Tạo hóa đã ban tặng cho con người món quà vô giá, đó là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, trở thành cái nôi, là “sợi dây” gắn kết giữa con người với trời đất tạo nên sự sống bất tận. Thế nhưng, bàn tay thô ráp và độc ác của không ít người đã và đang tàn phá khiến Mẹ thiên nhiên nổi giận, trừng phạt bằng vô vàn những cơn thịnh nộ. Ở một vùng quê nghèo, hẻo lánh ở Vĩnh Phúc có một người đảng viên già đã dành cả cuộc đời để tìm cách níu kéo, thắt chặt “sợi dây” của đất trời. Và dường như đã có phép màu giữa đời thường…
|
Phút thư nhàn bên rừng cây của bà Vũ Thị Khiêm.
|
Đảng viên Vũ Thị Khiêm sinh ngày 15 tháng 6 năm 1942 tại xã Bình Ngọc, thị xã Móng Cái , tỉnh Quảng Ninh. Năm 1946, bà theo gia đình về vùng sông Lô – Vĩnh Phúc. Bà là vợ liệt sĩ. Cuộc đời của bà gắn bó với rừng cò do người cha đã dày công, tâm huyết khai khẩn bên cánh đồng Dừa. Nơi đây như một khu bảo tồn thiên nhiên, là di sản quý giá không chỉ lan tỏa ở Vĩnh Phúc. Người đảng viên năng động này từng là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hải Lựu, là Bí thư Chi bộ thôn Dừa Lẽ. Và đặc biệt, với những cống hiến của mình trong công tác bảo vệ môi trường, bà từng được vinh danh tại những hội nghị có tầm ảnh hưởng trong nước do Trung ương tổ chức như: Kỷ niệm Ngày môi trường Thế giới… cùng nhiều Bằng khen, Kỷ niệm chương của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Giải thưởng Môi trường năm 2002… |
Kỳ 1: Duyên nợ với rừng
Gieo mầm lan tỏa
Bà đưa đôi bàn tay nhỏ bé chằng chịt vết nhăn của thời gian chỉ cho chúng tôi thấy cây Chò có tuổi đời ngoài ba mươi năm trong khu rừng. Loài cây vươn sáng, kiêu hùng trước bão gió đang gượng dậy sau sự già nua và ra đi của cây mẹ. Khi nói đến cây cối trong khu rừng của mình, bà không bao giờ dùng từ chết, bà nói, chúng hóa kiếp về với tổ tiên. Bà bảo: “Cũng có lẽ, vì đó mà cây con này buồn đau rũ xuống. Vừa hôm qua thôi, đã có đoàn tới thăm, mọi người khuyên tôi nên chặt bán, khi nó chưa hoàn toàn chấm dứt sự sống, gỗ của nó sẽ cho hàng triệu đồng, giúp vơi bớt khó khăn của bà cháu”.
Hôm nay cũng thế, trong lúc trò chuyện, tôi vẫn nói, bà nên bán nó, vòng đời của cây cũng như đời người, đến lúc phải kết thúc, nhưng bà vẫn ái ngại. Cái dáng vẻ mỏng manh nhưng đầy quyết liệt và ánh mắt trùng xuống khi nghe điều đó, tôi hiểu, bà không muốn nó rời khỏi vòng tay. Điều gì đã khiến bà không thể rời bỏ “những đứa con” của mình trong mọi hoàn cảnh, câu hỏi đó cứ quẩn quanh, như một sức hút kỳ lạ khi chúng tôi tới thăm bà.
Nói là vườn, nhưng cũng có lẽ không phải, bởi giờ đây, màu xanh ngút ngàn, hàng vô số loài cây to lớn, rậm rạp đã biến nơi đây trở thành khu rừng, có những cây tuổi đời gần trăm năm, và điều kỳ diệu hơn, ngày ngày, dưới những tán cây xanh, đàn cò trời đã về trú ngụ và sinh sôi nảy nở. Bên bờ sông Lô thuộc xã Hải Lựu, xen giữa những nhà cao tầng, biệt thự đang lớp lớp mọc lên thì có một khu “bảo tồn” thiên nhiên rất thú vị, điểm tham quan trải nghiệm cho du khách, cho học sinh.
Rộng chừng 5ha, cánh rừng này là nơi trời đất gieo những "hạt mầm" quý cho thiên nhiên, nào là trám, chò, dổi, lát, sưa, chẹt, thừng mực, xoan, nhãn, tre, trúc, mít… bạt ngàn đan xen, thấm đẫm những giọt mồ hôi đắng cay, ngọt bùi của gia đình bà Khiêm. Nói đến cây nào là bà lại kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cuộc đời của nó, như là khi gặp bão bùng, gặp nắng hạn hay tới ngày thay lá… chúng cũng gồng mình chống chọi và đi cùng năm tháng với mỗi thành viên trong gia đình bà.
Bao năm qua, cây rừng luôn sinh sôi, nảy nở và không bao giờ bị đốn hạ, bị bán đi. Điều đáng nói là nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, hàng cây số cọc bê tông, dây thép gai đã được đầu tư bao kín khu rừng làm cho mấy bà cháu cảm thấy an lòng hơn. Cũng chính từ những việc làm của bà đã có sức "cảm hóa", thu hút sự đồng lòng của người dân trong vùng, họ trở thành những người đồng hành, hỗ trợ đắc lực để cùng bà giữ rừng, bảo vệ đàn cò.
Trong câu chuyện với chúng tôi, bà không nhớ hết có bao nhiêu cơ quan báo chí địa phương và Trung ương đã nhiều lần về đây, bà trở thành một nhân vật của giới truyền thông với nhiều câu chuyện phác họa cuộc đời bà, về cánh rừng, về đàn cò, về một tình yêu mãnh liệt với thiên nhiên, cây cỏ của người phụ nữ bé nhỏ, can trường. Một con người trong sáng như chính hành động và cũng đẹp như chính khu rừng bà đang có.
Vượt bão táp, phong ba
Bà Vũ Thị Khiêm nhớ lại buổi sơ khai, khi ấy, thực dân Pháp xâm lược, chiến tranh đau thương khiến bà phải theo cha mẹ tản cư từ Quảng Ninh phiêu dạt về thôn Dừa Lẽ (bây giờ gọi là thôn Đồng Dừa) vùng Sông Lô (Vĩnh Phúc). Về đây, dựa vào nhau mà sống, việc buôn bán trên vùng đất mới của người cha không đủ trang trải cho gia đình. Vùng đất hoang hóa này chỉ có lau lách khô cằn, nhưng người cha quyết bỏ tâm sức khai khẩn, tìm kế sinh nhai.
Theo cha, lên sáu tuổi, cô bé Khiêm đã biết cầm cuốc bổ những nhát đầu tiên cùng cha rặm rọi, trồng cây, tưới nước. Từ một khu vườn nhỏ, dưới bàn tay, tạo tác và chăm chút của cha con và cả gia đình, diện tích ngày càng được mở rộng, nhiều loại cây mới được trồng, để rồi, đất không phụ lòng người, trả lại một màu xanh bạt ngàn của cây cối. Nơi đây trở thành một khu rừng lúc nào không hay.
Và hơn bảy mươi năm qua, chưa lúc nào bà Khiêm quên bất kỳ một cây nào trong vườn, chúng lớn lên, sinh con rồi “hóa kiếp”… Nhắc đến rừng cây là nhắc đến cả một cuộc đời khốn khó, gập gềnh, hoang hoải, chứa ẩn bao kỷ niệm vui, buồn theo bà đến tận bây giờ. Coi cây, lá, hoa… như một phần cơ thể mình nên nhiều cây cổ thụ đã chết khô trong vườn mà bà cũng không mảy may nghĩ đến việc cho đốn hạ. Mỗi cái vỏ cây tróc lở, xù xì, mỗi nhánh lá vàng úa xa cành, hình như không khác gì lát dao cắt khiến bà đớn đau… Rừng, rồi huyền diệu hơn nữa, đàn cò khắp nơi quần tụ trong “chiếc võng thiên nhiên”, lâu dần đã trở thành hơi thở, nhịp đập trong trái tim bà.
|
Yêu rừng, rừng không phụ - trả lại cho người chủ Vũ Thị Khiêm một màu xanh bạt ngàn.
|
Duyên nợ với rừng từ đấy, tưởng chừng cuộc sống như được an bài, vui vầy với thiên nhiên, cây cỏ, nhưng éo le thay, hai mươi tư tuổi, sau sáu năm kết hôn, cô bé Khiêm đau xé lòng khi nhận giấy báo tử người chồng hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Từ đó, mẹ góa con côi, hai người con thơ dại ngác ngơ bên nách người mẹ bé nhỏ. Tôi gạn hỏi, lúc ấy, bà đã lấy gì để gượng dậy, để trụ vững. Thay cho câu trả lời, bà ngước ánh mắt nhìn sang một cây chò to lớn, thân thẳng, vút cao trên nền trời xanh thẳm - tôi hiểu, bà định nói gì với chúng tôi.
Ngày ấy, phơi phới tuổi thanh xuân, chồng mới lên đường ra trận, thi đua với chồng, ở hậu phương, cô Khiêm hăng hái tham gia vào đội sản xuất của địa phương, và sau đó, có hơn mười năm tín nhiệm được Đảng phân công làm Bí thư Hội Phụ nữ xã Hải Lựu (nay là Chủ tịch Hội Phụ nữ), huyện Lập Thạch. Khoảng thời gian ấy, nhiệt huyết và cống hiến hết mình cho công tác hội, cho địa phương, cô và tập thể được ghi nhận thành tích cao quý, được trao tặng cờ “Ba đảm đang” của Trung ương Hội.
Khi tang tóc phủ lên mái đầu xanh, người phụ nữ mong manh ấy nén lại nỗi đau. Đối mặt với gia cảnh neo túng, buộc bà phải xin nghỉ việc, trở về lo toan, gánh vác việc gia đình. Thời gian này, cô gái bé nhỏ ấy được tín nhiệm nên vẫn phải đảm trách nhiệm vụ là bí thư chi bộ thôn. Năm 1985, người cha kính yêu của cô cũng ra đi, để lại các con và người vợ yếu ớt cứ trở trời là đau ốm. Như một duyên nợ định sẵn, “gia tài” cha, chồng, anh em để lại là cả một cánh rừng gần sáu héc-ta “đè” nặng lên đôi vai người phụ nữ mảnh mai ấy. Cô đã làm gì để không phụ lòng những người đã không tiếc máu xương vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì truyền thống gia đình, vì những điều người cha đã dặn lại: Cha chỉ gây dựng, các con, các cháu hãy "tạo tác" để mỗi thước đất có thêm nhiều cây, ngày càng trở nên tươi tốt hơn!
Và người phụ nữ chân quê ấy, ở vùng đất nghèo khó, bao sóng gió cuộc đời dồn tới, đầy thử thách đã vươn dậy bằng cách nào?
Kỳ 2: Người đảng viên già và lời nguyện giữ rừng
Yêu rừng, rừng không phụ
Ngồi đối diện với tôi là người phụ nữ đã ngoài 80 tuổi đời, nét mặt phúc hậu, nụ cười luôn nở trên môi, thời gian và tuổi tác đã in hằn trên từng dáng đi, cử chỉ, lời nói; nhiều nỗi đau đã vằn vện trong trái tim, nhưng ở bà không thôi tắt niềm hy vọng vào cuộc sống, vào ngày mai. Niềm vui lớn bà sẻ chia với tôi, cuối năm, bà sẽ vinh dự được đón nhận huy hiệu 55 tuổi Đảng! Nghe vậy, tôi cũng khá bất ngờ, vì không nghĩ, bà đã 55 tuổi Đảng! Phải chăng, trong suốt thời gian qua, lý tưởng của Đảng, tấm gương hy sinh của những người thân vì dân, vì nước đã thấm sâu vào trong từng suy nghĩ, hành động của người đảng viên già ấy.
|
Rừng cò của bà Khiêm ngút ngàn màu sắc.
|
Bên lề câu chuyện, chúng tôi được Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lựu, huyện Sông Lô Đỗ Thị Mai chia sẻ: “Hiếm có một đảng viên tuổi cao gương mẫu như bà Khiêm. Suốt một đời tận tụy, tâm huyết với công việc của địa phương; cả đời lăn lộn với rừng, với đàn cò, quyết không để rừng, để đàn cò bị xâm hại, suy kiệt. Bà được mọi người yêu quý, nể phục, là một tấm gương sáng học tập và làm theo Bác”.
Nhiều lần tiếp xúc với bà, tôi nhận thấy, bà rất mãn nguyện với những gì mình đã có, mình đã làm được và điều bà nhớ như in, nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi mọi người ghé thăm là luôn ghi nhớ lời dặn của cha: Nhớ "tạo tác" cho khu rừng ngày càng thêm xanh, thêm đầy đặn. Và không ít lần, bà đã được tiếp xúc với các cơ quan truyền thông qua những câu chuyện chia sẻ về rừng, về đàn cò… ; được đón nhận nhiều Bằng khen, Kỷ niệm chương của các bộ, ngành, của tỉnh… về công tác bảo vệ môi trường. Nhưng “tấm bằng” quý giá hơn tất thảy là tấm lòng thủy chung với gia đình, sắt son với Đảng. Người mẹ, người vợ liệt sĩ, người đảng viên ấy vẫn đang ngày đêm canh giữ rừng và những đàn cò trời…
Nhìn bà lấy "đồ đạc" chuẩn bị dẫn chúng tôi lên rừng với dáng vẻ mỏng mảnh, khô gầy, tôi chợt liên tưởng cuộc đời bà lặn lội như thân phận của những con cò ngoài kia.
Bà Khiêm cất lời: “Dạo trước, có mấy anh cán bộ kiểm lâm lên hỏi tôi: Giờ đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy", khu rừng này, bà định chia cho con cháu như thế nào? Tôi trả lời các anh ấy rằng, cha tôi để lại khu rừng này nó tròn vành vạnh như thế, bao năm qua, tôi và con cháu đã “tạo tác” hoàn chỉnh theo ý nguyện của cha mình. Tôi đã nghiên cứu kỹ và chỉ trồng bốn loài cây chính: Sưa, lát, mít, dổi. Bởi vì mít, dổi quanh năm không rụng lá, vậy nên, khu rừng sẽ không bao giờ hết xanh… Bốn loại cây này, ít nhất, năm mươi năm mới có thể thu hoạch lấy gỗ. Đây, cây mít này đã hơn bảy mươi năm, có ai gan như tôi, giờ sắp về thế giới bên kia, vẫn trồng những thứ ấy, tôi không mong được ăn, bởi ăn hết quả thì cây chết, đất trống!?. Tôi trồng để con cháu tôi sau này có muốn thay đổi cũng phải cân nhắc kỹ càng, khó mà phá được”.
|
Người đàn bà can trường vượt qua mọi sóng gió giữ trọn tình với thiên nhiên.
|
Lời bộc bạch ấy như rút ra từ tâm can bà, suốt ngần ấy năm trời, đến giờ, ý nghĩ ấy vẫn trở đi trở lại không giấu được trong đôi mắt đã xếp chồng bởi những đường vằn khô. Cô cháu gái Nguyễn Ngọc Hiên cùng đi ghé sát tai tôi: “Mấy chục năm nay, bà không cho khoanh, không chia rừng cho ai, bà bảo là con cháu không được nhận phần, vì làm thế, đến một lúc nào đó, vì muôn vàn lý do, chúng sẽ chuyển đổi hoặc bán, hoặc xây dựng trên đó… thì còn gì là rừng!? Cũng vì thế mà tiền tích cóp được bao nhiêu, bà dành “nuôi rừng” hết, bà trồng thêm hàng nghìn cây để rừng ngày càng xanh. Em nhớ lời bà nhắc nhiều lần: "Con, cháu, đứa nào khó khăn, lỡ làng thì về đây cùng giữ rừng, bấu vào rừng mà sống, rừng không phụ lòng ai cả, luôn mở lòng, giống như bà vậy!”.
Bà còn kể với chúng tôi, nhìn thấy nguồn tài sản ngồn ngộn của khu rừng, có kẻ lân la đến khuyên nhủ, gạ gẫm bà nên bán rừng cho đại gia, an hưởng tuổi già, thậm chí, chúng còn lừa phỉnh bà vẽ vời dự án nọ, dự án kia, được bảo lãnh bởi chính quyền… nhưng không thể lay chuyển được bà. Với bà, khu rừng và những đàn cò là một phần cơ thể mình, là tất cả cuộc đời khó nhọc, là tâm sức, là những gì có được mà bà đã gieo gửi.
Nhìn cánh rừng xanh mướt mát dưới nắng thu trong veo, những đàn cò chao chác, tung cánh bay lượn, lấp lóa trên nền trời xanh ngắt, đôi lúc, chúng cất lên những tiếng kêu ngồ ngộ phá tan không gian lặng lẽ đến u tịch. Cảnh tượng ấy như luồng sinh khí giúp bà vượt qua những tháng ngày cô quạnh, gian truân, một mình nuôi con khôn lớn. Đi dưới tán cây rừng già, cùng với những thanh âm của đàn cò, chúng tôi càng thấu sự sẻ chia của bà.
Cổ tích giữa đời thường
Giống như một Robinson ở giữa ốc đảo yên bình, bà không bao giờ cho phép làm tổn thương rừng… bà giữ rừng, chăm sóc đàn cò như một thiên định. Cũng chính vì thế mà đàn cò trời đã tìm đến đây để xây tổ ấm. Phải chăng, không chỉ là “đất lành chim đậu”, mà nơi đây có một chủ nhân lương thiện, chấp nhận hy sinh như thế thì loài chim trời kia mới tìm đến đặt chân?
Yêu rừng và quyết giữ “mái nhà” cho đàn cò về trú ngụ, bà hiểu cặn kẽ tập tính từng loài: cò bợ, cò lửa, cò ruồi, cò xanh… khi nào chúng sinh đẻ; mẹ chăm cò con ra sao, khi chúng sợ hãi, khi nào chúng ốm đau, bệnh hay thường gặp, tiếng kêu ban đêm, ban ngày báo hiệu điều gì, biết rõ giờ cò mẹ đi, cò bố ở nhà trông con.... tất tần tật, bà vanh vách kể như một nhà sinh học. Bà như người bảo mẫu vĩ đại cho đàn cò, coi chúng những đứa con hoang dại của mình.
Bên mâm cơm trưa nay với chúng tôi, đứa cháu nội lúc đi học về báo có nghe tiếng súng nổ ngoài đồng (nơi đàn cò thường xuống kiếm ăn), vậy là cả nhà lại chột dạ nghĩ đến số phận của những con cò dưới làn đạn ác nghiệt kia. Đã có những đêm mưa rét căm căm, nghe tiếng chó sủa dồn dập, biết có việc chẳng lành, bà lại lọ mọ thắp đèn, ra bảo vệ cho những con cò an giấc. Không ít lần, lũ trộm có tiếng là “đàn anh” một vùng đã mò tới, chúng vượt rào, rình rập và săn lùng ráo riết đàn cò trời. Nhiều cuộc tấn công, hạ sát đàn cò vô cùng thảm thương. Và cũng có nhiều cuộc đấu trí, đấu lý nảy lửa giữa bà già bé nhỏ với những tên gian manh kia… Vừa chạy, vừa tri hô dân làng bắt trộm, chúng vội vã bỏ lại cò con. Những con cò con kêu ráo rác xé trời vì mất mẹ, phút ấy, bà Khiêm chỉ biết ngửa mặt lên than trời và vội vã bế chúng vào lòng, mang về chăm chút bù lấp nỗi đau…
Bà kể lại: “Nhiều lần, một mình tôi liều mạng rượt đuổi chúng, lúc ấy, chỉ nghĩ đến số phận “những đứa con” của mình chứ cái mạng già này tôi không tiếc!”. Nhìn đôi chân già nua nứt nẻ, nham nhở vết sước và những đường sẹo còn hằn ngang, hằn dọc đến giờ mà chúng tôi nghẹn lòng… Cũng vì lẽ đó mà rất nhiều buổi chập choạng tối, khi bà Khiêm làm đồng về muộn, những con cò không chịu về tổ, cứ chao chác bên "mái nhà" chờ đợi…
Dưới tán rừng yên ả, lịm mát, những lời bộc bạch của bà Khiêm như đưa chúng tôi bước vào thế giới của chuyện cổ tích - một câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Thắp niềm hy vọng
Chưa hết, trong câu chuyện với chúng tôi, bà Khiêm không khỏi không lo lắng trước sự thất thường của khí hậu, thời tiết hiện nay. Bà cho biết: “Giờ đây, những cánh đồng trũng ngập nước xứ Đồng Dừa, vùng lân cận dần bị thu hẹp nhường chỗ cho các dự án, các khu dân cư… dẫn đến nguồn thức ăn của đàn cò vơi dần, chúng phải di cư, phải đi xa dài ngày để kiếm ăn. Thêm nữa, không gian, bầu không khí quanh khu vực giờ không còn “mùi vị” hoang sơ như trước nữa, người dân đào đất xây nhà nhiều hơn và vùng đệm cũng bị thu hẹp …”. Băn khoăn lớn nhất, nỗi niềm se sắt của cả gia đình bà là đàn cò mai một dần đi theo năm tháng.
Bà và gia đình vẫn khát khao, khu vực Đồng Dừa và vùng phụ cận sớm được quy hoạch bài bản, được bảo vệ và đầu tư thành một vùng du lịch sinh thái vừa có ý nghĩa giáo dục lịch sử, vừa bảo tồn thiên nhiên, phát huy giá trị vốn có của nó. Và nếu có thể, nơi đây sẽ là điểm trải nghiệm có tên trên bản đồ cho học sinh, là điểm nghiên cứu cho những cơ quan bảo tồn, bảo tàng về lâm nghiệm, lâm sinh…
Giữa bức tranh công nghiệp hóa tràn về, lấp dần những di sản của thiên nhiên, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sức khỏe, nguồn sống trong lành của chúng ta. Bà Vũ Thị Khiêm vẫn ngày đêm giữ trọn lời tâm ước với trời đất để đem lại cuộc sống chan hòa ánh nắng, hơi thở trong lành và sức sống bền bỉ. Cuộc sống nơi đây chẳng khác gì một ốc đảo, ngần ấy năm trời, người đảng viên già ấy vẫn sống, vẫn gắn bó và có lẽ, đến chết vẫn sẽ ở đó … Và ở cái tuổi “gần đất xa trời”, bà vẫn “lặn lội thân cò” quyết bảo vệ, quyết “tạo tác” vẹn toàn khu rừng, bảo vệ đàn cò, để trong mỗi vần ca dao, trong lời ru của mẹ vẫn còn lưu mãi hình ảnh “con cò bay lả bay la”, bay vào những giấc mơ an lành của các em thơ. Bà đã dành cả cuộc đời mình, dốc hết tâm sức, không mệt mỏi để níu giữ “sợi dây” của đất trời cho cuộc sống của con người mãi xanh tươi.
Bà không chỉ là một người vợ liệt sĩ, người đảng viên mẫu mực, kiên trung, mà đọng lại trong tâm trí của chúng tôi, bà là hiện thân của người “anh hùng” trên “ốc đảo” xanh, là người Mẹ vĩ đại của thiên nhiên!