Nhốt quyền lực trong lồng cơ chế

Lộc Thượng - Anh Minh Tạp chí Nhân quyền Việt Nam

Bài 1: Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ

“Nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” là cách nói hình ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác kiểm soát quyền lực. Kiểm soát quyền lực ở nước ta là kiểm soát quyền lực của hệ thống chính trị, bao gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Đó là một công việc to lớn mà loạt bài này muốn chỉ ra những “đòn điểm huyệt” trong kiểm soát quyền lực hiện nay. Trước hết, đó là việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Tham nhũng trong công tác cán bộ là tham nhũng khó chống nhất

Cách đây gần nửa thiên niên kỷ, Thomas Hobbes (1588-1679), nhà triết học và xã hội học người Anh đã viết tác phẩm Leviathan, ông ví quyền lực nhà nước như con thủy quái Leviathan trong Kinh Thánh. Theo cách hiểu này, quyền lực luôn có bản tính tha hóa. Vì lẽ đó, phải kiểm soát quyền lực như “kiểm soát một con thủy quái”.

Tranh luận tha hóa có phải bản tính tự nhiên của quyền lực hay không, cũng như tranh luận con người sinh ra vốn tính thiện hay tính ác sẽ còn kéo dài, nhưng thực tế lịch sử chỉ ra rằng, chưa có nhà nước nào trong lịch sử (kể cả mô hình nhà nước XHCN đã xuất hiện ở Liên Xô, Đông Âu thế kỷ trước) mà quyền lực không bị tha hóa. Nguồn gốc của vấn đề này, trước hết đến từ nguyên nhân kinh tế. Chủ nghĩa Mác-Lênin dự báo rằng, mô hình nhà nước XHCN sẽ là kiểu “nhà nước nửa nhà nước, nhà nước tự tiêu vong”, một mô hình nhà nước tốt đẹp không bị tha hóa quyền lực. Nhưng nhà nước XHCN chỉ “tự tiêu vong” khi mà con người đã tiến lên một trình độ rất cao, nền sản xuất xã hội đã đủ sức thỏa mãn nhu cầu rất cao của con người. Chừng nào chưa đạt được trình độ sản xuất ấy, việc dùng quyền lực để đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần là “xu hướng tự nhiên” của con người, ngoại trừ những trường hợp, hoàn cảnh đặc biệt.

Ở Việt Nam, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ có thể xem là hoàn cảnh đặc biệt. Khi mà nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước bị đe dọa; một thế hệ cán bộ, đảng viên được sinh ra trong “thời thế” đó, lại được Đảng giáo dục, rèn luyện nghiêm túc, đúng đắn nên chúng ta có “những con người XHCN”. Khi chúng ta bước vào thời kỳ hòa bình xây dựng và phát triển đất nước, có những cán bộ, đảng viên từng “sáng trong như ngọc” bắt đầu thu vén cho riêng mình, cho gia đình, con cháu là một xu hướng khó tránh khỏi. Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay trong lúc cuộc kháng chiến chống Pháp (năm 1947) còn gian khó, vẫn dành thời gian viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để chỉ rõ những dấu hiệu tha hóa quyền lực của cán bộ, đảng viên như lạm quyền, lộng quyền, trục lợi từ quyền, độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, tùy tiện, vô trách nhiệm, tham quyền cố vị...

Hội thảo khoa học

Hội thảo khoa học "Kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng - Thực trạng và giải pháp". Ảnh: TL


Hiện nay, có nhiều cán bộ quan niệm: “Không gì giàu nhanh bằng làm quan. Có cương vị, quyền thế rồi thì thu lại mấy hồi…”. Và với tư duy đó, những người có chức, có quyền thường có xu hướng lợi dụng mọi lỗ hổng trong công tác cán bộ của Đảng để bố trí “ghế” cho “đồ đệ, hậu duệ”. Những người được bổ nhiệm vào chức vụ lần đầu, sẽ tìm mọi cách xây dựng ê kíp của mình để củng cố quyền lực. Họ sẽ can thiệp vào mọi khâu trong công tác cán bộ. Trong nhận xét, đánh giá cán bộ định kỳ thì “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, “nói việc nhỏ, bỏ việc lớn”; nhận xét khi người nhà vi phạm khuyết điểm thì nương nhẹ, bao biện, đổ lỗi nhằm giảm nhẹ hình thức kỷ luật; nhận xét để đề cử, bổ nhiệm người nhà thì phóng đại thành tích, nói giảm, nói tránh khuyết điểm. Trong quy hoạch cán bộ thì du di, hạ thấp tiêu chuẩn, cho nợ điều kiện đối với người thân; lợi dụng chính sách quy hoạch “động và mở” để kiếm cớ, gây sự, đưa người không cùng ê-kíp ra khỏi quy hoạch; phù phép, “biến hóa” lý do để bổ sung người thân quen vào quy hoạch; “quy hoạch treo” bằng cách quy hoạch tràn lan, rất nhiều người cho một ví trí để dễ bề thao túng công tác cán bộ...

Đảng ta đã có quy định về quy trình công tác cán bộ, nhưng khi người đứng đầu đã thoái hóa, biến chất thì “quy trình” đó sẽ được vận hành để chọn trúng vào “đồ đệ, hậu duệ, tiền tệ”. Đặc biệt là hiện nay, nổi lên những dòng họ có “đại gia” làm trụ cột. (Đại gia là những gia đình có quyền lực hoặc giàu có; hoặc những gia đình vừa giàu có, vừa quyền lực). Những “đại gia” như vậy sẽ chi phối công tác cán bộ cả một cơ quan, đơn vị hay địa phương. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ khối tài sản lớn và việc giữ cổ phần của gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa tại Công ty Điện Quang. Hay như vụ 15 người giữ các chức vụ chủ chốt được xác định là người thân và họ hàng của Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo đảm Hàng hải miền Nam... Ủy ban Kiểm tra Trung ương từng phải tổ chức các đoàn kiểm tra hiện tượng “cả họ làm quan” ở 9 địa phương, bao gồm cả cấp cơ sở lẫn cấp trực thuộc Trung ương như: Yên Bái; Hà Giang; Hạ Sơn (Quỳ Hợp, Nghệ An); huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế); huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk)… Thời gian qua, Đảng ta đã công khai xử lý kỷ luật nhiều trường hợp “hậu duệ” như: Ông Nguyễn Xuân Anh, con trai đồng chí Nguyễn Văn Chi, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; ông Lê Trương Hải Hiếu và ông Lê Tấn Hùng, con trai và em trai đồng chí Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; ông Vũ Quang Hải, con trai ông Vũ Huy Hoàng, cựu Ủy viên Trung ương Đảng

“Lồng cơ chế” kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ đã rõ ràng

Thời gian qua, công tác cán bộ của Đảng và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao; phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước được đổi mới; vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững, niềm tin của Nhân dân với Đảng được củng cố; đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp đã có bước trưởng thành và tiến bộ về nhiều mặt.

Tuy nhiên, việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện.

 Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm; tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân. Trong lĩnh vực công tác cán bộ rất dễ lạm dụng quyền lực để trục lợi, như: thực hiện công tác cán bộ không đúng quy định, không công khai, minh bạch, công tâm, khách quan; một số nơi, một số trường hợp thi, tuyển dụng công chức, viên chức chỉ mang tính hình thức; quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, đi học, đi đào tạo không theo tiêu chuẩn.

Để xảy ra tình trạng lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ do nhiều nguyên nhân, mà một trong số đó là do còn những thiếu sót, hạn chế đối với việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; do chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực một cách hữu hiệu. Phân công, phân cấp, phân quyền chưa gắn với ràng buộc trách nhiệm, với tăng cường kiểm tra, giám sát và chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Chưa có biện pháp hữu hiệu để kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy quyền và những tiêu cực trong công tác cán bộ. Thiếu chặt chẽ, hiệu quả trong phối hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm. Công tác quy hoạch cán bộ vẫn còn sự hẫng hụt, chắp vá, không đồng bộ và thiếu chủ động trong công tác bố trí, phân công cán bộ. Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc...

Quy hoạch cán bộ vẫn còn thiếu tính tổng thể, liên thông giữa các cấp, các ngành, các địa phương; còn dàn trải, khép kín, chưa bảo đảm phương châm “động” và “mở”. Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu” xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội, gây mất niềm tin của Nhân dân. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...

Lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ thường đi liền với tham nhũng. Thực chất những việc, như lạm dụng quyền lực để đưa người nhà, thân tín vào trong bộ máy lãnh đạo để tạo thành mối quan hệ gia đình, phe cánh đan xen vào mối quan hệ công việc là biến tướng của tham nhũng. Đặc biệt, tham nhũng trong công tác cán bộ là dạng tham nhũng khá phổ biến và cũng khó chống nhất. Dạng tham nhũng này lại cực kỳ nguy hiểm, vì nó phá hoại chủ trương, đường lối, chiến lược công tác cán bộ, làm hư hỏng đội ngũ cán bộ. Nếu không có biện pháp phòng, chống hữu hiệu thì hệ quả để lại rất nghiêm trọng, sẽ tạo ra một đội ngũ cán bộ, công chức yếu kém, thậm chí sẽ làm cho hệ thống chính trị bị mục ruỗng và khó tránh khỏi khủng hoảng chính trị, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 30-6-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở rằng, phòng, chống tham nhũng quyền lực là một trọng tâm của công tác cán bộ hiện nay. Bởi như cha ông ta đã dạy: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, “Cấp trên ở chẳng chính ngôi/Cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào”.

Trọng tâm công tác kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ hiện nay là đưa Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền vào cuộc sống. Quy định này đã đề ra 6 nội dung đối với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị; 6 nội dung đối với thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị; quy định rõ trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị được giao thực hiện công tác cán bộ ở các cấp. Đặc biệt, Quy định 205-QĐ/TW chỉ rõ các hành vi chạy chức, chạy quyền sẽ bị xử lý. Như vậy đến nay, chiếc “lồng cơ chế” để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ đã cơ bản tương đối đầy đủ. Giai đoạn 2013-2022 vừa qua, Đảng ta đã nỗ lực rất lớn để hoàn thiện cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống chính trị. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu của Đảng đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng; Quốc hội ban hành hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 2.600 nghị định, quyết định, chỉ thị; cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương ban hành hơn 45.000 văn bản; các bộ, ngành, địa phương ban hành gần 100.000 văn bản để cụ thể hóa, hướng dẫn thi hành, tổ chức thực hiện. Rõ ràng, cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, cơ chế kiểm soát quyền lực nói riêng của nước ta tương đối đầy đủ, bộ máy (kiểm tra, nội chính, công an, thanh tra, viện kiểm sát, tòa án...) đã cơ bản hoàn thiện. Trước đây, chúng ta còn lúng túng về phương pháp, nhưng hiện nay, chúng ta đã tìm ra giải pháp kiểm soát từ trên xuống. Kiểm soát quyền lực trong 5 triệu đảng viên là khó, nhưng tập trung kiểm soát chừng vài ba trăm cán bộ cấp chiến lược thì sẽ dễ dàng hơn, nhất là khi chúng ta biết phát huy vị trí, vai trò đảng viên và tổ chức đảng, mở mang tai mắt từ nhân dân. Trước đây, vấn nạn “đồ đệ, hậu duệ, tiền tệ” phát tác rất phức tạp, nhưng khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương bắt đầu phát đi những “hồi trống lệnh” đấu tranh kiên quyết bằng việc xử lý kỷ luật rất nhiều con em cán bộ cấp cao (con em của nhiều đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy...) thì “phong trào” thu vén cho “tứ ệ” đã từng bước được ngăn chặn. Điều cần nhất lúc này là sự tự giác, sự thống nhất cao về ý chí và hành động trong toàn Đảng và từng cán bộ, đảng viên; là kiên quyết đưa cơ chế vào thực thi trong thực tiễn.

 

Bài 2: Kiểm soát quyền lực nhà nước

 

Kiểm soát quyền lực Nhà nước luôn là vấn đề trung tâm của công tác kiểm soát quyền lực đối với mọi thể chế. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”. Kiểm soát quyền lực Nhà nước là vấn đề lớn, đòi hỏi chúng ta phải tìm ra các khâu then chốt để có thể tìm ra giải pháp đột phá cho vấn đề này.

Thực tiễn tha hoá quyền lực

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại dành sự quan tâm đặc biệt với nội dung kiểm soát quyền lực trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Thành bại của cách mạng xã hội chủ nghĩa chính là phụ thuộc vào khả năng kiểm soát quyền lực có thành công hay không, vấn đề mà các cuộc cách mạng xã hội trước đó đã không giải quyết được.

Những người cộng sản luôn khẳng định, để thực hiện sứ mệnh giải phóng xã hội, giải phóng con người, nhà nước xã hội chủ nghĩa sẽ là kiểu nhà nước tiến bộ nhất trong lịch sử, một kiểu nhà nước không coi quyền lực là nhu cầu tự thân mà quyền lực là của dân, do dân và vì dân. Nhà nước xã hội chủ nghĩa sẽ tiến lên nhà nước cộng sản chủ nghĩa để rồi phát triển tới mức “tự tiêu vong”, đưa quản trị xã hội đạt đến trình độ tự giác và văn minh. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kế thừa và phát triển những quan điểm, tư tưởng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng ta về vấn đề kiểm soát quyền lực để khẳng định quan điểm về sự cần thiết phải “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”.

Theo đó, quyền lực Nhà nước là một yếu tố rất quan trọng, rất cần thiết trong thời kỳ xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nhưng quyền lực luôn có xu hướng tha hoá, “tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”. Quyền lực Nhà nước là quyền lực được Nhân dân uỷ nhiệm; dó đó, đội ngũ đảng viên là công chức, viên chức làm việc trong hệ thống chính trị nói chung, trong Nhà nước nói riêng phải nhận thức được nghĩa vụ “vừa là người lãnh đạo, vừa là đày tớ trung thành của nhân dân”, họ phải là công bộc thật sự, luôn phải gột bỏ tư tưởng “quan phụ mẫu” khi được giao chức trách, nhiệm vụ. Quyền lực Nhà nước bao giờ cũng được giao cho một nhóm nhỏ cá nhân trong xã hội nắm giữ và những cá nhân này luôn dễ mắc bệnh “cua cậy càng, cá cậy vây”, thao túng, lạm dụng quyền lực công để vun vén lợi ích riêng. Quyền lực Nhà nước là quyền lực của toàn thể Nhân dân nhưng lại trao trong tay những đại biểu, những đại biểu là cán bộ, công chức, viên chức này có sự hữu hạn về phẩm chất, năng lực cụ thể khi sử dụng quyền lực. Ai cũng có thể mắc sai lầm, vì vậy, phải có cơ chế để hạn chế những sai lầm cá nhân khi sử dụng quyền lực Nhà nước. Trong thời kỳ quá độ, Nhà nước là chủ thể độc quyền cưỡng chế hợp pháp; điều đó đòi hỏi phải sử dụng quyền lực Nhà nước một cách hợp lý, tránh lợi dụng, lạm dụng để gây hậu quả cho xã hội.

Hội nghj Trung ương 6 khoá XIII đã thảo luận về Đề án tiếp tục xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới.

Hội nghj Trung ương 6 khoá XIII đã thảo luận về Đề án tiếp tục xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới. Ảnh: TL


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, thực tiễn tha hoá quyền lực Nhà nước ở Việt Nam thời gian qua đang diễn ra theo hai hướng. Một là, tình trạng lạm quyền và lộng quyền. Đó là những hành vi lợi dụng quyền lực được giao, làm và quyết định những việc vượt quá thẩm quyền. Biểu hiện cụ thể như việc vi phạm nguyên tắc và quy chế làm việc, nói nhiều làm ít, hứa hão mà không làm, vướng vào tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; cố tình lợi dụng những sơ hở của pháp luật để cố ý làm trái, trục lợi gây hậu quả nghiêm trọng. Rõ nhất là sự vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý, điều hành. Đó cũng là nguyên nhân gây nên mất đoàn kết nội bộ trong từng cơ quan quản lý Nhà nước. Hai là, tình trạng không “đúng vai, thuộc bài” trong chức trách, nhiệm vụ được giao. Tình trạng này do nguyên nhân nhận thức, không chịu nghiên cứu, học hỏi, bảo thủ, trì trệ, ý thức kỷ luật hành chính kém hoặc nhận thức được vai trò, chức trách nhưng bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng nên sa vào mũ ni che tai, đồng loã với sai phạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh…

Ba khâu then chốt của kiểm soát quyền lực

Kiểm soát quyền lực Nhà nước ở Việt Nam hiện nay tập trung vào ba nội dung chính: Một là, sự tự kiểm soát, tự phê bình và phê bình, “tự soi, tự sửa” của người giữ quyền. Hai là, sự kiểm soát giữa các cơ quan trong bộ máy Nhà nước. Ba là, sự kiểm soát của xã hội với các chủ thể là cấp ủy, tổ chức đảng, các đoàn thể quần chúng, các cơ quan báo chí và người dân.

Khác với các Nhà nước tư sản kiểm soát quyền lực chủ yếu dựa vào thuyết tam quyền phân lập, Việt Nam là đất nước theo thể chế xã hội chủ nghĩa, Nhân dân và mỗi đảng viên đều có niềm tin vào nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; luôn tin tưởng mô hình quản trị “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Quyền lực Nhà nước thực chất là quyền lực của Nhân dân, vì vậy, đó là quyền lực thống nhất không thể chia tách nhưng để quyền lực Nhà nước không bị tha hoá thì phải tổ chức thực thi quyền lực ấy theo sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện sự phân công và kiểm soát quyền lực đối với từng cơ quan Nhà nước. Theo đó, Quốc hội được trao quyền lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao; Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, Toà án nhân dân tối cao thực hiện quyền tư pháp. Cũng như mọi nhà nước hiện đại ngày nay, kiểm soát quyền lực Nhà nước ở nước ta hiện nay lấy sự kiểm soát quyền lực của Chính phủ làm trung tâm. Trong đó, trọng tâm là sự kiểm soát của Đảng đối với Chính phủ thông qua công tác tổ chức, cán bộ; kiểm soát của Quốc hội đối với Chính phủ; Chính phủ phải chịu trách nhiệm tiêu điểm của kiểm soát quyền lực Nhà nước từ bên trong và từ bên ngoài.

Nhìn chung, theo các chuyên gia, việc thừa nhận và quy định một cách rõ ràng nhiệm vụ của Chính phủ và cơ chế kiểm soát Chính phủ trong Hiến pháp 2013 là một thành công lớn của lịch sử lập hiến Việt Nam. Bên cạnh những thành tựu rất cơ bản, thực tiễn kiểm soát quyền lực Nhà nước ở Việt Nam đang đặt ra những vấn đề cấp thiết: Một là, cơ chế kiểm soát quyền lực trong các cơ quan Nhà nước được thiết lập khá đầy đủ nhưng vẫn chưa bảo đảm “có sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Ví dụ, chúng ta thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực của Quốc hội đối với cơ quan hành pháp và tư pháp mà chưa có cơ chế kiểm soát của hai cơ quan này đối với Quốc hội. Đã từng có đồng chí lãnh đạo nhận định rằng: Quốc hội là do dân bầu ra, Quốc hội sai tức là dân bầu sai. Hai là, tính hiệu lực, hiệu quả trong các cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước vẫn còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Ví dụ, ngay cả với Quốc hội khi thực hiện quyền giám sát tối cao của mình, hiếm khi bãi bỏ một phần hay toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của các đối tượng được giám sát. Nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu nhất là năng lực kiểm soát của các cơ quan của Quốc hội còn hạn chế.

Nhốt quyền lực trong lồng cơ chế

Từ thực tiễn 36 năm đổi mới và thực trạng kiểm soát quyền lực Nhà nước ở Việt Nam hiện nay, có thể gợi mở một số giải pháp chủ yếu để kiểm soát quyền lực Nhà nước đi vào thực chất và hiệu quả như sau:

Một là, tiếp tục cụ thể hoá phương thức kiểm soát quyền lực Nhà nước của Đảng. Hiến pháp năm 2013 đã quy định hệ thống chính trị ở Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Phương thức cầm quyền của Đảng được xác định ngày một rõ hơn nhưng để kiểm soát vấn đề này, vẫn cần tiếp tục xác định rõ cơ chế trách nhiệm của cấp uỷ, người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp khi quyết nghị, quyết định những vấn đề lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, chính quyền. Quan trọng nhất là phải kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ (vấn đề đã được đề cập ở bài trước) và làm rõ mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” ở từng cấp; khắc phục tình trạng “làm thay”, biến Đảng thành “siêu nhà nước”, đứng trên Nhà nước, can thiệp thô bạo vào quá trình quản lý, điều hành của các cơ quan Nhà nước.

Hai là, đẩy mạnh tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa gắn với xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực có sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan trong việc thực hiệnc các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ở tầm chiến lược, cần tiếp tục làm rõ vai trò của Quốc hội và cơ chế kiểm soát quyền lực đối với Quốc hội. Cùng với đó là hoàn thiện cơ chế để thực hiện vai trò kiểm soát quyền lực của cơ quan tư pháp đối với cơ quan hành pháp và lập pháp. Có như vậy mới thực sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan Nhà nước.

Ba là, tăng cường dân chủ trực tiếp, mở rộng hơn nữa quyền lựa chọn của cử tri khi bầu cử các cơ quan Nhà nước. Trước hết, phải từng bước mở rộng dân chủ trong Đảng, từng bước tăng cường dân chủ trực tiếp trong tổ chức đảng. Nếu dân chủ trong Đảng được mở rộng sẽ là cơ sở để tăng cường dân chủ trong toàn hệ thống chính trị. Ví dụ, cấp uỷ, tổ chức đảng giới thiệu nhiều ứng viên (có thể đều là đảng viên) để cử tri bầu giữ một chức danh trong cơ quan Nhà nước. Mô hình “dân bầu, đảng cử” ở Quảng Ninh trong bầu cử trưởng thôn là một thí điểm cho phép chúng ta tìm ra phương thức kiểm soát quyền lực trong việc mở rộng quyền lựa chọn của cử tri. Có sự cạnh tranh rộng hơn thì sự kiểm soát quyền lực cũng thực chất, hiệu lực hơn.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm soát quyền lực Nhà nước của người dân thông qua mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí. Quyền lực Nhà nước thực chất là quyền lực của Nhân dân, vì vậy, mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, báo chí phải thực sự nói tiếng nói của dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Có như vậy mới có thể kiểm soát quyền lực Nhà nước.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất