai cho rằng, trở ngại đáng kể nhất đối với công tác LC cán bộ, nhất là từ xã lên huyện là tiêu chí công chức của 2 cấp khác nhau. Mặt khác, cán bộ huyện được LC xuống xã vẫn giữ nguyên suất lương ở huyện, tạo ra một khoảng trống nhân sự, trong khi các địa phương tiếp nhận phải sắp xếp lại bộ máy để có chỗ cho người mới đến.

Liên thông để phá “rào”

Từ năm 2011 đến nay, huyện Đồng Hỷ đã LC 65 lượt cán bộ, trong đó có 6 cán bộ LC từ xã lên huyện. Các chế độ, chính sách đối với những cán bộ này được thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, khi trao đổi với một số cán bộ LC, chúng tôi nhận được nhiều tâm tư. Đó là, còn có cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ mục đích, yêu cầu của công tác LC, dẫn đến biểu hiện cục bộ, không muốn nhận người nơi khác về. Điều này phần nào gây khó khăn cho việc điều hành công việc của người mới đến. Nhiều cán bộ còn kiến nghị Huyện ủy cần sắp xếp, bố trí công việc phù hợp khi họ quay về. Đồng chí Đào Ngọc Khánh, Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến là người được LC từ Trung tâm Dạy nghề huyện về xã từ năm 2015 bày tỏ: Tôi mong muốn khi trở về sẽ được sắp xếp công việc, vị trí phù hợp với năng lực của mình.

Nói về những bất cập đang tồn tại ở địa phương trong thực hiện công tác này, đồng chí Phạm Văn Sỹ, Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ cho biết: Hiện nay, cán bộ LC từ tỉnh về huyện thì thụ hưởng biên chế cấp huyện, nhưng cán bộ huyện xuống cấp xã thì không điều chuyển biên chế, vì nếu để số cán bộ này thụ hưởng biên chế cấp xã khi trở về huyện sẽ phải xét tuyển lại. Do vậy, việc giao biên chế cho cấp huyện để liên thông LC cán bộ là rất cần thiết. Tôi cũng đề nghị các cơ quan chức năng ở Trung ương nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về phân cấp quản lý tổ chức, quản lý cán bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc LC cán bộ từ huyện xuống cơ sở và ngược lại. Không nên quy định riêng về tiêu chí công chức cấp xã và cấp huyện như hiện nay.

Ở các địa phương khác của tỉnh, như: T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công, T.X Phổ Yên việc LC cán bộ xuống cấp xã và ngược lại cũng phải để “trống” vị trí để chờ cán bộ quay trở lại và gặp những khó khăn tương tự. Có chăng thuận lợi hơn là do nguồn thu của các địa phương này lớn nên cân đối để tuyển thêm nhân viên hợp đồng bổ sung cho các đơn vị thiếu người làm do LC.

Về vấn đề LC, ông Lê Quang Trung, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Ban Tổ chức Tỉnh ủy) cho biết: Theo Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15-3-2010 của Chính phủ quy định về “Tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức” thì công chức cấp xã khó đủ điều kiện về tuổi, trình độ, năm công tác để trở thành công chức cấp huyện. Điều đó khiến việc LC cán bộ từ xã lên huyện của tỉnh thời gian qua hầu như không thực hiện được.

Vậy là, giải pháp mạnh mẽ để gạt chiếc ba-ri-e “ngáng” LC cán bộ là “xóa nhòa” ranh giới giữa công chức cấp xã và huyện. Nên quy định chỉ có một hạng công chức, tiêu chuẩn đầu vào của công chức xã và huyện như nhau; phân bổ biên chế cho cấp huyện cùng với công tác quy hoạch cán bộ bài bản, “dài hơi” đảm bảo hợp lý. Làm được điều này sẽ triệt tiêu tình trạng cán bộ LC gây xáo trộn về bộ máy, phá vỡ quy hoạch cán bộ của địa phương hoặc lúng túng trong xử lý khoảng trống về nhân sự và biên chế. Trong điều kiện các văn bản quy định của Trung ương chưa kịp sửa đổi thì tỉnh nên vận dụng hợp lý về đào tạo, bố trí cán bộ, đặc biệt là việc LC cán bộ từ cấp xã lên cấp huyện.

Nhóm PV Phòng Xây dựng Đảng - Nội chính 

Bài 3: Nhất thể hóa chức danh: Không phải tất cả “xuôi chèo mát mái” 

Hiện cả tỉnh có 6/9 đơn vị cấp huyện và 131/180 đơn vị cấp xã đồng chí Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch HĐND. Đây là kết quả việc thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị. Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến việc nhất thể hóa (NTH) chức danh ở cấp xã, không phải tất cả đều “xuôi chèo mát mái”.

Giảm họp hành, tăng trách nhiệm

Đồng chí Lê Thanh Tuyết, Bí thư Thị ủy Phổ Yên: Sau gần 2 năm thực hiện NTH ở xã Phúc Tân, có thể đánh giá Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND đã phát huy tốt vai trò, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và thực hiện tốt các nhiệm vụ. Đặc biệt là việc giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án Du lịch tâm linh hồ Núi Cốc triển khai đáp ứng yêu cầu đề ra.

Là người trực tiếp đảm nhiệm hai “vai” từ năm 2015 đến nay, đồng chí Trần Hữu Thắng, Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch HĐND xã Hóa Trung (Đồng Hỷ) cho biết: Tôi có điều kiện để chủ động, linh hoạt hơn khi thực hiện nhiệm vụ. Ví dụ như việc chỉ đạo Thường trực HĐND tổ chức giám sát một số nội dung theo kết luận của cuộc họp Ban Chấp hành, tôi nắm rõ những vấn đề cần phải theo dõi, giám sát, từ đó đưa ra hướng chỉ đạo sâu sát hơn. Hoặc với vị thế Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND, tôi thông qua cơ chế làm việc của HĐND để nắm bắt sâu hơn nguyện vọng của nhân dân địa phương, kịp thời cùng tập thể cấp ủy ban hành chủ trương lãnh đạo đúng đắn.

Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND được triển khai ở huyện và 11/18 xã, thị trấn. Đồng chí Phạm Văn Sỹ, Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND huyện Đồng Hỷ đánh giá: Mô hình đảm bảo được vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, nhất là người đứng đầu. Từ đó, việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và tổ chức thực hiện của HĐND đồng bộ, kịp thời; tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với việc triển khai, tổ chức thực hiện của chính quyền.

Tương tự huyện Đồng Hỷ, đại đa số Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã trên địa bàn huyện Võ Nhai đều cho rằng, một người nắm hai chức danh này là phù hợp, nhiều thuận lợi. Đồng chí Hoàng Ngọc Ánh, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã La Hiên phân tích: Dễ thấy nhất là giảm nhân sự trong bộ máy, kéo theo giảm chi phí để trả lương từ ngân sách. Bí thư là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan ra các nghị quyết, lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc và giám sát quá trình thực hiện. HĐND căn cứ vào các nghị quyết và lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy để xây dựng nghị quyết và kế hoạch giám sát. Một cán bộ đồng thời đứng đầu 2 cơ quan này sẽ giảm họp hành, báo cáo, việc xây dựng nghị quyết, chỉ đạo, giám sát thực hiện sẽ thông suốt hơn. Thêm nữa, Bí thư bắt buộc phải nghiên cứu văn bản liên quan đến hoạt động của cơ quan hành pháp, phải tiếp xúc cử tri và tiếp dân thường xuyên nên nắm rõ hơn tình hình cơ sở, bớt tệ quan liêu.

Đồng chí Vũ Mạnh Hưng, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND thị trấn Đình Cả phân tích rõ hơn: Công việc của Chủ tịch HĐND cấp xã chuyên trách không nhiều, không quá tách bạch và đòi hỏi chuyên nghiệp cao như các cấp trên. Theo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015, HĐND cấp xã có thêm 2 ban (Kinh tế - Xã hội và Pháp chế), cũng xây dựng kế hoạch và tiến hành giám sát độc lập, nên đã “san sẻ” bớt khối lượng công việc giám sát của Thường trực HĐND. Mặt khác, ở cấp xã không có quá nhiều vấn đề và không thể quanh năm suốt tháng tổ chức giám sát. Nếu để một cán bộ chỉ giữ chức danh Chủ tịch HĐND ở cấp xã là lãng phí về con người và ngân sách.

Nhưng vẫn cần điều chỉnh

Mặc dù mô hình NTH Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND xã đã được những người trong cuộc khẳng định nhiều  ưu điểm, nhưng vì sao vẫn chưa thực hiện được ở 100% số xã của tỉnh?

Phú Lương là địa phương còn đến 8/16 xã chưa thực hiện NTH chức danh này. Theo đồng chí Mông Chí Hồng, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Phú Lương thì chủ yếu là do công tác tổ chức cán bộ, độ tuổi tham gia nhiệm kỳ và luân chuyển cán bộ. Chẳng hạn như thị trấn Đu, thực hiện Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25/01/2016 của Chính phủ “Quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND”,  chức danh Phó Chủ tịch UBND chỉ còn 1 người nên đơn vị phải sắp xếp lại cán bộ. Thị trấn phải tách riêng chức danh Chủ tịch HĐND để sắp xếp vị trí công tác phù hợp cho cán bộ.

Tương tự, huyện Võ Nhai có 5/15 xã Bí thư Đảng ủy không kiêm Chủ tịch HĐND. Nguyên nhân cũng liên quan đến công tác cán bộ, cụ thể là xã Phú Thượng, 3 đồng chí đã và đang giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã đều được luân chuyển từ huyện về, không là đại biểu HĐND xã nên không thể kiêm nhiệm Chủ tịch HĐND. Xã Tràng Xá mới đây có một đồng chí là cán bộ huyện được luân chuyển xuống giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy khiến một số vị trí lãnh đạo chủ chốt của xã phải bố trí lại: đồng chí Hoàng Văn Tài, nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thôi giữ chức vụ này để đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐND xã chuyên trách, vốn do đồng chí Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy xã kiêm nhiệm. Hay trường hợp “đặc thù” là Bí thư Đảng ủy xã Nghinh Tường được cơ cấu để kiêm nhiệm Chủ tịch HĐND nhưng lại không trúng cử đại biểu HĐND xã; Bí thư Đảng ủy xã Thần Sa “xin” không tham gia HĐND để tập trung làm tốt công tác Đảng…

Mặc dù đa số người đang gánh hai “vai” cho rằng khối lượng công việc có thể gánh vác được, nhưng cũng có trường hợp rất vất vả. Cụ thể như xã La Hiên (Võ Nhai), đồng chí Hoàng Ngọc Ánh thừa nhận việc kiêm nhiệm cũng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng công việc của 2 bên, nhất là xã loại 1 đông dân cư và có tình hình khá phức tạp như La Hiên (xã hiện có trên 8.000 nhân khẩu, Đảng bộ lớn nhất huyện với 387 đảng viên). Không ít vụ việc khi thấy chính quyền giải quyết chưa thỏa đáng, người dân gửi đơn thư hoặc trực tiếp tìm gặp Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch HĐND để chất vấn. Vì vậy, để đảm nhiệm tốt cả 2 “vai” quan trọng này, người cán bộ phải có đủ cả tâm và tầm, đồng thời cán bộ giúp việc cũng phải tinh thông nghiệp vụ. Đối với những xã như La Hiên, phụ cấp kiêm nhiệm chức danh chủ tịch HĐND đối với bí thư hiện ở mức 20% là thấp so với khối lượng và áp lực công việc.

Để không chuyên quyền, độc đoán

Ngoài NTH chức danh Bí thư cấp ủy và Chủ tịch HĐND xã như trên đề cập. Thời gian qua, tỉnh còn thực hiện thí điểm chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã theo Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 2-2-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”. Ngày 20-5-2009, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 71-KH/TU về “Thí điểm Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở cấp xã” và chọn đơn vị cấp xã có tình hình kinh tế - xã hội phát triển ổn định, nội bộ đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao nhiều năm để thực hiện thí điểm. 4 đơn vị gồm: Xã Đức Lương (Đại Từ), Tân Dương (Định Hóa), Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) và thị trấn Bắc Sơn (Phổ Yên) đã triển khai mô hình thí điểm này.

Nhớ lại năm 2015, khi chúng tôi gặp gỡ, trao đổi với đồng chí Trần Ngọc Thành, người có 4 năm đảm nhiệm “tay cờ tay kiếm” Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND xã Phúc Xuân, đồng chí Thành đã “dự báo” mô hình này không thành công. Các lý do đưa ra như: Không có quy chế và hướng dẫn, tập huấn thực hiện; không được gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm thực hiện mô hình ở bất cứ đâu; bản thân ông là người đã có tuổi, không được đào tạo bài bản.

Thế nhưng, có một mô hình NTH Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã hình thành do nhu cầu cán bộ lại đang thực hiện hiệu quả ở xã Phúc Tân (Phổ Yên). Nhiệm kỳ 2015-2020, đồng chí Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND xã Phúc Tân được giao gánh vác nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy. Từ đó đến nay, xã Phúc Tân đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Năm 2016, lần đầu tiên sau 30 thành lập (năm 1986), xã bầu đủ 25 đại biểu HĐND. Đảng bộ xã đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu.

Là người gánh 2 trách nhiệm quan trọng, đồng chí Thái khẳng định: Việc NTH chức danh này sẽ nâng quyền lực cho một người, trên cơ sở lãnh đạo của tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành. Người đứng đầu tự tin hơn trong việc quyết sách các vấn đề của địa phương, hạn chế được sự không đồng nhất giữa Chủ tịch và Bí thư trong một số trường hợp. Tuy nhiên, để không rơi vào tình trạng chuyên quyền độc đoán, lẫn lộn vai trò Chủ tịch và Bí thư, đòi hỏi người đó phải có lập trường quan điểm và tư tưởng vững vàng. Từ đó, theo đồng chí Trần Hồng Thái, kinh nghiệm để hoàn thành tốt công việc là: Thực hiện tốt quy chế dân chủ để xây dựng mối đoàn kết, trên cơ sở sự lãnh đạo của tập thể, cá nhân phụ trách; phải xác định rõ vai trò ở từng công việc, khi nào chỉ đạo với tư cách là Bí thư, khi nào điều hành với vai trò là Chủ tịch; một điều nữa rất quan trọng là phải tạo uy tín thông qua hành động và hiệu quả công việc. Những gì đã hứa với dân hay tập thể thì nhất quyết phải làm cho bằng được.

Việc tiếp tục triển khai mô hình NTH hay không là do quyết định của cấp trên. Tuy nhiên, với những gì thu thập được từ thực tế, chúng tôi thiết nghĩ, nếu có quy chế giám sát tốt, chọn được cán bộ có phẩm chất và năng lực thì có thể triển khai được NTH Bí thư Đảng uỷ và Chủ tịch UBND cấp xã - công việc đang được cho là khó khả thi hiện nay.

Nhóm PV Phòng Xây dựng Đảng - Nội chính 

Bài 4: Bất hợp lý cơ cấu lãnh đạo UBND cấp huyện, xã

Việc rút bớt số lượng Phó Chủ tịch UBND ở cấp huyện và cấp xã đã dẫn đến tình trạng quá tải công việc ở nhiều địa phương. Vậy, bài toán tinh giản đầu mối và biên chế sẽ được giải như thế nào để đạt cả hai mục tiêu: Tiết kiệm nguồn chi trả lương nhưng công việc không tồn ứ?

Hiếm thời gian đi cơ sở

Do công việc nên chúng tôi thường xuyên có gặp gỡ trao đổi, phỏng vấn ông Phạm Việt Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai. Dù nhiệt tình và có phần “ưu ái” báo chí nhưng nhiều lúc ông Tiến cũng đành từ chối tiếp chúng tôi vì quá bận. Từ tháng 11-2016, một đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai chuyển công tác, công việc vốn đã nhiều nay ông lại phải cáng đáng thêm phần của đồng chí đó, trong khi huyện chưa kiện toàn được chức danh này. Lãnh đạo UBND huyện hiện chỉ có 2 người, ông Tiến và Chủ tịch UBND huyện cùng căng sức giải quyết công việc. Dành cho chúng tôi ít phút trao đổi ngắn ngủi, ông Tiến chia sẻ: Hôm nay còn được chứ ngày mai tôi có tới 5 cuộc họp cả sáng và chiều, có cuộc tôi chủ trì nên không thể vắng. Các vấn đề cần phải giải quyết hằng ngày cũng rất lớn, dừng một chút là ùn ứ ngay, tôi phải tranh thủ làm ngoài giờ. Bận quá nên lắm lúc muốn đi cơ sở kiểm tra, đôn đốc, động viên bà con cũng rất khó bố trí thời gian.

Tình hình trên huyện là vậy, về xã chúng tôi cũng gặp cảnh tượng tương tự.

Tỉnh Thái Nguyên có 9 đơn vị hành chính cấp huyện. Trong đó: Loại I gồm T.P Thái Nguyên và huyện Đại Từ; loại II gồm thị xã Phổ Yên, huyện Đồng Hỷ, Phú Lương, Võ Nhai, Phú Bình và huyện Định Hóa; loại III có T.P Sông Công.

- Theo Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 17-1-2008 của UBND tỉnh về việc phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn và một số quyết định điều chỉnh liên quan, cả tỉnh hiện có 180 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, loại I có 26 đơn vị, loại 2 có 114 đơn vị, loại III có 40 đơn vị.

Mặc dù đã “đặt lịch” trước, nhưng trong khi ngồi làm việc với chúng tôi, ông Tô Viết Sơn, Chủ tịch UBND xã Tiên Hội (Đại Từ) thường xuyên xin lỗi để xử lý việc khác. Khi thì công dân chạy thẳng vào phòng làm việc trình bày (dù đã có bộ phận một cửa), lúc thì cán bộ chuyên môn mang hồ sơ đến xin chữ ký, lúc lại có trưởng xóm gọi điện báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo giải quyết sự vụ. Ông Sơn trần tình: Hôm nay đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã đi họp, mọi việc do tôi phụ trách. Có ngày cả trưởng và phó đều đi họp hoặc xuống cơ sở thì hồ sơ bị dồn, chậm. Chưa kể, với vai trò là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã, chúng tôi phải xuống xóm dự họp, sinh hoạt với chi bộ theo phân công của Đảng ủy. Bộn bề công việc nên nhiều lúc chúng tôi cảm thấy quá mệt mỏi.

Bà Lưu Thị Oanh, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên): Phường Trung Thành có trên 14.000 nhân khẩu, 31 tổ dân phố, có hơn 50 cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn, được xác định là phường trung tâm phía Nam của T.P Thái Nguyên. Tuy vậy, phường vẫn chỉ là đơn vị hành chính cấp xã loại II, chỉ có 1 Phó Chủ tịch UBND. Tôi cho rằng, phường Trung Thành có 2 Phó Chủ tịch UBND như trước là hợp lý, mới đảm bảo chất lượng điều hành.

Một trong những địa phương đang quá tải công việc do thiếu lãnh đạo UBND là Phú Bình. Huyện có 11 xã loại II và 10 xã loại III, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định, những đơn vị cấp xã này chỉ được bố trí 1 Phó Chủ tịch UBND. Sự quá tải công việc thể hiện rõ hơn ở những xã, thị trấn đông tập trung đông dân cư như: Hương Sơn, Tân Đức, Tân Khánh… Do đó, những địa phương này đang kiến nghị xem xét, sắp xếp bộ máy của UBND cấp xã sao cho phù hợp, hiệu quả hơn, tránh để xảy ra ùn tắc, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Ông Dương Thế Hưng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hương Sơn cho biết: Trước thời điểm tháng 10-2016, tôi là Phó Chủ tịch UBND thị trấn phụ trách mảng kinh tế, ngoài ra có thêm 1 phó chủ tịch UBND thị trấn phụ trách mảng Văn hóa - Xã hội nên tôi còn có thời gian đi cơ sở. Nhưng từ khi thị trấn bị rút xuống chỉ còn 1 Phó Chủ tịch UBND thì tôi kiêm luôn cả mảng Văn hóa - Xã hội, công việc bù đầu. Toàn thị trấn có 2.373 hộ với trên 9.500 nhân khẩu, hàng ngày người dân đến trụ sở UBND để làm các thủ tục chứng thực rất đông, nên phần lớn thời gian của tôi chỉ để ký, trung bình mỗi ngày tôi phải ký khoảng 400 lượt giấy tờ. Trước đây, 1 tháng tôi có thể xuống xóm ít nhất 4 lần, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, giờ thì đa số thông tin cơ sở trông chờ vào đội ngũ lcán bộ xóm.

Không chỉ ở xã, mà huyện Phú Bình cũng đang “khát” được bố trí thêm 1 Phó Chủ tịch UBND. Đồng chí Đinh Hồng Thanh, Bí thư Huyện ủy Phú Bình tại Hội nghị “Tổng kết công tác đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” do tỉnh tổ chức, đã bày tỏ: Huyện chúng tôi đang rất thiếu một Phó Chủ tịch UBND vì khối lượng công việc ở địa phương ngày càng lớn.

Lời giải nằm ở đâu?

Luật Tổ chức chính quyền địa phương do Quốc hội ban hành ngày 19-6-2015, có hiệu lực từ ngày 1-1-2016. Luật quy định về phân loại đơn vị hành chính dựa trên các tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính trực thuộc, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố đặc thù. Trong đó, ngoài đơn vị hành chính đặc biệt như: T.P Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh, các đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện và xã phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III. Luật cũng quy định cơ cấu của Hội đồng Nhân dân (HĐND) cấp huyện có Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Cơ cấu của Ủy ban nhân dân (UBND) huyện loại I có không quá 3 Phó Chủ tịch; huyện loại II và loại III có không quá 2 Phó Chủ tịch. Tương tự, HĐND xã có Chủ tịch và 1 Phó Chủ tịch. UBND xã gồm Chủ tịch, không quá 2 Phó Chủ tịch nếu là xã loại I; xã loại II và loại III chỉ có 1 Phó Chủ tịch.

Và tình trạng người thì ít, việc lại nhiều dồn lên lãnh đạo UBND các cấp như trên chúng tôi đã đề cập.

Để giải bài toán thiếu Phó Chủ tịch UBND khi thực hiện Luật, có ý kiến đề xuất điều chỉnh giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND để “san” sang UBND vì công việc của HĐND có vẻ “nhàn” hơn. Trao đổi với những người hiện đang là Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Từng có thời gian giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, ông Nịnh Văn Hào được bầu làm Phó Chủ tịch HĐND huyện từ tháng 7-2016. So sánh công việc giữa 2 cương vị này, ông Hào cho biết: Bên UBND phải điều hành thường xuyên, trực tiếp giải quyết các vấn đề liên quan đến mọi mặt cuộc sống nên khối lượng công việc và áp lực lớn hơn, còn HĐND làm việc chủ yếu theo kế hoạch, trọng tâm là hoạt động giám sát, khảo sát nên đỡ áp lực hơn.

Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng, nếu 2 Phó Chủ tịch và những người chuyên trách của HĐND cấp huyện làm hết trách nhiệm thì cũng không “nhàn” chút nào. Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai Phạm Việt Tiến đã trải qua 1 khóa giữ chức Phó Chủ tịch HĐND huyện, phân tích: Làm lãnh đạo HĐND có cái khó hơn UBND vì phải am hiểu rất nhiều vấn đề thì mới giám sát tốt, trong khi không có hướng dẫn cụ thể như công việc của UBND. Thực tiễn cuộc sống ngày càng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp cần giám sát và phản biện để điều chỉnh kịp thời. Do vậy, HĐND các cấp rất cần tổ chức những cuộc giám sát chuyên đề, đi vào từng ngóc ngách, những vấn đề mới, nóng mà dư luận quan tâm. Nếu vậy thì công việc của HĐND không hề nhàn.

Theo chúng tôi, để thực hiện nghiêm Luật Tổ chức chính quyền địa phương của Quốc hội, cấp có thẩm quyền sớm rà soát, cắt giảm cán bộ, đầu mối đối với khối các tổ chức hội, đoàn thể để “nhường” chỉ tiêu biên chế cho Thường trực UBND và các lĩnh vực quản lý Nhà nước cấp xã - cấp trực tiếp giải quyết công việc. Đặc biệt, ngành Tư pháp tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền về cơ chế chính sách, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để phát triển dịch vụ công chứng, chứng thực về cấp xã. Như vậy sẽ giảm áp lực cho UBND cấp xã vì đang phải “bao” loại dịch vụ công, chiếm quá nhiều thời gian của Chủ tịch và Phó Chủ tịch. Đồng thời, lãnh đạo UBND cấp huyện, xã cũng cần chủ động sắp xếp công việc khoa học, hợp lý, hiệu quả; bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ tham mưu giúp việc, theo hướng một người làm được nhiều việc, nhằm giảm áp lực lên lãnh đạo UBND.

Nhóm PV Phòng Xây dựng Đảng - Nội chính

Bài cuối: Đã đến lúc sắp xếp lại tổ chức Đảng trực thuộc

Hiện nay, Tỉnh ủy Thái Nguyên có 19 đảng bộ (ĐB) trực thuộc, gồm 9 ĐB cấp huyện, 2 ĐB khối, 7 ĐB còn lại ở các loại hình: Lực lượng vũ trang, y tế, giáo dục, sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, 4 ĐB chúng tôi đề cập dưới đây đang đối mặt với nhiều thách thức, nếu không có giải pháp kịp thời thì vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng sẽ khó khẳng định trong các đơn vị này.

Tháo gỡ để đổi mới

Một ĐB có số đảng viên đông là ĐB Đại học Thái Nguyên (ĐHTN). Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy có 27 đồng chí, tất cả đều có học vị từ tiến sĩ trở lên, trình độ lý luận chính trị cao cấp và cử nhân. Đảng ủy đã tập trung cho mục tiêu xây đội ngũ trình độ cao, phát triển ĐHTN thành trung tâm giáo dục lớn thứ 3 cả nước, nơi đào tạo nguồn nhân lực chính cho các tỉnh miền núi phía Bắc… Mặc dù đạt được nhiều kết quả nổi bật về chuyên môn, nhưng việc lãnh đạo xây dựng ĐB trong sạch, vững mạnh toàn diện và lãnh đạo các đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ chưa thực sự tốt.

Điển hình là tình trạng mất đoàn kết nội bộ ở một số đơn vị thuộc ĐHTN vẫn xảy ra. Ngay như tại đại hội ĐB các cấp, nhiệm kỳ 2015-2020, có 3/11 chi, ĐB cơ sở bầu thiếu từ 1 đến 6 cấp uỷ viên; 4/11 chi, ĐB nhân sự quy hoạch Ban Thường vụ nhưng không trúng cấp uỷ (đến nay các tổ chức đảng này không đề nghị bổ sung); một số chi bộ trực thuộc không bầu được bí thư. Sau đại hội, một số chi, ĐB không lãnh đạo được đơn vị nhất thể hoá chức danh bí thư đồng thời là hiệu trưởng, chưa xây dựng được quy chế phối hợp giữa Đảng uỷ với chính quyền để vận hành bộ máy hiệu quả (cuối tháng 3-2017, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên mới kiện toàn được chức danh Hiệu trưởng). Công tác kiểm tra của ĐB chưa mạnh mẽ, quyết liệt, dẫn tới việc xử lý kỷ luật đảng viên theo kết luận kiểm tra của Uỷ ban Kiểm tra Đảng uỷ Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp của cấp uỷ này kéo dài (có trường hợp hơn 6 năm chưa giải quyết dứt điểm).

Các tổ chức cơ sở đảng đông đảng viên, có nhiều chi bộ trực thuộc, có vị trí quan trọng (về một trong các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng) có thể đặt trực thuộc Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương. (Quy định số 29-QĐ/TW của Ban Chấp hành TW  ngày 25 tháng 7 năm 2016 về thi hành Điều lệ Đảng).

 

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên được Đảng uỷ ĐHTN xác định: Cấp uỷ viên các cấp chưa tinh thông đảng vụ nên ảnh hưởng đến chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo; một số cấp uỷ viên trúng cử với số phiếu thấp nên đảng viên, quần chúng ít “tâm phục, khẩu phục”, nên chỉ đạo, điều hành gặp khó khăn; còn tình trạng nể nang, né tránh dẫn tới việc phê bình, tự phê bình đối với tổ chức đảng và đảng viên chưa kiên quyết; vai trò lãnh đạo của cấp uỷ còn mờ nhạt so với vai trò lãnh đạo của chính quyền. Ngoài ra, một nguyên nhân dễ nhận thấy là thiếu cán bộ chuyên trách. Với trên 3.200 đảng viên, sinh hoạt tại 11 chi, ĐB cơ sở, lãnh đạo trên 4.000 cán bộ, giảng viên và trên 70.000 học sinh, sinh viên, nhưng số cán bộ chuyên trách của ĐB chỉ vỏn vẹn 5 người thuộc Văn phòng Đảng uỷ, còn các ban: Tổ chức, Kiểm tra, Tuyên giáo, Dân vận đều kiêm nhiệm. Ngay như đồng chí Phạm Hồng Quang, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy cũng đảm nhiệm công việc chính là Hiệu trưởng một trường đại học thành viên. Đồng chí Quang đã nhiều lần đề đạt nguyện vọng có cấp phó chuyên trách và kinh phí để hoạt động, nhưng chưa được giải quyết.

Bí thư cấp ủy được bầu theo quy định của Điều lệ Đảng và đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, nơi không có Chủ tịch Hội đồng quản trị thì Bí thư cấp ủy đồng thời là Tổng giám đốc doanh nghiệp (trích Quy định số 69-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 13-2-2017).

Tổ chức nhỏ, trách nhiệm to

Nếu như ĐB ĐHTN có đến 3.200 đảng viên, thì số đảng viên của ĐB Công ty CP Đầu tư và Sản xuất công nghiệp Thái Nguyên chỉ bằng 1/14. Đây cũng là ĐB có số đảng viên ít nhất trong 19 ĐB trực thuộc Tỉnh ủy.

Thành lập đã 17 năm (được tách ra từ Công ty Vật liệu xây dựng) nên khi cổ phần hóa, cơ cấu ngành nghề của Công ty CP Đầu tư và Sản xuất công nghiệp Thái Nguyên thay đổi đáng kể: Quy mô lao động giảm từ 2.000 người xuống còn 1.250 người. Số đảng viên của ĐB giảm từ 375 xuống còn 230 người. ĐB hiện có 6 chi, đảng bộ cơ sở, tổ chức theo 5 đơn vị sản xuất hạch toán phụ thuộc, nằm rải rác ở trong và ngoài tỉnh (trừ Chi bộ cơ quan Công ty). Ban Thường vụ Đảng ủy có 4 người. Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Công đoàn. Đảng ủy cũng không thành lập các ban tham mưu về xây dựng Đảng, chỉ có một cán bộ văn phòng tổng hợp giúp việc Bí thư về Đảng vụ.

Nói về thuận lợi, khó khăn khi là tổ chức Đảng trực thuộc Tỉnh ủy, đồng chí Lâm Văn Hưu, Bí thư Đảng ủy cho biết: Chúng tôi được lĩnh hội trực tiếp sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy. Khó khăn đáng kể nhất là phải triển khai, xử lý nhiều văn bản của cấp trên, dự nhiều cuộc họp, trong khi nhân lực hạn chế, khó bố trí thêm người vì chủ trương tiết giảm chi phí. Tuy nhiên, nếu ĐB trở thành tổ chức cơ sở đảng sẽ hạn chế thẩm quyền (ví dụ kết nạp hoặc khai trừ đảng viên) và khó tổ chức sinh hoạt toàn Đảng bộ 6 tháng một lần theo Điều lệ Đảng.

Tương tự ĐB Công ty CP Đầu tư và Sản xuất công nghiệp là ĐB Công ty CP Kim loại màu (Vimico) Thành lập đã 37 năm, ĐB khi đó gồm 6 tổ chức cơ sở Đảng đặt ở các tỉnh Cao Bằng, Hà Tuyên (nay là Hà Giang và Tuyên Quang), Bắc Thái (nay là Thái Nguyên và Bắc Kạn), với trên 900 đảng viên. Những năm sau đó, quy mô Công ty liên tục mở rộng bằng việc tiếp nhận thêm một số đơn vị sản xuất kinh doanh khu vực phía Bắc. Đảng bộ có 22 chi, đảng bộ cơ sở, số lượng đảng viên có thời điểm lên tới trên 1.000 người. Nhưng quy mô ĐB thay đổi do chuyển giao tổ chức Đảng về sinh hoạt theo lãnh thổ. Hiện nay, ĐB chỉ có 3 ĐB cơ sở và 13 chi bộ trực thuộc với 521 đảng viên. Các đảng ủy viên đều lãnh đạo các đơn vị, bộ phận. Mọi công việc của ĐB do đồng chí Phó Bí thư Thường trực đảm nhiệm. Để thực hiện vai trò lãnh đạo, Đảng ủy kết hợp sinh hoạt Đảng lồng ghép với các cuộc họp về chuyên môn. Đồng chí Bùi Tiến Hải, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên thẳng thắn: Với quy mô hoạt động cũng như vị trí, vai trò của đơn vị với tỉnh như hiện nay, tôi nghĩ ĐB có thể “thu nhỏ” thành Đảng bộ cơ sở sẽ phù hợp hơn…

Một trong những việc mới và đáng quan tâm của các ĐB cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối là thực hiện Quy định số 69-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 13-2-2017. Trong đó quy định Bí thư Đảng ủy phải là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Đồng chí Bùi Tiến Hải cho rằng đây là quy định chưa phù hợp. Cụ thể ở Công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị làm việc ở Tổng Công ty (Hà Nội), không trực tiếp điều hành, quản lý, không chịu trách nhiệm pháp luật của Công ty sẽ khó đảm đương vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với đơn vị.

Và còn nhiều bất cập khác

Một thời được coi là “trái tim” của Thái Nguyên, đến nay tuy “phong độ” không còn như trước, nhưng ĐB Công ty CP Gang thép Thái Nguyên vẫn là ĐB lớn với gần 2.000 đảng viên (trên tổng số hơn 5.000 người lao động), sinh hoạt tại 37 tổ chức cơ sở đảng. Đảng ủy Công ty có 1 Bí thư và 1 Phó Bí thư chuyên trách, 4 cơ quan tham mưu giúp việc (mỗi ban có từ 1 đến 2 người kiêm nhiệm). Việc xây dựng tổ chức bộ máy có trách nhiệm lãnh đạo của Đảng ủy, nhưng quyền quyết định thuộc về Hội đồng quản trị nên đòi hỏi quá trình hiệp thương, hợp tác kiên trì giữa hai bên. Kinh phí hoạt động của tổ chức Đảng hạn hẹp, phụ thuộc vào phê duyệt của Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Công ty.

Vì Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên có số vốn Nhà nước chiếm trên 77% nên sắp tới ĐB Công ty phải thực hiện Quy định số 69-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (như trên đã đề cập). Đồng nghĩa với việc các chức danh lãnh đạo Đảng ủy sẽ phải kiêm nhiệm chức danh quản lý, các ban tham mưu của Đảng ủy phải được sắp xếp, nhất thể hóa với các phòng liên quan.

Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phân tích: Tổ chức Đảng trong Công ty CP Gang thép hiện nay là khá phù hợp với mô hình công ty CP vốn Nhà nước chi phối. Công ty đang đẩy mạnh tái cơ cấu nhằm tinh giản, tinh gọn bộ máy, nhưng riêng bộ máy của Đảng trong đơn vị sẽ rất khó tinh giản tiếp. Việc thực hiện Quy định số 69 của Ban Bí thư sẽ góp phần để bộ máy tinh gọn hơn, nhưng sẽ khó đảm bảo chất lượng, tiến độ công việc, nhất là đảng vụ. Việc sắp xếp, bố trí nhân sự theo Quy định cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Chúng tôi mong cấp trên sớm có hướng dẫn cụ thể để thực hiện đúng, hiệu quả Quy định này.

Trên đây là những gì chúng tôi nắm bắt được ở một số đảng bộ cấp trên cơ sở. Hiện thực cuộc sống đang yêu cầu cần được điều chỉnh về quy mô, tháo gỡ các khó khăn để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Thay lời kết

Như vậy, từ bài báo ra ngày 10-4 đến bài báo ra hôm nay, 14-4, các phóng viên Xây dựng Đảng - Nội chính, Báo Thái Nguyên đã có 5 bài đề cập đến 2 nội dung chính của Đề án TW6 về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Để đáp ứng yêu cầu của Đề án: “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá khách quan, phân tích sâu sắc những việc đã làm được, chưa làm được; những khó khăn, vướng mắc; những nội dung không phù hợp với thực tiễn; chỉ rõ nguyên nhân; rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện”, chúng tôi đã đưa đến bạn đọc tiếng nói chân thực, trách nhiệm của những người đang làm việc trực tiếp ở cơ sở. Chúng tôi xin chuyển mong muốn của họ tới Tỉnh ủy Thái Nguyên, Trung ương Đảng xem xét, điều chỉnh những gì chưa phù hợp với thực tế cuộc sống, để ý Đảng và lòng Dân luôn đồng hành trên con đường phát triển.

Nhóm PV Phòng Xây dựng Đảng - Nội chính

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất