Cô giáo người Mông gieo chữ nơi đại ngàn


                      
Cô giáo Thào Mai Lan bên các cháu học sinh mầm non.

Nỗ lực của cô giáo - đảng viên trẻ

Mai Lan tâm sự, cả gia đình cô từ tỉnh Cao Bằng vào Bảo Lâm (Lâm Đồng) lập nghiệp từ năm 1993, cũng năm đó cô được sinh ra trên vùng đất khó khăn này. Quê hương thứ hai của Mai Lan là một ngôi làng của người Mông nằm hẻo lánh cách trung tâm huyện Bảo Lâm chừng 50 km. “Làng Mông” có khoảng 50 gia đình từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào đây định cư (thuộc thôn 10C, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm). Vốn sáng dạ, hiếu học và được gia đình quan tâm, động viên, từ nhỏ Mai Lan đã học giỏi, cô mơ ước trở thành cô giáo với khát vọng cháy bỏng. Bốn năm học tại Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh là giai đoạn năng lực học tập và tài năng văn nghệ của cô sinh viên người dân tộc thiểu số “xứ núi” bộc lộ rõ nét. Với kết quả học tập tốt trong các năm học và tham gia tích cực mọi hoạt động của lớp, của Đoàn Thanh niên trường, ngay trên ghế giảng đường đại học, ngày 19-1-2016, cô sinh viên Thào Mai Lan được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tình nguyện “gieo chữ” nơi đại ngàn

Với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, đồng thời là một đảng viên trẻ người dân tộc thiểu số, Mai Lan có khá nhiều lựa chọn cho tương lai. Dù có những cơ quan, đơn vị có điều kiện công tác tốt mời Mai Lan về công tác, nhưng cô giáo trẻ quyết định về công tác tại Trường Mầm non B’Lá (xã B’Lá, huyện Bảo Lâm, cách nhà cô hơn 70 km). Đây là vùng đặc biệt khó khăn, gần 90% con em đồng bào các dân tộc thiểu số theo học. Lý do để Mai Lan có quyết định “khác người” giản dị như chính cô tâm sự: “Bản thân em là người dân tộc thiểu số nên em thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn, những thiệt thòi của con em dân tộc mình. Em muốn đem kiến thức học được truyền đạt lại để các em biết được con chữ, có kiến thức để vươn lên, để miền đất này vơi bớt gian khó, để đồng bào của em có cuộc sống tốt hơn”.

Mai Lan vẫn biết, làm cô nuôi dạy trẻ ở vùng dân cư còn nhiều lam lũ, thiếu thốn này sẽ gặp nhiều khó khăn, khi người dân còn chật vật trong cuộc mưu sinh, cơm chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm thì việc học hành của con em chưa được chăm lo là điều dễ hiểu. Cô phải đối mặt với thực trạng trẻ em trong độ tuổi không được đến trường, trẻ bỏ học giữa chừng và bao nhiêu khó khăn, thách thức khác đặt ra đối với một cô giáo mới ra trường. Nhưng quyết tâm và ước mơ cháy bỏng được “gieo con chữ” để con em dân tộc mình không bị thất học, mù chữ, để thoát nghèo đã thôi thúc Thào Mai Lan khoác ba lô lên đường nhận nhiệm vụ.

Ngoài sự quyết tâm của bản thân, cô giáo Mai Lan còn may mắn được cha ruột - ông Thào Hùng Khải (là đảng viên, hiện là Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã Lộc Thành) luôn ở bên cạnh, theo dõi, động viên, làm chỗ dựa vững chắc để cô giáo trẻ vượt qua những khó khăn trong công tác và sinh hoạt. Với ông, Mai Lan là niềm tự hào của gia đình, ông thường khuyên nhủ Mai Lan phải giữ gìn tư cách, phẩm chất của người đảng viên, phải biết đoàn kết, thân ái với đồng nghiệp, phát huy truyền thống gia đình, quê hương để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

“Điểm sáng” của ngôi trường vùng sâu

Trường Mần non B’Lá hiện có 158 học sinh, học ở 6 lớp; tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số (Tày, Nùng, Mông… chiếm 83%); toàn trường có 18 giáo viên, trong đó có 6 giáo viên dân tộc thiểu số. Trường nằm ở một xã vùng sâu, vùng xa, cơ sở vật chất dạy và học còn nhiều thiếu thốn, học sinh thường có tâm lý tự ti, thụ động, khả năng tiếp thu kiến thức hạn chế, đòi hỏi giáo viên phải am hiểu tâm sinh lý, thói quen của trẻ, đặc biệt phải yêu thương, tận tâm, kiên trì với trẻ và tận tụy với công việc.

Năm học 2016 - 2017, cô giáo Thào Mai Lan về nhận nhiệm vụ tại trường Mầm non B’Lá, ngoài dạy dỗ, chăm sóc trẻ, Mai Lan còn  được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn của trường. Nhờ có trình độ, năng lực, sự nhiệt tâm, say sưa với nghề, Mai Lan luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; cô được Ban Giám hiệu nhà trường tin tưởng, đồng nghiệp yêu mến, học sinh quý trọng.

Đặc biệt, với giọng hát bẩm sinh ngọt ngào, trong trẻo như tiếng suối ban mai (giọng ca đã từng đoạt Huy chương Vàng tại “Liên hoan tiếng hát sinh viên toàn quốc” năm 2016 - niềm tự hào của Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh), giờ đây tiếp tục cất cao giữa mái trường bé nhỏ và giữa mênh mông đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ. Hơn 2 năm vào nghề, cô giáo Mai Lan đã có mặt và đoạt giải cao trong hầu hết các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ của ngành giáo dục - đạo tạo trong huyện, tỉnh và do các ngành, đoàn thể tổ chức, mang về niềm tự hào cho thầy trò trường B’Lá thân yêu.

Cô Nguyễn Thị Ký, Hiệu trưởng Trường Mần non B’Lá cho biết: “Dù mới về công tác tại trường hơn 2 năm học, nhưng Mai Lan là một cô giáo - đảng viên trẻ rất nhiệt tình, năng động, đã có nhiều đóng góp tích cực cho trường, cô là niềm tự hào của trường chúng tôi”. Hiệu trưởng còn tiết lộ thêm, với năng lực, sự hoạt bát, trách nhiệm và uy tín, Hội đồng Giáo viên nhà trường dự kiến sẽ bầu cô Mai Lan làm Phó Chủ tịch Công đoàn của trường.

Tình yêu nghề, lòng nhiệt huyết, nhận thức không “chọn việc nhẹ nhàng” mà tự chọn cho mình lối đi riêng, tìm về nơi khó khăn, gian khổ để công tác, cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” của cô giáo - đảng viên trẻ người Mông Thào Mai Lan là tấm gương thật đáng quý, đáng trân trọng!

Cùng với tri thức, tình yêu, sức trẻ và năng khiếu hát ca, mỗi ngày cô giáo Thào Mai Lan đã và đang “thổi” vào đời sống lao động, học tập của giáo viên, trẻ em, học sinh và người dân ở buôn làng nhỏ hơi thở nồng nàn về niềm tin yêu cuộc sống, tình yêu con người vút cao bất tận.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất