Vững tay chèo, vượt sóng cả



LTS: Năm 2020 khép lại trong bối cảnh đặc biệt khó khăn, song vượt lên chính mình, Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu với kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Thành phố không chỉ là điểm sáng của cả nước trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, mà phát triển kinh tế - xã hội là một điểm nhấn rất quan trọng khi đạt mức tăng trưởng kinh tế cao gấp 1,4 lần cả nước. Đặc biệt, Hà Nội đã để lại ấn tượng vô cùng mạnh mẽ đối với người dân cả nước ở tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước” được tỏa sáng...

Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam có loạt bài phản ánh với chủ đề “Vững tay chèo, vượt sóng cả”

Bài 1: Biến thách thức thành cơ hội 

Năm 2020, vượt qua những khó khăn, thách thức, Hà Nội đã thực hiện thành công “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa phục hồi tăng trưởng kinh tế bằng sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân Thủ đô. Hà Nội đã thành công khi “biến thách thức thành cơ hội" để phát triển.

Nỗ lực vượt khó

Năm 2020, đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội trên thế giới và ở nước ta. Là địa phương chịu tác động nặng nề nhất, có nhiều ổ dịch nhất, nhiều ca nhiễm bệnh nhất cả nước, đối diện với kẻ thù vô hình dễ lây, khó phòng nhưng Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân thành phố (TP) Hà Nội đã chung tay, chung sức, đoàn kết một lòng để tham gia phòng chống dịch COVID-19 với mục tiêu quyết tâm kiểm soát, không để dịch lây lan, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân, đưa Thủ đô vững vàng vượt qua thử thách chưa có tiền lệ. Bằng sự cố gắng, đồng lòng, đại dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội cơ bản được kiểm soát tốt. Từ đầu năm 2020 đến nay, Hà Nội ghi nhận 173 trường hợp mắc COVID-19, không có trường hợp tử vong. Ðáng lưu ý, từ ngày 17/8 đến nay, TP không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng.


Năm 2020, TP Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ, linh hoạt, hiệu quả để phát triển kinh tế góp phần làm cho diện mạo của Thủ đô ngày càng khang trang hơn

Cùng với phòng, chống dịch bệnh, TP đã thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ, linh hoạt, hiệu quả để phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Ngay từ đầu năm 2020, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND TP sớm nắm bắt, dự báo diễn biến tình hình dịch bệnh để xây dựng các kịch bản tăng trưởng phù hợp. Thường trực Thành ủy đã chủ trì, làm việc với Đảng Khối Doanh nghiệp TP và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để tìm giải pháp vượt qua khó khăn, thích ứng với dịch COVID-19; làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND TP chuyên đề về điều hành thu, chi ngân sách; về phát triển sản xuất nông nghiệp để vực dậy quyết tâm tăng trưởng ngành này phải trên 4% trong năm 2020 để nông nghiệp phải là trụ đỡ của nền kinh tế và trong khó khăn do tác động của dịch bệnh theo phương châm “ngoại thành phải chi viện cho nội thành, nội thành phải cố gắng với mức cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ được giao”,... Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đã chủ trì làm việc với một số quận, huyện để cùng nhau tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội…

Quyết tâm này lại càng thể hiện rõ tại buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với UBND TP vào tháng 3/2020, về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong đó, tập trung đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 tới sự phát triển kinh tế - xã hội của TP và các giải pháp để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu trong năm 2020. Kết luận buổi làm việc này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã khẳng định quyết tâm sẽ không điều chỉnh các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội trong năm 2020. “Và để làm được điều này, Thường trực Thành ủy yêu cầu cả hệ thống chính trị TP phải cùng vào cuộc, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch bệnh COVID-19” - Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh như vậy.



Đặc biệt, với quyết tâm tiên phong trên mặt trận phòng, chống dịch COVID-19 và mặt trận phục hồi, phát triển kinh tế, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, ngày 27/6, Hà Nội đã tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2020 - hợp tác và phát triển”. Hội nghị đã thu hút 540 doanh nghiệp, 2.000 đại biểu trong và ngoài nước tham dự. Và ngay tại hội nghị, Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 229 dự án với số vốn trên 400 nghìn tỷ đồng, tăng tương ứng gấp 5 và 11 lần về số dự án và số vốn thu hút so với Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016. TP cũng cùng các nhà đầu tư ký 36 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư là 28,6 tỷ USD. Và quyết tâm này đã được Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đánh giá: “Đây là hội nghị quy mô lớn, chưa từng có trong bối cảnh dịch COVID-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, thể hiện ý chí, bản lĩnh của lãnh đạo TP và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội”.

Kinh tế Thủ đô bật tăng trở lại theo hình chữ "V"

Khép lại năm 2020, với một loạt các biện pháp đồng bộ và sự cố gắng không mệt mỏi, dù trong khó khăn do tác động của dịch COVID-19, song Hà Nội đã hoàn thành đạt và vượt 16/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có những chỉ tiêu tưởng chừng không thể hoàn thành như: tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, kiềm chế lạm phát...

Mặc dù là lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất của dịch COVID-19, khi lượng khách du lịch đến Thủ đô giảm 70% so với năm 2019, nhưng tính chung cả ngành dịch vụ của TP trong năm 2020 vẫn tăng 3,1%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 2,7%, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng hơn 10% so với cùng kỳ...

Ngành công nghiệp và xây dựng cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng, tính chung cả năm 2020, ước tăng 6,76% và đóng góp 1,51 điểm % tốc độ tăng GRDP chung của toàn TP. Đáng chú ý, trong khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Hà Nội ước tăng 4,45% so với năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng tăng 4,3% và chiếm trên 90% trong cơ cấu ngành công nghiệp; xuất khẩu cũng tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019...

Đặc biệt, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn với mức tăng trưởng 4,2% - cao nhất trong 9 năm trở lại đây. Nông nghiệp Hà Nội đã chứng kiến sự chuyển đổi mạnh mẽ sang phát triển công nghiệp chế biến và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, kết nối các tỉnh, khai thác sản xuất theo chuỗi. Điều này đã đảm bảo sản phẩm thiết yếu cho người dân Thủ đô và tạo lưu chuyển hàng hoá cho các tỉnh về Hà Nội.

Từ nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, kinh tế Thủ đô đã “bật tăng” trở lại theo hình chữ “V”. Cụ thể, trong quý I, GRDP TP tăng 4,43%; quý II là quý chịu tác động nặng nhất của dịch COVID-19, nên tăng 2,41%; quý III phục hồi tăng trưởng đạt 3,31% và quý IV tăng trưởng mạnh, đạt 5,77%. Tính chung GRDP của TP cả năm 2020 ước tăng 3,98% - cao gấp 1,4 lần mức tăng của cả nước. Cùng với tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách là một chỉ tiêu được xác định khó hoàn thành. Song, với sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, khai thác tốt những khoản thu bền vững, Hà Nội đã “cán đích” thu ngân sách cả năm với 286.258 tỷ đồng, bằng 102,7% dự toán và tăng 6% so với năm 2019 - năm thu ngân sách cao nhất từ trước đến nay. Nếu tính cả số thu ngân sách trên địa bàn do Cục Thuế TP quản lý thì tổng thu ngân sách trên địa bàn TP có thể đạt trên 340 nghìn tỷ đồng.

Nhờ thu ngân sách của Hà Nội giữ được tốc độ tăng trưởng khá, nên TP có nguồn lực để đảm bảo các nhiệm vụ chi, nhất là chi đầu tư phát triển và đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19. Trong năm 2020, tổng chi ngân sách trên địa bàn TP ước thực hiện 87.461,9 tỷ đồng (đạt 91,5% so với dự toán sau điều chỉnh, cắt giảm). Trong đó, TP thực hiện nhiều giải pháp để tiết kiệm chi thường xuyên, dành nguồn lực cho chi đầu tư phát triển và đảm bảo an sinh xã hội. Năm 2020, TP còn đạt được tỷ lệ vốn đầu tư phát triển đến 49%, chi thường xuyên chỉ còn 51%, tiết kiệm được 3.000 tỷ đồng chi thường xuyên tiếp tục dành cho đầu tư phát triển.




Quyết tâm của cả hệ thống chính trị, kinh tế Thủ đô đã “bật tăng” trở lại theo hình chữ “V” . Hà Nội không chỉ là điểm sáng của cả nước trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, mà phát triển kinh tế - xã hội là một điểm nhấn rất quan trọng khi đạt mức tăng trưởng kinh tế cao gấp 1,4 lần cả nước

Phân tích về kết quả thu ngân sách nhà nước cũng như cơ cấu nguồn thu của Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá: Năm 2020 là năm cuối nhiệm kỳ 2015-2020, trong bối cảnh đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Hà Nội vẫn có sự ổn định và vững chắc về kinh tế, trong đó, có lĩnh vực tài chính - ngân sách. Điều này cho thấy nỗ lực rất lớn của đầu tàu kinh tế, khi đóng góp khoảng 17% tổng thu ngân sách nhà nước, riêng thu nội địa chiếm 21% tổng thu nội địa của cả nước. Để trả lời câu hỏi vì sao trong khó khăn do tác động của dịch COVID-19, song tăng trưởng kinh tế Thủ đô vẫn cao gấp 1,4 lần cả nước; thu ngân sách tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều ý kiến cho rằng nhân tố “quyết định” sự thành công của Hà Nội chính là sự chung sức, đồng lòng từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến tổ chức thực hiện.

Bài 2: Thành công từ sự "chung sức, đồng lòng"

Để trả lời câu hỏi vì sao trong khó khăn do tác động của dịch COVID-19, song tăng trưởng kinh tế Thủ đô vẫn cao gấp 1,4 lần cả nước; thu ngân sách tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều ý kiến cho rằng nhân tố “quyết định” sự thành công của Hà Nội chính là sự chung sức, đồng lòng từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến tổ chức thực hiện.

Biến thách thức thành cơ hội

Quận Hoàn Kiếm là trung tâm chính trị - hành chính, trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch của Thủ đô. Do vậy, khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra, đây là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là hoạt động du lịch, kinh doanh và giao thương hàng hóa.


Nhiều ý kiến cho rằng nhân tố “quyết định” sự thành công của Hà Nội chính là sự chung sức, đồng lòng từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến tổ chức thực hiện. 

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, tổng doanh thu thương mại - dịch vụ 11 tháng đầu năm 2020 của quận chỉ tăng 1,99% so với cùng kỳ, trong đó, doanh thu ngành du lịch giảm tới gần 77%. Thu ngân sách quận trong 6 tháng đầu năm 2020 cũng chỉ đạt 40% dự toán, trong khi quận là đơn vị được TP giao dự toán thu nằm trong top đầu, với trên 10 nghìn tỷ đồng. “Nhìn vào bức tranh kinh tế chung của toàn TP và quận trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi cho rằng nhiều khả năng sẽ khó hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội” - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm chia sẻ.

Tình hình rất khó khăn, song, với tinh thần chủ động, quyết liệt, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận Hoàn Kiếm đã nỗ lực vượt khó, triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương bằng tổng lực các biện pháp đề ra như đôn đốc, rà soát các nguồn thu, triển khai hóa đơn điện tử đến 5.200 doanh nghiệp trên địa bàn và tiếp tục triển khai đến 11.200 hộ kinh doanh cá thể và bắt đầu triển khai thu thuế đối với các hộ bán hàng online...

Theo Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn: “Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao đó, Hoàn Kiếm đạt được kết quả tích cực và khá toàn diện trên các lĩnh vực công tác. Năm 2020, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận ước đạt 10.212 tỷ đồng, bằng 102% dự toán thành phố giao, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019".

Đối với Đảng bộ huyện Phúc Thọ, Bí thư Huyện ủy Lê Thị Thu Hằng thông tin, Đảng bộ huyện xác định trong khó khăn, càng phải nỗ lực vươn lên. Xác định nông nghiệp làm trụ đỡ nền kinh tế, là ngành kinh tế trọng yếu của mình, huyện đã chủ động đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia tăng giá trị trên một đơn vị héc-ta gieo trồng. Vì vậy, năm 2020 là năm rất nhiều khó khăn nhưng cũng là năm ngành nông nghiệp có rất nhiều kết quả khả quan, phản ánh nỗ lực chung của toàn huyện. Năm 2020, huyện đã đạt và vượt 18/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Trong đó, kinh tế của huyện tăng 8,8% - đây là mức tăng cao so với bình quân chung của TP và cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 415,353 tỷ đồng, bằng 133% dự toán TP giao.

Cùng với quận Hoàn Kiếm, Phúc Thọ, hầu hết các địa phương, cơ quan, đơn vị của TP Hà Nội cũng đã có những cố gắng vượt bậc trong năm 2020. Đơn cử như huyện Mê Linh, mặc dù phải thực hiện phong tỏa, cách ly ổ dịch COVID-19 ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh nhưng huyện vẫn đạt và vượt 15/16 chỉ tiêu kinh tế - xã hội TP giao; kinh tế tăng trưởng 7,7% so với năm 2019; thu ngân sách đạt trên 1.553 tỷ đồng, bằng 157,1% dự toán được giao.

Theo Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh, kết quả đạt được của các quận, huyện, sở, ngành thể hiện rất rõ tinh thần sâu sát, quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho cơ sở của các đồng chí lãnh đạo TP. Với Thường Tín, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy tại cuộc làm việc với huyện vào tháng 6/2020 về phát huy truyền thống của Thường Tín là “Đất danh hương, huyện anh hùng” và quan điểm phát triển đồng đều, ưu tiên hạ tầng khu vực các huyện phía Nam, Đảng bộ huyện Thường Tín đã cụ thể hóa thành 3 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 8 chương trình công tác toàn khóa, với quyết tâm đưa Thường Tín lên một vị thế, tầm cao mới; phấn đấu đến năm 2026 sẽ là huyện nông thôn mới nâng cao và đến năm 2030 là một quận của Thủ đô Hà Nội.

Khẳng định sức mạnh nội lực

Theo Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa, trong năm 2020, không ai còn nghi ngờ nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Ngay từ đầu năm, các đồng chí Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo sát sao đối với ngành nông nghiệp. Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy tại cuộc làm việc với ngành nông nghiệp cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của TP trong việc phát huy sức mạnh nội tại, lãnh đạo các huyện cũng thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nông dân, theo hướng “tăng đối thoại, giảm bức xúc”, từ đó, giúp nông nghiệp từ mức tăng trưởng âm 1,17% trong quý I, đã tăng trưởng 3,5% trong quý II và cả năm 2020 đạt 4,2%.

Đối với ngành Công thương, trước tình hình đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế trong nước cũng như thế giới, ngành đã đưa ra những giải pháp có tính chất đột phá để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế cho TP Hà Nội. Phó giám đốc phụ trách Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đã tham mưu cho TP xây dựng kế hoạch kích cầu và triển khai nhiều chương trình kết nối cung cầu và chương trình khuyến mại tập trung để nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đẩy mạnh sản xuất và giảm lượng tồn kho cho doanh nghiệp; tổ chức rất nhiều những hoạt động xúc tiến thương mại với các tỉnh, TP để cân đối cung cầu trên địa bàn.

Bên cạnh đó, ngành cũng quan tâm tăng trưởng thúc đẩy phát triển thương mại điện tử để phù hợp với tình hình mua sắm của người dân trong dịch COVID-19, thúc đẩy việc không sử dụng tiền mặt, tăng cường đầu tư hạ tầng công nghiệp. Đặc biệt là trong công tác cải cách thủ tục hành chính, Sở đã đề xuất giảm thu phí lệ phí từ 30-50% cho các doanh nghiệp cũng như hỗ trợ các thủ tục hành chính trong thời điểm phải cách ly xã hội…


Nhân tố “quyết định” sự thành công của Hà Nội chính là sự chung sức, đồng lòng từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến tổ chức thực hiện

Theo Cục trưởng Cục thuế TP Hà Nội Mai Sơn, năm 2020 là năm cuối hiện thực mục tiêu hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2016-2020. Do đó, việc phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 không những ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng mà còn tác động rất lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Trước tình hình đó, Cục Thuế TP Hà Nội đã chủ động triển khai đầy đủ, đồng bộ các chỉ đạo của Trung ương và TP để hoàn thành mục tiêu kép, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế trên địa bàn, vừa bảo đảm hoàn thành mức cao nhất dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2020.

Theo đó, Cục Thuế đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tích cực đôn đốc, thực hiện các biện pháp mạnh với doanh nghiệp chây ì, đặc biệt là với doanh nghiệp có dự án, có doanh thu. Riêng về công tác thanh - kiểm tra, Cục Thuế đã thực hiện đúng tinh thần không chồng chéo, những đơn vị có dấu hiệu gian lận, vi phạm, thực hiện thanh - kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế; còn lại tập trung vào kiểm tra báo cáo tài chính, hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế.


Hà Nội tổ chức rất nhiều hoạt động xúc tiến thương mại với các tỉnh, TP để cân đối cung cầu trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển

“Khi phát hiện những vấn đề chưa thực sự đúng, chúng tôi thông báo để người nộp thuế điều chỉnh hạch toán của mình. Qua đó, đã góp phần tích cực, tạo môi trường bình đẳng cho doanh nghiệp hoạt động, góp phần vào kết quả thu ngân sách nhà nước trong năm 2020”, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội nói thêm.

Đề cập đến vấn đề thu hút đầu tư, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nói rõ: Hà Nội đã chuẩn bị kỹ càng trong vấn đề thu hút đầu tư. Do vậy, khi đại dịch được kiểm soát bước đầu, Thành ủy, HĐND, UBND TP đã có chỉ đạo các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã chuẩn bị cho công tác thu hút đầu tư đạt kết quả hết sức nổi bật. Cùng với đó, TP cũng tập trung vào triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Hoàn thiện lại toàn bộ hệ thống quy hoạch trên địa bàn TP; lập các danh mục để thu hút đầu tư cho các địa bàn, cho các lĩnh vực và các sản phẩm. TP chọn lọc các dự án có sử dụng các công nghệ cao. Từ đó, ban hành các kế hoạch, chương trình, cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền để thu hút được các dự án đầu tư nói chung và đặc biệt nhất là các dự án đầu tư vào TP.

Trong thực tế, các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Trung ương đều được Thành ủy Hà Nội quán triệt sâu sắc tới các cấp ủy, chính quyền địa phương. Thành ủy, HĐND và UBND TP Hà Nội ban hành nhiều văn bản, chủ động triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt ở tất cả các đơn vị, địa phương, trên tinh thần "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và hiệu quả".


Đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, kết quả đạt được trong năm 2020 thể hiện rất rõ sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Với tinh thần quán triệt chung, khó khăn gấp đôi thì chúng ta cố gắng gấp ba, Hà Nội đã đạt được mục tiêu tổng quát, “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi tăng trưởng kinh tế với các kết quả quan trọng, toàn diện.

Nói về những kết quả đạt được của Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhận định: Những kết quả trên thể hiện quyết tâm chính trị, sự đồng thuận, đoàn kết trong xã hội; sự nỗ lực và cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô trong triển khai và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và của TP để thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa phục hồi tăng trưởng kinh tế./.


Bài 3: Kéo dài "nhiều năm" giải quyết "một năm"

Cùng với lãnh đạo thực hiện thành công “nhiệm vụ kép”, Hà Nội còn đảm bảo được an sinh xã hội trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19. Đặc biệt, TP đã tập trung xử lý thành công nhiều vụ việc mới phát sinh, đặc biệt là những vụ việc phức tạp, tồn đọng, bức xúc từ nhiều năm được giải quyết trong năm 2020.

Không ai bị bỏ lại phía sau

Những ngày cuối tháng 9/2020, căn nhà đại đoàn kết của bà Dư Thị Phúc, ở xóm Nam Hòa 2, thôn Đặng Giang, xã Hòa Phú, huyện Ứng Hòa thật ấm áp. Chưa đầy ba tháng trước, cũng chính tại nơi này là căn nhà cấp bốn xập xệ, dột nát, tường bong tróc, mấy cây gỗ làm trụ mái hiên cũng bị mối mọt xông. Bà Phúc thuộc diện hộ nghèo của xã, tuổi đã xế chiều, sống một mình, lại thường xuyên đau ốm, cho nên dù có muốn cải tạo, sửa chữa nhà nhưng cũng đành bất lực.

Bà Phúc xúc động chia sẻ: “Nếu không có 30 triệu đồng hỗ trợ của MTTQ TP, 10 triệu đồng của huyện và xã tạo động lực, thì chắc giờ này tôi vẫn phải sống trong ngôi nhà cũ nát với nỗi lo lắng thường trực khi mùa mưa, bão tới. Sau khi có sự hỗ trợ của TP, của huyện, xã và anh em họ hàng, làng xóm, mỗi người giúp một chút, cộng với chút tiền dành dụm được, tôi đã có được ngôi nhà trị giá 150 triệu đồng cùng nhiều đồ gia dụng mới. Tôi rất biết ơn Nhà nước, TP, lãnh đạo huyện, xã, thôn và các nhà hảo tâm”.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, nhà của bà Dư Thị Phúc nằm trong 90 nhà đại đoàn kết được xây dựng từ nguồn hỗ trợ của Quỹ “Vì người nghèo” các cấp TP, sự chung tay ủng hộ của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô và đặc biệt là sự ủng hộ của các quận, huyện không còn hộ nghèo trên địa bàn TP. Theo đó, ngoài kinh phí TP hỗ trợ 30 triệu đồng/nhà với tổng số 2,7 tỷ đồng, các địa phương còn hỗ trợ từ 10 - 20 triệu/nhà. MTTQ TP Hà Nội cũng vận động các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ thêm những vật dụng, đồ dùng cho các hộ nghèo, như máy lọc nước, xoong nồi, bếp, đèn điện...



Dù phải vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa ổn định đời sống, phát triển kinh tế, nhưng với phương châm "Không để người nghèo nào bị bỏ lại phía sau", Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp TP đã tích cực tuyên truyền, vận động, ủng hộ quỹ "Vì người nghèo". Từ nguồn quỹ vận động được, gần 400 nhà Đại đoàn kết đã được xây dựng, hàng nghìn hộ nghèo được vay vốn, hỗ trợ về giống, phương tiện sản xuất, khám chữa bệnh, được nhận những phần quà khi tết đến, xuân về...

Trong năm 2020, chúng tôi có nhiều dịp theo chân Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương đến thăm, tặng quà cho các đối tượng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; khởi công, khánh thành những ngôi nhà đại đoàn kết... Trong câu chuyện với những bệnh nhân chạy thận ở xóm trọ Thanh Trì, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của họ khi nhận được sự động viên, quan tâm kịp thời và tình cảm sẻ chia yêu thương mà các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ TP cũng như cả cộng đồng đang hướng về. Qua gian nan mới thấy, trong cuộc chiến chống lại COVID-19, tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” càng sáng rõ hơn bởi các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội của TP đã luôn đồng hành, chung tay với họ trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh này.

Cụ thể, trong năm 2020, Hà Nội đã chi trả chính sách hỗ trợ người bị ảnh hưởng do COVID-19 với số tiền trên 600 tỷ đồng, đảm bảo nhanh, chính xác, đúng đối tượng. Ngoài ra, từ đầu năm 2020 đến nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh, hỗ trợ kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng, kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ để người dân yên tâm vừa phòng, chống dịch, vừa ổn định cuộc sống. TP đã bổ sung 1.020 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo, các đối tượng chính sách nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân; chi trên 100 tỷ đồng hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách, người nghèo, cận nghèo... HĐND TP đã thông qua Nghị quyết quy định một số cơ chế, nội dung mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 được Nhân dân đón nhận, đánh giá cao như: Hỗ trợ 50% tiền thuê nhà trong ba tháng đối với sinh viên đang thuê nhà tại các khu nhà ở Pháp Vân - Tứ Hiệp, Mỹ Đình II và công nhân thuê nhà tại khu nhà ở xã Kim Chung; hỗ trợ các giáo viên ngoài công lập gặp khó khăn khi tạm ngừng giảng dạy mùa dịch...

Bên cạnh đó, Hà Nội đạt những kết quả ấn tượng trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Năm 2020, toàn TP giải quyết việc làm cho hơn 180.000 người, đạt 116% kế hoạch. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh và đào tạo nghề cho 215.000 lượt người, qua đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn Hà Nội từ 67,5% vào cuối năm 2019 lên 70,25% vào cuối năm 2020, vượt kế hoạch đề ra.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho rằng: Thủ đô Hà Nội là nơi tập trung đông người dân các địa phương về sinh sống, học tập và lao động. Mặc dù phải đối mặt nhiều thách thức trong quá trình đô thị hóa, song TP luôn ưu tiên đầu tư các nguồn lực, ban hành nhiều chính sách, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng sống của người dân. Đến nay, hệ thống chính sách an sinh xã hội tại Thủ đô ngày càng hoàn thiện, đồng bộ. TP còn ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống.

Nhờ những chính sách thiết thực của TP, sự chung tay của MTTQ, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, đời sống của người nghèo đã được cải thiện, nhiều gia đình đã phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo. Năm 2020, toàn TP giảm thêm 2.500 hộ nghèo. Công tác giảm nghèo xác lập kỷ lục mới khi toàn TP cơ bản không còn hộ nghèo; 14/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo. Đáng mừng hơn, 100% gia đình người có công trên địa bàn Hà Nội có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình so với dân cư nơi cư trú. Hà Nội là đơn vị được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong công tác giảm nghèo, thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia của cả nước.

"Hoàn thành nhiều việc khó chưa có trong tiền lệ"

Điểm nhấn không thể không nói đến là cũng trong năm 2020, trong bối cảnh phải tập trung xử lý khối lượng công việc phát sinh rất lớn, Hà Nội đã tập trung xử lý các vấn đề dân sinh bức xúc, tồn đọng kéo dài nhiều năm được giải quyết trong năm, tạo được chuyển biến tích cực. Trong đó đáng phải kể đến việc hoàn thành xử lý vi phạm tại dự án số 8B Lê Trực theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chia sẻ tại cuộc họp của Thành ủy Hà Nội về xây dựng Đảng gắn với giải quyết các vấn đề phức tạp, nổi cộm trên địa bàn TP vào năm 2020, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, chủ đầu tư công trình 8B Lê Trực thường xuyên liên lạc xin gặp Bí thư Thành ủy để trình bày về dự án. “Tôi đồng ý hẹn gặp và đã ngồi trao đổi hết lẽ 4 tiếng đồng hồ với chủ đầu tư. Tôi cũng nói với chủ đầu tư đây cũng là cuộc gặp duy nhất để sau này thành phố sẽ thống nhất xử lý sai phạm”, Bí thư Huệ nói.

Theo người đứng đầu Đảng bộ TP, việc xử lý sai phạm ở công trình này cần kiên quyết, nhưng cũng phải kiên trì. Sau gần 5 tháng, ngày 5/10/2020, quá trình tháo dỡ phần vi phạm tại dự án đã hoàn thành, bảo đảm yêu cầu, cải thiện bộ mặt đô thị và trật tự an toàn giao thông. Và việc xử lý sai phạm đã đáp ứng được 3 yêu cầu của Thủ tướng vào cuối năm 2019 là: Kỷ cương pháp luật; an toàn công trình và quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.

Cùng với đó, trước những tồn tại và vướng mắc kéo dài nhiều năm của dự án Khu Liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn, trong năm 2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có nhiều cuộc họp chỉ đạo UBND TP, các sở, ngành liên quan tìm cách tháo gỡ. Các Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đối thoại trực tiếp với người dân ở khu vực có liên quan…. Và Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế, lắng nghe kiến nghị của Nhân dân và làm việc với toàn thể các bộ phận liên quan. Tại đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, người dân khu vực xử lý rác thải đã hy sinh nhiều quyền lợi cá nhân để chia sẻ với TP. Vì vậy TP, các cấp, các ngành cũng phải chia sẻ với người dân bằng tinh thần trách nhiệm cao, tính chủ động cao; vận dụng tối đa quy định của pháp luật và thẩm quyền nhưng phải công khai, minh bạch và công bằng.

Bí thư Vương Đình Huệ cũng thẳng thắn phê bình huyện Sóc Sơn chưa làm hết trách nhiệm, còn thụ động trong giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền, đẩy trách nhiệm lên TP. “Một số kiến nghị, đề xuất của người dân, huyện hoàn toàn có thể giải quyết được, nhưng chưa tích cực, chủ động và còn tâm lý đứng ngoài cuộc” –Bí thư nói và yêu cầu huyện Sóc Sơn cần nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn, chủ động hơn, xác định đây là nhiệm vụ của huyện để giải quyết, phát huy phương châm “4 tại chỗ”.

Từ những chỉ đạo căn cơ, triệt để, quyết liệt của Bí thư Thành ủy, các cấp, các ngành và huyện Sóc Sơn đã xốc lại công việc. Đến nay, tình hình tại Khu Liên hợp đã ổn định và đang triển khai theo đúng tiến độ.

Bày tỏ vui mừng trước bước tiến này, Trưởng thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Chính cho biết, người dân trong thôn cảm ơn lãnh đạo TP đã chỉ đạo quyết liệt, kiểm tra sát sao của các lực lượng nên môi trường trong thôn có chuyển biến rất rõ nét…



Riêng với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Hà Nội đã cho thành lập tổ công tác chung làm nhiệm vụ đôn đốc tiến độ. TP cũng giao Sở Giao thông Vận tải tập dượt, kết nối xe bus công cộng với các tuyến đường sắt này. Dự án đang tiến hành chạy thử trước khi vận hành thương mại.

Ngoài ra, trong năm 2020, Hà Nội đã thúc đẩy rất nhiều công trình thuộc hệ thống hạ tầng giao thông quan trọng của TP như: Dự án xây dựng đường Vành đai 2, đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở; Dự án đường Vành đai 3 đi thấp bằng cầu qua hồ Linh Đàm; Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, cầu vượt nút giao Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên… đã hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả, được cử tri và Nhân dân hoan ngênh, đánh giá cao; qua đó, nâng tỷ lệ đất dành cho giao thông lên trên 10% và giải quyết được 04/34 điểm ùn tắc giao thông, 08/35 điểm đen về tai nạn giao thông.

TP thống kê được 20 vấn đề dân sinh nổi cộm cần xử lý, trong đó có ô nhiễm không khí, môi trường, ùn tắc giao thông, trật tự xây dựng, cảnh quan đô thị... Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã chủ động mời Ban cán sự Đảng của 10 Bộ, ngành Trung ương như: Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài chính… làm việc, không chỉ góp ý vào các kế hoạch, chiến lược phát triển của Thủ đô trong 5 năm, 10 năm tới mà còn để tranh thủ sự hỗ trợ và chung tay xử lý các vấn đề dân sinh bức xúc.

Ngoài những "bài toán khó" đó, khai thác cát sỏi trái phép trước đây cũng là vấn đề rất nhức nhối của Hà Nội. Nhưng trong kỳ họp HĐND cuối năm, TP đã chất vấn quyết liệt nội dung này, sau đó xử lý nghiêm một loạt tàu khai thác cát trái phép nên đã tạo ra tính răn đe rất cao.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã nhiều lần nói: Lâu nay nhiều người vẫn nói "Hà Nội không vội được đâu", nhưng Thủ tướng cũng đã nói rồi, "Hà Nội không vội không xong". Nhiều vấn đề của TP không xử lý nhanh và ngay tức khắc, sẽ không đáp ứng yêu cầu phát triển…

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là Hà Nội chỉ có những kết quả tốt đẹp mà không còn những khó khăn, tồn tại cần khắc phục. Đó là, tuy đã rất cố gắng nhưng số lao động được giải quyết việc làm giảm, thất nghiệp gia tăng so với cùng kỳ năm trước. Công tác tuyển sinh, đào tạo nghề còn nhiều khó khăn. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của Hà Nội còn ở mức thấp. Vi phạm về bảo vệ môi trường, nhất là khai thác cát, sỏi vẫn diễn ra.

Có thể nhận định, trong suốt chiều dài lịch sử của Đảng bộ TP Hà Nội đã khẳng định rằng, chẳng khó khăn nào ngăn nổi bước ta đi.

Cùng với đó, quy mô, khối lượng, tính chất phức tạp của những nhiệm vụ ngày càng lớn, với những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao trong khi nguồn lực còn hạn chế, năng lực của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ý thức kỷ luật có chuyển biến song chưa đồng bộ; sự phối hợp giữa ngành với ngành, giữa ngành với cấp trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện một số công việc, lĩnh vực được phân công, phân cấp, ủy quyền còn bị động, thiếu chặt chẽ…

Những hạn chế này cũng chính là động lực để TP tiếp tục vươn lên để vượt qua trở ngại và thách thức trong thời gian tới. Bởi suốt chiều dài lịch sử của Đảng bộ TP Hà Nội đã khẳng định rằng, chẳng khó khăn nào ngăn nổi bước ta đi. Như lửa thử vàng, gian nan thử thách ý chí!.

Bài 4: Tỏa sáng tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước"

Là trái tim của cả nước, Hà Nội luôn cùng nhịp đập với các tỉnh, thành phố. Điều này đã là lẽ tự nhiên từ nhiều năm qua và trong năm 2020, tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước” lại càng tỏa sáng hơn bao giờ hết. Bằng sự trợ giúp hết sức thiết thực, chân tình và nồng ấm đã làm tỏa sáng nét đẹp nghĩa tình người Thủ đô đối với đồng bào cả nước.

Kết nối giao thương, mở rộng thị trường

Với hơn 10 triệu người dân sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn, Hà Nội là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn của cả nước, với mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu, có khả năng tập trung, phát luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, khả năng cung ứng của các mặt hàng trên địa bàn chỉ đáp ứng được từ 5 đến 35% nhu cầu, còn lại được khai thác từ các tỉnh, TP khác và nhập khẩu.

Nhằm phát huy vai trò đầu mối phân phối sản phẩm trong nước và xuất khẩu, triển khai hiệu quả, toàn diện các chương trình hợp tác, liên kết, TP Hà Nội đã ký kết biên bản ghi nhớ với 44 trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng thời, chỉ đạo Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, liên kết vùng, giao thương kết nối cung cầu với hơn 50 tỉnh, thành phố trong cả nước thời gian qua.

Đặc biệt, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, TP Hà Nội xác định, phải đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa thị trường trong nước giúp kinh tế phục hồi và tăng trưởng không chỉ cho Hà Nội và phải lan tỏa cả nước. Do đó, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội đã ký hợp tác với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp đưa nông sản, thực phẩm, đặc sản vùng miền qua hệ thống thương mại điện tử. Sở Công thương Hà Nội ký hợp tác với 28 Sở Công thương các tỉnh, TP liên kết, tạo kênh cung ứng - tiêu thụ sản phẩm hai chiều bền vững giữa thị trường Hà Nội và các tỉnh, TP trong cả nước…



Bí thư Thành ủy  Hà Nội Vương Đình Huệ tham quan gian hàng tại Lễ khai mạc Tuần hàng cá tra/ba sa và đặc sản Đồng Tháp tại Hà Nội 2020.

Nổi bật nhất là trong năm 2020 là nhằm hỗ trợ các tỉnh, TP trong cả nước quảng bá, kết nối giao thương tại thị trường Hà Nội, nhất là với các sản phẩm trái cây đến mùa thu hoạch, sản phẩm nông sản gặp khó khăn, đang tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, đồng thời góp phần thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năm 2020, Sở Công thương Hà Nội đã liên tiếp tổ chức các Tuần lễ trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội như siêu thị Big C Thăng Long, siêu thị MM Mega Market Hà Đông, Co.opmart Long Biên. Với quy mô hàng chục gian hàng, giới thiệu đa dạng, phong phú các sản phẩm nông sản đặc sản như cam Hà Giang, Bắc Giang; hồng Bắc Kạn, Sơn La; ổi Hải Dương…., các Tuần hàng trái cây đã được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.

Bên cạnh đó, Hà Nội hỗ trợ các tỉnh Sơn La, Hải Dương, Đồng Tháp, Hưng Yên, Quảng Ninh, Bắc Kạn… tổ chức khoảng 15 sự kiện giao thương, các tuần hàng trái cây, nông sản, thủy sản tại Hà Nội với các sản phẩm: xoài, mận, dâu tây Sơn La; vải thiều Hải Dương, cá tra, basa và nông sản Đồng Tháp, thủy sản Quảng Ninh, bí xanh và sản phẩm OCOP Bắc Kạn, cam Hưng Yên… Các sự kiện này được doanh nghiệp phân phối như Central Retail, MM Mega Market, Vinmart… hỗ trợ triển khai thực hiện, thông qua sự kiện đẩy mạnh kết nối nông sản các tỉnh, TP vào kênh phân phối Hà Nội, nhất là trong những tháng cuối năm, góp phần bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa… Đặc biệt, qua các chương trình này, TP Hà Nội sẽ định hướng các vùng sản xuất tập trung cung cấp hàng hóa giữa các địa phương với Hà Nội, để Hà Nội trở thành trung tâm kết nối, tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu cho các thị trường khác.

Chị Nguyễn Kim Oanh, phố Bác Cổ, quận Hoàn Kiếm cho biết: Nhờ Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương với từng địa phương và kích cầu tiêu dùng nội địa, những người dân không có điều kiện đi lại nhiều các vùng miền như chị được biết đến các sản phẩm nổi tiếng của nhiều địa phương ngay tại Thủ đô, không chỉ có chất lượng cao mà còn đảm bảo an toàn thực phẩm, mức giá lại hết sức hợp lý…

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan chia sẻ: Chuỗi các sự kiện kết nối giao thương thể hiện tinh thần Hà Nội sẵn sàng đồng hành cùng các địa phương trong phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, qua đó cùng các địa phương đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước, thực hiện tốt mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Đánh giá cao vai trò "đầu tàu" của Hà Nội trong việc kết nối giao thương, cung cầu hàng hóa, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng nhận định, hoạt động này đã tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, phân phối của Hà Nội và các tỉnh, TP gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường. Qua đó, xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm Việt Nam chất lượng tốt, an toàn, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ "kép" vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

"Tiếp xúc", "chia lửa" cùng người dân gặp khó

Cùng với việc giúp các địa phương kết nối giao thương, mở rộng thị trường nội địa, năm 2020, TP Hà Nội đã có nhiều hoạt động thực hiện hiệu quả, thiết thực nhằm “tiếp sức”, "chia lửa "với người dân cả nước, chung tay khắc phục khó khăn.

Cụ thể, ngay khi nắm được thông tin về tình hình thiệt hại của các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, ngày 13/10/2020, ngay tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, Hà Nội đã tổ chức phát động “Toàn dân tham gia ủng hộ miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ” và thu được số tiền ủng hộ là 312 triệu đồng ngay tại Đại hội. Cùng ngày, TP đã trích số tiền 7 tỷ đồng để kịp thời hỗ trợ Nhân dân miền Trung khắc phục khó khăn do cơn bão số 6 gây ra. Ngày 22/10/2020, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ đợt 2 cho hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình…


Các đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội khánh thành công trình 90 nhà Đại đoàn kết cho người nghèo tại lễ phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” và an sinh xã hội TP Hà Nội năm 2020.  

Giữa lúc công tác khôi phục kinh tế trên địa bàn còn ngổn ngang, tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều biến động khó lường, phát huy tinh thần “Hà Nội cùng cả nước, vì cả nước”, TP đã trích từ Quỹ “Cứu trợ phòng, chống dịch COVID-19” 1 tỷ đồng và hàng hóa trị giá 200 triệu đồng để hỗ trợ thành phố Đà Nẵng; Hỗ trợ 1 tỷ đồng cho tỉnh Quảng Nam trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, TP Hà Nội sẵn sàng chi viện cho TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam về nhân lực, vật lực phòng, chống dịch theo yêu cầu.

Bám sát diễn biến của mưa lũ, Thành ủy Hà Nội đã kịp thời chỉ đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội phát động cuộc vận động ủng hộ nhân dân miền Trung; tạo sự lan tỏa rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Cùng với những cán bộ hưu trí ủng hộ một tháng lương, những cháu nhỏ gửi toàn bộ số tiền tiết kiệm, những doanh nghiệp ủng hộ hàng tỷ đồng, mỗi cán bộ, công chức Thủ đô đều đã trích 1 ngày lương, thu về hơn 50 tỷ đồng để thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội nhanh chóng chuyển tới miền Trung ruột thịt.

Tới nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã nhận được sự đăng ký, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân cho công tác phòng chống dịch COVID-19 là 243,076 tỷ đồng; Ủng hộ khắc phục hậu quả lũ lụt với tổng số tiền và hàng hóa trị giá trên 124,8 tỷ đồng; Huy động Quỹ Vì biển đảo được 44 tỷ đồng, Quỹ Vì người nghèo các cấp khoảng 83,1 tỷ đồng. Đây là số tiền thu được lớn nhất từ trước tới nay.

Và gần đây nhất, chiều tối 8/12, TP Hà Nội tổ chức trao hỗ trợ cho đại diện 12 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên tổng số 91 tỷ đồng, gồm: Hỗ trợ các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế mỗi tỉnh 10 tỷ đồng; hỗ trợ các tỉnh Bình Định, Kon Tum, Quảng Bình mỗi tỉnh 7 tỷ đồng; hỗ trợ các  tỉnh Nghệ An, Đắk Lắk, Đắc Nông, Gia Lai mỗi tỉnh 5 tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Thế Hùng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết: “Rất xúc động vì tình cảm của Thủ đô Hà Nội dành cho đồng bào miền Trung, trong đó có tỉnh Hà Tĩnh, nhất là nhân dân bị ảnh hưởng lũ lụt vừa qua. Chúng tôi thấy trong khó khăn này cũng thể hiện được tình đoàn kết toàn dân tộc rất cao”.

Đáng chú ý, với mong muốn kịp thời san sẻ những khó khăn, mất mát với nhân dân miền Trung, những ngày cuối cùng của năm 2020, trực tiếp Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã dẫn đầu Đoàn công tác của TP Hà Nội, mang theo tình cảm nồng ấm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô tới thăm, tặng quà tại 3 tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Quảng Bình. Phát biểu tại các nơi đến thăm, tặng quà, đồng chí Nguyễn Văn Phong bày tỏ: Số tiền đóng góp tuy chỉ là một phần nhỏ để góp sức giúp đồng bào miền Trung nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống nhưng đã thể hiện những tình cảm nồng ấm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô với đồng bào miền Trung. “Hà Nội xin chia sẻ những đau thương mất mát và mong muốn đóng góp một phần để giúp nhân dân miền Trung được đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 an vui, hạnh phúc” - đồng chí Nguyễn Văn Phong bày tỏ.

Ông Bùi Văn Diệu, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi xúc động chia sẻ: “Gần 90 tuổi dù đã quá quen với thiên tai, bão lũ, thế nhưng trận bão hung hãn mà miền Trung vừa gánh chịu thì 70 năm qua chưa từng xảy ra. Những ngày cuối năm 2020, giữa chồng chất khó khăn, đón nhận sự hỗ trợ 40 triệu đồng kinh phí sửa chữa lại ngôi nhà và tình cảm của Nhân dân Thủ đô, gia đình chúng tôi không biết nói gì. Xin cảm ơn những tình cảm nồng ấm của người dân Hà Nội”.

Bên cạnh việc ủng hộ thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, nhiều cơ quan và địa phương còn tổ chức các đoàn công tác thăm, động viên và hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào miền Trung, Tây Nguyên như: Công an TP Hà Nội hỗ trợ 4,1 tỷ đồng; Thành đoàn Hà Nội hỗ trợ tiền và hàng hóa trị giá 2,5 tỷ đồng; Hội Nông dân TP Hà Nội hỗ trợ tiền và hàng hóa trị giá 700 triệu đồng; Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội hỗ trợ trên 11 tỷ đồng. Nhiều quận, huyện, thị xã của TP cũng đã tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà cho đồng bào miền Trung và Tây Nguyên.

Có thể nói, cách ứng xử nghĩa tình với các tỉnh, thành phố bạn trong cả nước đã thường trực trong suy nghĩ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Cách ứng xử ấy là một phần đáp lại tình cảm mà nhân dân cả nước đã dành cho Hà Nội. Mặt khác cũng là hành động thể hiện sự sẵn lòng chia sẻ khó khăn với người dân cả nước của người dân Hà Nội.

Nói về điều này, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng: “Trong giai đoạn thiên tai, bão lũ như vậy, những tình cảm của người dân Hà Nội đã dành cho người dân gặp khó thật sự là hết sức quý giá. Thay mặt lãnh đạo TP, tôi thật sự cảm ơn nhân dân và các cơ quan, đoàn thể, các doanh nghiệp đã hưởng ứng lời kêu gọi của MTTQ Việt Nam TP và sự chỉ đạo của Thành ủy. Qua đó chúng ta đã có được những việc làm ý nghĩa”.


Lãnh đạo MTTQ Việt Nam TP Hà Nội hỗ trợ đồng bào thị trấn Măng Đen, tỉnh Kon Tum bị ảnh hưởng bão lũ gây ra

Nhìn lại năm 2020 với bao vất vả, mất mát, mỗi người chúng ta càng thêm quý trọng hơn những ngày tháng bình yên, trân trọng hơn tình nghĩa đồng bào – vốn là một nét đẹp của mỗi người dân Việt Nam. Và nét đẹp, truyền thống “tương thân, tương ái”, nét đẹp của sự yêu thương, chia sẻ sẽ được nhân dân Thủ đô phát huy để Hà Nội cùng cả nước xây dựng cuộc sống an vui, hạnh phúc./.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất