Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy tên thật là Nguyễn Văn Hoa. Ông là một trong các phi công Việt Nam đạt đẳng cấp ACES – danh hiệu có từ thời chiến tranh thế giới thứ hai dành cho những phi công lái máy bay quân sự có số lần bắn hạ máy bay đối phương đạt con số 5 trở lên.
17 tuổi xa làng quê theo cách mạng khi mới chỉ biết đọc, biết viết, nhưng với trí thông minh, chăm chỉ và lòng yêu nước nhiệt thành, ông đã vượt mọi khó học tập, rèn luyện vươn lên trở thành một phi công giỏi, kiên cường. Trong kháng chiến chống Mỹ, giữa những ngày mưa bom, bão đạn, ông cùng đồng đội hiệp đồng tác chiến làm nên những chiến công vang dội. Giữa bầy “thần sấm”, “con ma” F4, F105 tối tân, hiện đại của không lực Mỹ, chỉ bằng máy bay Mig 17 không phải loại hiện đại, không ai nghĩ ông có thể bắn hạ tới 7 máy bay của địch trong 94 lần xuất kích bảo vệ bầu trời Tổ quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng các đồng chí phi công lập thành tích bắn rơi máy bay Mỹ năm 1966 (phi công Nguyễn Văn Bảy - người ngồi thứ hai, hàng thứ nhất từ trái sang).
Có lệnh là đi, tư thế sẵn sàng. Không chỉ có thế, ông luôn suy nghĩ cách đánh mưu trí, sáng tạo lấy ít địch nhiều. Lúc đó các chiến sĩ không quân được dạy cách đánh máy bay Mỹ với chiến thuật 4 đánh một, chia làm nhiều tầng. Tuy nhiên, cách này nếu áp dụng chỉ chiến đấu được hai ngày là hết quân nên ông Bảy nghiên cứu cách đánh 2 máy bay áp sát đánh một. Cách đánh một chiếc công kích, một chiếc bám đuôi địch để bảo vệ đã thành công. Có lần, ông chỉ nổ súng khi cách máy bay địch chừng 200m. Với chiến thuật linh hoạt và tinh thần quả cảm, can trường, quyết tâm tiêu diệt địch, bảo vệ quê hương đất nước, ông đã khiến quân địch khiếp sợ, nhiều trận phải tháo chạy khi chưa tới mục tiêu thả bom. Đồng đội của ông Bảy khẳng định: Không những người Việt Nam mà ngay cả những phi công Mỹ khi đã gặp được bác Bảy sau chiến tranh, ai cũng đều rất kính phục. Thứ nhất là đức độ, thứ hai là tài năng. Con người xuất thân từ một nông dân chân đất nhưng rất tài năng trong không chiến.
Hòa bình, giống như bao nhiêu chiến sỹ “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”, ông giữ nhiều cương vị lãnh đạo khác nhau, cùng đồng đội, nhân dân khôi phục đất nước sau chiến tranh với bao khó khăn chồng chất. Ở cương vị nào ông cũng không màng danh lợi, tận tụy với công việc, thân ái với đồng nghiệp, chia sẻ với người dân đúng chất người đảng viên cộng sản, anh bộ đội Cụ Hồ.
Nghỉ hưu, ông trở về với ruộng đồng, mảnh đất cha ông đã sinh ra, nuôi ông khôn lớn và sống cuộc đời giản dị của người nông dân. Ông sống chan hòa với bà con xóm giềng, bắt tay cùng bà con vận động "Mạnh Thường Quân" và bỏ tiền túi làm đường sá, góp sức xây dựng nông thôn mới. Ai có khó khăn, ông hay biết là sẵn sàng giúp đỡ.
Rời chiến trường, Anh hùng Nguyễn Văn Bảy là một nông dân Nam Bộ.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, khi được hỏi nếu được ước một điều, bác ước điều gì? Ông Bảy trả lời: “Ước đất nước mình luôn phát triển”. Vâng. Để đất nước luôn phát triển, Đảng và Nhân dân rất cần những cán bộ, đảng viên luôn biết tận tụy, trong sáng cống hiến cho Tổ quốc, nhân dân như ông – một bông sen thơm ngát của quê hương Đồng Tháp.
Sau những tháng ngày tung cánh bay hùng dũng trên bầu trời làm cho địch khiếp sợ, Anh hùng Nguyễn Văn Bảy đã trở về sống những giây phút tuổi già nơi ruộng đồng quê hương. Và trong những ngày thu tháng 9 này, ông lại trở về an giấc trong lòng đất mẹ Lai Vung. Người dân Đồng Tháp và rất nhiều tầng lớp nhân dân sẽ nhớ mãi về ông - một con người huyền thoại.
Đặng Thu Nga