- Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Ngô Minh Tuấn, năm 2024 là năm thứ 9 của Giải Búa liềm vàng. Qua mỗi kỳ tổ chức, Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng ngày càng khẳng định uy tín, thu hút đông đảo các cơ quan báo chí, tác giả, nhóm tác giả tham gia. Theo đồng chí, đâu là những điều làm nên thành công của Giải?
Đồng chí Ngô Minh Tuấn: Một giải báo chí muốn có uy tín và được báo giới thừa nhận là một giải thưởng ai cũng khát khao vươn tới trong sự nghiệp làm báo thì trước hết là khâu tổ chức. Với Giải Búa liềm vàng, công tác tổ chức rất chặt chẽ, bài bản. Ngay từ năm đầu phát động Giải, Ban Tổ chức Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo Giải gồm các đồng chí lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam. Đây là các cơ quan tham mưu của Trung ương Đảng, quản lý nhà nước về lĩnh vực báo chí - xuất bản và có cơ quan có chức năng tập hợp những người làm báo trong cả nước. Tất cả đã tạo nên một “binh chủng hợp thành” phối hợp rất chặt chẽ và tạo thành sức mạnh tổng hợp, từ công tác tổ chức, đến việc định hướng nội dung trọng tâm thông tin, tuyên truyền và vận động những người làm báo tích cực hưởng ứng tham gia Giải. Tiếp đó là việc Ban Chỉ đạo Giải phân công 1 cơ quan thường trực - cơ quan giúp việc có chuyên môn, có tính chuyên nghiệp cao, đó là Tạp chí Xây dựng Đảng thuộc Ban Tổ chức Trung ương. Thứ hai là, Giải Búa liềm vàng đã huy động được tất cả lực lượng trong hệ thống chính trị tham gia, gồm các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương; ở mỗi cấp có sự chung tay của các cơ quan tham mưu của cấp ủy gồm các ban tuyên giáo, ban tổ chức cấp ủy và tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của người làm báo là hội nhà báo. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động thu hút sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia. Có thể nói, Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) đã nhận được sự hưởng ứng và vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Thứ ba là, công tác chấm giải được bảo đảm tính độc lập, khách quan, công tâm, minh bạch. Cơ quan thường trực Giải đã tham mưu với Ban Chỉ đạo thành lập 2 hội đồng chấm giải, gồm Hội đồng sơ khảo và Hội đồng chung khảo. Tham gia các hội đồng là những nhà báo có uy tín, kinh nghiệm; những người am hiểu sâu về công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng.
Ngoài ra, công tác tổ chức Lễ trao Giải cũng bảo đảm hết sức trang trọng. Nơi tổ chức Lễ công bố và trao giải là Nhà hát Lớn Hà Nội và Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô là những nơi tổ chức các sự kiện lớn có uy tín ở Thủ đô Hà Nội, có điều kiện tổ chức Giải Búa liềm vàng tương xứng với tầm vóc là một hoạt động có ý nghĩa chính trị sâu sắc nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3-2; ngoài tiền thưởng của Giải, tác giả đoạt Giải còn nhận được phần thưởng là những chiếc cúp Búa liềm vàng có ý nghĩa và giá trị, để tác giả đoạt giải thực sự cảm thấy vinh dự, tự hào khi đứng trên sân khấu nhận giải.
Tất cả những yếu tố này đã góp phần làm nên thành công, khẳng định uy tín, thương hiệu của Giải Búa liềm vàng trong những năm qua.
- PV: Đồng chí đánh giá thế nào về chất lượng tác phẩm báo chí tham dự Giải Búa liềm vàng những năm gần đây và đóng góp của Giải với công tác xây dựng Đảng nói chung?
Đồng chí Ngô Minh Tuấn: Nhìn chung, các tác phẩm tham dự Giải Búa liềm vàng những năm gần đây ở các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tiếp tục phong phú về chủ đề, thể loại và phủ khắp tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hầu hết các tác phẩm đã bám sát các vấn đề nóng, các sự kiện nổi bật, nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị và đất nước, nhiều tác phẩm đã đi sâu phản ánh vấn đề thời sự của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Một số tác phẩm đề cập tới những vấn đề bức xúc hiện nay, có tính phản biện xã hội, chiến đấu cao.
Một nét mới trong nội dung các tác phẩm báo chí tham dự Giải Búa liềm vàng năm vừa qua là đã phản ánh sinh động, kịp thời những sự kiện, sinh hoạt chính trị của Đảng như sự ra mắt các cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị giữa nhiệm kỳ (Hội nghị Trung ương lần thứ bảy) và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị (khóa XIII) tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hóa - đạo đức trong Đảng; quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược; chống “căn bệnh sợ trách nhiệm” và xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh với các quan điểm sai trái, xuyên tạc nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ vào công tác Đảng; phát triển 6 vùng kinh tế - xã hội chiến lược, trọng yếu… Đáng chú ý là Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII - năm 2023 vừa qua có số cơ quan báo chí cấp tỉnh gửi tác phẩm truyền hình tham gia nhiều nhất từ trước đến nay, thậm chí có cả các trung tâm văn hóa cấp huyện, chương trình truyền hình của Công an, Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh và công ty truyền thông tư nhân gửi tác phẩm tham dự Giải. Một số tác phẩm có chiều sâu và chất lượng rất tốt, hiệu quả tuyên truyền cao, phản bác sắc bén luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu như khi xảy ra vụ tấn công 2 trụ sở xã ở Đắc Lắc. Các đơn vị báo chí ở Trung ương có thế mạnh là có nhiều tác phẩm chính luận, nêu vấn đề mang tầm bao quát cả nước, trong khi khối báo chí địa phương mạnh về các bài phản ánh cách làm mới từ cơ sở và gương sáng, điển hình tập thể, cá nhân. Nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ xuất hiện trong các tác phẩm của các cơ quan báo chí ở Trung ương mà còn có nhiều ở các báo, đài PTTH địa phương. Nhiều tác phẩm sau khi đăng, phát đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, bạn đọc. Điều này cho thấy Giải Búa liềm vàng ngày càng có sự lan tỏa mạnh mẽ.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục: Còn nhiều tác phẩm phản ánh chung chung, chưa làm nổi bật vai trò của tổ chức đảng, đảng viên, không phản ánh được hơi thở của cuộc sống và những vấn đề đang đặt ra ở các địa phương. Một số tác phẩm viết về những chủ đề, đề tài cũ nhưng chưa có góc nhìn mới. Vẫn còn tình trạng không có bài xã luận tham dự Giải; văn chính luận ở nhiều tác phẩm còn khô khan. Tính phản biện, đề xuất quan điểm, giải pháp còn yếu, trùng lặp. Có những bài được đầu tư công phu song lại chưa đi đúng trọng tâm công tác xây dựng Đảng…
- PV: Xin đồng chí cho biết những nội dung trọng tâm mà các tác phẩm báo chí cần thể hiện khi tham gia Giải Búa liềm vàng năm nay?
Đồng chí Ngô Minh Tuấn: Năm 2024 là năm thứ tư triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương khóa XIII gắn với hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra; đồng thời tích cực chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đứng trước những yêu cầu mới, cao hơn, đòi hỏi phải thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Đại hội lần thứ XIII và các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, phát sinh nhiều khó khăn, thách thức đối với nước ta, trong đó có công tác xây dựng Đảng. Nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; củng cố niềm tin, sự gắn bó của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN; tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… Đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.... đang là yêu cầu đặt ra với cả hệ thống chính trị, trong đó có trách nhiệm của những người làm báo. Do vậy, Ban Tổ chức Giải Búa liềm vàng mong muốn các tác phẩm báo chí đi vào những trọng tâm sau: (1) Phản ánh sự vận dụng sáng tạo thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 và những kết quả nổi bật trong xây dựng Đảng, nhất là công tác tổ chức xây dựng Đảng. (2) Việc hoàn thiện thể chế về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và xây dựng phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cấp ủy, tổ chức đảng thực sự khoa học, dân chủ, sát thực tiễn. (3) Phát hiện, biểu dương, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương cán bộ, đảng viên thực hiện các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, thực sự dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng.
- PV: Tiêu chí chấm giải năm nay có gì mới so với các năm trước đây, thưa đồng chí?
Đồng chí Ngô Minh Tuấn: Theo Thể lệ Giải Búa liềm vàng, tác phẩm báo chí được trao Giải Búa liềm vàng là những tác phẩm bằng tiếng Việt (hoặc tiếng dân tộc, tiếng nước ngoài được dịch ra tiếng Việt) đăng, phát trên các loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình,..) kể từ ngày 1-11 năm trước đến ngày 31-10 năm sau, viết về xây dựng Đảng trên các mặt: Chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, thuộc các lĩnh vực công tác tổ chức - cán bộ, tuyên giáo, kiểm tra, dân vận, đối ngoại, phòng, chống tham nhũng… bảo đảm tính chân thực, chính xác, khách quan, có định hướng tư tưởng chính trị đúng đắn. Nội dung tác phẩm phải nêu được những vấn đề mới trong công tác xây dựng Đảng và đang được xã hội quan tâm; có tính phát hiện, tổng kết hoặc hướng dẫn có tính thuyết phục và hiệu quả xã hội cao, tích cực phục vụ công tác xây dựng Đảng. Mỗi tác phẩm là một bài hoặc một loạt bài (không quá 5 kỳ) của cùng tác giả hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên, về cùng một sự kiện, cùng một đề tài và thực hiện bằng cùng một thể loại báo chí. Nếu tác phẩm nhiều kỳ thì đến thời hạn nộp tác phẩm phải đăng, phát xong toàn bộ tác phẩm và có ít nhất 2/3 số tác phẩm đăng, phát trong khoảng thời gian nêu trên.
Với báo điện tử, tác phẩm tham dự Giải phải là tác phẩm sáng tạo lần đầu, thực hiện riêng cho báo điện tử; thể hiện được đặc trưng của báo điện tử, bao gồm cả sản phẩm đa phương tiện; không xét những tác phẩm lấy từ báo in. Mỗi tác phẩm là một bài hoặc một loạt bài (không quá 5 kỳ) dưới hình thức thông tin văn bản, âm thanh, hình ảnh hoặc đa phương tiện của cùng tác giả hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên, về cùng một sự kiện, cùng một đề tài.
Với thể loại báo nói, mỗi tác phẩm phải là một hoặc một loạt phóng sự, ký sự (không quá 5), một hoặc một loạt chương trình phát thanh (không quá 5) về một chủ đề, sự kiện phát một kỳ hoặc nhiều kỳ. Tác phẩm phải thể hiện được đặc trưng của báo nói là âm thanh rõ ràng, tiếng nói nhân vật, tiếng động, âm nhạc bảo đảm chất lượng. Thời lượng: Tối đa 60 phút/tác phẩm.
Với thể loại báo hình, mỗi tác phẩm phải là một hoặc một loạt phóng sự, ký sự, phim tài liệu (không quá 5 phóng sự), một hoặc một loạt chương trình truyền hình (không quá 5 chương trình) về một chủ đề, sự kiện. Tác phẩm phải thể hiện được đặc trưng của báo hình là hình ảnh động. Kỹ thuật hình ảnh, âm thanh phải đạt yêu cầu chất lượng, nội dung hấp dẫn và bảo đảm đúng như chương trình đã phát, không được dựng hình lại. Thời lượng: Tối đa 90 phút/tác phẩm.
Với thể loại ảnh báo chí, tác phẩm ảnh bao gồm ảnh đơn, nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh. Đối với nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh về một nội dung đăng báo có nhiều ảnh, chỉ tuyển chọn mỗi nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh không quá 10 ảnh, đăng trên cùng một số báo (đối với báo in) hoặc cùng thời điểm xuất bản (đối với báo điện tử).
Đối với các thể loại trên, nếu phát sinh các trường hợp đặc biệt Ban Tổ chức Giải sẽ xem xét cụ thể.
Năm nay, Ban Tổ chức Giải Búa liềm vàng có đưa ra một tiêu chí nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng và tác động lan toả của Giải Búa liềm vàng, đó là tác phẩm báo chí cần có phương pháp thể hiện hấp dẫn, sáng tạo; có hiệu ứng lan tỏa và tác động xã hội mạnh mẽ. Có nghĩa là sau khi đăng phát, tác phẩm báo chí phải có nhiều độc giả quan tâm, nội dung tác phẩm có giá trị tham khảo đối với các cơ quan chức năng để nâng cao chất lượng công tác, hiệu quả phục vụ, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, hoặc có giải pháp hiến kế cho cơ quan lãnh đạo, quản lý ở tầm vĩ mô hoàn thiện thể chế hoặc chính sách, góp phần tạo động lực thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước, địa phương.
Hội đồng chấm giải khuyến khích và đánh giá cao những tác phẩm mà người viết có sự dấn thân, xông pha vào nơi gian khó để phát hiện ra những tấm gương tiêu biểu, những tập thể, những địa phương có cách làm tốt; hoặc các tác phẩm mang tính phát hiện vấn đề để qua đấy phản ánh được sự quyết tâm cao độ cũng như nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhất là trong năm 2024 là năm tăng tốc để phấn đấu thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
- PV: Xin đồng chí cho biết giải pháp, định hướng để phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong công tác xây dựng Đảng?
Đồng chí Ngô Minh Tuấn: Với góc độ là Cơ quan Thường trực Giải, chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý để rút kinh nghiệm, tham mưu cho Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn trong việc lựa chọn tác phẩm. Công tác tổ chức Giải cũng sẽ hoàn thiện thêm, trong đó chú ý công tác quảng bá về Giải và về tác phẩm đoạt giải tốt hơn nữa, tạo sự lan tỏa sâu rộng thêm cho Giải Búa liềm vàng, góp phần phát huy vai trò của báo chí trong công tác xây dựng Đảng.
Trước hết, phải tiếp tục nâng tính báo chí và “chất” xây dựng Đảng trong các tác phẩm tham dự Giải Búa liềm vàng lần thứ IX - năm 2024. Phải làm cho “chất” xây dựng Đảng trong các tác phẩm báo chí dự giải sâu đậm, rõ nét và đồng đều giữa báo in với các thể loại phát thanh, truyền hình, báo điện tử và thu hẹp khoảng cách giữa cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Hằng năm, Cơ quan Thường trực Giải Búa liềm vàng đã tham mưu với Ban Chỉ đạo Giải định hướng trọng tâm tuyên truyền để tất cả các cơ quan báo chí từ Trung ương, địa phương tổ chức xây dựng các tuyến bài đậm “chất” xây dựng Đảng.
Đồng thời, trong các văn bản của Ban Chí đạo Giải đều có nội dung đề nghị các cấp uỷ đảng, cơ quan báo chí quan tâm chỉ đạo phóng viên, biên tập viên công phu trong tìm tòi chủ đề, cách thức thể hiện, thu thập thông tin, tư liệu, phản ánh đậm hơi thở cuộc sống, bám sát những trọng tâm trong công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Hơn nữa, phải làm thế nào có thêm nhiều người công tác ở nhiều lĩnh vực tham dự Giải Búa liềm vàng và nội dung những tác phẩm phủ kín hết mọi góc cạnh, mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của đất nước.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
PV